Đất, Người Bình Dương

Người Bí thư Tỉnh uỷ có tầm nhìn xa

  • Trần Thanh Đạm
  • 25/07/2012

Đồng chí Nguyễn Văn Tiết ( Sáu Tiết), sinh năm 1909, tại xã Bình Nhâm, Huyện Thuận An. Lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đã quyết tâm đi tìm cái chữ để mong được đổi đời. Sau khi tốt nghiệp tiểu học trường cộng đồng Nam Châu Thành (nay là trường tiểu học Nguyễn Du), đồng  chí trở về làm thầy giáo trường làng. Luôn theo dõi sát các hoạt động của các nhà chí sĩ yêu nước, tháng 03 năm 1926, đồng chí đã vận động học sinh thị xã Thủ Dầu Một bãi khóa, kéo về Sài Gòn dự lễ tang cụ Phan Chu Trinh. Sau đó, đồng  chí sớm gia nhập “Hội kín” yêu nước ở địa phương. Về sau Hội này được “Thanh niên Cách mạng đồng chí hội” và “Tân Việt” Đảng Sài Gòn – Gia Định hướng dẫn chuyển hóa theo đường lối Chủ nghĩa Mác – Lênin. Mùa xuân năm 1930, khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí đã hướng dẫn nông dân, thợ thủ công Lò Chén, Lò đường, Trại mộc làm đơn xin nhà cầm quyền Pháp giảm thuế, giảm tô, đòi tăng lương, cải thiện đời sống. Đến tháng 8 – 1930, đồng chí được kết nạp vào Chi bộ cộng sản xã Bình Nhâm. Với kiến thức tiếp thu được qua sách báo Cách mạng, được Chi bộ phân công phát biểu làm sáng tỏ niềm tin và ước mơ về một mùa xuân nhân loại đã xuất hiện bên trời Âu và kêu gọi nhân dân ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, trong lễ kỷ niệm Cách mạng tháng mười Nga tại miếu Cây Đào xã Thuận Giao. Không dẹp được cuộc mít tinh, bọn tay sai địa phương đã chỉ điểm cho giặc bắt đồng chí. Tuy phải lãnh án 5 năm tù giam và 10 năm đày biệt xứ, nhưng đã không làm cho đồng chí nhụt ý chí. Năm 1937, vừa thoát khỏi nhà tù giặc, đồng chí được Thành ủy Sài Gòn – Gia Định phân công về cùng với đồng chí Văn Công Khai lãnh đạo phong trào Cách mạng ở tỉnh Thủ Dầu Một. Chỉ sau một thời gian ngắn, đồng chí đã tổ chức nhiều “công hội đỏ” ở Dầu Tiếng và “nông hội đỏ” tại Lái Thiêu. Taị xã Bình Nhâm có hàng ngàn nông dân từ các ấp đã kéo về trụ sở ngụy quyền xã đòi giảm thuế, giảm tô… buộc tên Emyl, phó chủ tỉnh phải đến tận nơi xoa dịu. Ở Bến Cát, đồng chí đã đóng vai thợ sửa xe đạp để bám địa bàn vận động công nhân lao động vườn ươm và trường nông lâm Lai Khê đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Trong Cách mạng tháng 8, đồng chí đã cùng đồng chí Văn Công Khai vận động quần chúng đứng lên giành chính quyền thắng lợi không đổ máu. Tháng 10 năm 1945 đồng chí được phân công làm Bí thư tỉnh ủy Thủ Dầu Một, thay đồng chí Văn Công Khai chuyên trách công tác chính quyền. Lúc ấy, đồng chí vừa là đại biểu Quốc hội  khóa 1, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, chủ nhiệm Ủy ban tuyên truyền. Chủ nhiệm báo “Tiến Lên” của tỉnh Đảng bộ, Ủy viên chính trị, Ủy viên dân quân kiêm tỉnh đội trưởng dân quân. Ai cũng khâm phục nhiệt tình Cách mạng và tinh thần trách nhiệm cao của đồng chí trước một khối công việc đồ sộ đó. Nhưng đáng khâm phục hơn ở đồng chí là người lãnh đạo có tầm nhìn xa và tấm lòng đại nghĩa Cách mạng. Đó là giữa lúc Cách mạng vừa mới thành công, lực lượng cách mạng còn non trẻ, lại phải đương đầu với giặc Pháp với dã tâm chiếm nhiều nơi ở trong tỉnh, và còn thâm độc hơn dùng các giáo phái phản động chống lại ta. Ở Dầu Tiếng lực lượng của giáo phái đã cướp bóc  tài sản của nhân dân, đòi tỉnh phải cung cấp lương thực, thực phẩm cho chúng. Ở thị xã Thủ Dầu Một và quận Châu Thành, lính Cao Đài đã lập đồn bốt ở  ngã tư Phú Văn (nay là ngã tư đường Lê Hồng Phong và cách mạng tháng 8) và trà trộn vào lính thân binh của Pháp chống phá ta. Lúc bấy giờ, một số tỉnh chủ trương “Tảo thanh Cao Đài”. Ở Thủ Dầu Một, nhiều cán bộ cũng đề nghị tỉnh tiêu diệt lực lượng Cao Đài để phá âm mưu thâm độc của giặc. Nhưng đồng chí Sáu Tiết là người rất am hiểu về thực lực của Cao Đài đã bình tĩnh bảo:

-          Giết một số lính Cao Đài không khó vì ta có lực lượng trong tay Song cái khó là vợ con, bà con và bè bạn của họ. Phải nghĩ đến điều đó để giải quyết cho khéo, tránh hận thủ sau này.

Đồng chí đã chân tình tâm sự với cán bộ chiến sĩ về chủ trương của tỉnh ủy là phân hóa và thuyết phục các chức sắc và vận động làm tan rã số tín đồ bị lừa gạt, mua chuộc. Sau khi tư tưởng thông suốt, cán bộ chiến sĩ ta đã đi sâu vào quần chúng vận động làm tan rã từng mảng lính Cao Đài. Một số chức sắc có tiến bộ,được tỉnh cử đi học lớp chính sách tôn giáo của Đảng ở vùng “Hội đồng Sầm”, Gia Định (nay thuộc tỉnh Long An). Nhiều người sau này trở thành cán bộ Mặt trận Việt Minh và làm cốt cán trong phong trào Cao Đài vận. Nhưng giữa lúc cuộc kháng chiến của nhân dân ta sắp bước vào giai đoạn phản công địch và đồng chí ở tuổi 39 sung mãn, đang thăng hoa thì anh ngã đã xuống trong một chuyến đi kiểm tra công tác tại chiến khu Thuận An Hòa, ngày 19/04/1948. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thủ Dầu Một vô cùng thương tiếc người cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa người học trò thấm nhuần sâu sắc tấm lòng đại lượng Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến nay đã qua 9 nhậm kỳ đại hội tỉnh Đảng bộ và mỗi lần rà xét lại, các cấp ủy đều đánh giá cao về người lãnh đạo giàu nhiệt tình, với bản lĩnh kiên định, có những chủ trương sáng suốt và đúng đắn trong khéo léo vận động quần chúng.

Sau đó, đồng chí được công nhận là liệt sĩ và được tặng thưởng “Huy hiệu Nam bộ kháng chiến”. Nhưng đã 62 năm qua, công lao của đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã rõ, nên chăng cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cần xem xét và sớm đề nghị lên Chính phủ công nhận danh hiệu quốc gia và tặng thưởng cấp Nhà nước xứng đáng./.

Trần Thanh Đạm


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24466518