Đất, Người Bình Dương

Sự chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương 1945-2007

  • Ngô Minh Sang-Trường Đại học Thủ Dầu Một
  • 25/07/2012

Bình Dương đang trải qua những thay đổi to lớn trên nhiều phương diện như phát triển kinh tế, đô thị hóa, hiện đại hóa, chủ nghĩa tiêu thụ gia tăng, sự phục hồi tôn giáo, ảnh hưởng của chính sách Đổi Mới đối với đời sống của người dân, sự phân hóa giai cấp và những biến đổi trong mối quan hệ gia đình, giòng họ, làng xã… Tất cả những vấn đề kinh tế, xã hội mới nảy sinh đó đều tác động lên đời sống của mỗi con người Bình Dương và sử học phải phản ánh được những thay đổi đó.

Cuốn sách Sự chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương 1945 – 2007 của TS. Nguyễn Văn Hiệp do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2011 dày 456 trang đã tái hiện lại toàn bộ quá trình biến đổi kinh tế, xã hội ở Bình Dương trong 62 năm (1945 – 2007). Sách được cấu trúc làm 6 chương với những nội dung được phân kỳ vừa thể hiện được điểm chung lịch sử Việt Nam, vừa mang nét riêng của lịch sử phát triển vùng đất Bình Dương.

Trên cơ sở phương pháp luận sử học Mác xít với việc vận dụng chủ đạo hai phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp lôgíc, cuốn sách đã phục dựng lại phần nào quy luật vận động, biến đổi kinh tế, xã hội tỉnh Bình Dương từ 1945 – 2007. Ở lĩnh vực kinh tế, cuốn sách tập trung làm rõ những biến đổi về cơ cấu kinh tế, sự phát triển và chuyển dịch các thành phần kinh tế; trên lĩnh vực xã hội, cuốn sách nêu bật các biến đổi về cơ cấu dân cư, các thiết chế văn hóa vật chất, tinh thần của cư dân Bình Dương qua 62 năm. Ngoài ra, người đọc còn bắt gặp ở cuốn sách về giá trị phong phú của nguồn sử liệu. Với cách tiếp cận đa giác độ, tác giả Nguyễn Văn Hiệp đã sử dụng nhiều nguồn sử liệu đã phần nào làm tăng thêm tính khách quan và khoa học của cuốn sách.

Ở chương 1, cuốn sách giới thiệu về đặc điểm tự nhiên, đặc điểm xã hội, và sự biến đổi địa hành chính trong lịch sử phát triển vùng đất Bình Dương. Với cách tiếp cận địa lý nhân văn và sinh thái học, cuốn sách làm lộ rõ những ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đối với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Bình Dương. Điều kiện tự nhiên là một trong các yếu tố làm nên những nét riêng về kinh tế, văn hóa, xã hội và con người ở Bình Dương. Thông qua chương 1, người đọc sẽ có cái nhìn tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Bình Dương.

Trong chương 2 và chương 3, cuốn sách tái hiện lại bức tranh biến đổi kinh tế, xã hội tỉnh Bình Dương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Điều thú vị là tác giả đã tiếp cận vấn đề theo trục không gian và thời gian. Người đọc sẽ nhận thấy những biến đổi kinh tế, xã hội tỉnh Bình Dương từ 1945 – 1975 theo từng lĩnh vực, từng vùng và khu vực. Ở chương 2, tác giả trình bày những biến đổi kinh tế, xã hội tỉnh Thủ Dầu Một ở vùng tạm chiếm và vùng căn cứ giải phóng; chương 3 là những biến đổi về các ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp và dịch vụ), các thiết chế văn hóa, xã hội ở vùng đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn chiến đóng và vùng chiến khu, vùng giải phóng của Mặt trận dân tộc giải phòng miền Nam Việt Nam.

Ở chương 4, tác giả Nguyễn Văn Hiệp tái hiện lại bức tranh 21 năm (1975 – 1996) xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Bình Dương với các tiểu giai đoạn 1975 – 1986 và 1986 – 1996. Trong giai đoạn đầu, cuốn sách tập trung nêu lên những định hướng, chính sách và chuyển biến  kinh tế, xã hội tỉnh Bình Dương trong thời kỳ cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ở  giai đoạn 2, tác giả tập trung phân tích những chủ trương, chính sách và những thay đổi về kinh tế, xã hội tỉnh Bình Dương trong mười năm đầu thời kỳ Đổi Mới.

Trong chương 5, cuốn sách trình bày những chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Bình Dương thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1997 – 2007). Trọng tâm của chương là nhấn mạnh đến sự hoàn thiện về mặt địa hành chính tỉnh Bình Dương ngày 1/1/1997 – bước ngoặc đánh dấu sự phát triển của tỉnh Bình Dương. Với cách tiếp cận, xem ngày 1/1/1997 như là sự kiện lịch sử, tác giả Nguyễn Văn Hiệp phần nào lột tả bức tranh sinh động về biến đổi kinh tế, xã hội tỉnh Bình Dương trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có thể nói, trong 10 năm đầu tách tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua nhiều chính sách như trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chính sách thu hút nguồn nhân lực nên đã tạo tiếng vang lớn trong phát triển kinh tế - xã hội vào thập niên đầu thế kỷ XXI.

Cuối sách là chương 6, tác giả Nguyễn Văn Hiệp trình bày các vấn đề kinh tế, xã hội tỉnh Bình Dương tầm nhìn đến năm 2020. Thông qua chương, người đọc sẽ có cái nhìn tổng thể về định hướng phát triển các ngành kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và đặc biệt là lĩnh vực xã hội với những biến đổi về dân số và sự chuyển dịch lao động, cơ cấu hành chính, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội.

Cuốn sách Sự chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương 1945 – 2007 rất hữu ích cho những nhà nghiên cứu, những người làm công tác chính sách và quản lý xã hội ở Bình Dương. Có thể nói, cuốn sách là kết tinh của nhiều hướng tiếp cận trong nghiên cứu sử học Người đọc phần nào hiểu được những chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Bình Dương “từ bên trên”, từ góc nhìn của nhà quản lý; phần nào hiểu được những chuyển biến kinh tế, xã hội “từ bên dưới” với sự tiếp cận phong phú của nhiều nguồn sử liệu. Với góc nhìn trên, cuốn sách rất bổ ích cho các bạn sinh viên đã và đang theo học trên vùng đất Bình Dương, và hướng đến đặt nền tảng cho nghiên cứu “Bình Dương học”.

Ngô Minh Sang-Trường Đại học Thủ Dầu Một


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24386817