Đất, Người Bình Dương

“Gốm Chú Tía” Bà Lụa và những đặc điểm khác biệt của gốm

  • ĐOÀN THANH TUYỀN (Bảo tàng Bình Dương)
  • 25/07/2012

Khi nói đến những ngành nghề thủ công truyền thống của Bình Dương, người ta không thể không nhắc đến nghề làm gốm. Gốm là một phần không thể thiếu được nếu không nói là rất quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần  hàng ngày của cư dân Nam bộ. Do những nguyên nhân và hệ lụy của lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa thâu hóa những dòng chảy văn hóa từ bên ngoài, đó là tính năng động của vùng đất này, biểu hiện trên tất cả các lĩnh vực văn hóa vật chất và tinh thần. Nghề sản xuất gốm là một ví dụ điển hình.

Lò gốm “Chú Tía” ở Bà Lụa, TX.TDM được ra đời vào những năm cuối thế kỷ XIX có tên gọi chính thức là lò Vương Lương. Lò do hai anh em người Phúc Kiến có tên là: Vương Lương và Vương Gia lập ra. Lò bắt đầu hoạt động từ cuối thế kỷ XIX và tồn tại cho đến ngày nay.

Vương Lương và Vương Gia tập hợp công nhân khai thác đất tại Chánh Lưu. Đất nguyên liệu ở đây phần nhiều là đất đen, có nhiều tạp chất. Thỉnh thoảng mới tìm được một ổ đất trắng chất lượng tốt hơn, dù vậy vẫn không sao so sánh được với đất của Vĩnh Trường, Tân Uyên (đây là loại đất tốt nhất thời bấy giờ). Gốm Chú Tía mang đậm dấu ấn của gốm Triều Châu bởi vì quê hương của hai ông Vương Lương và Vương Gia tuy ở tại Phước Kiến nhưng cũng giáp ranh với phủ Triều Châu. Vương Lương là người lớn tuổi trong nghề gốm lại tập hợp được nhiều thợ nung, thợ men, thợ vẽ cùng quê và sử dụng men nội địa. Riêng thợ vẽ thì có lẽ ông sử dụng trẻ con, phụ nữ mới vào nghề nên nét vẽ còn thô phác, chữ viết thì nhiều chỗ còn vụng về, thiếu nét. Tay nghề Vương Lương khá giỏi, lại là người chững chạc có uy tín vì thế mà được bọn đàn em gọi là “Tía” (Tía: có nghĩa là cha - đọc theo âm của Triều Châu). Do đó, dân gian người ta gọi lò gốm của ông là lò “Gốm Chú Tía”.

Lò “Gốm Chú Tía” bắt đầu hoạt động từ cuối thế kỷ XIX và tồn tại cho đến ngày nay đã là thế hệ thứ tư của gia đình vẫn còn làm chủ lò. Thế nhưng “Gốm Chú Tía” đích thực là những sản phẩm ra đời từ những sản phẩm ra đời từ 1930-1935. Gốm Chú Tía có những đặc trưng riêng so với những lò gốm khác ở vùng đất Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Biên Hòa hoặc Gốm Cây Mai. Gốm Chú Tía thường được tráng men trong hoặc men trắng đục, vừa mới ra khỏi lò thì đã rạn, lâu ngày đường rạn được ngã sang màu hồng trông thật là cổ kính. Do thợ luyện không kỹ nên thỉnh thoảng còn lẫn lộn một vài những hạt oxyt sắt, do đó khi nung nếu gặp nhiệt độ cao thì nóng chảy thành những bớt son, tuy làm giảm chất lượng sản phẩm, nhưng đó là những đặc điểm không lẫn lộn được với bất kỳ một loại gốm nào khác.

Lò Gốm Chú Tía hiện đang tồn tại và từng có mặt trên đất Thủ Dầu Một, Bình Dương, những sản phẩm ấy đã đi vào đời sống dân gian rất sâu rộng trong suốt 2 thế kỷ qua, có thể nói rằng: cùng với những thành tố văn hóa khác, Gốm Chú Tía đã góp phần đi vào lịch sử văn hóa của vùng đất Bình Dương nói riêng và miền đất Nam bộ nói chung. Là một trong những lò gốm tiêu biểu của ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của tỉnh nhà.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Gốm sứ Sông Bé, Nxb tổng hợp Sông Bé - 1990.

2. Địa chí Sông Bé, Nxb tổng hợp Sông Bé - 1991.

3. Gốm Lái Thiêu, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - 2009.

ĐOÀN THANH TUYỀN (Bảo tàng Bình Dương)


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24466476