Đình Phú Long – Ngôi đình được nhận là di tích lịch sử - văn hoá kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia
- 25/07/2012
Tên đình, địa điểm: Đình Phú Long còn gọi là Phú Long linh miếu tọa lạc khu 5 ấp Hòa Long, thị trấn Lái Thiêu, huyện Thận An (nay là phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An), tỉnh Bình Dương. Từ trụ sở Ủy ban nhân dân thị xã Thuân An, theo Quốc lộ 13 cũ, đi về thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1 km nhìn bên phải gặp cổng chính của đình Phú Long, đi khoảng 200m sẽ đến đình.
* Quá trình xây dựng và Trùng tu: Đình Phú Long do cư dân người Việt tại tổng Bình Chánh Thượng huyện Bình An xây dựng vào khoảng năm 1842 (có tài liệu cho là vào năm 1822 nhưng cả hai niên đại này chỉ là phỏng đoán theo sự truyền khẩu từ các vị cao niên). Nhưng chắc chắn đình có trước năm 1853 (niên hiệu Tự Đức thứ 5, năm được nhà vua phong sắc cho đình).
Lúc đầu, đình được xây dựng bằng tre gỗ, nền đất thô sơ. Sau đó đình được trùng tu nhiều lần vào các năm 1865, 1935, 1997,… nhưng lần sửa chữa 1865 có quy mô lớn với việc xây tường bằng vôi gạch, mái lợp ngói gần giống hiện trạng ngày nay.
Đình nằm ở một vị trí thuận lợi cho việc lui tới lễ bái; sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của cư dân trong vùng, nhất là ở trên vùng đất có phong cảnh xanh đẹp, rợp bóng nhiều cây cổ thụ. Mặt tiền của đình quay về hướng Nam, nằm cạnh bờ sông Sài Gòn lộng gió.
* Kiến trúc và thiết trí ngôi đình: Đình được xây dựng kiểu chữ tam (三 ) theo lối “trùng thềm điệp ốc”, lợp ngói âm dương, nền lót gạch hoa, diện tích xây dựng là 1258m2 trên khoảng đất rộng hơn 1hecta. Ngôi chánh điện gồm: tiền, trung và hậu điện. Tiền điện hình chữ nhật (日 ) ba gian, hai chái, mái được làm hai lớp. Trên trần nhà, chánh điện hai bên đầu hồi là hai lỗ tròn có nắp đậy che mưa nắng tạo thành một nóc kín. Chính nóc kín này về sau được vận dụng làm nơi ẩn náu rất tốt cho các hoạt động của nhiều lớp cán bộ chiến sĩ cách mạng tại địa phương trong suốt thời kỳ tiền cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến các thời kỳ kháng chiến chống xâm lược Pháp Mỹ sau này. Do thiết kế và vị trí đặc biệt nên sự tồn tại của ngôi đình, ngoài việc đây là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, còn luôn gắn liền với hoạt động đấu tranh yêu nước của nhân dân trong vùng. Bằng chứng là sau ngày giải phóng, khi tôn tạo lại ngôi đình, người ta phát hiện ở nóc đình nhiều thứ như cờ đỏ sao vàng, cờ mặt trận giải phóng, võng ni công, mũ cối, thuốc đỏ, bông băng cứu thương,…. Theo các cụ Tư Biết, Năm Hoặc, Năm Huệ ( đều ở tuổi 80, 90) nguyên là đoàn viên thanh niên Tiền phong trong thời kỳ khởi nghĩa và là cán bộ bí mật trong kháng chiến, cho biết đã từng ẩn náu ở đây,.. vì nơi này là một địa điểm rất thuận lợi cho việc phục vụ các hoạt động cách mạng qua nhiều thời kỳ.
Trở lại kiến trúc của đình, toàn bộ mặt tiền, phần bê tông được cẩn bằng mãnh gốm sứ đầy màu sắc tạo nên vẽ đẹp độc đáo của nghệ thuật gốm sứ truyền thống trong kiến trúc đình chùa tại Thủ Dầu Một. Mái võ ca được trang trí bốn con lân đứng hàng ngang hướng về sân đình, hai đầu hồi là hai rồng dao. Trên mái Trung điện, ở giữa có hình nhật nguyệt, đầu hồi là hình Long, Lân, Qui, Phụng. Phần mái hậu điện cũng có các hoa văn cá hóa long, lưỡng long trân châu. Nhà đông lang hai bên trang trí rồng, giữa là đầu lân, long mã, các con thú và cây quả. Hai bên nhà đông lang là hai con Phụng, giữa là hình nhật nguyệt.
Phần sân đình có ba cổng, bên phải là cổng Tấn điền (thêm ruộng đất), bên trái là cổng Tấn lộc ( phát tài lộc), giữa là cổng Lạc phú ( giàu có vui vẻ).
Tiền điện được tiếp liền sân khấu ngoài trời, nơi trình diễn tuồng tích, hát xướng phục vụ Thần, nên sân khấu luôn hướng về bàn thờ Thần. Đây cũng là nơi tổ chức lễ tế thần,...Toàn bộ tiền điện có gắn bao lam bằng gỗ được chạm thủng về các đề tài hoa trái như Mai, Lan, Cúc và Lựu, Nho, Chuối để tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Đặc biệt là khoảng cách giữa trung điện và chánh điện có một bao lam ghép gốm sứ men màu xanhtrang trí các hình Long, Lân cảnh hội Bát tiên, Long hải tướng quân, cá hóa rồng,…
Chính giữa Chánh điện là án thờ sắc thần Thành Hoàng Bổn Cảnh được vua Tự Đức ban tặng ( vào ngày 8/1/1853), hai bên thờ Tả Ban và Hữu Ban. Ở đây còn thờ các vị có công với làng với đình theo thứ tự từng án thờ có lập bài vị. Riêng án thờ được đặt cao nhất là hình một chiếc ghế dựa bằng gỗ hình vuông, chạm thủng hình Mai, Lan, Cúc, Trúc, với long vị đắp nổi trông rất uy nghi (gọi là ngự)
Gian đầu hồi, bên trái đặt bàn thờ Ngũ Hành Nương Nương, bên cạnh đặt một cái mõ dài 1,8m, bên phải đặt bàn thờ ông hổ, bên cạnh có một cái trống để sử dụng vào các dịp cúng tế lễ hội.
Các bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền cũng được thờ phụng tôn nghiêm. Từ ban công nhìn thẳng vào chánh điện, có hàng lỗ bộ gồm nhiều loại binh khí với bốn cặp hạc đứng trên lưng rùa.
Hai cửa trung môn nối liền với Đông lang, Tây lang, là nơi chuẩn bị lễ vật cúng Thần, ngày thường là nơi giải quyết một số công việc của cộng đồng xã thôn. Ngoài ra đình còn có nhà bếp đầy đủ tiện nghi để phục vụ các lễ tiệc ngày hội đình.
Đình Phú Long được trang trí theo lối cổ lầu, tất cả hoành phi, liễn, câu đối đều được sơn son thếp vàng màu sắc rực rỡ và có nội dung chúc tụng sơn hà xã tắc bền vững dài lâu, xưng tụng công đức của tiền nhân, thần thánh. Cách trang trí chạm trổ các đề tài qua hình tượng các, linh vật tượng trưng tiêu biểu làm nổi bật lên sức mạnh quyền lực của Rồng, sự trang trọng của Phụng, mạnh mẽ của Lân và phúc thọ của Hạc trên lưng Rùa, tất cả đầy vẽ tôn nghiêm cổ kính. Điều đó cũng thể hiện được tài năng của các nghệ nhân địa phương qua bàn tay khéo léo, và khối óc đầy sáng tạo của họ.
Đây là ngôi đình cổ có kiến trúc, thiết trí, vật dụng thờ cúng tế lễ rất phong phú đa dạng, nhất là việc sử dụng vật liệu gốm sứ địa phương trong trang trí kiến trúc của đình
* Văn hóa Hán Nôm tại đình: Ngoài văn bản sắc phong thần Thành Hoàng Bỗn Cảnh của đình do vua Tự Đức phong được bảo quản tốt ( hiện để tại nhà ông trưởng ban quí tế Lê Văn Ngọc, khi cúng đình sắc thần được rước bằng kiệu đến Đình để hành lễ) trong một chiếc hộp gỗ khóa kỹ, khi có lễ cúng mới được mở ra. đình còn giữ được nhiều liễn đối hoành phi rất phong phú, được cẩn ốc xà cừ hoặc sơn son thếp vàng có nội dung ý nghĩa rất hàm súc, giá trị về đạo đức tâm linh.
- Về câu đối: đáng chú ý đầu tiên là cặp đối“ quán thủ hai chữ Phú Long” vì có hai chữ đầu vế đối ghép thành tên ngôi đình (Phú Long )
1 Cặp đối thứ 1:
Chữ hán:
富 足 村 中 百 姓 合 和 康 泰
隆 安 門 內 萬 家 事 業 平 安
Phiên âm:
Phú túc thôn trung bách tính hợp hòa khang thái
Long an môn nội vạn gia sự nghiệp bình an
Tạm dịch:
Thôn ấp no đủ, cuộc sống trăm họ an vui
Gia khang hòa thuận, sự nghiệp vạn nhà bền vững
Cặp đối thứ 2: Xưng tụng tước hiệu thần Thành Hoàng của đình là Bảo An Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng.
Chữ hán:
聖 德 光 輝 保 安 正 直
神 恩 照 燿 佑 善 敦 凝
Phiên âm:
Thánh đức quang huy bảo an chánh trực
Thần ân chiếu diệu hữu thiện đôn ngưng
Tạm dịch:
Đức của thánh chói sáng, giữ gìn ngay thẳng
Ơn của thần chiếu rọi, làm cho điều thiện không ngừng rạng rỡ
Cặp đối thứ 3:
Chữ hán:
濯 濯 欷 靈 德 護 生 靈 皆 康 泰
洋 洋 在 上 恩 扶 世上 得 平 安
Phiên âm:
Trạc trạc hy linh đức hộ sinh linh giai khang thái
Dương dương tại thượng ân phù thế thượng đắc bình an
Tạm dịch:
Đức linh thiêng trong sạch, che chở sinh linh được khỏe mạnh
Ơn trên phong phú, phù hộ nhân dân được bình an
Cặp đối thứ 4:
Chữ hán:
自 古 咸 歌 沐 德 四 民 利 樂
由 今 共 佈 霑 恩 萬 物 康 荘
Phiên âm:
Tự cổ hàm ca mộc đức tứ dân * lợi lạc
Do kim cộng bố triêm ân vạn vật khang trang
Tạm dịch:
Tự cổ ngợi ca, đức sáng ngời tứ dân được lợi lạc
Do nay cùng có công khai hóa, muôn vật được khang trang
“ Tứ dân”: sĩ, nông công thương. Cặp đối này quán thủ hai chữ “tự do”
Cặp đối thứ 5:
Chữ Hán:
聖 德 及 君 家 萬 古 發 地 靈 人 傑
神 恩 施 衆 康 千 秋 憑 物 阜 民 康
Phiên âm:
Thánh đức cập quân gia vạn cổ phát địa linh nhân kiệt
Thần ân thi chúng khang thiên thu bằng vật phụ dân khang
Tạm dịch:
Đức của thánh đến với nhân dân muôn thủa phát địa linh nhân kiệt
Ơn của thần ban dân chúng, ngàn đời vật phú dân khang
Cặp đối thứ 6:
Chữ Hán:
詩 書 德 樂 滿 室 昆 榮 花 享
慈 孝 友 泰 乃 壹 堂 吉 慶 受
Phiên âm:
Thi thư đức lạc mãn thất côn vinh hoa hưởng
Từ hiếu hữu thái nãi nhất đường cát khánh thụ
Tạm dịch:
Thi thư lễ lạc đầy nhà, ấy là được hưởng vinh hoa
Từ hiếu hạnh thái bình, là con đường tốt được hưởng thọ
Cặp đối thứ 7:
Chữ Hán:
聖 德 大 而 高 求 必 靈 禱 必 應
神 功 宏 且 遠 視 無 形 聽 無 聲
Phiên âm:
Thánh đức đại nhi cao cầu tất linh đảo tất ứng
Thần công hoành thả viễn thị vô hình thính vô thanh
Tạm dịch:
Đức của thánh lớn lao và cao siêu, cầu tất ứng nghiệm, xin tất sẽ được
Công của thần to lớn và xa xôi, xem không thấy hình, nghe không có tiếng
Về các bức hoành: các bức hoành được trang trí công phu, nét chữ đẹp và sắc sảo:
1. 照 普 恩 神
Thần ân phổ chiếu:( ơn thần chiếu rộng)
2. 泰 開 恩 慈
Từ ân khai thái (ơn lành mở vân thái)
3.恩 神 仰 景
Cảnh ngưỡng thần ân (chiêm ngưỡng ơn thần)
4. 濡 霑 露 雨
Vũ lộ triêm nhu (mưa móc thấm lâu)
5. 坤 乾 普 德
Đức phổ càn khôn (đức tỏa khắp đất trời)
6. 護 國 庇 民
Hộ quốc tý dân ( giúp nước cứu dân)
7. 照 普 光 祥
Tường quang phổ chiếu (điểm lành chói rạng khắp nơi )
8.坤 乾 配 德
Đức phối càn khôn ( đạo đức hòa hợp trời đất )
9. 殿 正 修 重
Trùng tu chánh điện (trùng tu chánh điện)
* Bàn thờ tiền hiền:
Câu đối:
Chữ Hán:
前 代 怡 祿 由 法 澗
賢 人 法 世 在 書 礼
Phiên âm:
Tiền đại di lộc do pháp giản
Hiển nhân pháp thể tại thư lễ
Tạm dịch:
Thời trước vui hưởng phúc lộc là do bởi giữ theo phép tắc
Người tài giỏi giữ phép tắc là do học theo được sách lễ
* Bàn thờ hậu hiền:
Chữ Hán:
後 則 知 前 而 制 造
今 由 念 右 放 崇 修
Phiên âm:
Hậu tắc tri tiền nhi chế tạo
Kim do niệm hữu phóng sùng tu
Tạm dịch:
Người sau biết bắt chước người trước mà tạo dựng
Nay do nhớ lại việc xưa mà tu sữa sang trang
Bàn thờ ngũ hành:
Câu đối:
五 濟 三 江 通 世 界
行 恩 四 洚 顯 乾 坤
Phiên âm:
Ngũ tế tam giang thông thế giới
Hành ân tứ giáng hiển càn khôn
Tạm dịch:
Cứu giúp năm hướng, ba sông thông thế giới
Làm phước bốn phương vang dội đất trời
* Sắc Thần đình Phú Long
Nguyên văn chữ Hán:
敕 富 隆 城 隍 之 神 原 贈 保 安 正 直 佑 善 之 神 護 國 庇 民 稔 著 靈 應 肆 今 丕 膺
耿 命 神 庥 可 加 贈 保 安 正 直 佑 善 敦 凝 之 神 仍 凖 平 安 縣 富 隆 村 依 舊 奉 事 神 其 相 佑 保 我黎 民 欽 哉
嗣 德 五 年 拾 壹 月 貳 拾 玖 日
Phiên âm:
Sắc Phú Long Thành Hoàng Chi Thần, nguyên tặng Bảo An Chánh Trực Hữu Thiện Chi Thần, hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng tứ kim phi ưng.
Cảnh mệnh thần hưu khả gia tặng Bảo An Chánh Trực Hữu Thiện Đôn Ngưng Chi Thần. Nhưng chuẩn Bình An huyện, Phú Long thôn y cựu phụng sự thần. Kỳ tương hữu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Tư Đức ngũ niên thập nhất nguyệt nhị thập cửu nhật
Tạm dịch:
Sắc Phú Long Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh vốn đã được tặng là “Thần Bảo An Chánh Trực Hữu Thiện” giúp nước cứu dân linh ứng đã lâu. Nay Ta (Trẫm) vâng theo mệnh trời, nhớ lại đức tốt của thần, nên gia tăng “Thần Bảo An Chánh Trực Hữu Thiện Đôn Ngưng”. Chuẩn cho thôn Phú Long, huyện Bình An phụng thờ Thần như cũ. Thần phải giúp đỡ, bảo vệ dân đen của ta. Hãy nghe theo sắc lệnh này!
Ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ V (1853)
* Các hiện vật quý còn lưu giữ tại đình.
Ngoài sắc thần và hộp đựng sắc thần, đình còn lưu giữ được các hiện vật cổ có giá trị như:
- Ba án thờ bằng gỗ chạm, lộng
- Hai hàng lỗ bộ cao 0,8m cùng với các loại binh khí: chày, dao, búa, trượng.
- Một bài vị chạm nổi
- Một bài vị sơn son thếp vàng
- Một long vị chữ lộng nổi có mão
- Mười cặp câu đối (liễn) cẩn ốc xa cừ, hoặc sơn son thếp vàng
- Tám hoành phi sơn son thếp vàng
- Hai cặp hạc đứng trên lưng rùa cao 3m
- Hai cặp hạc đứng lưng rùa cao 0,8m
- Một kiệu rước sắc thần
- Ba lư bằng gốm
- Một cái trống
- Một cái mõ
* Các sinh hoạt, lễ hội của đình: Cho đến nay đình vẫn còn giữ được một số hoạt động sinh hoạt cộng đồng luôn gắn với ý thức truyền thống dân tộc qua các lễ hội hàng năm và định kì. Hằng năm dân chúng tập trung về đây đông nhất là vào dịp lễ cúng Kỳ yên, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa (vào các ngày 17, 18 tháng 8 âm lịch).
* Các lễ hội cúng đình tại đây trong năm:
Ngày 1/1 âm lịch: lễ Chúc xuân, cầu phước lộc
Mùng 7/1 âm lịch: cúng Khai hạ
15/1 âm lịch: cúng rằm đầu năm (Nguyên Tiêu)
1/5 âm lịch: cúng ông Hổ
Ngày 24/6 âm lịch: cúng ngải Quan Đế
Ngày 15/7 âm lịch: cúng rằm, họp bàn giỗ tổ ông
Ngày 17-18/8 âm lịch: cúng Kỳ yên, giỗ ông, dân chúng tập trung đông nhất.
15/10 âm lịch: cúng rằm, họp mặt, công khai tài chánh
29/11 âm lịch: cúng an, ngày an vị (ngày kí vào sắc thần)
25/12 âm lịch: cúng đưa ông, đặc biệt ngày lễ cúng Kỳ yên đáo lệ cứ ba năm cúng 1 lần (cúng ba ngày) có rước đoàn hát bộ về đình phục vụ bà con đến viếng lễ thần, được xem những tuồng tích có chủ đề lựa chọn, để nhớ về tổ tiên cội nguồn dân tộc.
Sơ lược diễn tiến lễ kỳ yên tại Đình Phú long:
- Ngày 17/8 âm lịch lúc 12 giờ cúng Khai môn (mở cửa) lúc 15 giờ ban lễ hội cúng tế, có học trò lễ xin phép thỉnh sắc thần từ nhà ông Ngọc (Trưởng Ban quý tế, nơi bảo quản sắc thần) về an vị tại đình, 18 giờ khách các chùa đình, miếu khác đến cúng, tưởng niệm cầu an.
- 18/8/ âm lịch lúc không giờ: lễ cúng chính thức được bắt đầu, 3 giờ sáng lễ cúng tử sĩ, 8 giờ sáng tiếp khách thập phương đến cúng viếng, cầu an, 15 giờ lễ kết thúc bằng việc thả con thuyền giấy lớn (đặt trên một chiếc bẹ chuối) xuống sông để tống khứ những gì khó khăn, mắc mớ cần xua đuổi của dân làng. Ban tổ chức tiễn khách ra về. Ở lễ Kỳ yên đáo hạn ba năm 1 lần (cúng lớn) có đoàn hát bộ về phục vụ dân làng, thêm một buổi tối 18/8/ âm lịch.
Việc bảo quản trùng tu ngôi đình luôn được chính quyền và nhân dân ở địa phương tích cực quan tâm, lần trùng tu phần, mái phía sau của đình mới diễn ra 1997.
Với quá trình hình thành luôn gắn liền lịch sử mở đất và giữ nước của địa phương và với qui mô giá trị về nghệ thuật kiến trúc, sự phong phú đa dạng về thiết chế thiết trí thờ phượng cũng như nét đặc thù trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của một ngôi đình ở miền đông Nam Bộ, đình làng Phú Long đã được Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây công nhận là Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (Quyết định số 53/QĐ –VHTT, ngày 28.12/2001). Đây là ngôi đình duy nhất và sớm nhất được công nhận là Di tích cấp Quốc gia của tỉnh Bình Dương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lý Tế Xuyên, Việt Điện U Linh, Trịnh Đình Ru dịch, Nxb Văn học, H. 1972, trang 59, 61
2. Từ điển Bách Khoa Việt Nam Q1, xuất bản 1995 (trang 814)
3. Nhiều tác giả - Nam Bộ đất và người. Tập VI, xuât bản 2008
4. Sơn Nam – Đình miếu và lễ hội, xuất bản 1992
5. Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường, đình Nam bộ xưa và nay, xuất bản 1998
6. Sở Văn hóa - Thông tin Bình Dương – Sơ thảo về tín ngưỡng, lễ hội dân gian,… xuất bản 1998.
7. Tư liệu điền dã tại các đình làng và địa phương liên hệ có nói đến trong tập tài liệu này, của người viết.
8. Phần Hán Nôm có sự cộng tác của ông Nguyễn Văn Ngoạn
- TIỂU ĐOÀN PHÚ LỢI CHIẾN ĐẤU CHỐNG CUỘC PHẢN CÔNG CHIẾN LƯỢC MÙA KHÔ LẦN THỨ NHẤT (1965-1966)
- HOẠT ĐỘNG YÊU NƯỚC CỦA NGUYỄN SINH SẮC Ở THỦ DẦU MỘT - BÌNH DƯƠNG (1923-1926)
- THẦY NĂM NHỊ - VỊ VÕ SƯ ĐÃ ĐEM MÔN VÕ LÂM TÂN KHÁNH BÀ TRÀ RA TỨ PHƯƠNG
- MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG YÊU NƯỚC TIÊU BIỂU CỦA LINH MỤC VÀ GIÁO DÂN Ở BÌNH DƯƠNG TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH...
- NGỌN ROI CỦA THẦY NĂM NHỊ ĐẤT VÕ TÂN KHÁNH BÀ TRÀ KHUẤT PHỤC TƯỚNG CƯỚP TRÊN SÔNG NƯỚC MIỀN TÂY NAM...
- DI TÍCH MỘ ÔNG CẢ TRƯỞNG TRẦN VĂN LONG (THÀNH PHỐ THỦ DẦU MỘT, TỈNH BÌNH DƯƠNG)
- LÀNG CÔNG GIÁO LẠC AN - THÁI HƯNG TRONG 20 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN (1954 - 1974)
- VÕ ĐƯỜNG ĐẦU TIÊN TRUYỀN DẠY MÔN VÕ LÂM TÂN KHÁNH BÀ TRÀ Ở SÀI GÒN
- DẤU ẤN TÍN NGƯỠNG CỦA CƯ DÂN TIỀN SỬ ĐÔNG NAM BỘ
- THIẾT GIÁP M113 - CHỨNG TÍCH CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC CỦA QUÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG