Tin tức

Lời tri ân từ tiếng trống oai hùng

Nghệ nhân Thiều Quang Tùng (trái) và ông Hồ Quang Sơn - chủ tịch Hội Cổ vật Thanh Hoa - giới thiệu những chiếc trống vừa đúc để biểu diễn trong lễ hội Lam Kinh - Ảnh: T.Đ.A.S.

TT - Một trong những hoạt động được chờ đón nhất trong lễ hội Lam Kinh năm nay là lễ hội trống đồng, sẽ diễn ra tối 21-9 tại sân điện Lam Kinh (truyền hình trực tiếp trên VTV1 lúc 20g15).
Thanh Hóa là nơi đầu tiên phát hiện ra di chỉ khảo cổ học Đông Sơn (năm 1924), cũng là nơi các nhà khảo cổ học khai quật được chiếc trống đồng Đông Sơn đầu tiên. Tự hào là quê hương của nền văn minh Đông Sơn nổi tiếng, những nghệ nhân đúc đồng truyền thống xứ Thanh đã lao tâm khổ tứ trong nhiều năm để tìm hiểu bí quyết đúc trống đồng của tiền nhân. Và họ đã thành công.
Từ năm 2000, những chiếc trống đồng phục chế theo phương pháp cổ truyền của các nghệ nhân Thanh Hóa đã ra mắt công chúng.
Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi
Khi đã làm chủ kỹ nghệ phục chế trống đồng, các nghệ nhân Thanh Hóa nhắm đến mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh trống đồng như một biểu trưng của xứ Thanh. Giữa năm 2008, những người say mê sưu tầm và phục chế cổ vật Thanh Hóa trong Hội Cổ vật Thanh Hoa đã hợp lực đúc nên chiếc trống đồng và thanh kiếm lệnh dâng tặng đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và bây giờ họ đang cùng nhau tạo nên một kỳ tích mới: đúc 21 chiếc trống đồng để biểu diễn trong lễ hội Lam Kinh.
Người khởi xướng ý tưởng này là ông Hồ Quang Sơn, chủ tịch Liên chi hội Di sản văn hóa VN tỉnh Thanh Hóa, chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Cổ vật Thanh Hoa. Từng là người sưu tầm, mua bán và tham gia giám định cổ vật nhiều năm, ông Hồ Quang Sơn có niềm đam mê đặc biệt với trống đồng cổ và phục chế trống đồng. Để chuẩn bị lễ hội trống đồng lần đầu tiên xuất hiện trong lễ hội Lam Kinh, ông Sơn đã mất hàng tháng trời bôn ba vận động các hội viên trong tỉnh đóng góp tiền của và trí lực để phục chế dàn trống đồng có một không hai này.
Ông cho hay: “Dân gian lưu truyền câu Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi. Vì thế chúng tôi đúc 21 chiếc trống để biểu diễn trong lễ hội như một hình thức tri ân Lê Lai đã hi sinh cứu chúa. Vả lại, trong nghi lễ chào mừng của các quốc gia trên thế giới, người ta thường bắn 21 phát đại bác. Âm thanh của 21 chiếc trống đồng cùng ngân lên một lúc trong lễ hội Lam Kinh cũng có ý nghĩa như 21 phát đại bác chào mừng. Thực tế chúng tôi còn đúc chiếc trống thứ 22 có đường kính 580mm. Đây là chiếc trống sẽ được rước từ sân điện Lam Kinh đến đền thờ Lê Thái Tổ trong ngày 22-8 âm lịch, là ngày giỗ Lê Lợi”.
Trống đồng: lễ vật tri ân các anh hùng
Có hai nghệ nhân được Hội Cổ vật Thanh Hoa lựa chọn đúc trống. Một trong hai người đó là Thiều Quang Tùng, nghệ nhân trẻ ở xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn. Thiều Quang Tùng đã tham gia đúc biểu tượng trống đồng dâng vua Lê Thái Tổ nhân kỷ niệm 580 năm ngày giải phóng Đông Quan (15-8 năm Mậu Tý 1428), cũng là người trực tiếp đúc trống đồng tặng đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh từng vào Huế biểu diễn kỹ thuật đúc trống đồng trong Festival nghề truyền thống Huế năm 2007.
Xưởng đúc của Thiều Quang Tùng nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 17km, quy tụ một dàn thợ trẻ nhưng có tay nghề phục chế trống đồng rất cao. Thiều Quang Tùng đảm nhận đúc 11/22 chiếc trống sẽ biểu diễn trong lễ hội Lam Kinh. Anh cho biết: “Thời gian làm một trống đồng từ lúc tạo khuôn đến khi hoàn tất kéo dài 45-60 ngày, tùy theo kích thước của trống và mật độ hoa văn xuất hiện trên trống”.
Những chiếc trống đồng đúc để biểu diễn trong lễ hội Lam Kinh dựa theo mẫu của trống đồng Đông Sơn và trống Mường, chiếc lớn nhất có đường kính 790mm, cao 615mm; nhỏ nhất có đường kính 420mm, cao 295mm. Giá thành mỗi chiếc trống từ 51 triệu đồng (nhỏ nhất) đến 86 triệu đồng (lớn nhất). Toàn bộ kinh phí và công sức đúc trống đều do các hội viên tự nguyện đóng góp. Sau khi biểu diễn phục vụ lễ hội Lam Kinh, dàn trống đồng này sẽ được tặng UBND tỉnh Thanh Hóa.
Ông Hồ Quang Sơn cho biết: “Dàn trống này không làm theo lối phỏng cổ, nghĩa là không sao chép hoàn toàn hoa văn, dáng kiểu, màu sắc của trống đồng xưa, mà để nguyên màu đồng sáng ngời nhằm giới thiệu với công chúng kỹ nghệ tái chế trống đồng của Thanh Hóa. Đó là những lễ vật tri ân anh hùng dân tộc và quê hương, đất nước, chứ không phải là những món đồ giả cổ để kinh doanh”.
Trên sân điện Lam Kinh, ngay trước ba tòa Thái miếu vừa được phục dựng, ông Sơn giải thích: “Dàn trống sẽ được biểu diễn ở hai bên tam cấp dẫn lên Thái miếu. 21 diễn viên của Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn sẽ biểu diễn đánh trống theo một kịch bản đã được các nghệ sĩ và các nhà sử học nghiên cứu, dàn dựng. Một không khí oai hùng sẽ được tái hiện ở nơi linh thiêng trong đêm 21-9”.
Kỷ niệm 590 năm ngày khởi nghĩa Lam Sơn, 580 năm ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang và 575 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Lợi, tỉnh Thanh Hóa quyết định tổ chức lễ hội Lam Kinh năm 2008. Lễ hội diễn ra trong ba ngày 19, 20 và 21-9-2008.
Đây là lễ hội Lam Kinh quy mô nhất từ trước đến nay. Khu di tích Lam Kinh (thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân) và đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) là hai địa điểm trọng tâm của lễ hội.

Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24371531