Lịch sử Việt Nam

Suy nghĩ lại về biển trong lịch sử Việt Nam: Xã hội duyên hải trong sự thống hợp của vùng Thuận-Quảng, các thế kỷ thứ 17 – 18

  • Ngô Bắc dịch
  • 24/07/2012

Charles Wheeler

SUY NGHĨ LẠI VỀ BIỂN

TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM:

Xã Hội Duyên Hải Trong Sự Thống Hợp

Của Vùng Thuận-Quảng, Các Thế Kỷ Thứ 17 – 18

Ngô Bắc dịch

Lời Người Dịch:

Đây là bài dịch thứ 5 trong loạt bài nghiên cứu về chủ đề Sông Biển Trong Lich Sử Việt Nam lần lượt được đăng tải trên gio-o: 

1. Một Vai Trò Hợp Lý Của Biển Đối Với Lịch Sử Việt Nam? Xã Hội Duyên Hải Trong Thế Giới Mậu Dịch Của Hội An, thời khoảng 1550-1830, Charles Wheeler.

2. Sự Trổi Dậy Của Miền Duyên Hải: Mậu Dịch, Quốc Gia và Văn Hóa Thời Ban Sơ Của Đại Việt, John K. Whitmore.

3. Việc Mua Bán Gạo Và Vận Tải Đường Biển Của Người Hoa Từ Hải Cảng Hải Phòng, Bắc Việt, Julia Martinez.

4. Một Cái Nhìn Từ Ngoài Biển: Viễn Cảnh Về Bờ Biển Bắc Và Trung Phần Việt Nam Li Tana

5. Suy Nghĩ Lại Về Biển Trong Lịch Sử Việt Nam: Xã Hội Duyên Hải Trong Sự Thống Hợp Của Thuận-Quảng, Trong Các Thế Kỷ 17 – 18, Charles Wheeler.

6. Người Chàm Trong Hệ Thống Hàng Hải Đông Nam Á, Anthony Reid

7. “Đi Về Miền Tây” tại Nam Kỳ, Các Hoạt Động Bất Hợp Pháp Của Người Việt và Người Hoa tại Vùng Transbassac (thời khoảng 1860-1920), Thomas Engelbert.

8. Đại Việt và Mậu Dịch Vùng Biển Nam Hải từ Thế Kỷ Thư 10 đến Thế kỷ Thứ 15, Momoki Shiro.

9.  Phù Nam, Chân Lạp, Chàm và Các Đền Thờ Thiên Hậu Trong Họat Động Mậu Dịch Đường Biển Và Sự Xuất Hiện Các Thành Phố Duyên Hải Tại Đông Nam Á (từ thế kỷ thứ 1 cho đến thế kỷ thứ 16, Johannes Widodo

10.  Một Sứ Bộ Đến Phù Nam, Wang Gungwu.

11. Các Suy Tưởng, Về Ý Niệm “Văn Minh Sông Nước” Và Về Lịch Sử Châu Thổ Sông Cửu Long,Nhìn Qua Một Vài Khía Cạnh Của Cuộc Định Cư tại Xã Sóc Sơn (1920-1945), Pascal Bourdeaux.

Vùng biển Đông Hải với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một chuyên đề đặc biệt sẽ được giới thiệu riêng biệt.

Ngôi làng điển hình của Việt Nam được bao bọc trong một lũy tre dầy và các cây nhiều gai nhọn; người dân làng quen sinh sống Đàng sau một loại bình phong bằng tre … giống như sống trong chiếc nhẫn kỳ diệu của một câu chuyện thần tiên … Paul Mus 1

Ra khơi mới biết nông sâu,

Ở trong lạch hói biết đâu mà dò?

Tục ngữ Việt Nam 2

     Xã hội Việt Nam và lịch sử thế giới quan hệ lẫn nhau.  Song, ít sự liên kết đã được vạch ra.  Có lẽ biểu hiệu hay được trưng dẫn về lũy tre của Việt Nam giúp vào việc soi sáng lý do tại sao.  Khuôn mẫu về người nông dân vô danh – cần cù làm việc hàng ngày sau con trâu trên thửa ruộng lúa nước, và khi đêm đến, rút về sau lũy tre bảo vệ gia đình và làng mạc khỏi sự thay đổi – được lập đi lập lại trong văn chương bác học và bình dân; thị kiến này tượng trưng cho Việt Nam ngày nay và cho quá khứ của Việt Nam, bất kể là xác thực hay tưởng tượng.  Điều được giả định, thị trường không có ý nghĩa gì trong thế giới nông dân này, bởi nó tọa lạc bên ngoài lũy tre – mặc dù người ta có thể nói một cách quả quyết như thế về các cánh đồng lúa.  Trong hình tưởng nhuốm chủ nghĩa dân tộc, lũy tre làng này tượng trưng cho một tiểu vũ trụ của hàng rào dân tộc, vốn được vun xén một phần bởi các biên cương chính trị trên đất liền và phần kia bởi bờ biển, để giữ lại bên trong những gì được xem là liên hệ với dân tộc, và gạt ra bên ngoài những gì không phải [là như thế].  Sự cấu tạo địa hình này đã được cụ thể hóa thành một biểu tượng của dân tộc, càng tăng cường hơn nữa tính huyền thoại của một xã hội khép kín.

     Song, như bài khảo cứu này sẽ phơi bày, xã hội Việt Nam dần đầu tư sâu xa hơn với thế giới từ lâu, trước khi có các sự can thiệp của người Pháp hồi giữa thế kỷ thứ mười chín.  Việt Nam đã làm như thế vì sự tác động của chính mình.  Sự nhập cuộc đó mở ra cho cả hai chiều, lôi kéo người Việt Nam vào xã hội thế giới và thế giới vào xã hội Việt Nam.  Không có sự kết hợp này, Việt Nam như chúng ta biết, sẽ không bao giờ trở nên như thế.  Trong diễn trường nào sự liên lập này đã tăng tiến?  Bên ngoài lũy tre, bên cạnh thị trường, gần các cánh đồng lúa và các ao nuôi cá, có một giòng sông chảy qua.  Xuôi theo giòng sông, chỉ cách một quãng ngắn đối với phần lớn người dân Việt trong quá khứ, nơi đó có biển cả.  Ở đây, người Việt Nam đối mặt với thế giới.

     Hình thế giòng nước đã là một diễn trường quan trọng cho các sự giao tiếp xã hội giữa các kẻ sẽ ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam.  Thuật sống trên nước là kỹ thuật chính của sự du hành và chuyển vận tại các xã hội Việt Nam trước khi các sự canh cải cận đại được du nhập, và vẫn còn là một cảnh tượng thông thường.  Như là các phương cách chuyên chở con người cùng mọi vật dụng đồng hành với họ, sự lưu thông trên nuớc vận tải trào lượng các sản phẩm của môi trường, hàng hóa và thông tin trong các chiều hướng đã định hình trên các hậu quả cụ thể cho văn hóa của xã hội và quốc gia tại vùng Châu Thổ sông Hồng, nơi mà các chính thể Việt Nam đầu tiên đã phát triển.  Nói cách khác, bờ biển tượng trưng một cách sai lạc các giới hạn trong các sự tương tác xã hội của Việt Nam.  Bờ biển đã là một phần của thế giới ban sơ này, và ngày càng trở nên quan trọng hơn khi giới quân sự Việt Nam tính toán việc phóng chiếu lực lượng thường trực ra bên ngoài vùng châu thổ, trong thiên niên kỷ thứ nhì sau Công Nguyên.  Một khi đã vượt quá châu thổ, họ đã tiến vào một giòng chảy ven biển hòa nhập vào một trong những tuyến giao thông rộng lớn nhất của sự vận tải đường biển tại Á Châu. 3 Sự lưu hành của cải giàu có và quyền lực trong xã hội và quốc gia Việt Nam đã được đa trạng hóa để bao gồm mạch hải hành này, chạy dọc theo bờ biển.  Xuôi xuống phía nam của giòng chảy ven biển này, họ thu đoạt được một chuỗi các vũng cửa sông nhỏ; tại các vũng cửa sông đó, các cảng biển dưới quyền cai trị của Việt Nam thay thế các tiền thân của chúng, được gộp vào các cộng đồng đa nguyên của họ.  Tại môi trường duyên hải thực dân này, nhiều thành phố chính của Việt Nam ngày nay đã khởi lập. 4 Tốc độ và cường độ của chiều hướng này đã gia tăng một cách mãnh liệt trong thế kỷ thứ mười bảy, trùng hợp với sự tăng cường của nền thương mại trong nội vi Á Châu.  Vào khoảng thế kỷ thứ mười chín, đường nét kéo dài của quốc gia-dân tộc Việt Nam ngày này đã có thể hình dung được.  Một cách mỉa mai, lãnh thổ quốc gia Việt Nam lại là sản phẩm của chính sự giao kết hàng hải này mà quan điểm nhuốm chủ nghĩa dân tộc Việt Nam của chính nó không lưu tâm đến.

     Trong phương cách này, xuyên qua biển, thế giới có ảnh hưởng đến các thành quả có lợi cho Việt Nam.  Nếu biển quan trọng nhiều đến thế đối với dân Việt Nam, tại sao nó lại vắng bóng trong lịch sử Việt Nam?  Tập khảo luận này tượng trưng cho một nỗ lực để phá đổ sự tin tưởng phổ quát về sự cách biệt của xã hội Việt Nam với đại dương, và để trình bày rằng người Việt Nam đã nối kết với các luồng rộng lớn hơn của sự lưu thông trên biển như thế nào, và lý do tại sao.  Giải đáp cho vấn đề nêu sau là điều bất khả nếu không giải quyết được câu hỏi đầu tiên.  Bởi thế, phần đầu của bài viết này sẽ nhắm vào các giả định rằng hình thể địa dư sẽ định hình cho lịch sử.  Một sự hỗn hợp của các giá trị nội hàm (ingrained) dựng lên nhiều hàng rào tri thức đã dẫn chúng ta quay trở về với cùng bản nhạc kịch [libretto, tiếng Ý trong nguyên bản, chú của người dịch] về người nông dân chung chung. Khoa nguyên thức [tạm dịch từ chữ epistemology trong Anh ngữ, có nghĩa lý thuyết hay khoa học điều tra nguyên ủy, bản chất, phương pháp và các giới hạn của kiến thức, chú của người dịch] linh động buộc sự nghiên cứu phải đặt các thương nhân trước các công nhân trong các sự phân tích về sự tiếp xúc và trao đổi xuyên văn hóa, xem ngang nhau vùng đất sâu xa với nội địa, xem nhẹ các chức năng phi nông nghiệp trong nền kinh tế, và không biết đến các bộ phận sông nước như các diễn trường xã hội chính thức.  Tất cả các khuynh hướng này thực sự xóa bỏ mất các cư dân duyên hải và chung sức tăng cuờng một hình tưởng địa lý khiến chúng ta bị sập bẫy, về mặt trí thức, vào một sự tái chế các thành kiến lâu đời về xã hội và vùng đất. 6

     Với các trở ngại đã được nhận thức và gỡ bỏ đi này, phần tiếp sau sẽ khai triển một địa dư (hay có lẽ thủy đạo học: hydrography) ấn định vùng duyên hải như một không gian riêng biệt, bằng việc mô tả một địa điểm theo thời gian, trong đó các xã hội duyên hải hoạt động như điểm đầu tiên của sự tiếp xúc địa phương giữa các người đi biển với các thương nhân; giao dịch thương mại với họ; và trong khi làm như thế, phát triển sự liên thuộc với họ.  Sau đó tôi sẽ giới thiệu một nhóm dân duyên hải, các thần dân của các vị chúa Việt Nam ở Đàng Trong (Cochinchina), một vương quốc Việt Nam độc lập trong thực tế được ghi công với sự bành trướng mau chóng sự cai trị và định cư người Việt khắp các đồng bằng ven biển của lục địa phía đ9ông Đông Nam Á trong suốt giai đọan căng thẳng nhất của nó trong các thế kỷ thứ 17 và 18. 7 Những cư dân này đã thực hiện các chức năng không thể thiếu được trong sự tạo lập các điều kiện thuận lợi cho thương mại duyên hải và hải ngoại đã nối kết các chiếc thuyền với các hải cảng, các hàng hóa với thị trường và các thị trường với nhau.  Trong khi làm như thế, xã hội duyên hải này đã phụ lực cho các tham vọng của các chúa Nguyễn để sáp nhập các dân chúng mới chinh phục được vào trong một xã hội bền chặt, tuân theo các quy điều của một quốc gia Việt Nam.

     Để hiểu được di sản trọn vẹn của mối quan hệ của Việt Nam với thế giới bên ngoài, chúng ta phải rũ bỏ tín điều về các nông dân trường cửu trong thế giới cô độc của họ và khởi đầu một bước mới, đón nhận khối dân như chúng ta bắt gặp họ, và truy tìm một cách có phương pháp các sự di chuyển và giao tiếp của họ với các khung cảnh bao quanh, các tiết điệu và các nhịp độ của họ, với hy vọng nhận thức được hình thái của sự lưu hành mà họ đã thực hiện. 8  Các vị quân vương và các quan lại có thể đánh hơi được sự khinh thị của họ đối với hoạt động thương mại, và các thương nhân chỉ ghi khắc các thành quả của chính họ, nhưng bên dưới nền cao của các ngôi đền của họ -- trên các giòng sông, các hồ nước và các kinh đão – một sự lưu thông đời thường trôi chảy.  Trong các sự lưu chuyển sâu thẳm hơn này của xã hội, lý luận về sự tổng hợp của người Việt Nam đã được thành hình.  Nó khởi đầu ở đỉnh cao nhất của thủy triều, và hòa nhập khi nó rút xuống, cho đến khi các luồng sóng giao thoa của biển xa, duyên hải và bờ sông hội tụ với nhau, ở đâu đó giữa đại dương và các đầm nước.

 

***

 

Tại Sao Không Có Biển Trong Lịch Sử Việt Nam: Nguyên Thức Học (Epistemology) Về Một Không Gian   

Sự hòa hợp giữa người Việt Nam … với các điều kiện môi trường của họ được chứng tỏ sâu thẳm đến nỗi không một chủng tộc nào lại có thẻ kháng cự lại sự tiến bước của họ. Paul Mus 9

Trong khi chiếm cứ vùng đất Trung Kỳ (An Nam) và Nam Kỳ (Cochinchina), [người Việt Nam] đã tạo ra một dân tộc rất thống nhất về mặt ngôn ngữ và đặc tính văn minh của mình, nhưng cũng đã thiết lập một lãnh thổ ít cấu kết nhất trên thế giới. Pierre Gourou 10

     Các chuyên viên về Việt Nam không có suy nghĩ một cách bình thường về biển như một diễn trường của sự giao tiếp xã hôi trong lịch sử Việt Nam, hoặc giữa chính các người Việt Nam với nhau hay giữa người Việt Nam với các nền văn hóa khác.  Đúng thế, chúng ta trích dẫn, một cách điển hình, tính chất trung tâm của nước trong đời sống văn hóa Việt Nam bất kỳ khi nào chúng ta nói chuyện với các học trò của mình.  Chúng ta có thể cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của biển trong sự sản xuất thực phẩm, bất kể là hải sản hay muối biển.  Chúng ta khởi sự nói về các sự giao tiếp của họ với các tác nhân từ hải ngoại.  Tuy nhiên, với ít ngoại lệ, các sự kiện như thế chỉ liên hệ như các yếu tố bổ túc hay phụ lực trong một xã hội nông nghiệp, ràng buộc với đất cày, khép kín. 11 Chúng ta đã không theo đuổi lịch sử Việt Nam bên ngoài bờ biển, bất kể sự kiện rằng khi chúng ta có mặt ở Việt Nam, chúng ta không bao giờ quá xa cách với biển.  Tại sao lại có sự thờ ơ này đối với biển.  Dưới đây tôi sẽ đưa ra một vài giả thiết tương liên.

Mô Thức Nông Nghiệp

     Các ý niệm cấp miền của Việt Nam một phần bén rễ, và được tăng cường nhiều bởi, mô thức nông nghiệp được viện dẫn nơi phần dẫn nhập ở trên và tư thế tôn nghiêm của nó trong phần lớn sự phân tích lịch sử -- chưa kể đến huyền sử có tính cách dân tộc chủ nghĩa, tín điều của đảng và ngay các chính sách thời chiến của các phe không phải là Việt Nam.  Các tác giả Paul Mus và Pierre Gourou nằm trong số các kẻ biện hộ hùng hồn nhất cho nó tại thế giới Tây phương.  Theo ý tưởng xã hôi – lịch sử này, sinh thái văn hóa của nông nghiệp đã sản sinh ra “một sự hợp đồng giữa chính xã hội, với đất và trời”.  Sự giao kết xã hội thần thánh này đã tạo ra “một sự lập lại của các làng xã”, khép kín về mặt thương mại và xã hội, đồng loạt làm việc vất vả trên một cánh đồng trồng lúa để hỗ trợ cho một tầng lớp thượng lưu cai trị chịu ảnh hưởng Khổng học, khinh thường thương mại. 12 Các kỹ nghệ phi canh tác sản xuất các hàng hóa bổ túc, chứ không phải là nền tảng, cho căn bản nông nghiệp này.  Thị trường, vượt quá “ranh giới thiêng liêng” này của lũy tre bao bọc ngôi làng, “tượng trưng cho vị thế thấp kém của thương mại”.  Loại thương mại nào hiện diện “theo đó sẽ bao hàm sự tái trang bị kinh tế, xã hội, và chính trị của các khu làng định cư này?  Biển không có chỗ đứng trong thế giới phong kiến này, ngoài việc là một sự thách đố đối với các kỹ sư thủy lợi. 13

     Xã hội nông nghiệp, khép kín này, kết quả, được nghĩ đã sản sinh ra một sự tách biệt về tâm lý với biển, từ đó nó không thể nào thu hồi lại được.  Tác giả Thanh Thế Vỹ [?], trong tập chuyên khảo đầu tiên đặc biệt dành cho chủ đề ngoại thương thời tiền thuộc địa, lập luận rằng người Việt Nam mang đặc tính tách rời với cả biển lẫn sự kinh doanh thương mại và vì thế không sản xuất ra các hạm đội đi biển to lớn như người Anh hay người Hòa Lan. 14 Lý luận này lại tự tăng cường: bởi vì họ không quan tâm đến biển, họ đã không lập ra các hạm đội.  Hơn nữa, tiêu chuẩn dẫn chứng của ông Thanh còn bị giới hạn bởi nguyên mẫu (prototypes) của Tây phương, các thuyền chuyên chở cận duyên tuy nhiều nhưng qua nhỏ bé, tạo ra các nền kinh tế ở quy mô lẩn tránh sự phát hiện của ông.  Sự tương phản ý thức hệ ẩn tàng giữa phương Tây năng động và phương Đông tin ở định mệnh chắc chắn không thể có việc cứu xét sự thích nghi như một lối đáp ứng của Việt Nam, ít nhất trước khi có sự tiếp xúc với Tây phương.  Ở nơi đây cũng thế, người nông dân cấy cầy vất vả không ở quá xa trong tầm suy nghĩ.  Tại một diễn trường khác, các sử gia tiên phong về mậu dịch vận chuyển Á Châu tại các vùng đất Việt Nam có nhận thức được tầm quan trọng của việc mua bán bằng thuyền buồm đi biển (junk trade); các sử gia Tây phương và nam Việt Nam thời thập niên 1960 và 1970 cũng đã thừa nhận điều này. 15 Song họ chưa bao giờ nhìn nhận sự hiện diện của chinh người Việt Nam đã tham gia vào công cuộc mậu dịch này – ngoài triều đình vương giả, được nói vẫn nắm giữ sự kiểm soát trên hoạt động ngoại thương này.

     Các học giả của thập niên 1990 khởi sự tra hỏi hay dò tìm luận đề này về sự xa cách của Việt Nam, trong việc thảo luận về một vai trò của thương mại đường biển trong nền kinh tế chính trị của Đại Việt, phần lớn trong sự đáp ứng trước sự thừa nhận về hoạt động thương mại và vận tải hàng hải bản địa của Á Châu nói chung.  Tuy nhiên, ngay cả các sự xác quyết về một xã hội cởi mở hơn và một quốc gia giao kết nhiều hơn ở phương Nam lại xác nhân rằng “[trong khi] nông nghiệp quyết định quyền lực, mậu dịch đã tô điểm thêm cho nó”. 16 It người đã lập luận cho định hướng thương mại của các chế độ ban đầu của Việt Nam có khuynh hướng chấp nhận lý tưởng nông nghiệp trong đời sống Việt Nam một cách mặc nhiên, như được thấy trong các sứ nghiên cứu mô tả hoạt động mậu dịch hải ngoại như sự kinh doanh chuyên độc của các tàu lớn và các kẻ trung gian nước ngoài.  Điều này tăng cường cho “quan điểm sống trên bờ, đất liền: landlubber” của xã hội Việt Nam, làm giới hạn sự khảo sát của chúng ta về lịch sử Việt Nam vào đất đai khả dĩ canh tác được. Điều này thích nghi với các miền Châu Thổ sông Hồng và sông Cửu Long, nhưng không phù hợp với vùng đất nằm giữa chúng, nơi đất đai khả canh thì yếu kém khi so sánh với các sự trù phú mà vùng núi và biển mang lại.

     Thái độ ngoan cố như thế trong quan điểm không phải là điều đáng ngạc nhiên, bởi lịch sử mậu dịch nói chung có khuynh hướng mang lại các đặc quyền cho vai trò của các thương nhân và các vị quân vương đứng trên mọi người nào khác và, trong thực tế, lại rất hiếm khi cứu xét đến tính chất đa tầng của các vai trò hỗ trợ kinh tế cần thiết phải được điều động, nhằm giúp cho hoạt động thương mại có thể tiến hành được.  Đây chính là các chức năng đã đặt các cư dân địa phương vào sự tiếp xúc trực tiếp với các thương nhân và thủy thủ nước ngoài, các hoạt động nhiều phần đóng giữ bởi dân địa phương nói (hay không nói) tiếng Việt Nam.  Chính vì thế, sự bác bỏ hay xem nhẹ các hoạt động phi nông nghiệp bởi các sử gia Việt Nam trong thực tế đã xóa bỏ toàn bộ nhóm người này ra khỏi lịch sử.  Điều này được tăng cường bởi tiêu điểm thiển cận nhắm vào các thương nhân, các vị quân vương và các kẻ điều hành tàu vận tải cỡ lớn trong văn chương về mậu dịch đường biển.  Ngay ở nơi chúng ta tìm thấy đầy người Việt Nam trong các tàu đi biển to lớn, đây là các tàu của hải tặc và chính vì thế đã từ chối sự nhìn nhận như là một phạm trù thích đáng của sự phân tích kinh tế.  Hậu quả, khái niệm về sự tách biệt tâm lý và vật lý khỏi biển cả vẫn thắng thế.

Sự Phân Hóa Cấp Miền

     Một nguồn gốc ý thức hệ khác về sự xa cách của Việt Nam với bỉển là toàn bộ các khái niệm địa dư của chúng ta về Việt Nam

Mô hình lưỡng cực

     Mô hình này hình dung một loại biện chứng giữa một trung tâm ở miền Bắc cứng ngắc, đặt tại vùng lân cận Hà Nội, và một đối cực ở miền Nam liên hệ.  Theo cái nhìn này, phương “Bắc” [(Bắc bộ hay miền Bắc) tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], thiết định trong vùng Châu Thổ sông Hồng, hành động như trung tâm định chuẩn – nói cách khác, như “cái nôi của văn minh Việt Nam”. 17 Ở đây, xã hội làng mạc bất khả thâm nhập và đơn sắc của Mus tự mình nhân lên.  Các sự ngờ vực lý thuyết thông thường xuất hiện: “sự lệ thuộc của cá nhân đối với kỷ luật tập thể của gia đình và làng xã”. 18 Ngược lại, người Việt Nam rời bỏ miền Bắc xuống phương “Nam” [(Nam bộ hay miền Nam), tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] đã tạo ra một sinh thái văn hóa “cởi mở” hơn các tiền nhân miền Bắc của họ, di động một cách dễ dàng với các tiết điệu “dễ tiên đoán và đại lượng hơn” của sông Cửu Long, cho phép ít sự kết đoàn hơn, “[có thái độ] dung chấp hơn đối với sáng kiến cá nhân và tình cảnh trái ngược với truyền thống văn hóa”.  Hậu quả, “các phương cách mới của con người Việt Nam đã được biểu lộ. 19

     Xã hội Việt Nam bởi thế đã được phác họa nhưng bị phân cực giữa Bắc và Nam, và một lần nữa lũy tre lại biểu trưng cho sự đối nghịch văn hóa mới này – bởi sự hiện diện của nó tại miền Bắc và sự vắng mặt của nó tại miền Nam.  Mô hình này tiếp tục không chế việc suy tưởng địa dư về Việt Nam.  Ngay các nỗ lực gần đây nhằm gây khó khăn cho chủ nghiã địa phương của Việt Nam viện dẫn biện chứng Bắc-Nam này – một trận chiến giữa một phương Bắc thuộc Đông Á bất động và một phương nam thuộc Đông Nam Á năng động.  Tùy thuộc vào thời kỳ bạn lựa chọn, tình trạng lưỡng cực này sản sinh ra một số phận mạo hiểm hay “một giới nông dân bất an và bật rễ” sẽ phá hủy mối liên kết xã hội liên hệ đến miền Bắc.  Tác giả Mus ưa thích lựa chọn điều kể sau, giống như các kẻ theo Mác-xít đặt căn cứ ở Hà Nội, trong khi các thế hệ học giả gần đây nghiêng về điều nêu ra trước. 20 Dù thế, bên dưới thế giới lưỡng cực Việt Nam này, căn bản kinh tế nông nghiệp đang chế ngự.

Điều lôi cuốn nhất của mô hình này là miền Nam là một khái niệm tương đối, chứ không tuyệt đối, không giống với miền Bắc.  Khi các người Việt Nam tiền phong di chuyển trên đường nam tiến, khu vực của những gì cấu thành “miền Nam’ di chuyển cùng với họ.  Dù chúng ta nối kết các điều tốt (hay điều xấu, tùy theo thế hệ của bạn) của miền Nam đương đại với vùng Châu Thổ sông Cửu Long, trong thực tế vị trí địa dư của đâu cực phía Nam này đã chuyển đổi theo lịch sử, và tọa lạc tại những môi trường hoàn toàn không giống với vùng châu thổ.  Đổi từ “Nam” sang “Tây”, và người ta gần như sẽ tin rằng chính Frederick Turner [có lẽ là một cách dùng thành ngữ của tác giả, để chỉ loại người hay thay đổi, chứ không phải là người thực, chú của người dịch] đã biên soạn ra kịch bản này.  Trong nhiều thế kỷ trước khi có sự sáp nhập sông Cửu Long, luân lý này tự nó thể hiện ra trên giải đồng bằng duyên hải nhỏ hẹp, bị kẹp giữa các bức tương núi non và vực sâu đại dương; song bất luận chiếm ngụ các bãi biển đầy cát hay các đồng bằng phù sa màu mỡ, miền Nam đã hành động trong tinh thần đồng nhất. 21 Điều này hẳn phải dẫn tới các câu hỏi về vai trò nổi tiếng của môi trường trong việc định hình văn hóa, nhưng sự việc không phải như thế.  Một khi trụ cột chính của miền Nam đã được cắm một cách thường trực ở Gia Định (Sàigòn vào cuối thế kỷ thứ 17), lãnh thổ không mấy thích hợp hoặc với “miền Nam” hay “miền Bắc” đòi hỏi một vóc dáng mới cho cơ thể địa lý Việt Nam.  Từ đó, Miền Trung Việt Nam [(Trung bộ, Trung kỳ hay miền Trung), tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] đã được sinh ra.

Mô Hình Ba Miền          

     Vấn đề phân chia địa phương này có tầm quan trọng đối với sự cứu xét của chúng ta về biển, bởi nó có tác động trực tiếp đến sự phác họa chân dung của phó sản của miền Nam, di chuyển theo hướng Nam tiến này: có nghĩa, miền “Trung”, miền có địa dư mang lại khả tính lớn nhất cho sự giao kết đường biển.  Miền Trung Việt Nam là một miền không xuất hiện cho đến khi “miền Nam” định cư một cách thường trực tại vùng lân cận Sàigòn.  Một cách điển hình, nó chi được dùng trong các cuộc thảo luận về Việt Nam thời hậu Tây Sơn (sau khi có sự phân chia lâu dài giữa miền Bắc của chúa Trịnh và miền Nam của chúa Nguyễn), nhưng các giả định về miền này được phóng chiếu lùi về quá khứ trong nhiều đường hướng. 22 Nó là một trong các khái niệm địa phương gây nhiều rắc rối nhất, song phần lớn các sử gia xem ra ưa thích sự phân chia ba miền Việt Nam cổ điển này thành miền Bắc, Trung, Nam – được hình dung một cách ẩn dụ như “hai thúng gạo trên một chiếc đòn gánh” – để mô tả miền Bắc và Nam với canh nông trù phú được nối kết lại với nhau bởi miền Trung nghèo kém nhưng cần cù.

     Núi, cát và biển chỉ để lại ít không gian cho việc trồng lúa tại miền Trung và các lưu vực “bủn xin” để tưới ruộng; từ sự kiện địa dư này, các sử gia đã giả định rằng miền này chỉ có ít điều để tán thưởng về nó, bất kể đến các nỗ lực của Việt Nam trong nhiều thế kỷ để chinh ohục, chế ngự và ổn định nó.  Kết quả, “phần lớn hoạt động văn hóa, chính trị và kinh tế nằm ở [sic] hai khu vực nòng cốt”, tức các Châu Thổ sông Hồng và sông Cửu Long gần gủi người nông dân của chúng ta hơn. 23 Cái nhìn lưỡng cực, bắt rễ từ nông nghiệp trước đây, đã sẵn xác định hậu quả hợp lý.  Người ta gần như sẽ kết luận từ mô hình này rằng người Việt Nam đã tìm thấy miền Trung chỉ như một đầu cầu xuống phương Nam, như thể được thúc đẩy bởi một cảm thức về sự tiền định.  Trong bất kỳ trường hợp nào, một khi miền nam chuyển động, các miền này đã trở thành một phần của miền Trung đói kém, nghèo khổ bởi nó có quá ít đất đai cày cấy được.  Mặt khác, miền Bắc và miền Nam vẫn còn là các tác nhân của lịch sử và các nhà trọng tài của lý lịch văn hóa Việt Nam.  Chúng ta đang quay trở lại một thế giới lưỡng cực, lọt thỏm giữa đất liền.

Mô Hình Quần Đảo

     Ngay các sử gia gần đây chống lại tính chất của giáo điều trước đây về một nông nghiệp độc canh bám vào đất, giả định theo lối diễn dịch về ảnh hưởng cấm cản của biển trên tác phong Việt Nam.  Trong những năm gần đây, các sử gia Tây Phương đã thừa nhận một lược đồ thay thế thường được sử dụng ngay cả ở Việt Nam, nhấn mạnh đến các miền lịch sử được tạo ra bởi sự đan chéo của các rặng núi chồng lên nhau, đã phân tán xã hội Việt Nam thành nhiều túi đất khác nhau.  Trong lược đồ này, địa lý cụ thể đã tạo ra, trong thực tế, “lãnh thổ rời rạc nhất trên thế giới”, một sự biểu trưng địa dư được quy cho nhà địa lý học người Pháp, ông Pierre Gourou, và có nhật kỳ từ thập niên 1930. 24 Những người viện dẫn nhận định của Gourou đã làm như thế để phát huy sự thừa nhận rất cần thiết về tính đa trạng lớn hơn, nhưng không được biết đến từ lâu trong người dân Việt Nam, xuyên qua không, thời gian, hầu giải thoát việc viết sử ký Việt Nam “ra khỏi nỗi ám ảnh nghẹt thở về căn cước và sự liên tục vốn được ủy thác bởi một niềm tín nhuốm màu sắc dân tộc chủ nghĩa, đã thực sự khích động mọi sử gia thế kỷ thứ 20 viết về Việt Nam, như tác giả Keith Taylor đã diễn đạt một cách xác đáng biết bao. 25 Khái niệm này về địa dư xã hội – văn hóa phân hóa tuy thế đã có khía cạnh kinh tế - chính trị tiêu cực của nó; cùng với tính đa dạng là sự phân chia.  Tác giả Victor Lieberman xác nhận rằng Việt Nam bị “thất lợi vì lãnh thổ kéo dài của nó thiếu mất một mạch sông trung tâm”, một đặc điểm cho phép dân chúng định cư dọc theo các hệ thông sông Chao Phraya và Irrawaddy để tạo thành các khu vực nòng cốt về hành chính và kinh tế của Thái Lan và Miến Điện ngày nay. 26 Như thế, môi trường đã không trợ lực cho sự thống nhất chính trị hay văn hóa – xã hội Việt Nam, như nó đã làm cho các nước láng giềng của Việt Nam.

     Theo mô hình này, sự phân hóa địa dư chế ngự sự liên kết, khuyên khích sự khuếch tán văn hóa.  Sự ngăn cách bởi núi cao bóp chết các khuynh hướng đồng nhất hóa, trong khi một sự “thiếu sót, đã được nhận thấy, bất kỳ mối liên kết trực tiếp nào” bởi giòng nước sẽ ngăn cấm sự hội tụ văn hóa, chính trị và địa dư.  Hiệu ứng “quần đảo” này nổi bật nhất tại Miền Trung Việt Nam, nơi mà núi đồi chia cắt miền Trung thành các sự biểu lộ địa phương tự tại của bản thể hay tác phong của con người Việt Nam.  Ẩn dụ thúng gạo và đòn gánh biến đi mất, thay vào đó, địa dư quần đảo tạo ra một loại lịch sử có lớp lang phân đoạn (episodic history). 27 Tuy nhiên, trong lược đồ này, Miền Bắc và Miền nam phần lớn còn nguyên vẹn như Đông Kinh và Nam Bộ, và chỉ có các mảnh rời của Miền Trung trước đấy trở thành nhiều “ốc đảo”, tăng cường cho các sự tin tưởng về hai đối cực hùng mạnh được nối kết một cách yếu ớt.  Trong chuỗi các đồng bằng phù sa nằm giữa miền Bắc và miền Nam, môi trường đã hạn chế chứ không trợ lực cho sức mạnh của Việt Nam.  Các đường lộ đấu tranh chống lại các núi đồi đâm ngang chia cắt các địa phương không đủ mạnh để gồm thu các “hòn đảo” trong vùng quân đảo Việt Nam này.  Tính đa trạng văn hóa – hay nói đúng hơn “các phương cách mới để hiện thành người Việt Nam – phát sinh. 28 Các học giả khác sử dụng mô hình này nhìn văn hóa cung cấp sự ràng buộc bền bỉ sẽ kết hợp những gì mà môi trường phá vỡ ra.  Tác giả Lieberman, trong cuộc nghiên cứu của ông về sự kết hợp xã hôi chính trị tại Việt Nam thời sơ kỳ hiện đại, mô tả cách thức làm sao mà văn hóa Việt Nam (đúng hơn, văn hóa Hoa-Việt) đã chiến đấu chống lại các địa phương tách rời: “các nội hàm kết hợp của văn hóa Trung Hoa … tăng cường cho một cảm thức, bị giới hạn khung cảnh, của khôi đông bình dân vẫn thách đố một môi trường vật lý phân đôi khác thường”. 29  Dù nhìn theo cách nào, biển mang lại một trở ngại mà người Việt Nam phải khắc phục. 

     Tất cả các điều này đều có tính chất thuyết phục, nhưng cũng đáng để bước ra ngoài trong giây lát để cứu xét khung cảnh của lời phát biểu nguyên thủy của Gourou về “lãnh thổ ít cấu kết nhất trên thế giới”, được viện dẫn rất thường xuyên trong ít năm qua.  Làm như thế để phát hiện rằng nhận định của Gourou có thể đã phát sinh không phải từ sự thực nghiệm cho bằng từ ý thức hệ.  Trong một công trình nghiên cứu khác, ông tuyên bố rằng “hình thể của Đông Dương thuộc Pháp sẽ không có vẻ phải là một xứ sở để thống nhất; địa thế … khiến cho sự thông thương trở nên khó khăn giữa đông và tây, và giữa nam và bắc.  Chính vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên rằng, cho đến khi có sự can thiệp của Pháp, miền đông của Đông Dương chưa hề tạo nên một đơn vị chính trị …” Ông tiếp tục nói rằng “Đông Dương thuộc Pháp là một sự tạo lập hữu lý của Pháp … Sự thông nhất chính trị tạo điều kiện thuận lợi cho sự khai sinh các quan hệ kinh tế, là điều tăng cường [ngược lại] cho sự thống nhất chính trị”. 30 Nói cách khác, không có các sự áp đặt của Pháp, bộ xương tuần hợp nhất “cơ thể địa lý’ Việt Nam sẽ không bao giờ được tạo thành; quyết chí của Pháp đã hợp lý hóa mặt đất và như thế đã mang sự thống hợp lại cho người Việt Nam đến mức có vẻ chưa từng hiện hữu trước đó.  Khi đó, liệu chúng ta có thể xem khái niệm của Gourou về sự manh múng là bất kỳ điều gì khác hơn một sự biện minh thường được sử dụng cho chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt Nam hay không? 31 Ý đồ của ông gặp khó khăn khi đó, và vẫn còn gặp trở ngại bây giờ, bất kỳ khi nào chủ thuyết ngoại lệ về văn hóa mang lại các phương tiện duy nhất cho sự kết hợp xã hội – chính trị, bất luận văn hóa đó là của Pháp hay Việt Nam.  Ảnh hưởng chia cách của núi hiển nhiên là có thực, nhưng sự tin cậy trọn vẹn nơi các âm vang của các kết luận có tính chất đế quốc chủ nghĩa đã vô tình gạt sang một bên các câu hỏi quan trọng về mối tương quan giữa môi trường và lịch sử.                    

     Các quần đảo có thể dễ dàng được xem như các mấu đốt của sự giao tiếp hay như các túi đất cách xa nhau.  Song, tất cả những gì còn lại là hai vùng châu thổ sông ngòi rộng lớn – có khả năng tự mình kết hợp, ngăn cách bởi nhiều “hòn đảo” của quần đảo Miền Trung, năng động và hùng mạnh trong tời khoảng ngắn khi được nhìn như một bộ phận của “Miền Nam” lưu động, nhưng sau đó bị bỏ rơi bởi Lịch Sử để mòn mỏi trong sự cô đơn, bị mắc kẹt giữa sự nguyền rủa hai phía từ các hàng rào núi non và sự trống không của biển cả. (Ước gì họ có một chiếc tàu).  Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của biển đối với lịch sử Việt Nam đòi hỏi một sự đãi lọc lại luận đề quần đảo này, không phải là một sự bác bỏ nó.  Nó cũng không đề nghị một sự cự tuyệt luận đề [nghiêng về] nông nghiệp, mà đúng hơn, tra hỏi những giới hạn của mô hình nông nghiệp trong việc cung cấp một biểu trưng cho việc tổng quát hóa xã hội và quốc gia Việt Nam xuyên qua lịch sử.

     Điều này trở nên rõ ràng khi chúng ta chuyển hướng sự chú ý của chúng ta đến lớp người quan trọng nhất cho sự hợp nhất của một xã hội Việt Nam vào địa lý nhân văn hiện đại của nó, người dân vùng duyên hải.  Là những kẻ nói tiếng Việt Nam (ít nhất là bây giờ), họ đã nhập vào một xã hội nông nghiệp lớn hơn, bất kể văn hóa lưỡng cư thủy lục vừa cạn vừa nước (amphibious) của họ.  Biển có tính cách sinh tử cho sự sống còn của xã hội ven biển này, bởi nó cung cấp một “tài nguyên” thuộc quyền sỡ hữu của chính nó”. 32  Giống như mọi người dân duyên hải, việc đánh bắt nuôi trồng thủy sản đã là chủ đạo, và bờ biển đánh dấu mức khởi hành, chứ không phải là điểm tận cùng, môi trường sinh sống của họ.  Canh nông bổ túc cho ngư nghiệp, giống như một loạt các hoạt động đánh phá, cướp bóc, và thương mại khác.  Đầm nước, vùng duyên hả, biển cả và các hòn đảo ngoài khơi đã cung cấp một căn bản ngư nghiệp khác biệt với ngành trồng lúa anh em ở thượng nguồn giòng sông, cổ vũ sự liên thuộc có lẽ được minh họa hay nhất bằng hai thức ăn nổi tiếng là cá và gạo. 33 Hơn nữa, xã hội duyên hải và các nhà mậu dịch hải ngoại còn liên hệ nhau để cộng sinh.

     Một làng hướng về biển như thế không cách nào có thể phù hợp với lôi sống nông dân hay bắt chước làng nông dân cổ điển (dù không thiếu các nỗ lực của nhà nước làm như thế).  Nếu có vẻ thích nghi, đó chỉ vì cách phân loại của não trạng nông dân đòi hỏi như thế.  Tình trạng này được áp dụng một cách đáng kể nhất cho phần được gọi là Miền Trung, chiếc “đòn gánh”, nơi mà sự canh tác lúa gạo thì yếu kém và các nguồn tài nguyên của cả khu vực duyên hải và vùng đất núi đồi sâu xa đều giàu có hon nhiều khi so sánh (về mặt lich sử).  Trong thực tế, có lúc các tài nguyên và người dân phi nông nghiệp này đã cung cấp căn bản kinh tế giúp cho, trong trường kỳ, sự tạo lập xã hội, quốc gia và “cơ cấu địa dư Việt Nam tiến triển kể từ khi bước sang thế kỷ thứ 19.  Xuyên qua khu vực kinh tế duyên hải này và xã hội của nó, người Việt Nam đã nối kết tới biển, và xuyên qua biển, ra tới thế giới bên ngoài.

     Trong phần kế tiếp, tôi sẽ khảo sát thế giới của các cư dân duyên hải là các kẻ đã đầu tư sâu đậm vào mậu dịch đường biển, trong các cách thức tiêu biểu của một văn hóa duyên hải.  Trong phần kết luận, tôi sẽ lập luận rằng các hoạt động của họ điển hình cho một định hướng lưỡng cư thủy lục [vừa trên cạn, vừa dưới nước] thông thường đối với mọi cư dân duyên hải Việt Nam, một chiều hướng đã hỗn hợp các thế giới bám vào đất và lênh đênh trên biển vào nhau.  Khu duyên hải này cấu tạo ra địa hạt kinh tế của chính nó, và hoạt động trong một vài đường hướng giống như một vùng đất nội địa sâu xa, trong mối quan hệ với các trung tâm thương mại và chính trị được thiết lập tại các vũng cửa sông và trên các đồng bằng phù sa.  Những người dân này đã không chỉ cung cấp cho các trung tâm thương mại và bảo vệ trung tâm chính trị; họ cũng còn phục vụ như sợi dây liên kết thiết yếu giữa các cảng ở hạ lưu giòng sông với các thương nhân – người đi biển thuộc các chiếc tàu lớn của họ.  Các sự dáp ứng của họ với các nhóm láng giềng hay người ngoại quốc đã ảnh hưởng đến các động lực cấp miền.  Một chức năng như thế chứng minh cách thức làm sao mà người Việt Nam không cần đến việc phái người đi theo các chiếc tàu lớn hầu nắm giữ một vai trò then chốt trong mậu dịch đại dương (mặc dù họ có phái người di theo tàu), hay điều hành các kho thương mại quy mô hầu sẽ được uốn nắn, từ cơ bản, bởi hoạt động mậu dịch đó.  Tuy nhiên, để chấm định được các người dân này, chúng ta trước tiên phải xác định diễn trường của các hoạt động của họ.

Khái quát hệ thống thủy đạo của vùng Thuận Quảng 34

     Để chấm định được xã hội duyên hải này, chúng ta trước tiên phải chấm định được chính vùng duyên hải, có nghĩa, “khu chuyển tiếp giữa biển và dất” và “môi trường sống” (habitat) của nó vượt xa khỏi các giới hạn [vật lý]”. 35 Để làm điều đó, chúng ta sẽ bắt đầu với các yếu tố quen thuộc hơn của địa lý “quần đảo” và thích ứng chúng để phản ảnh một cách chính xác hơn các đặc tính môi sinh ảnh hưởng nhiều nhất đến sự di chuyển của con người, hầu phát hiện được các vành đai bao quanh của các sự lưu hành xã hội làm liên tưởng đến các miền địa phương.  Việc này sẽ được làm trong một cái nhìn theo hệ thống thủy đạo, “làm đảo lộn cái trừng mắt” của địa lý siêu hình của các kẻ quen sống trên cạn trong chúng ta, bằng việc nhấn mạnh đên các sự nối kết đặt nước lên trên đất.  Mục đích không phải là để xóa bỏ đất liền đi, nhưng để tìm kiếm sự bổ túc của biển cho nó [đất liền], tạo dễ dàng hơn cho việc chấm định vùng duyên hải và xã hội của vùng duyên hải này, chủ yếu mang tính chất lưỡng cư thủy lục trong sự vận hành của nó.

     Chúng ta sẽ khởi đầu với một cụm quan trọng của “các hòn đảo” nằm trong quần đảo bao gồm các đồng bằng duyên hải được gọi là vùng Thuận Quảng. 36 Thuận-Quảng là tên gọi tắt của Thuận Hóa và Quảng Nam, hai lãnh địa biên cương phía nam thuộc đế quốc nhà Lê (1428-1788); chúng tạo thành căn cứ nguyên thủy cho quyền lực của tổng trấn-chữa trị-thành-sứ quân Nguyễn Hoàng (trị vì từ 1558-1613).  Chúa Nguyễn Hoàng đã thiết lập ra một chế độ thương mại-quân sự tự trị thường được gọi là Đàng Trong” (cũng được biết là Cochinchina) sẽ chủ trì trên một giai đọan xâm chiếm nhất trong cuộc bành trướng nhân khẩu và chính trị của người Việt Nam về phía nam, một biến cố được huyền thoại hóa là cuộc Nam Tiến [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], cuộc “di chuển xuống phương Nam”. 37 Nó đánh dấu sự kết thúc một thời kỳ lâu dài khi sự cai trị của Việt Nam sáp nhập các cảng biển do người Chàm cai quản trước đây với nhiều thế kỷ kinh nghiệm giao tiếp với các thương nhân đi biển.  Quyền hành chính trị được thiết lập tại Thuận Hóa và sau rốt được tập trung tại Phú Xuân (liên hệ với Huế ngày nay), trong khi sức mạnh thương mại nằm ở Quảng Nam, nơi hoạt động mậu dịch đã hướng đến cảng biển hạ lưu được gọi là Hội An.

     Tôi đã chọn Thuận-Quảng như một đơn vị cho sự phân tích vì ba lý do.  Trước tiên, nó là một công cụ thực tiễn cho sự phân tích một không gian nằm trong miền Trung cổ điển, trước khi miền sau này tự mình biểu lộ một cách trọn vẹn như một tham chiếu địa dư hồi đầu thế kỷ thứ 19.  Thứ nhì, như đã phát biểu ở trên, tôi tin rằng mô hình quần đảo cung cấp phương tiện tốt nhất đến này để tìm hiểu “các diện địa” (surfaces) biến đổi trong lịch sử Việt Nam, và cần phải được khai triển sâu xa hơn. 38 Tuy nhiên, mô hình còn có khả năng xa hơn việc cung cấp các phương cách tân kỳ để xem xét một sự phân cực Bắc-Nam đang chuyển động.  Chúng ta có thể nghiên cứu các miền lịch sử như Thuận-Quảng một cách độc lập với miền Bắc, miền Nam hay bất kỳ đơn vị địa phương Việt Nam nào khác, bất kể được nhận thức ra sao.  Khi làm như thế, chúng ta có thể khởi sự công việc bằng cách phát hiện các không gian này trong môi trường sinh sống của các kẻ nói tiếng Việt Nam, có các tiền lệ xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế và ngay cả về chủng tộc được phát triển một cách đặc biệt của người Việt Nam (như trong trường hợp của Thuận-Quảng) hay những kẻ có sinh thái văn hóa xem ra không thích hợp với bất kỳ quan điểm Việt Nam nào (như với xã hội duyên hải).  Sau cùng, như trung tâm của Miền Trung, Thuận-Quảng cho phép chúng ta phân tích một phần của miền “đòn gánh bằng tre” cổ điển nhằm trắc nghiệm sự tuyên xác rằng các mô hình này đã làm sai lạc sự hiểu biết của chúng ta về xã hội trên lãnh thổ và vị trí của nó trong kinh tế chinh trị của các quốc gia Việt Nam trong quá khứ.  Chính bởi thế, Thuận-Quảng mang lại một đơn vị hữu dụng cho sự phân tích.    

     Vì các mục đích phân tích, với nghị trình xã hội – kinh tế của chúng ta, chúng ta sẽ xem Hội An như trung tâm của Thuận-Quảng.  Hội An tạo thành đầu mối của một mạng lưới thương mại và mậu dịch trải rộng, biến nó thành một trong các thị trường xuất cảng và trung chuyển quan trọng nhất tại vùng Biển Nam Hải.  Hải cảng xúc tác sự phát triển kinh tế, củng cố chính trị, tái tổ chức xã hội và chuyển hóa văn hóa tại Thuận-Quảng, và liên hợp quần đảo các đồng bằng phù sa của Đàng Trong dọc theo một trục được xác định bởi một giòng chảy ven biển.  Xuôi xuống vùng hạ lưu từ các trung tâm hành chính nội địa của Thuận- Quảng, tại một khi nơi mà đất và biển hòa với nhau, vùng duyên hải xuất hiện.  Tại đây, trong vùng duyên hải và tuyến giao thông của cửa sông, các đầm nước, các đảo ngoài khơi và giòng chảy ven biển nằm giữa, sự rời rạc lãnh thổ của Gourou biến hóa thành một hợp nhất lưỡng cư, ổn định. 39

     Thuận-Quảng gần như nằm chính giữa một chuỗi dài các đồng bằng của các con sông song song, nhỏ, uốn khúc quanh một trục Bắc-Nam giữa hai đại châu thổ của sông Hồng và sông Cửu Long.  Tả lại quang cản từ chiếc thuyền ven biển của mình, tác giả Lê Quý Đôn ghi nhận: “Suốt theo đường chân trời chỉ toàn là núi và nước”.  Các núi non, ông lấy làm kinh ngạc, trông giống như một bức trường thành”. 40 Nhà truyền giáo Benigne Vachet đã viết về cuộc thăm viếng của ông đến kinh đô nhà Nguyễn tại Phú Xuân năm 1674 như sau: “Nhà của người dân Đàng Trong (Cochinchinese) … mọc lên từ bờ biển đến các núi đồi, nơi trên một khỏang không gian chừng một dặm, một chuỗi các đụn cát lớn và các lớp đất ba tầng được trang điểm với các hàng rào bằng tre đáng yêu”. 41 Đối với nhiều sử gia, đặc điểm núi non của Thuận-Quảng hỗ trợ cho quan điểm tiêu chuẩn hóa về Việt Nam như “lãnh thổ ít cấu kết nhất trên thế giới,” nơi lịch sử Việt Nam bị giới hạn vào “một giải phù sa nhỏ hẹp” trên đó các nông dân duy trì sự hiện hữu của họ một cách bấp bênh, bị dồn dựa lưng vào vách tường núi và nhìn xuống vực biển sâu. 42

Tuy nhiên, những gì núi non chia cắt, giòng nước hợp nhất lại.  Một thí dụ đáng kể về phương cách mà một khảo hướng tập trung vào đất ảnh hưởng đến quan điểm là hãy xem cùng một vùng đất được nhận thức như thế nào bởi các loại sử gia khác nhau.  Giới học thuật về Việt Nam nhìn vào núi và đồng bằng khả canh nhỏ và phán đóan Thuận-Quảng như các “hòn đảo” biệt lập” trong một đơn vị lỏng lẻo;  giới học thuật về Chàm nhìn vào giòng nước khả dĩ hải hành và nhận định các miền được nối kết một cách mật thiết với nhau và với thế giới bên ngoài. 43 Trong sự phân tích của họ về địa dư, các học giả Đông Nam Á vùng kẻ biển đã sử dụng mô hình thượng nguồn – hạ lưu, được trình bày đầu tiên bởi Bennet Bronson, để giải thích sự trao đổi kinh tế và nền kinh tế chính trị tại thế giới hải đảo của họ. 44 Dọc theo bờ biển là một chuỗi rãnh phân nước song song, phân cách bởi các dẫy núi băng ngang và chảy theo các độ dốc lớn, với môi trường sống định cư dọc theo luồng nước liên tục từ thượng nguồn xuống hạ lưu, nhưng tập trung ở các đồng bằng phù sa gần các cửa sông.  Các sử gia về Chàm đã du nhập mô hình của Bronson vào các lược đồ phân tích của chính họ, nhằm lập ra lý thuết về sự tương đồng giữa các môi trường “các cụm đảo” của Chàm với thế giới hải đảo của Mã Lai. 45 Các giả định về biển như một môi trường trung gian (chứ không phải là một khoảng trống không) đã thúc đẩy các sử gia về các miền đất của Chàm truy tìm các dấu hiệu của hoạt động hải ngoại và, ngược lại, các dấu hiệu về các sự giao tiếp nước ngoài trong phạm vi lãnh địa Chàm.  Chính vì thế, các miền đất như Thuận-Quảng, không còn là quái tượng lục địa mà như một “hải đảo” điển hình trong khu vực Đông Nam Á kẻ biển, được so sánh một cách hữu dụng với các môi trường của “khu khô hạn tương tự” tại miền Đông và Đông Nam Á kẻ biển. 48

     Sự kết hợp sông nước đã là một sự ghi nhận quen thuộc trong các sự quan sát hồi thế kỷ thứ 17 về Thuận-Quảng.  Các sự nối kết được thực hiện xuyên qua sông ngòi, đầm nước và các giòng nước ven biển và đại dương cắt nhau tại các hải cảng ở vũng cửa sông; sự du hành bằng thuyền liên kết tất cả chúng với nhau.  Sự liệt kê cẩn thận của tác giả Lê Quý Đôn về các thủy lộ va đường bộ tại Thuận Hóa năm 1776 cho thấy một sự ưu thắng của sự lưu thông đường nước trên sông, bờ biển, và biển cả. 47 Nhà sư Trung Hoa, Thích Đại Sán, đến viếng thăm Thuận-Quảng trong năm 1695, đã mô tả một cách thích đáng về chức năng chủ yếu của nước trong sự vận tải: “Không cách nào đi lại giữa hai huyện [bằng đường bộ].  Hãy đi tới cảng biển, và đó là huyện lỵ.  Nếu bạn muốn đi đến một huyện lỵ khác, bạn phải đi thuyền từ một hải cảng ra biển và, dọc theo núi non, tiến đến hải cảng khác”. 48 Hơn nữa, thương mại, quân sự, và hành chính đều dựa trên cùng cách thức lưu thông đường nước này, đã tụ hội tại giao lộ của các tuyến đường trên sông, duyên hải và đại dương. 49  Các bản đồ và lộ trình Việt Nam từ các thế kỷ thứ 18 và 19 xác nhận sự tương đồng về phẩm chất của các lộ trình đường bộ, đường sông và duyên hải. 50 Song một vài cách thức vận tải hữu dụng hơn các cách thức khác; thí dụ, trong các trận lụt tháng Mười Một – Mười Hai, “xứ sở chỉ có thể qua lại bằng thuyền”.  Đều này “tạo ra sự thuận lợi đáng kể … bởi vì toàn thể đất nước đều hải hành được … các sản vật rất dễ dàng được vận chuyển từ thành phố này đến thành phố khác”. 51      

     Nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes nhận xét rằng Thuận-Quảng ‘được tưới bởi hai mươi bốn con sông tươi đẹp, giúp cho việc lưu thông dề dàng một cách tuyệt vời, tạo thuận tiện cho cả nền thương mại lẫn sự vận tải”. 52 Khi tác giả Lê Quý Đôn tổng kê bờ biển Thuận Hóa cho báo cáo năm 1776, ông đã mô tả chức năng của các con sông kề cận theo các cách mà đối với chúng ta tương tự như biểu đồ hình cây (dendritic) của Bronson – có nghĩa, các phụ lưu chảy trên các tuần dốc, ngắn, hợp nhất ngắn ngủi ở chân núi và tỏa rộng như nan quạt khắp đồng bằng để đổ vào các cửa sông lấn sâu vào trong đất liền hay các vịnh.  Trong thực tế, các thủy lộ của Thuận-Quảng thường cung cấp lối chuyên chở quanh năm cho các con tàu di hành giữa vùng thượng nguồn và cửa sông bên dưới.  Các chiếc bè di hành trên các nhánh vươn lên thượng nguồn của các chi lưu nép mình tại các cao nguyên rừng rậm, thu gom các sản phẩm từ các thị trường địa phương nơi mà lộ trình của chúng cắt ngang các đường lộ và các đường mòn.  Từ đó, các sản phẩm đổ xuống vùng đồng bằng phù sa xuyên qua một mạng lưới các chợ địa phương. 53 Ở nơi mà các phụ lưu hội tụ và thượng du trở thành vùng đất thấp, hành trình của chúng kết thúc tại các chợ cấp miền, nơi mà các nhà mậu dịch địa phương bị ngăn cấm xuống các cảng vùng hạ lưu có thể trao đổi các sản phẩm của họ lấy đồ dùng vùng đất thấp, vùng duyên hải và hàng hóa ngoại quốc.  (Thường, ngôi chợ cấp miền chính yếu nằm đối diện với quân trấn của tỉnh, như trong trường hợp Hội An)  Các sản phẩm vùng thượng du sau đó sẽ được chuyển tiếp trên các tàu chở hàng đường sông giăng mắc các con sông, các lạch nhỏ, các đầm, các hồ, xòe nhánh khắp đồng bằng phù sa. Tại bất kỳ số lượng nào của các ngôi chợ địa phương nằm trong mê lộ sông nước này, các con tàu đã tiếp nhận các sản phẩm nông nghiệp và chế tạo phẩm của các khu định cư vùng đất thấp.  Một số các sản phẩm này được dành cho các thị trường địa phương, một số được chở xuống các hải cảng hạ lưu của Thuận-Quảng. 54 Từ đó, các tàu cận duyên có thể chuyển tiếp lần nữa các vật phẩm tới Hội An; các sản phẩm này sẽ được tái chuyển tiếp, hoặc cho sự phân phôi nội địa trên các con tàu cận duyên hay để xuất cảng trên các con tàu ngoại quốc. 55 Tiến trình này minh họa cho phương thức làm sao mà các tuyến duyên hải, các con sông, các đầm, và các kinh rạch len lỏi xuyên qua các đuờng lộ và đan kết các ngôi chợ, các đồn trại và khu định cư lại với nhau trong ba khu kinh tế của miền để tạo thành một đơn vị kinh tế liên kết chặt chẽ.  Các phân miền của Thuận-Quảng theo đúng mô hình Mã Lai của tác giả Bronson.

     Một yếu tố mà biểu đồ của Bronson đã bỏ sót, và là một yếu tố thiết yếu để hiểu được Thuận-Quảng, là hành lang duyên hải.  Bằng chứng cho một khu duyên hải bị phân cách của sự lưu thông trên nước chỉ có thể được tìm thấy qua việc nhìn vào biển từ các bờ biển của Việt Nam, bởi chính số lượng và các loại thuyền có kỹ thuật được phát triển một cách đặc biệt nhằm tối đa hóa sự du hành cận duyên. 56  Các nguồn tài liệu thu thập về Thuận-Quảng trong thời cực thịnh của Hội An bao gồm nhiều sự tham chiếu đến sư lưu thông ven biển này cũng  như về kỹ thuật.  Nhà sư Thích Đại Sán mô tả hành trình của ông từ kinh đô chúa Nguyễn xuống Hội An trong năm 1695 trên một chiếc tàu cận duyên của hải quân.  Nhà truyền giáo Vachet thuật lại cuộc du hành năm 1686 của ông từ Ayudhya [Thái Lan] đến Nha Trang trên con thuyền “Sinja” – một thuyền gia [? tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], thuyền kiểu prau tiêu chuẩn [kiểu Mã Lai, chỉ thuyền bầu ở xứ Chàm trước đó, chú của người dịch] hiện diện tại bờ biển Đàng Trong. 57 Vào thế kỷ thứ 19, các quan sát viên ngoại quốc thường xuyên bình luận rằng “nhiều tàu nhỏ đi lại thường trực” ở duyên hải. 58 Các sự di chuyển quân sự Việt Nam đi theo giòng chảy này nhiều lần kể từ thế kỷ thứ 10. 59 Việc tuần tra hành lang duyên hải giữa các vũng và các đảo là một trách nhiệm chính yếu.  Ngay cuộc khởi hành của chúa Nguyễn Hoàng xuống biên cương phương Nam năm 1600, dẫn dắt đến sự tạo lập xứ Đàng Trong, xẩy ra trên một chiếc tàu cận duyên. 60

     Các sử ký nhà nước cùng các pháp chế tương tự chứng minh tầm quan trọng của sự giám sát đường biển.  Lý luận duyên hải này có thể được phát hiện trong các sách về địa dư, các tập chỉ dẫn hải hành, các sách về du lịch có xuất xứ từ Tây phương, Trung Hoa và Việt Nam. 61 Cuộc khảo sát của Lê Quý Đôn về các văn khố của Đàng Trong bao gồm nhiều sự tham chiếu đến sự lưu thông cận duyên của vương quốc, và có khi còn đi xa hơn chút ít: thí dụ, một hải trình lái thuyền từ Sơn Nam (tỉnh Nam Định ở miền Bắc ngày nay) xuôi nam; các sự mô tả sông, tàu cận duyên và tàu đi biển, cùng với các tàu đáy bằng chèo tay của hoàng triều; và các danh sách các trạm trung chuyển ven biển, các cửa sông, các vịnh, các đầm và các hồ, ao nước nhỏ.  Tất cả những điều này được gồm trong một chương của bộ sách khảo sát sáu tập, dành riêng cho địa dư, với các thành tố cơ cấu gồm nước đầu nguồn, giang lộ, các kinh đào, các bến đỗ, các con phà, các cửa sông, các hòn đảo, các đầm, và các đường lộ bổ túc cho chúng. 62 Nhiều tài liệu Việt ngữ khác còn tồn tại đến nay – các công trình vẽ bản đồ, các địa phương chí của triều đình, các pháp chế hành chính, các sắc dụ hoàng triều, các câu chuyện về địa dư – chứng liệu cho trục duyên hải đã kết hợp các tỉnh tập trung nơi cửa sông nằm giữa các Châu Thổ sông Hồng và sông Cửu Long.  Nhà nước lệ thuộc vào sự vận tải duyên hải để duy trì dân số của nó tại miền bắc lãnh thổ, các kẻ vào khoảng đầu thế kỷ thứ 18 đã được nuôi dưỡng bởi sự tái phân phối gạo từ Trung Hoa, Xiêm La và người Việt Nam mới ở “miền Nam”, Sàigòn.

     Khu duyên hải này quan trọng vì bốn lý do.  Trước tiên, thương mại đất liền và đường biển phải đi xuyên qua nó để có được sự tiếp cận với miền khác.  Sự kiện này đặt các cộng đồng duyên hải vào một vị thế trung gian giữa các xã hội đất liền và kẻ biển, một sự kiện quan trọng mà ảnh hưởng sẽ được thảo luận sâu xa dưới đây.  Thứ  nhì, toàn bộ giòng chảy duyên hải phía nam Cù lao Càm hòa nhập với lối thông hành chính yếu nối liền Trung Hoa với Ấn Độ Dương để tạo thành một tuyến duy nhất, trước khi các kỹ thuật hải hành cho phép các chiếc tàu băng ngang khu biển nằm giữa đầy nguy hiểm. 63 Song song với bờ biển của Đàng Trong, các quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và Trường sa (Spratley) tạo thành hai trong ba cụm các hòn đảo, bãi cát và đá ngầm dàn trải khắp phạm vi biển Nam Hải và đặt ra sự nguy hiểm nghiêm trọng cho bất cứ ai có can đảm đi ngang qua chúng. 63 Gần như tất cả các đảo này bị bỏ hoang vu.  Đá ngầm vô kể nằm rải rác, phần lớn trong chúng chìm dưới nước như các quả mìn khắp vùng giữa biển.  Thật bất hạnh cho thuyền nào bị trôi giạt vào “giải đá ngầm bất ngờ này … bị che phủ bởi lớp cát”, thô và cư’ng như sắt.  Đối với một chiếc thuyền, một cạnh sắc [của đá] sẽ đâm và xé nát con thuyền thành từng mảnh”. 65

     Các luồng chảy về phía đông dữ dội có nghĩa mối nguy hiểm tăng cao đến độ chết người bất kỳ khi nào mà gió mùa ngừng thổi.  Để tránh đại họa này, các tàu có năng lực lớn trương buồm giữa Trung Hoa và Ấn Độ Dương đã bám sát lấy bờ biển Đàng Trong giữa các hòn đảo từ Cù Lao Chàm đến Côn Sơn (Pulo Condor).  Các đá ngầm trên biển đã thực sự đẩy các con tàu men theo một hải lộ duy nhất dọc theo bờ biển đó.  Chính vì thế, khỏang màu xanh trải rộng trên các bản đồ quy ước phủ nhận sự kiện rằng, trong thời đại  lái buồm, giải duyên hải này tác động như là một eo biển hơn là như một đại dương.  Sự am hiểu đường biển của miền này đã khai thác nút chặn lưu thông này để thu chiến lợi phẩm từ hoạt động mậu dịch, đột cướp hay cả hai.  Hậu quả, giòng chảy duyên hải Đàng Trong mang lại sức mạnh tiềm tàng lớn lao cho nhà cai trị nào có thể kỉểm soát hữu hiệu các kẻ cướp bóc địa phương và cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các người đi  biển bị bắt buộc phải lái đến đó (bởi đó là lý do cho việc đặt tên Hội An (chỗ trú náu an toàn). 66 Sự việc này mang lại một yếu tố khác để bổ túc vào lý luận chính trị của sự bành trướng chính trị và quân sự của nhà Nguyễn trong suốt các thế kỷ thứ 17 và 18. 

     Một lý do thứ ba là luồng chảy cận duyên cũng là một phần của tuyến liên tục của các chiếc tàu duyên hải vượt quá miền Thuận-Quảng.  Các học giả đã không đếm xỉa đến nền thương mại duyên hải liên quốc gia này , để nghiêng về phía các tàu lớn, nhưng các chiếc tàu của Thái, Trung Hoa và Việt Nam qua lại bờ biển ít nhất đến tận các hải cảng ở nam Trung Hoa và Xiêm La, bộ túc thêm một yếu tố mới cho sự hiểu biết của chúng ta về sự trao đổi quốc ngoại trong nền kinh tế của Thuận-Quảng.  Nó không chỉ làm gia tăng số xuất nhập cảng vượt quá mậu dịch hải ngoại, mà quan trọng hơn, đã duy trì thương mại và giao thông giữa hai lãnh địa cạnh tranh nhau của chúa Nguyễn và chúa Trịnh.  Dân chúng của Thuận-Quảng, tọa lạc tại yết hầu của một sự hoán đổi đường biển thuộc [đông] bán cầu, không làm gì khác hơn là được nối kết với các luồng thương mại lớn hơn, không chỉ là nối kết với nhau.

     Sau cùng, tất cả các điểm trên chỉ tổng gộp tầm quan trọng của chức năng của luồng chảy cận duyên như một loại sông lớn, tống hợp, trong cung cách mà các trung tâm đô thị, hành chính, quân sự, và thương mại đều hội tụ ở cùng cửa sông đầu mối nối kết các giòng chảy đại dương, duyên hải và sông ngòi.  Giống y  như các con sông Irrawaddy và Chao Phraya được nói đã cung cấp một động mạch trung tâm cho việc thống hợp các xã hội và tạo lập các quốc gia tập trung hóa, luồng chảy duyên hải này đã cung cấp một phương tiên trên nước cho sự kết hợp các số dân được xem là bị phân tán.

     Hai thành phần nâng cao hơn nữa [giá trị của] giòng chảy cận duyên, và một lần nữa tu chỉnh biểu đồ của Bronson.  Một thành tố là các đầm (lagoons).  Các giải cát duyên hải kéo dài từng có lúc bảo vệ các đầm và hồ nước dài không kém, nhiều đầm hồ có thể đi thuyền, song được bảo vệ tách biệt khỏi biển.  Một số tạo thành các nơi neo tàu lý tưởng.  Đầm có chứng liệu đầy dủ nhất là đầm Cổ Cò, một luồng nước chảy giữa Cửa Đại Chiêm của Hội An và Cửa Hàn của Đà Nẵng. 67 Một đầm khác, cạn hơn, nối Hội An bằng thuyền nhỏ với Tam Kỳ ở phía Nam.  Các đầm này bổ túc cho mạng lưới các chi lưu vùng châu thổ và các kinh đào phục vụ rất hữu hiệu cho đồng bằng phù sa của Hội An.  Các đầm đã cung cấp lối thông hành và nơi thả neo cho các tàu cận duyên và biển sâu, trong khi mang lại sự kết hợp rộng lớn hơn cho các luồng lưu thông giữa nội địa và vùng duyên hải / đại dương.

     Các hòn đảo ngoài khơi cũng thay đổi biểu đồ Bronson áp dụng cho Thuận-Quảng, bởi chúng đóng một vai trò quan trọng trong sự kếp hợp các luồng lưu thông đại dương và duyên hải.  Hàng ngàn các đảo nhỏ tọa lạc quanh bờ Biển Nam Hải, nằm rải rác giữa các đảo lớn của Quần Đảo Nam Dương và ngoài khơi bờ bỉển thuộc lục địa Á Châu (chỉ riêng tỉnh Quảng Đông của Trung Hoa có hơn 700 đảo nhỏ).  Các đảo ngoài khơi này cung cấp các dấu hiệu hướng dần hải hành thuận tiện, và những đảo như Cù lao Chàm, với các nguồn nước ngọt, đã được sử dụng cho việc tu sửa và tái tiếp tế các tàu thuyền trong ít nhất một nghìn năm trước khi sự cai trị của Việt Nam cập bến.  Chúng cho phép các tàu thuyền đến nương náu, tu bổ, và ngay cả việc thực hiện chút it hoạt động mậu dịch mà không cần thả neo ở ngoài biển.  Tuy nhiên, không giống như Trung Hoa, con số các hòn đảo đủ nhỏ để chúng có thể được kiểm soát một cách dễ dàng hơn, khước từ sự an toàn và cứu hộ quân hải tặc.  Các cư dân trên đảo và các láng giềng duyên hải của họ hưởng lợi trong việc phục vụ các thủy thủ, và bảo vệ hòn đảo cho vị chúa tể Việt Nam của họ.  Chính vì thế, chúa Nguyễn đã hưởng lợi từ giá trị chiến lược của các hòn đảo. 68

     Thủy đạo học có trình bày các khả tính môi sinh vốn đã khích lệ sự trao đổi đầu tiên xuyên qua các khu sinh thái (thượng nguồn – hạ lưu giòng sông) và sau đó sự lưu hành thương mại (hợp pháp hay không) xuyên qua Hội An và các hải cảng thứ yếu của nó dọc theo hành lang cận duyên của Thuận-Quảng.  Tuy nhiên, điều này không nói rằng sự giao thông đường bộ là không quan trọng hay không liên hệ.  Các dữ kiện địa dư chứng liệu cho tầm quan trọng của sự du hành đường bộ cũng như sự vận tải bằng ngựa và voi khiến ta nghĩ rằng các mạng lưới trên đất liền và thủy lộ đã bổ túc lẫn nhau, và tại nơi chúng giao nhau, các thị trường được thiết lập.  Trong vùng sông nước dầy đặc này, chỉ có ít các chiếc cầu; các thớt voi, nếu có, có thể lội qua phần lớn các giòng nước nội địa.  Các chiếc phà có mặt khắp nơi (và có lẽ rẻ hơn đối với phần lớn), và không cuộc hành trình đường xa trên đất liền nào lại có thể đi xa mà không sử dụng voi. 69 Giống như sự vận tải trên nước chiếm ưu thế khi ta đi xuôi xuống hạ lưu, sự vận tải đường bộ chế ngự khi ta đi lên các vùng cao nguyên.  Ở đầu mút nào đi nữa, các nhà mậu dịch ngoại quốc tụ tập và các cư dân địa phương đến giao tiếp với họ.  Sự chuyển vận đường bộ và đường thủy cộng tác với nhau theo cùng phương cách mà thượng nguồn cộng tác với hạ lưu hay núi rừng cộng tác với đồng bằng lúa gạo và khu duyên hải. Tất cả đều bổ túc cho nhau.  Song, tối hậu, thời biểu gió mùa ấn định cho các tiết điệu của thương mại.  Sự kiện này đã điều hướng xã hội Đàng Trong – một cách gián tiếp hay trực tiếp, toàn thể hay từng phần – hướng ra biển.

     Biểu đồ của Broson được tu chỉnh của chúng ta cho vùng Thuận-Quảng giờ đây đã hoàn tất.  Con sông đã thống nhất các vùng nội địa sâu xa của nó quanh một cảng chính yếu ở vùng hạ lưu, được lập trên giòng chảy lớn nhất của châu thổ.  Mồi hải cảng được đi kèm bởi một trấn [chỉ đồn đóng quân, có bộ chỉ huy quân sự phòng thủ vùng đó, chú của người dịch].  Thường các cảng và trấn thứ yếu được thiết lập tại các cửa sông nhỏ hơn, đảm nhận các thuyền cận duyên nhỏ hơn.  Mỗi vùng chia cách nước (watershed) đóng vai trò như một tỉnh thuộc quốc gia chúa Nguyễn.  Giống như các tiền nhiệm người Chàm, các vị chúa Nguyễn cho đóng các trung tâm hành chính địa phương hơi xích lên phía thượng nguồn một chút, ở các chân núi nơi mà các phụ lưu trong các hệ thống sông ngòi ngắn, dốc và chảy xiết này hội tụ nhau trước khi mau chóng xòe ra như cánh quạt, chảy khắp một đồng bằng châu thổ.  Chợ [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] cấp miền trung ương, cũng tọa lạc ở đây; đôi khi, như trong trường hợp của Hội An, nó nằm đối diện với bộ chỉ huy quân đồn trú của tinh [dinh, tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] .  Các trạm đầu nguồn [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] bảo vệ cho các chợ, nơi các nhà mậu dịch hạ lưu có giấy phép gặp gỡ với người không phải dân Việt Nam sống ở vùng thựợng lưu.  Các lối thông hành nội địa đã dẫn dắt về phía tây vượt quá các xã hội sông Cửu Long, và lên phía Bắc, đến Đàng Ngoài (Tonkin) và Trung Hoa.  Sự lưu hành thương mại và hải quân đi theo trào lưu mạch chính của bờ biển đã kết hợp các miền song song xuyên qua các hải cảng cửa sông.  Các đầm khắp nơi nâng cao hơn nữa sự kết hợp nội địa – duyên hải bằng việc cung cấp lối thông hành được bảo vệ chạy song song với bờ biển cũng như nhiều nơi thả neo.  Sự lưu thông đại dương hòa nhập với duyên hải là do các sự hiểm ngheo của vùng biển nằm giữa.  Xuyên qua các cửa sông, các đầm, và các đảo ngoài khơi, các giòng chảy thương mại duyên hải / hải ngoại đã nối liền các miền sông ngòi của Thuận-Quảng với các hải cảng và thị trường nước ngoài.

     Một cách thú vị, các đặc tính địa dư này không bị giới hạn vào vùng Đông Nam Á.  Khi các khách tạm trú và định cư gốc Trung Hoa chiếm đa số tại Hội An – đặc biệt là người Hokkien (Phúc Kiến) – vươn tới vùng đất mới lạ, [cảnh trí] Thuận-Quảng hẳn cũng đã được thấy là khá quen thuộc.  Ảnh hưởng của núi và biển của Phúc Kiến trên sự phát triển của nó đã thu hút từ lâu các sự chú ý của các sử gia kinh tế Trung Hoa và các nhà nhân chủng học.  Các sự mô tả địa dư miền Trung Việt Nam trong các khía cạnh nền tảng của nó không mấy khác biệt với địa dư của phần lớn các miền biển ở miền nam Trung Hoa – đặc biệt là Phúc Kiến. 70 Trong thực tế, ngoại trừ các giòng sông Châu Giang (Pearl), sông Hồng, sông Cửu Long và sông Chao Phraya, bờ biển vùng lục địa Á Châu từ sông Dương Tử đến Eo Biển Melaka phù hợp với mô hình quần đảo của Bronson.  Dĩ nhiên, trong một khung cảnh đối chíếu rộng lớn như thế, các điểm tương đồng sớm bị tan vỡ dưới sức nặng của các điểm đặc thù như khí hậu, môi trường sống v.v… Bờ biển của Thuận-Quảng có nhiều cát hơn, bờ biển Phúc Kiến gồ gề hiểm trở hơn, và Quần Đảo bao gồm quá nhiêu hòn đảo, nhưng các sự tương đồng địa dư căn bản là thực.  Biển thẩm nhập làm nhẹ bớt sự cô lập trong thế giới các thung lũng nhô lên cao này.

     Từ cái nhìn thuỷ đạo học này, Hội An không tiêu biểu cho thế giới Đông hay Đông Nam Á, mà đúng hơn là một thế giới của biển Nam Hải.  Trong biểu đồ này, các con sông vĩ đại là ngoại lệ, chứ không phải là tiêu chuẩn.  Hay đúng ra, vùng duyên hải thường tước đoạt quyền lực của các con sông vĩ đại trong việc tạo tập các khu chính trị và thương mại nòng cốt.  Nơi mà các học giả về Đông Nam Á lục địa có thể nhìn như sự phát tán vì sự vắng mặt của một giòng sông thống nhất như sông Cửu Long hay sông Irrawaddy, hay sự cô lập chung trong các núi non xuyên ngang, các học giả về Đông Nam Á hải đảo nhận thấy một sự thống hợp khả dĩ thực hiện được nhờ các chiếc tàu cận duyên.  Tính chất này được tăng cường với sự hội tụ của lưu thông duyên hải và đại dương dọc theo bờ biển Thuận-Quảng.  Miền duyên hải, khi đó, đã sắm một vai trò trung tâm như một tuyến giao thông thống hợp trong các sinh hoạt kinh tế của người dân Đàng Trong, thi hành một chức năng trong bản chất giống như chức năng của các con sông vĩ đại của vùng lục địa.  Đường nét này không gạt bỏ các sự chia cắt tạo ra bởi các núi non, mà đúng hơn để đối trọng với chúng.  Động lực duyên hải, nơi mà núi và biển bổ túc cho nhau xuyên qua một con đường huyết mạch duyên hải, xác định cơ cấu căn bản trong đó các nền kinh tế, các chính thể và các xã hội đã phát triển trong một thế giới Biển Nam Hài, và chính trong khung cảnh duyên hải này chúng ta phải lý giải ý nghĩa của Thuận-Quảng, Đàng Trong và Miền Trung cổ điển.

Định Vị Xã Hội Duyên Hải

     Các học giả người Pháp thế kỷ thứ 20 nghiên cứu về Việt Nam, bất kể thiên kiến nông nghiệp của họ, đã lưu ý đến văn hóa sông nước bao quanh họ và môi trường duyên hải của Việt Nam.  “Bờ biển tự thân dính liu đến đời sống của biển”, Gourou có viết.  Bất cứ nơi đâu biển cắt các khoảng lõm sâu vào đất liền, “vô số nơi ẩn náu giữa cảnh trí thiên nhiên” đã cung cấp các nơi chốn mà “các thuyền đánh cá ven biển với trọng tải đáng kể có thể tìm thấy các chỗ ẩn trú vô hạn định, nhưng chúng cũng có thể sử dụng các bến đâu an toàn bao gồm các cửa sông tại các khu đất bồi … và các đầm, mà sự tiếp cận vốn thường được cung cấp bởi các con lạch đủ sâu cho các thuyền đánh cá”. 71 Tuy nhiên, người dân đánh cá bị nhìn như một thế giới khác biệt, nếu như họ có được ngó ngàng đến chút nào.  “Họ đã trở thành hai nhánh riêng biệt của cùng một chủng tộc, nhánh trồng lúa – thương mại và nhánh dân đánh cá”, như tác giả J. Y. Claeys đã viết nơi một trong số ít các cuộc nghiên cứu đã từng được thực hiện về mối quan hệ của Việt Nam với biển, dựa trên công trình của các học giả người Pháp trước đây. 72 Trong một sự chụp giựt không cần biết đến phản ứng, dân đánh cá bị tách ra khỏi hoạt động thương mại và vùng nội địa; tính chuyên độc của mô hình nông dân một lần  nữa được bảo tồn.

     Song văn chương về Thuận-Quảng cho thấy rằng người dân của vùng duyên hải đã giao kết ngoại sinh với các láng giềng nội địa của họ, với các vị chúa Nguyễn của họ, và với chính hoạt động thương mại vùng biển.  Các khu định cư duyên hải mang lại các lợi ích chính trị và kinh tế phát sinh từ môi trường sống của chúng, kể cả sự gần cận với các sự trao đổi trên biển và đất liền quan trọng, tiếp cận với các tài nguyên ven biển và kiến thức kỹ thuật để khai thác các nguồn tài nguyên này.  Ngược lại, các khu định cư này hưởng được sự tiếp cận với các sản phẩm thựong nguồn và hải ngoại, và lấp đầy các lỗ hổng then chốt trong việc phục vụ thương mại và nhà nước, làm kế sinh nhai trong ngư nghiệp của mình.  Chúng cũng giành giựt về thương mại, và phá vỡ các chỉ tiêu nhà nước, thật giản tiện như thể các quy chuẩn này phục vụ cho chúng.  Tình trạng liên thuộc này giữa xã hội duyên hải của Thuận-Quảng, khu láng giềng thượng nguồn, giới thượng lưu chính trị trên đất liền và các nhà mậu dịch phương xa, không có gì mới mẻ trong thế kỷ thứ 17; sự hội nhập như thế vào các mạng lưới ngoại thương và mậu dịch cấp miền phức tạp đã hiện hữu trước đó.  Bằng chứng khảo cổ học khiến ta nghĩ rằng các cư dân duyên hải đã phát triển các mối quan hệ đổi chác với các láng giềng thượng nguồn vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, và các bằng chứng ngữ học còn khiến ta liên tưởng đến các sự giao tiếp sớm hơn nữa.  Trong thực tê, thói quen trao đổi trong xã hội duyên hải Thuận-Quảng đã có từ lâu, trước ngày có sự tham dự của nó trong mậu dịch hải ngoại, mang tính cách điển hình của các xã hội ven biển khắp thế giới. 73

Luồng Nước Thượng và Hạ Nguồn Trong Sự Tạo Thành Xã Hội Duyên Hải

     Các khả năng sản xuất của riêng vùng duyên hải Thuận-Quảng đã thu hút các nhà mậu dịch đường biển và đia phương vào các mối quan hệ trao đổi thương mại trường kỳ.  Các nguồn tài liệu về chủng tộc học cung cấp đủ dữ liệu để xác nhận một loạt các hoạt động hướng về thưong mại, các kỹ thuật và kỹ thuật học về sự sản xuất của họ, cùng đầu mối trong sự trao đổi của chúng.  Việc đánh cá đã cung cấp một thí dụ hiển nhiên.  Trong mùa đánh cá, các ngư phủ cận duyên bắt được cá lẻ loi (offish), sò ốc, rong biển và các thực phẩm khác để bán tại các ngôi chợ địa phương.  Phần lớn trong đó được biến cải thành nước mắm [tiếng Việt trong nguyên  bản, chú của người dịch] , loại nước chấm dinh dưỡng làm bằng cá; phần còn lại được phơi khô để đem tiếp thị ở đia phương, trên đất liền và hải ngoại.  Hai sự quan sát Âu châu mang lại cho chúng ta một vài cảm nhận về kích thước của sự sản xuất này.  Christoforo Borri, một giáo sĩ Dòng Tên sống tại Đàng Trong trong thập niên 1610, nhận xét rằng “quá nhiều thuyền đi đánh cá … Thật đáng nhớ khi trông thấy các dẫy dài người dân mang cá từ bờ biển lên vùng đồi núi; công việc được làm đúng giờ, mọi ngày, bốn tiếng trước khi mặt trời lên”. 74 Hai thế kỷ sau đó, trên đường giữa Hội An và Huế, một viên thuyền trưởng người Pháp đã nhận xét: “Buổi tối chúng tôi trú ở chân ngọn đèo lớn … Dọc suốt theo chân các ngọn đồi là một đầm nước bao la, cách biệt với biển bởi một bờ cát tự nhiên, có chiều rộng vào khoảng 100 sải (fathom: tương đương 1.82 mét, chú của người dịch] và dài mười sáu dậm … Đầm hay hồ muối đầy cá, tạo ra các lợi nhuận to lớn cho nhiều ngôi làng trên bờ”. 75 Các nhận xét này và nhiều sự quan sát tương tự khác xác nhận sự nhận định của Gourou về các đăng cá và thuyền đánh cá trên các hải phận duyên hải, cửa sông và đầm nước. 76 Trên đất liền, việc sản xuất muối cung cấp một sản vật sinh tử cho tòan miền, bởi giá trị dự trữ của nó ngoài các cách sử dụng khác.77 Các nguồn tài liệu Việt ngữ quan trọng cho các thế kỷ thứ 16 đến thế kỷ thứ 19 xác nhận các ngành kinh doanh ngư nghiệp này cho vùng Thuận-Quảng. 78 Nhận định từ các tài liệu thuế khóa cho các năm 1768-73, khối lượng giao dịch các sản phẩm này khiến ta nghĩ [chung] tạo thành một bộ phận liên tục và lớn lao trong nền kinh tế Đàng Trong; theo các tài liệu này, triều đình nhà Nguyễn thu được 14 phần trăm tổng số thuế từ ngư nghiệp, khiến ta nghĩ nhà nước lệ thuộc không ít vào ngư nghiệp.  Con số này nhỏ hơn nhiều so với các số thu từ lâm sản (47% ) – nguồn lợi tức phong phú nhất của vương quốc – nhưng lớn hơn nhiều so với số thu từ việc hải vận hải ngoại và nội địa (lần lượt là 4.2% và 4.3%).  Nếu chúng ta cộng thêm các sắc thuế trên muối, các đầm và thuế liên hệ đến duyên hải khác vào trong bảng liệt kê này, tỷ lệ phần thu sẽ còn lớn hơn nữa. 79 Đây là điều gây ngạc nhiên, khi đối chiếu với sự xác định ước lệ rằng các sô thu thuế quan từ mậu dịch trung chuyển hay chuyển tàu ra hải ngoại tạo thành căn bản kinh tế của vương quốc cúa Nguyễn.

     Các tài liêu Việt ngữ cũng cung cấp các chi tiết về nơi mà các các hải sản được tiếp thị.  Các tài liêu cho chúng ta thấy rằng các sản vật này di chuyển cả trong nước lẫn hải ngoại.  Các nhà buôn lẻ thượng nguồn xuống các chợ cửa sông để mua cá khô, rong biển, sò ốc, nước mắm và muối, mà họ sẽ chở lên thượng nguồn để bán tại các chợ vùng đồng bằng và cao nguyên, di chuyển theo đường bộ hay đường sông.  Các sản phẩm duyên hải này thâm nhập vào sâu trong nội địa.  Các hải sản có tính cách điển hình cho các hải cảng hạ nguồn của Thuận-Quảng. 80 Tại chợ Hội An, nơi “dân chúng mua và bán các loại rau, cá, hoa quả, và các loại sò ốc cả ngày”, các bảng liệt kê ghi các vật phẩm hàng ngày nay cùng một loạt các tài nguyên miền biển khả dĩ tiếp thị: mai rùa, vi cá, bào ngư, ngọc trai, ốc, tôm, và các loại sò ốc khác, cá sấu, sên biển, lươn, các loại nhuyễn thể có vỏ cứng (mollusks), cua đỏ, rong biển và một loạt các động và thực vật khác từ biển, ngoài các đồ biển phơi khô và nước mắm loại tốt.  Tất cả các hàng này đều là các sản phẩm tiêu chuẩn tại các chợ Trung Hoa nơi mà phần lớn các sản phẩm này đã đi đến.  Các bảng liệt kê như thế thường có trong các bản văn được viết trong thời khoảng từ thế kỷ thứ 16 đến thế kỷ thứ 19. 81 Sự sản xuất của vùng duyên hải, như thế, đã vươn tới hai loại thị trường rất khác biệt: thị trường thứ nhất cung cấp các nhu yếu phẩm của môi trường sinh sống cho các láng giềng vùng rừng núi và vùng đất thấp của chúng, trong khi thị trường thứ nhì cung cấp các cao lương mỹ vị cho các chợ của Trung Hoa hay ngoại quốc khác.  Thị trường thứ nhất được phát sinh trong nội địa, ít co dãn và nằm tầng dưới trong hoạt động mậu dich quốc tế của Hội An, trong khi thị trường thứ nhì, hướng về xuất cảng, phần lớn tùy thuộc vào các nhu cầu bên ngoài.  Trong bất kỳ trường hợp nào, sự thu hoạch từ biển thì quan trọng đối với các xã hội duyên hải nhờ trị giá thị trường của nó, vốn đã làm giàu cho các xã hội đó qua việc mang lại một thành tố thương mại trong các chiến lược kinh tế của chúng.

     Trái với các sự trao đổi hải ngoại của nó, các sự trao đổi nội địa của vùng duyên hải cung cấp các nhu yếu phẩm, chứ không phải các sản phẩm bổ túc.  Các sản phẩm kỳ lạ của rừng và các dược liệu thúc đẩy thương mại hải ngoại tại Hội An chỉ làm gia tăng các sự trao đổi cao nguyên – duyên hải hàng ngày của Thuận-Quảng; các sự trao đổi này không tạo ra các sản phẩm.  Thay vào đó, người dân duyên hải tìm ở cao nguyên các loại gỗ, nhựa, và các vật liệu làm thuyền khác “có tính chất nền tảng y như cá” cho sự sinh tồn trong [cuộc sống] ngư nghiệp của họ. 82 Sau hết, năng suất thuần của một khu định cư ở duyên hải tùy thuộc trực tiếp vào phẩm chất của việc đóng tàu.  Các yếu tố như tốc độ, tầm di chuyển, vốn đã xác định các chiến lược tiếp vận, tùy thuộc nhiều vào phẩm chất của vật liệu y như là đối với bí quyết kỹ thuật.  Bởi thực tại này, việc đóng tàu không thể nào tiến hành mà không có một nguồn cung cấp đáng tin cậy về tre, gỗ, dây thừng và nhựa, mỗi thứ đều có một sự ứng dụng chuyên biệt hóa.  Nhu cầu về sự cung cấp khả tín cần có các mối quan hệ đáng tin cậy với các xã hội miền rừng núi thượng nguồn. 83 Tre đã được dùng cho việc đóng thân chiếc ghe bầu [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] địa phương, trong khi các người đóng thân tàu bằng gỗ ưa thích gỗ kiên kiên [? tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], một loại gỗ không bị mối mọt, cực kỳ hiếm có. 84 Bất kể loại thân tàu ra sao, các chủng loại gỗ cao nguyên được chuyên biệt hóa để đáp ứng các điều kiện kỹ thuật của các thành phần của tàu, và mọi chiếc tàu đều cần đến xi và nhựa.  Các sản phẩm này đến từ vùng cao nguyên, sẽ được mua bán tại tất cả các hải cảng hạ lưu của vùng duyên hải Thuận-Quảng. 85 Một thí dụ khác, dĩ nhiên, là gạo miền đất thấp.  Trong cách này, sự lệ thuộc của nội địa vào vùng duyên hải có được sự đảo ngược, và chúng ta nhìn thấy một sự liên thuộc lâu đời giữa ba khu kinh tế đòi hỏi cần có mối quan hệ đổi chác, hiện hữu từ lâu trước thời cực thịnh về thương mại của Đàng Trong.

Sự liên thuộc của các xã hội duyên hải và hải hành

Pierre Gourou đã viết rằng người Đàng Trong có khuynh hướng bám sát bờ biển, để cho người Trung Hoa từ Quảng Đông đến Hải Nam làm mọi việc đánh cá biển sâu. 87 Trong khi điều này có vẻ đúng như là một quy lệ tổng quát, dân Đàng Trong ven biển chủ yếu bám sát bờ, sự kiểm tra kỹ lưỡng sách vở phát hiện các ngoại lệ.  Thí dụ, người Việt Nam đã được xác định nằm trong số các thủy thủ của các chiếc tàu lớn.  Trong quyển hồi ký du lịch của ông đến vùng Thuận-Quảng năm 1695, nhà sư Thích Đại Sán nhớ lại khả năng của một thủy thủ Việt Nam trên tàu của ông vào một buổi tối trong cơn mưa bão dữ dội: “kẻ lau dọn sàn tàu là một người Việt, chưa đến hai mươi tuổi, khỏe mạnh, cường tráng và sống động.  Trên mỗi cánh buồm mà anh ta treo mình vào, anh ấy buộc lại một tấm khăn.  Anh ta đã thao tác xuyên qua lớp dây thừng như thể anh ta đi đứng trên mặt đất bằng phẳng”.  Tác giả Jean Chesneaux tuyên bố rằng “các nhân viên người Anh được phái sang Việt Nam bởi Công Ty Đông Ấn nhìn nhận rằng người Việt Nam là các thủy thủ giỏi nhất tại Viễn Đông”. 88 Nhiều người đi biển Việt Nam đã phục vụ như các lái tàu.  Thí dụ, tác giả Alexandre Dalrymple kể về “một người lái tàu Đàng Trong” đã điều khiển con tàu Amphirite trong năm 1792.  Các người dân Đàng Trong cũng cống hiến các dịch vụ của họ tại các nơi như Vọng Các (Thái Lan) và Kampot (Căm Bốt), không kể đến các hải cảng của chính nước họ.  Các sự tường thuật về các kẻ bần cùng trôi giạt đến các nơi xa như Trung Hoa và Nhật Bản cũng có thể được tìm thấy trong sách vở Tây Phương, Trung Hoa và Nhật Bản. 89

Các sự xác định lý lịch các thủy thủ Việt Nam như thế thì hiếm thấy, có nghĩa, trong văn chương về mậu dịch hợp pháp.  Văn chương về nạn hải tặc tại biển Nam Hải khiến ta nghĩ rằng người Việt Nam đã nổi bật ở ngoài biển sâu cũng như trên các luồng nước ven bờ. 90 Họ có thể cũng không kém phần quan trọng trong việc buôn lậu bằng đường biển.  Các người dân Đàng Trong “thường đi bằng thuyền đến gặp nhiều thuyền Trung Hoa: ngoài biển sâu, giữa Thuận-Quảng và Đảo Hải Nam của Trung Hoa. 91 Liệu họ đã làm như thế với tư cách thủy thủ hay tư nhân, ngủ phủ hay kẻ buôn lậu, bằng chứng về các cuộc phiêu lưu biển cả của họ khiến phải suy xét rằng còn nhiều điều khác cần làm để dõi tìm hạn định thực sự của các môi sinh duyên hải nhằm để xác định tầm mức theo đó vùng biển sâu đã là một phần của họ.

Một tầm [xác minh] sâu rộng hơn có vẻ nhiều phần từ một quan điểm cũng về kỹ thuật.  Tác giả John Barrow lấy làm thán phục về “sự tuyệt hảo trong kiến trúc hải quân” trong mọi loại thuyền ông ta nhận thấy tại và chung quanh Hội An trong thập niên 1790, và “trong mậu dịch ven biển, thuyền đánh cá, và những thuyền đi thu lượm “Trepan” [? sea-slugs: sên biển] và các tổ yến tại các cụm đảo được gọi là Paracels (Hoàng Sa)”. 92 Các người Tây Phương đưa ra sự ca ngợi tương tự trong các thế kỷ thứ 17 và 18.  Khảo sát bờ biển Thuận-Quảng, Barrow đã nhận định các thuyền địa phương mang hai truyền thống căn bản, “nhiều thuyền trong chúng, trông giống như thuyền Tam Bản (sampan) của Trung Hoa … các thuyền khác, giống như thuyền buồm (proas) [prau] của Mã Lai”, mặc dù trong cả hai hình thái, ‘truyền thống dùng tre của Đàng Trong đều được giữ lại”. 93 Chiếc ‘ghe bầu” [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] là chữ phiên dịch sang Việt ngữ từ prau, vẫn còn thịnh hành dọc bờ biển từ Hội An xuôi nam xuống Phan Thiết. 94 Tuy nhiên, thay vì “có kiểu Mã Lai, các thuyền này có thể truy tìm một cách xác thực hơn nơi các nguyên mẫu của Chàm, nền văn hóa chế ngự trong miền trước khi người Việt Nam đến đó.  Các tàu cận duyên từ phía Bắc, sát tận biên giới với Đàng Ngoài, đã hoạt động mậu dịch thường lệ, xuôi theo bờ biển đến Gia Định ở biên giới phương Nam.  Số ước lượng việc vận tải ven biển hàng năm lên tới hàng trăm, ngay cả đến hàng nghìn chiếc tàu. 95 Tuyến giao thông duyên hải này nối dài về phương Bắc lẫn phương Nam, cho đến Trung Hoa và Xiêm La.  Điều này chứng minh cho khối lượng to lớn của sự lưu thông ven biển (ngoài số lượng vốn đã đông đảo của các chiếc tàu đại dương) và rất nhiều loại tàu phát sinh từ các sự thích nghi địa phương về mặt khả năng, sự bền bỉ, tầm hoạt động và lưu động tính được chuyên môn hóa theo các yêu cầu lịch sử và môi trường địa phương.  Khi đó, điều khá hợp lý để tuyên bố rằng xã hội duyên hải Thuận-Quảng đã duy trì tiền lệ Chàm đia phương trong các truyền thống đóng tàu, và đặt chúng vào cùng các sự sử dụng nhằm tối đa hóa môi trường sinh sống của họ dọc theo bờ biển và xuyên qua biển cả.

Lưu động tính và tầm mức của kỹ thuật học về biển đã giúp cho dân chúng duyên hải thu thập được một loạt sinh vật biển có giá trị tiềm ẩn, các loài chim và đồ vật trục vớt mà họ đã sở đắc để trao đổi, chứ không phải cho sự sinh nhai.  Nhà Nguyễn đã tận dụng các năng lực duyên hải để xác định độc quyền trên cổ phần đáng giá nhất của các sản vật này bằng việc thiết lập các hợp đồng với các ngôi làng cụ thể và cấp cho họ các đặc quyền chuyên biệt để thành lập các “đội” [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] sẽ đi thu thập báu vật của biển tại các khu vực xác định, đổi lấy phần chia tốt nhất trong các phẩm vật thu đoạt được.  Hoạt động sinh lợi nhất trong các đội này đã thu thập của cải của nó từ các mảnh vở trong tai họa xảy ra cho con người, rải rắc khắp các giải đá ngầm nước nông, từ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho đến phía đông Thuận-Quảng.  Nhà sư Thích Đại Sán đã viết lại những gì ông nghe được trong năm 1600.  Nếu các ngọn gió đứng im, và các chiếc tàu bị lún quá lâu, các luồng sóng biển cuốn chúng về phía đông cho đến sự chết. “Ngay dù (chiếc tàu của ai đó] không bị hư hại, người đó sẽ không có nước hay gạo và vì thế anh ta trở nên một con ma đói”. Sự kiện này, theo lời bình luận của một tài liệu Việt ngữ, để lại “hàng hóa ở khắp mọi nơi”. 96

Xã hội duyên hải này đã biến sự bất hạnh của người đi biển thành sự thịnh vượng trong nhiều thế kỷ, và nhà Nguyễn đã không phí phạm thời giờ để bước vào sự kinh doanh ngay khi họ tự đặt mình làm chúa tại Thuận-Quảng.  Thích Đại Sán viết rằng “kể từ thời chúa Nguyễn Hoàng, các cộng đồng đánh cá đã được phái mỗi mùa đi thu thập vàng, bạc, vũ khí và các đồ vật trên các chiếc tàu [bị đắm] đáng thương”. 97  Tác giả Lê Quý Đôn đã giải thích cách thức tiến hành công việc ra sao: “Trong quá khứ, gia đình nhà Nguyễn đã thiết lập một đội Hoàng Sa bao gồm bẩy mươi quân sĩ, tuyển dụng từ những người thuộc làng Yên Bình.  Hàng năm họ thay phiên nhau ra biển … Đội Hoàng Sa cấp phát cho mọi người khẩu phần ăn trong một tháng.  Họ chèo năm thuyền nhỏ ra khơi trong ba ngày và ba đêm trước khi tới các đảo [thuộc Hoàng Sa].  Họ nhận được phần chia trên đồ trục vớt, được tự do bắt chim và cá để ăn, và [thu lượm được] nhiều đồ vật như kiếm, ngựa bằng đồng, hoa tai bằng bạc, bạc khối, dây chuyền bằng bạc, đồ đồng, khối thiếc, chì đen, nòng súng, ngà voi, mật ong, “vải bằng lông thú”, đồ len và đồ sứ.  Trong tháng Ba âm lịch, khi đội trở về, họ đi đến quân trấn ở [kinh đô] Phú Xuân để đệ trình các đồ vật đã trục vớt được.  Người ta cân, khảo sát và xác định thứ hạng của vật phẩm, và sau đó [triều đình] mời đội này đến bán các loại sò ốc, hải ba [? tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] và sên biển.  Vào lúc đó, đội có thể nhận được một giấy thông hành để trở về nhà.  Các vật phẩm thu vét nhặt được từ biển quá nhiều đến nỗi không có ngạch số nhỏ nào được ghi nhận.  Cũng có những lúc đội ra ngoài biển và trở về tay không”. 98 Chính vì thế, các làng được tuyển chọn đều nằm dọc theo bờ biển Thuận-Quảng, để dổi lấy vuệc được miễn thuế và sưu dịch, đã mạo hiểm ra biển đông đến Hoàng Sa, để thu vét sinh vật biển, nhưng chính yếu để thu vét mảnh vỡ của các chiếc tàu bị đắm.  Sự sắp xếp kinh tế này quá quan trọng đến nỗi các làng lập đội đã bảo tồn các giấy phép đặc nhượng của họ trong các ngôi đình làng cho đến thế kỷ thứ 20. 99

Một cách khác theo đó nhà Nguyễn đã sử dụng hợp đồng giữa triều đình và các làng thành lập đội khai thác này là qua việc thu gom các tổ chim yến, một thức ăn ngon luôn luôn bán được với giá cao tại các thị trường Trung Hoa.  Như với các đội Hoàng Sa và Bắc Hải, triều đình nhà Nguyễn đã chuẩn cấp các quyền thu gom tổ yến cho các làng xác định để đổi lấy độc quyền trên số bán ra của họ.  Thí dụ, tại làng Thanh Châu huyện Thăng Hoa, sát phía nam Hội An, đội hoạt động trong một số tháng nào đó trong năm, lưu động khắp các khu định cư duyên hải Đàng Trong và các đảo ngoài khơi để tự mình đi nhặt tổ yến hay để thu gom tổ yến từ các cư dân địa phương.  Sau khi họ trở về Thanh Châu, họ sẽ dâng các tổ yến có phẩm cất tốt nhất lên chúa Nguyễn như cống phẩm hàng năm.  Triều đình có thể sau đó kiếm khá nhiều đoanh lợi, đem bán chúng tại Trung Hoa và Nhật Bản, nơi vật trị giá một sách [livre, trong nguyên bản, không rõ có phải để chỉ đồng bảng Anh hay không, chú của người dịch] thường bán tới 40 hay 50 sách”. Nhà Nguyễn cho phép đội được bán phần còn lại trên thị trường.  Thanh Châu cũng được miễn mọi sắc thuế và sâu dịch”. 100

Trong các hợp đồng với các làng duyên hải khác, triều đình nhà Nguyễn chính thức chỉ định các làng đánh cá tuyển chọn các quyền đặc nhượng để thực hiện công việc kéo tàu tại các khu vực xác định; đổi lại, “Nhà Vua [miễn] cho các ngư phủ này phần triều cống của họ vì công việc của họ trong việc trợ giúp các tàu Thuyền”. 101 Khi các tàu ngoại quốc có thân chìm sâu [dưới nước] đến gần bờ biển Thuận-Quảng, các đội được tuyển chọn này được phái đến gặp các chiếc tàu này và hướng dẫn họ đến hòn đảo ngoài khơi tức Cù Lao Chàm, dành cho các tàu đi biển đến mậu dịch tại Hội An.  Khi tàu đã thả neo, các đại diện của nhà nước đã túc trực để kiểm tra hàng hóa; một khi đã hoàn thành, các thanh tra này phái các thuyền đưa tin đến quân trấn Hội An, nơi chiếc tàu [ngoại quốc] đang chờ đợi sự trở lại của thuyền truyền tin với dấu đóng cho phép thông hành đến bờ biển. 102 Tác giả Thomas Bowyear, kẻ đã du hành đến Đàng Trong trong năm 1696, nhớ lại sự đến nơi của chiếc tàu của ông bên ngoài bờ biển Cù Lao Chàm: “Ngày 20 [tháng Tám năm 1695], với lá Quốc Kỳ của chúng ta trương lên, để mời các ngư phủ lên tàu, như được nhìn thấy nhiều nguời, nhưng không một ai tỏ vẻ sẽ đến gần chúng tôi. Trong buổi chiều, tôi đã phái Sĩ Quan Phụ Trách Binh Lương (Purser) lên bờ, để làm quen với dân chúng trên đảo, rằng chúng tôi muốn đáp vào đảo, và mong muốn có tàu đến giúp chúng tôi … vào chiều ngày 21, Sĩ Quan Binh Lương và Surang [?, trong nguyên bản, không rõ chỉ ai, chú của người dịch] được mang trở ra, trong hai chiếc thuyền, với hai viên chức cấp nhỏ, thuộc đảo, và mười chiếc thuyền khác đi cùng với họ, tất cả đều là ngư phủ, mà họ nói với chúng tôi để giúp cho chiếc Tàu vào trong”.  Trong vài ngày, tàu của Bowyear nhận được phép thông quan của các viên chức nhà Nguyễn để tiến vào vịnh Đà Nẵng, nơi mà nhà nước hạn chế chỉ dành cho các thương nhân Âu Châu và các chiếc tàu có sống tàu chìm sâu.  Chiều hôm đó ‘chiếc thuyền neo đậu phía trước cục thuế quan, được kéo ngược giòng sông, bởi các Ngư Phủ”. 103 Một khi tơi nơi mà hai cửa sông chính đổ vào cảng Hội An, các tàu được kéo bởi các thuyền đánh cá địa phương vào chỗ tha/ neo an toàn bên trong cửa sông và các đầm, được nâng cao trên thủy triều ban ngày.  Một cuộn tranh Nhật Bản ấn hành trong thập niên 1640 minh họa tiến trình này từ đầu chí cuối, khi nó miêu tả một nhóm các chiếc thuyền kéo một chiếc tàu Nhật Bản từ Cửa Hàn thuộc vịnh Đã Nằng xuống Đầm Cổ Cò, chạy song song với bờ biển và đến sông Họi An, nơi sau hết nó đã thả neo. 104

Mặc dù dân chúng duyên hải thường phá hoại các quyền lợi của triều đình nhà Nguyễn xuyên qua các hoạt động như cướp biển và buôn lậu, họ cũng đóng vai giống như tuần cảnh cho nhà nước.  Các thương nhân thường được biệt phái cho một người bảo vệ là kẻ đã chuyển vận họ bằng các thuyền buồm duyên hải hay các thuyền dài chèo tay với 40 tay chèo xuyên qua các giòng nước duyên hải và nội địa.  Các làng này được miễn sưu dịch và được miễn triều cống lên Vua”. 105 Chính vì thế xã hội duyên hải của Đàng Trong cung cấp nhân lực cho các chiếc thuyền cấu tạo thành hải quân hùng mạnh của nhà Nguyễn, quá quan yếu cho sự bảo vệ, hoạt động và bành trướng quốc gia của nhà Nguyễn.  Các thuyền đáy bằng, chèo tay (galley) có bộ chỉ huy tại mỗi tỉnh đã tuần tra bờ biển.  Hội An có 35 thuyền đáy bằng, một hạm đội có kích thước lớn thứ nhì, chỉ sau hạm đội của kinh đô Phú Xuân (Huế).  Các thuyền đáy bằng này đặt bộ chỉ huy tại các đồn cửa sông, tiếp đó, được nối kết với các mạng lưới cấp miền sẽ liên thông các thủy lộ nội địa với nhau và tống hợp các mạng lưới hành chính và trao đổi chung quanh nhà nước, phù hợp với kiểu mẫu Bronson đã tu chỉnh. 106 Bởi thế, xã hội duyên hải đã góp phần vào việc nới dài tầm với của thương mại và nhà nước qua việc kết hợp các miền của vương quốc vào một sự thống nhất kinh tế - chính trị có tính liên thuộc nhau. 107

Các công đồng duyên hải có các nghĩa vụ khác đối với quốc gia.  Với sự phát triển vùng Cửu Long, thuyền duyên hải được trưng dụng để chở thóc lúa cho dân chúng thiếu gạo của vùng Thuận Quảng.  Các đoàn vận tải cận duyên này có thể lên tới hàng trăm hay ngay cả hàng nghìn chiếc, và việc này đã diễn ra bên ngoài mậu dịch tư nhân được dịp phát đạt sát cạnh với nó. 108  Các sự chuyển vận gạo này thường được nhìn như kết quả của một số sự khiếm hụt về phía các miền phương bắc của Đàng Trong và chính vì thế như một tình trạng gay go của chính sách đô thị hóa và thương mại hóa, nhưng chúng rất dễ bị nhìn như hậu quả của chính sách khai thác các lợi thế đối chiếu tại các miền khác nhau của nhà Nguyễn nhằm phát huy một chiến lược đa trạng hóa cho sự phát triển chính trị, ôm lấy nông nghiệp tại một miền hầu thúc đẩy sự phát triển liên tục của xã hội thương mại đô thị tại một miền khác.  Từ cái nhìn này, khi đó, các đòan chuyển vận duyên hải này đã phụ lực vào sự thương mại hóa vùng Thuận-Quảng bằng việc tạo điều kiện thuận tiện cho sự chuyên môn hóa cấp miền của nó, hậu quả, làm gia tăng sự lệ thuộc của cả hai miền nhiều gạo và thiếu gạo vào sự duy trì các mẫu mực của nhà nước – tất cả đều có lợi cho các tham vọng chính trị của nhà Nguyễn.

Một Sự Củng Cố Lưỡng Cư, Ổn Định

     Giống như các cư dân địa phương Thuận-Quảng đóng vai trò quan yếu cho hoạt động của các tàu đại dương, họ cũng mang tính cách sinh tử đối với các chức năng mậu dịch đường biển, bất luận xuyên qua sự sản xuất, vận tải, khuynh đảo, hay bạo động.  Theo tôi nghĩ, họ tượng trưng đúng nhất cho vị thế chính yếu của biển trong việc ảnh hưởng đên sự tổ chức kinh tế ở địa phương và cho tầm quan trọng của các xã hôi địa phương xem có vẻ bị tách rời, trong các chức năng của các cuộc kinh doanh toàn cầu.  Các cư dân duyên hải lệ thuộc vào biển cho cuộc sống của họ, không chỉ như các ngư phủ, mà còn như các thủy thủ, người làm muối, các nhà buôn nhỏ, các kẻ đóng tàu, gái điếm, chủ quán trọ, công nhân, lái thuyền, tu sửa thuyền và vận tải; như các kẻ cướp bóc và các kẻ buôn lậu; và ngay cả như kẻ canh gác bờ biển cho nhà nước.  Họ tích cực tìm cách mở rộng biểu mục (repertoire) chiến lược của họ, bất luận có hoạt động trong khuôn khổ các quy ước xã hội và chính trị, mạo hiểm vượt quá các quy ước, hay di chuyển giữa hai thái độ đó – một ngày chấp nhận vai trò của một ngư phủ hay kẻ vận tải ven biển, ngày sau đó trong vai một kẻ buôn lậu hay một hải tặc.  Bởi “các lực lượng kinh tế chi phối cuộc sống của họ “di chuyển” một cách lưỡng cư, từ đất đến biển”, các nghề nghiệp của họ cũng biến đổi theo đó. 109

     Các sự trao đổi ở thượng nguồn không phải là một sự bổ sung; từ cao nguyên và đồng bằng mang đến nhiều thành tố thuộc nền tảng của văn hóa duyên hải, khởi đầu là gỗ và gạo.  Xuyên qua các cuộc gặp gỡ với dân vùng duyên hải, các thương nhân đường biển hay biết được các sự phong phú của rừng núi Thuận-Quảng.  Dân chúng duyên hải thích ứng với trật tự mới này bằng việc tìm kiếm các phương cách để phục vụ và phá hoại các chiếc tàu lái trên thông lộ ven biển Thuận-Quảng.  Khi một kẻ thuộc giới tinh hoa Việt Nam thiết lập sự thống trị trên họ, dân chúng vùng duyên hải đã thay đổi thái độ của họ để phù hợp với các yêu sách của một trật tự chính trị mới.  Họ đã sử dụng văn hóa duyên hải của mình để hỗ trợ cho nhà nước, thu hút sự bảo vệ từ nhà nước và ngay cả việc khuynh đảo nó, để làm lợi cho mình.  Trong khi làm như thế, họ đã là các tác nhân của một nền mậu dịch thế giới đang tăng trưởng, nhưng cũng để phục vụ cho sự hội nhập chính trị của chính họ.  Tuy nhiên, bất luận các cư dân duyên hải này đã làm gì, cách nào đó, cuối cùng tất cả họ đều đã phục vụ các mục tiêu của các tham vọng chính trị của nhà Nguyễn nhằm xây dựng một đế quốc tại miền “Nam”, trước tiên xuyên qua sự chinh phục và sau đó xuyên qua sự tạo lập sự thịnh vượng.  Điều này sẽ được thực hiện xuyên qua sự cắm sâu quyền kiểm soát trên số dân khuất phục, trước tiên bằng các phương tiện kinh tế như các hợp đồng và các sắc thuế, và sau đó qua các phương tiện văn hóa như sự chuẩn chi và sự tiêu chuẩn hóa các điện thờ thiên hậu [bảo hộ kẻ] đi biển.  Mỗi lần xã hội duyên hải giao dịch với nhà nước, họ tạo sự thuận tiện cho quyền kiểm sóat gia tăng của nhà nước trên cuộc sống của họ, và cuộc sống của các người định cư láng giềng tại vùng thượng nguồn và dọc theo luồng chảy ven biển.

Kết Luận

     Chúng ta cần các sự lựa chọn mới, đặt nền trên nhân bản cho việc suy nghĩ về không gian và nơi chốn trong lịch sử Việt Nam.  Bài viết này là một nỗ lực để khởi sự làm việc đó, bởi việc chấm định các kẻ bị thất tung của vùng duyên hải và cố gắng đi theo các sự vận hành trong cuộc sống của họ, với hy vọng rằng chúng sẽ làm liên tưởng đến các cách suy nghĩ mới về địa dư nằm đàng sau lịch sử của một giới cấu thành xã hội Việt Nam [sic].  Trong bài viết này, tôi đã trình bày các hậu quả của tinh thần địa dư thiếu suy xét của chúng ta, bằng việc giới thiệu một nhóm dân không có lịch sử “kiểu à a Eric Wolf”.  Tính vô hình của họ phát sinh trực tiếp từ hình tưởng địa dư ám chỉ rằng họ không có gì đáng kể hay họ đã không hiện hữu.  Song, rõ ràng từ cuộc khảo cứu này, vùng duyên hải kéo dài của Việt Nam trong thực tế rất quan trọng và đã cấu tạo khu sinh thái riêng biệt của chính nó – và với nó, các biến số kinh tế và chính trị địa phương của chính nó khiến bất kỳ kẻ xây dựng đế quốc nào như nhà Nguyễn cầm quyền khó có thể làm ngơ.  Miền Trung nghèo khổ, cần cù, đứng bên lề được mô tả trong phần đầu của bài khảo luận này biến thành, ở một thời điểm xác định, một miền Trung giàu có, cần cù, ở ngay trung tâm, cả về mặt kinh tế và chính trị (và về mặt văn hóa nữa, mặc dù không được trình bày nơi đây).  Phần thứ nhì và thứ ba của bài viết cho thấy điều này bằng việc nhắm đến một miền tiêu biểu của môi trường miền Trung chẳng hạn như vùng Thuận-Quảng.  Nói cách khác, Miền Trung Việt Nam đã luôn luôn không phù hợp với thành kiến về “đòn gánh bằng tre” của nó.  Tuy nhiên điều này đã hoàn toàn thay đổi trong thế kỷ thứ 19, và sự tan biến rất thực của Miền Trung phải là một trong những câu hỏi trọng tâm của lịch sử Việt Nam thời sơ kỳ hiện đại, nếu không phải là cho toàn bộ lãnh vực.

     Về việc chấm định xã hội duyên hải nằm trong sự nghiên cứu kinh tế chính trị Việt Nam, các khuynh hướng tiến tới các sự tổng quát hóa có tính cách dân tộc chủ nghìa hay các chủ nghĩa chuyên chế đã xóa bỏ hơn nữa các vết tích của xã hội lâu đời này, bởi việc nhấn mạnh vào sự áp dụng định nghĩa nông nghiệp của nền kinh tế chính trị Việt Nam bằng một đường quét lớn phủ chùm lên toàn thể xã hội Việt Nam.  Song chính các quốc gia hiếm khi nào được được lập một cách đơn phương như thế.  Chúng ta giờ đây chấp nhận chung rằng nền kinh tế chính trị tại các quốc gia Việt Nam trong quá khứ dựa vào cả các nguồn tài nguyên bản xứ và ngoại lại.  Tương tự, các nhà nước này cũng tùy thuộc trên một sự hợp thành phức tạp của các nền kinh tế cấp miền hay địa phương, đôi lúc có phản ảnh các lý tưởng nông nghiệp của chúng (nếu chúng có ôm lấy các lý tưởng này), nhưng thực ra thường không [phải như thế].  Các sự giàu có cung cấp nhiên liệu cho sự bành trướng và chính sách thực dân dưới ngọn cờ chúa Nguyễn trong các thế kỷ thứ 17 và 18 đến từ rừng núi và biển cả nhiều hơn là từ các cánh đồng lúa.  Quyền lực chính trị, khi đó, tùy thuộc vào hoạt động thương mại phát sinh trong các miền như Thuận-Quảng, giữa vùng thượng nguồn và hạ lưu, dọc theo giòng chảy ven biển và băng qua đại dương.  Tuy nhiên, một cách mỉa mai, miền trung của Đàng Trong tự thấy mình ở vào một tình thế rất khác biệt và có lẽ khó khăn sau khi nó được thống nhất với hai châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long giàu có về nông nghiệp trong năm 1802.   Sự mất đi công việc vận tải quốc tế cho vùng Châu Thổ sông Cửu Long làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn của Thuận-Quảng.  110 Tai họa về dân số hồi cuối thế kỷ thứ 18 và sự kiệt quệ môi trường trong thế kỷ thứ 19 hẳn đã khiến nó bị suy yếu thêm.  111 Hậu quả, sự nổi bật của kinh tế vùng Thuận-Quảng (hay ngay cả Miền Trung) trong nền kinh tế chính trị Việt Nam rộng lớn hơn đã suy sụp một cách mạnh mẽ.  Kinh tê chính trị lich sử Việt Nam khi đó phải được nhìn như một phương trình năng động, phức tạp.

     Sau hết, bởi sự thờ ơ của chúng ta đối với các thành tố phụ thuộc của các xã hội hải cảng, được biểu lộ qua các sự biểu trưng hóa các hải cảng Đông Nam Á “cổ điển” không gì khác hơn phó sản của các thương nhân và các vị quân vương, chúng ta hoàn toàn quên mất sự khởi nguyên và sự bền bỉ của các nền kinh tế hải cảng nhờ ở các mối quan hệ trao đổi được phát triển từ các nhóm địa phương – trong trường hợp này, các mối quan hệ trao đổi được rèn luyện giữa khu cao nguyên rừng núi, đồng bằng lúa gạo và duyên hải – có đầu mối nối kết của chúng xuyên qua các cư dân duyên hải.  Chúng ta làm lơ về giới lao động cần thiết của hải cảng, bởi cẩm nang về nguyên ủy kiến thức học của chúng ta nhấn mạnh đến các đại thương gia trên các tàu to lớn, du hành trên các quảng đường xa.  Sự phân tích các nguồn tài liệu cho thấy rằng một sự lưu hành quan trọng các sản phẩm xuyên qua các tàu chuyên chở cận duyên, vốn chắc chắn đã có một tác động lớn trên đời sống của các cư dân nội địa, hơn là các chiếc tàu lớn.  Sau hết, chính các chiếc thuyền cận duyên này đã không chỉ thu gom hàng xuất cảng mà còn tái phân phôi các hàng nhập cảng từ hải ngoại, và cùng các nguồn tài liệu này cho thấy rằng nhiều thứ trong các hàng hóa đó không chỉ là các xa xỉ phẩm vượt quá phương tiện của phần lớn cư dân, mà cũng còn có một loạt bao quát các vật dụng thường nhật.  Trong trường hợp Thuận-Quảng, mậu dịch đường biển và duyên hải đã tạo thành một hợp tố sinh tử của một sự dàn trải các chiến lược theo mùa của xã hội duyên hải nhằm bảo đảm cho một môi sinh khả chấp.

     Các người dân này bị bỏ lơ bởi vì, cũng giống như khi chúng ta không đém xỉa đến sự sản xuất xã hội của hoạt động thương mại, chúng ta cũng làm ngơ trước sự sản xuất xã hội của nhà nước.  Các vị Chúa Việt Nam tại Đàng Trong tùy thuộc vào các cư dân duyên hải để bảo đảm sự sản xuất, trao đổi và hội nhập trên nhiều mức độ khác nhau.  Không có các cư dân duyên hải này, khi đó, tiến trình phức tạp sau rốt đã sản sinh ra điều mà giờ này chúng ta thừa nhận như “Việt Nam” tự thân bộc lộ.  Một cách mỉa mai, không có vùng duyên hải làm đầu mối nối kết này, Việt Nam nông nghiệp không bao giờ có thể thành hinh./-          

_____

CHÚ THÍCH:             

1.       John T. McAlister và Paul Mus, The Vietnamese and Their Revolution, New York: Harper and Row, 1970, trang 46.

2.       Phỏng theo một lời trích dẫn của tác giả Huỳnh Sanh Thông, “Nước, Nước mọi nơi” (Water, water everywhere), Vietnam Review, 2 (1997): 95.  Trừ khi được ghi chú một cách nào khác, mọi sự phiên dịch là của chính tôi [tác giả].

3.       Tác giả Momoki Siro nhìn sự mậu dịch đường biển có tính chất bản xứ của nền kinh tế Việt Nam ít nhất từ kỷ nguyên dưới sự cai trị của người Trung Hoa, song đã biến đổi đi như hậu quả của sự độc lập hồi thế kỷ thứ mười một, đe dọa sẽ cắt giảm sự buôn bán đó và từ đó cổ vũ cho sự bành trướng trên đất liền.  Tác giả Li Tana và tôi thay vì thế đã lập luận rằng một nền kinh tế có tính cách quân sự - thương mại đã xuất hiện sau này là do ảnh hưởng của các môi trường người Chàm địa phương.  Xem, Momoki Shiro, “Đại Việt and the South China Sea Trade, from the 10th to the 15th Century”, Crossroads 12, 1 (1998): 1-34; Li Tana, Nguyễn Cochinchina: Southern Vietnam in the seventeenth and eighteenth Centuries (Ithaca: Cornell University Southeast Asia Program, 1998); Charles Wheeler, “Cross-cultural Trade and Trans-regional Networks in the Port of Hội An: Maritime Vietnam in the Early Modern Era” (luận án tiến sĩ, Yale University, 2001), chương 2.  Sự thực có lẽ liên hệ đến một sự tương tác phức tạp hơn giữa cả hai tiến trình.

4.       Tôi chia sẻ quan điểm của tác giả Nola Cooke rằng “có thể hữu ích để nhận thức rằng sự cại trị của nhà Nguyễn tại Đàng Trong thủa ban sơ như một hình thức của chủ nghĩa thực dân”; Cooke, “Regionalism and the Nature of Nguyễn Rule in Seventeenth Century Đàng Trong”, Journal of Southeast Asian Studies [từ giờ trở đị viết tắt là JSEAS], 29, 1 (1988): 123.

5.       Tiến trình mô tả trong đoạn này đã được khai triển rộng rãi trong bài viết khác của Wheeler, “Cross-cultural trade”.  Điều cần nói ở đây là, bất kể các sự phê bình nhắm trực tiếp đến một số điểm cụ thể đã được đưa ra bởi các học giả này, các tư tưởng Đàng sau bài viết này khai triển chính yếu từ quan điểm hàng hải của Anthony Reid, các mô thức của Victor Lieberman về sự thành lập quốc gia Đông Nam Á và lịch sử đối chiếu toàn cầu, và đặc biệt các thị kiến của Keith Taylor và Li Tana về nhiều cách trình bày khả hữu về văn hóa Việt Nam.

6.       Các ý tưởng trình bày trong bài viết này vay mượn nhiều từ các tác giả Martin W. Lewis và Karen Wigen, The Myth of Continents: A Critique of metageography (Berkeley: University of California Press, 1997); “Oceans Connect”, số đặc biệt của tạp chí Geographical Review, 89, 2 (1999); Philip Ẹ Steinberg, “Navigating to Multiple Horizons: Towards a Geography of Oceanspace”, Professional Geographer, 51, 3 (1999): 366-75; và Steinberg, The Social Construction of the Ocean (Cambridge: Cambridge University Press, 2001).

7.       Tôi dùng từ “Cochinchina” trong ý nghĩa nguyên thủy của nó như một trong các danh xưng của người Âu Châu để chỉ lãnh địa của Đàng Trong, chứ không phải như từ ngữ thời thuộc địa Pháp để chỉ vùng Châu Thô sông Cửu Long mà người Việt Nam gọi là “Nam Tập”.

8.       “Qua sư lưu hành (by circulation)”, tôi dùng thành ngữ này để nói điều gì đó “nhiều hơn sự di chuyển qua lại của người và vật”, hay ngay cả các tư tưởng.  Thay vào đó, tôi hiểu sự lưu hành như một tiến trình chuyển hóa, theo đó “đồ vật, con người và các ý niệm”, trong tiến trình lưu hành xuyên qua không gian, “tự biến hóa mình” giống như các thực thể khác.  Người dân duyên hải mà tôi thảo luận bên dưới, không kể đến các đối tác thương gia của họ, chứng minh cho khái niệm này một cách toàn hảo.  Các phần trích dẫn này lấy từ phần Dẫn Nhập, trong quyển Society and Circulation: Mobile People and Itinerant Cultures in South Asia, 1750-1950, biên tập bởi Claude Markovits và Sanjay Subrahmanyam (Delhi: Permanent Black: 2003), các trang 2-3.

9.       McAlister và Mus, Vietnamese and Their Revolution, trang 47.

10.   Pierre Gourou, Les Paysans du Delta Tonkinois: Étude de Geographie Humaine (Paris: Mouton, in lại năm 1965), trang 8.

11.   Tác giả Keith Taylor có dự báo một “nền văn hóa hướng về biển” trong quyển The Birth of Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1983), các trang 1-6, nhưng đã không khai triển xa hơn – một cách thông cảm được – sự tuyên xác của ông trong các chiếu hướng làm liên tưởng đến các khả tính kinh tế - chính trị.

12.   Đã có nhiều sự trình bày khái niệm này trong các văn bản bằng Việt, Pháp và Anh ngữ; một tác phẩm có ảnh hưởng trên sự suy nghĩ về xã hội Việt Nam bên ngoài nước Việt là quyển của tác giả Nguyễn Khắc Viện, Tradition and Revolution in Vietnam (Berkeley: Indochina Resource Center, 1974), các trang 17-20.  Sự trích dẫn “tóm lược” lấy từ McAlister and Mus, Vietnamese and Their Revolution, trang 46.

13.   Cùng nơi dẫn trên, các trang 52 (ranh giới thiêng liêng), và 46-7 (tái trang bị); ý kiến về “tư thế thấp kém của thương mại” lấy từ Neil Jamieson, Understanding Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1993), trang 34.  Cũng xem Pierre Gourou, The Peasants of the Tonkin Delta: A Study of Human Geography (New Haven: HRAF, 1955), các trang 105-7; đây là bản dịch nguyên tác bằng tiếng Pháp của ông, Les Paysans du Delta Tonkinois: …”.

14.   Thanh Thế Vỹ, Ngoại Thương Việt Nam Hồi Thê Kỷ XVII, XVIII và Đầu XIX (Hà Nội: Sử Học, 1961), các trang 23-8.

15.   Ch’en Ching-ho (Trần Kính Hòa), Fujiwara Riichiro và Yamamoto Tatsuro là các thí dụ nổi bật nhất.  Văn chương này được thảo luận đầy đủ hơn bởi Wheeler, trong bài “Cross-cultural Trade”, các trang 11-19.  Về một thí dụ của miền Nam Việt Nam, xem Phan Khoang, Việt Sử: Xứ Đàng Trong, 1558-1777 (Saigon: Khai Trí, 1970).  Một cuộc khảo cứu của Tây Phương có dự báo tầm quan trọng của mậu dịch bằng thuyền buồm đi biển đối với nền kinh tế Việt Nam là của tác giả Alexander Woodside, Vietnam and the Chinese Model (Cambridge, MA.: Harvard University Press, 1971); về mậu dich bằng thuyền buồm, xem các trang 261-76 và 321.

16.   Kenneth R. Hall, “The Economic History of Early Southeast Asia”, trong quyển The Cambridge History of Southeast Asia, biên tập bởi Nicholas Tarling, tập 1, phần 1(Cambridge: Cambridge University Press, 1999), các trang 262-9; Keith W. Taylor, “The Early Kingdoms: Vietnam”, trong cùng tập nói trên, trang 145 (là nơi mà trích dẫn về canh nông và mậu dịch được rút ra); và John K. Whitmore, “Literati Culture and Integration in Đại Việt c.1430 – c.1840”, trong quyển Beyond Binary Histories: Re-imaging Eurasia to c.1830, biên tập bởi Victor Lieberman (Ann Arbor: University of Michigan Press, 1999), các trang 226-7.  Một lập luận ban đầu cho sự tô điểm thương mại này có thể tìm thấy nơi tác giả Thanh Nhã Nguyễn, Tableau Economique du Vietnam aux XVIIe and XVIIIe Siècles (Paris: Editions Cujas, 1970).  Giới học thuật Việt Nam kể từ thập niên 1980 có vẻ như đã theo đuổi một nghị trình nhắm vào “việc phô bày “các mối hữu nghị” lịch sử giữa Việt Nam với các nước có tầm quan trọng đối với Việt Nam ngày nay, một phương cách để phát huy chính sách Đổi Mới [? Dai Mơi trong nguyên bản, chú của người dịch] xuyên qua lịch sử”; về điểm này và muốn có thêm các sự tham khảo, xem Wheeler, “Cross-cultural Trade”, các trang 22-3.

17.   Nguyễn Khắc Viện, Tradition and Revolution, trang 20.

18.   Jamieson, Understanding Vietnam, trang 5.  Muốn có một sự tóm tắt các quan điểm tiêu chuẩn về mô thức làng khép kín cho Việt Nam, xem Michael Adas, “The Village and State in Vietnam and Burma: An Open and Shut Case?”, trong quyển State, Market and Peasant in Colonial South and Southeast Asia (Aldershot: Variorum, 1998), các trang 1-22.

19.   Li, Nguyễn Cochinchina, trang 12; Li Tana, “An Alternative Viet Nam? The Nguyễn Kingdom in the Seventeenth and Eighteenth Centuries”, JSEAS, 29, 1 (1998): 118.  Các ý kiến về các sự tương phản Bắc-Nam được lấy từ Jamieson, Understanding Vietnam, các trang 3-5.

20.   Muốn có một sự mô tả táo bạo, xem cùng nơi dẫn trên, trang 5; một quan điểm thay thế khác là từ McAlister and Mus, trong quyển Vietnamese and Their Revolution, các trang 82-3.

21.   Câu hỏi là “Phương Bắc” và “Phương Nam” đứng ở đâu trước thế kỷ thứ 10 sẽ được đặt sang một bên, nhưng giữ đúng theo biểu đồ tinh thần này, “Phương Bắc” bảo thủ sẽ phải là đế quốc Trung Hoa và “Phương nam” năng động sẽ là vùng Châu Thổ sông Hồng.  Nếu lý luận này là xác thực, khi đó Bắc cực đã cắm neo tại vùng châu thổ với sự xuất hiện của Đại Việt sau thế kỷ thứ 10, trong khi đối cực phương Nam di chuyển cho đến khi nó định cư tại vùng Châu Thổ sông Cửu Long hồi gần cuối thế kỷ thứ mười bẩy.

22.   Nola Cooke (thông tin cá nhân) nêu ra rằng Hoàng Đế Minh Mạng đã đưa ra ý tưởng về Trung Kỳ (từ ngữ để chỉ miền trung Việt Nam) trong các sự cải cách hành chính của ông hồi thập niên 1820.  Ý tưởng chính thức hóa này về sự phân chia ba miền trong lãnh thổ Việt Nam, điều mà người Pháp đã duy trì khi họ lập ra Đông Kinh (Tonkin: Bắc Kỳ), An Nam (Trung Kỳ) và Cochinchine (Nam Kỳ).  Tuy nhiên, ý tưởng này đã có trước thời Minh Mạng. Tác giả Cooke ghi nhận rằng sự phác họa lãnh thổ xứ Trung Kỳ của nhà vua phù hợp gần như chính xác với xứ Đàng Trong nguyên thủy của các tiên chúa ban đầu, bao gồm vùng Thanh Nghệ xa hơn về phia bắc trước khi có các cuộc chiến tranh hai họ Trịnh-Nguyễn làm biên giới bị đẩy lùi xuống phía nam, đên Đồng Hới.  Vị Hoàng Đế có thể đã hiểu rằng, các khái niệm của Tây Phương về ba miền được gọi là Đông Kinh (Tonkin: Bắc Kỳ), “Cochinchine Thượng”, “Cochinchine Hạ” có nhật kỳ muộn nhất vào khoảng giữa thế kỷ thứ 18, cũng đã góp phần vào sự phân chia ba miền Bắc-Trung-Nam của Pháp, được tạo ra trong thế kỷ thứ 19.

23.   Jamieson, Understanding Vietnam, trang 3; về các tình trạng yếu kém về nông nghiệp của miền Trung, xem Nguyễn, Tableau Economique, trang 181.

24.   Gourou, Peasants of the Tonkin Delta, trang 3; trong nguyên bản bằng tiếng Pháp, xem Paysans du delta Tonkinois, trang 8.  Quan điểm về sự phân  hóa lịch sử được tóm tắt hay nhất bởi Keith Taylor, trong bài “Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region”, Journal of Asian Studies, 57, 4 (1998): 949-78; cũng xem Victor Lieberman, chương “The Least Coherent Territory In The World: Vietnam and The Eastern Mainland”, trong Lieberman, Strange Parallels: Southeast Asia In Global Context, c. 800-1830 (Cambridge: Cambridge University Press, 2003), các trang 338-460, đặc biệt các trang 338-44.

25.   Keith W. Taylor, “Lời Đề Tựa”, trong quyển Essays from Vietnamese Pasts, biên tập bởi Taylor và John K. Whitmore (Ithaca: Cornell Southeast Asia Program, 1995), trang 6.  Tác phẩm đầu tiên dứt bỏ ra khỏi lối tường thuật độc thoại là quyển Nguyễn Cochinchina của Li Tana.

26.   Victor Lieberman, “Transcending East-West Dichotomies: State and Culture Formation in Six Ostensibly Disparate Areas”, trong quyển biên tập bởi Lieberman, Beyond Binary Histories, trang 31; cũng xem, Lieberman, Strange Parallels, các trang 338-460.

27.   Hình thức theo lớp lang của lịch sử được đề nghị bởi Taylor, trong bài “Surface Orientations”.

28.   Cùng nơi dẫn trên, trang 951.

29.   Lieberman, Strange Parallels, trang 342.

30.   Pierre Gourou, Land Utilization in French Indochina (bản dịch từ nguyên bản tiếng Pháp: L’utilisation du sol en Indochine Francaise) (New York: Institute of Pacific Relations, 1945), các trang 6-7; có bổ túc phần nhấn mạnh.  Cần nói rõ, tác giả Gourou nhấn mạnh đến sự phân hóa Nam-Bắc trong người Việt Nam nhiều y như ông đã làm về các sự khác biệt Đông-Tây giữa người Việt Nam và các kẻ không phải là Việt Nam.

31.   Ngoài ra, điều gì đã giữ người Việt Nam gắn bó với nhau kể từ khi nước Pháp đã từ bỏ cuộc mạo hiểm thực dân của nó tại Việt Nam?  Hay đó là sự bắt chước thời hậu thuộc địa đúng theo các chủ nhân ông cũ?  Sự chiến thắng của người Việt Nam trên thiên nhiên chăng?  Các sự giải thích nhuốm màu sắc ý thức hệ như thế làm liên tưởng đến loại giải thích đơn phương về xã hội và lịch sử Việt Nam mà các kẻ viện dẫn Gourou đương nhiên phải ưu tiên tìm cách triệt hạ.

32.   Donald K. Emmerson, “The Case for a Maritime Perspective on Southeast Asia”, JSEAS, 11, 1 (1980): 142.

33.   Cùng nơi dẫn trên.

34.   Nhiều phần của đoạn này trích từ Charles Wheeler, “One Region, Two Histories: Cham Precedents In The History Of The Hội An Region”, trong quyển Vietnam: Borderless Histories, biên tập bởi Nhung Trần và Anthony Reid (Madison: University of Wisconsin Press, sắp phát hành).

35.   David Sopher, The Sea Nomads: A Study of the Maritime Boat People of Southeast Asia (Singapore: National Museum, 1977), trang 4.  Từ ngữ “duyên hải: littoral” như một phạm trù xã hội (social category) vẫn còn được hiểu một cách khá mơ hồ.  Trong một ý nghĩa theo hải dương học (oceanography), duyên hải có thể được định nghĩa một cách chật hẹp như khoảng đất nằm giữa mức thủy triều cao và thủy triều hạ, hay rộng lớn như giải đất và biển bị ảnh hưởng bởi sinh vật hay tập đoàn dọc bờ biển.  Michael Pearson cung cấp sự hình dung hóa hay nhất cho các sử gia kinh tế và xã hội, lập luận rằng có ba đặc tính phân biệt vùng duyên hải với các khu vực đất liền và khu vực thuộc biển trong sự tổ chức xã hội.  Thứ nhất là vị trí, như mô tả ở trên.  Sự chiếm ngụ và văn hóa, hai đặc tính kia, phân biệt khu duyên hải với các khu đất liền và thuộc biển lân cận của nó, vừa bởi các đặc tính duyên hải đặc thù của nó và vừa bởi một “sự cộng sinh (symbiosis) giữa đất và biển”.  Xem Pearson, “Littoral Society: The Concepts and The Problems”, tham luận được trình bày tại hội nghị về “Seascape, Littoral Cultures and Trans-Oceanic Exchanges (Khung Cảnh Đại Dương, Các văn Hóa Duyên Hải và Các sự Trao Đổi Xuyên Đại Dương), Library of Congress, February 2003.  Cũng xem, Pearson, “Littoral Society: The Case for the Coast”, The Great Circle, 7, 1 (1985): 1-8.

36.   Tôi dùng từ “Thuận-Quảng” như được định nghĩa bởi tác giả Taylor, trong bài “Surface Orientations”, trang 958, và được trình bày bởi tác giả Đỗ Bang [?], trong quyển Phố cảng Thuận-Quảng thế kỷ 17 và 18 (Huế: Thuận Hóa, 1996).

37.  Hai lãnh địa cũng được xem như một tổng hợp của vài miền nhỏ hơn (liệt kê ở đây theo chiều từ Bắc xuống Nam): Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi (Taylor, “Surface Orientations”, trang 950).

38.    Tôi tham chiếu định nghĩa của tác giả Taylor về “diện địa” như các khoảng thời gian và lãnh địa cá biệt trên đó hoạt động con người xảy ra” (cùng nơi dẫn trên, trang 954).

39.   Từ ngữ được vay mượn từ sự đặc trưng của tác giả Victor Lieberman về Xiêm La như một “lãnh thổ miền biển được củng cố, ổn định”, trong quyển Strange Parallels, các trang 212-337.

40.   Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục [Desultory Notes from the Frontier] (từ giờ trở đi viết tắt là PBTL) (Saigon: Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, 1972-3), tập 1, các trang 139, 140.  Lê Quý Đôn, một quan chức Đàng Ngoài (Đông Kinh), đã được phái vào để quản trị Thuận Hóa sau khi các đội quân miền bắc đã chinh phục lãnh địa do chúa Nguyễn cai trị trong năm 1775.

41.   Leopold Cadière, “Mémoire de Benigne Vachet sur la Cochinchine, 1674”, Bulletin de la Commission Archeologique de l’Indochine (1913): 14.

42.   Gourou, Land Utilization, trang 57.

43.   Proceedings of the seminar on Champa: University of Copenhague on May 23, 1987, biên tập bởi P. B. Lafont và phiên dịch bởi Huỳnh Đình Tế (Rancho Cordova, CA.: 1994); về quan điểm địa lý xứ Chàm, xem bài khảo luận của Quách Thanh Tâm, các trang 21-37.  Tuy nhiên, các học giả về Chàm trước đây có cùng sự tin tưởng trong một lối cách biệt nhau, về địa dư cô lập, giống như đồng sự Việt Nam của họ; xem Georges Maspero, Royaume de Champa (Paris and Brussels: G. Van Oest, 1928), chương 1.  Các sự khai phá gần đây đã thúc đẩy rất nhiều sự hiểu biểt của chúng ta về tiền lệ của Chàm trong các khu vực như Thuận-Quảng, của các tác giả gồm cả William A. Southworth, “The Origins of Campa, in Central Vietnam: A Prelominary Review” (Luận Án Tiến Sĩ, University of London, 2001, các trang 63-112.  Tác giả Southworth cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các tuyến đường ven biển dọc theo bờ biển Chàm (vốn bao gồm cả Thuận-Quảng); xem Southworth, “River Settlement and Coastal Trade”, tham luận trình bày tại kỳ Hội Thảo The Symposium on New Scholarship on Champa, Asia Research Institute, National University of Singapore, 5-6 August 2004.

44.   Bennet Bronson, “Exchange at the upstream and downstream ends: Notes toward a functional model of the coastal state in Southeast Asia”, trong quyển Economic exchange and social interaction in Southeast Asia: Perspectives from prehistory, history and ethnography, biên tập bởi Karl Hutterer (Ann Arbor: University of Michigan Center for South and Southeast Asian Studies, 1977), trang 42.

45.   Keith W. Taylor, “Early Kingdoms”, trong sách do Tarling biên tập, Cambridge History.., các trang 153-4.  Các thí dụ nổi bật về các công trình nghiên cứu thiết lập các sự liên kết hay so sánh giữa các xã hội Chàm và quần đảo Mã Lai bao gồm bài viết của Kenneth Hall, “The Politics of Plunder in the Cham Realm of early Vietnam”, trong quyển Art and Politics in Southeast Asian History: Six Perspectives, biên tập bởi Robert Van Neil (Honolulu: University of Hawaii Center for Southeast Asia Studies, 1989), các trang 5-32; tuyển tập nhiều bài viết trong quyển Le Campa et le Monde Malais: Acres de la Conférence Internationale (Paris: Publications du Centre d’Histoire et Civilisations de la Peninsule Indochinoise, 1991); và của Graham Thurgood, From Ancient Cham to Modern Dialects: Two Thousand Years of language Contact and Change (Honolulu: University of Hawaii Press, 1999), các trang 14-15, 31-4.

46.   Đặc biệt, xem bài viết của Momoki Shiro, “A Short Introduction to Champa Studies”, trong quyển The Dry Areas in Southeast Asia: Harsh or Benign Environmẻnt, biên tập bởi F. Hayao (Kyoto: Kyoto University Center of Southeast Asian Studies, 1999), các trang 65-74.

47.   Thí dụ, xem PBTL, tập 1, các trang 144-50, 158-89, 202-4, 223-4.

48.   Dashan (Thích Đại Sán), Haiwai Jishi: Hải Ngoại Ký Sự (Taibei: Guangwen Shuju, 1969), trang 92.  Địa lý hành chánh hướng đến biển này có thể được nhận thấy, thí dụ, trong tác phẩm của Yang Baoyun, quyển Contribution à l’histoire de la principauté des Nguyễn au Vietnam meridional (1600-1775) (Geneva: Editions Olizane, 1992), các trang 32-41, 195-6.

49.   Thí dụ, quyển Thiên Nam Tứ Chi Lộ Đồ Thư [?] mô tả một hải trình bằng thuyền từ Thăng Long (Hà Nội) kinh đô Đại Việt đến kinh đô của xứ Chàm bị chinh phục tại Vijaya; xem Hồng Đức Bản Đồ [Maps of Hồng Đức Era], biên tập bởi Trương Bửu Lâm và các đồng sự (từ giờ trở đi viết tắt là HĐBĐ) (Saigon: Tập Quốc Gia Giáo Dục, 1962), các trang 66-149, đặc biệt các trang 91-5 về vùng Thuận Quảng.  Đầu mối nối kết ở vũng cửa sông tiếp giáp với biển này được phản ảnh nơi các bản đồ thời trước thế kỷ thứ mười chín được phân tích bởi tác giả John K. Whitmore, nơi bài “Cartography in Vietnam”, trong quyển The History of Cartography, vol. II, pt. 2: Cartography of the Traditional East and Southeast Asian Societies, biên tập bởi J. B. Harley and David Woodward (Chicago: University of Chicago Press, 1994), các trang 481-96.

50.   Trong sự phân tích bản đồ của ông, tác giả Whitmore ghi nhận: “Mặc dù bản văn của mỗi phần có vẻ như nói về các tuyến đường trên đất liền, sông và biển [có nghĩa, các hành lang duyên hải], điều đó có nghĩa là bản đồ nêu ra các tính chất khác biệt của cả ba loại khung cảnh, khác nhau từ tuyến này sang tuyến kia”.  Bời thế, tác giả đưa ra sự nhấn mạnh ngang nhau đối với “đường bộ -- lữ quán và các cây cầu; đường thủy – các sông ngòi, kinh rạch và các bến sông; đường biển – vũng cửa sông, luồng nước, các tầm nước nông và sâu”. (“Cartography in Vietnam”, các trang 490-1.

51.   Christoforo Borri, “An Account of Cochinchina”, trong quyển A Collection of Voyages and Travels, biên tập bởi A. Churchill (London: Printed by assignment from Messrs Churchill for Lintot [etc.], 1744-6), tập II, các trang 701b-702a.  Ý kiến về việc du hành trong mùa lụt được trích từ quyển Rhodes of Vietnam: The Travels and Missions of Father Alexander de Rhodes in China and other Kingdoms of the Orient, phiên dịch bởi Solange Hertz (Westminster, MD: Newman Press, 1966), trang 44.

52.   Cùng nơi dẫn trên.

53.   Quyển PBTL cung cấp nhiều thí dụ về hấp lực miền hạ lưu trong các nền kinh tế địa phương của Thuận Quảng.  Thí dụ, xem sự mô tả các dòng nước đầu nguồn tại lãnh địa Thuận Hóa trong PBTL, tập II, các trang 146-50, và của một số giang lộ tuyển chọn tại Thuận Hóa, các trang 193-7.  Không may, sông Hội An (hay Thu Bồn) tại Quảng Nam lại không nằm trong số đó; tuy nhiên, xem “Quảng Nam tỉnh lục”, trong sách của tác giả Lê Quang Định, Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (từ giờ trở đi viết tắt là HVNHDĐC) (1806) (Bản thảo số A. 584 tại Viện Hán Nôm ở Hà Nội, hay vi phim sô A. 67/103 của truờng EFEO.

54.   Xem quyển [tập] 2 của PBTL (đặc biệt tập I, các trang 144-89, 202-4, 223-4).  Các hải cảng thứ yếu nổi bật nhất là Thanh Hà [?], phục vụ vùng Phú Xuân, và Nước Mặn, phục vụ cho Qui Nhơn.  Muốn có một sự nghiên cứu tường tận về hệ thống đường thủy chằng chịt này, xem các thủy trình tập hợp giữa Huế và các tỉnh ngoại vi trong các quyển 1-4, tập HVNTDĐC.

55.   Gần như tất cả mậu dịch xuất cảng này đều nằm trong tay các thuyền buồm đi biển (yangchuan: dương thuyền) Trung Hoa đặt căn cứ tại Hội An.  Một phần nhỏ sự vận tải mậu dịch liên can đến việc chuyên chở bằng tàu của Âu Châu (thường từ Macau), bên ngoài thị xã Đã Nẵng.  Cả hai hải cảng đều nằm ở các vũng cửa sông của các phụ lưu trong vùng châu thổ của cùng hệ thống cấu thành sông Hội An.

56.   Người ta có thể nhận thấy nhiều loại tàu thuyền, dù làm bằng nhôm, thép hay nhựa, bố túc vào danh sách các vật liệu xây dựng cùng với các thứ như gỗ, tre và mây --  luôn được thích nghi với các nét đặc thù của nhu cầu địa phương; Francoise Aubaile-Sallenave, Bois et Bateaux du Vietnam (Paris: SELAF, 1987); Sách xanh về tàu cận duyên, Blue Book of Coastal Vessels, South Vietnam (Washington and Saigon: Remote Area Conflict Information Centre, Battelle Memorial Institute, Columbus Laboratories, 1967); và J. B. Pietri, Voiliers d’Indochine (Saigon: SILI, 1949).

57.   Dashan, Haiwai Jishi, các trang 101-3; Leopold Cadière, “Un Voyage en “Sinja” sur les Cotes de la Cochinchine au XVIIe siècle”, Bulletin des Amis du Vieux Hue, 8, 1 (1921): 15-29.  Linh Mục De Rhodes hay du hành bằng thuyền cận duyên; Sứ bộ Thomas Bowyear được cấp phát hai chiếc “sinja” bởi triều đình nhà Nguyễn khi buôn bán ở đó trong năm 1695, cũng như Pierre Poivre trong năm 1747 (xem cuộc thảo luận về việc kéo tàu bên dưới).

58.   Charles Gutzlaff, “Geography of Cochin-Chinese Empire”, Journal of the Royal Geographical Society of London, 19 (1849): 94.  Hai du khách Âu Châu đến vùng Thuận-Quảng trong thập niên 1790 có ghi lại chi tiết sự lưu thông ven biển này, được phát triển ngay giữa lúc có đại biến cố Tây Sơn; John Barrow, A Voyage to Cochinchina (Kuala Lumpur: Oxford University Press, sách in lại năm 1975), trang 319; và Pierre J. L. de la Bissachere, État Actuel du Tunkin, de la Cochinchine, et des Royaumes de Cambodge, Laos, et Lạc Thổ (Paris: Galignali 1812), các trang 159-64.  Các sự mô tả của phương tây về sự lưu thông và mậu dịch ven biển tường tận hơn nhiều trong các tác phẩm thời thế kỷ thứ mười chín.

59.   Các sự tham khảo về sự tổ chức và các hoạt động của hải quân trong sử liệu bằng Việt ngữ nhiều đến nỗi chúng đáng để có một cuộc nghiên cứu riêng.  Bộ phận hải quân này trong quân sử Việt Nam có nhật kỳ muộn nhất từ thời kỳ lệ thuộc Trung Hoa, tại nơi mà các động lư/c cho sự tranh chấp Việt Nam – Chàm đã phát sinh.  Ngay khi đó, các trận chiến liên hệ đến các lực lượng hải quân tranh dành nhau dọc theo luồng nước ven biển, bổ sung một cách mật thiết cho các lực lượng trên đất liền.  Về sự sử dụng các lực lượng hải quân trong cuộc chinh phục xứ Chàm hồi thế kỷ thứ 15, xem John K. Whitmore, “Two Great Campaigns of the Hồng Đức Era (1470-97) in Đại Việt”, South-East Asian Research, 12, 1 (2004): 124-30.  Cũng xem các thí dụ trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh bên dưới.  Ngay trong thế kỷ thứ 20, các tàu men theo bờ biển đã đóng một vai trò sinh tử trong các chiến dịch quân sự, như chúng đã làm trong cuộc cách mạng Việt Nam; về sự sử dụng các thuyền ven bờ biển của Việt Minh, xem bài nghiên cứu lôi cuốn của Christopher Goscha, “The Maritime Nature of the Wars for Vietnam”, tham luận trình bày tại Hội Thảo The 4th Triennial Vietnam Symposium, Vietnam centre, Texas Tech University, 11-13 April 2002, cung cấp trên mạng internet ở địa chỉ:

http://www.vietnam.ttu.edu/vietnamcentre/events/2002_Symposium/2002Papers_files/goscha.htm, tiếp cận ngày 18 April 2004).  Sức mạnh của hiện tượng này được minh họa một cách hoàn hảo trong quyển Blue Book of Coastal Vessels.

60.   Các thí dụ về hoạt động hải quân thời Trịnh Nguyễn phân tranh thì đầy rẫy.  Thí dụ, xem các chiến dịch của chúa Nguyễn Hoàng đánh nhà Mạc trong thập kỷ 1550, cuộc du hành lần cuối của ông xuống miền Nam và các trận giao chiến giữa các hậu duệ của ông với Chúa Trịnh và người Hòa Lan (trong năm 1644), chưa kể đến các chiến dịch của cuộc chiến tranh Tây Sơn, kể cả Trận Đánh ở Cẩm Sa giữa Tây Sơn và các lực lượng nhà Trịnh trong các tháng Năm-Sáu, năm 1775; Đại Nam Thực Lực Tiền Biên (từ giờ trở đi, viết tắt là ĐNTLTB) (Hà Nội: Viện Sử Học, 1962), các trang 33-41, 73, 83, 252-3.

61.   Quyển Ô Châu Cận Lục trong thế kỷ thứ 16 (khoảng thập niên 1550), bộ Khâm Định Hội Điển Sự Lệ trong thế kỷ thứ 19, và quyển Đại Nam Nhất Thống Chí hồi đầu thế kỷ thứ 20 đều chấm định các hải cảng và chợ trung ương gần các cửa sông.  Đối với các văn bản do nhà nước ấn hành, tầm quan trọng của vùng duyên hải được minh chứng rõ nhất trong các tác phẩm hồi thế kỷ thứ 19 chẳng hạn như các tác phẩm vừa được nêu trên, trong đó các pháp chế liên quan đến sự lưu thông bằng tàu thuyền nhiều gấp bội lần các pháp chế về đường bộ và các lực lượng hải quân cũng thu hút sự quan tâm nhiều như đối với các lực lượng lục quân; xem Khâm Định Hội Điển Sự Lệ [Collected Statutes of Royal Đai nam] (Huế: Thuận Hóa, 1993): các trang 48, 50-1, 172-3, 212-15, 217-20, 252, 254, 256.

62.   Ngoài các trích dẫn kể trên, xem hải trình ven biển cung cấp bởi thương nhân họ Trần (Chen) trong PBTL, tập II, các trang 72-3, cung như trong tập I, các trang 180-1.

63.   Các tập hướng dẫn hải hành của Trung Hoa cho thời kỳ này ghi đường nối với hải đảo của hải lộ bên phía Tây Dương của Trung Hoa, vạch theo viền phía tây của Biển Nam Hải, chạy theo bờ biển Đàng Trong từ Cù lao Chàm, xuôi nam xuống đảo Pulo Con Din [? Dor, tức đảo Côn Sơn?].  Điều này xác nhận sự liên hợp của hải lộ ven biển của Đàng Trong với trung tâm chuyển tiếp đại dương chính yếu nối liền Trung Hoa với Ấn Độ Dương.  Xem, thí dụ, Xiang Da, Liang zhong haidao zhenjing [Hai La Bàn Lái Thuyền] (Beijing: Zhongua Shuju, 1961), các trang 13-99, 101-95.

64.   Thứ ba là Qizhou (tiếng Việt là Thất Châu).  Một tập giới thiệu bằng Anh ngữ về các hòn đảo và tên gọi của chúng trong cổ sử, khá hữu ích, bất kể các sự xuyên tạc vì lòng yêu nước lộ liễu, là quyển của tác giả Lưu Văn Lợi, The Sino-Vietnamese Difference on the Hoàng Sa and Trường Sa Archipelagos (Hà Nội: Thế Giới, 1996), các trang 9-17, 31-47.  Các bản đồ lịch sử và đương đại về các quần đảo này được cung ứng trên mạng internet ở đia chỉ South China Sea Virtual Library, http://community.middlebury.edu/~scs/maps_images.html.

65.   Dashan, Haiwai Jishi, trang 86; cũng xem HĐBĐ, trang 95a.

66.   Sự kiểm soát hành lang duyên hải cũng ngăn cản một cách hữu hiệu hải lực của Đàng Ngoài (Tonkin) và sự tiếp cận thương mại ở vịnh Bắc Việt, bảo vệ cho sự tự trị của chúa Nguyễn.  “Đúng là người Đàng Ngoài, với các tàu đáy bằng chèo tay và các tàu khác trên biển nhiều gần như vô kể, có thể tiến hành đổ xuống các tỉnh xa xôi hơn [có nghĩa Đàng Trong: Cochinchina].  Nhưng đã có … các trở ngại cần phải khắc phục: trước tiên là quần đảo Hoàng Sa (Paracels), vốn là một giải đá ngầm trải dài hai mươi bốn dậm từ bờ của chúng và được phân cách nhau bởi một khoảng cách không mấy lớn, loại không gian mà các tàu Âu Châu không bao giờ đi ngang qua” (Cadière, “Mémoire de Benigne Vachet”, trang 15).  Sự kiểm soát hành lang ven viển giữa Cù Lao Chàm và Côn Đảo và sự diệt trừ hải tặc Chàm có lẽ bổ túc một khía cạnh khác cho sự bành trướng quân sự của chúa Nguyễn xuống phương nam.

67.   Mặc dù Cổ Cò [?] bị bùn lấp trong thế kỷ thứ 19, các dấu hiệu về sự sử dụng nó cho sự chuyển vận nội địa và địa điểm thả neo đã được khai quật từ đất cát.  Một số bản đồ Âu Châu hồi thế kỷ thứ 18 có vẽ hồ nước mặn này rõ ràng; xem bản in lại trong sách của Alastair Lamb, The Mandarin Road to Old Hue, Narratives of Anglo-Vietnamese Diplomacy from the 17th Century to the Eve of the French Conquest (London: Chatto and Windus, 1970), các trang 104, 170-1

68.   Sự quan trọng của các hòn đảo này được khai triển trong bài viết của Wheeler, “Cross-cultural Trade”, các trang 52-3, 117-18.  Trên các bản đồ hải hành, chúng trông giống như các chấm được nối lại với nhau hơn là các địa hình, nhằm chỉ nhấn mạnh đến vai trò của chúng trong sự du hành trên biển.  Tôi cảm ơn về sự quảng đại của ông Nguyễn Thừa Hy [?], Đại Học Quốc Gia Việt Nam, Khoa Sử Học, về việc đã giải thích cho tôi rõ về điểm này.  Về các hòn đảo ngoài bờ biển Quảng Đông, xem Dian Murray, Pirates of the South China Coast, 1790-1810 (Berkeley: University of California Press, 1987), trang 9.

69.   Như được dẫn chứng trong lộ trình của ông Lê Quý Đôn trên đất liền khắp vùng bao quanh kinh đô chúa Nguyễn tại Phú Xuân (PBTL, tập I, các trang 171-8).  Tầm quan trọng của các con phà như một nguồn thu thuế chỉ bổ túc thêm một bằng chứng nhỏ về vị thế của chúng trong các nền kinh tế cấp miền của Đàng Trong; xem PBTL, tập I, các trang 161-2, 174-5, 177-8, 206, 240, 372; và tập II, các trang 29-33.

70.   Floy Hurlbut, The Fukienese: A Study In Human Geography (Muncie, IN: The author, 1939); Hugh Clark, Community, Trade and Networks: Southern Fujian Province from the Third to the Thirteenth Century (Cambridge: Cambridge University Press, 1991), các trang 3-10; Hans Bielenstein, “The Chinese Colonization of Fukien Until The End of The Tang”, trong quyển Studia Serica Bernhard Karlgren dedicata, biên tập bởi Soren Egorod và Else Glahn (Copenhagen: E. Munksgaard, 1959), các trangb98-122.  Đối với Chàm và miền trung Việt Nam, các sử gia  tin rằng địa dư “đã đóng một vai trò tiêu cực” giống như trong lịch sử của Phúc Kiến; Evelyn Rawski, Agricultural Change and The Peasant Economy of South China (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1972), trang 60.  Tuy nhiên, trái ngược với hai miền này, các học giả Trung Hoa xem địa dư vùng biển, núi đồi, yếu kém về lúa gạo của tỉnh Phúc Kiến như lực thúc đẩy – chứ không như sự kiềm chế -- để phát huy văn hóa miền biển, trọng thương mại của tỉnh này.

71.   Gourou, Land Utilization, các trang 429-30.  Quyển sách nổi tiếng của các tác giả Maurice Durand và Pierre Huard, Connaissance du Vietnam (Paris: Imprimerie Nationale, 1954) chứa đựng nhiều hình vẽ về dân đánh cá.

72.   J. Y. Claeys, “L’Annamite et La Mer”, Bulletin de l’Institut Indochinois pour l’Étude de l’Homme (1942): 19.  Chỉ có rất ít cuộc nghiên cứu đã được thực hiện trong bất kỳ ngôn ngữ nào; một ấn phẩm viết về đời sống duyên hải thời cổ xưa là quyển Biển vơi người Việt cổ, biên tập bởi Phạm Đức Dương, và các tác giả khác (Hà Nội: Văn Hóa Thông Tin, 1996).

73.   Về bằng chứng ngôn ngữ học và khảo cổ học, xem bài viết của Wheeler, “Cross-cultural Trade”, các trang 96-7.  Các nhà nghiên cứu khác về “các kẻ buôn bán – cướp bóc” cũng nhận hấy rằng việc cướp bóc có tính cách thương mại khởi sự với việc mua bán giữa thượng và hạ nguồn về các thực phẩm cùng các loại sản phẩm khác, sau đó được kết hợp vào trong các mạng lưới mậu dịch rộng lớn hơn.  Việc này kế đó đã khởi hứng cho các sự chuyển đổi trong các nền kinh tế địa phương, gây ảnh hưởng đến kinh tế chính trị của các miền như Thuận Quảng.  Xem, thí dụ, Laura Lee Junker, “Long-Term Change and Short-Time Shifting in The Economy of Philippine Forager-Traders”, trong quyển Beyond Foraging and Collecting: Evolutionary Change in Hunter-Gatherer Settlement Systems, biên tập bởi Ben Fitzhugh và Junko Habu (New York: Kluwer Academic/Plenum Publishers, 2002), các trang 339-86; và Forager-Traders in South and Southeast Asia: Long-Term Histories, biên tập bởi Kathleen Morrison và Laura Lee Junker (Cambridge: Cambridge University Press, 2002).  Thuận-Quảng có vẻ phù hợp một cách trọn vẹn với mô thức này.

74.   Borri, “Account of Cochin-China”, trang 704a.

75.   L. Rey, Voyage from France to Cochin-China: In The Ship Henry (London: Sir Richard Phillips and Co., 1821), trang 121.

76.   Các thí dụ bao gồm Thomas Bowyear, “Voyage to Cochinchina [c. 1695], trong “Oriental Repertory, 1 (1808): 53.  Một bản tường thuật hồi cuối thế kỷ thứ 18 ghi nhận một ngư sản phong phú, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, và một kỹ nghệ rộng lớn trong ngư nghiệp, sử dụng các các thuyền, lưới buộc vào cọc [? stakenet], dùng ván ngăn băt cá giữa dòng sông (weirs) v.v…; John Crawfurd, Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochinchina (Kuala Lumpur: Oxford University Press, 1967, sách in lại), các trang 480, 513.  Điều này được xác nhận cho thế kỷ thứ 19, trong cùng nguồn tài liệu, các trang 480, 490, 513, 520; George Finlayson, The Mission to Siam and Hue, the capital of Cochinchina, in the years 1821-2 (London: J. Murray, 1826), các trang 327-8; và John White, A Voyage to Cochinchina (Kuala Lumpur: Oxford University Press, 1972, sách in lại), các trang 54-9.

77.   Các sự tham chiếu về việc mua bán muối thì có nhiều, nhưng chỉ có ít sự đề cập đến việc sản xuất.  Tác giả Lê Quý Đôn ghi nhận rằng “muối được sản xuất tại Vũng Di Luân thì rất thuận lợi”. (PBTL, tập I, trang 149).

78.   Về việc đánh cá tại Thuận Hóa, xem cùng nơi dẫn trên, tập I, các trang 154, 158, 165, 197-98, 200, 210-13.  Về mậu dịch xem tập I, các trang 146, 153, 155-6, 160, 167-8, 174-6, 181-92, 193, 196-7, 206, 208.  Các thị trường cũng được xác định xuyên qua bảng liệt kê các sản phẩm trong quyển 6  (tập II, các trang 367-449).

79.   Các con số này được lấy từ tác giả Li, trong quyển Nguyễn Cochinchina, trang 122, rút ra từ các dữ liệu về thuế được ghi chép trong PBTL, tập I, trang 240.  Xem bằng cớ về các hoạt động thị trường tại các vũng cửa sông qua các sắc thuế chợ và vùng hồ nước trong PBTL, tập II, các trang 24-30.

80.   Cùng nơi dẫn trên, tập I, các trang 156, 200; tập II, các trang 13-18.  Thí dụ, các vỏ ốc sò đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử tiền tệ của các miền nội địa như Vân Nam.  Tác giả Zhang Xie đã nêu tên Đàng Trong (mà ông gọi là Giao Chi như một nguồn cung cấp; Zhang Zie [? Hay Xie], Dongxi yangkao (Beijing: Zhonghua Shuju, 1981), trang 13.  Muốn biết thêm về điều này, xem Laichen Sun, “Ming-Southeast Asian Overland Interactions, 1368-1644 (Chian, India, Myanmar)”, (Luận án Tiến Sĩ, University of Michigan, 2000).  John Barrow, thí dụ, có ghi nhận các sự sử dụng rong biển trong các chất dinh dưỡng ở vùng đất thấp (Voyage to Cochinchina, trang 315).

81.   Dương Văn An, Ô Châu Cận Lục, phiên dịch bởo Bùi Lương (Saigon, Văn Hóa Á Câu, 1961), trang 28; Zhang, Dongxi yangkao, các trang 12-19; Borri, “Account of Cochinchina”, các trang 703-4; PBTL, tập I, các trang 202M; tập II, các trang 73-5.  Tác giả Barrow có ghi lại các chợ và giá cả các loại ốc biển (Voyage to Cochinchina, các trang 354-5).  Phần trích dẫn về chợ lấy từ Thích Đại Sán, Haiwai Jishi, trang 107.

82.   Kenneth M. Ames, “Going By Boat: The Forager-Collector Continuum At Sea”, trong sách biên tập bởi Fitzhugh và Habu, Beyond Foraging and Collecting, trang 21.

83.   Cùng nơi dẫn trên, các trang 22, 31-32, 39, 45; Junker, “Long-term Change..”, các trang 339-40.

84.   Aubaile-Salienave, Bois et Bateaux, các trang 13, 106-7.

85.   Những thứ gỗ này được liệt kê rộng rãi trong quyển 6, sách PBTL, trong khi quyển 2 cung cấp địa dư của sự sản xuất và trao đổi các loại gỗ ở các nơi sông phân nhánh.  Cũng xem Jean Koffler, “Description historique de la Cochinchine (1803), Revue Indochinoise, 5 (1911): 459.  Về các sự sử dụng gỗ kiền kiền [?, chữ Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] trong việc đóng tàu, xem Aubaile-Sallenave, Bois et Bateaux, các trang 13, 17, 129, 149, và các sự mô tả về thảo mộc (botanical) của nó nơi các trang 106-7.  Tác giả liệt kê các động vật [? fauna] được dùng trong việc kiến tạo các chiếc thuyền tại Thuận Quảng – phần lớn trong chúng đến từ các khu rừng nội địa và giải thích sự khai thác trong lịch sử các tài nguyên này (các trang 37-48).  Borri, giống như nhiều nhà quan sát Âu Châu khác, thốt lên về “các loại cây tốt nhất trên thế giới ... cao đến tận các đám mây, to đến nỗi hai người chưa ôm đủ chúng” (Account of Cochinchina, trang 705a).

86.   Một sự tái duyệt tuyệt hảo về mậu dịch theo chiều hướng sinh thái hơn là văn minh được viết bởi David Christian, “Silk Roads or Steepe Roads? The Silk Road In World History”, Journal of World History, 11, 1 (2000): 1-26.

87.   Gourou, Land Utulization, trang 434.

88.   Dashan, Haiwai Jishi, trang 18; Jean Chesneaux, The Vietnamese Nation: Contribution To A History, phiên dịch bởi Malcom Salmon (Sydney: Current Book Distributors, 1966), trang 11.  Liệu tất cả các thủy thủ Việt Nam hay thuộc Đàng Trong này có nguyên quán ở Thuận Quảng hay không thì không thể chứng minh được, nhưng tôi nghĩ có thể giả định an toàn rằng trong đó có một số đến từ Thuận Quảng.

89.   Xem PBTL, tập II, các trang 160-8.  Các lái tàu Đàng Trong phục vụ tại các nơi khác được đề cập đến bởi tác giả Christopher Goscha, Siam and the Southeast Asian Networks of the Vietnamese Revolution, 1885-1954 (Richmond, Surrey: Curzon Press, 1999), trang 14.  Về một bài viết về các lái thuyền ở Đàng Trong, xem Le Gentil de la Barbinais, Nouveau Voyage Autour du Monde (Paris: Briasson, 1728), trang 8.  Sự nhận xét của Dalrymple được rút ra từ sách của Alexander Dalrymple, Memoirs and Journals (London: George Bigg, 1786), tập II, các trang 1-18.

90.   Ngay trong các nghệ thuật khuynh đảo, thuật lái thuyền trên sông biển ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam, dù là được áp dụng bởi các kẻ cướp tbóc thời Tây Sơn hay các kẻ buôn lậu thời Việt Minh.  Một số ít các tác phẩm xác định sự hiện diện của người Việt Nam trong giới hải tặc biển Nam Hải trong thời Tây Sơn khiến ta nghĩ rằng sự kiện đó đã giữ một vai trò đáng kể trong kết quả của cuộc chiến; nó chắc chắn đã tác động đến bờ biển của Trung Hoa.  Xem các thí dụ về các vụ án người Việt Nam được rút ra từ các cuộc thẩm vấn của nhà Thanh bên Trung Hoa trong tác phẩm của Robert J. Antony, Like Froth Floating On the Sea: The World of Pirates and Seafarers in Late Imperial South China (Berkeley: Institute of East Asian Studies, 2003), các trang 6-7, 38-43; và Thomas C. S. Chang, “Ts’ai Ch’ien, The Pirate King Who Dominates The Sea: A Study of Coastal Piracy in China, 1795-1810”(Luận án Tiến Sĩ, University of Arizona, 1983), các trang 40-41, 58-9, 99-101, 146-9, 166-7.  Về Việt Minh, xem Goscha, “Maritime Wars”.  Một cách khá hiếu kỳ, trong khi các hải tặc người Chàm biến mất trong văn chương lịch sử trong thế kỷ thứ 16, các hải tặc Việt Nam lại xuất hiện dọc theo bờ biển miền Trung.

91.   PBTL, tập II, các trang 212-13 

92.   Barrow, Voyage to Cochinchina, trang 319.  Muốn có một sự quan sát đồng thời đại, xem De la Bissachere, État Actuel du Tunkin, các trang 159-64.

93.   Barrow, Voyage to Cochinchina, trang 321; Tác giả Finlayson trình bày các đặc điểm của chúng trong cùng một cách y như thế (Mission to Siam, các trang 327-8).  Các người ngoại quốc đã nối liền thuật đi biển của Hội An với loại thuyền prau của Mã Lai, mà người địa phương gọi là chiếc ghe bầu [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] xác nhận nguồn gốc Chàm của các chiếc thuyền này; chúng cũng còn được gọi là thuyền gia [?]; Nguyễn Bội Liên và các tác giả khác, “Ghe Bầu Hội An xứ Quảng, trong Đô Thị Cổ Hội An, biên tập bởi Nguyễn Đức Diêu [?] và các tác giả khác (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1991), các trang 141-4.  Một bản phiên dịch rút ngắn có thể được tìm thấy trong sách Đô Thị Cổ Hội An (Hà Nội: Thế Giới, 1993), các trang 86-9.

94.   Blue Book (Sách xanh), các trang 12-14, và phần về các loại thuyền, rải rác, Aubaile-Sallenave, Bois et Bateaux, các trang 6, 13-4, 40, 65, 82, 84, 90, 96, 105, 107; Nguyễn Bội Liên, “Ghe bầu …”, trang 142.  Về các loại bè bằng tre từ Miền Trung Việt Nam, xem Aubaile-Sallenave, các trang 6-8.  Các minh họa khác được tìm thấy trong sách của Durand và Huard, Connaissance du Việt Nam, trang 282, và Pietri, Voillers....

95.   PBTL, tập I, các trang 167-8.  Halbout, một nhà truyền giáo người Pháp sống ở Đàng Trong hồi cuối thế kỷ thứ 18, tuyên xác rằng hàng ngàn chiếc thuyền thường xuyên đi lại dọc bờ biển, chính yếu để tiếp tế cho các thành phố như Phú Xuân và Hội An lúa gạo từ miền Cửu Long; xem thư của ông đề tháng Bảy năm 1775, trong Nouvelles Lettres Edifiantes et Curieuses (Paris: Le Clare, 1818), tập VI, trang 285.  Sự kiện này có thể được kiểm chứng bởi nhiều sự tường thuật được lưu trữ tại văn khố Hội Các Dòng Truyền Giáo Hải Ngoại (Société des Missions Étrangères ở Paris (thông tin cá nhân từ Nola Cooke).

96.   Dashan, Haiwai Jishi, trang 86; HĐBĐ, trang 95a.

97.   Dashan, Haiwai Jishi, trang 86.

98.   PBTL, tập I, trang 210; được lập lại trong ĐNTLTB, trang 222.  Cũng xem HĐBĐ, trang 95a.  Thí dụ, ông Lê Quý Đôn báo cáo: “Tôi đã thẩm xét một số văn thư của đội trưởng … Trong năm 1702, Đội Hoàng Sa thu được 30 thoi [ingots] bạc; trong năm 1704, 5000 cân [catties] thiếc; trong năm 1705, 126 thoi bạc.  Năm 1709, trong suốt một thời kỳ năm tháng, họ đã thu được nhiều cân ốc biển và mai rùa.  Ngoài ra, nhiều mảnh thiếc, nhiều bát bằng “đá” và hai nòng đại pháo bằng đồng” (PBTL, trang 211).  Sau khi dành được sự kiểm soát miền sông Cửu Long, triều đình nhà Nguyễn đã lập ra đội Bắc Hải, một nhóm các “thuyền tư” [? tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] và các thuyền đánh cá cỡ nhỏ” đi ra vùng Côn Đảo ngoài biển, sản xuất cùng loại các sản vật  kê khai để chất vào các kho chúa Nguyễn, sau đó đem bán tại Hội An (các trang 211-12).

99.   John Donoghue, Cẩm An: A Fishing Village in Central Viet Nam (Washington, D.C.: Agency for International Development, 1961).

100.         PBTL, tập I, các trang 203-4, 380; tập II, trang 65 (về việc nạp thuế).  Muốn đọc về lịch sử của Đội Thanh Châu bằng Anh ngữ, xem Donoghue, Cẩm An….  Cũng xem Leonard Blusse, “In Praise of Commodities: An Essay on the Crosscuotural Trade in Edible Bird’s-Nest”, trong Emporia, Commodities and Entrepreneurs in Asian Maritime Trade, c. 1400-1750, biên tập bởi Roderich Ptak và Dietmar Rothermund (Stuttgart: Franz Steiner Verlag, 1991), các trang 317-38.  Phần trích dẫn về các giá cả được lấy từ Cadière, “Mémoire de Benigne Vachet”, trang 70; một livre tức một đồng bảng Anh quốc.

101.         Bowyear, “Voyage to Cochinchina”, tập I, trang 75.

102.         Dashan, Haiwai Jishi, trang 19.

103.         Bowyear, “Voyage to Cochinchina”, tập I, trang 75 (trích dẫn dài) và trang 79 (về việc neo tàu).

104.         Dashan (Thích Đại Sán) cũng mô tả “việc hàng tá thuyền đánh cá đã kéo [chiếc tàu của chúng tôi] ra ngoài hải cảng như thế nào” (Haiwai Jishi, trang 111).   Thủy triều nâng cao mực nước của vũng Đại Chiêm một cách đáng kể, tạo sự thuận lợi cho sự thông hành; Vũ văn Phái [?] và Đặng Văn Bo [?], “Đặc Điểm Địa Mạo Khu Vực Hôi An và Lân Cận” [Geomorphological Features of Hoi An and Its Vicinity], trong sách Đô Thị Cổ Hội An, các trang 89-90 (Phiên bản Anh ngữ cuộc Hội Thảo về Hội An, các trang 56-7).  Đôi khi, các tàu có thả neo tại Cổ Cò; tuy nhiên, phần lớn có vẻ đã thả neo tại vũng Trà Nhiêu [?] đối diện con sông từ Hội An, có thể “chứa được các tàu mậu dịch băng ngang biển cả đến từ nhiều nước” (HĐBĐ, trang 92b).  Bức tranh của Nhật Bản được in lai trong bài của Noel Peri, “Essai sur les relations du Japon et de l’Indochine au XVIe et XVII e siècles”, Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient, 23 (1923): 1-13.

105.         Henri Cordier, “Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine (suite): Journal d’une voyage à la Cochinchine depuis le 29 Aout 1749, jour de nôtre arrive, jusqu‘au 11 Février 1750”, Revue d’Extrême-Orient, 3 (1887): 366 (trích dẫn) và 370.  Dashan (Đại Sán) cung cấp các chi tiết sống động nhất; trong một cơn bão, ông tỏ ra kinh sợ bởi các mái chèo được lắp ráp giống như các ngọn giáo … Tôi nhớ chiếc tàu sơn đỏ cắt ngang mặt nước, và sức mạnh mãnh liệt của thủy thủ của tàu.  Mặc dù các luồng sóng lớn cuốn mạnh, họ có khả năng trấn áp được mãnh lực của sóng và giữ vững [con tàu]” (Haiwai Jishi, các trang 101-3).  Nhà truyền giáo Vachet cũng mô tả một chiếc tàu đáy bằng chèo tay của Đàng Trong (Cadière, “Memoire de Benigne Vachet”, các trang 19-20). 

106.         Trấn [tiếng Việt trong nguyên bản, đuoc dich ra Anh ngữ là Forts: chỉ chỗ có đồn quân đội, chú cua người dịch] là một đường nét tiêu biểu của lối ra vào nơi cửa sông, dẫn đến phân miền tập trung duyên hải Thuận Quảng, và đến các tỉnh miền Trung Việt Nam nói chung; sự kiện này được phản ảnh nơi bài viết của Whitmore, “Cartography in Viet Nam”.  Muốn biết về thời chúa Nguyễn, xem ĐNTLTB, các trang 156-7; một sự mô tả các đồn, trấn gần Hội An được ghi nơi các trang 68-69, và các trạm trên đất liền và trên sông được ghi nơi trang 17.

107.         Đặng Phương Nghi, Les Institutions Publiques du Vietnam au XVIIIe siècle (Paris: École Francaise d’Extrême-Orient, 1969), các trang 128-30.  Sự tuần cảnh canh gác đường thủy được mô tả trong ĐNTLTB, trang 122 và các binh thuyền [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] nơi các trang 34-7.  Về lực lượng hỗn hợp hại quân chúa Nguyễn, xem Li, Nguyễn Cochinchina, các trang 41-2 và Yang, Contribution à l’Histoire, các trang 105-7.

108.         ĐNTLTB, các trang 178-9.  Xem các bản phiên dịch và phân tích các sự vận tải lúa gạo này trong bài viết của tác giả Li Tana, “The Nguyễn Chronicle up to 1777”, trong quyển Southern Vietnam under the Nguyễn Documents on the Economic History of Cochin-China (Đàng Trong), 1602-1777, biên tập bởi Li Tana và Anthony Reid (Singapore: ISEAS, 1993), trang 128.

109.         Pearson, “Littoral Society”, trang 7.

110.         Wheeler, “Cross-cultural Trade”, các trang 207-11.  Các kỹ thuật hải hành và lái tàu mới trong các thế kỷ thứ 18 và 19 dần dần đã giải phóng các chiếc tàu đi biển sâu khỏi việc bám sát bờ biển miền Trung Việt Nam, phá vỡ sự kết hợp lâu đời các tuyến đường đại đương và duyên hải vốn làm giàu cho các vương quốc Chàm và Việt Nam trong nhiều thế kỷ.

111.         Đại biến động Tây Sơn làm sút giảm dân số tại các miền như Thuận Quảng.  Các nhà truyền giáo tuyên bố rằng có đến một nửa dân số Đàng Trong đã bị hủy diệt (Wheeler, “Cross-cultural Trade”, các trang 190-6).  Cảm ơn tác giả Nola Cooke về việc nêu ra tầm quan trọng của đại họa này trên sự suy giảm tòan miền trong trường kỳ.  Sự suy sụp môi trường chưa được khảo chứng, nhưng phân lớn các sản phẩm vùng cao nguyên và duyên hải có thời từng làm giàu những miền như Thuận Quảng đã bị triệt tiêu hay gần như thế.

***

Tác giả Charles Wheeler là Phó Giáo Sư về Lịch Sử tại Đai Học University of California, Irvine.  Địa chỉ email của ông là: cwheeler@uci.edu.  Trong niên khóa 2005-6, ông được mời làm Chuyên Viên Nghiên Cứu tại Viện Nghiên Cứu Á Châu, Đại Học Quốc Gia Singapore (Asia Research Institute (ARI), National University of Singapore, nơi ông đã hoàn tất bài viết này.  Tác giả muốn bày tỏ lòng cảm ơn đến ông Anthony Reid và các đồng sự tại ARI về việc đã cung cấp một môi trường khích lệ to lớn cho việc suy tưởng về Đông Nam Á.  Cũng xin cảm ơn Nir Avieli, Jerry Bentley, Nola Cooke, George Dutton, Jacob Ramsey, Karen Wigen, và hai độc giả ẩn danh đã đưa ra các sự phê bình hữu ích biết bao, và đến bà Danielle McClellan về lời cố vấn biên tập.

Nguồn: Charles Wheeler, Re-thinking the Sea in Vietnamese History: Littoral Society in the Integration of Thuận-Quảng, Seventeenth-Eighteenth Centuries, Journal of Southeast Asian Studies, 37.1 (Feb. 2006): từ trang 123 đến trang 154.

Ngô Bắc dịch


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24374103