Đất, Người Bình Dương

Chiến dịch Bến Cát năm xưa đã đưa cuộc kháng chiến miền Đông Nam Bộ hoà nhập vào cuộc kháng chiến cả nước

  • Trần Thanh Đạm
  • 25/07/2012

Vào giữa năm 1950, cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta đang trên đà phát triển mạnh. Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước xã hội chủ nghĩa đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Tháng 6/1950 chiến dịch biên giới nổ ra, nhằm tiêu diệt quân địch, mở rộng căn cứ Việt Bắc, giải phóng vùng biên giới phía Bắc, nối liền nước ta với hệ thống xã hội chủ nghĩa. Tại chiến trường Nam Bộ, chiến tranh du kích phát triễn rộng khắp. Tháng 8/1950, Xứ ủy Nam Bộ chủ trương xây dựng lực lượng chủ lực và đẩy mạnh hoạt động du kích đánh địch khắp nơi. Đặc khu Sài Gòn – Gia Định sáp nhập vào Bộ Tư Lệnh Quân Khu 7. Đại đội địa phương huyện Bến Cát được củng cố và bổ sung lấy tên là đại đội Lê Hồng Phong. Trên địa bàng huyện Bến Cát (Thủ Dầu Một) lúc này chiến tranh nhân dân đã phát triễn mạnh nhất trong các tỉnh Miền Đông Nam Bộ.

Để phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ, tháng 7/1950 Bộ chỉ huy Quân khu 7 quyết định mở chiến dịch Lê Hồng Phong trên địa bàn huyện Bến Cát.

Mục đích là cắt đứt giao thông trên tỉnh lộ 14, số 7, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng căn cứ, cầm quân địch không cho chúng đưa quân ra chiến trường Biên giới. Cụ thể là tiêu diệt được 4 đồn, 17 tháp canh trên tỉnh lộ 14 và số 7, thuộc phân chi khu Bến Súc, do tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn thuộc địa số 43 đóng giữ và sẵn sàng đánh địch chi viện đến.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: tiểu đoàn chủ lức 303 của Quân khu 7, Tiểu đoàn 302 của của liên trung đoàn 301-310, 2 đại đội Tiểu đoàn 304 thuộc liên trung đoàn 306-312, 2 đội pháo binh, công binh, 5 đại đội độc lập các huyện Bến Cát, Hớn Quản, Châu Thành, Trảng Bàng (Tây Ninh) và Hóc Môn (Gia Định) cùng dân quân du kích các xã huyện Bến Cát, với 3000 dân công phục vụ chiến trường. Ngoài ra, Xứ ủy còn chỉ đạo các tỉnh thành trong Xứ đẩy mạnh hoạt động đánh địch, vận động nhiều binh sĩ ngụy đào , rã ngủ… làm cho chúng không tiếp ứng được Bến Cát.

Bộ chỉ huy chiến dịch do đồng chí Tô Ký, Phó Tư Lệnh Quân Khu 7 làm chỉ huy trưởng, đồng chí Lê Đức Anh làm tham mưu trưởng, đồng chí Vũ Duy Hanh, Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một làm chánh ủy. Ngoài nhiệm vụ chỉ huy chung, Bộ chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo mặt trận số 2, từ chiến khu Long Nguyên đến Bến Súc. Các đồng chí Lâm Quốc Đăng (Tư Thược) huyện đội trưởng và đồng chí Nguyễn Văn Theo (công an huyện Bến Cát) phụ trách an ninh và cung ứng hậu cần.

Chiến dịch tiến công địch trên 5 mặt trận, trong đó mặt trận chính là mặt trận số 2 (các mục tiêu trên đường số 14 và số 7 từ Bến Cát đến Rạch Bắp- Bến Súc – Dầu Tiếng: trong đó mục tiêu chủ yếu là đồn Bến Súc). Lực lượng tham gia mặt trận này có tiểu đoàn 302, 1 trung đội của đại đội Lê Hồng Phong, 1 đại đội của trung đoàn 306 cùng du kích các xã Thanh An, Thanh Tuyền, Kiến An. Chỉ huy trưởng đánh đồn Bến Súc là đồng chí Phan Văn Thuần, tiểu đoàn trưởng tiều đoàn 302, đồng chí Tạ Minh Khâm đại đội trưởng đại đội độc lập làm chỉ huy phó. Đồng chí Khoa, chánh trị viên tiểu đoàn 302 làm chánh trị viên.

Nhiệm vụ chính của mặt trận số 2 là tiêu diệt đồn Bến Súc, chiếm xe bọc thép của địch để phát triển lực lượng tiến công quét sạch đồn bốt, tháp canh trên đường số 14 và đường số 7.

Từ cuối tháng 9 công việc chuẩn bị cho chiến dịch rất khẩn trương khắp căn cứ, xóm ấp đến các làng công nhân. Bộ đội chủ lực đắp mô hình đồn Bến Súc như thật với 5 lô cốt, tường thành với nhiều lớp rào kẽm gai để luyện tập. Các đoàn thể, nhất là các Hội mẹ chiến sỹ, Hội phụ nữ cứu quốc tích cực vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm, thuôc men nuôi quân. Các đội du kích và dân công hăng hái phá đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược.

Nhân dân xã Phú An, An Tây, An Điền, An Nhơn Tây (Củ Chi) chặt cây đóng chặt hàn sông từ Mương Đào đến Rạch Bắp dài hơn 3 cây số, ngăn tàu địch đi lại trên sông Sài Gòn. Khắp các nẻo đường vang dậy tiếng hò:

                                    “Phá đường là chặt chân tây

                                    Xe tăng thiết giáp của mày chạy đâu?

                                    Hò hê, phá rộng, phá sâu

                                    Phá tan, phá nát, phá sâu, phá liền!

                                    Hò hê, anh chị ráng lên!”

Nhiều làng xã, cả nhà hưởng ứng tham gia phá đường:

                                    “Chồng vác xẻng, vợ vác lèng

                                    Con xách lồng đèn cầm vá theo sau

                                    Cả nhà chung sức với nhau

                                    Đào hố, đào hào, chống pháo, chống bom”.

Theo kế hoạch, đúng 23 giờ ngày 7/10/1950, khi tiếng mìn đánh sập Cầu Đò, cắt đướng số 7 là hiệu lệnh cho Tiểu đoàn 302 và các đơn vị phối thuộc nổ súng vào mục tiêu đã đinh. Nhưng đội đánh tháp canh Si-nô trên đường tiền nhập gặp địch đã nổ súng lúc 21 giờ. Đội đánh tháp canh Kiến Điền nổ súng lúc 22 giờ, nên cơ giới địch từ Bến Cát đi tiếp viện làm cho bộ phận đánh mìn Cầu Đò chưa kịp hành động, đành rút lui. Một bộ phận đơn vị phối thuộc đánh đồn Bến Súc đi lạc đường, đến 3 giờ sáng ngày 8/10 mới chuyển đúng mục tiêu. Cánh quân của huyện đội với quyết tâm cao, đào hầm dài 6 cây số từ Vườn Điều sẽ trổ cửa lên vào giữa đồn Rạch Bắp để từ trong đánh ra kết hợp với bên ngoài đánh vào. Nhưng nhắm lệch hướng nên cừa mở lên nằm ngoài hàng rào. Các chiến sỹ ta liền nổ mìn uy hiếp địch, trước khi rút lui. Trước tình hình đó ta tập trung cối, đại liên bắn vào đồn để hổ trợ cho các mũi tiến công địch. Mũi tiến công 1 vừa vượt qua hàng rào kẽm gai lại gặp xe thiết giáp của địch. Chiến sỹ Bế ôm bom anh dũng xông lên cản xe địch, đã hy sinh. Mũi 2, tiếp tục xông vào, nhưng chưa phá được đồn địch. Đến 7 giờ sáng, lực lượng dự bị xông lên tiếp ứng cho mũi tân công 1, đánh giằng co với địch, nhưng không dứt điểm.

Cuối cùng các đơn vị rút lui. Kết quả đợt này ta tiêu diệt 50 tên, phá hủy 3 lô cốt.

Vào đợt 2, ta chuyển hướng sang đánh giao thông, tiêu diệt các tháp canh còn lại trên đường 14 và số 7, chặn đứng đoàn công voa địch trên quốc lộ 13, diệt 65 xe, đánh chìm 3 tàu chiến giặc trên sông Sài Gòn.

Đợt 3, bắt đầu từ ngày 30/10, ta tiếp tục đánh địch trên quốc lộ 13, tỉnh lộ 14 và số 7. ngày 8/11, chiến sỹ Nguyễn Văn Rỡ, tiểu đội trưởng công binh, bí mật phá hỏng nòng pháo 155 ly của địch đã khích lệ thêm tinh thần chiến đấu của chiến sỹ ta. Sau đó chúng đã đưa thêm một trung đội lính Âu – Phi, có trung liên 12 ly 7 đến cố thủ tiền đồn Bến Súc, liền bị các chiến sỹ đặc công tiểu đoàn 302 đột nhập đánh sập, diệt tên quan 2 chỉ huy và toàn bộ lính trong đồn, thu khẩu 12,7 ly và nhiều quân trang quân dụng khác.

Ngày 15/11, tiểu đoàn 302 cùng tiểu đoàn 303, 304 chặn đánh địch trên quốc lộ 13, phá hủy một xe thiết giáp, 20 xe quân sự và tiêu diệt lực lượng hộ tống của chúng.

Đến tối hôm đó, đại đội độc lập và 1 đại đội tiểu đoàn 302 bí mật tiếp cận dùng Pê-ta đánh sập Cầu Đò, làm thiệt hại nặng đại đội địch bảo vệ Cầu. Tiếng mìn nổ làm sập Cầu Đò cũng là pháo lệnh kết thúc chiến dịch Bến Cát.

Thế là suốt 39 ngày đêm ròng rã (7/10 – 15/11/1950) quân và dân ta đã đánh 500 trận lớn nhỏ, kết hợp vận động, đặc công, tập kích diệt trên 500 tên địch, phá hủy 104 xe quân sự, xe bọc thép cắt đứt giao thông trên quôc lộ 13 từ Bến Cát đến Chơn Thành, tỉnh lộ số 7 từ Bến Cát đi Bến Súc, Bến Cát đi Dầu Tiếng phá sập Cầu Đò, 12 tháp canh trên tỉnh lộ 14 và số 7, khai thông đường hành lang từ chiến khu D đến chiên khu Dương Minh Châu và thành phố Sài Gòn – Gia Định.

Đây là lần đầu tiên quân và dân miền Đông Nam Bộ mở chiến dịch với quy mô lớn giành thắng lợi vang dội. Tại cuộc tổng kết chiến dịch, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ Nam Bộ đã khen ngợi.

Chiến dịch Bến Cát đã đánh dấu một bước trưởng thành của lực lượng vũ trang Quân khu 7, góp phần đưa phong trào kháng chiến của quân và dân niềm Đông Nam Bộ hòa nhập vào cuộc kháng chiến trên chiến trường cả nước.

Trần Thanh Đạm


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24466538