Lịch sử Việt Nam

Tiếp xúc, giao lưu văn hóa Việt - Hoa ở Hội An thế kỷ XVII-XVIII

  • TRẦN THỊ HOÀI - NGUYỄN VĂN SANG
  • 24/07/2012

Thương cảng Hội An sớm được hình thành từ thế kỷ XVII. Chính sách cởi mở, nồng hậu trong quan hệ buôn bán của chúa Nguyễn và điều kiện thuận lợi của Hội An đã khiến nơi này sớm trở thành đô thị sầm uất nhất Đàng Trong. Cùng với thương nhân các nước, người Hoa cũng đến Hội An buôn bán. Nhưng từ sau chính sách“hải cấm” của nhà Minh không cho phép người Hoa ở nước ngoài trở về Trung Hoa và một bộ phận người Hoa“phản Thanh phục Minh” dưới triều Mãn Thanh không thành, họ đã đến, ở lại Hội An, được chúa Nguyễn chấp nhận cho định cư, sinh sống. Hoạt động định cư, buôn bán, sinh hoạt tôn giáo là cầu nối đưa đến sự giao lưu, tiếp xúc giữa hai nền văn hóa Việt - Hoa. Qua thời gian, dấu ấn giao lưu văn hóa Việt - Hoa vẫn còn tồn tại ở Hội An trở thành một biểu tượng của sự hội nhập và tiếp biến văn hóa, biểu tượng cho một thời kỳ phát triển rực rỡ của Hội An, cho tình cảm tốt đẹp của hai dân tộc Việt - Hoa. Nghiên cứu sự tiếp xúc, giao lưu văn hóa Việt - Hoa ở Hội An là con đường để hiểu sâu sắc hơn về văn hóa dân tộc đặc biệt là ở Hội An.

1. Kiến trúc

Ở Hội An, chúng ta dễ dàng tìm thấy những yếu tố của phong cách kiến trúc Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản. Sự kết hợp hài hòa các kiểu thức, phong cách đã tạo ra phong cách riêng biệt của Hội An. Tuy nhiên, trong sự giao thoa đó ở kiến trúc, điêu khắc Hội An chưa bao giờ các yếu tố ngoại lai lấn át được các yếu tố bản địa.

Định cư ở Hội An từ sớm, người Việt đã hình thành ở đây một phong cách kiến trúc của riêng mình. Đến Hội An, để gắn bó với vùng đất này, bộ phận người Minh Hương đã tiếp thu một số loại hình kiến trúc của người Việt tại Hội An. Nếu như ở Trung Hoa, ngôi đình có chức năng làm nơi để khách bộ hành nghỉ ngơi, lưu trú khi qua đường, thì tại Việt Nam nói chung, Hội An nói riêng, chức năng của ngôi đình có sự chuyển hóa là nơi thờ các vị tiền hiền đôi khi thành hoàng làng. Người Hoa ở buổi đầu của thế kỷ XVII, XVIII, họ không dựng các ngôi đình như người Việt mà cho ra đời các hội quán làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, các hội quán chỉ giữ vai trò liên kết tất cả cộng đồng người Hoa như Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam... còn ngay như trong mỗi làng Minh Hương thì nhu cầu đó chưa được đáp ứng. Tiếp thu lối kiến trúc và chức năng sinh hoạt cộng đồng của ngôi đình người Việt, người Hoa khi xây dựng hội quán đã đưa các vị thần, các vị tiền hiền vào thờ nhưng vẫn duy trì chức năng vốn có của hội quán: “Người Hoa xây dựng hội quán làm nơi thường trú của khách buôn từ Trung Hoa đến, vừa để thờ tiền hiền cùng Thiên Hậu Thánh mẫu” [2, tr.109]. Không chỉ thừa hưởng các phong cách kiến trúc, cách bài trí mỗi công trình, người Hoa còn có sự lĩnh hội nhằm tạo ra sự hòa hợp giữa công trình kiến trúc và nghệ thuật trang trí. Điều đó thể hiện rõ nét trong trang trí chi tiết của chùa Chúc Thànhvà miếu Quan Công mang đậm phong vị kiến trúc Huế: “Tượng thờ trong chùa Chúc Thánh và trong miếu Quan Công cũng như tượng thần Tài, thổ thần hầu hết làm từ đất, ngoài phủ sơn, trang trí chi tiết, rườm rà nhưng cố bắt chước tự nhiên. Đặc biệt ở đây được dán thêm những dải đất gợi lại cách trang trí và kỹ thuật thể hiện của tượng Khương Ninh Các ở Huế” [2, tr.100]. Ngoài ra, người Hoa không chỉ tiếp thu kiến trúc của người Việt, họ còn tiếp thu cách gọi, cách đặt tên các công trình. Đó là sự Việt hóa các tên gọi như đình, chùa, miếu không còn theo nguyên bản trong tiếng Hán.

Người Hoa bên cạnh học hỏi kiến trúc người Việt mà còn mang đến Hội An những phong cách kiến trúc đặc trưng riêng. Người Việt với văn hóa mở đã chuyển vị thế tiếp thu giá trị của văn hóa Chămpa sang tiếp thu văn hóa của người Hoa. Các kết cấu kiến trúc của người Hoa được người Việt vận dụng một cách linh hoạt, tiêu biểu nhất là lối kiến trúc “vài trình chồng - trụ trái bí”. Nó được sử dụng “xây dựng kiến trúc hội quán cũng như kiến trúc nhà ở của người Hoa. Nó không chỉ có mặt ở Hội An mà gặp ở nơi khác trên đất nước ta” [2, tr.102]. Mặt khác, các kiểu thức kiến trúc của cộng đồng người Hoa có nguồn gốc từ Quảng Đông, Quảng Tây được cư dân Hội An vận dụng vào xây dựng các công trình kiến trúc: “Người Hoa Hội An chỉ sử dụng một số loại vài phổ biến ở kiến trúc phía Nam và kiến trúc hội quán Trung Hoa” [2, tr.116]. Bên cạnh đó, các hình tượng nghệ thuật, các tượng được thờ trong các công trình kiến trúc Hội An mang nguồn gốc tín ngưỡng rất khác nhau song hướng về một cái chung. Thần, Phật Hội An tập trung trong nhóm có vai trò phù hộ cho công việc làm ăn buôn bán trên sông biển mà các vị thần đó là các vị thần được người Hoa tôn thờ một cách phổ biến.

Ấn tượng đầu tiên tạo nên sức hấp dẫn của Hội An chính là lối kiến trúc đầy ấn tượng. Nó không hoàn toàn là kiến trúc Trung Hoa cũng không đơn thuần kiến trúc Việt mà là sự giao thoa của nhiều phong cách kiến trúc. Sự giao lưu, tiếp xúc giữa văn hóa của cộng đồng người Việt ở Hội An và người Hoa là “một sự hòa điệu của phong cách nghệ thuật bản địa và nước ngoài tạo nên một phong cách kiến trúc Hội An độc đáo” [6, tr.125].

2. Ẩm thực

Hội An với tư cách là thương cảng mậu dịch mang tính khu vực và quốc tế đã có điều kiện đẩy mạnh quá trình giao lưu, nhất là từ thế kỷ XVI. Chính quá trình giao lưu và hội nhập là yếu tố quan trọng định hình nên bản sắc văn hóa Hội An và yếu tố này thể hiện khá đậm nét trong văn hóa ẩm thực.

Người Việt khi đến sinh cơ lập nghiệp tại Hội An đã định hình nên lối sống, văn hóa ẩm thực mang sắc thái đặc trưng riêng của cộng đồng. Khi những người Hoa đến Hội An, họ có điều kiện tiếp xúc với văn hóa của cư dân bản địa. Qua thời gian, những nét đẹp trong truyền thống của cư dân Hội An được người Hoa tiếp thu, chọn lọc, bổ sung và làm giàu thêm vốn văn hóa của họ. Trong phong tục cúng ngày tết, trên bàn thờ của người Việt luôn có sự hiện diện của bình hoa, mâm ngũ quả, bánh... Ở bàn thờ của người Hoa, họ sử dụng ngũ cốc. Dần về sau “thay vì ngũ cốc là mâm ngũ quả”. Bởi vì qua tiếp xúc, giao lưu với người Việt “người Hoa nhận thấy mâm ngũ quả có màu sắc hơn, làm tăng vẻ khang trang cho bàn thờ và có ý nghĩa cầu may, chúc phúc đầy đủ và phát đạt” [4, tr.85]. Đó chỉ là đơn cử điển hình cho sự tiếp thu phong cách, phong tục ẩm thực của người Hoa từ những cư dân Hội An.

Người Hoa định cư và trở thành bộ phận quan trọng của cộng đồng cư dân ở Hội An. Cho nên, theo hành trình di cư, người Hoa mang vốn văn hóa của họ hòa nhập vào cộng đồng văn hóa của cư dân Hội An. Tại đó, người Việt đã tiếp thu ẩm thực người Hoa như là một minh chứng cho sự tiếp xúc, giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt - Hoa. Sự tiếp thu được biểu hiện ở những món ăn mà họ còn lưu giữ đến ngày nay. Song, tiếp thu ẩm thực của người Hoa, cư dân Hội An không cộng thêm, sao chép nguyên xi mà tiếp biến có chọn lọc cho phù hợp. Sự thay đổi đầu tiên có tính quyết định khởi đầu cho những thay đổi khác là tên các món ăn được thay đổi theo hướng mang đậm chất địa  phương

Bảng 1:

Sự thay đổi tên gọi của một số món ăn ở Hội An

STT

Tên gọi gốc Hoa

Tên người Việt gọi

1

Chí mà phù

Xí mà

2

Lục Tàu xá

Chè Tàu xá

3

Lục phấn

Lường phảnh

(Nguồn: Trần Văn An, Văn hóa ẩm thực ở Hội An)

Ngày nay, khi nhắc đến Chí mà phù, Lục Tàu xá... ít ai biết đến mà người ta chỉ biết đó là món ăn mang phong vị Hội An. Việc tiếp thu, thay đổi không chỉ dừng lại ở tên gọi mà còn có sự thay đổi cả trong cách chế biến. Họ chỉ giữ lại cho mình “những gì phù hợp với khẩu vị, hợp với thói quen ẩm thực và tình trạng nguyên liệu sẵn có tại chỗ” [1, tr.125]. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của một số món ăn mang tính địa phương và thể hiện được yếu tố giao lưu hội nhập với bên ngoài. Có thể xác định được thực tế này thông qua một số món ăn như Cao lầu, Mì Quảng có nét giống với phở Tàu. Công thức chế biến cũng linh hoạt hơn, thành phần nguyên liệu cũng ít nước hơn. Ví như món Lường phảnh, khi chế biến, nguyên liệu trước đây nhập từ Trung Quốc sang, nay mua từ Sài Gòn, Chợ Lớn. Còn món Hoành thành ở Hội An có một khoảng cách khá xa so với nguyên gốc.

Tiếp thu các món ăn của người Hoa, người Việt còn tiếp thu các món ăn gắn chặt với các lễ, các phong tục từ đó có sự biến đổi hình thành nên những món ăn đặc trưng của Hội An. Hàng năm, vào dịp Tết Đoan Ngọ (5-5 âm lịch), người Hoa thường làm bánh đường, bánh ngọt, sau khi cúng xong đem bọc lá lại, quấn quanh bằng chỉ ngũ sắc để cho ma quỷ đến lấy, rồi bơi thuyền ra sông ném xuống để cúng Khuất Nguyên. Là phong tục, tập quán xưa nhưng khi đưa qua Hội An, phong tục đó được người Việt tiếp thu chuyển thành phong tục hái lá thuốc, giết sâu bọ và đây cũng là dịp duy nhất Hội An và vùng lân cận mới có tục làm bánh ú tro. Bánh ú tro ra đời là kết quả của sự tiếp thu ẩm thực người Hoa song nó phát triển theo hướng phù hợp với bối cảnh, phong tục và phong cách ẩm thực của cư dân Hội An.

Dấu ấn của sự tiếp xúc văn hóa Việt - Hoa rất đậm nét “nếu ai không rành khó có thể phân biệt được đâu là đặc sản của người Việt và đâu là đặc sản của người Hoa” [4, tr.85]. Bởi vì, trong ẩm thực người Việt có yếu tố Hoa, trong ẩm thực Hoa có chứa yếu tố Việt. Chính việc “giao lưu văn hóa ẩm thực này là mối dây liên kết các gia đình Việt - Hoa trên mảnh đất Hội An và ngày càng làm giàu  thêm cho nền văn hóa cộng đồng mình, dân tộc mình” [4, tr.85].

3. Tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội

Không gian sống của người Việt và người Hoa tại Hội An là sự đồng tâm về văn hóa. Thế cho nên, những nét trong sinh hoạt tinh thần của cộng đồng này đều có sức hấp dẫn đối với cộng đồng kia tạo nên sự tiếp xúc giao lưu, nhất là ở phương diện tôn giáo, tín ngưỡng và lễ hội.

Tôn giáo ở Hội An ngoài được người Việt ở vùng Bắc Trung bộ mang đến, còn chịu ảnh hưởng bởi vai trò to lớn của các nhà sư Trung Hoa. Nhiều nhà sư chính là người khai sáng nên các dòng Phật giáo ở Hội An và Đàng Trong như Lâm Tế, Tào Động. Cho nên, tín ngưỡng, tôn giáo giữa hai cộng đồng Việt - Hoa sớm chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Người Việt với khả năng và sự khéo léo của mình sớm tham gia việc xây dựng nên những ngôi chùa của người Hoa do đó những ngôi chùa này mang đậm phong cách Việt tiêu biểu là hiện tượng chùa Quan Âm. Ngôi chùa là sản phẩm của người Minh Hương kết hợp với người Việt xây dựng. Sau khi xây dựng, chùa được đặt tên xuất phát từ ý nghĩa của cây chiên đàn của người Việt là chốn thơm tho để thờ Phật. Vì thế, chùa Quan Âm còn có danh xưng là chùa Chiên Đàn. Thực tế cho thấy rằng, tín ngưỡng thờ Phật của người Hoa khi đến Hội An “đã có sự chuyển hóa mạnh mẽ yếu tố Trung Hoa sang màu sắc dân tộc” [5, tr.267]. Biểu hiện của nó chính là sự tác hợp tín ngưỡng truyền thống với Đạo Lão, Nho giáo. Trong các ngôi chùa, nhất là chùa làng xuất hiện hiện tượng “phối thờ: các chư Phật Bồ Tát bên cạnh thờ Thập Điện Diêm Vương, Ngọc Hoàng thượng đế có cả Nam Tào, Bắc Đẩu; Quan Thánh Đế quân có Châu Thường theo hầu” [5, tr.267]. Hành động thờ này vẫn được duy trì ở chùa Hải Tụy. Ngay trong nội Phật giáo cũng không còn có sự tách biệt, thuần nhất mà “kết hợp với Thiền tông, Mật tông (...) để có nghi thức biến hóa cho phù hợp với tâm thức truyền thống”[5, tr.267 - 268].

Lễ tục, tín ngưỡng của Hội An trước hết là lễ tục, tín ngưỡng của người dân Việt mang từ Bắc bộ khi hành hương vào Nam. Ngoài ra, họ còn tiếp thu tín ngưỡng, lễ tục của người Hoa thông qua quá trình giao lưu, giao thoa văn hóa. Người Hoa lấy hoạt động kinh doanh, buôn bán làm chủ yếu. Vì vậy, ở họ hình thành tục thờ cúng các vị thần phù trợ cho hoạt động kinh doanh nhất là thần Tài. Theo ảnh hưởng của người Hoa, mọi gia đình làm nghề kinh doanh ở Hội An đều lập khám thờ thần Tài. Đó là vị thần bảo vệ cho hoạt động kinh doanh, buôn bán được phát đạt, giàu có. Người Việt trước đó cũng thờ một số vị thần trong gia đình. Song khi tiếp xúc với người Hoa, người Việt đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các vị thần được thờ gọi chung là Ngũ tự gia đường. Các vị thần này giữ chức phận cai quản nhà cửa, đất đai... Tuy nhiên các vị thần cụ thể khác nhau tùy thuộc vào gia chủ. Các lễ tết đặc trưng của người Hoa như Tết Thanh minh, Tết Đoan ngọ trở thành ngày tết chung của cư dân Hội An. Trong lễ tết, lễ hội, người Hoa múa lân như một loại hình nghệ thuật chung trong các ngày lễ ở Hội An. Hội An ngày nay còn lưu giữ được những lễ hội mà đặc trưng của nó là được hình thành trên cơ sở truyền thống bản địa Việt Nam có sự giao lưu với văn hóa Trung Hoa và Nhật Bản.

Giá trị truyền thống của kho tàng tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, lễ tết được cộng đồng cư dân Hội An trao đổi, tiếp thu lẫn nhau làm phong phú thêm sắc thái văn hóa Hội An. Tất cả đều hướng đến những giá trị đặc sắc, hướng con người vào chân, thiện, mỹ.

Diễn trình tiếp xúc văn hóa Việt - Hoa diễn tiến phức tạp, phụ thuộc vào bối cảnh chính trị ở Trung Hoa, chính sách của chúa Nguyễn ở Đàng Trong và sự hưng suy của Hội An. Tuy nhiên, xuyên suốt toàn bộ tiến trình ấy, sự tiếp xúc văn hóa Việt - Hoa ở Hội An biểu hiện những đặc điểm khác biệt. Đó chính là sự du nhập, tiếp xúc, giao lưu, tiếp thu một cách tự nguyện trên nền tảng văn hóa bản địa; tiếp thu có chọn lọc, tiếp biến linh hoạt để hình thành nên những giá trị mang đậm dấu ấn, phong cách địa phương. Dù tiếp thu, tiếp biến nhưng nền tảng của sự phát triển văn hóa Hội An bao giờ cũng xuất phát từ cội nguồn yếu tố nội sinh. Yếu tố bên ngoài chỉ góp thêm làm phong phú bản sắc vốn có của Hội An. Nhìn về những phương diện, vai trò của sự tiếp xúc văn hóa Việt - Hoa thì sự tiếp xúc là một tất yếu giữa hai nền văn hóa có nhiều điểm tương đồng. Tiếp xúc văn hóa Việt - Hoa ở Hội An chính là minh chứng cho sự hội nhập văn hóa và tình hữu nghị hai dân tộc Việt - Hoa để lại nhiều bài học về hội nhập, giao lưu văn hóa trong bối cảnh quốc tế.

                                                                     TRẦN THỊ HOÀI - NGUYỄN VĂN SANG

                                                               (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]  Trần Văn An (Chủ biên, 2002), Văn hóa ẩm thực ở Phố cổ Hội An, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

[2]  Nguyễn Quốc Hùng (2004), Phố cổ Hội An và việc giao lưu văn hóa ở Việt Nam, NXB Đà Nẵng.

[3] Tôn Thất Hướng (2007), “Ẩm thực Hội An - Sự đan xen văn hóa Việt - Hoa”, Tạp chí Văn hóa Hội An, số Xuân Đinh Hợi, trang 137 - 140.

[4]  Lê Thị Tuấn (2005), “Một vài tục lệ ẩm thực Việt - Hoa trong ngày tết”, Tạp chí Văn hóa Hội An, số Xuân Ất Dậu, trang 84 - 85.

[5] Nguyễn Phước Tương (2001), Hội An di sản thế giới, NXB Văn nghệ, TP.HCM.

TRẦN THỊ HOÀI - NGUYỄN VĂN SANG


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24282097