Tin tức

Nhân kỷ niệm 10 năm tái lập tỉnh 1.1.1997- 1.1.2007: Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Bình Dương

Địa chí Sài Gòn - Gia Định xưa cùng các tập san sử địa xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975 cho rằng Bình Dương là một địa danh lịch sử, xuất phát từ thời Trung cổ Trung Quốc. Bình Dương là đất khởi nghiệp của vua Nghiêu và sau này là kinh đô của ông khi lập nền thịnh trị cho Trung Quốc cổ. Do điển tích Đường Ngu, đào đường, tên chữ là Phóng Huân, mẹ là Khanh Đô có thai 14 tháng mới sinh ra ông. 20 tuổi đã làm vua, đóng đô tại đất Bình Dương. Khi làm vua, Nghiêu chỉ ở nhà tranh, vách đất, ăn mặc như thứ dân, ngày cày ruộng cùng dân, đêm đọc sách Thánh hiền, suốt thời gian cai trị dân chúng thái bình, thịnh trị, không trộm cắp, trên dưới hòa thuận an lành. Có thể nói, ngay từ lúc mới xuất hiện Bình Dương vốn đã đẹp rồi. Từ Bình Dương xuất hiện việt Nam là vào khoảng năm 1692 khi Lễ Thành Hầu, Nguyễn Hữu Cảnh được lệnh Hiển Tông Hoàng Đế sang kinh lược đất Cao Miên và thiết lập hệ thống quản lý hành chánh cho vùng đất này, lấy đất Nông Nại đặt là Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Dinh Phiên Trấn được chia làm hai tổng là: Tân Bình và Bình Dương. Khi mới thành lập quy chế còn lỏng lẻo, người hai huyện được phép sinh sống làm ăn xen kẽ nhau. Như người huyện Phước Long có thể sang lập nghiệp trong huyện Tân Bình, vì thế trong huyện Tân Bình có tổng Phước Lộc. Và huyện Tân Bình sang lập nghiệp bên huyện Phước Long, vì thế trong huyện Phước Long có tổng Bình An. Sau này Bình An và Phước Lộc thành huyện. Huyện Bình An và huyện Bình Dương tuy thuộc hai tỉnh khác nhau, nhưng cùng ở hai bên bờ sông Sài Gòn, về phía bắc huyện Bình An xứ Dầu Tiếng ở ngay tả ngạn sông Sài Gòn kể từ rạch Thị Tính tới biên giới Campuchia đương thời thuộc địa phận Bình Dương. Đó chính là địa phận tổng Dương Hòa Hạ, một trong sáu tổng của huyện Bình Dương. (Dương Hòa Hạ, Dương Hòa Thượng, Dương Hòa Trung, Bình Trị Thượng, Bình Trị Hạ, Bình Trị Trung). Như vậy, địa danh Bình Dương xuất hiện ở Việt Nam trong sự chia cắt dinh Phiên Trấn. Bình Dương thời ấy là cả một vùng đất rộng lớn kể từ bắc Sài Gòn chạy dài và một phần đất Long An, Gia Định cho đến giáp với Tây Ninh. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí! Trong phần nói về tỉnh Gia Định xưa cũng có nghi ''... Năm Mậu Dần (1698) vua Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế lại lệnh cho Thống suất chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất ấy năm Canh Tuất (1790) bắt đầu đắp thành bát quái ở trên gò thôn Tân Khai, tổng Bình Dương gọi là Gia Định Kinh...'' cũng là sách Đại Nam Nhất Thống Chí trong phần nói về huyện Bình Dương ghi tiếp ''Bản triều lúc đầu đặt làm tổng Bình Dương, năm Gia Long thứ 7 mới thăng huyện''. Như vậy có thể nói địa danh Bình Dương đã có vào khoảng năm 1692 -1790 cách nay hơn 300 năm. Còn sách viết về ''Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh với cuộc khai sáng miền Nam Việt Nam cuối thế kỷ thứ 17 đã viết: Về phần cư dân người Việt vùng Gia Định thuở ấy đa số là người tứ xứ, nhưng nhiều nhất là dân Quảng Bình (...) theo nối vết chân kinh lược của thống suất Nguyễn Hữu Cảnh thì nhận thấy nhiều vùng đất miền khai sáng đều được ghép chữ bình hoặc chữ tân vào đằng trước hoặc đằng sau địa danh mới để đặt tên như: Bình Long và chữ bình vốn xuất xứ từ huyện Tân Bình ở tỉnh Quảng Bình. Ta cũng biết Bình Dương và Tân Long là hai huyện của phủ Tân Bình tỉnh Gia định xưa. Sự lắp ghép chuyển dịch này vẫn còn tiếp diễn, ta có thể dễ dàng tìm thấy hàng loạt địa danh bắt đầu bằng chữ Bình và chữ Tân trên địa bàn miền Nam và đặc biệt ở vùng đất Bình Dương ngày nay như: Bình Hòa, Bình Chuẩn, Bình Nhâm...; Tân Thới, Tân Định, Tân Khánh. Sự chuyển dịch này đã không dừng lại hai chữ Tân và Bình mà còn nhiều địa danh khác thuộc vùng Nam bộ, ví như tên xã Hưng Định của huyện Thuận An hiện nay, mặc dầu không liên quan đến bình và tân nhưng cũng phán nào để minh chứng cho nguồn gốc của một địa danh. Xã Hưng Định được phôi thai từ thời vua Gia Long (1802-1819), do công của ông tổ có tên là Bình, quê ở Quảng Bình làm quan giữ chức Tri Châu. Sau khi về hưu, ông cùng gia đình đến vùng đất Lái Thiêu để sinh sống. Lúc đó, ở vùng đất này còn là vùng rừng và đầm lầy rộng lớn, gia đình ông đã khai hoang và lập làng. Làng mới này mang tên hai người con của ông: Làng Hưng Định (Nguyễn Thị Hưng và Nguyễn Văn Định) làng Hưng Định xưa bây giờ là xã Hưng Định.

 

Sự chuyển dịch tên gọi thân quen để đặt tên cho vùng đất mới cũng là một điều dễ hiểu, một mặt đó như là một sự nhắc nhở một chút tướng vọng về quê cũ, mặt khác như là một niềm an ủi khi phải rời xa quê hương mà mơ ước đến một tương lai ngày một tươi sáng hơn. Nếu đem so sánh với một số địa danh Nam bộ nhượng Nai, về nguồn gốc xuất xứ cũng như về ý nghĩa lịch sử thì địa danh Bình Dương có phần khác so với Đổng Nai. Nếu tên Bình Dương xuất hiện từ thời Trung cổ Trung Quốc hay xuất hiện từ thời khai sáng vùng đất mới khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Cao Miên, năm 1692 do sự chuyển dịch tên gọi thân quen của cư dân Ngũ Quảng mang theo thì tên Đồng Nai theo Pigneau De Béhaine tác giả của cuốn Từ điển An Nam - La Tinh, nguồn gốc địa danh Đồng Nai, xuất hiện vừa bằng chữ Nôm vừa bằng chữ Quốc ngữ. Hai chữ này, cũng được Lê Quý Đôn, Trịnh Hoài Đức sử dụng với ý nghĩa là: ''Cánh đồng có những con nai'' đồng ở đây được hiểu là cánh đồng, nai được hiểu là con nai, (rất thuần việt) với ngụ ý ở khu vực này là những cánh đồng rộng lớn cây cối xanh tươi và có nhiều hươu nai sinh sống. Khi dịch địa danh này sang chữ Hán các nhà nho đã dùng ngụ trên để dịch thành hai từ lộc dã. Lộc là con nai, dã là cánh đồng, ấy vậy mà người ta dùng chữ đồng trong cánh đồng và nai trong con nai để ghép lại thành đồng Nai, với ý nghĩa ''cánh đồng có những con nai'' So sánh cũng có nghĩa là để hiểu rõ hơn về nguồn gốc xuất xứ và ý nghĩa lịch sử của một địa danh trong mỗi lần chúng ta dạo bước tìm về quá khứ. Kỷ niệm 10 năm tái lập tỉnh cũng là dịp để chúng ta tìm về cội nguồn, ôn lại truyền thống của cha ông ta trong công cuộc chinh phục cũng như bảo vệ thành quả công cuộc chinh phục vùng đất mới phía Nam của Tổ quốc. Đặc biệt, đây chính là dịp để chúng ta thực hiện tốt hơn những niềm mong ước của các ngài trong thời đại mới. Rằng, xây dựng một Bình Dương giàu mạnh, văn minh và hiện đại, một Bình Dương phát triển lành mạnh, trong sáng và đẹp đẽ, xứng đáng là vùng ''đất lành chim đậu'' vốn cách đây hơn 300 năm đã là xứ sở của hội tụ. Xứ sở mà cha ông ta đã dùng danh từ ''Bình Dương'' để đặt tên cho vùng đất thân yêu của mình.

 

Tài liệu tham khảo

1. Thư mục toàn văn “Bình Dương đất nước con người”, tập I năm 2002.

2. Tạp chí xưa và nay- Hội khoa học lịch sử Việt Nam, năm 1997.

3. Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam bộ và tiếng Việt văn hóa. NXB Khoa học xã hội năm 2005.

4. Kỷ yếu giáo phận Phú Cường 1965-2005. NXB Tôn giáo năm 2005.

5. Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc Khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ XVII. NXB Văn học năm 1997.

Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24254440