Tin tức

Tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia dấu ấn chuyên gia Sông Bé - Một thời sống mãi

  • NGUYỄN HUỲNH
  • 26/07/2012
Pôn Pốt phản bội dân tộc - phản bội tình bạn chiến đấu Nhân dân Sông Bé quyết bảo vệ biên giới và toàn vẹn lãnh thổ
 
NGUYỄN HUỲNH - Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia - Bình Dương
 
Tỉnh bạn Kratié (Campuchia) có chung đường biên giới dài 240km với tỉnh Bình Phước. Quan hệ hữu nghị gắn bó, nương tựa vào nhau để kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ dành độc lập tự do cho nhân dân mỗi nước. Sau thắng lợi huy hoàng, tỉnh Bình Phước được hợp nhất với tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) thành tỉnh Sông Bé. Mối quan hệ hai tỉnh biên giới Kratié - Bình Phước đã trở thành quan hệ hữu nghị Kratié - Sông Bé khăng khít.
          Trong kháng chiến chống Pháp, quân tình nguyện Việt Nam đã sang Campuchia - Lào kề vai sát cánh cùng bạn đánh Pháp thắng lợi. Thực dân Pháp thất bại. Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương đã công nhận quyền độc lập của Campuchia. Năm 1954- 1970 nhà vua Sihanuok trị vì đất nước theo đường lối độc lập hòa bình trung lập không liên kết, có quan hệ tốt với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 18-3-1970, Mỹ lật đổ nhà vua Sihanuok dựng chính quyền Lonnol làm tay sai. Nhân dân Kratié không chịu khuất phục đã đứng lên cùng quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu, đánh thắng những đòn quyết định ở Sơ Lông, Snoul, Chơng Kh’lou. Đầu tháng 5-1970, toàn tỉnh Kratié được giải phóng khỏi ách thống trị của Mỹ và ngụy Lonnol.
          Tỉnh Kratié được giải phóng đã trở thành căn cứ cách mạng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Campuchia. Chính quyền cách mạng Kratié được thiết lập từ tỉnh xuống đến xã ấp theo chế độ tự quản trong phạm vi tỉnh giải phóng. 5 năm giải phóng, Kratié từng bước trưởng thành khá vững. Tổ chức bộ máy chặt chẽ, đội ngũ cán bộ ngoài lực lượng trưởng thành tại chỗ còn có nhiều đồng chí đi tập kết ra miền Bắc Việt Nam năm 1954 được học hành và rèn luyện nay trở về. Trình độ cán bộ của tỉnh được nâng cao, lực lượng vũ trang tập trung phát triển đều ở các huyện. Mỗi xã, ấp đều có lực lượng dân quân thường trực. Cuộc sống của nhân dân được cải thiện.
          Thời gian này, vùng đất biên giới Kratié tiếp giáp với Sông Bé là nơi nương tựa an toàn, là nơi xây dựng căn cứ kháng chiến của Bình Long, Phước Long (Bình Phước) đương thời cũng là căn cứ hậu cần của quân giải phóng miền Nam. Các lực lượng kháng chiến thường gọi vùng căn cứ an toàn này là “đất thánh”. Lực lượng 505 tỉnh Kratié và lực lượng Sư đoàn Đông Bắc Campuchia đã nương tựa, tin cậy kề vai sát cánh cùng bộ đội giải phóng miền Nam trong vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ .
          Qua 5 năm (1970-1975) sống trong cảnh hoàn toàn giải phóng dù còn khó khăn do chiến tranh nhưng nhân dân đã bắt đầu xây dựng được cuộc sống ấm no hạnh phúc của chế độ xã hội ưu việt, tươi sáng. Hy vọng sau khi đánh thắng bọn Mỹ và tay sai Lonnol đời sẽ bước lên trên con đường tốt đẹp hơn, nhân dân Campuchia sẽ vĩnh viễn xóa bỏ nỗi thống khổ. Nhưng không ngờ, ngày 17-4-1975, ngày giải phóng thủ đô Phnom Penh lại là ngày bọn Pôn Pốt Iêng-xa-ri bắt đầu một đời, một thời gây tội ác khủng khiếp. Nhân dân tỉnh Kratié phải chịu cùng cảnh ngộ với nhân dân cả nước. Tất cả đều phải theo sự điều khiển của AngKa. Đó là hệ thống tổ chức Đảng với mật danh là AngKa, như một đấng vô hình ngự trị, như thần linh đối với toàn xã hội. Angka toàn quyền thống trị xã hội và quyền lực tối cao tập trung vào tay Pôn Pốt. Toàn bộ hệ thống chính trị: Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng cũng như cả nền kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Kratié xây dựng trong thời kỳ hòa bình trung lập và 5 năm giải phóng đều bị triệt tiêu tận cơ sở xã, ấp (Khum Phum).
          Bọn Pôn Pốt bố trí cán bộ về tỉnh Kratié những tên hung bạo chưa từng thấy. Chúng lùa dân ra khỏi nhà, sốngbơ vơ màn trời chiếu đất, không cho trở về nhà cũ. Chúng sắp xếp không có kế hoạch, chẳng có thống kê. Chúng gom dân được khoảng 1.000 đến 2.000 dân về một nơi, ở đó chúng hình thành một công xã. Mỗi huyện có 3 đến 5 công xã, chúng gom khoảng 300 dân đến 500 dân, tập trung vào một chỗ để thành một hợp tác xã. Kỷ luật hóa đời sống, quân sự hóa lao động, ăn ngủ tập trung để kiểm soát, ai chống đối sẽ bị giết ngay. Điều kỳ quặc nhất là ruộng đất phì nhiêu đã sản xuất ổn định. Chúng bỏ hoang nhưng bắt dân đi khai phá đất trong rừng dầu lông hai bên lộ 13 khô cằn, chỉ cấy lúa trong mùa mưa. Chúng bắt dân ăn ở. Lán trại theo yêu cầu khai phá đất hoang, đắp đập đào mương làm thủy lợi với ý đồ đưa dân từ “nơi khác” đến. Ban ngày đi làm từ sáng đến tối mịt, đêm tập trung học chính trị do Angka giảng. Sau buổi học là tố giác lẫn nhau, gây mâu thuẫn nội bộ, đưa người có lời chống đối đi thủ tiêu. Chúng giết hại con người còn có cách cho ăn không đủ no, lao động nặng nhọc, cực hình, khi kiệt sức chúng xô xuống hố, xuống giếng hoặc đập đầu, bắt người còn sống đào hố vùi xác, giết ai tùy AngKa quyết định. Trong công xã, hợp tác xã AngKa nghiêm cấm mọi hoạt động vui vẻ, ngoài lao động khổ sai, không học hành, không chợ búa, không dùng tiền, không tôn giáo, không quan hệ yêu đương. Chế độ quan hệ vợ chồng cũng do AngKa sắp đặt. Ai không tuân theo sẽ bị trừng trị. Cảnh đau thương tàn khốc diễn ra triền miên, không còn nước mắt để khóc những cảnh đau thương vô kể đó. Có thể nói không ai ngoài cuộc có thể tin, có thể tưởng tượng được nổi cảnh quản lý xã hội quái gỡ và ghê tởm như vậy.
          Trước khi tàn sát dân lành, trong âm mưu nắm quyền, Pôn Pốt đã thi hành chính sách thanh trừng nội bộ Đảng, quân đội. Hắn lần lượt thủ tiêu những đồng chí cách mạng chân chính. Từ chiến sĩ đến cán bộ đã vào sinh ra tử trên chiến trường chống Pháp, chống Mỹ. Đem lại thắng lợi vinh quang cho đất nước, cho dân tộc, chúng đều thực hiện kế sách bí mật thủ tiêu, giết không để lộ. Không ai biết Pôn Pốt đã điều cán bộ đi đâu bố trí ở chiến trường nào, được triệu tập đi họp chỉ biết khi đi khỏi đơn vị là “biệt vô âm tín”. Nhưng cho dù bí mật đến mấy, cán bộ dưới quyền vẫn có cảm nhận và từng bước hiểu rõ sự tàn bạo đó.
          Từ chính sách thanh trừng trong nội bộ Đảng, quân đội, đến chính sách thanh lọc các tầng lớp nhân chúng đều thẳng tay giết hại những ai có lời nói dù chưa rõ nhưng suy ra có ý chống đối và nung nấu ý chí vùng lên. Những chính sách đó đã gây đau đớn tột độ, bức xúc tột độ. Khi đau đớn cùng cực con người phải vùng đứng lên, khi không còn sợ chết tức là lúc không còn chịu chết vô nghĩa. Trước thảm họa, từ sự sống có ý nghĩa của bản thân mỗi con người đến sự tồn vong của dân tộc là bước phát triển tất yếu. Song khi đã nhận rõ bộ mặt thật phản bội của chúng thì không còn điều kiện để tập hợp cùng đứng lên mạnh mẽ. Cuộc nổi dậy phải âm ỉ, bí mật kéo dài và nhờ vào bạn bè thân thiết Việt Nam.
          Ngày 21-6-1977 đồng chí HunXen cùng 4 đồng chí cán bộ quân đội đã ly khai Pôn Pốt từ Kratié vượt biên sang Lộc Ninh, bắt liên lạc với bộ đội Sông Bé và đặt vấn đề với Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giúp cách mạng Campuchia. Tình hình tỉnh Kratié dưới quyền cai trị của Pôn Pốt đã đến lúc khốn cùng, như một định mệnh “có bĩ cực phải có thái lai”, ý chí vững bền đã nung nấu, đã thúc giục. 4 giờ sáng ngày 26-12-1977 một số người dũng cảm ở Phum Đôn, huyện Snoul đã hô hào nổi dậy kéo nhau trốn thoát AngKa. Rồi nhiều người trong công xã, hợp tác xã trốn thoát AngKa. Không sống được trên quê hương, tất cả số người nổi dậy đều kéo sang Lộc Ninh yêu cầu giúp đỡ. Số người chạy sang ngày càng đông, Sông Bé phải lập làng tị nạn cho nhân dân bạn. Lực lượng vũ trang của Sông Bé phải phân công đánh địch bảo vệ làng tị nạn và bảo vệ nhân công đang xây dựng tuyến phòng thủ biên giới.
          Trong 3 năm 8 tháng 20 ngày, dưới quyền AngKa trên mảnh đất Kratié 14.208 con người đã bị Pôn Pốt sát hại. Tất cả những người thoát chết trong cảnh giết người tàn bạo, chứng kiến tận mắt đã mô tả và xác nhận đó là con số chưa đầy đủ. Ngoài ra còn có 1.905 người bị mất tích. Có thể là họ đã chết trong rừng. Không những tất cả những người cách mạng chân chính bị giết sạch mà các thành phần trí thức của chế độ cũ cũng đều bị giết. Những người trí thức phải dối với AngKa là thường dân, dốt nát và chịu lao động khổ sai thì còn có thể sống. Trong số hơn 14.000 người bị giết có 288 nhà sư và Acha (Tăng ni - Phật tử) chúng tàn phá 18 ngôi chùa, trong đó có ngôi chùa Sămbô cổ kính. Chùa Sămbô xây dựng từ năm 1529 có 100 cây cột gỗ quý, chưa hề bị mối mọt, có thể tồn tại cả ngàn năm sau. Ở đây chúng còn đập phá ngọn tháp cao 20m, là công trình văn hóa lịch sử thờ Phật, thờ công chúa Pôphát, thờ các vua Xa Thal, Chi Chay Thal và Pônhitô. Năm 1955 vua Sihanouk đến thăm cho xây thêm nhà cúng lễ phía trước tháp. Khi chúng phá chùa, phá tháp, có 7 người bị tai nạn chết tại chỗ, chúng vùi xác ngay ở đó. Kinh tế chúng bỏ hơn nửa số ruộng cũ, bỏ toàn bộ hệ thống thủy lợi cũ. Giết hại 15.000 trâu bò. Đó là sự tàn phá ghê tởm. Kratié từ một tỉnh giàu có, nhân dân có cuộc sống ấm no, an cư lạc nghiệp. Theo chế độ quân chủ lập hiến, một vương quốc phồn thịnh đến con số không trên tất cả các lĩnh vực. Thành quả cách mạng không còn gì nữa!
          Chính sách đối nội cực kỳ phản động là thế, nhưng chính sách đối ngoại càng quái gỡ hơn. Âm mưu quốc sách lãnh thổ của Pôn Pốt trừ Trung Quốc, các nước láng giềng còn lại đều là đối tượng cần thôn tính. Sự thèm khát danh vọng không hạn độ, thèm khát trở thành nhân vật vĩ đại, thèm khát thành anh hùng thế giới của Pôn Pốt đến mức mê mẩn, ngu muội. Hắn xếp Việt Nam là đối tượng số một phải chiếm trước. Hắn nêu khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến đánh Duôn”, “Bất cứ làm gì cũng để đánh Duôn” (Duôn = Việt Nam) từ chủ trương đến thực hiện là quá trình khẩn trương “không ai sánh kịp”. Với âm mưu ấy, ngay những ngày còn chiến tranh chúng đã thể hiện. Trước tiên chúng tàn sát Việt kiều, bí mật thủ tiêu bộ đội Việt Nam đóng quân ở những nơi xa xôi hẻo lánh, đánh lén các kho hậu cần trên “đất thánh”. Song lực lượng quân tình nguyện Việt Nam đang chiến đấu, chúng tiếp tục yêu cầu “sát cánh bên nhau” bởi sức chúng chưa địch nổi với Lonnol. Để lánh nạn tàn sát, Việt kiều ở tỉnh Kratié đã phải chạy thoát thân về Bù Đốp - Lộc Ninh. UBND CM tỉnh Bình Phước tiếp nhận mỗi ngày một đông, phải thành lập 2 xã Thanh Hòa - Tân Tiến để bố trí đồng bào Việt kiều về nước. Đối với bộ đội đứng chân và căn cứ hậu cần trên “đất thánh” phải chuyển về vùng giải phóng Lộc Ninh - Bù Đốp.
          Ngày 30-4-1977 Pôn Pốt đã tấn công sang nhiều làng mạc dọc biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở vùng biên giới Sông Bé, Đặc khu 505 của Kratié và Sư đoàn 260 của quân khu Đông Bắc Campuchia đã điều lực lượng áp sát biên giới tỉnh Sông Bé. Tháng 4-1977, chúng liên kết mở những đợt hoạt động xâm nhập trinh sát từ Bắc Bù Đốp đến Tống Lê Chân, hòng lấn chiếm một số vị trí quan trọng trên tuyến biên giới của tỉnh Sông Bé, tạo bàn đạp và thế tấn công vào sâu trong đất nước ta. Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của trên, Tỉnh ủy Sông Bé đã ra nghị quyết xác định phòng thủ biên giới là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của toàn Đảng bộ và chủ trương xây dựng tuyến phòng thủ biên giới. Tỉnh đội Sông Bé lập Bộ Chỉ huy tiền phương, huy động các tiểu đoàn, các đại đội của tỉnh, huyện đã được quân khu tăng cường tập trung củng cố điều động bố trí đứng chân nhằm giữ vững đường biên giới và vùng lãnh thổ. Sau đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập ban biên giới nhằm thống nhất chỉ huy đánh địch và huy động lực lượng xây dựng tuyến phòng thủ. Một mặt khác, tỉnh phối hợp với quân khu mở chiến dịch tấn công Cà Chay, Mi Mốt, Snoul, đợt tấn công nhằm để phòng thủ, đưa chiến tranh sang đất địch, sau đó ta chủ động rút về biên giới giữ đất nước ta. Thế nhưng địch lại tập trung tăng cường lực lượng xây dựng và củng cố các cao điểm ở phía Nam huyện Snoul thành pháo đài, từ đó bằng pháo tầm xa chúng bắn phá các xã biên giới Lộc Ninh. Chúng tấn công Hoa Lư, Hoàng Diệu. Theo lộ 13 chúng luồng qua biên giới đến làng 07, làng 09 thuộc xã Lộc Tấn, uy hiếp, đe dọa đoạn đường từ Cầu Trắng đến ngã ba công chánh luồn rừng, thọc sâu gây hảm họa ở Thiện Hưng, Hưng Phước, tất cả những hành động của chúng đã xác nhận bộ mặt phản bội tàn ác dã man rất thực tế của Pôn Pốt. Đảng chính quyền và nhân dân Sông Bé khẳng định Pôn Pốt đã phản bội là kẻ thù và cũng nhận rõ kẻ đứng đằng sau hắn. Không còn nghi ngờ gì nữa, hắn đã phản bội và hiểu thấu hơn tình cảnh thống khổ của nhân dân tỉnh bạn Kratié.
          Trước thực tế phũ phàng đó, nhân dân Sông Bé buộc phải quyết bảo vệ chủ quyền đất nước, quyền bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân, không để kẻ thù xâm phạm dù là lén lút.
          Công trường xây dựng tuyến phòng thủ chiến đấu được triển khai liên tục, hoàn chỉnh tuyến mìn, cò vây, đào hào đắp ụ chiến đấu rộng 50m chạy suốt đường biên giới. Trừ những nơi hiểm trở địch không thể vượt được. Sau tuyến phòng thủ chiến đấu là con đường rừng có thể cho xe cơ giới hoạt động, cơ động. Trong lòng vòng cung biên giới là 9 làng xã sẵn sàng chiến đấu. Nhân dân, bộ đội, dân công đào hào, rào kẽm gai, cắm chông, đắp ụ chiến đấu bảo đảm giặc đến nhà “đàn bà cũng đánh”.
          10 ngày cuối tháng 7-1978. Tiểu đoàn Phú Lợi đang đứng chân ở biên giới phối hợp cùng lực lượng Quân khu 7 tấn công trên hướng chính diện, bao vây và chiến đấu quét sạch các chốt cao điểm pháo đài trên trục lộ 13. Ngày 29-7-1978 giải phóng Snoul làm suy yếu lực lượng vùng 505 Kratié hỗ trợ cho nhân dân Kratié tiếp tục nổi dậy đấu tranh thoát khỏi các trại tập trung. Thoát khỏi cảnh sống bị đọa đày diệt chủng, mở cho bạn một vùng giải phóng làm căn cứ địa cho cuộc nổi dậy tiến công giải phóng tỉnh Kratié góp một mũi tiến công giải phóng cho cả đất nước Campuchia.
          Để giúp bạn đạt hiệu quả cao hơn, theo đề nghị của bạn, trên cơ sở ban biên giới của tỉnh, Đoàn công tác tỉnh Sông Bé giúp bạn Kratié thành lập.

NGUYỄN HUỲNH


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24433494