Đất, Người Bình Dương

Có một nhà báo trở thành Bí thư Tỉnh uỷ

  • Trần Thanh Đạm
  • 25/07/2012

Đó là ông Vũ Duy Hanh, bút hiệu Thùy Quang quê gốc Nam Định, theo đạo thiên chúa giáo từ nhỏ. Năm 1940, người “trí thức” trẻ lưu lạc vào Sài Gòn, sớm tiếp thu tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa Mac-Lênin, đã đoạn tuyệt quá khứ và trở thành nhà báo, nhà hoạt động chính trị, xã hội, quân sự xuất sắc. Những bài báo tập truyện của ông đã thúc giục lớp lớp thanh niên học sinh thành phố Sài Gòn tìm đến Đảng như những bông hoa hướng dương châu về mặt trời.

Tháng 10/1945, sau khi giặc Pháp trở lại gây hấn ở Sài Gòn, ông được chuyển về hoạt động ở tỉnh Thủ Dầu Một. Ông đã vận động được nhiều sinh viên, trí thức quen biết cùng vể Thủ Dầu Một công tác. Cuối năm 1946, ông được cử làm trưởng ban tuyên truyền, sau đổi thành Ty thông tin tuyên truyền Thủ Dầu Một. Những năm 1946 – 1948, Ty thông tin tuyên truyền Thủ Dầu Một gặt hái bội thu về văn hóa văn nghệ so với các tỉnh Nam Bộ. Ngoài tờ báo “Tiến lên” của tỉnh Đảng bộ, còn có tờ “Thủ thông tin quân dân chính”, “Việt Nam tiến lên” của trung đoàn 301. Ngày 16-12-1947, đoàn văn hóa kháng chiến tỉnh Thủ Dầu Một thành lập. Đến năm 1950, đoàn đổi tên thành Phân hội văn nghệ tỉnh Thủ Dầu Một. Phân hội văn nghệ tỉnh đã xuất bản tập “Biên niên sử Thủ Dầu Một và các đoàn thể tỉnh”, “truyền thống trung đoàn 301”, tập thơ “Hương đồng nội” của Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), “Du kích Hòa Lân” của Nguyễn Văn Kiệp, “Luật hỏi ngã” của Tiều Như Thủy. Đoàn văn công tỉnh thành lập do nghệ sỹ cổ nhạc Thiên Tân làm trưởng đoàn, bám sát địa bàn vừa sáng tác vừa biểu diễn, phục vụ chiến đấu và sản xuất. Vở cải lương “Cánh tay vương tá”, “Trần hùng Đạo Bình Nguyên” của Hồ Hiếu Học (Bảy Nết), kịch vui “TámTùng” của Hoàng Phố đã cổ động kịp thời phong trào được khán giả hoan nghênh. Ở các huyện thị còn có phong trào sáng tác ca dao, hò vè… ca ngợi bộ đội đánh giặc và nông dân  sản xuất nuôi quân sôi nổi.

Nhiều sinh viên, học sinh trẻ được ông dìu dắt như Hoàng Công Thân, Hoàng Tấn, Hoàng Phố, Hoàng Tố Nguyên, Mộc Linh, Trúc Khan, Thanh Bình, Phan Ngọc… sau này trở thành nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch xuất sắc.

Tháng 5 – 1949, ông được Xứ ủy Nam Bộ chỉ định làm bí thư tỉnh ủy Thủ Dầu Một thay thế đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã hy sinh. Cuối năm 1950, khi làm chánh ủy chiến dịch Lê Hồng Phong (Bến Cát), ông đã bám sát bộ đội, dân công hỏa tuyến động viên tinh thần quyết tâm đánh giặc thắng lợi.

Tháng 5 – 1951, chia lại chiến trường, ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy Thủ - Biên, kiêm trưởng ban căn cứ Chiến Khu Đ. Ông đã tổ chức lại Chiến Khu thành 6 khu vực. Mỗi khu vực là một mặt trận, có du kích, bộ đội tập trung, xây dựng địa đạo, làng chiến đấu bảo vệ căn cứ. Ở cương vị là Phó Bí thư Tỉnh ủy Thủ - Biên, phụ trách công tác tổ chức, tuyên huấn, ông luôn đi sâu đi sát phong trào, đề xuất cho cấp ủy nhiều phương thức vận động quần chúng và phát huy truyền thống “miền Đông gian lao và anh dũng”, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi, quyết định kết thúc chiến tranh chống Pháp (1954).

Tại cuộc hội nghị tái lập tỉnh Thủ Dầu Một, tháng 1 – 1955, ông được cử giữ chức Phó Bí Thư  Tỉnh ủy. Bất chấp mọi nguy hiểm, ông luôn lặn lội bám sát phong trào chống âm mưu tố cộng, diệt cộng, trả thù hèn nhát những người yêu nước kháng chiến cũ của Mỹ Diệm. Theo gương người lãnh đạo tiền nhiệm sáng suốt trong chủ trương không “tảo thanh cao đài” thời chống Pháp, ông Vũ Duy Hanh đã không định kiến với quá khứ của lực lượng Bình Xuyên và “Đảng Lục Lâm “mà mạnh dạn sử dụng họ phát triển thành lực lượng Cách mạng. Vì vậy, được cán bộ Đảng viên trong tỉnh tôn vinh ông là Nguyễn Văn Tiết, thứ 2”, giỏi về công tác vận động quần chúng ở Thủ Dầu Một, sau hiệp định Giơ ne vơ. Nhưng tháng 10/1956 do một tên phản bội đã chỉ điểm bắt sống và bí mật thủ tiêu ông tại ấp Phú Hữu, xã Phú Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một.

Ông là người hy hữu xuất thân từ giáo dân Thiên chúa giáo được giác ngộ Cách mạng, trở thành nhà báo, nhà hoạt động chính trị, xã hội quân sự xuất sắc được cử làm bí thư tỉnh ủy Thủ Dầu Một. Tấm gương của ông như những viên kim cương lấp lánh vượt thời gian và không gian trong lịch sử truyền thống tỉnh Thủ Dầu Một – Bình Dương./.

Trần Thanh Đạm


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24466251