Đất, Người Bình Dương

Đạo Mẫu ở Bình Dương - Những phác thảo

  • HẠ TRÚC
  • 16/08/2012

Các nhà nghiên cứu đã thống nhất nhận định, chỉ ra Đạo Mẫu có nguồn gốc từ Bắc Bộ. Từ những Nữ thần riêng lẻ, từ những định nghĩa mơ hồ, với sự tác động của Đạo giáo Trung Hoa, các Nữ thần, Mẫu thần đã được “lên khuôn”, được hệ thống hóa thành một chỉnh thể có thứ bậc thờ tự lớp lang, chặt chẽ và từ trong Đạo Mẫu, truyện kể, huyền tích về các vị Thánh được ghi lại, được xây dựng khá hoàn chỉnh. Theo dòng lịch sử, với nhiều nguyên nhân khác nhau, Đạo Mẫu đã tỏa ra nhiều nhánh, đi tới khắp mọi vùng miền, thu hút một lực lượng tín đồ ngày càng lớn. Chúng tôi xin phác thảo một vài nét chính của Đạo Mẫu ở Bình Dương.

 

1. Thời điểm định cư và sự phân bố

Xác định thời điểm định cư của Đạo Mẫu ở Bình Dương, có thể căn cứ vào năm xây dựng các đền, phủ - những cơ sở thờ tự của Đạo Mẫu trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Có thể chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên: là của lớp người di cư vào Nam từ năm 1954 trở về trước. Những đền, phủ được xây dựng trong giai đoạn này là những đền, phủ đầu tiên ở Bình Dương, phân bố ở 3 huyện/thị: huyện Dầu Tiếng có phủ Linh Ứng, Kim Trúc tự ở TT. Dầu Tiếng và phủ Linh Sơn ở xã Minh Hòa; huyện Bến Cát có Đền Thánh Mẫu ấp Lai Khê, xã Lai Hưng và thị xã Dĩ An có Đền Công đồng Bắc Lệ tọa lạc tại P. Bình An.

Giai đoạn thứ hai: gồm những đền, phủ được xây dựng sau một vài năm, tập trung ở P. Bình An, thị xã Dĩ An hiện nay, có Tuần Quán Linh từ (đền Bà Khanh) xây dựng năm 1991, Đền Chầu Lục (đền Bà Nghĩa) xây dựng năm 1988 và đền Quan Đệ Nhị (đền Bà Mùi) xây dựng năm 1972. Đồng đền những đền, phủ nêu trên đều là những người vào Nam từ giai đoạn năm 1954 nhưng vì hoàn cảnh, vì điều kiện gia đình nên đã có thời gian bôn ba, bươn chải mưu sinh ở đất Sài Gòn, rồi khi đã ổn định, khi đã có tuổi, khi muốn tìm một nơi yên tĩnh để giành thời gian hầu hạ các Thánh mới tìm về đây xây dựng đền, phủ.

Giai đoạn thứ ba: là những đền, phủ mới được lập nên trong thời gian gần đây, cũng chỉ xuất hiện trên địa bàn thị xã Dĩ An, gồm có: “Bảo Hà anh linh vọng từ” tại P. Bình An, xây dựng năm 2007; điện “Bảo Hà vọng từ” tại P. Đông Hòa, xây dựng năm 2011 và điện cô Hoa tại P.Tân Đông Hiệp, xây dựng năm 2011. Dù chưa nhiều, nhưng những điện, phủ mới được xây dựng đánh dấu bước phát triển, mở rộng của Đạo Mẫu ở Bình Dương. Ở đó không còn là những ngôi đền và con người cũ kỹ, già cỗi, mở đền, phủ chỉ để phục vụ cho riêng căn, mạng của mình mà có đền hoạt động liên tục, quanh năm suốt tháng có các con nhang đệ tử tới mượn đền hầu Thánh như đền Bảo Hà giúp cho đạo Mẫu ở Bình Dương có thể giao lưu, tiếp cận với những yếu tố văn hóa mới.

Sự phân bố của các cơ sở thờ tự Đạo Mẫu ở Bình Dương khá tập trung. Sự tập trung không những thể hiện ở cấp huyện/thị: chỉ tập trung ở ba địa bàn: huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo và thị xã Dĩ An mà là sự tập trung cao độ ở những khoảnh, những vùng đất. Những ngôi đền, phủ ở rất gần, có khi là xây lưng hoặc đối diện nhau và khoanh thành từng cụm: cụm Công đồng Bắc Lệ, Đền Chầu Lục, Đền Tuần Quán; cụm Đền Quan Đệ Nhị, Đền Bảo Hà ở thị xã Dĩ An; cụm Phủ Linh Ứng, Kim trúc tự…ở thị trấn Dầu Tiếng; Đền Thánh Mẫu ở xã Lai Hưng, huyện Bến Cát tuy nằm riêng nhưng cũng quần tụ với các cơ sở tín ngưỡng khác là đình làng và miếu thờ 5 Bà Ngũ hành. Chẳng phải là nhà phong thủy cũng thấy rằng những đền, phủ của đạo Mẫu đều nằm ở những cuộc đất đẹp, đất “linh”, những người xây dựng đền, phủ đều nói rằng đó là khu đất Thánh chọn. Họ đã tới những nơi đô hội, phồn thịnh hơn, đường đất mở mang đẹp đẽ hơn nhưng đều không được……..

Đồng đền đầu tiên – những người xây dựng các đền, phủ nói trên đều là người gốc Bắc vì vậy có thể khẳng định Đạo Mẫu ở Bình Dương có nguồn gốc Bắc bộ, được người Bắc di cư mang thẳng vào đây, không qua một trạm trung chuyển, không giao lưu, tiếp biến với các nền văn hoá khác chính vì vậy mà vẫn giữ được nét nguyên sơ ban đầu.

 

2. Về cách bài trí và hệ thống thờ tự

Hầu hết những đền, phủ ở Bình Dương có kiến trúc khá chừng mực, trang nghiêm, khép kín, ấm cúng nhưng vẫn rộng rãi, thoáng mát; cách bài trí cũng tương tự như nhau, chỉ khác ở số lượng tượng thờ Về cơ bản gồm các gian thờ sau:

Cung cấm: là nơi thờ Tam toà Thánh Mẫu, thường có treo hoành phi:     - Mẫu nghi thiên hạ. Tam toà Thánh Mẫu gồm: Mẫu Đệ Nhất thượng thiên ở chính giữa, cai quản tầng trời, trang phục màu đỏ, chính là Liễu Hạnh công chúa; Mẫu Đệ nhị thượng ngàn, trông coi miền rừng núi, trang phục màu xanh; mẫu Thoải cai quản miền sông nước, trang phục màu trắng. Mỗi mẫu thường có hai cung nữ theo hầu. Thường trong Cấm cung cũng thờ các vị Thánh hàng Chầu, gồm từ 6 đến 12 Thánh, đặt dưới các Thánh Mẫu.

Gian thờ Đức Vua cha, ngũ vị Quan Lớn và Mười vị Quan Hoàng. Khi nào tượng Đức Vua cha cũng được đặt trên cùng, hàng dưới là Ngũ vị Quan Lớn gồm 5 ông từ Quan Đệ Nhất đến Quan Đệ Ngũ. Quan Hoàng gồm 5 vị, từ Quan Đệ Nhất đến Quan Hoàng 10, trong đó nổi tiếng nhất là Quan Hoàng Bảy và Quan Hoàng Mười. Đây là hai giá đồng thường xuyên giáng. Tượng Vua cha, Quan Lớn và Quan Hoàng thường được trang trí võ phục, màu sắc tuỳ theo từng phủ, thiên phủ trang phục màu đỏ, Nhạc phủ màu xanh, Thoải phủ màu trắng và địa phủ màu vàng.

Gian thờ Đức Vua cha được đặt chính giữa đền, phủ, còn gọi là gian Công đồng. Tượng của Thánh thủ điện cũng được đặt tại gian công đồng này. Tượng thường đặt đứng chính giữa, có kích thước lớn hơn, nổi bật hơn các tượng khác.

Không gian cho những ông/bà đồng là một khoảnh vuông chừng 9 m2 ở trước gian công đồng, ngước mặt lên là Thủ điện và Đức Vua cha cùng các quan lớn, quan hoàng, bên tay phải là khu của Cung văn, hai mặt còn lại là của các con nhang đệ tử, của bà con thân thích cùng những người tham dự

Bên trái gian Công đồng là gian thờ Tam phủ Trần triều đặt tượng Đức Trần Hưng Đạo cùng hai người con gái của ngài là Đệ Nhất Vương bà mặc trang phục màu đỏ và Đệ Nhị Vương cô trang phục màu xanh.

Bên phải gian công đồng là cung Sơn trang với Bà Chúa sơn lâm và 12 cô sơn trang

Gian thờ Cô và Cậu thường được đặt riêng ở phía ngoài hoặc xây một am nhỏ ngoài sân, đứng chầu hai bên vì Cô và Cậu còn nhỏ, chưa hiểu lễ nghĩa và cũng đặt ở ngoài để nô giỡn cho thoải mái. Có từ 6 đến 12 Cô, Cậu nhưng thường chỉ có một tượng thờ tượng trưng.

Các đền, phủ các cách bài bố, trang trí rất cân đối, gọn gàng, có thứ tự, lớp lang. Đặc biệt là sự phối màu rất hài hòa, bắt mắt. Nếu cấm cung, gian công đồng là nơi của các loại xiêm y rực rỡ thì gian Trần triều và Sơn trang lại tương phản với nhau qua hai màu đỏ và xanh. Bên cạnh đó các đồ thờ, vàng mã, hương, hoa, đèn, nến cùng từng hàng nón với 5 màu chủ yếu treo trên xà nhà tạo thành một khung cảnh đầy sắc màu nhưng không chói lóa, hài hòa nhưng vẫn nổi bật; uy nghi, trang trọng nhưng lại ấm cúng, khiêm nhường tạo cho mỗi người một cảm giác…..nghiêng mình mỗi khi đặt chân vào gian thờ.

Phần lớn dựa vào tên gọi của đền, phủ mà ta biết được quan thủ điện cũng là căn mạng của đồng đền là ai. Như Bảo Hà anh linh vọng từ” và “điện Bảo Hà” cho ta biết thủ điện là Quan Hoàng Bảy Bảo Hà; đền “Chầu Lục” thì thủ điện là Chầu Lục; “Tuần Quán Linh từ” thủ điện là chầu Tuần Quán; đền “Công đồng Bắc Lệ” thủ điện là Chầu Bé Bắc Lệ; đền Quan Đệ Nhị thì thủ điện là Quan Lớn Đệ Nhị.

Vì tha hương, nhớ về nơi cũ mà lập đền, phủ nên tất cả những đền phủ Bình Dương đều thêm chữ “ - vọng từ” phía đằng sau ý chỉ từ nơi đây mà thờ vọng, mà ngóng trông về gốc cũ.

 

3. Hiện trạng

Hoạt động của các đền, phủ ở Bình Dương khá trầm buồn, thưa thớt, cầm chừng. Trong tất cả các đền, phủ trong tỉnh, chỉ duy nhất có “Bảo Hà anh linh vọng từ” hoạt động thường xuyên tất cả các tháng trong năm. Lịch hoạt động của các đền, phủ như sau:

Phủ Linh Sơn, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng: nhân dân trong vùng không ai biết bản chất của phủ là như thế nào mà gọi luôn thành đình. Do đình làng bị sập nên bà con rước tượng Thành Hoàng đặt tại phủ. Hàng năm có 3 lệ chính: 20/8 giỗ Đức Thánh Trần; 12/3 lễ vía Thành Hoàng cúng mặn có xôi, gà, bông, trái; riêng lễ giỗ Mẹ 8/3 chỉ cúng đồ chay bông, trái, xôi; hằng ngày phủ có người trông coi, quét tước, ngày rằm, mồng một hàng tháng hội các bà, các mẹ tới thắp hương, tụng kinh cầu nguyện. Tại phủ không còn diễn ra các nghi lễ hầu đồng.

Phủ Linh Ứng: TT. Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng. Được xây dựng trong giai đoạn đầu, nhưng tại phủ hiện nay cũng không còn hoạt động. Trông coi phủ là cô Trần Thị Hồng, là con dâu ông Quỷ. Do không có căn đồng, cũng không biết nghi lễ của hầu đồng nên cô chỉ trông coi, quét tước, dọn dẹp.

Kim Trúc tự: cái tên dễ làm người ta lầm là cơ sở tín ngưỡng của Phật giáo, nhưng cách bài trí, xắp xếp lại cho thấy đây là điện thờ của Đạo Mẫu. Người thành lập là bà cụ Sung, đã mất từ lâu. Thời bà còn sống thì diễn ra nghi lễ hầu đồng nhưng cũng như Linh Ứng phủ, do không có người kế nghiệp nên khi bà mất, chỉ có cô Tuyết là người gần đó hàng ngày tới quét tước, dọn dẹp và ngày rằm, mồng một bày bông, trái cúng, điện không còn diễn ra nghi lễ hầu đồng.

Đền Thánh Mẫu: ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, huyện Bến Cát. Đây cũng là một đền được bà đồng Quế xây dựng khoảng trước năm 1954. Sau khi bà mất có ông đồng Sáu Mịch tiếp quản. Ông thuộc dòng thanh đồng, thờ tam phủ Trần triều, mỗi lần lên đồng đều bắt quái, trừ yêu, chữa bệnh cho phụ nữ và con nít. Tại đền hiện còn lưu giữ rất nhiều bằng khoán bán con cho Thánh[2] và nhân dân trong vùng vẫn còn nhớ rất nhiều câu chuyện liên quan đến ông như khi lên đồng ông thường xỏ xiên quai, đi giáp vòng trong ấp, đàn bà bị bệnh ông trùm chiếu, đốt bên ngoài hoặc cắt dấu mặn (lấy máu ở lưỡi) để chữa bệnh cho trẻ con. Thủ nhang hiện tại là ông Tư Giới, một người không có đồng. Hàng năm, đền có hai lệ vào tháng 3 và tháng 8 nhưng cũng là do một bà đồng ở Bình Long, Bình Phước làm lễ và tại địa phương cũng có một vài ông/bà đồng nhưng phần lớn là “đồng đua”, không bị hành bởi căn mạng mà ra đồng để làm ăn cho hanh thông, thuận lợi.

Điện Bảo Hà vọng từ, P. Đông Hòa, thị xã Dĩ An: điện mới được thành lập năm 2011. Đồng đền là bà Bùi Thị Kim Liên. Điện nhỏ, mang tính gia đình, mỗi năm cũng chỉ hầu một vài vấn chính như:

              - Lễ trình Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng)

              - Tiệc Mẫu (tháng 3)

              - Hầu vào Hạ (tháng 4)

              - Hầu tán hạ (tháng 7)

              - Tiệc Quan Hoàng Bảy (tháng 7)

              - Tiệc Đức Vua Cha (tháng 8)

              - Hầu tạ (tháng 12)

Đền công đồng Bắc Lệ, P. Bình An, thị xã Dĩ An: bản đền có từ năm 1956, nhưng chỉ là một gian nhà lá, năm 1968, đồng đền là bà Vũ Thị Kim Dung đã cho xây dựng lại. Bà Dung đã mất, đồng đền hiện giờ là bà Ngô Thị Bích Nụ. Một năm đền thường có 7 vấn hầu:

              - Lễ trình Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng)

              - Tiệc Mẫu (tháng 3)

              - Hầu vào Hạ (tháng 4)

              - Hầu tán hạ (tháng 7)

              - Tiệc Đức Vua Cha (tháng 8)

              - Tiệc Chúa Bé (tháng 9)

              - Hầu tạ (tháng 12)

Đền Quan Đệ Nhị, P. Bình An, thị xã Dĩ An: đồng đền là bà Bùi Thị Mùi, căn Quan Đệ Nhị. Một năm bà chỉ hầu một vấn ngày 11/11 là ngày vía Quan Đệ Nhị. Khi hầu cũng rất khép kín, khách mời của bà chỉ là những đồng bạn rất thân quen, bà mời tới chung vui cùng bà.

Đền Tuần Quán, P. Bình An, Thị xã Dĩ An: đồng đền là ông Bùi Hữu Đức (tên thường gọi là Cậu Sĩ), được trùng tu năm 1991, hoạt động cũng rất cầm chừng, thưa thớt, một năm có một vài vấn hầu chính và một số vấn của những người tới mượn đền.

Đền Chầu Lục, P. Bình An, Thị xã Dĩ An: đồng đền là bà Nguyễn Thị Nghĩa, là thế hệ thứ nhất. Trước đây, một năm đền hầu vài vấn nhưng một vài năm trở lại đây bà chỉ hầu một ngày là ngày 10/9 là ngày sinh của Chầu Lục.

Bảo Hà anh linh vọng từ, P. Bình An, Thị xã Dĩ An: xây dựng năm 2007, đồng đền là bà Phạm Thị Hồng Quang. Đây là đền duy nhất trong tỉnh hoạt động thường xuyên, tấp nập, gần như thương mại hóa. Tại đền thường xuyên có vấn hầu của đồng đền hoặc của các con nhang đệ tử (thường từ Vũng Tàu lên) tới hầu căn mạng hoặc làm lễ trình đồng. Đền có cơ sở vật chất khang trang, đặc biệt có hai người hầu dâng và cung văn hoạt động chuyên nghiệp.

Một vài nhận xét:

Đạo Mẫu xuất hiện ở Bình Dương từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi những người Bắc di cư vào đây đã mang theo Đạo cũng như nghi lễ Hầu đồng xâm nhập vào văn hóa Bình Dương. Nhưng dù đã tồn tại hơn nửa thế kỷ, Đạo Mẫu Bình Dương vẫn chỉ gói gọn trong một bộ phận nhỏ những người Bắc, có ông bà là người Bắc, mang trong mình văn hóa Bắc. Những người Bình Dương hoàn toàn xa lạ với đạo Mẫu cũng như hoạt động lên đồng hầu Mẫu. Vì vậy xuất hiện tình trạng đền, phủ ở những vùng hẻo lánh bị bỏ phế hoặc là nơi thờ tự của những tín ngưỡng dân gian khác, không người thừa tự thực hành. Số lượng các ông/bà đồng ở Bình Dương rất hạn chế, cả tỉnh chỉ khoảng trên dưới 30 người, trong đó độ tuổi từ 50 đến hơn 80 chiếm đa số. Trung tâm của đạo Mẫu Bình Dương hiện nay tập trung tại thị xã Dĩ An với sự ổn định, chắc chắn của thế hệ ông/bà đồng đi trước cũng như sự kế thừa của lớp thầy đồng trẻ tuy không đông đảo nhưng vẫn có thể duy trì.

Những ông/bà đồng tin rằng họ là con cháu của thần, thánh, của vua, quan thời trước, của những con người mà lịch sử đã vinh danh. Bản thân họ trước đây là những con người bình thường, có người không tin, một mực bác bỏ, nhưng sau một thời gian bị “hành”, bị “đày” về sức khỏe, gia đình, tiền bạc mà chỉ sau khi ra đồng mới hết, họ theo đạo, trở thành những ông/bà đồng. Họ tin rằng, mỗi một lần họ Lên đồng hầu Thánh là mỗi một lần họ trả “nợ”, sẽ “nhẹ” bớt và được Thánh ban lộc. Ở Bình Dương, cuộc sống các ông/bà đồng cũng như hoạt động của các đền, phủ khá khép kín và có những nơi bị địa phương quản lý rất chặt chẽ. Có cái nhìn đầy đủ, đúng đắn là một điều mà các nhà quản lý văn hóa rất cần phải có để có thể quản lý cũng như định hướng được những hiện tượng văn hóa vừa đúng đắn và không làm mai một văn hóa dân tộc.

                                                                                                            H.T

Tư liệu điền dã cá nhân.



[1] Phòng Di sản văn hoá Phi vật thể, Bảo tàng Bình Dương.

[2] Tục bán con cho Thần, Thánh khá phổ biến ở vùng Bắc Bộ. Khi một đứa trẻ sinh ra khó nuôi, cha mẹ thường làm bằng khoán “bán” cho Thần, hoặc dù không khó nuôi đi chăng nữa thì người ta vẫn có làm lễ “bán” để đứa trẻ dễ nuôi hơn, không bị ma quỷ quấy nhiễu. “Bán” chỉ là hình thức vì đứa trẻ đó vẫn ở với cha mẹ, khi qua “đốt” 12 tuổi, người ta sẽ làm lễ chuộc về.

HẠ TRÚC


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 25401955