Tin tức

Truyền thuyết về một số vị thần được thờ tại Phước An Miếu, phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

  • HẠ TRÚC
  • 26/07/2012

Phước An miếu hiện toạ lạc tại khu 7, phường Chánh Nghĩa do người Hoa họ Lý lập năm 1882 thờ Thất Phủ Đại Nhân. Miếu thờ Thất phủ Đại nhân có tại cố hương Trung Quốc từ rất lâu đời. Khi sang Việt Nam, định cư tại khu vực Chánh Nghĩa ngày nay người Hoa họ Lý cũng lập miếu thờ Thất Phủ đại nhân, trước tiên là để tạ ơn các vị thần đã phò trợ cho họ được an cư lạc nghiệp, sau đó là giải quyết nhu cầu tinh thần, an ủi những người xa xứ luôn nhớ và tiếp nối truyền thống tín ngưỡng từ cố hương. Cũng giống như các đền miếu của người Việt, chùa ông Bổn ngoài tượng bảy vị Đại nhân, cũng tích hợp đa thần như Trương Thiên Sư (Trương Đạo Lăng - đời Hán), Bao Công (đời Tống), Cửu Thiên Huyền Nữ… Trong bài viết này, người viết xin giới thiệu về truyền thuyết của Thất phủ đại nhân, Bảo Sanh đại đế và Trương Đạo Lăng là những nhân vật ít được biết đến hơn so với Cửu Thiên Huyền Nữ, Na Tra hay Bao Công…

 

1. Thất phủ Đại nhân

Từ trước tới nay, khi nhắc đến ông Bổn, người ta thường nghĩ rằng chỉ có một ông là ông Bổn. Những thực ra danh từ  “ông Bổn” là cách mà người Việt gọi những vị thần mà người Hoa tôn thờ với ý nghĩa là “bổn xứ” của người Hoa. “ông Bổn” của cộng đồng họ Vương - Phước Kiến, Bình Dương là Huyền Thiên Thượng Đế; người Hoa (Phúc Kiến) ở Chợ Lớn đã cụ thể hóa là Châu Đạt Quan - một vị quan đời Nguyên; người Hoa gốc Triều Châu, Hải Nam ở miền Tây Nam bộ lại cụ thể hóa là Tam Bảo Thái Giám Trịnh Hòa - người đời Minh; người Triều Châu (ở Hội An) cụ thể hóa là Phục Ba Tướng Quân Mã Viện; người Quảng Đông ở Chợ Lớn cho Ông Bổn của họ là Thần Thổ Địa…  còn ông Bổn họ Lý cũng người Phước Kiến thờ gồm 7 ông gồm các ông họ: Lịch, Chu, Quách, Tiêu, Triệu, Lý và Châu. Theo truyền thuyết kể lại rằng vào đời Đông Hán (25 - 220) có hơn 300 sĩ tử lên Trường An ứng thí. Các ông là những người lãng tử, thích thơ phú, hát hò nên thường tụ tập lại mà đờn ca diễn xướng trong một hang động nên bị Trương Tiên Sư, tên hiệu là Trương Đạo Lăng - là người chế tạo ra những bùa ngải, là thầy pháp trong cung - ghen ghét và tìm cách hãm hại. Ông lập mưu, chuốc rượu cho nhà vua say rồi ban ra một chiếu chỉ nhằm giết hết những sĩ tử nọ. Ông Trương Đạo Lăng đem chiếu chỉ của nhà vua,làm phép làm cho cửa hang sập xuống, chôn vùi toàn bộ hơn 300 người. Những oan hồn  của các sĩ tử liên tục hiện lên hỏi nhà vua vì sao lại giết họ. Nhà vua đem giấc mộng hỏi lại Trương Đạo Lăng. Trương Đạo Lăng bèn lấy ống tre, làm phép nhốt hết những linh hồn của họ lại rồi thả xuống sông cho trôi ra biển. Nhưng ống tre đó không trôi ra biển mà dạt vào bên bờ. Đám ăn mày thấy lạ liền vớt lên, mở lớp vải bọc đầu ống tre ra, lập tức hồn mấy ông thoát ra và lại hiện về hỏi Vua. Nhà Vua lần này hiểu rõ sự tình, vừa hối hận vì đã vô tình làm chết oan người, vừa thương tiếc tài năng của họ nên bèn ra chỉ dụ phong cho ai ở họ nào thì làm đại nhân họ đó và người nào ở vùng nào thì nhân dân vùng đó lập miếu thờ cúng. Huyện An Khê, tỉnh Phước Kiến có 7 người trên nên lập miếu thờ các vị.

Khi người An Khê di cư sang đây đã mang theo luôn văn hóa thờ cúng của họ và lập miếu thờ 7 ông. Đầu tiên, họ chỉ mang tượng của 5 ông, sau này mới thêm tượng ông họ Châu và tượng ông họ Lịch là tượng cuối cùng được đem sang. Hàng năm cúng có hai lễ hội lớn là lễ hội rằm tháng giêng (16 - 2) rước các ông đi tuần du thăm thú đời sống của bà con và tảo trừ yêu quái và lễ hội 12 - 8, gọi là lễ mừng Sinh nhật ông. Khi rước, vị trí của các ông cũng không thay đổi. Có năm, người ta vì sơ ý mà để nhầm vị trí của ông họ Tiêu lên trước ông họ Quách thay vì ông họ Quách rồi mới tới ông họ Tiêu, lập tức khi rước cốt ông nhảy lên đòi đổi lại vị trí. Từ đó người ta càng biết thêm uy danh của các ông mà không dám sơ suất. Vì Thất phủ đại nhân là nhân thần nên lễ vật có cả đồ chay, đồ mặn chứ không phải chỉ có dỗ chay như ông Bổn - Huyền Thiên Thượng Đế của người Hoa Phước Kiến họ Vương. Đây cũng là một trong những đặc điểm khác biệt dễ nhận thấy khi phân biệt hai đối tượng thờ cúng của hai họ Lý và họ Vương.

2. Bảo Sanh Đại đế

“Bảo Sanh Đại Đế” còn có tên gọi là Đại đạo Công, Ngô Chân Quân. Ông người họ Ngô tên Thao - Người quê Bạch Tiêu, huyện Long Hải, tỉnh Phúc Kiến, triều đại nhà Tống. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo khó, từ nhỏ đã có tư chất hơn người, học rộng thông hiểu mọi sách vở, tinh thông y dược, biết cả luyện đan châm cứu. Ông đi hành nghề khắp chốn, chữa bệnh như thần, là cao nhân chữa bệnh cho phụ nữ, còn là chuyên gia chữa bệnh sản nhũ (đau vú). Đương thời các danh y nổi tiếng như Hoàng Y Quan, Trình Thân Nhân, Tiên Cô… đều là đệ tử của ông. Ông còn sáng tác nhiều tác phẩm về y học cổ truyền lại cho đời sau.

Theo truyền thuyết, khi mẹ Nhân Tông Hoàng đế bị nhũ tật. Các vị thái y đều bó tay vô kể. Cuối cùng phải nhờ tay ông chữa trị. Thầy thuốc đến, bệnh tiêu tán.

Nhân Tông Hoàng đế vô cùng phấn khởi,mời ông ở lại làm ngự y trong cung. Ngọc  Chân Quân tâu: “Chí của thần là ở tư chân” (sửa sang chân tính), tù bi cứu thế!, vinh hoa phú quá không phải điều mong muốn của thần!.

Nhân Tông nghe tâu thế nhà vua vô cùng cảm phục, không miễn cưỡng bắt ông ở lại. Ông trở về với nhân dân, dùng kỹ thuật châm cứu cách chữa trị tuyệt vời của mình để cứu dân độ thế, cứu sống được bao người.

Khi ông qua đời, Bạch Tiêu quê hương thân yêu của ông lập đền thờ để kỷ niệm, sau đó Cao Tông lên nối ngôi nghe biết chuyện vị thần y này đã chữa khỏi bệnh cho tổ mẫu của nhà vua liền lệnh cho nhân dân theo địa chỉ Thu Long xây dựng một toà vũ miếu huy hoàng tráng lệ tức là cung “Bạch Tiêu Từ Tế”.

Đến đời nhà Minh, những đệ tử được Ngô Thao truyền lại, lại chữa trị khỏi bệnh nhũ tật (Đau vú) cho Vĩnh Lạc Hoàng Hậu. Vĩnh Lạc Đế đặc sai thợ khắc một con sư tử đá - “Quốc Mẫu Sư” vận chuyển đến cung Bạch Tiêu. Từ Đế cấp cho vị Bảo Sanh Đại Đế đã trở thành Thần Y - Ngô Thao “Quốc Mẫu Sư đặc kỳ” này hiện nay vẫn còn trong tổ miếu, con  sư tử đá này tay phải giơ cao tượng Thân Sư Ngô Tốt (Ngô Thao).

Khi di cư sang Việt Nam, người Hoa cũng đem theo cả văn hóa thờ ông, người Hoa họ Lý - Phước Kiến lập bài vị ông thờ tại Bích Liên Đình, thỉnh ông cùng Phật Bà Quan Âm và Quan Thánh Đế Quân cùng tuần du với 7 ông Bổn trong ngày rằm tháng giêng. Trong lễ hội 12 - 8 (sinh nhật Ông) thường có tục lên đồng cốt. Người dân không chỉ trông đợi cốt của Thất phủ đại nhân lên mà còn rất trông đợi cốt của Bảo Sanh Đại Đế. Bởi khi lên cốt, những người có bệnh khó chữa hoặc những người làm nghề y đến xin Ông chỉ cho bài thuốc chữa bệnh. Ông nhảy lên kiệu, mọi người vui mừng khiêng đi. Dọc đường đi ông chỉ loại cây cỏ nào thì đó là những cây thuốc, đem về chữa bệnh rất công hiệu nên sự tin tưởng và tôn kính đối với ông rất lớn. Người Hoa quanh vùng còn tin tưởng đem bùa của Ông về dán tại cửa nhà hay đem theo mình để bệnh tật không thể xâm phạm được và cũng thể hiện ước vọng được mạnh khỏe, không đau ốm, bệnh tật cho bản thân và những người trong gia đình.

3. Trương Dạo Lăng.

Người sáng lập ra Đạo giáo là Trương Đạo Lăng vốn ở đất Phong thuộc nước Bái (nay là huyện Phong tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) thời Đông Hán. Ông đã từng là quan huyện ở huyện Giang Châu dưới triều Thuận Đế (năm 126 - 144 sau Công nguyên) đời Đông Hán. Ông đưa đệ tử tới Hạc Minh Sơn ở Tứ Xuyên để tu dạo. Vì những người nhập  đạo phải nộp năm đấu gạo nên đạo này có tên là “Ngũ đẩu mễ đạo” (Đạo năm đấu gạo). Đạo này thờ Lão Đam tức là nhà triết học cổ đại Lão Tử làm giáo chủ, tôn xưng Lão Đam làm “Thái thượng lão quân”, lại lấy sách “Đạo đức kinh” của Lão Tử và “Chính nhất kinh” làm hai kinh điển chủ yếu. Sau khi Trương Đạo Lăng qua đời, con trai ông là Trương Hoành và cháu ông là Trương Lỗ tiếp tục truyền đạo và tôn Trương Đạo Lăng làm “Thiên Sư”. Tương truyền rằng, ông Tổ của Trương Tiên sư được một vị tiên chỉ cho rằng nếu vào núi, mặc áo quan rồi ngồi trên ghế thì bản thân và con cháu sẽ được làm quan. Ông y lời, vào trong núi thì thấy đúng là có một chiếc ghế thật. Mừng quá, ông quên không mặc áo quan mà ngồi luôn lên ghế, chiếc ghế liền sụp xuống hố. Ông bị nhốt trong đó mà tu thành đạo pháp. Con cháu đời sau của ông không ai làm quan mà đều làm thầy pháp, có yêu thuật, làm ra bùa gọi là bùa Lỗ Ban.

Trong lễ hội tại Phước An miếu, ta có thể thấy nghi lễ khi cúng tế là của Đạo giáo và được thực hành bởi thầy pháp - những đệ tử của Đạo Thiên sư. Vì vậy đó là lý do tại sao thờ ông tổ Đạo giáo Trương Đạo Lăng. Tại Bình Dương, thầy pháp chỉ còn hai thầy là thầy pháp Lý Kim Tịnh và thầy pháp Vương Sáng thay nhau thực hành nghi lễ tại những lễ hội của hai họ Vương và họ Lý Phước Kiến bởi nghi thức tại những chùa ông Bổn họ Vương Phước Kiến cũng mang màu sắc Đạo giáo.

Những truyền thuyết là những câu chuyện có thật về một sự kiện, một nhân vật nào đó và đã được thêm thắt để mang màu sắc huyền bí qua nhiều thế hệ. Qua những truyền thuyết đó, ta tìm thấy sự thật. Sức sống mãnh liệt, trường tồn của truyền thuyết không chỉ vì được ghi chép qua sách vở mà là qua những dạng động như qua truyền miệng, qua lễ hội….

Những lễ hội đầy màu sắc của người Hoa đã làm phong phú thêm bức tranh văn hóa Bình Dương cũng như những truyền thuyết càng làm dồi dào thêm nền văn hóa dân gian của tỉnh nhà.

HẠ TRÚC


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24778796