Đất, Người Bình Dương

Anh hùng liệt sĩ Đoàn Thị Liên

  • Nguyễn Minh Đức
  • 25/07/2012

Chị Đoàn Thị Liên sinh năm 1944, gia đình nông dân nghèo ở ấp 1, xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Quê hương chị có chi bộ cộng sản đầu tiên trước tháng 8 - 1945, có đội thanh niên tiền phong vũ trang xã do đồng chí Nguyễn Văn Ngọ (Bảy Quỳ) chỉ huy đứng ra bảo vệ nhân dân giành chính quyền thắng lợi tại quận lỵ Bến Cát.

Quân dân xã nhà đã kiên cường kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, nổi lên “Đội quân tóc dài” đấu tranh ba mũi giáp công, trong đó có thanh niên Đoàn Thị Liên. Những năm 1963 - 1964, người nữ thanh niên này thoát ly gia đình vào làm đội du kích và sau đó có nhiều chiến công được làm xã đội phó. Đầu năm 1965, nữ đồng chí Liên được cấp ủy xã giao nhiệm vụ mới. Đoàn Thị Liên chỉ huy một trung đội thanh niên dân công hỏa tuyến phục vụ đơn vị bộ đội chiến đấu tại tỉnh nhà.
Theo chủ trương của trên, ngày 24- 4- 1965, Đoàn Thị Liên chỉ huy một trung đội thanh niên xung phong từ tỉnh Bình Dương hành quân đến căn cứ R thành lập đội Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam làm nhiệm vụ “5 xung phong”. Khi đó quân số toàn liên đội có 108 nam nữ cán bộ, chiến sĩ ở các cơ quan Trung ương Đoàn, Trung ương Cục, các tỉnh đoàn miền Đông và các tỉnh đoàn đồng bằng sông Cửu Long. Họ tuyên thệ: “Phục vụ quên mình anh dũng xung phong lập công vẻ vang” sát cánh với sư đoàn chủ lực 5, 7, 9 của miền Nam.
Đến ngày 1- 12- 1965, Đoàn Thị Liên là Trung đội trưởng, đại đội 112 - thanh niên xung phong Thủ Dầu Một mang danh hiệu “Phú Lợi căm thù”. Từ đó trải qua những ngày tháng hào hùng thanh niên xung phong được bộ đội tặng biệt danh là lực lượng có “chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên”. Họ đã phục vụ có hiệu quả cao các trận đánh Mỹ nổi tiếng đầu tiên: Phước Long, Đồng Xoài, Bông Trang - Nhà Đỏ …Đoàn Thị Liên chỉ huy trung đội làm nhiệm vụ trước trong chiến đấu: tải đạn, tải lương thực (hậu cần); đào hầm hào trú ẩn cho trạm quân y, cho trạm xá chứa thương binh (công binh) cầm súng chiến đấu bảo vệ đơn vị, bảo vệ thương binh. Sau chiến đấu, tải chiến lợi phẩm, tải thương binh, sửa đường, cầu gỗ bị địch đánh sập … Những động tác đó trong mưa bom, bão đạn ác liệt của máy bay B52 và pháo bầy của Mỹ, hoặc các trận bộ binh địch truy kích sát đội hình phía sau ta hay chặn đường ra mặt trận.
Ví như sự kiện căm thù nhất hơn 40 anh chị em đã hy sinh tại Phú Bình (Bến Cát), do máy bay B52 Mỹ thả hàng loạt bom trúng đội hình thanh niên xung phong “Phú Lợi” đang chuyển đạn ra chiến trường cho trận đánh Bàu Bàng (1965). Người chỉ huy nổi tiếng gan dạ phải chảy nước mắt vừa tự tay mình đi nhặt xác đồng đội vừa động viên anh chị em còn sống tiếp tục tải đạn ra chiến trường kịp giờ nổ súng.
Đối với đội viên đang hành quân lên cơn sốt rét hoặc có lần chị em đang hành kinh không chịu ở hậu tuyến cứ lên đường ra tiền tuyến đi qua suối sâu nước nhiều khó xử lý, Đoàn Thị Liên liền đến kề vai cõng họ băng qua khó khăn đó. Sau này về căn cứ nhắc nhở chị em nên yên tâm ở lại vì đã qui định được 3 ngày nghỉ lao động hoặc phục vụ chiến đấu để bảo vệ sức khỏe. Có vài lần, Đoàn Thị Liên kiên quyết không cho chị em đang hành kinh mà giấu để hành quân. Ngược lại, bản thân Bảy Liên thì cứ giấu kín điều riêng ấy để làm nhiệm vụ, được chị em phát hiện đem ra phê bình, Bảy Liên vui vẻ nhận hứa sửa chữa!
Sau khi Ban chỉ huy liên đội triển khai nhiệm vụ phục vụ Trung đoàn 6 (Sư đoàn 9) mở chiến dịch đánh Mỹ trên đường 13, tại cầu Cần Lê đoạn từ An Lộc đi Lộc Ninh. Đại đội “Phú Lợi” trong đó có Trung đội Đoàn Thị Liên hăng hái thi đua nhau tấp nập chuyển đạn, lương thực đến địa điểm tập kết sát đường 13 cho các bộ đội nhận. Chẳng may Đoàn Thị Liên bị lên cơn sốt rét nặng qua những buổi mang vác đạn dưới những cơn mưa dầm suốt nhiều ngày đêm. Y sĩ cho uống thuốc điều trị không cắt được sốt rét, Liên đòi tiếp tục làm nhiệm vụ vì biết trận này rất quan trọng, ác liệt cần phải có mặt mình trong đội ngũ. Liên đến gặp chính trị viên đại đội năn nỉ đòi đi phục vụ chiến đấu. Đồng chí Tư Nha có lời khuyên Liên ở hậu cứ trị bệnh lần sau đi cũng được. Liên vẫn giữ nguyên ý định, cuối cùng vác đạn và tiểu đội chạy băng băng theo đơn vị bộ đội.
Quân giải phóng nổ súng vào đội hình xe tăng địch. Quân địch phản kích dữ dội. Hai bên đánh nhau kéo dài, khó khăn lớn cho ta còn bị bom, đạn pháo địch gây sát thương, tử thương nhiều chiến sĩ.
Đoàn Thị Liên và đồng đội nhảy lên khỏi công sự, bò dưới tầm đạn đại bác tìm thương binh. Thấy được 2 chiến sĩ bị thương nặng, Liên giao cho anh em tiếp tục tìm nữa. Đoàn Thị Liên lần lượt cõng từng người về hầm an toàn cả hai. Vì thể tích hầm chỉ đủ chứa 2 người nên Liên phải ở trên vừa núp sau gò mối tránh đạn, vừa chuẩn bị làm tiếp việc tìm thương binh ở trận địa.
Bất thình lình một trái pháo nổ gần đó, Liên bị thương vào lưng ngã gục xuống do một mảnh đạn. Rồi các tiếng pháo nổ liên tiếp chung quanh, Liên bình tỉnh la lớn tiếng, át tiếng nổ, được anh chị em gần đó nghe. “Chị em xông ra trận cõng tiếp thương binh về hầm, nhanh lên”. Mệnh lệnh đó vừa dứt thì trái pháo nổ khác trên ngọn cây, mảnh đạn chụp xuống, nhiều mảnh trúng vào người Liên lần thứ hai rất nặng và lịm dần bên cạnh vũng máu đào trên miệng hầm đồng đội. Sau đó, hai đồng chí thương binh ở dưới hầm không bị thương lần nữa, mới biết được người thanh niên xung phong đã che đạn cho mình vừa hy sinh. Hôm ấy ngày 10- 7- 1966!
Tấm gương anh dũng của Đoàn Thị Liên và câu nói bất hủ “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai” đã trở thành lời thề khắp các mặt trận, trở thành truyền thống của các đơn vị thanh niên xung phong Giải phóng Miền Nam. Đoàn Thị Liên được truy tặng Huân chương Thành đồng hạng ba, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 
        Nguyễn Minh Đức
 Anh hùng liệt sĩ Đoàn Thị Liên / Nguyễn Minh Đức // Bình Dương. - 2004. - Số 1308, ngày 16 tháng 10. - Tr. 10
 
(theo Thư viện tỉnh Bình Dương)

Nguyễn Minh Đức


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24373705