Tin tức

Người hoa ở Thủ Dầu Một ăn tết như thế nào?

  • LÝ PHÁT - ĐỖ TIÊN (Bảo tàng Bình Dương)
  • 13/07/2012

Trong quá trình cộng cư lâu dài giữa người Hoa và người Việt ở Việt Nam nói chung và Thủ Dầu Một nói riêng, đã tạo nên sự giao thoa văn hóa chặt chẽ với nhau. Do đó mà phong tục tập quán đa phần giữa người Hoa và người Việt tương đối giống nhau. Về cơ bản, người Trung Quốc và Việt Nam đều sử dụng âm lịch và ăn Tết mừng năm mới cùng một thời gian. Đó là Tết Nguyên đán.

 

Cũng như người Việt, người Hoa chuẩn bị ăn Tết rất chu đáo. Việc đầu tiên là dọn dẹp nhà cửa. Họ lau rửa nhà thật sạch sẽ, trang trí, sửa sang mọi thứ từ bàn thở cho tới nhà bếp. Người Hoa không chưng mâm ngũ quả và cây mai như người Việt. Họ chỉ chưng hoa huệ, hoa cúc và trái cây theo ý thích. Năm cũ đi qua năm mới đến thì tất cả mọi cái đều phải sạch và mới. Tùy điều kiện của từng gia đình mà họ mua sắm bổ sung vật dụng gia đình thay những cái cũ. Nhất là thực phẩm phải cho đầy đủ, gạo phải đầy hũ, đầy lu. Người Phước Kiến còn có tục cắt giấy đỏ bỏ vào lu gạo. Theo quan niệm của họ thì màu đỏ là màu may mắn, hạnh phúc. Việc bỏ giấy đỏ vào hũ gạo là cầu sang năm mới gia đình được cơm no gạo đầy. Đặc biệt việc không thể quên trong những ngày cuối năm là thay mới những đôi liễn. Đó là các băng giấy màu đỏ viết bằng chữ Hán màu vàng các câu đối câu chúc dán trên trang thờ và các cửa ra vào. Ví dụ trên trang thờ ông bà thường viết câu:

 

Tông cung tổ đức chi lang mậu

Tổ hiếu tôn hiền ngọc thụ vinh.

 

Trang thờ Quan Công thường là:

 

Chí tại xuân thu cung tại hán

Trung đồng nhật nguyệt nghĩa đồng thiên.

 

Liễn thờ Phật Bà là:

 

Từ bi tế thế ư Đông thổ

Phật pháp an dân tại Nam bang.

 

Nơi thông Địa thần Tài cũng có liễn như:

 

Thổ năng sanh bạch ngọc

Địa khả xuất hoàng thiên.

 

Còn ở các cửa ra vào, nhất là cửa chính hầu như tất cả các gia đình người Hoa đều dán liễn. Đó cũng là đặc trưng văn hóa của người Hoa. Liễn ở cửa chính có rất nhiều câu chúc tốt lành, đại khái có các câu như:

 

Ngũ sắc tường vân đăng phước đệ

Tam đa thoại khí nhập xuân môn.

 

Hay:

 

Xuân chí mãn môn đa tú sắc

Thời lai vô xứ bất hóa hương.

 

Hoặc:

 

Tam dương chi đệ binh an nhật

Ngũ phúc lâm môn phú quỉ xuân.

 

Ngoài ra họ còn dán những chữ như:

 

''Tứ quí binh an, ''Hoa khai phú quí.

 

Hoặc:

 

''Hợp gia hòa khí”, ''Xuất nhập bình an"

Và còn rất nhiều câu chúc khác nữa.

 

Về nhân cúng kiến. Vào những ngày cuối năm. 29 hoặc 30 tùy theo từng gia đình, ngoài hoa quả, người Hoa làm thêm những món ăn như thịt heo luộc hoặc ram, thịt gà luộc nguyên con, mì xào, bún tàu xào... để cúng ông bà tổ tiên và các vị tiên phật thần thánh thờ trong gia đình như Quan Công, Phật Bà Quan Âm, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thổ địa, Thần Tài... người Phước Kiến nếu cúng gà luộc cho ông bà thì phải chặt nhỏ ra, còn cúng cho các vị nhân thần thì để nguyên con. Khác với người Việt, người Hoa không có đón đưa ông bà và cúng ngày ba bữa. Món ăn để cúng cũng không nhiều, không có cơm canh như người Việt, chỉ có người Phước Kiến họ Vương thì có làm bánh tổ để cúng ông bà ngày Tết. Đó là loại bánh làm từ bột gạo trộn đường đổ vào xứng hấp. Đến giờ giao thừa, người Hoa bày hương đèn, trà nước, bánh mứt ra ngoài phía trước cửa chính để cúng giao thừa, còn gọi là cúng ông trời. Theo tục lệ xưa của người Phước Kiến thì bánh mứt cúng giao thừa phải bày đủ 12 đa tượng trưng cho 12 tháng trong năm, năm nào nhuần thì bày 13 (ra. Họ khấn vái rất thành khẩn, cầu đấng siêu nhiên cao nhất ban sự bình an, ấm no, hạnh phúc cho gia đình trong năm mới. Sau khi cúng giao thừa tại nhà, họ bắt đầu đến các chùa miếu.

 

Ở Thủ Dầu Một, Thiên Hậu cung (nhân dân quen gọi là chùa Bà) là nơi người Hoa đến đông nhất. Họ dâng hương cầu Thánh Mẫu ban lộc đầu năm, ban phước lành cho gia đình. Các miếu không Bổn cũng là địa điểm tập trung người Hoa đến thắp hương cầu phước, cầu an, cầu sức khỏe, cầu tài lộc... Về ẩm thực, Tết đến bà con người Hoa cũng muối củ cải, làm dưa hành, dưa cải, cũng kho thịt heo và hầu như họ cũng ăn bánh tráng, củ kiệu như người Việt Khách tới nhà cũng đãi bánh mứt, uống nước trà.

 

Người Hoa cũng có quan niệm Tết đến thì may hoặc mua quần áo mới cho mọi thành viên trong gia đình. Những ngày Tết phải ăn mặc đẹp. Mùng một Tết con cháu trong gia đình tựu về nhà cha mẹ, ông bà nội để chúc Tết và lì xì bao đỏ cho nhau. Người Quảng Đông cung rất quan trọng việc xông đất nhà vào sớm mùng một. Họ quan niệm rằng người đến nhà đầu tiên vào mùng một Tết nếu hợp tuổi gia đình họ sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới và ngược lại nếu là ngươi không hợp tuổi thì gia đình sẽ không được may mắn. Người Hoa cũng có quan niệm thành tục là mùng một Tết về nội, mùng hai Tết về ngoại, mùng ba đi chúc Tết thầy.

 

Ngoài việc dán liễn, một đặc trưng văn hóa khác của người Hoa rất nổi bật đó là loại hình múa lân, sư, rồng (con lân người Việt thường gọi là con cù ''múa cù''). Tết đến ở nơi nào có người Hoa sinh sống thì rất dễ nhận ra, bởi vì trong không khí nhộn nhịp cuối năm, người người tất bật trong lao động, trong mua bán thì tiếng trống múa cù lại vang lên từ những nhóm trẻ con tập đánh, tập múa. Những ngày Tết những đội lân, sư, rồng bắt đầu hoạt động. Từng nhóm, từng đội đi múa từng nhà để chúc Tết, sau khi múa thì được gia chủ lì xì. Tết ở Thủ Dầu Một trên các đường phố thường có tình trạng kẹt xe vì những chú lân, sư, rồng dừng lại múa biểu diễn giữa đường. Còn người Phước Kiến thì đặc biệt không tham gia cũng như không để lân, sư, rồng múa trong nhà bởi họ có một lốt lân riềng mà người Việt gọi là múa hẩu. Đó là một mặt nạ tròn to được vẽ mắt mũi miệng rất dữ tợn, trán dô, miệng nhe răng nanh, gắn bờm lông tua tủa xung quanh nối với tấm vải màu vàng rộng và dài có cột cái đuôi trâu hoặc bò đã được sấy khô. Khác với múa lân (cù), múa lân (hẩu) của người Phước Kiến là kiểu múa diễn xướng nghi lễ chứ không múa biểu diễn vui chơi đơn thuần. Hẩu là một linh vật bảo hộ cộng đồng, xua đuổi tà ma. Kể từ mùng hai Tết, các gia đình người Hoa Phước Kiến bắt đầu mở rộng cửa đón lân (hẩu) vào nhà múa trước các trang thờ trong gia đình như để chào ra mắt các vị được thờ và có ý nghĩa nhưgia đình đã được sự bảo vệ không để tà ma quấy rối.

 

Cộng đồng người Hoa nhộn nhịp hầu như trong cả tháng giêng, vì sau Tết là các lễ hội của cộng đồng như lễ rước Bà Thiên Hậu du xuân (lễ hội râm tháng giêng hoặc lễ hội chùa Bà), lễ hội ở Phước An miếu (choang Bổn) của người Phước Kiến ngày 16 tháng giêng...

 

Văn hóa tết Thủ Dầu Một rất đa dạng và phong phú bởi có sự bất hợp hài hòa giữa văn hóa Việt và văn hóa Hoa, tạo nên một nét văn hóa rực rỡ sắc màu của những ngày mừng năm mới.

 

LÝ PHÁT - ĐỖ TIÊN (Bảo tàng Bình Dương)


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24391717