Tin tức

Những người giữ lửa ca trù

  • LÊ LÊ
  • 26/07/2012

Sự hưng thịnh của ca trù Cổ Đạm không còn như xưa. Nhưng những ai mê đắm ca trù đều tìm về Cổ Đạm để được nghe cố Mơn, cố Nga hát những khúc hát lả lướt đến mê đắm.

"Tui sắp về thế giới bên kia, mà cũng chẳng biết rồi có ai nối nghiệp ca trù không nữa. Bọn trẻ chẳng mấy đứa học, vì nghề ca nương chẳng thể nuôi sống những phận nghèo". Nói xong, nước mắt người ca nương già rơi xuống gò má nhăn nheo.

Gặp "trầm tích sống"  

Xã Cổ Đạm, Hà Tĩnh nổi danh là cái nôi của ca trù Việt Nam. Ở Cổ Đạm, hai đào nương được phong là "báu vật sống", "trầm tích sống" của dòng ca trù bác học: cố Phan Thị Mơn và cố Phan Thị Nga, năm nay đều đã xấp xỉ tuổi 85. Nếp gấp của thời gian hằn trên khuôn mặt hai đào nương nổi tiếng khắp các tỉnh Trung Kỳ, nhưng giọng ca vẫn dặt dìu, trong trẻo, lúc bổng lúc trầm...

Ở tuổi 85, cố Phan Thị Mơn vẫn "yêu ca trù như yêu người tình"

 

Căn nhà rộng chừng 12m2 được lợp bằng những tấm ngói đúc từ xi măng. Mùa hè, dưới cái nắng miền Trung, nó trông giống như một chiếc lò ủ bánh mì, mùa đông lại đứng chênh vênh giống như một cái chòi đón gió bên cạnh bờ biển.

Trên chiếc giường làm bằng tre, một tấm mền cũ kỹ lỗ chỗ rách như dấu vết cấu véo của thời gian. Đó là nơi ở của ca nương Phan Thị Mơn, báu vật già nhất làng ca trù nổi tiếng này.

Từ nhỏ, ca trù đã là niềm đam mê của cô bé sống bên bờ biển, lúc đầu thích đi nghe hát, sau rồi vương vào nghiệp ca trù. Dẫu biết con gái theo nghiệp cầm ca sẽ khổ đủ đường, nhưng sự luyến láy của thanh âm, sự day dứt đến mê hoặc của ca từ khiến cô bé Mơn mê đắm.

Thời đó, ca trù là nghiệp của cả làng Cổ Đạm. Chưa đầy 13 tuổi, cô bé Mơn trở thành ca nương sau khi học ở nhà anh kép Phan Hưng - người có trên 30 năm biểu diễn ở Cung đình Huế. Những năm đó, Xô Viết Nghệ Tĩnh đang là chảo lửa sục sôi của cách mạng, thực dân Pháp đàn áp xơ xác cả một vùng quê. Cầm ca trở thành nghề xa xỉ, bụng còn đói nói chi đến hát hò.

Các lớp học dần thưa vắng bóng người, đam mê dần vơi ở làng ca trù Cổ Đạm. Nhìn đứa học trò nước mắt lưng tròng khi phải từ bỏ đam mê, thầy giáo Phan Hưng đã nhận cô bé Mơn làm con nuôi, truyền dạy cho cô kỹ thuật cơ bản cầm hơi, nhả chữ.

Chẳng thế mà đến tuổi "bẻ gãy sừng trâu", cô bé Mơn đã thuộc trên 30 làn điệu ca trù, đi theo gánh hát của anh kép Hưng biểu diễn từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế, từ lễ hội đình làng cho đến việc đại sự ở những gia đình địa chủ, chốn Cung đình. Tiếng hát cô ca nương đất Cổ Đạm nổi tiếng khắp vùng...

Bên cạnh nhà cố Mơn, có một căn nhà không khả dĩ hơn mấy so với ngôi nhà bên cạnh, người ta gọi đó là "tệ xá cố Nga". Hai vợ chồng cố Nga năm nay đều gần tuổi 85, thi thoảng cụ ông vẫn gõ phách cho bà hát. Từng nhịp phách run rẩy trên đôi tay yếu ớt đã chi chít đồi mồi.

Cụ bà hát một bài ca trù về sự chia ly cách trở của hai người yêu nhau, cụ ông mắt lim dim gật đầu gõ phách. Cố Nga móm mém nói: "Đam mê ca trù ngấm vào máu thịt, đến chết tôi cũng không bỏ được".

Anh Bùi Tùng Phong, nguyên Chủ tịch huyện Nghi Xuân cho biết, cả làng ca trù Cổ Đạm chỉ còn cố Mơn và cố Nga là hai ca nương nhiều tuổi nhất. Cả hai đã được phong tặng "Nghệ nhân dân gian di sản ca trù". Anh lo rằng, nếu không có kế hoạch bảo tồn những giọng ca đẹp và quý này, có lẽ không lâu nữa một báu vật văn hóa vô giá sẽ ra đi...  

Lửa ca trù đang tắt

Sự hưng thịnh của ca trù Cổ Đạm không còn như xưa. Nhưng những ai mê đắm ca trù đều tìm về Cổ Đạm để được nghe cố Mơn, cố Nga hát những khúc hát lả lướt đến mê đắm. Cả hai cố đều được mời ra Hà Nội biểu diễn, riêng cố Mơn được mời đóng vai người mẹ liệt sĩ hát ca trù trong bộ phim Ngã ba Đồng Lộc nổi tiếng.

Ca nương già Phan Thị Mơn bộc bạch: "Bọn trẻ bây giờ thích hátnhạc trẻ, nhạc vàng... Tui gần đất xa trời, sợ rằng trong nay mai vốn ca trù gìn giữ hàng trăm năm sẽ không còn tồn tại”.

 

Làm thế nào để không mai một báu vật quốc gia?

 

Vào những lúc nông nhàn, nhiều chị em phụ nữ trong làng ngoài xã cũng đến theo học lớp ca trù Cổ Đạm do cố Mơn làm chủ nhiệm. 

“Liên hoan ca trù toàn quốc 2005” tổ chức tại khu di tích Nguyễn Du (Tiên Điền, Nghi Xuân), CLB ca trù cố Mơn đạt 3 Huy chương Vàng. Nhưng lớp cũng chẳng thể học đều đặn và thường xuyên, bởi mọi người đến đây chỉ xuất phát từ đam mê cá nhân. Cuộc sống lo toan đang đè nặng lên đôi vai họ.

Trưởng ban văn hoá xã Cổ Đạm, ông Hoàng Thanh Lâm cho biết, sự đam mê và phong trào chưa đủ sức để giữ lửa ca trù. Cái chính Cổ Đạm vẫn cần một chiến lược bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể này. Có như vậy mới không mai một đi báu vật quốc gia...

Biển Nghi Xuân cồn cào về đêm. Những nhịp phách ca trù yếu ớt gõ vào đêm tưởng chừng như tiếng gầm gừ của những con sóng nuốt chửng. Bên bờ biển kia vẫn có hai "lớp trầm tích sống" đang nặng nợ, gian díu với ca trù, vật lộn với thời gian giữ lửa cho ngày sau...

 

Chưa thấy ai làm gì, các cụ già đã xắn tay vào "giữ lửa". Những đêm trăng thanh gió mát, ngày mừng thọ ai đó trong làng... các cụ lại cùng nhau hát. Những giai điệu hụt hơi vì tuổi già vẫn ngân lên. Rồi các cụ đi vận động cháu nhỏ trong làng theo nghề. Một cháu, hai cháu... rồi hàng chục cháu đến học.

LÊ LÊ


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24432342