Đất, Người Bình Dương

Vài cảm nhận về tính nhân văn trong truyện Nôm cổ Lưu Hương Diễn Nghĩa Bảo Quyển

  • TRƯỜNG KÝ
  • 25/07/2012
Lưu Hương Diễn Nghĩa Bảo Quyến là một truyện Nôm cổ được phát hiện tại kho sách cũ của chùa Hội Khánh, tỉnh Bình Dương. Nhận thấy đây là quyển sách quý hiếm nên Hội Khoa học lịch sử Bình Dương đã kịp thời cho ấn hành và ra mắt độc giả vào tháng 8-2006.
Cuốn sách này viết theo thể truyện Nôm, được khắc in vào năm Quang Tự thứ 34 (tức năm Nhâm Thân 1908) do hai tín nữ Nguyễn Từ Nguyên và Hoàng Diệu Trúc thực hiện.
Như vậy cuốn sách kể từ khi hai tín nữ có thiện chí khắc in và lưu truyền đến nay đã gần một thế kỷ (1908- 2006). Cũng không rõ khi đưa khắc in, cuốn Lưu Hương Diễn Nghĩa Bảo Quyến đã tồn tại ở đời bao nhiêu năm tháng và ai là người đã dịch từ chữ Nôm ra truyện thơ chữ Quốc ngữ và trước sau khi được hai tín nữ khắc in vào năm 1908 (đầu thế kỷ XX) đến nay có ai đã biên dịch, ấn hành, tái bản, khảo cứu và đánh giá nó về mặt nội dung, nghệ thuật thể hiện, về tác dụng đối với xã hội và đời sống con người? Tất cả các vấn đề đặt ra đang còn bỏ ngỏ. Cho nên bài viết này của kẻ hậu thế chỉ giới hạn trong “Vài cảm nhận về tính nhân văn...” trong truyện Nôm cổ này mà thôi. Mục đích để làm rõ những ưu nhược điểm của nó với tính chất “ôn cố tri tân”, “đãi cát tìm vàng” về một tác phẩm cổ có giá trị nhân văn và đáng trân trọng nhưng đã bị lớp bụi thời gian che lấp một thế kỷ nay.
Toàn bộ truyện cổ xoay quanh cuộc đời của nhân vật nữ tên là Lưu Hương. Nàng xuất thân trong một gia đình bình dân, là con gái độc nhất của ông bà Lưu Quang - Từ thị làm nghề buôn bán nhỏ với hàng rượu thịt. Khi lớn lên nàng được nghe một ni cô giảng giải về thuyết nhân quả về đạo Phật nên đã quyết chí tu hành và tìm trong đó niềm an ủi cho tâm linh của mình. Nàng khuyên gia đình bỏ nghề buôn bán rượu thịt và đổi sang nghề buôn bán khác để sinh sống. Cha mẹ đã nghe theo nàng để ngày sau linh hồn được siêu thoát. Tưởng cuộc đời thế là tạm ổn. Ai ngờ một ngày kia xuất hiện đám gia nhân họ Mã tại quán Lưu Quang. Trong đám này có những kẻ ỷ quyền thế, làm nhiều chuyện ác độc, gây những điều tang tóc đối với lương dân. Bởi thế tác giả đã giới thiệu về sự xuất hiện của Mã gia với lời lẽ không mấy thiện cảm:
Thuyết đoạn Viên ngoại Mã gia
Đương đời hào phú vinh hoa uy cường
Bản tính sâu độc nhiều đường... (2)
Thế rồi chuyện xuất hiện của Viên ngoại Mã gia chính là sự báo hiệu tấn bi kịch của cuộc đời Lưu Hương. Vì thấy nàng Lưu Hương trẻ trung xinh đẹp, Viên ngoại ngỏ ý xin cưới nàng cho con trai mình là Mã Ngọc. Dù trong lòng không ưng thuận nhưng vì nể gia thế, địa vị của viên ngoại nên Lưu Quang đã phải miễn cưỡng chấp nhận. Khi bị vợ trách móc, Lưu Quang đã phân bua:
Người ta chức trọng quyền cao
Thấy con người hỏi biết sáo chối từ...
Từ chối không gả con cho một gia đình có địa vị, quyền thế sẽ chuốc lấy những tai họa về sau. Biết trước mầm tai họa nên chính Lưu Hương dù không muốn kết duyên với bất cứ một ai để quyết chí tu hành cũng đành phải chấp nhận. Nàng đã chua xót, khuyên cha mẹ:
Khuyên cha cùng mẹ vui mừng
Việc này mà chẳng tinh tuân hiệp hòa
Ắt sau gây oán cả nhà
Thưa cha cùng mẹ nghe mà lời con.
Đến đây hiện thực xã hội dần dần hé mở, kẻ giàu sang, quyền thế trong xã hội đã tự tung, tự tác, ép tình, ép duyên, làm cho bao gia đình tan nát, dẫn đến tấn bi kịch. Rồi câu chuyện được dẫn dắt tới đỉnh cao. Sau khi trở về làm vợ Mã Ngọc, sống trong gia đình họ Mã, nàng Lưu Hương bị mẹ chồng, hai người anh chồng, hai chị dâu của chồng vu oan giá họa, đánh đập chửi mắng, hành hung, bôi nhọ, vu cho nhiều tội lỗi trong đó có tội dâm loàn, theo trai, rồi bị cạo trọc đầu đuổi ra khỏi nhà đi làm hành khất để kiếm sống...
Khi chồng nàng (Mã Ngọc) thi đỗ Trạng nguyên trở về không thấy vợ, liền hỏi để biết sự tình, bởi chàng là người nhân hậu, có học vấn và rất thương yêu vợ:
Trạng nguyên trong dạ ưu phiền,
Cớ sao chẳng thấy vợ hiền vào ra
Chàng bèn, tính với mẹ cha,
Chẳng biết hiền phụ lìa xa phương nào
 Cho nên chẳng thấy ra vào,
Lòng con ái ngại ngọt ngào khôn phân.
Nghe hỏi vậy, Viện quân (mẹ chồng) lại xuyên tạc sự thật, vu oan cho nàng với lời lẽ hiểm ác:
Từ con ứng cử lộ trình,
Ở nhà nó lại thịnh tình trái ngang
Mẹ giận đuổi gần phần trang
Lang tâm cùng chúng hổ hang muôn phần.
Linh tính nhạy bén, khiến chàng Mã Ngọc không nghe lời Viện quân. Đêm ngủ không được bởi “Năm canh chẳng ngạt phòng đào/Cảm thương hiền phụ ra vào thở than”. Chàng quyết đi tìm sự thật nên đã đến hỏi người quản trang để biết rõ thực hư. Người quản trang đã cho chăng Mã Ngọc biết tất cả sự thật phũ phàng: “Từ ông ứng cử khoa trường ở nhà gặp những nhiều đường gian nan./Tam nương khổ sở đa đoan Bởi vì hai chị mưu gian đặt bày. Mẫu gia đánh khảo đọa đày, Gần đây nàng ngụ tôi rày dưỡng nuôi. Phước nhà trời Phật khiến xuôi/Nàng bèn khuyếnhóa nên tôi tu hành./Nào hay hai ch.i chẳng lành. Nghe ông dỗ trạng bà thành phu nhơn. Hai người bàn luận thâu hơn. Lập mưu thiết kế bất nhơn đặt bày./Rằng bà gần ở đâu rày,/Gian dâm cùng chúng đêm ngày nhởn nhơ. Mẫu gia chẳngtri cơ. Sai người lên rước tiểu thơ đem về.Đánh khảo thảm thiết nhiều bề Tóc tai cạo hết chẳng hề lòng thương. Trong lôi tống khứ tha phương, Chẳng biết tọa lạchương thôn nơi nào”.
Thực tế này đã tố cáo tội ác của Viện quân (mẹ chồng của Lưu Hương) đối với nàng. Đây không chỉ là mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu nói riêng mà còn là mâu thuẫn giữa quyền sống con người với xã hội phong kiến mà người phụ nữ là nạn nhân số một. Họ bị đẩy đến bước đường cùng không lối thoát và chịu cay đắng muôn phần.
Do ảnh hưởng giáo lý tích cực của đạo Phật và dân gian: Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác, tácgiả truyện Nôm cổ đã có lời khuyên răn bá tánh phải tu nhân, tích đức, ăn ở hiền lành, xa rời điều ác.
Rằng ai kiếp trước thiện duyên
Kim sanh phú quý hiển vinh tước quyền
Bằng ai tiền thế ác nhơn
Đời này thọ khổ mắc ơn tai nàn.
Thể hiện được những vấn đề trên (hay nói cách khác, tác giả truyện Nôm đã đặt được vần đề về kiếp sống khổ đau của người phụ nữ trong xã hội) đã là một thành công cần khẳng định. Qua cách đặt vấn đề đã toát lên tính nhân văn của tác phẩm. Đó là lòng thương người, nhất là một phụ nữ liễu yếu đào tơ tính tình hiền hậu, trong sáng, có lòng mộ đạo... lại bị kẻ hung ác - chính là mẹ chồng, chị dâu... - có thế lực, giàu sang ức hiếp vùi dập. Trước cái ác, người con gái Lưu Hương, xuất thân tầng lớp bình dân không có ai che chở, chỉ đáp lại bằng sứ nhẫn nhục. Đó vừa là sự hạn chế của tác giả - tác phẩm nhưng chính đó cũng là điều làm cho người đọc day dứt, cảm thông. Khiến cho độc giả nhiều lúc phải nghẹn ngào xúc động khi thấy nàng bị hành hạ, vùi dập một cách đáng thương. Đó phải chăng là sự thành công của tác giả truyện Nôm Lưu Hương Diễn Nghĩa Bảo Quyển?
Trong tác phẩm này, tác giả còn để cho nhân vật Lưu Hương tự bộc lộ tâm trạng, nhận thức của mình về những điều nghịch lý đang diễn ra trong cuộc sống. Những nghịch lý này dù cách đây đã ngót 100 năm nhưng nó còn tái diễn đó đây trong cuộc sống thực tại:
Người lành chịu khổ thiết tha,
Người dữ quảng tích tài đa muôn nghìn
Làm lành rách rưới lang thang
Làm dữ gấm nhiễu bạc vàng nhởn nha
Làm lành khổ não nạn ma
Làm dữ tửu yến sênh ca vui cười.
Ở đây tác giả truyện Nôm đã có cái nhìn nhân bản, qua việc nêu lên những nghịch lý, kẻ đạo đức, hiền lành, tài ba... lại sống cuộc đời thiếu thốn, gặp vận không may; trái lại kẻ “dữ” - ác độc, thiếu nhân cách thiếu hiểu biết lẽđời, làm càn quấy nhũng nhiễu là kẻ sống sung túc giàu sang, “nhởn nha” với “gấm nhiễu, bạc vàng”. Một sự thiếu công bằng xã hội!? Nêu lên được “nghịch lý” này tác giả truyện Nôm cổ đã có cái nhìn tiến bộ, đáng trân trọng. Cái nhìn này đã thể hiện cách nay một thế kỷ nhưng vẫn còn mới, còn mang tính thời sự thì thật đáng nể!
Về mặt nghệ thuật, lối kể chuyện có nhiều chỗ trùng lặp như những đoạn kể về cuộc đời của Lưu Hương (xuất thân gia đình, tu hành, vì hoàn cảnh bức bách phải lấy chồng, bị mẹ chồng, chị dâu vùi dập...) được kể đi kể lại nhiều lần, gây sự nhàm chán, không cần thiết. Nghệ thuật kể chuyện và văn chương, câu chữ còn nhiều chỗ rườm rà... chưa tương xứng với nội dung, nên việc truyền bá còn hạn chế. Bù lại có nhiều chi tiết trong tác phẩm được tác giả sử dụng khá đắt. Chẳng hạn, đoạn Lưu Hương bị mẹ chồng vu oan dâm loàn, theo trai rồi cạo trọc đầu đuổi ra khỏi nhà... Những nắm tóc của nàng bị vứt ra trước “lộ dinh”, sau đó bầy chim nhạn bay qua trông thấy đã sà xuống “cắn tóc” đem về rừng làm tổ để cầu cho sự sống an toàn, ấm áp. Đó là chi tiết rất hay. Nó có một giá trị so sánh, lên án cái ác của con người. Con người có hiềm khích độc ác ngay cả với đồng loại (cắt tóc một cô gái đoan trang nết na vứt ra đường; trái lại loài chim - thường gọi là cầm thú lại biết quý trọng mớ tóc xanh, cắp về xây tổ ấm). Như vậy con người trong một chừng mực nào đó còn thua cả loài vật, chim muông. Đó cũng là lời cảnh báo, cần phải suy ngẫm và cảnh tỉnh để làm cho cuộc sống chuyển biến tốt đẹp hơn.
Điều này cho thấy một tác phẩm thể hiện tính nhân văn dù xuất hiện nơi đâu và lúc nào, nó vẫn có thể vượt qua không gian và thời gian để khắc sâu trong lòng người đọc giúp họ suy xét ngẫm nghĩ những điều hay và cảnh tỉnh những điều xấu! Trường hợp này cũng đúng với cuốn truyện Lưu Hương Diễn Nghĩa Bảo Quyển, bởi tác phẩm này có nguồn gốc từ đời nhà Tống bên Trung Quốc và theo ông Phan Thanh Đào, Hội Khoa học lịch sử Bình Dương, nó “đã được một tác giả Việt Nam nào đó đã diễn Nôm thành tập thơ Lưu Hương Diễn Nghĩa Bảo Quyển như đã thấy”(3). Rồi từ bản chữ Nôm, một tác giả khác (cũng chưa rõ tên) dịch ra thành bản chữ Quốc ngữ và được lưu giữ cho đến ngày nay. Tác phẩm này mang chủ đề ngợi ca sựtu hành của những tín đồ của đạo Phật và thuyết nhân quả, có tính chất răn dạy con người tu nhân tích đức làm nhiều điều tốt cho đạo, cho đời nên đã được- người đời - nhất là các tín đồ đạo Phật ưa thích giữ gìn. Kết thúc cuốn truyện cũng theo kiểu “có hậu” thường thấy: ở hiền gặp lành... Lưu Hương trải qua bao cay đắng nhưng vẫn một lòng kiên trì tu hành nên đã đắc đạo. Cuối cùng đã cảm hóa được bao nhiêu người lỗi lầm trở thành lương thiện. Riêng người chồng nàng là Mã Ngọc - kiên trì đèn sách, đã đỗ Trạng nguyên, được vua bổ làm quan; rồi nghe mẹ cha và nghe cả lời khuyên của Lưu Hương đã cưới Kim Chi một cô gái có gia đình môn đăng hộ đối, hưởng vinh hoa phú quý đời. Nhưng rồi cũng tỉnh ngộ “trả ấn từ quan”, trở về theo nghiệp tu hành để tìm trong đó nguồn vui và siêu thoát.
Ngày nay những người tu hành với phương châm: tốt đời, đẹp đạo hướng những tín đồ tu rèn đạo đức, nhân cách, làm nhiều việc thiện góp phần làm đẹp cho quê hương đất nước đổi mới và đi lên. Cuốn sách Lưu Hương Diễn Nghĩa Bảo Quyển được Hội Khoa học lịch sử Bình Dương ấn hànhdù có những hạn chế nhất định nhưng nhìn chung là một tác phẩm có giá trị trong kho tàng truyện Nôm cổ nước ta, là tài liệu tham khảo tốt cho những nhà nghiên cứu học thuật và đông đảo bạn đọc- kể cả những nhà tu hành bởi nó giàu tính nhân văn và khuyên con người hướng thiện để làm nhiều việc tốt hơn nữa cho nước cho dân.
T.K
(1) Lưu Hương Diễn Nghĩa Bảo Quyển, Hội Khoa học lịch sử Bình Dương ấn hành - 2006
(2) Những câu thơ trích trong bài viết dẫn từ cuốn Lưu Hương Diễn Nghĩa Bảo Quyển, Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương, ấn hành S.đ.d
(3) Trích dẫn theo Lưu Hương Diễn Nghĩa Bảo Quyển, Hội Khoa học lịch sử Bình Dương, ấn hành trên trang 2

TRƯỜNG KÝ


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24439956