Đất, Người Bình Dương

Huỳnh Văn Cù- người chỉ huy du kích

Đi trên đường Huỳnh Văn Cù - từ bùng binh Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh qua ngã tư chợ Cây Dừa đến cầu Mới (cầu Phú Cường), tôi chợt nhớ đến liệt sĩ Huỳnh Văn Cù đã được ghi danh ở Đài liệt sĩ phường Hiệp Thành, TX.TDM.

Anh Ba Cù đi kháng chiến từ phong trào Thanh niên tiền phong giành chánh quyền ở TX.TDM năm 1945. Lúc đó anh 26 tuổi. Tiếp đó, anh là chiến sĩ chỉ huy du kích “tả xung hữu đột”, khi ẩn khi hiện. Khi đánh địch ở đường 13, khi hoạt động ở đường 14, khi về cầu trệt, khi lẩn qua Bình Mỹ - Củ Chi, truông Bồng Bông, Bưng Cải, Phú Mỹ, Phú Chánh…Giặc Pháp từng nghe tiếng “Ba Cù”, lùng sục mà không tìm ra manh mối.
Từ năm 1946, anh là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh thị xã Phú Cường, chỉ huy đội du kích Chánh Hiệp đánh đoàn thiết giáp của Pháp ở đường 13 - khu vực Bưng Cầu (Định Hòa). Anh ném hai quả lựu đạn, quả thứ hai vừa ném thì phát nổ, làm anh bị cụt tay phải. Anh vẫn hoạt động và người ta thường gọi anh la “Ba Cù cụt tay” mà rất kính nể.
Bà sáu Nết - vợ của ông Ba Cù nói rằng: Ông Cù rất gan dạ, có nhiều thành tích đánh giặc ở địa phương. Cho nên, khi bạn của ổng hỏi bà làm vợ cho ông Cù thì bà và gia đình ưng ý ngay - dù bà chưa đủ tuổi hôn nhân. Hiện giờ bà đã tuổi 73, sống với con của ông bà là Huỳnh Văn Lân. Làm giỗ cho ông vào ngày 19 tháng giêng hàng năm và lãnh tiền tuất liệt sĩ của ông ở phường Hiệp Thành.
Năm 1950, lãnh đạo thị xã Thủ Dầu Một ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi (đối diện với cảng Bà Lụa), Pháp phát hiện được và hành quân bao vây tiêu diệt cán bộ Việt Minh. Trận ấy, một số cán bộ bị hy sinh, trong đó có chị Bình Minh (Tư Minh) và anh Ba Cù thì bị chúng bắt được. Chúng cột một tay anh vào súng máy gắn phía trước xe thiết giáp, chở nhiều vòng, quanh chợ Thủ Dầu Một để khoe rằng đã bắt được “Việt minh cỡ bự”. Anh vẫn hiên ngang đưa cánh tay cụt lên chào đồng bào. Sau đó chúng đưa anh về bót Séc-tơ, rồi đưa đi thủ tiêu ở sông Sài Gòn, không tìm được xác, nên bây giờ không có hài cốt, không có mộ. Đến nay bà Sáu Nết vẫn còn xót xa về hài cốt của chồng. Việc anh hy sinh làm cho lãnh đạo tỉnh thương tiếc vì mất một chiến sĩ kiên cường tài ba.
Liệt sĩ Huỳnh Văn Cù sinh năm 1919 ở ấp Chánh Thành (gần nhà thờ Chánh Thiện) phường Hiệp Thành ngày nay. Thân sinh ra ông là ông Ba Lô, làm nghề đánh xe ngựa. Bản thân anh là thợ may. Theo lời kể của ông Ngô Phước Tính (Tư Ru) là cháu kêu ông Cù bằng cậu ruột thì khi bị bắt Pháp hỏi: Bao giờ hết Việt Minh? Anh trả lời: Khi nào đất hết cỏ thì hết Việt Minh. Ông Tư Ru cũng nghe kể Việt Minh đòi thả ông Cù thì Việt Minh sẽ thả 3 sĩ quan Pháp bị ta bắt. Nhưng Pháp không chịu và thủ tiêu anh không chút do dự.
Huỳnh Văn Cù có đặc điểm là quấn khăn rằn để che tay bị cụt, thường có 2 khẩu súng ngắn một lúc. Anh Ba Cù là một chiến sĩ hiên ngang, tài ba trong chiến đấu cũng như trong khi địch bắt bị thủ tiêu. Gương hy sinh của anh đã để lại cho đời niềm kiêu hãnh về sự dũng cảm, kiên cường, luôn luôn tiến công địch, tình nghĩa với đồng đội.
 
Nguyễn Văn Phước
 Huỳnh Văn Cù - Người chỉ huy du kích ''Tả xung hữu đột'' / Nguyễn Văn Phước // Sông Bé. - 2004. - Ngày 25 tháng 5
(theo Thư viện tỉnh Bình Dương)

Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24389425