Đất, Người Bình Dương

Phong trào đấu tranh của công nhân cao su Dầu Tiếng thời Pháp thuộc (1917-1945)

  • NGUYỄN THỊ LAN - Bảo tàng Bình Dương
  • 25/07/2012

Trong những năm cuối cùng của cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914- 1918), nhằm cứu vãn nền kinh tế - xã hội đang gặp hồi khốn đốn, bọn tư bản Pháp triển khai cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai tại Việt Nam. Sau chiến tranh, nguồn nguyên liệu cao su trở thành một mặt hàng chiến lược đắt đỏ trên thị trường thế giới tư bản. Đầu tư khai thác cao su trở thành kiểu kinh doanh béo bở của bọn tài phiệt Pháp tại thuộc địa. Ở Nam kỳ, các công ty cao su thành lập từ đầu thế kỷ XX như SIPH, Đất Đỏ, Đồng Nai, Thành Tuy Hạ, CECO, Tây Ninh... tranh nhau bỏ thêm vốn mở rộng quy mô khai thác.

Trong bối cảnh “cơn sốt cao su” ấy, năm 1917 Công ty Michelin (Scciété des plantatinnus et Pneumatiques Michelin au Vietnam) thành lập một đồn điền tại Dầu Tiếng với diện tích ban đầu là 7.000 ha.

Tính từ năm 1917 đến năm 1951, sở cao su Dầu Tiếng đã mộ được 45.315 lượt người ký giao kèo với Công ty Michelin. Trong số đó, có đến 11.376 người bị chết, bỏ trốn, mãn hạn giao kèo và đi kháng chiến.

Thời gian phẳng lặng được vài năm. Trung tuần tháng 12-1932, công nhân Dầu Tiếng lại đình công.

Sáng ngày 15-12-1932, hơn 100 công nhân từ các làng cao su đồng tình nghỉ việc, kéo về trung tâm cùng với công nhân trong sở đến văn phòng chủ đồn điền. Yêu sách của công nhân gồm 4 điểm: “Chống chế độ gạo mục cá thối - bảo đảm tiền lương - lương thực không được bớt xén - ngày làm việc 8 tiếng - chống đánh đập, ức hiếp công nhân...”. Lần này công nhân cũng cử ra đại diện của mình để đấu lý với chủ, đòi phải thực hiện những yêu cầu của công nhân. Chủ sở phải dựa vào lính để ngăn cản, không chịu nói chuyện và giải quyết các yêu sách của công nhân. Công nhân vẫn kiên trì đấu tranh, quyết tâm không bỏ cuộc. Đến sáng hôm sau, công nhân tiếp tục bãi công. Chủ sở vẫn không chấp nhận giải quyết yêu sách. Công nhân liền chuyển hướng, tiến về TX.TDM để yêu cầu thanh tra can thiệp. Đoàn biểu tình công nhân vừa đến dốc chợ, bọn lính ra ngăn cản, bắn chết 3 người, 7 người khác bị thương nặng. Đoàn người không chịu lùi bước. Họ khiêng xác những người vừa bị giết tiếp tục tiến về phía thị xã. Vừa đi họ vừa kêu gọi nhân dân ủng hộ, tạo nên một cuộc biểu tình rầm rộ. Hoảng sợ, chủ đồn điền và chính quyền nhà việc xã Định Thành phải cầu cứu lính đồn Bến Cát lên. Công nhân vẫn kiên quyết giữ vững đội hình biểu tình. Chủ sở buộc phải thay đổi cách đối phó, chấp thuận giải quyết những đề nghị của công nhân, bồi thường nhân mạng.

Công nhân trở lại đồn điền tiếp tục làm việc nhưng chủ đồn điền vẫn không đáp ứng đề nghị của công nhân. Vì vậy, công nhân Dầu Tiếng lại tiếp tục đình công, biểu tình. Vào tháng 3-1933, có đến 2.000 người đình công. Cuộc đấu tranh kéo dài mấy ngày liền, vườn cây bỏ hoang, nhà máy đình trệ sản xuất. Lần này công nhân tổ chức những người mạnh khỏe mang theo dao, gậy làm vũ khí, tổ chức thành đội tự vệ đi trước để chống bọn đàn áp.

Chủ đồn điền không còn cách nào khác phải nhượng bộ và hứa giải quyết những yêu sách công nhân đòi hỏi. Chủ đồn điền phải chấp nhận từ tháng 3 trở đi phát lương đúng theo giao kèo, gạo 800gam một ngày phát đủ, không cúp phạt đánh đập công nhân.

Thắng lợi của cuộc đấu tranh tháng 3-1933 là chuyển biến mạnh mẽ của phong trào công nhân cao su Dầu Tiếng. Tạo khí thế đấu tranh cho những phong trào kế tiếp.

Ngày 16-8-1936, công nhân cao su làng 01 Dầu Tiếng lợi dụng lúc cai Thông dở trò đánh đập, đã tập hợp đấu tranh, đòi chủ đồn điền phải đuổi tên cai độc ác ra khỏi đồn điền cao su Dầu Tiếng. Đồng thời, nhân cơ hội này đưa yêu sách đòi chủ phải phát gạo đúng khẩu phần đã định, phải trả về quê cũ những công nhân đã hết hạn công tra. Cũng trưa hôm ấy, nam nữ công nhân làng 14 khoảng 250 người, nhất loạt biểu tình hưởng ứng yêu sách trên của công nhân làng 01. Chủ đồn điền cho lính đàn áp, bắt đi một số người giải về Sài Gòn giam giữ, cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục diễn ra và lan rộng kéo dài cho đến ngày 30-8-1936. Trước tình hình đó, chủ đồn điền phải thỏa hiệp, giải quyết cho 182 công nhân mãn hạn trở về quê cũ.

Từ cuộc đấu tranh của công nhân Cao su Phú Riềng, cuộc bãi công của công nhân Cao su Dầu Tiếng vào năm 1930, đã sinh ra những hạt giống đỏ, những công nhân trung kiên đi đầu phong trào đấu tranh điển hình như anh Đặng Dân, anh Đinh Công Toàn. Phong trào công nhân ngày một phát triển mạnh vì thế đòi hỏi phải có một tổ chức cách mạng để đứng đầu lãnh đạo quần chúng. Thành ủy Sài Gòn đã cử các đồng chí Văn Công Khai và Nguyễn Văn Tiết về Dầu Tiếng tuyên truyền, xây dựng cơ sở, tiến tới thành lập chi bộ Đảng.

Thời gian này, tình hình thế giới và trong nước có những biến chuyển mới. Mặt trận chống phát xít giành dân chủ và bảo vệ hòa bình của nhân dân thế giới do Quốc tế Cộng sản chủ trương đã hình thành. Ở trong nước, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa, thực dân Pháp tăng cường áp bức bóc lột, làm cho đời sống công nhân, nông dân hết sức khó khăn. Đảng chủ trương phát động phong trào mới mở đầu là cuộc vận động Đông Dương đại hội. Mặt trận Dân chủ Đông Dương ra đời đã lôi cuốn được mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Công nhân ở các đồn điền cao su cũng kịp hòa chung với trào lưu cách mạng cả nước. Ở Dầu Tiếng, phong trào đấu tranh của công nhân đã mở rộng phạm vi không chỉ đơn thuần đấu tranh với chủ đòi quyền lợi kinh tế mà cả vấn đề chính trị cũng đã đặt ra. Để kịp thời lãnh đạo phong trào, Thành ủy Sài Gòn quyết định thành lập chi bộ Cộng sản Dầu Tiếng gồm các đồng chí: Văn Công Khai, Nguyễn Văn Tiết, Đặng Dân và Đinh Công Toàn.

Chi bộ Cộng sản Dầu Tiếng trực thuộc Thành ủy Sài Gòn được thành lập vào cuối năm 1936. Đây là một bước ngoặt lịch sử của phong trào công nhân ở đây. Từ đây, phong trào đấu tranh của công nhân đã có một tổ chức lãnh đạo trực tiếp của Đảng thông qua chi bộ đồn điền.

Cùng thời điểm này, Mặt trận Nhân dân Lao động Pháp đấu tranh buộc Chính phủ Pháp cử phái viên Giuystan Godard sang Đông Dương điều tra tình hình xã hội và lao động thuộc địa. Giữa tháng 1-1937, Gôda đến đồn điền Dầu Tiếng, cuộc mít-tinh của công nhân đã được tiến hành. Công nhân hô to khẩu hiệu: “Tự do dân chủ”, “Tự do công hội”, “Thi hành Luật Lao động”... Tiếp đó là các bản yêu sách, kiến nghị đòi quyền lợi thiết thực về ăn ở, chữa bệnh, đòi tự do, lập nghiệp đoàn...

Đây là lần đầu tiên chi bộ Dầu Tiếng lãnh đạo phong trào công nhân đồn điền tham gia vào cuộc đấu tranh phối hợp với phong trào công nông cả nước. Trước các cuộc vận động đấu tranh đòi quyền lợi dân chủ, dân sinh ngày càng phát triển thành một cao trào rộng khắp trong quần chúng nhân dân Đông Dương. Đứng trước tình hình này, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương ra quyết định: Kể từ ngày 1-1-1937, công nhân phải làm việc ngày 9 tiếng. Riêng ở đồn điền Dầu Tiếng chủ sở tự tiện nâng lên 10 tiếng trong một ngày. Tiền lương lại giảm xuống trong lúc giá cả thị trường tăng vọt. Gạo tẻ từ 4 đồng lên 12 đồng 1 tạ, vải từ 0,22 đồng lên 0,40 đồng 1m.

Việc thay đổi chính sách để tăng cường sự bóc lột sức lao động ngày càng làm cho phong trào công nhân đấu tranh gay gắt hơn. Ngày 1-5-1937, Chi bộ Dầu Tiếng phát động công nhân 19 làng đình công. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các đảng viên, 2.000 công nhân bãi công, biểu tình đưa yêu sách ngày làm việc 8 tiếng, tăng lương từ 0,40 đồng lên 0,44 đồng 1 ngày, lao động nhẹ từ 0,32 đồng lên 0,36 đồng 1 ngày. Trước sức ép của cuộc đấu tranh, chủ đồn điền cầu cứu quận trưởng Bến Cát đưa lính đến đàn áp, làm 4 công nhân chết và 41 người bị bắt. Bọn chúng còn đốt phá nhiều nhà cửa của nhân dân xã Định Thành nhằm ngăn chặn sự ủng hộ của nông dân với cuộc đấu tranh của công nhân. Công nhân vẫn không bị nao núng, cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục kéo dài cho đến 15 ngày sau.

Bọn chủ hứa sẽ đáp ứng yêu sách của công nhân nhưng khi công nhân đi làm việc trở lại thì chúng không thực hiện lời hứa mà còn tìm cách truy bắt những đảng viên biểu tình đòi chủ phải thực hiện yêu sách. Bọn chủ ngoan cố không chịu tiếp những đại biểu công nhân. Vì thế, chiều hôm ấy công nhân cử một đoàn đại biểu về Sài Gòn đòi nhà cầm quyền Pháp can thiệp. Sự kiện này làm náo động cả nhân dân Thủ Dầu Một, Sài Gòn. Nhiều tờ báo tiếng Pháp, tiếng Việt liên tiếp đưa tin và bình luận.

Bước sang năm 1938, Xứ ủy Nam kỳ lập một ủy ban đặc biệt phụ trách các đồn điền cao su. Sang năm 1939, do sự khủng bố dữ dội của địch, chi bộ Dầu Tiếng bị vỡ, các đồng chí Văn Công Khai, Nguyễn Văn Tiết phải chuyển đi nơi khác hoạt động. Phong trào công nhân cao su Dầu Tiếng tạm thời lắng xuống.

Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Đầu năm 1940, Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng. Ở Đông Dương, Pháp đầu hàng phát xít Nhật. Hai tên phát xít, thực dân cấu kết để đàn áp, bóc lột nhân dân ta. Đời sống của nhân dân Việt Nam dưới ách thống trị “một cổ hai tròng”. Vì thế, đêm ngày 22 rạng ngày 23-11- 1940 khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, tại Dầu Tiếng công nhân trong xưởng cơ khí như Vũ Quốc Uy và nhiều anh chị em cạo mủ bãi công 3 ngày, đưa ra các yêu sách đòi giảm giờ làm, tăng lương, chống đàn áp. Nông dân xã Định Thành đấu tranh đòi hội tề giảm thuế, chống bắt lính.

Từ sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, giặc Pháp liên tục mở những cuộc khủng bố dã man làm cho tổ chức Đảng bộ tỉnh Thủ Dầu Một tan vỡ. Vì thế, phong trào đấu tranh của công nhân cao su Dầu Tiếng cũng tạm ngưng. Dầu Tiếng trở thành nơi che giấu những hạt giống đỏ của Đảng, của nhân dân.

Mùa xuân 1943, tại làng 1, Ban cán sự Đảng tỉnh Thủ Dầu Một thành lập Tỉnh ủy lâm thời gồm các đồng chí Văn Công Khai, Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Trung và Vũ Văn Hiến do đồng chí Văn Công Khai làm bí thư, mở đầu thời kỳ khôi phục hệ thống tổ chức Đảng trong toàn tỉnh.

Trong công nhân cao su, từ sau hội nghị Tỉnh ủy lâm thời, có nhiều nhóm nòng cốt đứng ra thành lập đội cải lương tuyên truyền trong nhân dân. Đầu năm 1944, Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một họp hội nghị lần thứ 2, bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết 8 của Trung ương Đảng lập hội cứu quốc, lập đội tự vệ chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa.

Ở Dầu Tiếng, cuối năm 1944 đầu năm 1945, công nhân hoạt động mạnh mẽ, nhiều tổ chức hoạt động bán công khai tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh chống đế quốc thực dân phong kiến.

Đêm ngày 9-3-1945, quân phiệt Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương. Ở Dầu Tiếng quân Nhật kéo từ thị xã Thủ Dầu Một lên. Bọn Tây sở và chính quyền nhà việc xã Định Thành nằm yên không phản ứng. Quân Nhật đóng quân tại trường học, ngay chợ xã Định Thành. Chúng ra lệnh đóng cửa nhà máy không cho sản xuất, mặc dù số mủ chưa chế biến còn lại rất nhiều, bắt bọn chủ sở và hội tề xã phải hợp tác làm việc cho chúng.

Khi Nhật vào, công nhân cao su Dầu Tiếng lâm vào cảnh thất nghiệp nhiều. Sự có mặt của quân Nhật cùng với quân Pháp đầu hàng làm tay sai đã trở thành một tai họa lớn cho công nhân và nông dân Dầu Tiếng.

Hướng ứng lời kêu gọi “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phong trào của công nhân cao su Dầu Tiếng ngày càng sôi sục, tích cực hơn. Đội tự vệ cứu quốc nhà máy ra đời, công nhân trang bị gậy gộc, giáo mác hăng hái luyện tập, chờ thời cơ cùng với cả nước chính quyền. Trong khi ta khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa thì Nhật đầu hàng quân đồng minh. Trước tình hình đó, ngày 20-8-1945 Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thủ Dầu Một họp hội nghị lần thứ 4 quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh và các cơ sở.

Đêm ngày 24-8-1945 lời hiệu triệu của Ủy ban khởi nghĩa phát đi. Các nơi trong tỉnh đã hưởng ứng và nổi dậy giành chính quyền. Sáng ngày 25-8-1945 ba vạn đồng bào từ các xã, thị trấn, đồn điền cao su, lò chén kết hợp với 2 vạn nhân dân thị xã tiến hành khởi nghĩa.

Tại Dầu Tiếng, ngày 19-8-1945 đã xuất hiện nhiều khẩu hiệu “Kiên quyết giành độc lập dân tộc”, “Không được đánh đập, cúp phạt công nhân...”. Trong công nhân truyền nhau lời khích lệ: “Lúc này không xông lên, còn chờ đến bao giờ nữa”. Tất cả đã sẵn sàng, giờ phát lệnh đã đến. Đêm 24 rạng ngày 25-8-1945, toàn thể công nhân cao su Dầu Tiếng cùng với nông dân xã Định Thành nhất tề nổi dậy cướp chính quyền từ tay quân Nhật. Công nhân, nông dân xông vào các trại lính, nhà chủ, sếp, xu, cai... Bọn lính Nhật những ngày trước đó đã rút bớt, còn khoảng một tiểu đội tập trung trong một ngôi nhà, không chịu nộp vũ khí đầu hàng. Đội Thanh niên Tiền phong công nhân gồm 300 người do các đồng chí Hai Buông và Trần Văn Lắc chỉ huy tập trung bao vây bọn Nhật... Bọn Nhật không dám nổ súng, bị bao vây cho đến xế chiều, chúng phải đầu hàng, nộp toàn bộ vũ khí... Dầu Tiếng sạch bóng quân thù, cờ đỏ tung bay giữa mùa thu Tháng Tám.

Từ cuộc đời nô lệ, chịu đựng biết bao đắng cay khổ nhục, những người công nhân đã cùng với nhân dân cả nước tạo nên thắng lợi vẻ vang vào mùa thu Tháng Tám, chấm dứt gần 100 năm bị đô hộ. Đó là những bước khởi đầu cho một cuộc chiến đấu trường kỳ 30 năm chống hai tên đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ.

Công nhân cao su Dầu Tiếng còn tiếp tục đấu tranh chống Pháp - Mỹ giành độc lập, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975. Hơn 30 năm xây dựng kiến thiết đất nước, Công ty Cao su Dầu Tiếng được vinh dự đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 1998. Đời sống công nhân đã thay da đổi thịt. Dầu Tiếng luôn luôn xứng đáng là một trong những đơn vị đi đầu của ngành cao su Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Địa chí Sông Bé, NXB Tổng hợp Sông Bé, 1991.

2. Lịch sử Tỉnh Đảng bộ Bình Dương (1930-1975), NXB Chính trị Quốc gia, 2003.

3. Lê Văn Khoa, Lịch sử phong trào công nhân cao su Dầu Tiếng, NXB Lao động, 2000

4. Tư liệu Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Bình Dương.

NGUYỄN THỊ LAN - Bảo tàng Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24436762