Đất, Người Bình Dương

Một số nét về đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương

  • THANH HÒE - H.T
  • 25/07/2012

Đờn ca tài tử là một loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc mà không gian văn hóa của nó bao trùm toàn khu vực Nam bộ, len lỏi vào đời sống nhân dân từ nông thôn đến thành thị. Nhận thấy tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này, từ năm 2008, Ban Giám đốc Bảo tàng Bình Dương đã chỉ đạo thực hiện công tác điều tra, khảo sát, bước đầu thu thập tư liệu về loại hình nghệ thuật này.

Theo số liệu điều tra năm 2009, trong toàn tỉnh có khoảng 56 câu lạc bộ (CLB) và 5 nhóm đờn ca tài tử, trong đó tập trung đông nhất và phát triển mạnh nhất ở các huyện: Dĩ An (15 CLB), Tân Uyên (7 CLB), Thuận An (7 CLB và 5 nhóm) và TX.TDM (9 CLB). Ở mỗi huyện đều thành lập được CLB đờn ca tài tử cho riêng mình hoặc do tính cách của người dân Đông Nam bộ ưa đờn ca tài tử nên nếu không thể thành lập được đội riêng thì trong đội văn nghệ của huyện cũng có nhóm hát đờn ca tài tử riêng để góp vui trong những hoạt động của huyện và tham gia phong trào mỗi năm do tỉnh tổ chức. Nhưng mạnh nhất, chiếm số đông nhất là những CLB, những nhóm đờn ca tài tử tự phát, được thành lập bởi những người yêu đờn ca tài tử. Và một dạng nữa là CLB, nhóm đờn ca tài tử gia đình, thành viên trong nhóm có khi hoàn toàn chỉ là những thành viên trong gia đình hoặc có thêm một vài người ngoài được mời vào tham gia. Mỗi nhóm, CLB thường có từ 10 - 20 người tham gia. Ngoài ra, còn có khoảng 30 nghệ nhân đờn ca tài tử cựu trào, không thuộc nhóm hoặc CLB nào cả. Họ vẫn sinh hoạt nhưng theo thú vui và không có tên trong danh sách của CLB và nhóm nào cả.

Những CLB, những nhóm đờn ca tài tử trên hoạt động có nhóm trình lên Ủy ban xã/thị trấn/phường và được sự cho phép của chính quyền, có bầu ra Ban chủ nhiệm CLB, có tôn chỉ hoạt động, có đề ra thời gian sinh hoạt định kỳ đều và giữa những CLB gần nhau có sự giao lưu khá thường xuyên với nhau. Có CLB sinh hoạt định kỳ hàng tháng vào ngày 15 hoặc 16 khi trăng sáng tỏ (như CLB Tiếng tơ đồng, xã Tân An, TX.TDM) hoặc có những CLB sinh hoạt hàng tuần (như CLB Phú Thọ của TX.TDM và một số CLB của TT. Dĩ An). Nhưng cũng có những người yêu đờn ca tài tử, tự tụ họp lại với nhau trong những lúc rảnh rỗi chứ không nhất định theo một thời gian nào, hát vui cho nhau nghe, bà con quanh đó thấy xôm tụ thì tụ tập nhau lại cùng hát, cùng vui. Họ không thành lập thành CLB, không thành nhóm.

Về hoạt động của những CLB, nhóm trên qua điều tra chúng tôi thấy nếu như trước đây những CLB, nhóm được thành lập chỉ hát đờn ca tài tử, không có những loại hình khác như cải lương đan xen vào thì hiện nay chỉ một số ít CLB thuần túy hát đờn ca tài tử như CLB đờn ca tài tử TT. An Thạnh (Thuận An) tập trung lớp nghệ nhân lớn tuổi dưới dạng tự phát và CLB đờn ca tài tử 414 (TT. Dĩ An) là một nơi thu hút rất nhiều người am hiểu đờn ca tài tử đến sinh hoạt. Nếu CLB của huyện thì có nghệ nhân lớn và nhỏ tuổi, hoạt động văn nghệ kiêm luôn phần biểu diễn đờn ca tài tử; ở những CLB, nhóm tự phát thì luôn có thêm phần hát cải lương, hát tân cổ giao duyên cho phong trào thêm xôm tụ; ở những nhóm mở ra hoạt động phục vụ cho đám cưới, đám ma, mừng thọ hoặc những tụ điểm ca nhạc thì gồm nhiều loại hình đan xen nhau. Hoạt động của những CLB, nhóm trên cũng chia thành những CLB, những nhóm hát cho vui và những CLB có hoạt động kinh doanh. Ở những CLB, nhóm hát cho vui, vào những ngày quy định, những thành viên tụ họp ở nhà một thành viên nào đó, có CLB thì ở nhà ông chủ nhiệm CLB, có CLB thì xoay vòng mỗi ngày ở nhà một thành viên hoặc ở nhà những thành viên có sân vườn rộng rãi, thoáng mát. Chủ nhà có trách nhiệm bày biện trà, thuốc, hoa quả, bánh kẹo, nhất là với truyền thống mỗi khi có sinh hoạt đều mời thành viên của những CLB, những nhóm khác cùng tham gia nên vừa để cho “ngọt giọng”, vừa để tiếp khách. Kinh phí thì có thể do những thành viên góp lại hoặc thỉnh thoảng có những nhà mạnh thường quân giúp đỡ, tài trợ. Nhưng những CLB, nhóm này rất ít mà chủ yếu họ có hoạt động để có thu nhập. Hoạt động thường thấy là tới góp vui cho đám cưới, đám hỏi, đám sinh nhật, đám mừng thọ và đám ma. Ở những đám như vậy, thù lao không nhiều lắm và cũng không thường xuyên nhưng cũng có chút ít kinh phí để hoạt động.

Hiện nay có mô hình, phong trào hát đờn ca tài tử ở những quán cà phê, quán nhậu. Phong trào này mở ra và phát triển mạnh ở huyện Dĩ An, đặc biệt là thị trấn Dĩ An. Những tụ điểm như vậy không chỉ thu hút những nghệ sĩ chuyên nghiệp, những người có sinh hoạt trong những CLB, những nhóm đờn ca tài tử mà thu hút cả những người từ trước tới nay không tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử, hoặc đơn giản chỉ là những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này và tới nghe mà thôi. Đây cũng là một sáng kiến, một mô hình để có thể vừa phổ biến đờn ca tài tử, vừa duy trì được sức sống của nó trong sinh hoạt văn hóa thường nhật. Mô hình này mở ra một hướng đi mới cho những người đang thực hành di sản văn hóa phi vật thể này.

Số nghệ nhân hiện còn sống, thực sự am hiểu và có thể đàn, hát được 20 bài tổ của đờn ca tài tử còn lại rất ít. Có thể kể đến những nghệ nhân: Phạm Ngọc Phú (nghệ sĩ đờn), Cao Thị Thắng (nghệ nhân ca) ở huyện Dĩ An, Nguyễn Thế Hùng (nghệ nhân ca), Lê Đức Cang (nghệ nhân đàn), Nguyễn Thị Sang (nghệ nhân ca), Nguyễn Văn Đặng (nghệ nhân đàn kìm), Võ Văn Quí (nghệ nhân đờn), Huỳnh Văn Hai (nghệ nhân ca), Nguyễn Văn Sang (nghệ nhân đờn và ca) huyện Thuận An, Đỗ Văn Dặn (nghệ nhân ca và đánh đàn kìm) huyện Tân Uyên, Trần Thị Kim Anh (nghệ nhân ca kiêm soạn giả), Đoàn Minh Đức (nghệ nhân ca kiêm soạn giả) huyện Dầu Tiếng, nghệ nhân Tư Còn (nghệ nhân đờn kìm) TX.TDM... Đó là những nghệ nhân đã lớn tuổi, có những nghệ nhân còn tham gia CLB nhưng cũng có không ít nghệ nhân vì sức khỏe không cho phép nên chỉ thỉnh thoảng mới tham gia sinh hoạt.

Lớp nghệ sĩ trẻ kế tục hiện nay hầu hết không biết đủ 20 bài bản tổ, chỉ biết một số bài bản tổ hoặc thậm chí chỉ một vài lớp, một vài câu trong một bài bản. Những nghệ sĩ này chủ yếu hát những loại hình nhạc mới hơn như cải lương, tân cổ giao duyên, vọng cổ. Đây là loại hình dễ học, dễ hát, dễ nghe hơn nên đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc hiện nay. Và hiện nay xu hướng chủ yếu để phục vụ cũng là những loại nhạc này bởi những bài bản cũ vừa buồn, vừa dài, vừa trúc trắc khó hiểu mà trong những cuộc vui như vậy thì cần phải có những bài hát để “góp vui”, làm cho không khí sôi động lên.

Điểm đặc biệt của đờn ca tài tử Bình Dương so với các tỉnh bạn là ngón đờn kìm độc đáo (khi đánh đàn nguyệt, thay vì để ngang lại dựng đứng đàn lên, lăn đốt giữa của ngón tay đeo nhẫn thay vì đầu ngón), là kiểu dây Ngân giang do nghệ nhân Ba Còn (người Dĩ An) sáng tạo và bài bản Tây Thi Quảng (mang hơi hướng Quảng Đông, Trung Quốc) do ông Út Búng (TT. An Thạnh, Thuận An) tạo nên. Những sáng tạo đó đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng đờn ca tài tử Nam bộ.

Tóm lại phong trào đờn ca tài tử của tỉnh Bình Dương so với những tỉnh khác trong khu vực phát triển khá mạnh là do tỉnh nhà có một lớp nghệ nhân dày dặn, nhu cầu thưởng thức của người dân khá lớn và được sự quan tâm của chính quyền, đặc biệt trong việc tổ chức những phong trào, những cuộc thi từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Nhưng vì là những CLB, nhóm tự phát nên có những CLB, nhóm hoạt động không thường xuyên, không có tính chuyên nghiệp cao. Do thị hiếu âm nhạc hiện nay nên lớp nghệ nhân trẻ không học đủ theo 20 bài bản tổ cũ mà chỉ quan tâm đến một số bài và học những loại hình khác để thi trong các cuộc thi văn nghệ. Vì vậy xu hướng của phong trào đờn ca tài tử hiện nay không đi vào chiều sâu là biết hết 20 bài bản tổ mà chỉ biết một số bài hoặc một số lớp, một số câu trong một bài bản và có hiện tượng biến những sinh hoạt trong CLB đờn ca tài tử thành đờn ca vọng cổ, ca cải lương...

Tư liệu điền dã cá nhân

THANH HÒE - H.T


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24370535