Đất, Người Bình Dương

Di chỉ khảo cổ học Hàn Ông Đại

  • NGUYỄN VĂN QUỐC - Bảo tàng tỉnh Bình Dương
  • 25/07/2012

Di chỉ khảo cổ học Hàn Ông Đại thuộc địa phận ấp 2, xã Tân Định, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, nằm trên một ngọn đồi thấp rộng khoảng 2 ha, trong khu đất trang trại của ông Đoàn Minh Chiến.

Tháng 12-2006, Bảo tàng Bình Dương phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ đã tiến hành điều tra và đào thám sát. Kết quả cho thấy đây là một di chỉ khảo cổ lớn, mang tính chất của một công xưởng chế tác công cụ đá thời tiền sử, chất chứa nhiều thông tin khoa học quý cho các nhà nghiên cứu cũng như phục vụ cho công tác trưng bày ở bảo tàng.

Trên những cơ sở kết quả ban đầu, tháng 7-2008 Bảo tàng Bình Dương phối hợp với Trung tâmNghiên cứu khảo cổ tiến hành khai quật di tích. Qua  kết quả của 4 hố khai quật với hơn 100m2, chúng tôi có một số nhận định như sau:

- Các hố khai quật H1, H3 thể hiện tính chất của các điểm chế tác công cụ đơn thuần, dấu vết cư trú rất mờ nhạt trong bình diện khai quật, không phát hiện đồ gốm hay dấu vết bếp lửa của quá trình sinh hoạt. Các thông tin trên cho thấy cư dân cổ đã tiến hành các quy trình chế tác các công cụ và để lại một tầng văn hóa dày trung bình 25 - 30cm với các lớp mảnh tước ken dày và các phác vật cùng các công cụ chế tác như: đe, hòn ghè, chày. Các mảnh tước thu được có nhiều kích cở lớn nhỏ khác nhau, từ mảnh tước thứ cấp của các công đoạn ghè định hình cho đến các vảy tước nhỏ của quá trình ghè tu chỉnh. Điều này cho thấy tại di tích này công cụ được chế tác qua nhiều quy trình khác nhau và một số hiện vật tìm thấy đã được mài gần như hoàn thiện. Đồ gốm cũng xuất hiện trong các hố này nhưng không nhiều, chủ yếu là các loại đồ đựng phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của cư dân cổ nơi đây.

- Các hố khai quật H2, H4 ngoài tính chất của một khu chế tác công cụ còn có các yếu tố của di tích cư trú. Bên cạnh các di vật của quá trình chế tác công cụ, còn nhiều đồ gốm vỡ với các loại hình như: nồi gốm, bát bồng, bàn xoa gốm... Tại H4 còn phát hiện dấu vết của bếp lửa ở gần cuối lớp văn hóa, ngay bề mặt sinh thổ.

Qua cuộc khai quật đã thu được các sưu tập di vật sau:

- Sưu tập cuốc: Đây là loại hình di vật phổ biến trong di tich, kích thước rất lớn và dày, thân có dạng hình thang, phần đốc nhỏ hơn phần lưỡi (kích thước khoảng 2/3 so với lưỡi). Lưỡi cuốc hơi xòe rộng và có rìa lưỡi cong nhẹ, dáng khom do được ghè vát lệch. Mặt cắt ngang thân hình chữ nhật, trên thân còn nhiều dấu ghè của quá trình ghè định hình. Một số tiêu bản đã bắt đầu có đấu mài nhẹ ở rìa lưỡi.

- Sưu tập rìu vai: Là loại hình công cụ ít phổ biến hơn trong di tích, có kích thước nhỏ, vai được tạo dáng bằng kỹ thuật ghè, xuôi nhẹ, rất hẹp và không tách biệt rõ với phần đốc và thân. Thân có dạng hình thang hay chữ nhật, một số ít gần vuông, mặt cắt ngang hình chữ nhật, còn nhiều vết ghè do quá trình ghè định hình lưu lại. Rìa lưỡi thường có dạng cong nhẹ, một số ít có dạng cong tròn, được tạo dáng vát lệch.

- Sưu tập rìu tứ giác: Đây là loại hình công cụ phát hiện nhiều trong di tích, hầu hết đang trong quá trình chế tác, một số rất ít có dấu mài nhẹ ở lưỡi. Thân rìu có dạng hình thang, mặt cắt ngang hình chữ nhật, rìa lưỡi cong nhẹ, một số tiêu bản có rìa lưỡi hơi xòe.

- Sưu tập phác vật: Đây là sưu tập chiếm tỷ lệ cao nhất trong di tích, hầu hết chúng có dạng cơ bản là hình khối chữ nhật với các vết ghè lớn trên các mặt. Có thể với hình dạng trên, chúng thích hợp cho các loại hình công cụ có dáng dài như cuốc, rìu tứ giác.

- Sưu tập bàn mài: Đây là một loại hình di vật quan trọng trong di tích, nó là bằng chứng cho sự tồn tại của một công đoạn hoàn thiện sản phẩm trong quy trình chế tác đá nơi đây. Trong lần thám sát trước đây, hầu như vắng bóng loại hình bàn mài. Đợt khai quật này với diện tích lớn hơn đã phát hiện, dù rằng chưa nhiều, một sưu tập bàn mài chính là một phát hiện quan trọng. Hầu hết bàn mài được sử dụng từ sa thạch nâu xám, hạt mịn, có dạng hình khối đa giác mà phổ biến nhất là dạng hình khối chữ nhật.

- Sưu tập mảnh tước: Mảnh tước có nhiều kích thước đại diện cho các công đoạn chế tác khác nhau, các mảnh tước sơ cấp được ghè từ đá nguyên liệu thu thập không nhiều, trong khi đó các mảnh tước thứ cấp của quá trình ghè định hình phác vật được tìm thấy phổ biến hơn. Hầu hết chúng có diện ghè hình đa giác, bị băm nát bởi nhiều nhát ghè, là kỹ thuật ghè trực tiếp, tự do. Các u ghè và tia sóng ghè bị lớp patine phủ lấp nên khó nhìn rõ. Các vảy tước nhỏ của quá trình ghè tu chỉnh rất nhiều, chúng là sản phẩm của kỹ thuật ghè gián tiếp trên đe với công cụ truyền lực là “đục”, hầu hết đều có lớp patine bên ngoài.

Với các sưu tập trên, chúng tôi có nhận thức bước đầu đây là di tích có tính chất công xưởng vì: di chỉ xưởng chế tác công cụ đá là loại hình di chỉ khảo cổ mà nơi đó ngoài các công cụ hoàn thiện phát hiện được còn có những mảnh tước, phác vật hay phế vật công cụ chiếm tỷ lệ lớn và có thể tồn tại những dụng cụ chế tác bên cạnh các loại hình di vật nói trên.

 Căn cứ vào định nghĩa đó, hoàn toàn có thể xếp di chỉ khảo cổ Hàn Ông Đại vào loại hình côngxưởng chế tác đá qua các vết tích xuất lộ trên bình diện các hố khai quật và thám sát nơi đây.

Các di chỉ xưởng chế tác đã phát hiện trên địa bàn Đông Nam bộ ngày càng nhiều, đặc biệt các di chỉ xưởng chế tác đá với các loại hình sản phẩm: đồ trang sức (Đồi Phòng Không - Đồng Nai; Bưng Bạc - Bà Rịa-Vũng Tàu); công cụ sản xuất (Suối Linh - Đồng Nai; Mỹ lộc, Hàn Ông Đại -Bình Dương). Công xưởng Hàn Ông Đại mới phát hiện đã góp thêm phần vào bức tranh sinh động của hoạt động sản xuất của cư dân cổ ở khu vực này.

Đây là một công xưởng chế tác công cụ đá có quy mô lớn, có thể nói là lớn nhất miền ĐôngNam bộ trong tình hình tư liệu hiện nay. Các di tích dạng này có thể có nhiều địa điểm khác nằm ven bờ sông Bé trên những ngọn đồi có địa thế thuận lợi. Hiện vật trong di chỉ có rất nhiều loại hình khác nhau: rìu tứ giác, rìu vai, dao hái, đục... là các hiện vật phổ biến trong các di chỉ tiền sử ở miền Đông Nam bộ. Điểm đặc biệt của di chỉ này là sự xuất hiện rất phổ biến của loại hình dao hái.

 Qua các hiện vật thu được trong cuộc khai quật như hiện vật gốm thu được trong di chỉ cho thấy Hàn Ông Đại có thể đã có mối quan hệ giao lưu với các di chỉ đã phát hiện ở lưu vực sông Đồng Nai, trên địa bàn Đồng Nai và Bình Dương: Cù lao Rùa, Mỹ Lộc...; Bình Đa (ĐN)... sự giống nhau này thể hiện trên loại hình đồ gốm và các đồ án trang trí. Các mảnh gốm được tô màu nâu đỏ, trang trí vai đắp nổi, mép vuốt nhọn.

Các sưu tập công cụ đá nổi bật nơi đây là dao hái và rìu tứ giác lưỡi xòe, chúng phảng phất các đặc trưng về loại hình của di vật đồng dạng đã phát hiện trong di chỉ Cầu Sắt (Đồng Nai) trước đây.

Thực sự với số lượng công cụ đang được chế tác như thế bên cạnh sự hiếm hoi của các di vật hoàn thiện là một hình trái ngược với các di chỉ cư trú đã khai quật trên địa bàn gần đó. Rất có thể những công cụ được sơ chế nơi đây sẽ được mang đi trao đổi với các nơi khác để đem về các vật dụng như đồ gốm hay lương thực cho cộng đồng cư dân cổ nơi đây.

Tính chất của các mối quan hệ trên có thể là gián tiếp hay trực tiếp là một vấn đề cần nghiên cứu thêm.

Về niên đại của di chỉ là một vấn đề cần nghiên cứu thêm nhưng có thể ước định tương đương với di chỉ Cù lao Rùa vào khoảng 3.500 - 3.000 năm cách ngày nay. Nhận định trên căn cứ qua so sánh các loại hình đồ gốm phát hiện được trong tầng văn hóa hố khai quật H2 với đồ gốm ở di chỉ Cù lao Rùa.

NGUYỄN VĂN QUỐC - Bảo tàng tỉnh Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24438910