Đất, Người Bình Dương

Tìm hiểu về sự ra đời của Nhà máy xe lửa Dĩ An

  • BÙI KIM TUYẾN
  • 25/07/2012

Theo tư liệu của Bộ Giao thông - Vận tải Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, vào đầu thế kỷ 20, khi thực dân Pháp bắt đầu mở tuyến đường sắt Bắc - Nam, họ tiến hành xây dựng các nhà máy xe lửa. Ở miền Bắc có Nhà máy xe lửa Gia Lâm phục vụ cho việc bảo trì, sửa chữa đầu máy, toa xe cho tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam. Ở Vinh có Nhà máy xe lửa Trường Thi phục vụ cho tuyến đường sắt Hà Nội - Nam Định - Vinh. Ở miền Nam có Nhà máy xe lửa Dĩ An phục vụ cho việc bảo trì và sửa chữa các đoàn tàu thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn - Biên Hòa - Nha Trang, Sài Gòn - Lộc Ninh, Sài Gòn - Mỹ Tho, Tháp Chàm - Đà Lạt.

Từ năm 1902, người Pháp đã bắt đầu đến vùng Dĩ An khảo sát địa hình chọn nơi xây dựng và thành lập nhà máy xe lửa. Vì là một nhà máy công nghiệp nên họ chỉ tuyển chọn người có sức khỏe, chủ yếu là nam thanh niên trong độ tuổi từ 18 - 45, để làm công nhân. Ban đầu họ sử dụng những công nhân chưa có tay nghề. Thời gian xây dựng nhà máy kéo dài suốt 10 năm. Năm 1912 thì việc xây dựng nhà máy hoàn thành, đưa nhà máy vào hoạt động chính thức. Chánh Toàn quyền Đông Dương là Albert Sarraut cùng nhiều quan chức người Pháp khác đến tham dự và cắt băng lễ khánh thành Nhà máy xe lửa Dĩ An.

Nhà máy xe lửa Dĩ An có tên gọi chính thức trên văn thư hành chánh là “Grand Atelier des Chemins de Fer de Dĩ An” (cơ xưởng lớn của ngành đường sắt tại Dĩ An). Dân địa phương và công nhân của nhà máy quen gọi là cơ xưởng hỏa xa Dĩ An, gọi tắt là Đề-pô (Dépôt) xe lửa Dĩ An.

Nhà máy xe lửa Dĩ An nằm trên một đồi đất cao, hình thế đất tương đối bằng phẳng. Tổng diện tích khu cơ xưởng nhà máy khoảng 4.000m2, thuộc xã An Bình (xưa là quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định), phía Đông giáp xã Tân Đông Hiệp, phía Tây giáp với Khu công nghiệp Sóng Thần, phía Nam giáp xã Linh Xuân và xã Tam Hà (quận Thủ Đức), phía Bắc giáp xã An Phú và Bình Hòa (Bình Đáng, Tân Long và Bình Đức hiệp lại. Chung quanh có hàng rào bao bọc kiên cố. Nhà máy nằm trên trục lộ giao thông có nhiều đường quan trọng đi qua quốc lộ 1. Nhờ vậy nên việc vận chuyển máy móc cũng như nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất của nhà máy rất thuận tiện.

Nhà máy xe lửa có chức năng bảo trì và sửa chữa đầu máy xe lửa (Locomotive) và sản xuất toa xe (Wagon), nói khác là bảo trì và sửa chữa các đoàn tàu của các tuyến đường sắt của miềnNam và cả nước.

Ngoài ra nhà máy còn đào tạo nghề cho các công nhân. Trường dạy nhề của nhà máy mở khóa học đầu tiên vào năm 1938, do một người Pháp tên Lơ-bạc, Phó Giám đốc của nhà máy phụ trách. Thời gian học nghề là 3 năm, sau đó mỗi năm trường nhận thêm 25 học viên để đào tạo. Số học viên khi ra trường sẽ phân bố làm việc tại nhà máy.

Có thể nói Nhà máy xe lửa Dĩ An là nhà máy lớn nhất của ngành đường sắt Việt Nam thời đó. Vì những năm đầu của thế kỷ 20, phương tiện giao thông liên tỉnh và trong cả nước còn rất hạn chế và khó khăn, chúng ta sẽ thấy được phương tiện giao thông bằng đường sắt thời đó là phương tiện duy nhất, đồng thời cũng thấy được vai trò của ngành đường sắt nói chung và Nhà máy xe lửa Dĩ An nói riêng trong việc sửa chữa đầu máy, sản xuất toa xe cũng như thiết lập đường rầy (Rail) trên những tuyến đường sắt nối liền hai miền Nam - Bắc Việt Nam, vào thời đó là một vai trò vô cùng quan trọng và có tính cách quyết định trong việc phát triển của ngành giao thông - vận tải.

Nhà máy gồm văn phòng của Chánh chủ sở, các phân xưởng và kho vật liệu. Đứng đầu nhà máy là Giám đốc cơ xưởng (Chef d Atelier), ông là một kỹ sư người Pháp tên Pạc-pô-tin, có nhiệm vụ cai quản toàn bộ hoạt động của nhà máy, công nhân thường gọi là xếp Chánh. Dưới giám đốc có phó giám đốc, khoảng 15 đốc công (Contremaitre), hầu hết là người Pháp, chỉ một số ít là người Việt và khoảng 50 cai và sau cùng là công nhân. Riêng công nhân được chia thành nhiều hạng thợ. Khởi đầu nhà máy có khoảng hơn 300 công nhân, về sau phát triển lên tới 500 công nhân.

Ngoài ra, để giữ gìn an ninh, trật tự cho nhà máy, có khoảng 1 trung đội lính Pháp đóng bót canh gác vòng ngoài nhà máy.

Nhà máy được trang bị khoảng 100 cỗ máy nhập khẩu từ Pháp và Đức, đưa vào nhà máy để sửa chữa, lắp ráp đầu máy và toa xe.

Hệ thống sản xuất của nhà máy chia làm 4 phân xưởng:

Phân xưởng 1: Có chức năng sửa chữa đầu máy, được coi là phân xưởng chánh với khoảng 100 công nhân. Đứng đầu phân xưởng là một đốc công, dưới đốc công là cai.

Phân xưởng 2: Là phân xưởng chuyên về các ngành tiện, nguội, phay, bào, rèn, đúc có chức năng gia công những phụ tùng của phân xưởng 1 và 3.

Phân xưởng 3: Chuyên sửa chữa đầu máy (đại tu và trung tu), sửa chữa và đóng các toa xe.

Phân xưởng 4: Chuyên chế biến đồ gỗ, làm mộc, sửa chữa, gia công, sơn những chi tiết bằng gỗ của những toa xe.

Mỗi phân xưởng có một văn phòng gồm có 3 thư ký phụ trách văn thư và một số người giúp việc cho đốc công. Những nhân viên nói trên có nhiệm vụ chấm công hàng ngày cho công nhân.

Ngoài văn phòng của các phân xưởng, còn có văn phòng giám đốc nhà máy. Giám đốc nhà máy trước năm 1930 là Pạc-pô-tin. Sau năm 1930 là Bê-nê-đết. Phó Giám đốc là Đa-tin.

Những người giữ chức vụ cao như cai, đốc công người Việt hầu hết đều xuất thân từ thợ chuyên môn có tay nghề và kỹ thuật giỏi. Riêng công nhân nhà máy phải trải qua một sự tuyển chọn và kiểm tra tay nghề khá chặt chẽ. Nhân viên và công nhân nhà máy có một cuộc sống ổn định.

Hầu hết các đốc công, phó giám đốc và giám đốc nhà máy lúc đầu đều là người Pháp. Từ những năm đầu của thập niên 50, dần dần mới có một số kỹ sư người Việt thay thế các chức vụ đó.

Hệ thống hành chánh lúc đầu như văn thư, bảng chấm công đều sử dụng bằng tiếng Pháp. Từ nhân viên văn phòng đến đốc công, cai đều phải thông thạo tiếng Pháp. Nhìn chung, ngay những năm đầu của thế kỷ 20, ngành đường sắt nói chung và các nhà máy xe lửa nói riêng đã được xem là một trong những ngành công nghiệp nặng quan trọng của Việt Nam

Riêng Nhà máy xe lửa Dĩ An ngay từ đầu đã có một cơ sở sản xuất phát triển mạnh mẽ, được điều hành một cách quy mô, có tổ chức khoa học. Chỉ năm 1937 mà nhà máy xe lửa đã sửa chữa và cho xuất xưởng 120 toa xe, 50 đầu máy và được đánh giá là năm “Kinh tế Đông Dương trở lại thời kỳ hưng thịnh”. Như vậy cho thấy vai trò của Nhà máy xe lửa Dĩ An quan trọng như thế nào trong ngành công nghiệp nặng của Việt Nam vào thời kỳ đó.

Sự ra đời của Nhà máy xe lửa Dĩ An đã có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế của người dân sống tại địa phương. Nó đã làm thay đổi đáng kể về kinh tế của vùng đất Dĩ An. Nó là sự chuyển mình từ một nền kinh tế nông nghiệp đã có từ lâu đời của Dĩ An sang nền kinh tế công nghiệp ở bước đầu và sự phát triển đó liên tục cho đến ngày nay.

Sự ra đời của Nhà máy xe lửa Dĩ An cách đây gần một thế kỷ, nhưng đã đóng góp một phần quan trọng trong ngành công nghiệp nặng của Việt Nam nói chung và ngành đường sắt nói riêng vào thời kỳ đó.

Mặt khác sự ra đời của Nhà máy xe lửa Dĩ An, là sự ra đời của Chi bộ Đề-pô xe lửa - một Chi bộ Cộng sản được thành lập, do đồng chí Nguyễn Đức Thiệu làm Bí thư. Chi bộ Cộng sản Đề-pô xe lửa Dĩ An - Đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phong trào công nhân và nhân dân Thủ Dầu Một  năm 1930.

BÙI KIM TUYẾN


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24438540