Đất, Người Bình Dương

Chi đội 1, Thủ Dầu Một thành lập và chiến công phá “chiến khu” quốc gia Bình Quới Tây của địch

  • TRẦN THANH ĐẠM
  • 25/07/2012

Với tinh thần đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khí thế quật khởi bảo vệ thành quả cách mạng nổi dậy trong cả nước long trời lở đất. Ở tỉnh Thủ Dầu Một cũng như nhiều tỉnh khác ở Nam bộ, giữa lúc chính quyền cách mạng còn non trẻ phải đương đầu với không ít khó khăn, nhất là lực lượng các giáo phái nổi lên tranh giành quyền lực, làm mưa làm gió đối với nhân dân ta. Đệ tứ sư đoàn của Lý Huệ Vinh từ Sài Gòn chạy lên đóng ở Sở Cao su Dầu Tiếng, cướp bóc tài sản của nhân dân. Một bộ phận của lực lượng Bình Xuyên (Bảy Viễn) kéo quân lên đóng ở xã Thanh An, đòi tỉnh phải tiếp tế lương thực, thực phẩm. Sau khi Mặt trận cầu Bến Phân (Gò Vấp) vỡ, hơn 500 chiến sĩ lực lượng Vệ quốc đoàn kéo về An Sơn (Lái Thiêu) lập chiến khu chống Pháp. Do thiếu sự chỉ huy thống nhất, thiếu lương thực và lại bị bọn tâm lý chiến của Pháp tác động, gây chia rẽ Bắc - Nam, một số ít chiến sĩ trốn vào vùng địch, một số chạy dài lên Phú Riềng, tìm đường ra Bắc. 

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã cử tướng Nguyễn Bình, nguyên Tư lệnh Đệ tứ chiến khu (Hải Phòng - Hồng Quảng) vào Nam bộ (năm 1948, ông được phong Trung tướng). Vì ông có đậm chất “can trường”, có thể dẹp yên các tay “anh chị”, các băng đảng ở Nam bộ hồi ấy. Ông đã thưa với Bác:

- Cháu chưa vào Đảng!

Bác chỉ nói ngắn gọn nhưng đậm đà tình cảm đối với đồng bào Nam bộ biết bao:

- Tổ quốc trên hết!

Nguyễn Bình đã theo đường rừng đến Thủ Dầu Một (11-1945). Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Thủ Dầu Một báo cáo tình hình, ông đã chỉ đạo cụ thể:

- Hướng chung là mỗi tỉnh thành lập 1 chi đội tập trung. Tỉnh nào có địa hình chia cắt thì tổ chức 2 chi đội. Tỉnh Thủ Dầu Một có điều kiện: Lãnh đạo tỉnh đoàn kết tốt, có nhiều lực lượng bán võ trang thì nên thành lập 1 chi đội, gồm: 300 chiến sĩ lấy từ Mặt trận cầu Bến Phân về và du kích các địa phương tập hợp lại, tại xã An Sơn (11-1945); lấy tên là Chi đội 1 cho thống nhất với Trung ương. Các đơn vị còn lại giao cho địa phương lãnh đạo. Ngành công an có lực lượng thì cứ để cho họ, miễn quân đội nhớ tạo điều kiện cho họ tác chiến, giết giặc, bảo vệ dân. Chi đội 1 thành lập còn để rút kinh nghiệm cho các tỉnh khác, ngay Hội nghị quân sự toàn Nam bộ tại An Phú xã (Hóc Môn).

Huỳnh Kim Trương ( phải) , chi đội trưng Nguyễn Văn Thi (trái)

Chi đội trưởng đầu tiên là ông Huỳnh Kim Trương. Chính trị viên là Vương Anh Tuấn (Bộ độiNam tiến). Chi đội phó là Nguyễn Văn Thi và Trịnh Khánh Vàng (Bộ đội Nam tiến). Về sau, Trịnh Khánh Vàng và Vương Anh Tuấn điều đi công tác khác, Chi đội 1 chỉ còn lại Huỳnh Kim Trương và Nguyễn Văn Thi.

Ngoài Ban chỉ huy chung, chi đội còn có đủ các bộ môn giúp việc như Ban hậu cần, tài chính, quân nhu, quân giới, quân y, liên lạc. Dưới chi đội có 3 đại đội (1, 2, 3). Mỗi đại đội phụ trách một huyện, vừa đánh giặc vừa phát triển rộng khắp chiến tranh nhân dân. Lần đầu tiên ra quân, Chi đội 1 đã lập chiến công phá “chiến khu” quốc gia Bình Quới Tây của địch.

***

Với âm mưu thâm độc “dùng người Việt đánh người Việt” mà thủ đoạn trước tiên là dùng các giáo phái chống lại ta, gây chia rẽ lương giáo hòng thực hiện âm mưu “tốc chiến, tốc thắng” và tách Nam bộ ra khỏi Việt Nam. Sau khi Thủ tướng bù nhìn Nguyễn Văn Thinh tự tử, giặc Pháp đưa Lê Văn Hoạch, giáo phái Cao Đài Tây Ninh lên thay. Để lập công với chủ, Hoạch trực tiếp xây dựng chiến khu quốc gia Bình Quới Tây để ngăn chặn đòn tấn công của quân ta vào thành phố Sài Gòn, từ phía Bắc.

Bình Quới Tây hồi đó, nay là khu vực chung cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Chúng đưa đến đây 1 đại đội Cao Đài với 5 khẩu súng máy, 1 cối 60 ly, nhiều tiểu liên và súng trường. Tại đầu cầu sắt của con đường độc đạo vào Bình Quới Tây, chúng xây 1 tháp canh có lính thay nhau canh giữ. Người dân bị chúng bắt ép đến làm hàng rào che chắn, nhốt trong một khu đất xung quanh là sình lầy và sông bao bọc. Nước dùng chỉ có 1 vòi và mở vào giờ nhất định. Chúng còn bù lu, bù loa sẽ xây dựng tại đây 1 khu phố có chợ, trường học để dụ dỗ quy tụ những người nhẹ dạ cả tin vào “chiến khu ma” này.

Trước tình hình đó, Quân khu 7 đã chỉ đạo cho Chi đội 1 Thủ Dầu Một, phải nhanh chóng phá chiến khu Bình Quới Tây của địch. Chỉ thị nêu rõ:

- Phải gấp rút bằng mọi cách đập tan âm mưu này ngay khi đang còn trong trứng nước, để cho chúng không giành dân, lấn đất, giành ảnh hưởng chính trị trong quần chúng.

Chấp hành chỉ thị của quân khu, Chi đội 1 đã nghiên cứu địa hình và quyết định phương thức đánh địch là “nội ứng, ngoại kích”. Ta tổ chức cài người vào lính Cao Đài để vận động phân hóa họ, lấy “gậy ông đập lưng ông”. Sau khi nghe các đồng chí chỉ huy Chi đội 1 trình bày kế hoạch, đồng chí Nguyễn Văn Tiết (Sáu Tiết) Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, tay vấn thuốc rê, gật gù và dặn:

- Được, nghe được - Có điều là các đồng chí đã nắm trong tay hàng trăm tính mạng đồng chí, đồng đội cho nên phải bí mật, táo bạo, không được phép sai sót.

Thế rồi, Hoàng Của, Tham mưu trưởng phụ trách quân báo của Chi đội 1, là tín đồ Cao Đài, có quan hệ rộng, quen biết nhiều trong các giới và có kinh nghiệm ứng xử, được Ban chỉ huy chi đội chọn cùng 3 đồng chí khác có kinh nghiệm chiến đấu cài vào trước.

Đồng chí Chi đội trưởng Nguyễn Văn Thi (Năm Thi) hỏi Của:

- Anh có dám nhận nhiệm vụ đi đầu nguy hiểm vào chiến khu Bình Quới Tây không?

Hoàng Của đứng bật dậy:

- Thưa anh Năm, tôi làm được. Tôi coi như nhiệm vụ này là của Cấp ủy Ban chỉ huy tin tưởng giao cho. Phải vào hang cọp mới bắt được cọp. Tôi sẽ có cách.

Hoàng Của đã tìm cách móc nối với văn phòng của Hoạch và lấy giấy giới thiệu của Văn phòng Cao Đài tỉnh Thủ Dầu Một để đi làm nhiệm vụ được giao. Của còn khéo léo “gà” cánh văn phòng của Hoạch cấp cho giấy thông hành (có chữ ký của Hoạch và phòng nhì của Pháp) để đi lại các tỉnh thuận tiện.

Đến tháng 5-1947, chi đội đã chọn một số du kích (thật và giả tín đồ Cao Đài) các xã Thuận Giao, An Sơn, An Thạnh, An Phú, Bình Hòa (Lái Thiêu) là xạ thủ loại “cừ” của Đại đội 1 và Tám Lãnh, Đại đội trưởng biệt động thị xã Thủ Dầu Một, đưa vào tiếp.

Chi đội còn bàn bạc cụ thể với Đại đội 1 chọn địa điểm đưa đón, ám tín hiệu, giao nhận quân khi vào và rút ra an toàn.

Qua các đợt cài người, ta đã đưa vào Bình Quới Tây hơn 1 đại đội với 100 súng các loại, trong đó có 20 đảng viên.

Sau khi các chiến sĩ ta đã trụ vững và thông thạo địa hình, cấp trên chuẩn y cho phương thức hoạt động.

Hoàng Của được chúng bố trí vào Ban tham mưu chiến khu. Của đề nghị với Hoạch nên tổ chức lễ ăn mừng 2 lực lượng hội nhập bằng ca hát, đánh cờ, đá bóng. Tại chỉ huy sở, Hoàng Của mở tiệc chiêu đãi 5 tên trong Ban tham mưu. Ngoài sân bóng, vũ khí 2 bên tập trung vào một chỗ. Đúng 15 giờ 15 phút, ngày 10-12-1947, súng ngắn của Của vẩy thẳng vào bọn sĩ quan tham mưu đối phương ở bàn tiệc, Bảy Thanh (phụ tá của Của), chụp Thomp-son hét to “tao bắn tụi bây” và nổ liên hồi, báo hiệu giờ hành động đã đến. Các cầu thủ nhanh chóng xông lên cướp súng, tìm diệt bọn tay sai ác ôn ngoan cố, nổi lửa đốt doanh trại. Tám Lãnh ém sẵn ở Cầu Sắt liền nhảy lên giết tên gác chiếm tháp canh. Ban chỉ huy trận đánh liền ra lệnh thả hết nhân dân, binh sĩ bị bắt buộc và gia đình họ được tự do trở về quê.

Bên ngoài, các ghe thuyền của ta đã chờ sẵn ở bến Gò Dưa, đón bộ đội và vũ khí về căn cứ. Thế là chỉ sau 5 phút nổ súng “Chi khu Quốc gia” Bình Quới Tây đã xóa sổ trên đất Sài Gòn - Gia Định.

Đây là lần đầu tiên sau ngày Nam bộ kháng chiến, bộ đội Chi đội 1 đã đánh địch bằng chiến thuật “nội ứng, ngoại kích” nhanh gọn và thắng lợi hoàn toàn. Tại Hội nghị quân sự toàn Quân khu 7, đồng chí chính trị viện Chi đội 1 Lê Đức Anh đã báo cáo về chiến tích anh hùng này.

TRẦN THANH ĐẠM


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24437431