Đất, Người Bình Dương

Táng tục chum gỗ – Trống đồng một táng thức mới trong khảo cổ học được phát hiện ở Bưng Sình-Phú Chánh Bình Dương

  • VĂN THỊ THÙY TRANG (Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Bình Dương)
  • 25/07/2012
Có một câu nói truyền lại từ ngàn xưa của ông cha ta rằng: ''Sống cái nhà thác cái mồ''. Lần theo dấu tích lịch sử, trong nghiên cứu khảo cổ học thì cách nay hàng ngàn năm người Việt cổ cũng rất quan tâm chú trọng cõi vĩnh hằng. Những cộng đồng cư dân từng tồn tại ở nước ta thời tiền sử về thế giới bên kia, được tìm thấy vô cùng phong phú. Trong những táng thức chôn theo mộ huyệt đất, đồ tùy táng là vật dụng thường được con người sử dụng. Người Việt cổ đã sử dụng mộ huyệt đất như ở (Thiện Dương, Đông Sơn, Núi Nấp, Tùy Chữ); loại mộ vò (Làng Vạc, Tùy Chữ); mộ quan tài hình thuyền bằng thân cây khoét rỗng ở Việt Khê, Châu Can. Khu vực miền Trung nước ta, cư dân thuộc văn hóa Sa Huỳnh đã sử dụng những chum gốm có kích thước lớn để chôn người chết. Cư dân cổ vùng Đông Nam bộ và một số vùng hải đảo đã phát hiện dày đặc các mộ vò, tiêu biểu như ở giồng Phệt, giồng Cá Vồ (TP.HCM), Phú Hòa, Dầu Giây, Suối Chồn (Đồng Nai), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Năm 2003 ở miền Bắc nước ta lần đầu tiên phát hiện hệ thống mộ hang - một khu mộ thuyền khá lớn thuộc huyện Mộc Châu (Sơn La). Đặc biệt, qua phát hiện liên tục những chiếc trống đồng ở Bình Dương, sau đó tiếp tục khảo sát, khai quật khu di tích Bưng Sình (Phú Chánh) năm 2001, thu được nhiều nguồn tư liệu hiện vật mới lạ và rất quý, giới khảo cổ học cho rằng Phú Chánh Bình Dương đóng góp tư liệu mới về táng thức của cộng đồng cư dân cổ tiền và sơ sử. Phát hiện di tích những mộ Chum gỗ - Trống đồng trong di chỉ Phú Chánh là rất mới lạ. Một loại hình mộ cổ được khám phá và đây cũng là lần đầu thấy trống đồng làm nắp đậy trên chum gỗ làm thành ''áo quan''. Qua tư liệu phát hiện và khai quật cho chúng ta thấy di tích Phú Chánh có thể hệ thống thành 5 cách táng thức người cổ ở Phú Chánh: Chum gỗ có nắp là trống đồng; Trống đồng và sử dụng cọc gỗ cắm xung quanh tạo thành một vòng tròn tượng trưng cho chum gỗ; Loại huyệt vòng tròn dạng chum gỗ, nện chặt đất xung quanh, ken dày xác cau ở thành mộ và đáy lá các loại thảo mộc băm nhuyễn sau đó phủ lên mộ với vải thô; Loại huyệt vòng tròn dạng chum gỗ, đan những giỏ tre có hình chum đặt xuống và đặt đồ tùy táng vào tâm mộ và lấp lại; Loại huyệt mộ có dạng chum tròn chỉ được nện chặt đất xung quanh. Dù phân thành nhiều loại nhưng tất cả loại hình mộ đều xoay quanh một cấu trúc - đó là cấu trúc dạng chum - có thể bằng gỗ, được cắm các loại cọc nhỏ theo dạng tròn, hoặc được nện đất tạo huyệt mộ hình chum. Ở di tích Phú Chánh quy tụ được các quan hệ văn hóa đã có từ trong truyền thống phát triển của các cộng đồng cư dân trên đất nước ta. Dùng chất liệu gỗ để làm quan tài có nguồn cảm nhận truyền thống Việt Khê - Châu Can nhưng khác về cấu hình: hình thuyền và hình chum. Lưỡng hình chum mang đậm dấu ấn của loại chum hình trụ có từ những cộng đồng cư dân cổ sống dọc duyên hải miền Trung Việt Nam và dùng trống đồng hoặc nồi gốm loại lớn làm nắp, có thể có dáng dấp của loại nắp hình trụ đặt trên các chum của văn hóa Sa Huỳnh hoặc các nồi vò úp nhau trong các di tích như Quỳnh Chữ, Làng Vạc - văn hóa Đông Sơn. Cung cách chôn cất người chết trong các chum gỗ là một nét độc đáo trong văn hóa của cư dân Phú Chánh cổ mà cho tới nay chưa bắt gặp trong khai quật khảo cổ học nào ở Đông Dương. Việc độc đáo đó là trống đồng được úp chụp lên trên chum gỗ việc có rất nhiều xác vỏ cau trong mộ táng, các công cụ dệt trở nên vật tùy táng. Theo chuyên gia nghiên cứu về Dân tộc học PGS- TS Phan An thì: Việc xuất hiện nhiều vỏ quả cau trong mộ gợi đến nhiều nét văn hóa liên quan của nhiều dân tộc ở Nam Đông Dương, về tục ăn trầu về bộ lạ cau tiền thân của Vương quốc Chăm pa... một đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Phú Chánh cổ khá phong phú và đặc sắc. Loại hình chum gỗ quả thật cho đến nay, qua nghiên cứu nhiều vùng dân tộc ít người ở miền Nam, chưa gặp một tộc người nào có bảo lưu, hoặc sử dụng chum gỗ. Nhiều công cụ bằng gỗ, kể cả quan tài độc mộc gô, chưa có loại chum gỗ. Chum gỗ ở di chỉ Phú Chánh là loại chum dùng để chôn người chết, một loại hình mộ táng có nhiều mối quan hệ về mặt văn hoa với các cư dân cổ phía Nam. Vấn đề đặt ra là mối quan hệ giữa chum gỗ và chum gốm dùng để mai táng của cư dân cổ phía nam, trong đó có loại chum của văn hóa Sa Huỳnh... việc dùng trống đồng úp lên chum gỗ đó là nét độc đáo khác trong việc nhận thức về di chỉ khảo cổ học Phú Chánh. Phải chăng Phú Chánh là một di tích biểu hiện cao nhất sự hội nhập giữa văn hóa Sa Huỳnh văn hóa Đông Sơn vào giai đoạn cuối của tiền sử Đông Nam bộ trên cả hai lĩnh vực văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.
V.T.T.T
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- TS Bùi Choàng - Báo cáo khoa học khai quật di tích Bưng Sình - Phú Chánh - năm 2001.
- PSG-TS Phan An - Một vài suy nghĩ về địa điểm khảo học Phú Chánh.

- PGS Lê Xuân Diệm - Về một số cổ vật trong di tích Phú Chánh (Tân Uyên, Bình Dương).

VĂN THỊ THÙY TRANG (Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Bình Dương)


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24440556