Đất, Người Bình Dương

Bình Dương hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

  • PHẠM THỤY NGỌC HÀ
  • 25/07/2012
Cách đây 60 năm, ngày 19-12-1946 tại Vạn Phúc - Hà Đông, Chủ tịch Hồ Chi Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đây là lời hịch cứu quốc, là tiếng gọi của non sông đất nước, khơi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng đứng lên chiến đấu bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Ngay khi mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, phải đối phó với hàng loạt nguy cơ, thách thức tưởng chừng khó vượt qua. Đó là nguy cơ của giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xám. Với chính sách áp bức, bóc lột của Pháp, Nhật đã để lại hậu quân rất nặng nề trên đất nước ta: Nền kinh tế của đất nước vốn nghèo nàn, lạc hậu lại bị kiệt quệ nặng nề, nhất là sau 6 năm chiến tranh thế giới thứ hai; tài chính cạn kiệt, nạn đói, thiên tai lũ lụt đe dọa nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chính sách ngu dân hơn 80 năm của thực dân Pháp đã làm cho trên 95% dân số Việt Nam không biết chữ. Nhiều tệ nạn xã hội, tập tục lạc hậu vẫn tồn tại trong đời sống nhân dân, gây cản trở đời sống văn hóa mới. Miền Bắc hơn 20 vạn quân Tưởng, miền Nam trên 15 vạn quân Pháp lăm le xâm lược nước ta. Các thế lực đế quốc, phản động nước ngoài tuy theo đuổi lợi ích riêng, song đều có mục tiêu chung là tiêu diệt chính quyền nhân dân. Sự chống phá cách mạng của các thế lực trong nước cũng là một thách thức lớn. Chưa thời kỳ cách mạng nào nước ta phải đối phó với nhiều thế lực, nhiều đảng phái phản động như vậy. Giặc ngoài thù trong cấu kết nhau nhằm xóa bỏ thành quả của Cách mạng Tháng Tám ở nước ta.
Ngày 23-9-1945, được sự giúp đỡ của quân Anh và quân Nhật, quân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ ở Nam bộ.
Vận mệnh của đất nước như ngàn cân treo sợi tóc Đảng ta - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời đề ra những chủ trương và quyết sách đúng đắn, toàn diện trên tất cả các mặt để tiếp tục đưa cách mạng tiến lên. Chúng ta thực hiện sách lược mềm dẻo, lợi dụng mâu thuẫn, phân hóa các thế lực thù địch, dành thời gian củng cố lực lượng chuẩn bị kháng chiến. Song với bản chất xâm lược cực kỳ ngoan cố, thực dân Pháp trắng trợn phản bội Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946. Chúng ta đã nhiều lần nhân nhượng, nhưng càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới buộc chúng ta phải cầm vũ khí đứng lên kháng chiến, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Mọi nỗ lực cứu vãn hòa bình của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều vô hiệu. Quân đội Pháp đã liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn vào nhiều nơi ở Hà Nội trong các ngày 15, 16-12-1946. Ngày 17-12-1946, quân Pháp cho xe phá các công sự của Ta ở phố Lò Đúc, đặc biệt chúng đã gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và Yên Ninh. Ngày 18- 12-1946, tướng Moóclie gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội. Chúng tuyên bố nếu các yêu cầu trên không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì chậm nhất vào sáng 20-12-1946 quân Pháp sẽ chuyển sang hành động.
Tình thế khẩn cấp đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có một sự lựa chọn lịch sử, quyết định chiến lược để chuyển xoay vận nước đang lâm nguy. Ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đã quyết định chủ trương phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước; đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng và ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người nói: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân cả nước nói chung và quân dân Thủ Dầu Một (Bình Dương) nói riêng quyết tâm hòa mình vào dòng thác kháng chiến. Từ năm 1947-1950, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phong trào cách mạng của Đảng bộ, dân quân đã nhanh chóng phát triển sôi nổi, rộng mạnh và đều khắp. Khối đoàn kết toàn dân được củng cố tạo thành sức mạnh hùng hậu của cuộc kháng chiến.
Tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Tháng 7-1950, Bộ Tư lệnh Khu 7 quyết định mở Chiến dịch Bến Cát để phối hợp với chiến trường chính. Chiến dịch Bến Cát tuy là chiến dịch nhỏ mang tính chất địa phương, nhưng lần đầu và duy nhất được tổ chức ở miền Đông. Chiến dịch Bến Cát đã góp phần giáng một đòn quyết định làm lung lay ý chí xâm lược của thực dân Pháp đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm quý cho các lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ về khả năng phối hợp tác chiến trên một địa bàn rộng lớn trong một thời gian kéo dài; về cách đánh vận động, đánh công kiên và sử dụng pháo binh, công binh, đặc công và hoạt động của 3 thứ quân trong tác chiến hợp đồng; về công tác chuẩn bị hậu cần, thực hành công tác bảo đảm và huy động lực lượng kháng chiến trong quá trình tiến hành chiến dịch. Chiến dịch Bến Cát đã góp phần đưa phong trào kháng chiến của quân và dân Bến Cát hòa nhịp cùng với cuộc kháng chiến trên chiến trường cả nước. Âm mưu bình định lấn chiếm của địch bị thất bại. Vùng căn cứ được mở rộng ra các hướng, nối liền với các căn cứ cũ, tạo thành địa bàn để các lực lượng vũ trang đứng chân hoạt động góp phần đưa cuộc kháng chiến trong tỉnh chuyển sang bước phát triển mới.
Sau chiến thắng Biên giới của quân chủ lực ta vào cuối năm 1950, quân Pháp bị thiệt hại nặng nề, tinh thần hoang mang cực độ. Lợi dụng tình thế thất bại của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ càng can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương. Để cứu vãn tình thế, quân Pháp chủ trương phối hợp tấn công ta bằng cả quân sự, chính trị và kinh tế trên khắp ba vùng chiến lược nhằm đè bẹp lực lượng ba thứ quân và chiến tranh du kích của ta; tăng cường bóc lột, vơ vét sức người, sức của cung ứng cho chiến tranh; bao vây cô lập Khu 7 với Khu 9, đánh phá quyết liệt hành lang từ Khu 8 trở lên. Để đối phó với âm mưu và kế hoạch mới của địch, thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã phát động phong trào thi đua giết giặc lập công. Phong trào dấy lên rất sôi nổi trong tỉnh, gây cho địch nhiều tổn thất lớn.
Ngày 7-5-1954, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt, tin chiến thắng này đã làm nức lòng quân dân trong tỉnh. Hòa cùng chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 1-6-1954, ta đã tiêu diệt bót Cầu Định. Chiến thắng Cầu Định là một trấn tập kích kết hợp sức mạnh quân sự với nội ứng, là đỉnh cao trong đợt tiến công Đông Xuân 1953-1954 của quân dân Thủ Biên, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ trong những ngày cuối cùng của chiến tranh chống Pháp giải phóng đất nước. Phát huy chiến thắng Cầu Định, Tiểu đoàn 303 phối hợp với bộ đội Bến Cát tiến công đồn Bến Tranh lần thứ hai, diệt một đại đội địch. Bộ đội địa phương Châu Thành chống càn 11 ngày đêm ở Truông Bồng Bông diệt nhiều tên địch.
Với đường lố' kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tỉnh Thủ Dầu Một đã lập được những thành tích vẻ vang, đã đóng góp công sức và xương máu của một tỉnh miền Đông Nam bộ gian lao và anh dũng vào thắng lợi chung của Nam bộ và cả nước. Thành tích ấy trước hết thuộc về các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ Dầu Một anh hùng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh. Đó còn là kết quả của sự dẫn dắt của các cấp ủy và chính quyền cấp trên mà đỉnh cao của thiên tài trí tuệ là Trung ương Đảng và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

PHẠM THỤY NGỌC HÀ


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24434852