Đất, Người Bình Dương

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - người trai đất Thủ

Ngày 26- 10- 1956, Trường Âm nhạc Việt Nam - tiền thân của Nhạc viện Hà Nội ngày nay - làm lễ khai giảng khoá đầu tiên. Trong số sinh viên khoá đầu này, có chàng trai học sinh miền Nam diện bộ đồ Thanh niên xung phong sờn cũ, chân mang đôi guốc mới chong, cùng bè bạn hồ hởi bước chân vào lớp học.

  Hai năm đầu, dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Thái Thị Liên, anh miệt mài luyện uốn những ngón tay trên phím đàn piano huyền ảo như gõ vào chính tâm hồn nhạy cảm của mình, để rồi, chương trình cơ bản học piano chưa tròn, anh đã cho ra đời ca khúc Gởi bạn An- giê- ri khá phổ biến lúc bấy giờ. Nhờ khả năng sáng tác này bộc lộ mà từ năm thứ ba anh được chuyển sang học khoa sáng tác, kéo thời gian anh ở trường Âm nhạc Việt Nam tới sáu năm.
  Sáu năm để anh “sôi kinh nấu sử”. Sáu năm để anh tranh thủ những ngày nghỉ đi làm kiếm thêm tiền mua tài liệu, sách vở, sắm áo quần, đóng tiền thuê nhà, trả tiền cơm tháng… Mỗi lần Tết đến, nhìn đoá đào nở rộ, anh lại da diết nhớ cánh mai vàng biền biệt phương Nam, nhớ về nơi chôn nhau cắt rún của mình.
  Nơi ấy là Thủ Dầu Một.
  Nơi ấy bên sông Sài Gòn ngày đêm dập dềnh con sóng vỗ, có tiếng hò của người chèo ghe chở mía, hoà cùng tiếng vi vu của hàng dương liễu bên bờ; có tiếng vó ngựa lốc cốc và tiếng bánh xe thổ mộ ngược xuôi trên đường; có những buổi chiều chuyển mưa, gió giông cuốn những bông sao, bông dầu xoay tít trên không như chong chóng xoáy vào kỷ niệm những chiều quê.
  Chính nơi ấy, ngày 13 tháng 4 năm 1936 anh cất tiếng khóc chào đời.
  Thân mẫu anh là một người tần tảo, thông minh, sống bằng nghề buôn bán trái cây và nấu cơm tháng. Bà dạy con rất nghiêm ngặt, nuông chiều cũng nhiều và dạy con bằng roi vọt cũng không ít. Bà còn gởi gắm tình thương bao la của người mẹ vào lời ru qua tiếng kẽo kẹt của cánh võng đong đưa những trưa hè.
  Phụ thân anh là một người trầm tĩnh và sống giản dị. Ông không hút thuốc cũng chẳng uống rượu. Ông thạo nghề nông nhưng không thước đất cắm dùi. Đêm đêm, ông chỉ bộc bạch tâm trí u hoài của mình bằng tiếng sáo tiếng tiêu. Rồi ông bị Tây bắt đi lính tẩy. Tới ngày Cách Mạng tháng Tám mùa thu, chính ông lại chỉ huy binh lính này ở đồn Bàu Bàng cùng dân đứng lên khởi nghĩa.
  Chốn quê là thế.
  Thế thái nhân tình quê hương là thế. Tất cả đều cuộn trôi đi trong nhiều suy nghĩ lớn và lo âu lớn. Nó như nhịp đời gõ vào thời gian để mọi người nghĩ suy, mọi người nhận đón vào hành trang mơ ước của mỗi người.
  Năm 13 tuổi, anh đã yêu nhạc, yêu thơ. Anh có cả một tập vở đẹp, chép gò từng nét chữ những bài thơ do chính anh làm, và chép cả những bài thơ cách mạng hừng hực lửa đấu tranh lúc đó không được phổ biến. Rồi một ngày vui khôn tả đến với anh: Báo Dân Ta ở Sài Gòn chọn đăng thơ anh với bút hiệu Lư Phong. Tiếp theo, anh liền thử nghiệm khám phá “thế giới tâm hồn” của chính mình là sáng tác nhạc. Bài ca giã từ của anh ra đời thời gian này là bài hát nói về người lữ thứ gạt bỏ tình riêng, xông pha trên đường mưa gió. Có thể coi đây là tác phẩm âm nhạc đầu tay của anh.
  Rồi một ngày kia, anh âm thầm giã từ cha mẹ thân yêu, giã từ bạn bè thân thiết, giã từ dòng sông với bến sông Chợ Thủ. Đó là ngày 1 tháng 7 năm 1955, anh được đường dây bí mật của ta bố trí cho “vượt tuyến” ra Bắc học tập.
  Đêm ấy, trên quê hương anh mưa rơi tầm tả. Mưa giả từ cả tuổi thơ của anh. Anh ra đi để không bao giờ được gặp lại mẹ cha cùng ngôi nhà cũ của chàng trai tràn đầy khát vọng.
  Trước khi vào trường nhạc, anh đã từng là học sinh miền Nam, từng khoác áo thanh niên xung phong tham gia lao động trên công trường xây dựng nhà máy chè Phú Thọ, gỗ Cầu Đuống, phục hồi tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, sông Cầu… Rồi khi vào trường “Sôi kinh nấu sử”, anh lại có mặt trong các đợt đi cơ sở thực tế. Có khi anh về Kinh Bắc giữa mượt mà lời ca Quan họ. Có khi chống gậy theo đoàn ngựa thồ leo lên Cổng trời Quảng Bạ ngắm núi Mã Pí Lèng tràn ngập mây mù và chộn rộn tiếng hoạ mi. Tất cả được anh tiếp nhận bằng đôi chân của người chiến sĩ, bằng trái tim của người nghệ sĩ để tới khi ra trường, anh đã có trong tay tám tác phẩm âm nhạc được các đoàn nghệ thuật dàn dựng, được giải thưởng và được phổ biến trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đây, anh chuyên vào hoạt động âm nhạc cho tới khi trở lại miền Nam, anh đã có thêm 11 tác phẩm sinh ra từ đất Bắc nhưng vẫn đậm dấu ấn tình thương của người thân và đầy ký ức sâu sắc về quê nhà của người trai Đất Thủ.
  Thế rồi, trong trang phục giải phóng quân, anh trở về miền Nam quê hương đang cơn khói lửa.
  Đó là ngày 13 tháng 4 năm 1970.
  Anh giã từ Hà Nội trong tiếng còi tàu khuya tiễn đưa, vừa trìu mến thiết tha, vừa dõng dạc như hiệu lệnh.
  Vậy là, mười lăm năm trước, người trai Đất Thủ ấy ra đi. Hành trang là một trái tim nhiệt tình xốc nổi. Gia tài là Bài ca giã từ cùng vốn liếng nhỏ nhoi của một hồn quê thấm đậm trong tiềm thức. Mười lăm năm sau, người trai ấy trở về trong bước chân kiêu hùng của người lính, mang trái tim nồng nhiệt của người nhạc sĩ, cùng hành trang hai chục tác phẩm âm nhạc bắt nguồn từ điệu hát quê hương.
  Quê hương trong anh ngoài ý nghĩa cụ thể là nơi cắt rún chôn nhau, giờ đây còn thêm khái niệm là cảm xúc của người nghệ sĩ rung theo nhịp đập buồn vui, ước vọng của cuộc đời. Quê hương đó đã tiếp sức cho đôi chân anh suốt chặng đường một trăm hai chục ngày đêm leo dốc, luồn rừng dọc dãi Trường Sơn về với miền Đông anh dũng. Đôi chân ấy lại men theo biên giới, qua đồng Chó Ngáp, vượt sông Tiền, sông Hậu đến với Chót Mũi Cà Mau. Từng bước chân, anh đã cảm nhận được tiếng rú rít của B52, tiếng cuốc đào hầm chôn đồng đội, tiếng con sóc nhảy, tiếng gà rừng gáy, tiếng voi ầm ì, và tiếng thì thầm gọi tình yêu.
  Tất cả để anh gắn chặt một cuộc đời.
  Tất cả để anh chắt lọc, những âm thanh cuộc sống từ trong trái tim của người chiến sĩ, chắt lọc những âm vang thanh khiết của thiên nhiên từ trong tiếng gầm rú của chiến trường, tạo nên một ý chí kiên cường, một tinh thần lạc quan, một tâm hồn nghệ sĩ, một thái độ lao động nghiêm túc, kết thành tài năng.
  Tài năng của người trai Đất Thủ ra đi năm xưa ấy đã kết thành Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Năm 1996 anh tròn sáu mươi tuổi.
  Sáu mươi năm chỉ là một chặng đường sáng tạo của một đời nghệ sĩ. Nhưng chặng đường ấy, anh đã có được cho chúng ta một gia tài quý giá: 60 tác phẩm thanh nhạc, 3 tác phẩm ca kịch, 3 tác phẩm khí nhạc, 15 tác phẩm âm nhạc cho sân khấu, 22 tác phẩm âm nhạc cho điện ảnh, 13 chương trình cho băng hình băng nhạc, và cùng cộng sự hoàn thành 3.617 trang in khảo cứu, sưu tầm dân ca Nam bộ, góp vào kho tàng lưu giữ văn hoá muôn đời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
  Raxun Gamzatop, nhà thơ Daghextan có một định nghĩa về bài hát : “Bài hát sinh từ trong trái tim, trái tim truyền lại cho miệng hát, miệng hát truyền lại cho mọi trái tim, và mọi trái tim truyền mọi bài hát cho muôn đời sau”.
  Những bài hát của Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sinh ra từ trái tim anh. Chúng ta hát là rung cảm cùng trái tim mọi người tới muôn đời sau.
Ngọc An

Người trai đất Thủ / Ngọc An // Sông Bé. - 1996. - Tr. 8-9

(theo Thư viện tỉnh Bình Dương)

Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24778977