Đất, Người Bình Dương

Măng cụt, trái đặc sản của Bình Dương và vườn cây xanh Lái Thiêu…

Với mùi vị khác lạ, múi sầu riêng thường được xem là loại trái cây đặc trưng của Nam bộ, thì trái măng cụt ở miệt vườn Lái Thiêu có thể là trái cây đặc sản tiêu biểu cho xứ sở ''cây lành trái ngọt'' - đất thủ Dầu Một, Bình Dương (TDM-BD). Nhiều người, trong đó có học giả Vương Hồng Sến (1902-1996) gốc miền Tây Nam bộ (Sóc Trăng) cho rằng Lái Thiêu, Thủ Dầu Một (BD) là quê hương đầu tiên của giống trái cây măng cụt được di thực từ các nước Đông Nam Á (như Mã Lai, lndonesia): “Măng cụt là một loại trái cây xứ Thủ Dầu Một, xứ lái Thiêu do các cha đạo Gia Tô đem giống về, có thuyết nói là từ Bá Đa Lộc hoặc linh mục Taberd'' (1). Nhà văn Sơn Nam, người khá am tường văn hóa ẩm thực Nam bộ, đã dẫn thêm cứ liệu cũng tán đồng ý kiến trên: ''Theo Melleret, cây măng cụt đầu tiên từ Mã Lai đưa đến Nam bộ trồng ở Lái Thiêu và tại nhà thờ họ đạo Lái Thiêu'' (2) Nhà văn cũng cho biết thêm nhà thờ này ''đầu tiên lập tại chợ Cây Me có bàn thờ chúa do Bá Đa Lộc xây dựng đơn sơ, từ 17711' (2). Chưa thấy tài liệu nào phủ nhận quê hương đầu tiên của trái măng cụt Nam bộ, là xứ lái Thiêu, TDM, nhưng cũng có tác giả nghĩ khác về nguồn trước tiên mang giống trái cây này đến đất BD. Chẳng hạn, một tác giả ở BD viết về ''vườn cây trái Lái Thiêu'' (3): ''Tới vườn cây trái Lái Thiêu, chưa ăn măng cụt, cũng tức là chưa hiểu biết thế nào là hương vị trái cây Lái Thiêu bởi măng cụt ở đây, ngoài sản lượng cao, còn có một hương vị thơm ngon đặc biệt mà măng cụt nơi khác không thể nào có được. Theo tư liệu cũ, từ đầu thế kỷ XIX, một nhóm nhà nông học Pháp đã tới đây trồng thử nghiệm một số trái cây quý vùng nhiệt đới (...) đặc biệt là măng cụt có thêm mùi vị khác lạ (...). Hiện tại ở đây được coi là vùng có diện tích trồng măng cụt lớn nhất Đông Nam Á'' (?) (3). Trước hết, về chất lượng trái măng cụt Lái Thiêu thì không có gì phải bàn cãi và chúng ta còn có thể tìm được nhiều cứ liệu nói về giá trị đặc sắc của trái măng cụt ở vùng này. Về sản lượng măng cụt hẳn là cần phải có thêm cứ liệu thống kê, vì hiện nay Bình Dương không còn là nơi duy nhất chuyên canh về cây măng cụt: Nhất là những năm gần đây, diện tích và sản lượng măng cụt của Bình Dương đang trên đà giảm sút, thất thu vì nhiều lý do (4~ trong đó có nên phát triển quá nhanh chóng về công nghiệp và đô thị của địa phương kéo theo hệ quả diện tích nông nghiệp, vườn cây bị thu hẹp dần; vấn đề nước thải, ô nhiễm; nguồn nước tưới tiêu ở các vườn trồng măng. Vì thế việc cho rằng ''diện tích trồng măng cụt ở BD hiện nay lớn nhất Đông Nam Á'' như tác giả trên đã viết, lại càng thêm khó khẳng định. Riêng việc xác định ai là người đem giống trái cây này đến trồng đầu tiên ở BD thì có lẽ tư liệu của hai tác giả Vương Hồng Sến và Sơn Nam là có cơ sở hơn cả. Nếu có một nhà nông học nước ngoài nào đó đã mang giống măng cụt đến trồng thử nghiệm ở BD cũng phải sau 1897 (5) đây là năm hai trung tâm thí nghiệm canh nông đầu tiên của người Pháp tại Nam kỳ là ở Gia Định và Bến Cát (TDM) mới bắt đầu thành lập. Thế nhưng trái măng cụt đã được nhắc đến trong sách ''Đại nam nhất thống chí” được soạn trong thời gian 1864-1875) dưới tên gọi là trái thổ lý trong mục thổ sản''của Biên Hòa (BD lúc đó là huyện Bình An của Biên Hòa) (6). Hơn thế, trước đó khoảng ba, bốn chục năm vua Minh Mạng (1820-1840) đã từng biết đến trái măng cụt và gọi là trái ''Giáng châu tử”, (7). Có thể loại trái cây quý này ở Nam bộ được tiến cung từ đời Gia Long (1802-1820).
Như vậy giáng măng cụt đã được trồng ở Việt Nam (Lái Thiêu, BD) trướckhiPhápxâm chiếm nước ta. Nhà thực vật học GS-TS Đỗ Tất Lợi cũng đã cho biết: ''Cây măng cụt nguồn gốc ở Malạysia, lndonesia, từ Malaccaqua Moluku, ngày nay bắt gặp khắp Đông Nam Á, ẤN Độ, Myamar cũng như Sri-Lanka, Philippines được các nhà truyền giáo đạo Gia Tô di thực vào miền Nam nước ta.(8) và như trên đã nói, các nhà truyền giáo phương Tây đã trồng thử nghiệm trên đất Lái Thiêu (TDM), kết quả thật bất ngờ: Cây phát triển nhanh, chóng ra trái, sản lượng khá cao, mùi vị thơm ngon đặc biệt hơn các nơi khác. Do vậy nông dân trồng nhiều loại cây quý này, biến Lái Thiêu thành vùng đất chuyên canh nổi tiếng trong cả nước. Tuy không thể quả quyết ''đây là vùng có diện tích trồng cây măng cụt lớn nhất Đông Nam Á'' như một tác giả BD đã khẳng định, nhưng có thể nói chắc rằng:Vườn măng cụtLái Thiêu là vùng chuyên canh hàng đầu và sớm nhất ớ ViệtNam. Đặc biệt về chất lượng, mùi vị thơm ngon của trái măng cụt ở đây ít có nơi nào sánh kịp. Chẳng thế, viên tướng Pháp Sa lan, người đã sống việt Nam gần 30 năm (1924-1953) và rất sành món ăn của VN - Đông Dương, đã hết lời tán thưởng trái măng cụt của VN (Lái Thiêu, BD): ''Trái măng cụt nổi tiếng ngón phần múi cơm màu trắng bên trong, với người sành ăn, đó là loại trái cây tuyệt diệu nhất ớ Viễn Đông''(nguyên văn tiếng Pháp: Mangustans si renommés, à la pulpe blanche ét savoureuse, le meilleur fruit de l'Extrême Orient pour les connaisseurs''). (g) cây măng cụt là loại cây lâu năm ở miền nhiệt đới, thuộc họ bứa (Guttiferae) theo Tự điển Bách khoa VN cây măng cụt có 50 chi gồm hơn 300 loài phân bố ở vùng nhiệt đới ẩm. Hiện VN có 5 chi, hơn 40 loài hầu hết được trồng ở phía nam, đặc biệt trồng thành vùng chuyên canh ở Lái Thiêu, Bình Dương. Có lẽ do thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên trái măng ở vùng này có hương vị đặc biệt thơm ngon hơn các vùng khác. Có người cho rằng tên măng cụt có lẽ là do âm Việt đọc từcác từ Pháp là mangoustan, (tiếng Anh là mangosteen: trái măng cụt) và mangoustanier (Pháp: cây măng cụt) mà ra. Tên khoa học gốc Latinh: Garcinia Mangostanal. Người Hoa gọi măng cụt là trái sơn trúc tử hay mã cật (10). Còn sách Đại Nam nhất thống chícủa ta gọi là trái thổ lý và vua Minh Mạng lại gọi bằng cái tên đẹp ''giáng châu tử' như đã nói ở trên. Người Huế cũng gọi trái măng cụt là trái ''giáng châu''. Chúng tôi may mắn có dịp gặp nhà khoa học lão thành gốc người HuếGS-TS Võ Quang Yến thuộc Trung tâm Khoa Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) nhân dịp từ Pháp về VN (2005) và có ghé đến BD, ông đã cho biết thêm nhiều điều thú vị chung quanh trái măng cụt. Và sau đó ông có gởi tặng chúng tôi một bài nghiên cứu ngắn có tiêu đề ''Măng cụt, giáng châu'' dài khoảng 4 trang giấy khổ 33 nhưng kèm theo gần 3 trang liệt kê các tài liệu tham khảo gốc gồm trên 50 tên sách, báo, bài nghiên cứu... Qua bài nghiên cứu nói trên, điều đáng chú ý hơn cả là từ rất lâu cây măng gốc ở miền Nam đã được trồng nhiều tại Huế và cây cũng say trái, chất lượng khá ngon nhưng trái lại ra nghịch mùa với mùa măng trong Nam. ÔNG cho biết thêm về cây măng xứ Huế với nhiều hiểu biết thú vị như trái măng: ''Còn tên gọi đài các ở Huế là giáng châu, như ngọc trên trời ban xuống thì có lẽ là từcung đình mà ra''. Thiết nghĩ cây măng cụt sống được trên đất Kim Long (Huế) phải có từ lâu (…) cũng phải thời Gia Long lên ngôi, nhận sản vật hai miền cung tiến ra kinh đô. Bởi tương truyền giống măng cụt do bà Từ Du (11) đem từ trong Nam ra'' (12) (...) ''một điều lạ chừa giải đáp được về cây măng cụt Huế: Thứ quả có vỏ dày cộp kia, chỉ quen được hấp bằng nắng nóng phương Nam... sao chín được bằng sức đông lạnh của Huế? (...) mùa măng cụt ở Huế lại so le với mùa măng cụt Nam bộ...'' (18) sau hai trang dài trình bày, dẫn chứng với hàng chục công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc về dược tính và công năng của trái măng cụt (nhất là vỏ trái măng cụt) nhà khoa học Võ Quang Yến đã dẫn ta vào những rung cảm thưởng thức trái măng cụt, trái giáng châu trong ngôi vườn xứ Huế và đặc biệt trong tâm cảm người Huế với loại trái cây có gốc miền Nam, gốc Lái Thiêu, Bình Dương này: ''Hãy lắng nghe tiếng động của quả giáng châu (măng cụt) đang rơi trong vườn... Giáng châu trên cành dù cho chín tới vẫn chưa phải là giáng châu, phải đợi một thời điểm nắng ấm vừa tầm - như tiếng nhắc nhở của nắng sớnl qua hương hoa mộc - giáng châu rơi xuống, chạm đất - phải ''rơi và chạm'' như một nghi lễ hành thấm, như sự cúi xuống của giọt nắng đầu tiên – đó là bí mật vị ngọt thanh khiết vô song của những múi giáng châu trinh nguyên, hái trên cành không chạm đất, giáng châu vẫn còn giữ một vị chua chưa đủ xứng danh là viên ngọc của trời riêng tặng cho đất... Nếu chín trong lòng nắng không ấm không nồng làm sao giáng châu trở thành một giáng tiên trong mùa đông ở Huế''. (14) Như vậy cây măng cụt hiện nay không chỉ được trồng nhiều nơi ở Nam bộ, mà đã từ lâu trái măng cụt đậm đà hương vị chân chất vườn quê Lái Thiêu Nam bộ, đã trở thành trái giáng châu đài các trong các khu nhà vườn ở cố đô Huế. Có lẽ trái giáng châu ở Huế quý vì là loại trái ngon và hiếm có nguồn gốc từ quê hương của những bà hoàng hậu phương Nam như bà Từ DU (Phạm Thị Hằng ở Gò Công, mẹ vua Tự Đức); bà Tá Thiên (Hồ Thị Hoa ở Bình An, TDM, mẹ vua Thiệu Trị)... Nhưng ở Bình Dương cây măng cụt được trồng đại trà trên diện tích lớn có thể chiếm đến hơn một phần ba diện tích vườn cây Lái Thiêu (15). Cùng với các loại cây ăn trái nhiệt đới khác, cây măng cụt đã tạo nên khung cảnh miệt vườn Lái Thiêu xinh đẹp thơmộng bạt ngàn màu xanh chạy dài suốt mười mấy cây số (13 km) dọc theo bờ trái sông Sài Gòn. Trước đây, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một là công viên, miệt vườn của đô thị Sài Gòn - Gia Định và đã đi vào ca dao 'Ghe anh nhỏ mũi trán lườn. Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em....” Cái màu xanh miệt vườn yên ả đó có thời đã đi vào thơ ca: 
''Anh về đất rộng Bình Dương
Trái cây... và lá con đường cỏ xanh...”
                     (Bùi Giáng ''Anh về Bình Dương”1959)
Câu thơ bình dị êm nhẹ và khoáng đãng kia của nhà thơ lãng du Bùi Giáng, trong một lần ghé đến Bình Dương, đã mở ra một khoảng không thăm thẳm miên man màu xanh miệt vườn... Vườn cây với nụ xanh, trái chín, mương rạch giao nối sông ngòi, những sinh hoạt lâu đời thường nhật của nhà vườn: ươm trồng chăm bón, rồi thu hái, người mua kẻ bán, khách thăm vườn, người thưởng thức trái ngon vị ngọt... đã tạo nên một không gian riêng; không gian ''văn hóa miệt vườn'' nhất là vào những ngày mùa trái chín, ngây ngất mùi sầu riêng, nồng nàn mùa măng chín. (16) Nhìn màu tím sẫm của trái măng chín đầy nắng ấm của trời phương Nam -Bình Dương bất giác nghĩ đến cái kỳ diệu của tự nhiên, nghĩ đến cũng là màu tím sẫm ấy của trái giáng châu ở mùa đông xứ Huế. Và trái giáng châu - măng cụt ''như một quả vui đột xuất cuối năm'' trong trang văn của nhà bút ký tài hoa Hoàng Phủ Ngọc tường của đất Huế: ''Mùa đông về dằng dặc trong tiếng động nghìn trùng của mưa trên lá. Tướng không còn gì để trông ngóng ở khu vườn trước lúc sang xuân, thì đến tháng 11, măng cụt chín như một quả vui đột ngột cuối năm (...) quả măng, người Huếcòn gọi là trái giáng châu, lúc chín màu tím sẫm, ở rốn quả nổi lên một hình hoa nhỏ, nhìn hoa có bao nhiêu cánh thì biết bên trong có bao nhiêu múi. Hình nhân chẳng có tác dụng gì cả ngoài việc khiến người ta ưa nhìn đến nó, giống như hạt cúc giả trên áo phụ nữ, vì thế bà Lan Hữu (17) tạm giải thích rằng đó là cái bản năng tự trang sức của thiên nhiên ở nơi cây măng cụt''. (1B) Trở lại vườn trái cây Lái Thiêu, Bình Dương, vườn cây trái gắn liền với làng quê của nhiều thế hệ gia đình, nên người sinh trưởng ở đây khi phải xa làng vẫn thường nhớ về cái không xanh dịu ngọt ngào mùi vị vườn quê. Trong truyện ngắn ''Làng tôi'' nhà văn Lý Lan, quê Lái Thiêu, đã nói thay những cảm xúc khi nhớ về cái không gian vườn quê ấy: ''Tôi nhớ mãi khi làng có giỗ, khách nơi khác đến dự tiệc đều xuýt xoa khen bánh trái vùng này ngon. Các bà, các dì chỉ nói nhờ nước ở vùng này tốt, đất cũng lành. Tôi nhớ chưa từng có bão giông, hạn hán hay lụt lội gì ở làng tôi. Trong vườn măng cụt lúc nào cũng râm mát, nên con gái vườn da trắng nõn, mắt biếc, môi son. ở Sài Gòn người ta hát ca dao rằng.
''Tháng giêng mười sáu trăng treo”
Anh sắm giường lèo cưới vợ lái Thiêu"
''Mẹ mong gã thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh"
Và tác giả vừa tiếc rẽ vừa than ủi cho trường hợp của mình: ''Mẹ tôi là con gái vườn, nhưng tiếc là tôi bị ''đô thị hóa'' thành dân Chợ Lớn (...) ví như mai mốt không còn làng nữa, tôi phải biết rằng là người hạnh phúc đã được sinh ra là lớn lên trong ngôi làng xứ vườn (19). Cũng hơi bất ngờ... hiện nay không ít người đang lo lắng điều giả định của nhà văn ''mai mốt không còn làng nữa'' - không còn làng vườn Lái Thiêu nữa- nay mai có thể trở thành hiện thực vì nhiều lý do, nhiều thách thức như đã biết, nếu chúng ta không kịp làm một cái gì đó… Tuy nhiên, chúng ta vẫn hy vọng rồi ra ai cũng hiểu rằng cái cần thiết của việc phát triển bền vững đòi hỏi sự hài hòa giữa hoạt động của con người và sự cân bằng sinh thái tự nhiên. Đó như là lời nhắc nhở, cảnh báo đối với tất cả chúng ta... Nhờ thế các khó khăn sẽ được vượt qua, những lệch lạc đe dọa sẽ được khắc phục. Rồi vườn cây trái Lái Thiêu vẫn xanh tươi, trái măng cụt vẫn là thức đặc sản ''giáng châu'' (ngọc ban xuống) của đất Bình Dương. Và tin rằng bên cạnh (hoặc ngay trong làng) các khu công nghiệp đồ sộ, vươn cao vẫn không thiếu những mảng màu xanh khu nhà vườn vốn là món quà tặng quý giá tự nhiên lâu đời của Bình Dương. Vẫn còn đó những khoảng không yên bình, dịu xanh trong cảnh quang cũng như trong tâm hồn của mỗi con người Bình Dương năng động và luôn gần gũi yêu quý thiên nhiên.
 
 (1) Vương Hồng Sến "Tự vị tiếng Việt miền Nam”, XB 1993 - trang 463.
(2) Sơn Nam ''Vườn Lái Thiêu”, ĐCSB, 1991 - trang 334.
(3) ''Thủ Dầu Một - Bình Dương đất lành chim đậu''XB 1991 - trang 297 – 298.
(4) Theo TKcủa Phòng NNĐC Thuận An, năm 2000 đã có thêm 3.300 cây ăn trái (chủ yếu là măng cụt, sầu riêng bị hư hại. Năng suất măng cụt giảm 53% so với 2000 (15 tạ/ha so với 30 tạ/ha)
(5) Sơn Nam ''Trung tâm thử nghiệm canh nông Bến Cát" (1897), ĐCSB, 1991 trang 365.
(6) Bản dịch của Nguyễn Tạo, Sài Gòn tái bản 1973, trang 53.
(7) "Từđiển Việt Nam" của Lê Văn Đức + Lê Ngọc Trung, NXB 1970, trang 893.
(8) Đỗ Tất Lợi ''Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam'' XB 1981 trang 443.
(9) Dẫn lại của Vương Hồng Sến trong ''Sài gòn tạp pín lù" XB 1998, trang 413
(10) Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ ''Từ điển Tiếng Việt” XB 1970, trang 893.
(11) Bà Từ Dũ (1810-1902) Hoàng Thái hậu mẹ vua Tự Đức.
(12) Nguyễn Hoài Hương ''Kim Long vườn xanh xứ Huê', Nhớ Huế 8 XB 2000, trang 131 dẫn lại của GS-TS Võ Quang Yến (TL gửi tặng chúng tôi).
(13) Võ Quang Yến (tài liệu ĐDT)
(14) Thái Kim Lang ''Nắng Phú Xuân” Diễn đàn Forum, Paris (2002), trang 43 dẫn lại từ bài viết của GS-TS Võ Quang Yến (đã đăng báo) gởi tặng cho chúng tôi.
(15) Theo thống kê của Phòng NNĐC Lái Thiêu (2003) diện tích măng cụt chiếm 1/3 diện tích vườn cây Lái Thiêu (458 ha/1.453 ha)
(16) Theo TK địa phương: Vườn Lái Thiêu có 48 sông rạch lớn nhỏ có tổng chiều dài 56km trên khu vực nhà vườn rộng khoảng 2.000 ha, chạy dài 13km bờ trái sông Sài Gòn gồm các xã Phong Phú, Hưng Định, An Thạnh, Vĩnh Phú, An Sơn...
(l7) Một tác giả cũng viết về trái măng cụt.
(18) Hoàng phủ Ngọc Tường ''Hoa trái quanh tôi'' trong tập ''Huế, di tích và con người" NXB Thuận Hóa, Huế (1995) 63.
(1) Lý Lan ''Làng tôi" trong "Tổng tập văn xuôi Bình Dương'' (1949-2005) XB 2005 trang 678-681

Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24440218