Kiến thức lịch sử chung

Chính sách phòng chống tham ô, tham nhũng dưới thời Lê Thánh Tông (1460-1497)

  • NGUYỄN VĂN SANG
  • 26/07/2012
Nước trị hay loạn cốt ở trăm quan, được người giỏi thì nước trị, dùng người xấu thì nước loạn. Các bậc đế vương đời trước sở dĩ hưng được nghiệp là nhờ dùng người quân tử, bị mất nước là vì dùng kẻ tiểu nhân (1, tr.111). Thế cho nên “quan lại tham nhũng là giặc, là sâu mọt của dân, mà trộm cướp nổi lên cũng vìđó vậy” (1, tr.129). Nhận thức được tham nhũng là “quốc nạn”, các triều đại phong kiến đã có cố gắng ít nhiềuđể từng bước đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ nó. Lê Thánh Tông là vị vua sớm có ý thức kiến thiết, xây dựng đội ngũ quan lại: “Nhân được thời mà ra trị nước, tất phải đặt quan, phân chức, xây dựng kỷ cương, định rõ chếđộ cho một đời, mở nền thái bình cho muôn thuở” (4, tr.9). Bởi vì, bối cảnh hiện tại đã khác so với triều Thái Tổ, Thái Tông: “Của cải cung đốn cho chiến tranh, đất đai bờ cõi so với ngày trước ngày càng lớn hơn nhiều lắm” (4, tr.12). Trước yêu cầu ổn định và phát triển xã hội dưới thời Lê Thánh Tông, đội ngũ quan lại xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình” hay vốn bước ra từ ngọn cờ Lam Sơn tụ nghĩa khi gia nhập chốn quan trường đã không còn nhận ra nghĩa vụ của người làm quan “vị nước vị dân” mà đi vào con đường tha hóa, biến chất. Chính quyền nhà Lê, đứng đầu là Lê Thánh Tông đã cố gắng cứu vãn sự suy yếu của hàng ngũ quan lại bằng chủ trương chống tham ô, tham nhũng. Sự thành công của chính sách này đã góp phần đưa triều đại Lê Thánh Tông trở thành giai đoạn thịnh trị nhất trong lịch sử Việt Nam “khiến cho nước Nam ta bấy giờ văn minh thêm ra và lừng lẫy một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ cường thịnh đến vậy” (5, tr.263).
1. Thực hiện chế độ lương bổng và đãi ngộ hợp lý
Đặt quan để làm việc “tất phải có lương bổng để nuôi, rồi sau mới bắt phải thanh liêm được” (2, tr.643). Bởi vì “người làm quan có đầy đủ thì mới bắt đầu làm điều thiện” (2, tr.642). Mặt khác, triều đình “có gia ơn cho người làm quan thì người làm quan mới gia ơn cho dân” (2, tr.642). Do đó, để cho người làm quan giữ được đức thanh liêm thì lương bổng phải hậu và phải bảo đảm nuôi sống được họ. Ý thức được điều này, năm 1473, Lê Thánh Tông định chế độ bổng lộc cho quan lại trong kinh, ngoài trấn. Theo đó, việc phân cấp bổng lộc được thực hiện dựa theo nguyên tắc: “Những nơi ít việc và nơi rất ít việc, những chức thong thả và những chức rất thong thả tiền bổng có khác nhau” (2, tr.644). Đối với các quan cùng phẩm hàm nhưng giữ các trọng trách ở địa phương số tiền lương cũng không có sự khác biệt so với các quan trong triều nhằm khuyến khích các quan làm việc ở lộ, phủ và để quan lại không vì lương bổng quá thấp so với quan trong kinh mà sinh ra vơ vét của dân, sinh ra nhũng lạm.
Ngoài lương bổng, để tăng nguồn thu cho quan lại, Lê Thánh Tông còn ban cấp cho quan lại nhiều loại lộc như: Lộc điền, huệ lộc, dân lộc... và việc ban cấp này rất hậu. Trong đó chủ yếu là lộc điền và coi đây là nguồn thu nhập chính. So với các triều đại bổng lộc thời Lê Thánh Tông ít hơn nhưng lại “không để cho viên quan nào có việc mà ăn không” (7, tr.1.095). Quan trọng hơn cả, việc phân cấp bổng lộc đã “cân nhắc được người khó nhọc, người tài năng mà quyết định được bổng lộc cho đích đáng. Phép tắc, thể lệ thật là đầy đủ” (7, tr.1.095). Do đó đã khuyến khích người làm quan công tâm hết lòng vì công việc. Qua đó phần nào giảm bớt tệ tham ô, tham nhũng.
2. Xây dựng chế độ thanh tra, giám sát chặt chẽ
         Tuyển lựa được nhân tài có đủ phẩm chất và năng lực đã khó, nhưng để phát huy được tài năng và đức độ của họ quả là điều không dễ. Vì mục đích đó, Lê Thánh Tông đã xây dựng chế độ thanh tra, giám sát và khảo khóa đối với đội ngũ quan lại như là một biện pháp hữu hiệu nhằm “khuyến khích và buộc quan lại đương chức tiếp tục trau dồi năng lực, đạo đức và loại bỏ kịp thời những người thái hóa, biến chất” (4, tr.40) thông qua đó làm trong sạch đội ngũ quan lại.
       Năm 1471, Lê Thánh Tông bên cạnh đặt Lục bộ, Lục tự còn đặt thêm Lục khoa, là cơ quan thanh tra, giám sát của 6 bộ, có trách nhiệm xem xét hành vi sai trái của quan lại. Ngay cả bộ Lại cơ quan quyền hành cao nhất của triều đình trong việc tuyển bổ, thăng giáng không đúng, Lại khoa có quyền tố cáo, giới thiệu người khác. Việc thanh tra, giám sát của Lại khoa được thực hiện theo nguyên tắc: “Bộ Lại thăng bổ không đúng tài thì Lại khoa có quyền bác bỏ” (4, tr.13). Mục đích của việc tăng cường giám sát đối với đối đội ngũ quan lại “để cho lớn nhỏ cùng ràng buộc nhau, khinh trọng cùng ràng buộc nhau, khinh trọng cùng kiềm chế nhau, uy quyền không giả mà lẽ nước khó lay suy” (4, tr.13-14). Thực hiện nguyên tắc thanh tra, giám sát quan lại trước khi được bổ dụng chính thức, quan lại đều phải trải qua thời gian thử việc, sau một thời gian nếu đạt thì được bổ dụng chính thức, ngược lại có thể hủy bỏ kết quả tuyển dụng: “Phàm quan trong kinh sư và ngoài thừa tuyên, lúc bắt đầu bổ dụng hãy cho thí nghiệm về công việc làm, người nào trong 3 năm làm đầy đủ chức vụ không lỗi lầm mới được thực thụ; nếu người nào không làm đủ chức vụ sẽ bị truất bãi” (7, tr.1.058). Bên cạnh đó, nhà nước Lê Thánh Tông hàng năm còn cử người trong Lục bộ, Lục tự, Lục khoa đi về các đạo dò xét phẩm cách quan lại các địa phương: “Nhà vua hạ lệnh cho các quan trong Lục bộ, Lục tự, Lục khoa chọn những nha lại biết chữ và có hạnh kiểm, mỗi bộ, mỗi tự, mỗi khoa đều chọn lấy hai người để phân phái đi xét hỏi cặn kẽ về sự đau khổ ở dân gian và chính sự địa phương tốt hay xấu” (7, tr.1.008-1.009). Khi phát hiện trường hợp quan lại tham ô, tham nhũng, triều đình sẽ cử quan lại có đủ năng lực và phẩm hạnh về địa phương điều tra, nếu quả là người có lỗi thì chiếu theo luật mà định tội.
       Đối với quan lại ở địa phương, chính quyền Lê Thánh Tông đặt cơ quan giám sát ở 13 đạo có chức năng đàn hặc, kiểm tra, thanh tra quan lại: “Về chức trách hiến sát sứ và hiến phó sứ ở 13 đạo, thì chuyên giữ các việc trình bày lời nói phải trái, dò hỏi điều tra và đàn hặc những việc làm trái phép, thẩm cứu xét hỏi việc ngục tung của quan lại, đi tuần hành” (7, tr.1.086). Hàng năm hoặc bất thường ty Thừa, Hiến tiến hành kiểm tra, dò xét kỹ tư cách quan lại sau đó tâu lên: “Thừa, Hiến các xứ phải xét kỹ các quan trong bộ thuộc của mình, hạng liêm khiết, hạng tham ô, hạng siêng năng, hạng lười biếng... hàng năm có kén chọn để tiến công hay không tiến công, tiến công nhiều hay ít, đều phải kể tên những quan lại ấy tâu bày lên cho vua biết, để định sự truất bãi hoặc cất nhắc” (7, tr.1.109). Để bảo đảm tính công bằng, khách quan cũng như tạo điều kiện cho nhân dân tham gia vào phòng chống tham ô, tham nhũng, khi thanh tra quan lại địa phương phải dựa vào dư luận của nhân dân, coi đó là một tiêu chí để đánh giá mức độ liêm khiết của quan lại: “Các quan vệ sở, phủ, châu, huyện bên ngoài nếu có người đẽo khoét quân lính, mọi hại nhân dân, chỉ chăm làm lợi cho mình, không lo nghĩ đến phép nước... thì hai ty Thừa, Hiến đều phải công bằng xét xử tham khảo dư luận của mọi người, người nào trước kia có nhũng lạm tuy không có chứng thực, nhưng mọi người đều biết, cùng là người nào liêm khiết, không mắc thói tham ô, kê ra từng loại tâu lên cả, trao cho Giám sát ngự sử ở đạo đó thẩm tra lại, làm bản tâu lên, sẽ khu xử để tỏ rõ sự khuyến khích và trừng phạt”. Căn cứ trên việc thanh tra, giám sát đối với đội ngũ quan lại của hai ty Thừa, Hiến cũng như dư luận của nhân dân mà định bãi, biếm hay thăng chức cho quan lại. Chính vì thế mà quan lại luôn ra sức cố gắng, hết lòng vì nước, vì dân.
       Các biện pháp thanh tra, giám sát đối với đội ngũ quan lại dưới thời Lê Thánh Tông ít nhiều tỏ ra công hiệu. Tuy nhiên để hạn chế triệt để tham ô, tham nhũng thì cần phải có biện pháp nghiêm minh hơn.
3. Nghiêm trị tội tham nhũng
         Dưới triều Thái Tông, Nhân Tông và buổi đầu của triều đại Lê Thánh Tông, tệ quan lại tham ô, tham nhũng khá phổ biến: “Trên từ tể tướng, dưới thì trăm quan, thi nhau tranh giành tư lợi, ăn của đút và đưa đón một cách công khai” (7, tr.972). Trước thực trạng đó cần phải có biện pháp ngăn ngừa, trừng trị tội tham ô, tham nhũng, giữ gìn kỷ cương, phép nước. Thời Lê Thánh Tông, việc trừng trị tội tham ô, tham nhũng được thể chế hóa thành luật và thi hành trong thực tiễn những nội dung đó như là biện pháp hữu hiệu nhất để chống tham ô, tham nhũng.
       Bộ luật Hồng Đức được ban hành bao gồm 722 điều trong đó có gần 40 điều bao hàm nội dung chống tham ô, tham nhũng, trừng trị hành vi đục khoét, lợi dụng chức vụ và quyền lực để sách nhiễu dân lành... Đối với hành vi ăn hối lộ, một số điều luật quy định: “Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lột từ 1 đến 9 quan thì xử tội biếm chức hay bãi chức, từ 10 đến 19 quan thì xử tội đồ hay lưu, từ 200 quan trở lên thì xử tội chém” (8, tr.53). Còn như hành vi đục khoét, vơ vét, ức hiếp của dân thì tùy theo mức độ để xử phạt. Nếu nhẹ thì bồi thường trả lại cho dân, nặng thì bãi chức, biếm chức thậm chí bị khép vào tội chết: “Các quan ty tùy tiện lấy của quân dân dùng vào việc riêng thì xử như tội ăn hối lộ và bồi thường gấp đôi trả tiền lại cho quân dân” (8, tr.54). Ngay cả thu vật phẩm hay tiền của dân trái phép dùng để cung tiến lên nhà vua cũng không được dung túng, đôi khi còn xử lý nghiêm hơn: “Những quan ty ở trấn ngoài cùng các tướng hiệu mà thu tiền quân dân để làm lễ vật cung phụng nhà vua, thì xử biếm một tư, nặng thì thêm một bậc và bắt trả lại lễ vật cho quân dân” (8, tr.53). Ngoài ra, việc chống tham ô, tham nhũng còn được quy định và thể hiện trong một số điều luật khác như: Quan phiên trấn tự tiện bắt người (điều 162); Quan phiên trấn sách nhiễu dân (điều 163); Quan ty coi nha dịch dấu sổ đinh, sách nhiễu tiền của (điều 184)...
       Trên thực tế, việc chống tham ô, tham nhũng không chỉ dừng lại ở việc áp dụng các điều luật mà nó còn là sự thống nhất của nhiều biện pháp được tiến hành đồng thời từ khuyên bảo, răn đe đến thực thi pháp luật. Trong ý thức của vua Lê Thánh Tông luôn coi trọng việc chống tham ô, tham nhũng nên trong công việc ông khuyên các quan tận tâm vì công việc, lo cho việc nước, việc dân, bài trừ tệ tham nhũng: “Nhà vua dụ bảo Trần Cư Đạo rằng: Trẫm từ bé cùng nhà ngươi giao du, kịp khi trẫm lên ngự ngôi báu, nhà ngươi chầu chực ở Kinh Diên, nói về nghĩa vụ là vua với tôi, nói về tình như cá với nước, nhà ngươi phải hết lòng, hết sức, mong cố báo đền ơn nước, chí công vô tư, ngăn ngừa sự đút lót, như thế trẫm sẽ là một ông vua biếtngười, mà nhà ngươi là một bầy tôi tận trung với nước bản thân được vinh hiển, danh tiếng được vang dội lắm sao?” (7, tr.998). Ngay cả khi đã biết quan lại có hành vi tham ô, tham nhũng đối với những người có tài, có nhiều đóng góp mà tội nhẹ thì Lê Thánh Tông tạo điều kiện cho họ sửa đổi: “Sư Hồi cùng cha hắn là Xí nhận của đút lót của người ta 8 lạng bạc. Nhà vua sai viên Tư lễ giám đem tờ sắc đến quở trách Sư Hồi để lấy lại số bạc đã ăn đút lót ngày trước và răn bảo rằng: Nhà ngươi có lỗi chẳng ngại đổi, may ra sẽ không có sự ăn năn sau này” (7, tr.963). Một khi họ đã nhận ra lỗi lầm, sửa chữa, Lê Thánh Tông vẫn trọng dụng và đối xử bình đẳng với họ: “Đình Mỹ trước thì siểm nịnh, sau thì tốt lành, như thế có hại gì đâu” (7, tr.972). Nếu đã khuyên bảo, răn dạy mà vẫn cố tình vi phạm thì sẽ theo luật mà định tội.
       Việc thi hành luật nhằm chống tham ô, tham nhũng là biện pháp cao nhất của chính quyền Lê Thánh Tông và điều đó được thực hiện khá nghiêm cẩn. Các hành vi bị xử lý thường là nhận đút lót, kết bè, kết cánh để tham nhũng... Tiêu biểu cho những hành vi ấy là trường hợp của Đỗ Tông Quai: “Đỗ Tông (Quai) Nam, Thượng thư bộ Hình làm quan mà ăn của đút, Nguyễn Như Đỗ, Thượng thư bộ Lại giữ việc tuyển cử mà làm mất sự chính đáng đều giao xuống pháp ty, xét xử, trị tội theo luật định” (7, tr.1.005). Còn như, quan lại kiếm cớ để đút lót, hối lộ, kết bè, kết đảng với những bộ phận đảm trách pháp luật thì bị xử rất nặng: “Sắc dụ cho các quan văn võ: Người nào không phải là thân thuộc của người vệ Cẩm y, Kim ngô và các vệ ty Thần vũ, Điện tiền, Hiệu lực, Tráng sĩ mà mượn cớ để biếu tặng, đi lại, chè chén, cầu kết bạn, cùng là người trong các vệ, ty mà kết bạn với họ, đều phải bắt giam giao cho đình úy xét tội. Quan ngoài mà kết giao với quan trong thì xử tội chém. Quan cai quản không biết mà xét tâu lên thì xử tội đi đày”. Khi đã mắc vào tội tham ô, tham nhũng thì việc định tội không phân biệt hay căn cứ vào giàu nghèo hay chức trọng, chức hèn kém. Ngay cả bộ phận quan lại thuộc hàng nhất phẩm, quan lại có nhiều công trạng, quan giữ các chức trọng thần triều đình, giữ chức Thượng thư các bộ nếu có hành vi tham ô, tham nhũng thì cứ chiếu theo luật mà định tội: “Bọn Nguyễn Thư, Phan Trinh đều là thân phận là người gần vua mà ăn của đút, quan giữ việc pháp luật cầm công cán công bằng đáng phải luận bọn này vào tội tử hình” (7, tr.1.034). Trường hợp của Lê Bô cũng là một biểu hiện của nguyên tắc này: “Lúc ấy, Lê Bô phạm tội tham tang, phải buộc vào tội hình. Trần Phong xin cho Lê Bô được nộp tiền chuộc tội. Nhà vua bảo bầy tôi trong triều rằng: Trần Phong xin cho người can tội tham tang được nộp tiền chuộc, như thế thì người giàu có nhiều của đút lót mà khỏi tai vạ, người nghèo vì không có tiền mà phải chịu tội lỗi, thế là Trần Phong dám làm trái cả phép tắc của tổ tông... Vậy hạ lệnh cho pháp ty xét xử trị tội theo những luật định” (7, tr.1.032).
       Quan lại khi đảm nhận trách nhiệm quản lý địa hạt của mình hay giữ các chức vụ mà để người dưới lộng quyền, lộng hành, tơ hào đến của dân thì người quản lý cũng chịu xử như tội tham ô: “Thiệt, giữ chức Tây quân đô đốc, cho binh sĩ dưới quyền chỉ huy dưới quyền mình đi tuần ngoài biên giới, dọa nạt người Châu Thoát để lấy bạc, việc này bị phát giác cho nên bị bãi chức” (7, tr.1.008). Không những thế, quan lại dung túng, quản lý không nghiêm để thân nhân làm bậy, quấy nhiễu, vơ vét dân lành thì cũng không tha: “Thu lại quân quyền của Tây đô đốc Lê Thiệt, vì con của Bá Đạt đang giữa ban ngày phóng ngựa ra phố, dung túng gia nhân đánh người” trong thời gian tại vị, nếu có hành vi tham ô, tham nhũng nhưng không bị phát hiện. Về sau phát hiện ra thì bãi chức: “Nhà vua hạ lệnh cho các quan trong Lục khoa tra cứu từ năm Quang Thuận thứ 2 (1461) đến nay, viên quan nào phạm tội tham tang... và các viên tướng nào vụng trộm thu tiền của quân sĩ từ 10 quan trở lên, đều phải thôi việc” (7, tr.1.109).
       Nghiêm trị tội tham ô, tham nhũng dưới thời Lê Thánh Tông là sự gắn kết nhiều hình thức, biện pháp từ đặt ra luật định, khuyên bảo, răn đe, cho đến trừng trị. Các hình thức, biện pháp này vừa mang tính nghiêm minh, vừa khoan dung, rộng rãi. Chính vì vậy mà đã có tác dụng ngăn ngừa, trừng trị tội tham ô, tham nhũng. Đồng thời, nó cho phép quan lại vì một lý do nào đó vì một lý do nào đó mà mắc phải tội tham ô, tham nhũng có điều kiện chuộc lỗi và tiếp tục cống hiến cho đất nước.
4. Đề cao quan lại liêm khiết
         Khen thưởng đúng, xử phạt kịp thời là việc phải làm để giữ gìn kỷ cương, phép nước. Do đó, để khuyến khích quan lại chống tham ô, tham nhũng thì cần có chính sách đề cao những quan lại liêm khiết, trước để họ tiếp tục trau dồi phẩm hạnh của người làm quan, sau để làm gương cho kẻ khác.
       Qua khảo hạch, thanh tra, giám sát cũng như lấy tín nhiệm trong dư luận về quan lại, về những việc họ đã làm. Xét thấy vị quan nào có tài đức, chính trực thì lựa chọn, cất nhắc lên những chức vụ cao hơn để tỏ rõ sự khuyến khích người tài năng, liêm khiết: “Nhà vua ra sắc lệnh: Từ nay, Cấp sự trung trong Lục khoa và Giám sát ngự sử nếu có khuyết ngạch thì bộ Lại chọn các quan trong kinh sư, ngoài các đạo... là người liêm khiết, cần mẫn, cứng rắn, ngay thẳng, có thành tích về chính trị, thì cất nhắc lựa bổ”. Những viên quan được đề cử vào chức vụ ấy được thử việc sau một năm nếu xứng với chức vụ thì giữ nguyên không đổi sang chức khác: “Người ấy giữ chức vụ đủ một năm sẽ do Đô ngự sử đài xét nghiệm về sự trạng đã làm, rồi tâubày lên đầy đủ. Nếu xét ra, người nào có thể dùng được sẽ cho giữ chức như cũ, người nào không thể dùng được sẽ đổi sang chức khác”. Quan miền biên viễn, nếu là quan thanh liêm, không nhũng nhiễu dân chúng, hoàn thành tốt chức trách thì thuyên chuyển về nơi tốt hơn: “Phàm các quan viên giữ việc nơi biên viễn, làm chướng, người nào hết lòng vỗ về thương yêu nhân dân, không nhũng nhiễu về việc thúc giục tô thuế mà thuế vẫn đủ số, thì khi mãn hạn 6 năm chuẩn cho được đổi về chỗ thủy thổ lành” (7, tr.1.031).
       Ngoài việc ban chức vụ cho xứng đáng với tài năng, đức độ, chính quyền Lê Thánh Tông đã khen thưởng, động viên kịp thời tiền của cho quan lại thanh liêm và chỉ rõ cho họ lý do được khen một cách rõ ràng: “Nguyễn Thiện, trước đây, giữ chức Ngự sử, gặp việc trái phép thì nói một cách quả cảm, nhà vua hạ sắc lệnh dụ bảo rằng: Nhà ngươi làm bầy tôi, hết lòng thành lo việc nước, thường dâng lời nói phải, có lúc trẫm dùng uy quyền để lấn át cũng chưa thấy nhà ngươi nao núng. Thật là đáng khen. Vậy đặc cách sai viên Ty lễ giám đem sắc dụ đến ban khen thưởng cho bạc lạng” (7, tr.991). Hay trường hợp của Nguyễn Phục thường nói lời ngay thẳng do đó được thăng làm Tham chính Thanh Hóa và thưởng nhiều vàng bạc: “Nhà ngươi trước kia sung vào sứ bộ sang Trung Quốc, đã phải khó nhọc về việc công kịp khi về triều đình làm quan lại thường tiến dâng lời nói thật chính đáng, thật là đáng khen! Vậy đặc mệnh cho Giám thừa Nguyễn Lỗi ban cho lạng bạc, để biểu dương lòng trung thành của nhà ngươi” (7, tr.1.005).
       Dưới thời Lê Thánh Tông, quan lại liêm khiết, hết mực vì công việc được biểu dương đúng mức đó là việc giành những chức vụ quan trọng hay thăng chức, ban tiền. Cho nên đã động viên một bộ phận quan lại được đề cao tiếp tục cống hiến, mặt khác các quan cũng theo đó làm gương tạo nên sự phấn đấu, tu dưỡng ngay chính trong hàng ngũ quan lại.
5. Cá nhân phải chịu trách nhiệm về quan lại mà mình bảo cử hoặc tiến cử
       Chọn người ra làm quan thì phép quan trọng hàng đầu là khoa cử. Nhưng vì một lý do nào đó, người hiền tài chìm lấp trong thiên hạ không thể ra phò vua, giúp nước. Cho nên Lê Thánh Tông đặt thêm lệ bảo cử và tiến cử bên cạnh khoa cử. Tiến cử “thì lấy người tài đức hơn hẳn mà không cứ thân phận, hai là bảo cử thì lấy người danh vọng rõ rệt mà phải theo tư cách” (2, tr.689). Phép tiến cử và bảo cử đã chọn được nhiều người tài giỏi có năng lực nên khi gia nhập chốn quan trường đã đảm đương tốt công việc. Tuy nhiên, vì tư tình cá nhân, một bộ phận quan lại khi tiến cử, bảo cử người vào các chức vụ đã không chọn được người có tài. Bộ phận này trở thành kẻ sâu mọt, đục khoét của dân. Ngăn ngừa tệ quan lại tiến cử, bảo cử bậy tức ngăn ngừa tệ tham ô tham nhũng của quan lại, chính quyền Lê Thánh Tông đặt ra yêu cầu quan lại phải chịu trách nhiệm về người mà mình bảo cử hoặc tiến cử.
       Khi bảo cử hay tiến cử, triều đình đặt ra nguyên tắc theo đó cá nhân phải chịu trách nhiệm về người mà mình tiến cử hay bảo cử. Nếu tiến cử đúng sẽ trọng thưởng, còn như ngược lại thì theo luật định tội: “Lục bộ, Lục khoa và Ngự sử đài nếu ai đề cử không phải người tốt, sẽ luận vào tội giáng chức hoặc bãi chức, nếuđược người xứng đáng, quyết nhiên sẽ được trọng thưởng” (7, tr.1.028). Hoặc như “quan nha môn trong ngoài có bị khuyết, khi vâng mệnh bảo cử, người nào từng biết rõ người nào đó quả có tài năng, kiến thức, thanh liêm, có thể làm chức gì, thì các quan khoa, đài dùng biên chép, chua sổ rõ ràng. Sau này người được bảo cử, nếu có kẻ bỉ ổi, tham nhũng không làm việc, làm quan không công trạng gì, thì phải thanh tra xem xét viên quan nào đã bảo cử bậy người ấy, tâu lên tra xét”. Với quy định chặt chẽ gắn kết giữa người đứng ra bảo cử, tiến cử nên quan lại không dám làm bậy, tiến cử người có tài bớt đi người bất tài nâng cao hiệu quả đội ngũ quan lại.
       Quy chế về bảo cử, tiến cử được tiến hành rất tốt và nghiêm túc dưới thời Lê Thánh Tông. Nhiều trường hợp tiến cử, bảo cử không đúng đã bị bác bỏ như trường hợp Nguyễn Như Đỗ: “Lúc ấy Nguyễn Như Đỗ, Thượng thư Bộ lại, đề cử bọn Nguyễn Thế Mỹ 8 người để ứng tuyển. Nhà vua xét thấy những người ấy đều mới ra làm quan, tài cán tầm thường nên lại hạ lệnh cho cử lấy 10 người hiện làm quan trong kinh từ hàng ngũ phẩm trở xuống” (7, tr.1.028). Tương tự cũng có trường hợp của Lê Niệm tiến cử Lương Thế Vinh, Trình Văn Sái, Đinh Bô Cương... cũng không xứng chức nên bị bãi miễn. Đối với những chức vụ quan trọng nắm trong tay trọng trách của triều đình thì chính quyền Lê Thánh Tông càng đề cao hơn nữa việc bảo đảm cho cá nhân khi bảo cử và tiến cử. Thông thường đó là các chức quản binh hay hình ngục: “Tổng binh là trọng trách một phương, không nên ủy nhiệm người không xứng đáng. Các quan khoa, đài phải chọn trong các nha môn lấy người đảm lược học thức, có tư cách, danh vọng, tài cán, thanh liêm, chăm chỉ mà bổ chức ấy. Viên nào dám thiên tư cử bậy phải người hèn kém, tham lười thì sẽ trị tội” (2, tr.689). Khi người đứng ra bảo cử, tiến cử làm tròn chức phận, tuân theo những quy tắc thì sẽ được những quan lại tài năng, hạn chế quan lại phẩm chất kém, qua đó góp phần ngăn ngừa tham ô, tham nhũng.
       Có thể nói dưới thời Hồng Đức, việc bảo cử và tiến cử “làm thận trọng mà trừng phạt lại nghiêm nên không ai dám bảo cử thiên tư, các chức đều xứng đáng, rốt cùng thu được hiệu quả là chọn được người” (2, tr.690).
Nhìn về hoạt động của bộ máy chính quyền, những đóng góp của đội ngũ quan lại, sự hưng trị của triều đại Lê Thành Tông đã thấy được công hiệu của các chính sách tham ô, tham nhũng. Sự thành công đó được sử sách ghi chép khá chân thực: “Ngủ đêm mọi nhà không đóng cửa, ngoài đường không ai nhặt của rơi”, dân chúng an cư, lạc nghiệp. Song xét một cách toàn diện, từ thực tế nhũng lạm của quan lại của các triều đại trước nên chính quyền Lê Thánh Tông dù đã cố gắng nhưng hiện tượng tham ô, tham nhũng vẫn tồn tại đó là điều không thể tránh khỏi.
                                                                                                       N.V.S.
Tài liệu tham khảo
[1]. Huỳnh Công Bá, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006.
[2]. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, Phần Quan chức chí, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2008.
[3]. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2004.
[4]. Phạm Liệu (dịch), Lê triều quan chế, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1997.
[5]. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2002.
[6]. Ngô Văn Minh, Lê Duy Anh, Nhân vật họ Lê trong lịch sử Việt Nam, NXB Đà Nẵng, 2001.
[7]. Quốc sử quan triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.
[8]. Lê Đức Triết, Lê Thánh Tông - Vị vua anh minh nhà cách tân xuất sắc, NXB Quân đội nhân dân, 1997.

NGUYỄN VĂN SANG


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24368146