Đất, Người Bình Dương

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp: Một nét đẹp văn hóa cổ truyền cần được bảo tồn

  • ĐOÀN THẾ BÍNH
  • 25/07/2012

“Thủ công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có vị trí quan trọng lâu dài trong nền kinh tế quốc dân, cần được chú ý phục hồi và phát triển mạnh, nhất là những nghề thủ công cổ truyền và mỹ nghệ”.
(Trích Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IV - năm 1976)

Lịch sử văn hóa nghệ thuật của Bình Dương được biết đến nhiều là qua những bàn tay của các nghệ nhân về điêu khắc gỗ, chạm lọng, gốm sứ, nhưng những nghệ nhân đó thường quy tụ lại thành một phường hay làng nghề để cùng nhau thực hiện những nghề nghiệp và ước vọng của mình. Làng nghề được biết đến nhiều và tiêu biểu cho Bình Dương là làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (nay thuộc TX.TDM, tỉnh Bình Dương). Vào nửa đầu thế kỷ 18, khi dân Việt di cư từ Trung, Bắc, ngược dòng sông Sài Gòn đến lập nghiệp ở tỉnh Thủ Dầu Một đã lập lên một ngôi làng nhỏ chuyên làm tranh cổ. Trải qua thời gian, qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử làng nghề vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Sau một thời gian khai khẩn đất hoang tạo lập nhà cửa, việc mưu sinh trên đất mới tạo ổn định, trong thời gian rảnh rỗi việc đồng áng, những người lưu dân đây đã thực hiện những bức sơn mài đầu tiên để tưởng nhớ quê cha đất tổ. Chính những bức sơn mài đầu tiên đó đã được những người giàu có trong vùng biết đến và họ đã đặt mua những bức tương tự để đem về trưng bày trong nhà, đồng thời họ đã tạo nên một nghề mới cho những lưu dân này trong lúc nông nhàn. Tiếng lành đồn xa, hàng đặt ngày càng nhiều, từng hộ chuyên vào ngành nghề này và lôi kéo theo nghe sơn mài. Với những vật liệu bằng gỗ mít thô sơ, được sơn nhiều lớp dầu sơn Phú Thọ, được đánh đi đánh lại tạo nên một lớp men đen bóng. Mỗi bức sơn mài là một tác phẩm nghệ thuật, được các nghệ nhân Tương Bình Hiệp thả hồn mình vào đó để tạo nên những kiệt tác có giá trị thẩm mỹ cao. Để có những tác phẩm nghệ thuật đó, là cả một quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật từ đôi bàn tay của nghệ nhân khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết để tạo nên một tác phẩm sơn mài sản xuất theo kiểu cổ truyền, thường trải qua hai mươi lăm công đoạn. Đó chính là hai mươi lăm bước công đoạn khắt khe mà một tác phẩm nghệ thuật sơn mài cổ truyền đòi hỏi mất nhiều công sức và thời gian. Người thợ sơn mài đích thực đó chính là người thợ luôn tâm huyết với nghề.

Khi người Pháp chiếm Thủ Dầu Một, họ rất thích thú đến nghệ thuật sơn mài, người Pháp đã nhận thấy được giá trị của nghệ thuật này nên họ đã dùng phương pháp sáng tạo của phương Tây bổ sung cho nghệ thuật cổ truyền của dân tộc Việt Nam để tạo nên những bức sơn mài cao cấp hơn.

Trải qua nhiều thế hệ, sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng mang đậm phong cách Á Đông. Sơn mài Tương Bình Hiệp từ sản xuất tự phát đơn lẻ đã đi vào sản xuất theo yêu cầu công nghiệp. Ngày nay, các cơ sở sản xuất sơn mài có thể sản xuất khá đa dạng các sản phẩm. Từ những hộ gia đình sản xuất theo dạng truyền thống, nhiều mô hình sản xuất lớn đã được hình  thành. Sơn mài cổ điển vẫn được ưa chuộng. Bên  cạnh đó, hàng loạt sản phẩm với mẫu mã hiện Đại, phù hợp với nhu cầu của cơ chế thị trường được hình thành tạo nên tính đa dạng phong phú cho sản phẩm sơn mài. Theo thời gian, các sản phẩm đa dạng hơn về màu sắc, hình vẽ, chất liệu… để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, những vật liệu mới được đưa vào sử dụng làm phong phú thêm mỹ nghệ sơn mài.

Nghề sơn mài truyền thống của Tương Bình Hiệp đã được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Làng sơn mài, không chỉ là niềm tự hào của Các thế hệ nơi đây mà còn là một nét văn hóa đẹp đáng trân trọng. Để giữ gìn và phát huy truyền thống Nghề sơn mài, những nghệ nhân tâm huyết với nghề đã chung tay xây dựng nét đẹp làng nghề. (Đình làng được trùng tu với sự đóng góp sức người, sức của từ các nghệ nhân và cơ sở sơn mài. Mỗi bàn thờ là một công trình nghệ thuật sơn mài kiệt tác từ những người thợ nơi đây). Sản phẩm sơn mài củaTương Bình Hiệp không chỉ là hàng hóa mỹ nghệ đơn thuần, mà có nhiều sản phẩm đã đạt đến đỉnh cao của giá  trị nghệ thuật. Sản phẩm sơn mài đã theo bước chân của những du khách đi khắp nơi trên mọi miền đất nước, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các nước phương Tây.

Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của làng nghề, các  thế hệ nối tiếp nhau làm vang danh làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, các trường lớp đào tạo nghề sơn mài đã được mở ra để giữ gìn nét đẹp truyền thống.

Trải qua bao thế hệ với những thăng trầm một làng nghề, sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp luôn là niềm tự hào bao thế hệ, là nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn và phát huy giá trị đích thực của một làng nghề cổ truyền.

ĐOÀN THẾ BÍNH


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24431234