Đất, Người Bình Dương

Đội nữ pháo binh Bến Cát: Một Đại đội vũ trang anh hùng lừng danh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước trên quê hương Bình Dương

  • ĐOÀN THANH TUYỀN - Bảo tàng Bình Dương
  • 25/07/2012

Bến Cát là một huyện thuộc phía bắc của tỉnh Bình Dương. Trải qua gần nửa thế kỷ đấu tranh chống giặc để góp phần giành lại độc lâp tự do cho dân tộc, quân và dân Bến Cát đã phải đương đầu với muôn vàn thử thách khó khăn. Có thể nói trong suốt quá trình đấu tranh lâu dài gian khổ ấy, Bến Cát đã phải chịu biết bao sự hy sinh mất mát. Tuy có sự hy sinh rất anh dũng và vẻ vang song cũng có những sự hy sinh rất ư là thầm lặng nhưng những điều chung nhất mà Bến Cát có thể khẳng định rằng: Từng con người, từng địa danh lịch sử của Bến Cát đều gắn liền với những chiến công oanh liệt. Viết lại truyền thống cách mạng của cha anh thuở trước để giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau lòng tự hào và niềm tin của dân tộc, chúng ta không thể không nhắc đến một đội quân anh hùng trong lực lượng vũ trang huyện Bến Cát đó là: “Đội nữ Pháo binh Bến Cát”.

Ngày 6-1-1968, Đại đội 5 (tức C5) Nữ Pháo binh Bến Cát được thành lập dưới chủ trương của Thường vụ Huyện ủy và Ban Chấp hành quân sự Bến Cát. Được ra đời trên quê hương Bến Cát họ cùng với 4 đại đội nam hăm hở bước vào cuộc chiến với khí thế như thác đổ, gặt hái được nhiều chiến công hiển hách. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng C5 đã đập tan bộ máy kìm kẹp, khủng bố, đàn áp của địch ở Bến Cát. Cùng với các đại đội nam vũ trang địa phương C5 đã liên tiếp bẻ gãy các cuộc hành quân, phá vỡ từng mảng ấp chiến lược, đồn bót của địch, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.

Từ buổi đầu mới thành lập còn rời rạc, số lượng nữ còn rất ít nên lực lượng C5 được xây dựng chủ yếu là rút các chị nữ từ các cơ quan của Bến Cát về thành lập lực lượng vũ trang. Từ công tác hành chánh chuyển sang quân sự, lúc đầu chị em còn bỡ ngỡ chưa quen nhưng chỉ sau một thời gian ngắn được sự quan tâm, giáo dục và huấn luyện của Đảng bộ địa phương chị em đã nhanh chóng xác định tư tưởng và đi vào chiến đấu vững vàng. Nhiệm vụ của Đảng giao cho đội C5 lúc đó chủ yếu là: Chiến đấu và kết hợp chiến đấu cùng với các đơn vị ở địa phương, phục vụ chiến đấu: Tải thương, tải lương thực và đạn dược... Xây dựng cơ sở, tuyên truyền giáo dục quần chúng phát động phong trào cách mạng. Từ chỗ không dám cầm súng, nhiều chị em còn bỡ ngỡ, nhưng trước nhiệm vụ quan trọng mà Đảng giao cho chị em đã ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng từ tác phong chiến đấu đến kỹ thuật, kỷ luật của người chiến sĩ cách mạng. Cùng với tấm lòng yêu quê hương yêu làng xóm, lòng căm thù giặc sâu sắc và cao độ trước tội ác dã man của giặc, chị em quyết tâm khắc phục khó khăn, đoàn kết bên nhau nắm chắc tay súng để làm tròn nhiệm vụ của trên giao! Suốt quá trình tham gia chống Mỹ C5 đã tỏ ra là một tập thể nữ đáng tin cậy của Đảng. Ngay cả trong từng giai đoạn mức độ chiến đấu khó khăn ác liệt nhất mà chị em vẫn giữ được tinh thần chiến đấu, kiên quyết không nao núng, không rời bỏ đội hình và tuyệt đối không một ai đầu hàng. Có lúc tình hình căng, kinh tế địa phương tự lực ta đói kém, địch càn quét, pháo bắn, ngày đêm máy bay B52 săn đuổi tìm kiếm, biệt kích đón đánh căn cứ liên tục, đồng thời chúng tăng cường tác động tâm lý dùng mọi luận điệu để dụ dỗ chị em. Suốt 3 tháng trời chịu đựng, chị em nữ Pháo binh toàn ăn củ mài, củ chụp, cháo lá bướm, rau tàu bay, củ nho rừng... Khó khăn là thế, gian khổ là thế nhưng chị em vẫn bền bỉ sát cánh bên nhau, động viên nhau, thương yêu và bảo ban nhau. Hơn bao giờ hết họ chia sẻ cho nhau từng chén cơm, hạt muối, manh áo... đặc biệt là truyền cho nhau sức mạnh và niềm tin chiến đấu. Đây là một đại gia đình quân giải phóng, sống hiên ngang đi dân nhớ, ở dân thương, thà chết vẻ vang ở chiến trường chớ không chịu lùi bước như lời thề nguyện khi thành lập đơn vị.

Diệt gọn tua Suối Tre (xã Mỹ Phước), chiến công mở đầu của Đại đội 5 được phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị bạn. Sau đó cấp trên kịp thời tuyên dương cả đơn vị chiến đấu xuất sắc và công nhận 2 chiến sĩ thi đua đó là: Trương Hoài Phượng và Nguyễn Thị Hương.

Được sự quan tâm chỉ đạo và bồi dưỡng của cấp ủy. Đội nữ C5 ngày càng lớn mạnh về chất lẫn về lượng, số lượng nữ có lúc lên đến 67 đội viên. Ban chấp hành đội được thành lập với người nữ đội trưởng đầu tiên gan góc và kiên cường đó là đồng chí Trương Thị Minh Hòa cùng với 3 nữ đội phó có cả tổ chức Ban chấp hành các đội cối, bộ binh, tổ trinh sát và tổ dân phòng, tất cả các tiểu đội cùng phối hợp tác chiến nhịp nhàng với các đội vũ trang địa phương đã giành nhiều thắng lợi.

Gọi là “nữ pháo binh” chứ thật ra C5 là đội vũ trang khá toàn diện, sử dụng khá nhiều loại vũ khí không chỉ đơn thuần có pháo mà cả sử dụng khẩu cối 82, cối 60, M79, B40, AK. Đội có thể độc lập tác chiến, nắm vững trận địa, có thể kết hợp tác chiến với các đội nữ vũ trang địa phương, có thể đánh bộ binh, pháo binh hoặc công đồn đều được cả. Đội vừa chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu một cách nhạy bén đều đặn và kịp thời. Gác súng lại chị em đã nhanh chóng trở thành các nữ chiến sĩ dân công tải thương, tải đạn... Những nữ chiến sĩ trung kiên ấy còn tỏ ra xuất sắc trong đấu tranh chính trị với địch, giành đất, giành dân, động viên và cùng sản xuất với dân để tự túc, đưa dân về đất cũ làm ăn. Trong công tác dân vận, đi sâu phát động và tuyên truyền trong quần chúng, gài cơ sở nội tuyến để nắm bắt tình hình của địch, tổ chức du kích mật, thông báo những tin tức mới trong từng ấp. Bản thân mỗi đồng chí trong đội nữ của C5 đều tự khẳng định mình. Nhận lấy nhiệm vụ chiến đấu tiêu diệt địch, bảo vệ quê hương, làm công tác võ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở chính trị, làm công tác binh vận, tăng gia sản xuất và quan trọng hơn hết là đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân. Những quyết tâm sắt đá này đã biến thành sự thật trong nhiều tình huống chiến đấu từ lúc thành lập đến khi kết thúc vai trò lịch sử. Nổi bật lên những sự kiện điển hình không thể nào quên như: Khẩu đội cối 60 ly do đồng chí Lan chỉ huy đã nhã đạn đúng vào cánh quân ngụy chi viện cho chi khu Bến Cát ta diệt được 17 tên làm tê liệt sức chiến đấu của chúng tạo cơ hội cho quân dân ta tiến công vào chi khu quận (15-3-1968) cả khẩu đội được cấp trên tặng bằng khen trong dịp này. Sau đó suốt 29 ngày đêm đại đội đã liên tục chiến đấu phá vòng vây địch trong tháng 6-1968. Do có 2 tên phản bội từ trong căn cứ ra đầu hàng giặc nên chúng đã biết được tình hình Đại đội 5 nữ đang thiếu đói, bệnh tật, bị thương và nhiều nữ đồng chí trong đại đội này đang đi công tác nên đội còn lại rất có ít người. Nắm được tình hình này địch đã huy động 2 tiểu đoàn bộ binh, 2 chi đoàn xe cơ giới, 2 máy bay oanh tạc và pháo binh yểm trợ, chia làm nhiều cánh đánh vào căn cứ huyện đội và các đơn vị vũ trang của ta. Bên ta chủ động phòng thủ và tổ chức hợp đồng các đại đội nam với đại đội nữ tiến công phá tan những trận thế vây hãm của địch.

Bên cạnh những tập thể chiến thắng, có thêm hai tiểu đội nữ tiêu biểu có phong cách khác nhau: Khẩu đội cối 60 của đồng chí Lan phối hợp chặt chẽ với cối 82 ly của đội nam. Tất cả thi nhau rót đạn nổ vào đầu bộ binh địch và chặn đường tiến lên của cơ giới, tạo điều kiện cho các anh chị em ta tiêu hao chúng. Một tiểu đội nữ khác cũng đã chiến đấu dũng cảm, họ cùng đồng đội bẻ gãy 7 đợt phản công của địch. Bên ta, 2 nữ đồng chí: Yến và Giang đã bị thương nặng. Chúng thấy vậy rất mừng rỡ xông vào định bắt sống đem về để được nhận tiền thưởng bằng đô la rất cao và đã kêu gọi chị hãy đầu hàng. Đồng chí Giang bị gãy cả 2 chân, máu chảy đầm đìa, miệng trả lời đanh thép: “Đừng gọi chiêu hồi mất công. Đội nữ vũ trang Bến Cát chỉ biết diệt địch, không biết chiêu hồi”. Nghe chị nói thế, bọn chúng đã tàn ác ùa vào chiến sĩ Giang. Ngay lập tức bị chị dùng sức mạnh hai tay cầm cây súng đập vào đầu tên địch vì đạn đã hết. Nữ chiến sĩ Giang hy sinh tại chỗ vì bị bọn chúng dùng lưỡi lê đâm chết do quá tức chị của những tên ác ôn.

Những chị em trong Đại đội 5 đã từng khóc biệt ly đến 8 nữ đồng đội trong những năm tháng chiến đấu với hơn 171 trận đánh lớn, nhỏ, làm tiêu hao và tiêu diệt gần 500 tên giặc và thu 82 súng các loại. Sức mạnh của lòng yêu nước, chí căm thù giặc ngoại xâm của “Đội nữ Pháo binh Bến Cát” đã xóa được những tư tưởng định kiến gọi phụ nữ là “phái yếu” so với nam là “phái mạnh” trong việc bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn chiến đấu, sản xuất và đoàn kết trong đơn vị anh hùng này đã minh chứng rằng: Họ, những người nữ Pháo binh Bến Cát có một sức mạnh tinh thần không thua gì nam giới. Trận cuối cùng của Đại đội 5, do Chỉ huy trưởng là Đặng Minh Nghĩa (thay cho đồng chí Trương Thị Minh Hòa hồi cuối năm 1968). Cùng tập thể tiến công dồn dập vào thị trấn Bến Cát. Đạn cối 60 ly, 82 ly từ những bàn tay dịu dàng, động tác thuần thục, trình độ kỹ thuật chính xác của nữ pháo thủ bay vút lên trời cao và rót xuống trúng ngay địch. Ngày chiến thắng 30-4-1975, kết thúc chiến tranh chống Mỹ ngụy, đem lại hòa bình cho quê hương đất nước và những con người Việt Nam đáng yêu, cũng là ngày dự báo cho đội nữ Pháo binh Bến Cát sắp trở về đời thường giã từ cuộc chiến để sum họp bên mái gia đình với vai trò của người phụ nữ.

Nhờ sự quan tâm và lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy Bến Cát đã theo dõi từng bước đi lên của đội và thường xuyên chỉ đạo kịp thời để nâng cao trình độ và khả năng của chị em. Do ý thức trách nhiệm đối với dân, với đất nước, với Đảng đội nữ C5 ngày càng trưởng thành qua các trận địa chiến đấu chống địch. Từ năm 1968 cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đội nữ C5 đã cùng với các đơn vị địa phương giành nhiều chiến công lớn rất đáng tự hào, điểm nổi bật của C5 là cách đánh trinh sát đặc công phá ấp chiến lược và đặc biệt là bẻ gãy rất nhiều cuộc càn của địch. Tuy là nữ nhưng chị em làm công tác trinh sát cũng không thua gì nam giới, thậm chí có những trận chỉ có chị em mới có thể làm được công tác trinh sát nhờ sự khéo léo của nữ giới. Trưởng thành qua rèn luyện và chiến đấu. Đội nữ C5 nhiều năm có xuất hiện nhiều chiến sĩ thi đua xuất sắc và cũng có nhiều nữ đồng chí anh dũng nêu tấm gương sáng cho những người còn lại.

Năm 1969 Đại đội C5 được tặng danh hiệu “Đơn vị thành đồng quyết thắng”. Từ năm 1968 đến 1972 Đại đội C5 được tặng cờ thi đua của Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam, thành tích xuất sắc 5 năm liền. Cụ thể là ngày 28-10-1970 bắn rơi 2 máy bay Mỹ bằng súng AK và diệt nhiều tên địch...      

Ngày 20-10-1976, Đại đội 5 được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và cũng là dịp tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Sau đó, chị em trong đội lần lượt ra quân tiếp tục thiên chức của người phụ nữ thời bình. Có một nhà văn đã viết: “Chỉ có 2 vật đẹp nhất trần gian đó là: Phụ nữ và đóa hoa hồng”. Hoa hồng là tượng trưng cho phụ nữ, hoa hồng tuy đẹp nhưng có gai và những người nữ pháo binh Bến Cát ấy cũng là những đóa hồng thật thơm ngát của đất Bình Dương, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã phong tặng cho người phụ nữ Việt Nam đó là: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”                                         

 

TÀI LIU THAM KHẢO

1. Lịch sử Bến Cát tập1, 2.

2. Lao động Bình Dương, số 3-99.

3. Tư liệu sưu tầm ở Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tại TP.HCM.

4. Danh sách và địa chỉ của Đại đội C5 tại Huyện đội Bến Cát.

5. Tư liệu điền dã gặp gỡ các nhân chứng sống như bà: Trương Thị Minh Hòa, Nguyễn Thị Hạnh (nguyên Đại đội trưởng Đội C5 “Nữ Pháo binh Bến Cát”) ...

ĐOÀN THANH TUYỀN - Bảo tàng Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24437401