Đất, Người Bình Dương

Thị xã Thủ Dầu Một - Vùng đất phương Nam

  • Báo Bình Dương
  • 25/07/2012

 

Ít ai tưởng tượng được rằng sự thay đổi của một vùng đất, từ chỗ xa xôi, vắng vẻ trở thành đô thị sầm uất, nhộn nhịp, ngập tràn sức sống chỉ diễn ra trong vòng mấy năm. Giờ đây hình ảnh của một đô thị hiện đại hòa quyện với những nét văn hóa truyền thống chẳng còn xa lạ đối với du khách trong và ngoài nước. Thị xã Thủ Dầu Một, vùng đất phương Nam đang thực sự trở nên cuốn hút, hấp dẫn mọi người. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
Để đánh giá sự phát triển của một đô thị thì có lẽ chỉ cần nhìn ngắm phong cảnh khi chiều tắt, ánh sáng của đèn đường rực rỡ khắp muôn nơi. Kể từ khi tái lập tỉnh Bình Dương cho đến nay, với vị trí thuận lợi là trung tâm chính trị văn hoá xã hội của tỉnh, thị xã Thủ Dầu Một đã được chú trọng đầu tư phát triển về mọi mặt, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng. Nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 30 km, trên quốc lộ 13, tuyến đường Bắc - Nam thị xã đã trở thành một đầu mối giao lưu buôn bán quan trọng. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn ở mức cao, hơn 11%, cơ cấu kinh tế chủ yếu là công nghiệp và dịch vụ, thị xã đang có những bước chuyển đổi không ngừng.
 
 

Chợ Thủ Dầu Một những năm đầu thế kỷ xx với cột đồng hồ đặc trưng



Là một vùng đất nổi tiếng phương Nam với những nghề thủ công truyền thống được người di cư miền Bắc xây dựng nên, thị xã Thủ Dầu Một được biết đến như một cái nôi của nghề gốm sứ, sơn mài và điêu khắc gỗ với một phong cách đặc trưng riêng. Giờ đây khi nghề làm gốm sứ đã được quy hoạch đưa ra ngoài thị xã thì nghề làm điêu khắc gỗ, sơn mài dường như có điều kiện được chăm chút phát triển hơn. Với quy trình công việc theo hướng chuyên môn hoá cao, mỗi công đoạn điêu khắc gỗ được một nhóm thợ thực hiện nên tốc độ tiêu thụ sản phẩm làm ra rất cao, đáp ứng ngay nhu cầu của thị trường. Hiện nay sản phẩm điêu khắc gỗ thông dụng là những tượng tròn, đồ gia dụng và các vật dụng trang trí đủ kiểu dáng. Nắm bắt được thị hiếu khách hàng đó là sự nhanh nhạy của những người làm nghề điêu khắc gỗ. Sản phẩm làm ra giờ đây không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn được tiêu thụ mạnh ra thị trường nước ngoài với những đơn đặt hàng lớn, có giá trị kinh tế cao. Với việc chia ra nhiều công đoạn khác nhau: khắc chạm, đánh bóng, mài dũa, phun sơn... công việc của người thợ trở nên thuận tiện. Nhờ đó những sản phẩm gỗ điêu khắc làm ra tinh xảo hơn và đẹp hơn. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống mang dấu ấn của vùng đất Thủ Dầu Một ngày càng có nhiều uy tín trên thị trường. Từ lâu người ta đã biết đến vùng đất nơi phương Nam xa xôi này không chỉ có các cơ sở sản xuất sơn mài nổi tiếng như: Thành Lễ, Sông Đồng mà còn có cả một làng nghề làm tranh sơn mài, đó là làng sơn mài Tương Bình Hiệp.
 
 

Xe bò trong sinh hoạt



Giờ đây do sự phát triển của nhiều loại sơn ngoại đa dạng về màu sắc đã làm cho sản phẩm sơn mài trở nên phong phú hơn. Tuy nhiên vẫn còn có những cơ sở làm tranh sơn mài theo kiểu truyền thống. Trong số đó được biết đến nhiều nhất là cơ sở sản xuất tại gia đình của bác Tám Khiêm, một người đã có hơn 50 năm lăn lộn với nghề. Có lẽ làm tranh sơn mài theo kiểu truyền thống là phức tạp hơn cả nhưng bù lại chất lượng tranh dường như càng để lâu càng tốt. Để sản xuất ra một sản phẩm hoàn chỉnh từ gỗ nguyên liệu đến khâu cuối cùng phải trải qua quá trình lên tới hơn 25 công đoạn. Công việc của mỗi công đoạn lại đòi hỏi phải có nghệ thuật riêng, vừa tỉ mỉ lại vừa công phu. Có công đoạn phải làm đi làm lại nhiều lần mới đạt yêu cầu. Để hoàn thành một tác phẩm sơn mài truyền thống sử dụng chủ yếu chất liệu sơn ta, thời gian có thể lên đến 5, 6 tháng, lâu hơn rất nhiều so với việc sử dụng chất liệu hiện đại. Trải qua nhiều thế hệ, nghề sơn mài nơi đây vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo nhẹ nhàng thanh thoát, đậm đà tính cách Á Đông. Ngày nay khách trong và ngoài nước có thể đến đặt mua và yêu cầu chuyển đến bất kỳ nơi đâu các loại sản phẩm sơn mài như: bàn ghế, tủ, bình, tranh... Khách đến với gia đình bác Khiêm đều hiểu rằng để có những tác phẩm sơn mài thật sự chất lượng, độ bền cao không thể vội vàng. Và những tác phẩm sơn mài có chất lượng sẽ luôn được khẳng định bởi thời gian. 

Kiên trì với cách làm của mình, gia đình bác Khiêm không chỉ góp phần tôn vinh vẻ đẹp của sơn mài truyền thống mà còn khẳng định làm tranh sơn mài theo cách truyền thống vẫn có chỗ đứng trên đất Thủ Dầu Một này. Sự phát triển nhiều chiều, đa dạng của nghề sơn mài Tương Bình Hiệp không chỉ là niềm tự hào của một làng nghề mà còn là di sản văn hoá đáng trân trọng của cả dân tộc ta.
 
 

Trong lò gốm Thủ Dầu Một



Hơn 300 năm những người di cư đã đến đây khai phá, dựng nhà lập ấp, xây dựng cuộc sống ổn định lâu dài. Và cho đến hôm nay những ngôi đền, ngôi chùa có trên trăm năm tuổi vẫn được người dân nơi đây trân trọng giữ gìn, được du khách gần xa biết đến. Ớ ngay trung tâm thị xã Thủ Dầu Một có ngôi chùa Bà, thờ Thiên hậu Thánh mẫu được xây dựng vào giữa thế kỷ 19. Hàng năm lễ hội chùa Bà được tổ chức vào 3 ngày từ 13 - 15 tháng 1 Âm lịch, thu hút lên đến cả triệu người đến tham dự cúng lễ, cầu phúc, cầu lộc cho năm mới. Lễ hội chùa Bà Thủ Dầu Một giờ đây đã trở thành một lễ hội dân gian lớn với những nét văn hoá độc đáo nổi tiếng ở vùng Đông Nam Bộ.

Trong số những ngôi chùa ở Bình Dương thì chùa Hội Khánh là một ngôi chùa cổ thuộc diện lâu đời nhất ở xứ này. Chùa do Thiền sư Đại Ngạn xây dựng từ năm 1741. Chùa cũng đã được trùng tu, xây lại nhiều chỗ vì chiến tranh tàn phá. Vào giữa những năm 20 của thế kỷ 20 cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã từng đến đây cùng với hoà thượng Từ Văn để truyền bá tư tưởng yêu nước trong giới Phật giáo. Hiện chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị nghệ thuật cao. Ngay gian chính điện có chiếc cửa võng trạm trổ công phu với hình ảnh 18 vị la hán đứng xung quanh Phật tổ. Hai bên tường của Chính điện có bộ tượng Thập điện Minh Vương và bộ Thập bát La Hán. Hơn 260 năm nay, chùa Hội Khánh đã trở thành danh lam của Thủ Dầu Một không chỉ đơn thuần nó là ngôi cổ tự có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. 

Hình ảnh Thị xã Thủ Dầu Một hôm nay khác xưa thật nhiều. 40 năm về trước nơi đây từng nổi tiếng với 2 nhà tù chủ yếu giam giữ tù chính trị. Nhà tù Phú Lợi nằm trong địa bàn thị xã nay đã trở thành di tích tố cáo những tội ác dã man của chính quyền ngụy. Dưới thời kỳ Ngô Đình Diệm nơi đây đã trở thành nhà tù lớn nhất miền Nam, ở đây lúc nào cũng có khoảng 5.000 đến 6.000 tù nhân. Ngày 1/12/1958 đã xảy ra vụ đầu độc tù nhân làm hàng trăm người trúng độc. Đảng ủy trong nhà tù đã kịp thời chỉ đạo giải độc cho anh em và tổ chức các tù nhân đấu tranh khi thấy địch không có ý định cứu chữa cho bệnh nhân. Kẻ thù đã điên cuồng đàn áp, đánh đập những người bị đầu độc, đày đi các trại giam khác và thủ tiêu các tù chính trị trong đêm 2/12 cho đến hết ngày 3/12, sự kiện này đã gây nên làn sóng phản đối trong nước và quốc tế. Và cho đến hôm nay ngày 1/12/1958 đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường của tù nhân trong nhà tù Phú Lợi. Đó cũng là dấu mốc của lịch sử cách mạng tỉnh Bình Dương cũng như cả nước trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Dáng dấp của một đô thị hiện đại dường như đã xoá nhòa những dấu vết của đau thương và chiến tranh. Cái mà người dân nơi đây mong muốn gìn giữ nhất chính là những giá trị văn hoá được cha ông truyền lại. Nhà cổ trên đất Thủ Dầu Một hiện nay chỉ còn vài căn trong đó còn lại nguyên vẹn nhất có lẽ là nhà của ông Trần Công Vàng ở phường Phú Cường. Mái lợp âm dương, khá thấp so với lối kiến trúc hiện nay những bên trong lúc nào cũng thoáng mát nhờ bốn phía đều có cửa sổ. Vật liệu xây dựng chủ yếu là các loại danh mộc quý như sao, cẩm lai, gỗ mun, huỳnh đường... Tuy đã trải qua 4 đời với trên 1,5 thế kỷ, các vật dụng sinh hoạt gia đình hoặc trang trí hầu như còn giữ nguyên vẹn. Đáng chú ý là 3 bộ bàn ghế bành tượng khảm ốc xà cừ với mặt bàn là các phiến đá cẩm thạch, 3 bộ đèn Huê Kỳ lạ mắt bằng đồng có tuổi thọ trên 100 năm hiện vẫn đang sử dụng. Và rất nhiều những hiện vật cổ kính dùng cho việc gia đình hàng ngày đều được lưu giữ cẩn thận. Ngôi nhà giờ đây vẫn do gia đình quản lý với sự quan tâm giúp đỡ rất nhiều từ chính quyền địa phương cũng như của Bảo tàng tỉnh Bình Dương. Trong thời gian tới đây những ngôi nhà cổ này sẽ được trùng tu để mãi vẫn giữ lại một nét văn hoá đặc sắc của vùng đất Thủ Dầu Một.

 

Chợ Thủ Dầu Một vào năm 1917


Thủ Dầu Một vùng đất phương Nam xa xôi luôn sẵn sàng đón nhận bất kỳ ai muốn lập nghiệp, tìm cho mình một cuộc sống có tương lai tốt đẹp. Với tốc độ công nghiệp hoá nhanh, dần trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, dường như ở nơi đây làm bất cứ nghề gì cũng sống được. Nghề nuôi bò sữa phát triển ở đây cũng chưa lâu, cả thị xã có hơn 300 con bò sữa trong khi nhu cầu sữa tươi lại rất lớn. Gia đình ông Toại ở phường Chính Nghĩa cũng đã nuôi bò được mấy năm. Giờ đây ông có 20 con bò trong đó có 13 con đang cho sữa. Chỉ tính riêng tiền lãi từ việc bán sữa hàng ngày ông cũng thu về được hơn 200 nghìn. Hiện ông đang muốn mở rộng thêm chuồng trại, nuôi thêm bò và đưa năng suất sữa của đàn bò ngày càng tăng cao. 

Sự thay đổi của thị xã Thủ Dầu Một trong những năm gần đây là một điều tất yếu. Vùng đất này có tất cả những điều kiện thuận lợi để trở thành một thành phố vệ tinh của thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai. Với những chính sách thông thoáng, chính quyền thị xã luôn tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp địa phương. Càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp làm ăn phát đạt mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra nhiều nước trên thế giới. Công ty chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc Kim Long đã phát triển hơn 10 năm nay. Hai vợ chồng ông Chung Kim chủ công ty đã lăn lộn, vất vả trong nhiều năm để sản phẩm thức ăn gia súc ngày càng đạt chất lượng cao, có chỗ đứng trên thị trường. Mạnh bạo, dám đầu tư lớn, công ty vừa triển khai một dây chuyền chế biến thức ăn gia súc khép kín, điều khiển hoàn toàn tự động, nhờ đó sản phẩm thức ăn gia súc sẽ đảm bảo chất lượng và an toàn. Cùng với việc xây dựng một trang trại nuôi lợn lớn, công ty đang phấn đấu trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu tham gia thị trường xuất khẩu thịt lợn. Những người có suy nghĩ như ông Chung Kim ngày càng nhiều trên vùng đất này. Chính họ đã và đang tạo nên bước phát triển vượt bậc cho thị xã Thủ Dầu Một.

Hương vị của cây trái Nam Bộ luôn tạo nên những điều mới lạ đối với khách du lịch. Với định hướng quy hoạch phát triển các nhà vườn dọc sông Sài Gòn, thị xã đã khuyến khích người dân lập nên.

Báo Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24284072