Đất, Người Bình Dương

Thực trạng nghề thủ công truyền thống vẽ tranh trên kính, tỉnh Bình Dương

  • LÊ THỊ HÒE
  • 25/07/2012
Khi nói tới ngành nghề thủ công truyền thống của tỉnh Bình Dương, chúng thường nghe nhắc đến các nghề như điêu khắc gỗ, gốm  sứ, sơn mài... nhưng có lẽ ít ai biết đến một nghề thủ  công truyền thống vẽ tranh trên kính đã có từ lâu đời. Nghề vẽ tranh trên kính xuất hiện vào giữa thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX, vẽ tranh trên kính thật sự có ý nghĩa quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh Bình Dương xưa, nhưng hiện nay đang dần dần bị lãng quên, do nghề này không còn tồn tại nữa.
Tranh kiếng (tức là tranh vẽ trên kính) là một loại hình nghệ thuật dân gian được người dân Nam bộ ưa chuộng, trước đây vào bất cứ gia đình nào cũng đều thấy một vài bộ loại tranh này. Tranh kiếng trở thành sản phẩm không thể thiếu trong nghệ thuật trang trí ngôi nhà của người dân, việc treo tranh trong nhà đã tạo ra nét văn hóa riêng của người dân Nam bộ.
Khác với các loại tranh vẽ thông thường, tranh kiếng là một loại hình đặc biệt, nguyên tắc vẽ tranh kiếng là phải vẽ từ phía sau mặt kính, khi vẽ xong mới lật tấm kính lại và bề đó mới chính là bề mặt của tranh. Do nguyên tắc là vẽ phía sau mặt kính nên chi tiết nào đáng lẽ phải vẽ sau cùng, thì với tranh kính lại phải vẽ trước tiên. Chính với đặc điểm này đã tạo nên nét độc đáo trong tranh kiếng. Vẽ tranh kiếng rất khó, đòi hỏi người nghệ nhân phải thật sự khéo tay và có óc thẩm mỹ cao.
Trong những năm đầu thế kỷ XX, ở Nam bộ có 3 vùng sản xuất tranh kiếng nổi tiếng: Lái Thiêu (Thủ Dầu Một), Chợ Lớn (Sài Gòn) và Chợ Mới (An Giang). 3 vùng này dần dần phát triển trở thành 3 trung tâm sản xuất tranh kiếng và tạo ra 3 dòng tranh kiếng khác nhau, mỗi dòng tranh kiếng có những đặc điểm riêng.
Riêng Dòng tranh kiếng ở Lái Thiêu: Lái Thiêu là một địa phương sản xuất tranh kiếng nổi tiếng từ những năm đầu thế kỷ XX, phát triển mạnh vào những năm thập niên 20, có thể nói thời kỳ này là thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề vẽ tranh trên kính của tỉnh Thủ Dầu Một. Sau năm 1945, nghề vẽ tranh trên kính của tỉnh bị suy tàn do rất nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh.
Sản phẩm tranh kiếng ở Nam bộ phong phú và đa dạng, nhiều loại hình, nhiều màu sắc. Tranh có nhiều đề tài khác nhau và phân theo từng loại hình treo ở những nơi nhất định:
Loại tranh thờ tổtiên thường được treo ở bàn thờ tổ tiên, thờ Phật... loại tranh này thường thể hiện các đề tài như: Các bức hoành phi, câu đối có chữ “Trần Phủ Đường” (ghi họ tên gia chủ), “Thiện Tối Lạc” (ca tụng tổtiên), xung quanh trang trí dây lá, hối văn hay là trang trí viền bằng cây trúc, cây tùng minh họa; tranh viết chữ “Phước”, “Lộc”, “Thọ” trên nền đỏ, xung quanh vẽ khung hình dây lá hoặc hồi văn, thỉnh thoảng có thêm con bướm hay con dơi ngậm trụ chỉ. Tất cả các chữ trên tranh đều được viết bằng chữ Hán.
Ngoài ra, loại tranh này còn vẽ một bụi mai già bên cạnh có cây trúc, bụi lan, cúc... Đề tài khác hấp dẫn người dân bình thường như tranh vẽ phong cảnh, vẽ núi non, bầu trời... Tranh cao cấp thì có tấm liễn vẽ một cành cây có 7 bông, xung quanh có lá, có nụ, phía trên có ghi chữ Hán, loại tranh này rất đắt tiền nên chỉ có những gia đình giàu có mới có tiên mua loại tranh này về trang trí.
Loại tranh treo cửa buồng: Kiến trúc nhà của người dân Nam bộ khác hẳn với miền Bắc và miền Trung.Trong gian nhà ngoài (phòng khách) của người Nam bộ, bàn thờ được đặt chính diện với cửa chính, phía trước bàn thờ đặt một cái tủ lớn và một bộ bàn ghế dùng để tiếp khách, hai bên bàn thờ có 2 lối đi vào nhà trong (buồng). Vì có 2 cửa buồng đi vào nhà trong, nên người ta thường treo một tấm rèm hay một tấm vải cóhoa văn đẹp để, che cửa, phía trên cửa treo tranh trang trí.Tranh cửa buồng có hình chữ nhật, kích thướcthường  là 0,9m x 0,6m, mỗi bộ có 2 bức treo phía trên 2 cửa  buồng. Tranh cửa buồn vẽ theo đề tài “Loan phượng hòa minh” (tượng trưng chồng vợ hòa hiệp), “Hoa mẫu đơn và chim phượng” (tượng trưng sự giàu có).
Loại tranh tứ bình: Một bộ tranh tứ bình gồm có 4 tấm, treo trên vách với mục đích trang trí. Tranh tứ bình Nam bộ phổ biến các đề tài “Mai Lan Liên Cúc” tượng trưng cho bốn mùa trong năm, “Bát tiên quá hải” (Bát tiên vượt biển), “Bát tiên kỳ thú” (Bát tiên cưỡi thú)”, “Tứ hùng” (vẽ bốn con thú mạnh nhất theo quan niệm dân gian là cọp, hổ, báo, sư tử...). Ngoài ra, còn có tranh vẽ về đề tài như: 4 bó hoa (loại hoa phương Tây), những đàn hạc lội ven sông... loại tranh này mô phỏng tranh phương Tây, xuất hiện muộn thích hợp với nhà thành phố.
Tranh thờ phật, trời, thánh, thần có khổ nhỏ, dùng để thờ phật, thánh, thần, trời... gồm có 2 loại: Tranh vẽ các vị Phật A Di Đà, Bồ Tát, Quan Âm, Quan Thánh Đế Quân, Mẹ Sanh - Mẹ Độ... và các bài vị (loại này chỉ có chữ, xung quanh trang trí hoa văn) thường được treo trong các chùa, đình, miếu...
Mặt hàng nổi tiếng nhất của Dòng tranh Lái Thiêu là tranh thờ tổ tiên và tranh cửa buồng. Tranh cửa buồng Lái Thiêu có loại vẽ nhiều màu sắc, nhưng cũng có loại chỉ vẽ một màu đen hoặc đỏ, các hoa văn đều dán ốc xà cừ. Đặc biệt, người sản xuất tranh ở Lái Thiêu còn biết tâm lý của người dân, nên họ chú ý đường nét vừa tỉ mỉ vừa cách điệu. Họ lại mạnh dạn dùng gam màu ngũ sắc Huế, gồm màu trắng, hường, đỏ, đen, xanh dương, xanh màu lông két… và tùy theo từng sản phẩm để họ dùng mực Tàu hay mực Tây, bột màu pha a dao… Họ cũng rất chú ý đến nội dung và hình thức chữ viết, có nhiều bộ tranh Lái Thiêu chữ đẹp, văn hay, phía sau cẩn ốc xà cừ rất đẹp, treo trong nhà tạo ra nét thanh tao và tôn lên vẻ sang trọng trong ngôi nhà.
So với Dòng tranh kiếng Chợ Mới (An Giang) và Dòng tranh kiếng Chợ Lớn (Sài Gòn), thì Dòng tranh kiếng Lái Thiêu đẹp hơn, tinh tế hơn. Người nghệ nhân Lái Thiêu chú đến thể loại tranh thờ tổ tiên, phù hợp với truyền thống người Việt Nam, nghệ nhân ở chợ Lớn chỉ chú trọng đến tranh Thánh, tranh bài vị và một số hoành phi, tranh dùng để chúc mừng (phù hợp với tâm lý người Hoa). Trong 3 dòng tranh kiếng ở Nam bộ, Dòng tranh Chợ Mới ra đời muộn hơn, sản phẩm không được đẹp như Dòng tranh Lái Thiêu và Chợ Lớn, nhưng sản phẩm của Dòng tranh Chợ Mới lại phong phú, đa dạng, giá thành lại rẻ hơn. Hiện nay, sản phẩm tranh kiếng của chợ Mới vẫn được bán rộng rãi trên thị trường miền tây Nam bộ.
Cách tổ chức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa: người ta chỉ sản xuất theo kiểu gia đình chứ không tập hợp theo nhóm hay hợp tác xã, các gia đình tự làm và bán lại cho các lái buôn. Trong một xưởng vẽ tranh, thông thường có năm, bảy người, nhưng chỉ có một người phụ trách chỉ huy, phân công công việc, người này phải am tường mọi việc. Những người còn lại theo sự phân công của người thợ cả làm phần việc của mình. Tùy theo trình độ tay nghề của từng người mà thợ cả phân công công việc. Phần lớn, các thành viên trong xưởng đều là người trong gia đình, nhưng cũng có những xưởng còn thâu nạp học viên, những học viên này khi đã lành nghề có thể ở lại cùng làm việc hoặc ra mở xưởng riêng. Hàng hóa xuất xưởng đều được các lái buôn thu mua và bán lại cho người tiêu dùng. Trước kia, tranh Lái Thiêu được chuyển về miền Tây bằng con đường thủy. Thị trường tranh kiếng Lái Thiêu không những được phổ biến rộng rãi khắp miền Nam mà còn mở rộng ra các vùng lân cận như miền Trung, nước bạn Campuchia.
Tranh kiếng phổ biến rộng rãi trong các gia đình quý tộc cũng như thường dân ở nam bộ, đề tài phong phú nên các tác phẩm tranh trở thành những tác phẩm nghệ thuật, có sức hấp dẫn người dân. Do đó, tranh thường được treo trang trọng trong phòng khách, bàn thờ. Dân thôn dã Bình Dương nói riêng và dân Nam bộ nói chung rất ưa chuộng tranh kiếng. Đó chính là động lực thúc đẩy để tranh kiếng phát triển và hưng thịnh đến những năm thập niên 60 của thế kỷ XX.
Hiện nay, tranh kiếng rất ít chỉ còn tồn tại trong các đình, chùa, miếu và trong các nhà cổ do người dân còn giữ lại… Tuy nhiên, nếu được các ngành hữu quan quan tâm và khôi phục lại bằng cách: tập trung các nghệ nhân xưa lại, đào tạo các nghệ nhân mới, giúp vốn khuyến khích người dân khôi phục lại nghề cũ… chắc chắn rằng sản phẩm tranh kiếng không chỉ là bán ở khu vực Nam bộ mà còn có thể mở rộng thị trường ra cả nước và quốc tế. Nghề vẽ tranh trên kính không chỉ dừng lại ở ngành nghề thủ công truyền thống của một địa phương (Lái Thiêu) mà nó còn có thể sánh ngang hàng với các ngành nghề thủ công truyền thống khác như sơn mài, gốm sứ, điêu khắc gỗ… sẽ thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh nhà phát triển mạnh hơn. Khai thác và phát huy triệt để các ngành nghề thủ công mà ông cha ta để lại…
L.T.H
Tài liệu tham khảo:
1 -  Tài liệu thuyết minh trưng bày Bảo tàng tỉnh Bình Dương
2 -  Xóm nghề & nghề thủ công truyền thống Nam bộ, NXB Trẻ

LÊ THỊ HÒE


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24389947