Lịch sử Việt Nam

PHẬT GIÁO VIỆT NAM: Truyền thống và hiện đại

  • TS Lê Sơn
  • 24/07/2012

Tín ngưỡng Việt cổ và đạo phật

Các tôn giáo thịnh hành tại nước ta hiện nay, đều được du nhập từ sau kỷ nguyên Thiên chúa. Hàng ngàn năm trước đó, như tất cả mọi tộc người thời cổ đại, người Việt cổ đã có những tín ngưỡng của riêng mình, mang dấu ấn của hình thái tâm linh đa thần giáo, hình thái tâm linh ban đầu của chung loài người.

Trước  khi văn hóa Phật, Nho, Lão tràn vào, chắc chắn người Việt đã có tục tôn sùng các mãnh lực của thiên nhiên bao gồm những hiện tượng thiên nhiên bí hiểm như sấm chớp, bão lụt, động đất, sóng thần... và tin rằng con người sau khi chết vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống, nhất là những nhân vật đặc biệt. Dấu tích của các tín ngưỡng cổ xưa ấy còn lại trong tập tục dân gian, trong điển lệ tế tự, tại các đền miếu thờ thần, qua các hình thức lễ hội tại nông thôn Bắc bộ, cái nôi người Việt cổ.

Người Việt nông nghiệp còn có các loại lễ hội mong cầu sinh sôi nảy nở, vì người ta tin rằng có việc lan truyền từ con người sang môi trường, sang vạn vật có sinh trưởng như các loại cây con trong nông nghiệp. Phồn thực giao duyên là lễ hội về việc nam nữ luyến ái có liên quan đến sản xuất nông nghiệp, biểu hiện ở việc thờ sinh thực khí, tượng trưng cho hình “cái giống” của nam và nữ. Các trò chơi “tung còn”, “cầu tằm”, “cướp kén”, “cướp dò”, “tiệc cầu dinh”, “tiệc ôm”, “múa ôm”, “tắt đèn”, “bắt chạch trong lu”... được diễn ra trong các lễ hội Phồn thực giao duyên.

Nền văn hóa Việt cổ ấy, đã trải qua các đợt tiếp biến với văn hóa Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo và văn hóa Tây phương trong suốt hàng ngàn năm qua, khi các nền văn hóa ấy truyền vào nước ta.

Nhưng mặc cho bao nhiêu biến đổi, người Việt Nam ngày nay vẫn duy trì tục thờ trời đất, các linh thần trong trời đất, thờ Phật, thờ linh hồn người chết, thờ những nhân vật nổi tiếng.

Hàng năm, tại các làng Bắc bộ còn có nhiều lễ hội truyền thống mà lễ hội chùa l2 thu hút đông đảo cư dân hơn cả. Rõ ràng người Việt đã từ lâu lắm, xem đạo Phật như là của mình, như là sản phẩm truyền thống, sản phẩm nội sinh.

Các con đường phật giáo Việt Nam

Phật giáo phổ biến rất sâu rộng trong xã hội nước ta. Đại bộ phận người Việt theo đạo Phật, trong khi Nho giáo, Lão giáo chỉ ảnh hưởng đến tầng lớp chính trị bên trên. Có lẽ vì đạo Phật gần gũi với văn hóa Việt cổ, lại với tư tưởng rất có hệ thống và hết sức cụ thể đã thật sự giải quyết được những vấn đề tâm linh và những vấn đề đời sống đầy đủ và rốt ráo hơn cả. Khi số dân ngày càng đông, trình độ ngày càng cao, mối quan hệ cuộc sống ngày càng trở nên đa dạng phong phú, những tín ngưỡng sơ khai lẻ tẻ không thể làm thỏa mãn nhu cầu tinh thần và đời sống tâm linh của con người thì đạo Phật như là một mẫu số chung, hấp dẫn mọi thành phần xã hội người Việt. Vì thế, đạo Phật ăn sâu bám rễ vào mọi ngóc ngách trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, trở thành tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Nước ta hiện nay bao gồm cả 3 miền đất nước, mà mỗi miền có lịch sử hình thành khác nhau, nên riêng về Phật giáo mỗi miền cũng có nguồn gốc du nhập bằng những con đường khác nhau, cho nên quá trình tiếp biến mang những đặc điểm khác biệt. Vì thế, nói về Phật giáo Việt Nam là phải làm rõ cả 3 đặc điểm ấy.

Ở miền Bắc, Đạo Phật từ Trung Hoa truyền sang là Phật giáo Đại Thừa. Người Việt luôn tiến về phương Nam, từ khi các Chúa Nguyễn hình thành nên xứ Đàng Trong thì Phật giáo theo chân người lưu dân đến tận miền cực Nam của nước Việt. Còn người Khmer Nam bộ thì từ xa xưa đã theo Phật giáo Tiểu Thừa từ Nam Ấn Độ trực tiếp truyền sang.         

Phật giáo Đại Thừa có nhiều tông phái khác nhau. Phật giáo truyền thừa ở miền Bắc thì hai tông phái Thiên Thai và Tào Khê du nhập vào nước ta lâu hơn cả mà cho đến ngày nay khó phân biệt sự khác nhau giữa hai tông phái Phật giáo này. Vào thế kỷ thứ 9 CN, pháp sư Vô Ngôn Thông lập phái Thiền thứ ba, phái Vô Ngôn Thông. Đến thời nhà Lý, sư Thảo Đường lập ra phái Thiền tông thứ tư, phái Thảo Đường. Thời nhà Trần, Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng sư Pháp Loa lại lập ra phái Thiền mang bản sắc Việt Nam, tức phái Thiền Trúc Lâm, phái Thiền thứ năm của Phật giáo Đại Thừa tại nước ta.

Thời các Chúa Nguyễn xứ Đàng Trong thì các nhà sư phái Lâm Tế và phái Tào Động từ Nam Trung Hoa theo đường biển trực tiếp và hầu như liên tục đến cư trú và truyền giáo tại miền Trung. Đây là hai tông phái Thiền tông thứ 6 và thứ 7 ở nước ta. Hai phái này chiếm vai trò chủ đạo tại xã hội xứ Đàng Trong, rồi theo bước chân của người lưu dân Việt không ngừng mở rộng từ miền Trung vào miền Nam. Tại xứ Đàng Trong còn có phái Thiền Liễu Quán do sư Liễu Quán người Việt lập ra. Đây là phái Thiền thứ 8 ở nước ta và là phái Thiền thứ 2 do các sư người Việt lập ra sau phái Thiền Trúc Lâm thời nhà Trần.

Phật giáo Đại Thừa truyền vào nước ta qua lượng kinh sách chữ Hán thật đồ sộ và đã tác động rất lớn đến nền văn học chữ Hán Nôm Việt Nam ngay từ thời phôi thai. Vì thế, văn hóa Đại Việt mang đậm màu sắc Phật giáo cũng là điều tất yếu. Thiền sư Ngô Chân Lưu và Đỗ Pháp Thuận được xem là 2 tác giả mở đầu văn học sử Việt Nam qua 2 áng văn bất hủ của họ.

Ở miền Nam, ngoài Phật giáo Đại Thừa từ ngoài truyền vào khá muộn, thế kỷ 16 CN, 17 CN, thì chậm nhất là vào thế kỷ thứ 4 CN, đạo Phật từ Nam Ấn Độ truyền đến cộng đồng người Phù Nam, rồi đến người Khmer Nam bộ. Phái Phật giáo này, khác với các phái Phật giáo Đại Thừa ở người Việt, người Hoa trên kia. Phái Phật giáo Thévarada - Nguyên thủy, còn được gọi là Phật giáo Tiểu Thừa cũng thu hút một bộ phận người Việt, người Hoa sinh sống trong vùng. Phật giáo nguyên thủy với kinh tạng hệ Pali. Các tộc Việt, Hoa, Khmer chung sống trong một vùng thường lấy ngôi chùa Khmer làm nơi thờ tự chung.

Ở miền Nam, còn có Phật giáo ở người Hoa trực tiếp từ Nam Trung Hoa truyền sang vào thế kỷ 18 CN, mà trên căn bản kinh tạng cùng hệ với Phật giáo người Việt song không đồng nhất về truyền thừa. Một hiện tượng riêng biệt ở Phật giáo miền Nam, không hề có ở miền Bắc và miền Trung.

Ảnh hưởng của Phật giáo trên nền văn hóa Việt Nam thật sâu đậm. Sâu đậm đến độ người ta không còn phân biệt được đâu là văn hóa Phật giáo, đâu là văn hóa dân tộc. Đây là một sự kiện không ai có thể phủ nhận. Sở dĩ như vậy là vì Phật giáo thật sự đã hòa làm một với dân tộc Việt Nam, Phật giáo đã đi vào dân tộc Việt Nam không bằng con đường giáo điều khô cứng, không bằng con đường ru ngủ dân chúng (có tác dụng như thuốc phiện) với những hứa hẹn hão huyền, mà bằng con đường phát triển trí tuệ, tự lực tự cường, phù hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam. Với những giáo lý nhân bản và những triết lý Phật giáo cao siêu, phù hợp tinh thần khoa học, thu hút tầng lớp trí thức. Còn với bản chất hòa bình, bao dung, bình đẳng, cũng như với những định hướng hành vi cụ thể, giản dị, Phật giáo lại gần gũi với đông đảo quần chúng bình dân ít học. Phật giáo thực sự đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển tư tưởng nền tảng của văn hóa Việt Nam.

Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng đứng về phía dân tộc. Suốt gần 20 thế kỷ qua, lực lượng Phật giáo Việt Nam chưa một lần liên kết với kẻ ngoại xâm, giết hại đồng bào, phản bội dân tộc. Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ nhận lệnh của bất cứ chức sắc ngoại quốc nào, lệ thuộc bất cứ một tổ chức chính trị hay tôn giáo quốc tế nào. Nhờ thế mà Việt Nam đã bao lần đánh đuổi được giặc ngoại xâm. Với lịch sử đậm tính truyền thống ấy, không lạ gì khi thấy tinh thần Phật giáo thể hiện sâu đậm trong mọi bộ môn của nền văn hóa Việt Nam như văn học bác học và bình dân Việt Nam, như trong nghệ thuật, trong kiến trúc, trong phong tục tập quán của cộng đồng, cũng như trong hành vi ứng xử của người Việt Nam.

Phật giáo đại thừa

Ở miền Bắc, đạo Phật đến nước ta trước đạo Nho và đạo Lão, nhưng tất cả kinh văn đạo Phật bằng chữ Nho thì lại đến nước ta đồng thời với kinh văn Nho, Lão, vì đều được viết bằng chữ Hán. Cũng có thể kinh văn bằng chữ Ấn Độ đến trước nhưng tư liệu không còn bao nhiêu, còn kinh văn Phật giáo bằng chữ Hán thì còn được bảo tồn với khối lượng rất đồ sộ.

Có nhiều thuyết khác nhau về ngày tháng Phật giáo du nhập Việt Nam, nhưng đáng tin hơn hết là thuyết cho rằng Phật giáo được truyền sang nước ta vào khoảng năm 189 CN.

Dòng Thiên Thai với cư sĩ Mâu Bác sống khoảng năm 200 CN, có tác phẩm Lý Hoặc luận nổi tiếng ở Việt Nam và Nam Trung Quốc thời bấy giờ hiện nay còn lưu truyền. Pháp sư Mâu Bác trước tu theo đạo Lão rồi sau dốc tâm nghiên cứu tu theo đạo Phật, sư là người Nam Trung Hoa nhưng tu tập và truyền đạo tại nước ta. Trước Mâu Bác, đã có nhiều tu sĩ như Ma Ha Kỳ Vực, Thiện Hũu... đã gieo nhiều hạt giống Từ bi, dọn đường cho sứ mệnh truyền pháp, Sau Mâu Bác là pháp sư Khương Tăng Hội, người sống khoảng năm 250 CN đã dịch 15 bộ kinh Phật phổ biến tại nước ta.

Rõ ràng trong thời kỳ Bắc thuộc và thời kỳ đầu nước ta tái lập nền độc lập thì đạo Phật đã xâm nhập vào xã hội nước ta mạnh hơn đạo Nho, đạo Lão nhiều.

Vì hoàn cảnh nhân dân nằm dưới ách cai trị của một hệ thống quan lại tham tàn, mà phần đông họ đến nước ta chỉ để cỡi đầu cỡi cổ, bòn rút làm giàu rồi nhanh chóng ôm của chạy về Tàu, rất ít có người tài giỏi, ngay thẳng, lo cho dân. Trong khi nước ta bị Bắc thuộc, dân ta không có lực lượng đảm đương việc tự phòng vệ, thì quân Champa đã từ phía nam đã liên tục đánh phá lấn chiếm nước ta một cách dữ dằn:

Từ vùng Ninh Thuận, Khánh Hòa, phía Nam núi Thạch Bi, vương quốc Champa không ngừng tiến lên phía bắc. Năm 248, quân Champa đánh các thành thị ở Cửu Chân, cướp bóc, phá tan tành mọi thứ, đánh tan đội thủy quân của thực dân Trung Quốc ở đó...

Họ đã đàm phán với các quan chức Trung Hoa đang cai trị nước Việt và các quan chức Trung Hoa nhiều lần chia cắt nước Việt cho họ. Nhân dân Việt sinh sống rất cực khổ, sản phẩm xuất khẩu phải đóng thuế cho quan cai trị 50% hoa lợi.

Mà không chỉ riêng nước láng giềng Champa lợi dụng thời cơ ta yếu, gây chiến tranh cướp phá lấn chiếm nước ta, sử còn ghi nước Nam Chiếu từ Vân Nam đánh xuống, nước Đồ Bà từ Nam Dương tiến sang...

Trong cảnh nước nhà tang tóc triền miên ấy, con người bị chà đạp tất phải dựa vào Phật vì Đạo Phật tôn trọng mọi con người, mọi sinh linh không phân biệt đẳng cấp. Vả lại, Đạo Phật dạy rằng con người phải xem những đau khổ trong cuộc sống là hữu vi vô thường, nên phải biết đứng trên những đau khổ của đời thường. Hơn thế nữa, đạo Phật còn dạy cho con người sống tự tin vào bản thân mình qua tu dưỡng rèn luyện. Vì thế, đạo Phật dễ đi vào lòng người để trở thành tôn giáo của người Việt Nam bị áp bức bóc lột và quan trọng hơn hết là cũng nhờ đó mà gần cả ngàn năm bị Bắc thuộc, người Việt giữ được bản sắc văn hóa của cộng đồng mình, không hề bị hòa tan vào đại mẫu quốc.

Trong suốt thời kỳ bị Bắc thuộc, đạo Phật đóng vai trò hết sức quan trọng đối với dân ta. Ngay trong thời Bắc thuộc, các nhà sư được nhân dân tôn sùng vì họ là những nhà trí thức tài cao học rộng, được đào tạo từ những trường lớp dưới hình thức mà ngôn ngữ ngày nay gọi là xã hội hóa hoàn toàn. Các chùa phân bố từ thành thị đến nông thôn là hệ thống trường học duy nhất của nhân dân tồn tại song song với một ít trường theo mô hình Nho giáo do nhà cầm quyền lập ra chỉ chuyên đào tạo thuộc viên cho bộ máy cai trị. Thời Bắc thuộc, các nhà sư không chỉ chuyên Phật học mà họ còn nghiên cứu các tinh hoa văn hóa khác làm cho văn hóa nước nhà càng thêm phong phú. Vì thế, Phật giáo đã góp công rất lớn trong việc duy trì văn hóa truyền thống dân tộc cũng như không ngừng tiếp thu phát triển theo kịp những giai đoạn tiến triển của thời đại tại khu vực Đông Á và không ngừng hướng tới tự trị về văn hóa và chính trị:

Dưới thời Bắc thuộc lần II (sau hai bà Trưng), vào năm 187, chính quyền đô hộ bắt đầu tổ chức dạy chữ Hán tại nước ta. Nhưng rất ít người theo học. Giới tăng sĩ lâu nay quen với lối dạy truyền miệng, vẫn mong muốn nghiên cứu sâu về giáo lý nhà Phật ẩn tàng trong kinh sách, nên bắt đầu ra công học chữ Hán.

Nước Việt Nam thời Bắc thuộc chính quyền người Hán chú ý mở rộng đạo Khổng, còn đối với đạo Phật thì không cấm cũng không khuyến khích, thành ra ngoài vài bộ kinh chữ Hán được lưu thông thì không ai biết nhiều đến học thuật nhà Phật.

Từ năm 550 CN, Lý Thiên Bảo là anh của Lý Bí, xưng là Đào Lang vương, cùng với Lý Phật Tử lập nước Dã Năng để chống lại quân nhà Lương. Đến năm 555 CN, Đào Lang vương mất, quân chúng tôn Lý Phật Tử lên làm vua nước Dã Năng, rồi sau đó Lý Phật Tử lập ra triều đại nhà Hậu Lý Nam Đế. Ông vua Phật tử trị vì tiếp trên 30 năm nữa trước khi nước ta bị Bắc thuộc lần thứ III.

Đó là một minh chứng lịch sử hùng hồn cho thấy nhân dân ta đã rất gần với đạo Phật. Người dân cùng đứng lên phò tá một ông thủ lĩnh tên là Phật Tử làm nên sự nghiệp tự chủ trong suốt gần nửa thế kỷ như thế (555-602), cho thấy đại bộ phận nhân dân tôn sùng đạo Phật. Người ta tôn sùng đạo Phật, còn vì đạo Phật dạy con người những điều cao sâu, nhưng cũng rất gần gũi, dễ chấp nhận đối với người dân bình thường trong xã hội.                                                             

Từ năm 544 đến 602, nước ta đã có một thời kỳ tự chủ (nhà nước Vạn Xuân). Tuy ngắn ngủi nhưng thời ấy đã làm lợi không ít cho sự truyền bá đạo Phật. Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ III, sự du nhập đạo Phật vào nước ta mới thật sự có quy mô, thông qua hai phái đoàn truyền giáo:

- Dòng Thiền Tào Khê có sư Tì-ni-đa-lưu-chi (khoảng năm 580), gốc người Nam Thiên Trúc (Nam Ấn). Tì-ni-đa-lưu-chi được đời sau tôn làm Sơ Tổ Thiền tông Việt Nam. Đệ tử của Tì-ni-đa-lưu-chi là Pháp Hiền, sau đó là Định Không, Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Đạo Hạnh, Minh Không...

- Dòng Thiền Vô Ngôn Thông do pháp sư Vô Ngôn Thông (khoảng năm 820) lập ra đã tạo ảnh hưởng rất lớn.

Phần lớn các tăng học Nho - Lão rất rộng... Trong khi nhà Tống ở Trung Hoa phải đương đầu với các nước nhỏ chung quanh trong cuộc chiến tranh thống nhất, thì ở nước ta, tôn giáo cũng như hành chính dần dần được cởi sợi dây ràng buộc và trở nên tự trị. Các phái Thiền tông phát đạt và tăng đồ càng bành trướng ảnh hưởng trong xã hội nước ta.

Vào thời kỳ xây dựng nền độc lập tự chủ đầu tiên, tất nhiên, Phật giáo đã đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nhà nước độc lập. Đến lúc này thì tổ chức Phật giáo được công khai vì triều đình rất cần đoàn kết toàn dân trong việc giữ vững nền độc lập non trẻ. Khi Đinh Bộ Lĩnh ổn định đất nước lên ngôi Đế, ngài liền lo việc hộ trì Phật pháp, đạo Phật đã phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Bấy giờ ở chùa Phật Đà có Thiền sư Ngô Chân Lưu là một bậc thông tuệ cả tam giáo Phật Nho Lão, đồng thời là một nhân vật lỗi lạc văn tài. Đinh Tiên Hoàng cùng sư luận bàn, Thiền sư đối đáp như lưu, vua rất lấy làm bằng lòng, phong cho sư làm chức Tăng Thống, cầm giềng mối tăng lữ. Một năm sau, vua lại ban hiệu Khuông Việt Đại sư cho Thiền sư, giữ làm Cố vấn tối cao cho triều đình.

Trong thời Tiền Lê, đạo Phật được trọng đãi như thời nhà Đinh. Trong gần nửa thế kỷ (968-1009) hai triều Đinh - Tiền Lê, đạo Phật bắt đầu thời kỳ khởi sắc vì được triều đình coi trọng.

4 chức quan đứng đầu gọi là Tứ trụ triều đình, thì một chức chuyên lo Phật sự. Còn nữa, trên cả tứ trụ triều đình, có một vị đại sư làm cố vấn tối cao cho vương triều gọi là Khuông Việt đại sư.

 Thời nhà Đinh bắt đầu quy định cấp bậc văn võ tăng đạo. Lấy Nguyễn Bặc làm Định Quốc công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Ngô Ma Ni làm chức Tăng lục, Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư. Danh vị tôn quý Khuông Việt đại sư là vị đại sư đứng đầu Phật giáo, cho thấy vai trò của đạo Phật quan trọng như thế nào trong chính quyền thời kỳ đầu phục hồi nền độc lập tự chủ. Khuông Việt đại sư hai triều Đinh, Tiền Lê và đầu triều Lý là đại sư Ngô Chân Lưu, người đã làm rạng rỡ cho văn hóa Việt Nam với bài văn ngoại giao nổi tiếng được xếp làm tác phẩm văn học mở đầu văn học sử Việt Nam. Chứng tỏ nhà cầm quyền bấy giờ không những cần đến các nhà sư trong hoạt động tôn giáo, mà cũng cần trong hoạt động văn hóa - chính trị nữa.

Sự kiện sư Pháp Thuận đón sứ nhà Tống là văn hào Lý Giác. Hai bên đối đáp bằng thơ văn và Lý Giác phải phục tài mẫn tiệp của sư Pháp Thuận. Qua cuộc hội kiến ấy, Lý Giác làm thơ tỏ ý kính trọng vua nước ta. Khi sứ ra về, đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu được vua Lê Đại Hành cử ra tiễn sứ. Đại sư đã làm một bài thơ nổi tiếng như đã dẫn trên kia. Đây là một tài liệu văn học rất có giá trị, đồng thời là một công văn ngoại giao xuất sắc đầu tiên của nước ta do một nhà sư biên soạn.

Cần lưu ý là văn hào Lý Giác là một Tiến sĩ Nho học, một quan chức cao cấp ở Quốc tử giám triều Tống, nên nhà ngoại giao nước ta đại diện cho đất nước đứng ra đối đáp với một nhân sĩ Nho học thì phải là người giỏi Nho. Sư Pháp Thuận và sư Ngô Chân Lưu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sử đã ghi, chứng tỏ là ngoài Phật học, các sư còn là những nhà Nho học uyên bác.

Danh vị Khuông Việt đại sư vẫn tồn tại lâu dài trong các triều đại Lý Trần sau này nhưng với những danh hiệu khác nhau.

Từ triều nhà Lý, Phật giáo Việt Nam bắt đầu giai đoạn hanh thông, phát triển lên chót vót đỉnh cao, cũng là thời kỳ đất nước hùng mạnh và ổn định liên tục suốt 4 thế kỷ. Nhiều Thiền sư như Vạn Hạnh, Đa Bảo, Sùng Phạm đồng đem hết uy thế của mình ra làm cho công cuộc truyền bá và thực hành giáo pháp được nhiều kết quả rực rỡ. Riêng vua Lý Thái Tông, một đệ tử của Thiền lão, thuộc phái Vô Ngôn Thông, đã cho tiến hành thực hiện nhiều Phật sự đại quy mô, như việc nhà vua cho xây dựng 95 cảnh chùa. Khi hoàn thành chùa nào thì tổ chức lễ khánh thành long trọng cùng với việc ban ân tha thuế cho toàn dân. Vua Lý Thái Tông là người cho xây dựng chùa Một Cột, sau khi nằm mộng thấy Đức Quán Thế Âm đưa ngài đến chiêm bái một tòa tháp Liên Hoa. Chùa Một Cột theo hình dáng một đóa hoa sen mọc trên mặt hồ nước. Vua Lý Thánh Tông là hiện thân của đức Đại từ Đại bi. Nhà vua đã thường làm việc chẫn tế và ân xá quan trọng. Trong thời của ngài, có sư Thảo Đường lập một phái Thiền tông thứ ba, tức phái Thảo Đường.

Thời Lý Thánh Tông, Nho giáo thi cử kiểu Nho giáo bắt đầu xuất hiện, nhưng Phật giáo vẫn tiếp tục thịnh hành dưới sự bảo trợ của nhà vua. Nhiều bút tích còn lưu lại đến ngày nay chứng tỏ Phật giáo thời bấy giờ đã đạt đến trình độ rất cao. Nổi tiếng nhất là các sư Viên Chiếu, Ngô An và Khô Đầu. Sư Khô Đầu từng làm Thái sư cho triều đình Lý Thánh Tông.

Qua thời nhà Trần, đạo Phật tiếp tục được triều đình và các nhà vua coi trọng dù thi cử theo mô hình Nho giáo đã khiến sở học nhà Nho chiếm vai trò chủ đạo trong việc tuyển nhân tài cho triều đình. Ba vua đầu triều Trần là những Phật tử nhiệt thành còn hơn các vua triều nhà Lý. Vào thời này Phật giáo Việt Nam được thừa hưởng hai áng văn chương kiệt tác là ”Thiền tông chỉ nam” và ”Khóa Hư lục”. Vua Trần Nhân Tông đích thân đi tu, giáo hóa hơn một ngàn đệ tử và lập ra dòng Thiền Việt Nam và ông được tôn xưng là Đệ nhất Tổ trong ”Trúc Lâm Tam Tổ”.

Từ năm 1414, nước ta bị nhà Minh chiếm đóng, cái học nhà Nho lại mạnh lên, gây nên một trào lưu sôi nổi về triết học và văn học. Nguy hơn nữa là các Thái thú nhà Minh còn ra lệnh tàn phá chùa chiền tịch thu toàn bộ kinh sách lưu hành của Việt Nam, mà trong đó kinh sách Phật giáo là chủ yếu.

Vua Lê Thái Tổ thu hồi được nền độc lập, nhưng tình thế đất nước đã đổi khác, Phật giáo không còn được các vua cũng như triều đình coi trọng. Lê Thái Tông bắt đầu định điều lệ thi Hương, thi Hội để rồi đến Lê Thánh Tông mới thật sự nở rộ. Năm 1466, vua Lê Thái Tông đặt ra lệ “xướng danh”, và lệ “vinh quy” rất long trọng. Năm 1488, Lê Thánh Tông lại còn cho “khắc bia tiến sĩ” dựng nơi Quốc Tử Giám. Cái học nhà Nho được đẩy lên quá cao, dần dần trở thành môn học chủ lực, đẩy lùi dần các môn Phật học, Đạo học vào khu vực sinh hoạt chuyên biệt. Phật học, Đạo học mất dần ảnh hưởng đến lực lượng trí thức trong xã hội vì không còn liên quan đến con đường tiến thân của họ. Thậm chí triều đình nhà Hậu Lê còn xem thấp đạo Phật, đạo Lão, xếp người tu Phật, tu tiên ngang hàng với thầy bói, thậm chí còn ra sắc chỉ cấm họ một số việc.

Năm Quý Mùi 1463, bắt đầu định lệ 3 năm một lần thi Hội. Ra sắc chỉ rằng những người bói toán, Đạo, Thích ở trong nước từ nay về sau không được trò chuyện trao đổi với người trong cung và hậu đình.

Triều đình chủ trương hạn chế người tu Phật, tu tiên qua lối kiểm tra sặc mùi trần tục. Mùa hạ, tháng 6, ngày 10 ra lệnh chỉ cho các tăng, đạo người nào thông kinh điển, trong sạch giữ tiết hạnh hẹn đến ngày 20 tháng này tới sảnh đường trình diện, để xét duyệt cho thi, ai đỗ thì cho làm tăng, đạo, ai không đỗ thì bắt hoàn tục.

Tầng lớp trí thức được tôn xưng là “nguyên khí của đất nước” thời Hậu Lê học gì và thi ra sao? Họ chỉ chuyên vào sở học của nhà Nho.

 Đạo Phật thuần là việc của xã hội, không còn được nhà nước quan tâm như thời Lý Trần. Tình hình này kéo dài mãi từ giữa thế kỷ 15 đến đầu triều Nguyễn, cuối thế kỷ 17, để rồi sau đó, triều Nguyễn quan tâm đến đạo Phật trở lại, nhưng khác với thời Lý Trần. Thời Lý Trần phát triển tư tưởng định hình tư tưởng truyền thống Phật giáo Dân tộc thì triều Nguyễn chỉ sử dụng Phật giáo như một công cụ củng cố vương quyền.

Tuy nhiên, trong thời kỳ này, Phật giáo Việt Nam cũng có một số giai đoạn khởi sắc. Vào thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, để tranh lấy lòng dân hai bên đều cho rước thầy lập chùa.

Ở xứ Đàng Ngoài, chúa Trịnh Tùng cho huy động 6.000 thợ xây trong vòng một năm hai chùa Quỳnh Lâm và Sùng Nghiêm hoành tráng.

Ở xứ Đàng Trong, Chúa Nguyễn Hoàng cho xây chùa Thiên Mụ ở Huế, Phái Lâm Tế phát triển mạnh tại xứ Đàng Trong. Từ thế kỷ 17, hai dòng Thiền Lâm Tế và Tào Động từ Nam Trung Hoa liên tục đến cư trú và truyền giáo. Hai tông phái Thiền tông này ngày càng chiếm vai trò chủ đạo, được hiểu như như khuôn mặt chính của Phật giáo tại miền Trung Việt Nam, nổi bật hơn hết hai nhà sư Viên Cảnh, Thạch Liêm. Chúa Nguyễn Phúc Chu rước sư Thạch Liêm từ Quảng Đông sang Huế mở Bồ tát đàn độ cho cả ngàn Phật tử được hạnh Bồ tát. Tại Huế, bấy giờ hình thành một dòng truyền thừa Thiền tông Việt, phái thiền Liễu Quán mang tên sư Liễu Quán (1667-1742). Đây là phái Thiền Việt thứ hai, sau phái Thiền Trúc Lâm thời nhà Trần.

Khi triều Nguyễn cầm quyền thì Phật giáo biến thành một thứ lợi khí chính trị trong tay nhà vua, để củng cố ngai vàng vừa được thiết lập. Thời kỳ này xuất hiện hàng loạt các chùa “sắc tứ”, tức các chùa được triều đình ban sắc phong cho lập, nằm trong chủ trương củng cố vương triều nặng về chính trị. Sau một thời kỳ loạn lạc phân tán nhân tâm quá lâu dài, từ chiến tranh Mạc - Lê đến chiến tranh Trịnh - Nguyễn, triều Nguyễn thông qua hệ thống chùa “sắc tứ”, nhằm lôi kéo sự quy phục nhân tâm. Nhưng cũng từ đó học thuật Phật giáo bị xuống cấp, sư sãi không hơn không kém như là nhân viên thủ tự các chùa hay là như giới thầy cúng. Phật giáo chỉ còn là cái xác, hầu khắp các chùa thường xảy ra việc phá trai phạm giới, còn Phật thì được thờ như một vị thần linh mà người ta tưởng có thể dùng lễ vật để mua lòng.

Nhìn chung, Phật giáo Đại Thừa theo con đường Trung Hoa truyền sang nước ta có lịch sử lâu dài từ thế kỷ thứ 2 CN. Dòng Thiền Thiên Thai đã gieo những hạt giống Phật giáo đầu tiên vào xã hội nước ta trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai đã tạo nên những ảnh hưởng khai mở. Các dòng Thiền Thiên Thai, Tào Khê, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, Trúc Lâm rồi Lâm Tế, Tào Động, Liễu Quán tiếp bước mở rộng ảnh hưởng. Đạo Phật càng ăn sâu bám rễ vào xã hội nước ta, góp phần rất lớn vào việc củng cố nên chính trị của các triều đại ban đầu giành được độc lập, cũng như định hình nền văn hóa và đặt nền móng cho sự hình thành nền văn học của nước Việt Nam.

Đến thời Lý Trần, Phật giáo cực thịnh, mà đáng chú ý là có một dòng Thiền do các sư người Việt lập nên đầu tiên, Thiền phái Trúc Lâm.

Từ khi nhà Minh xâm lược nước ta, xiển dương đạo Nho, đàn áp đạo Phật. Kế đến, nước ta lại giành được độc lập, nhưng tình thế mới không thuận lợi cho Phật giáo, nhà Hậu Lê tiếp tục xiển dương đạo Nho, coi nhẹ đạo Phật, đất nước cường thịnh trên một thế kỷ rồi rơi vào cảnh loạn lạc triền miên, nhân tâm ly tán.

Phật giáo tiểu thừa

Ở miền Nam, trước khi Phật giáo Đại Thừa từ miền Bắc, miền Trung truyền vào sớm nhất vào khoảng thế kỳ 16 CN, thì từ những năm đầu Công nguyên, các dân tộc ở Đông Nam Á đã rất quen thuộc trong việc trao đổi sản phẩm với các thương nhân Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ 3 trước CN, chính trị và tôn giáo miền Nam Ấn có nhiều biến động. Đạo Phật đã rất phát triển, có thể nói là tương đương với đạo Bà La Môn truyền thống. Giới tăng lữ phái Tiểu thừa (Hynayana) không ngần ngại dấn thân vào những chuyến viễn du đầy hiểm nguy để truyền bá Phật pháp đến những vùng đất xa xôi. Họ đã đưa đạo Phật đến Nam Ấn, cũng như đến miền Đông Nam Ấn Độ, dưới chân rặng núi Hy Mã Lạp sơn, xuống Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Phù Nam Mãi Lai bằng đường bộ. Đạo Phật đã đến với các tộc người Môn ở các thung lũng, các con sông như Irrawaddy, Saluen, Ménam, Mékong. Mặt khác, từ Nam Ấn, theo đường thủy, đạo Phật theo chân các thương gia phổ biến đến các quần đảo trên Ấn Độ Dương và Đông Nam Thái Bình Dương, để rồi hai đường thủy bộ lại hội tụ tại Nam Việt Nam ngày nay, lan truyền ra miền Nam Trung bộ theo bước chân của người Chàm không ngừng tiến về phía bắc thời Tiền Đại Cồ Việt.

Vào thế kỷ thứ 2, 3 CN, một trung tâm Phật giáo đã phát triển ở Nagarjunakonda nằm trong thung lũng Krisna (Nam Ấn) đã tạo điều kiện cho một đợt quảng bá đạo Phật mới về phía Đông. Rồi vào thế kỷ thứ 5 CN, một đợt truyền giáo mới lại xuất phát từ trung tâm Phật giáo Kanchipuram, cũng ở Nam Ấn, gần Madras ngày nay và đã đạt được những nền tảng vững vàng ở các khu vực như bán đảo Mã Lai, lưu vực sông Mékong, miền duyên hải Trung bộ Việt Nam ngày nay và bắt đầu lan tỏa qua Sumatra và Java.

Những nhà truyền giáo thường theo lộ trình của các thương nhân cả đường thủy lẫn đường bộ. Sự phát triển tôn giáo đã tác động trở lại đối với thương nghiệp và đặc biệt nền thương nghiệp viễn dương đã trở nên phồn thịnh ở Đông Nam Á cả với Nam Ấn Độ và Nam Trung Hoa. Bán đảo Cà Mau, đặc biệt là khu di tích Cạnh Đền, là một trong những nơi xuất phát và tiếp nhận những dòng giao lưu kinh tế và văn hóa này. Pho tượng Phật được tìm thấy ở Cạnh Đền 3 (ấp Trổi Mộc, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) có niên đại thế kỷ 6, 7 CN

Tại Nam bộ, trong các Srok của người Khmer thì ngôi chùa là quần thể quan trọng nhất đối với họ. Chùa là trung tâm tôn giáo văn hóa xã hội của người Khmer và là nơi chủ yếu bảo tồn truyền thống của họ. Trong khuôn viên ngôi chùa có nhiều công trình kiến trúc mà nổi bật nhất là ngôi chánh điện (Pre Vihila). Chánh điện thường theo hướng đông tây, cửa luôn quay về hướng đông (có lẽ là hướng truyền đạo của trung tâm Nam Ấn. Chánh điện thờ Phật Thích Ca theo nhiều tư thế: Phật đắc đạo, Phật thiền định, Phật Xêa Mêtrây, Phật cứu độ chúng sinh, Phật khuyến thiện. Bốn phía đều có hành lang, bên ngoài hành lang có hàng cột trang trí hoa văn với nhiều nội dung. Vách chùa trang trí hình ảnh quá trình tu hành đắc đạo của đức Phật. Người Khmer từ khi sinh ra đời cho đến khi qua đời, mọi buồn vui của họ đều gắn bó với ngôi chùa.

Đạo Phật Tiểu Thừa ở người Khmer chỉ ở giới nam. Mỗi người nam nào bất kể tầng lớp xã hội đều có thể đi tu. Khi lên 12 tuổi, nam giới đi tu, nhưng cũng có người đi tu trẻ tuổi hơn. Thời gian xuất gia đi tu được tự ý tự giác của từng người, không có quy định, có thể là một đêm, một tháng, một năm, hoặc suốt đời. Con trai Khmer đều muốn đi tu, ít nhất một lần. Tu không phải để đắc đạo thành Phật mà là tu để thành người, để chuẩn bị cho cuộc sống ngày mai tốt đẹp hơn. Đi tu cũng là cơ hội để học chữ, học đạo lý và đức hạnh, đồng thời là cách tích phước cho cha mẹ, cho gia đình và cho chính bản thân mình.

Thời điểm xuất gia tốt nhất là vào dịp lễ hội mà đặc biệt là lễ nhập hạ, lễ mừng năm mới theo tục lệ truyền thống cổ truyền của người Khmer. Người con trai Khmer thành đạt trong học vấn, có chức sắc trong nhà chùa thì được mọi người kính trọng.

Trong giới luật của giới tu sĩ phái Tiểu Thừa, tu sĩ vẫn ăn mặn, chỉ kiêng 10 thứ thịt là thịt người, thịt chó, thịt voi, thịt ngựa, thịt rắn, thịt rùa, thịt cọp, thịt beo, thịt sư tử và thịt chó sói. Các loại thịt khác được ăn khi không phải tự tay mình giết mổ. Tu sĩ mỗi ngày chỉ ăn hai bữa, bữa sáng và bữa trưa (ngọ). Từ sau bữa trưa đến sáng hôm sau không được ăn các chất đặc mà chỉ dùng thức uống như sữa, trà... Các thức ăn uống của tu sĩ đều do cúng dường. Người theo đạo Phật Tiểu Thừa đều tự nguyện dâng thức ăn ngon cho tu sĩ trong chùa, vì họ tin rằng thức ăn của họ được các tu sĩ chiếu cố thì là họ được phước lớn, sẽ được trả gấp 10 lần.

Người Khmer không sợ nghèo, mà chỉ sợ chết không được hỏa táng lấy cốt đem vào chùa được ở gần đức Phật. Họ ít lo cho bản thân mình tích lũy để góp vào xây dựng mở rộng chùa làng mình ngày một khang trang.

Đạo Phật Tiểu Thừa ở người Khmer Nam bộ có những lễ nghi như là:

- Lễ Cầu siêu: Để phần hồn được độ trì siêu thoát có thể tổ chức tại gia.

- Lễ Ngàn núi hay lễ Đắp núi: Để xin các loài sinh vật tha thứ, không làm hại họ.

- Lễ Ban hành giáo lý: Nhắc nhở nhớ ngày ban hành giáo lý của Phật.

- Lễ Dâng bông: Nhắc chuyện đức Phật đi thuyết pháp, áo cà sa bị lấm, ngài nhận quần áo sạch do đồ đệ mang lại.

- Lễ Hội linh: Lễ tạo phước cho linh hồn.

- Lễ an vị tượng Phật.

- Lễ Kết giới tạm: Chọn vị trí rồi làm mọi nghi thức với vật tượng trưng.

 Truyền thống

Phật giáo Việt Nam

Văn hóa Phật giáo Việt Nam đã trải qua 2.000 năm lịch sử đã hình thành nên một bản sắc riêng. Có thể biểu hiện bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam ở một số nội dung như sau:

Truyền thống Dung hợp các tông phái

Lịch sử Phật giáo thời Đại Việt Lý Trần là quá trình hợp nhất 3 tông phái Phật giáo: Thiền tông - Tịnh độ tông - Mật tông. Nhưng sự dung hợp 3 tông phái không làm mất hẳn sự độc lập của từng tông phái.

Trường hợp các chùa được xếp vào loại hình chùa Tìền Phật hậu Thánh ở miền Bắc như chùa Bối Khê (Đại Bi tự), chùa Keo (Thần Quang tự), chùa Cổ Lễ, chùa Nghĩa Xá, chùa Lý Quốc Sư, chùa Chiêu Thiền... Các chùa này thờ Phật ở phía trước, thờ Thánh ở phía sau. Tùy theo vùng mà vị Thánh được thờ trong chùa ít hay nhiều mà đặc điểm là các nhân vật lịch sử được nhà nước và nhân dân phong Thánh.

Tuy không có tài liệu cụ thể ghi chép các chùa này theo pháp môn tông phái nào, song dường như ở chùa Bối (Đại Bi tự) qua Phật Điện - Tam Bảo cho phép xác định là ban đầu chùa tu theo Mật tông, nhưng rồi dần về sau tính chất Mật tông ngày càng phai mờ. Bằng chứng là các văn bia đã đề cập đến số lượng các tượng Phật nhiều thêm, mà trong đó có thể thấy sự góp mặt của Tịnh Độ tông khi một văn bia thế kỷ 17 CN đã mô tả có tòa Cửu phẩm Liên hoa trong chùa. Rồi đến thế kỷ 19, 20 CN trong chùa còn có thêm bộ tượng Di Đà Tam Tôn theo liệt kê của bài văn bia “Đại Bi tự Thiền gia bi ký”.

Tông phái Phật giáo Tì-ni-đa-lưu-chi, ban đầu chủ yếu tu theo Mật tông. Hành trạng của các vị cao tăng tu theo dòng truyền thừa nảy cho thấy họ đều lấy kinh Mật tông làm kinh căn bản, nhưng càng về sau tông phái này lại tu theo Thiền tông.

Ngược lại, nếu căn cứ vào hành trạng của các vị sư phái Thiền Vô Ngôn Thông thì các vị này lại có phép hô phong hoán võ, thần thông biến hóa, xem tướng đoán mệnh... Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu, thế hệ thứ 4 cầu đảo phá giặc, Thiền sư Đa Bảo, thế hệ thứ 5 đoán biết việc Lý Thái Tổ lên ngôi, Thiền sư Không Lộ, thế hệ thứ 9 trì tụng Đà La ni môn, bay lên không, đi trên mặt nước, làm cọp nép, gọi rồng xuống, Thiền sư Tịnh Giới, thế hệ thứ 10 thì có pháp thuật hàng long phục hổ, nửa đêm đốt nhang cầu mưa... cho thấy tính chất Mật tông không thể chối cãi.

Như chúng ta đã biết, xưa nay Đại Thừa tách biệt với Tiểu Thừa là dựa trên những thành kiến. Đại Thừa cho Tiểu Thừa là thiếu căn cơ, trong khi Tiểu Thừa cho Đại Thừa là lệch hướng. Tuy nhiên, những thành kiến ấy ngày càng phai nhạt, nhất là khi Phật giáo truyền đến nhiều cộng đồng dân tộc có những nền văn hóa khác nhau. Quá trình dung hợp nhuần nhuyễn với văn hóa bản địa, tất nhiên Phật giáo tại cộng đồng nào thì có những tính cách Phật giáo riêng của cộng đồng dân tộc ấy.

Có thể do bản tính người Việt không mặn mà với những vấn đề trừu tượng, siêu hình, phân lập. Sự phân biệt tông phái chỉ có giá trị hình thức về nguồn gốc truyền thừa mà thôi, còn trong thực tế tu hành thì tính tông phái chỉ là tương đối. Đó là đạo Phật nói chung, chứ không phải là từng tông phái tồn tại độc lập và đấu tranh tư tưởng để bảo vệ tông phái.

Chính từ những truyền thống có tính nền tảng ấy mà Phật giáo đến với đất nước Việt Nam đã có những nỗ lực lớn để hoàn thành sứ mệnh “bản địa hóa”. Đạo Phật lại hòa hợp với tín ngưỡng dân gian trong xã hội người Việt cổ, nên đã từ xa xưa, thời Luy Lâu (từ thế kỷ thứ 3 CN) các hiện tượng tự nhiên trong tín ngưỡng Việt cổ mây, mưa, sấm, chớp đã trở thành Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện là những Phật đầu tiên của Việt Nam.

Truyền thống Cư trần lạc đạo

Phật giáo thời Trần với Thiền phái Trúc Lâm là đỉnh cao của một quá trình lâu dài diễn biến tư tưởng xây dựng một nền Phật giáo Việt Nam.

Tinh thần dân tộc vốn là mẫu số chung cho mọi dân tộc, nhưng ở người Việt thì có đặc điểm là nước ta là một nước nhỏ ở kề bên một nước quá lớn, đã từng bị đô hộ gần cả ngàn năm, nên dù khi đã được độc lập, vẫn luôn luôn phải cảnh giác về nạn ngoại xâm. Sự nghiệp chống ngoại xâm lại phải có sự đoàn kết của toàn dân tộc. Lực lượng Phật tử thật hùng hậu là lực lượng quyết định vận mệnh của đất nước. Điều đó hình thành tính riêng của Phật giáo Việt Nam.

Tính riêng biệt ở đây là tính độc lập dân tộc xen cài trong tư tưởng Giáo lý hơn là độc lập về giáo lý, bởi giáo lý nhà Phật suy cho cùng cũng chỉ là một mà thôi. Thiền phái Trúc Lâm có tư tưởng Thiền - Giáo là một, có nghĩa là không chỉ có tham thiền mà bao hàm cả những sinh hoạt tôn giáo, tức là dựa vào kinh điển qua việc soạn các sách nói về kinh điển và tu tập theo kinh điển mà vẫn không quá coi trọng kinh điển.

Phải chăng các triều đại quân chủ Việt Nam đã muốn thống nhất các tông phái Phật giáo trong vòng kiểm soát để thống nhất xã hội và chính quyền? Hay có thể cả hai đều có lý do cho sự hòa trộn tông phái? Có thể còn có nhiều giả thiết đặt ra nữa.

Trong lịch sử truyền bá Phật giáo Việt Nam trải qua nhều giai đoạn thăng trầm, có lúc rất tàn tệ, nhưng cũng có lúc vẻ vang đáng tự hào. Lúc tàn tệ là lúc bản thân tăng ni có nhiều điều dị biệt, giới hạn suy kém, hiểu biết giáo lý nông cạn, khiến cho tình hình Phật tử tan nát xa lìa. Trái lại, lúc vẻ vang là lúc nội bộ chúng tăng hòa hợp, biết gạt bỏ những quyền lợi riêng tư để phụng sự cho Đạo pháp và Dân tộc. Các ngài bỏ qua những chấp ngã tầm thường để tiến xa trên con đường tịnh hạnh, lấy giác ngộ giải thoát làm cứu cánh, lấy bản nguyện độ sanh làm sự nghiệp, thấm nhuần tư tưởng tự chủ, cởi mở bao dung với tinh thần vô ngã, áp dụng vào đời sống cá nhân, cộng đồng, thì hàng hàng Phật tử hội tụ đoàn kết chung tay phát triển tư duy, chấn hưng khí thế dân tộc như thời Lý Trần.

Phật giáo Việt Nam, với truyền thống “Cư trần lạc đạo” là hệ tư tưởng văn hóa mang bản sắc Việt Nam, gắn kết chặt chẽ hai mệnh đề căn bản: Đạo và Đời. Tư tưởng “Cư trần lạc đạo”, một tư tưởng đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, chỉ rõ rằng “Đạo chỉ có thể phát triển bền vững trong lòng dân tộc”. Tư tưởng ấy, không thể tìm thấy nơi Phật giáo ở Ấn Độ và Phật giáo ở Trung Quốc, vốn là những nước lớn tự cho mình là trung tâm địa cầu, xem cả thiên hạ là của họ nên họ không có ý thức về tính độc lập mạnh mẽ như người Việt.

Triết lý “Cư trần lạc đạo” thật sự nổi bật trong tư tưởng Phật giáo Việt Nam. Vua Trần Nhân Tông thì có câu kệ rằng: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền”. Ở trong đời thường mà tu thì mới là bậc đại ẩn, còn vào chùa làm tăng thì chỉ là tiểu ẩn.

Truyền thống  Bình đẳng và dân chủ

Tất nhiên trong các văn bản kinh sách Phật giáo không có những từ bình đẳng, dân chủ. Thế nhưng tinh thần bình đẳng và dân chủ thì có và có rất rõ. Bình đẳng giữa nam và nữ, bình đẳng giữa xuất gia và tại gia là những điều kiện tiên quyết của mọi triển vọng phát triển lành mạnh của Phật giáo Việt Nam, được nhà vua Trần Thái Tông tóm gọn trong sách Khóa Hư lục: “Không kể là ẩn dật lớn hay nhỏ, không kể là tại gia hay xuất gia, tăng hay tục, điều cốt yếu là biện tâm, vốn không phân biệt nam nữ, sao lại còn chấp tướng”.

Phật giáo Việt Nam đã từng có những cư sĩ chiếm vị trí hàng đầu trong giới Phật học nước nhà, được cả hàng tại gia, hàng xuất gia tôn trọng, không khác gì những bậc thầy trong đạo. Vua Lý Thái Tông, học trò đắc pháp của Thiền sư Thiền Lão, thế hệ thứ 6 dòng thiền Vô Ngôn Thông và vua Lý Thái Tông được xem như vị tổ thứ 7. Riêng dòng Thiền Vô ngôn Thông còn có hai cư sĩ xuất sắc là Thông Thiên, thế hệ thứ 13, Ứng Thuận, thế hệ thứ 15. Vua Lý Thánh Tông cũng không xuất gia, cũng được xem là học trò đắc pháp của sư Thảo Đường. Vua Trần Thái Tông, tác giả sách “Khóa Hư lục” nổi tiếng được cả Tăng, Ni và người đời ca tụng. Tuệ Trung Thượng sĩ, vị thầy đáng kính của vua Trần Nhân Tông đã dạy những điều gợi mở để về sau Trần Nhân Tông đi tu lập ra Thiền phái Trúc Lâm.

Trong những năm đầu thế kỷ 20, có nhiều cư sĩ tài năng đức trong được người cả nước kính trọng như Tâm Minh Lê Đình Thám, người lập ra An Nam Phật học Hội, chủ bút tạp chí Viên Âm, lập ra trường Phật học Báo quốc đào tạo lớp tăng trẻ ở Trung kỳ. Cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, Tổng Biên tập tạp san Đuốc Tuệ, các học giả cư sĩ Trần Văn Giáp, Lê Dư, Nguyễn Trọng Thuật, nổi tiếng trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền lập ra Hội Phật học Nam kỳ và chùa Xá Lợi nổi tiếng.

Truyền thống binh đẳng là điều kiện tiên quyết của mọi triển vọng phát triển lành mạnh của Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo Việt Nam Trong thời đại mới

Đạo Thiên chúa và văn hóa Đông Tây

Từ khi đạo Thiên chúa từng bước xâm nhập vào nước ta, xã hội Việt và văn hóa Việt Nam bị tác động rất mạnh, gần như bị đảo lộn.

Vào nửa cuối thế kỷ 19, nền văn hóa Âu châu theo đà phát triển thuộc địa mạnh mẽ đã có tác động rất lớn đến tư tưởng người Việt chúng ta. Trước đó vài thế kỷ, hệ tư tưởng Thiên chúa giáo theo chân các nhà truyền giáo đến với người bình dân. Về sau, vào đầu thế kỷ 20, tư tưởng chính trị Dân chủ của Montaigne, Rousseau... tác động đến giới trí thức tân học người Việt vốn đã bắt đầu trở thành lực lượng trí thức chủ đạo. Lẽ dĩ nhiên, tư tưởng Phật giáo vốn gắn kết với dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm qua đã bị rơi vào cảnh suy tàn, bị mất chỗ đứng độc tôn của hàng ngàn năm trước đó.

Điều thật dễ hiểu! Khi người ta bị bại trận liên miên, thì trước hết người ta phải tìm hiểu xem địch mạnh hơn ta vì lẽ gì. Thế là nương theo chủ trương của thực dân đào tạo lớp người bản xứ với ý đồ bổ sung cho bộ máy cai trị ngày càng mở rộng, phần đông trí thức người Việt đã tiến hành nghiên cứu học hỏi Âu châu một cách có ý thức. Để rồi họ không khỏi bất ngờ với những mặt mạnh của Âu châu, nhất là thành tựu phi thường về nền công nghiệp và chủ nghĩa thực dụng của Âu châu mà phương Đông bấy giờ vẫn còn xa lạ. Và cũng dễ khiến phần lớn giới trí thức tân học của ta thấy cái gì của Tây cũng hơn của ta. Thế là phong trào theo Tây bỏ Đông trở thành dòng chảy ngày càng mạnh theo mỗi một chiều.

Bấy giờ người tân học nước ta đều bị chói mắt bởi cái hào nhoáng của khoa học Âu Tây. Thật sự, trong giai đoạn buổi ban đầu diễn ra sự tiếp biến văn hóa Đông Tây, mà Tây có pháo hạm đánh đâu thắng đó suốt 3 thế kỷ thì văn hóa phương Đông đâu thể chứng tỏ được điều gì.

Suốt thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20, giới tri thức nước ta, cũng như các nước Đông Á phần đông đều say sưa trong cơn mê cuồng nền văn hóa phương Tây vì người ta chết mê chết mệt văn minh công nghiệp Âu Tây rồi đồng hóa văn hóa Âu Tây với công nghiệp Âu Tây, mặc nhiên xem văn hóa Âu Tây bao trùm toàn thế giới như nền công nghiệp của nó vậy. Đạo Thiên chúa hình thành trên cái nền văn hóa phương Tây, tác động trở lại vào định hướng phát triển văn hóa, xã hội công nghiệp phương Tây.

Trong tình hình như thế, Phật giáo như gặp phải cơn kiếp nạn. Tầng lớp trí thức trong nước hướng cái nhìn về phương trời khác, Phật giáo Việt Nam từ cảnh chùa quốc doanh thời nhà Nguyễn, nay còn tệ hơn không còn được ngó ngàng đến.

Nhưng văn hóa không chỉ là công nghiệp và chủ nghĩa Thực dụng (Pragmatism). Văn hóa bao trùm lên tất cả mọi sinh hoạt tinh thần và tư duy của con người. Theo GS Đặng Nghiêm Vạn, nhà Dân tộc học hàng đầu nước ta thì: “Văn hóa bao gồm những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác”.

Văn hóa là vấn đề của hàng thiên niên kỷ chứ không phải chuyện vài ba trăm năm, rất tinh tế mà dẫu có soi kính hiển vi cũng khó thể phát hiện. Có những điều hết sức phổ quát mà người phương Tây cũng không thể thấy được.

Như một nhà văn hóa lớn đã từng định nghĩa: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” .

Còn GS Đặng Nghiêm Vạn thì chi tiết hóa: “Khi nói đến văn hóa là nói đến con người đã sản sinh ra nó, sử dụng nó và bị nó chi phối. Con người ở đây phải hiểu là con người xã hội, homo socius, con người của một tập thể, một cộng đồng dân tộc hay tộc người... con người đã liên kết với nhau thành một tổ chức xã hội, một cộng đồng người ổn định. Họ sống bằng ngôn ngữ trong giao tiếp, công cụ sản xuất, thiết chế xã hội, pháp luật, tập quán, ăn, ở, mặc, giải trí, tôn giáo, trình độ văn học, nghệ thuật... để thích nghi với tự nhiên, nhằm duy trì và phát triển đời sống của xã hội và của bản thân”. (Văn hóa Việt Nam đa tộc người, tr.13).

 “Ngược lại, ở Việt Nam, quan hệ đó là quan hệ người dân đối với đất nước, DÂN - NƯỚC. Dân ở đây là làng, nước ở đây là vua, người đại diện cho nước, thành quan hệ DÂN -LÀNG - NƯỚC” (Văn hóa Việt Nam đa tộc người, Đặng Nghiêm Vạn, tr.512).

Nhưng rồi dần dần người ta nhận ra rằng tư tưởng Dân chủ tự do châu Âu không hợp với người châu Á và người châu Á có nền dân chủ của riêng mình, hoàn toàn khác với nền dân chủ tự do kiểu Âu Mỹ. Từ giữa thế kỷ 20, nhiều nước phương Đông vươn kịp văn minh phương Tây thì bắt đầu xuất hiện những lời phản bác phương Tây. Lời phản bác ngày càng trở nên mạnh mẽ, lan rộng và có khuynh hướng sẽ hết còn là phản bác nữa mà là lời khẳng định đúng đắn nhất.

Một tác giả người Mỹ, Edward W. Said, trong tác phẩm Orientalism, xuất bản năm 2003, đã được dịch ra 36 ngôn ngữ trên thế giới, nói đại khái là tất cả các tác phẩm người Âu châu viết về phương Đông là để cho người Âu châu đọc tìm hiểu về phương Đông mà thôi, còn đối với người phương Đông thì nó không có giá trị gì đáng kể, chưa nói là nó khiến người phương Tây hiểu không đúng như người phương Đông hiểu nền văn hóa của chính mình. Bởi vì phải sống trong môi trường phương Đông nhiều thế hệ thì mới có thể cảm nhận được. Nhưng cái chủ nghĩa Trung tâm châu Âu (Eurocentrism) đã chi phối người phương Tây từ lâu rồi, nên như Said khẳng định:

“Những gì mà những nhà lãnh đạo phương Tây và những người thiếu tri thức có vẻ như không thể hiểu được là lịch sử không thể bị xóa sạch như xóa những gì đã viết trên một tấm bảng đen, sạch đến mức người phương Tây có thể ghi tương lai của họ vào đó và áp đặt hình thức sống của phương Tây cho những người bị xem là thấp kém hơn”. (Orientalism, tr.XVIII).

Ông viết tiếp: “Ngày nay, một nhà nghiên cứu về phương Đông ít dám xưng mình là nhà nghiên cứu phương Đông như trước đây, thời kỳ từ thế kỷ 17 đến trước Thế chiến II, thời mà lúc nào ông ta cũng hùng hồn tự xưng mình là nhà nghiên cứu phương Đông.” (Orientalism, tr.53).

Phật giáo đầu thế kỷ 20

Đầu thế kỷ 20, đã có những biến chuyển căn bản để Phật giáo không còn như trước kia. Khúc ngoặc này hết sức quan trọng, văn minh Tây phương đạt tới đỉnh điểm của sự tôn sùng, tất nhiên văn hóa phương Đông, trong đó có Phật giáo nhẹ tênh như một chiếc lông. Khúc ngoặc này sẽ còn in dấu mãi trong lịch sử Phật giáo nước ta.

- Xã hội Việt Nam là thuộc địa của thực dân Pháp. Nền thống trị đạt độ  bền vững nhất sau những thất bại liên tiếp của các phong trào yêu nước.

- Chủ nghĩa Tư bản tiến hành nhanh chóng việc khai thác thuộc địa. Cùng với nó là sự hình thành các đô thị với các ngành mới lạ như khoa học, công nghệ, văn hóa nghệ thuật. Thiên chúa giáo liên tục bành trướng ảnh hưởng, khiến diện mạo xã hội Việt Nam biến chuyển nhanh chóng. 

- Đấu tranh tư tưởng, triết học, tôn giáo diễn ra trong lòng xã hội Việt Nam ngày càng gay gắt. Đặc biệt Phật giáo lần đầu tiên phải đối đầu với một tôn giáo khác hẳn về bản chất. Thiên Chúa giáo chủ trương độc tôn tôn giáo chỉ có loại trừ các tôn giáo khác, chứ không cộng sinh như Phật, Nho, Lão như hàng ngàn năm qua.

- Chủ nghĩa xã hội ra đời, thời kỳ đầu nặng tinh thần cực đoan xem mọi tôn giáo như thuốc phiện hoàn toàn có hại cho sự phát triển xã hội.

Rõ ràng Phật giáo Việt Nam đang đứng bên bờ vực của sự diệt vong. Trước tình cảnh ấy, Phật giáo Việt Nam đã kiên trì đấu tranh, lần lượt xuất hiện những cuộc vận động từ nhỏ đến lớn, từ đấu tranh tư tưởng, triết học đến đấu tranh trên mặt trận chính trị xã hội. Nổi bật là các sự kiện:

- Phong trào Chấn hưng Phật giáo (1920-1951).

- Pháp nạn năm 1963 tại miền Nam.

- Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam thành công năm 1981.

Phong trào Chấn hưng phật giáo

Tại nước ta, ngay từ thập niên 1920, các nhà sư có tâm huyết kiên trì tư tưởng Phật giáo truyền thống, đã cùng nhau dấy lên phong trào “Chấn hưng Phật giáo”, để củng cố và phát triển những giá trị nền tảng về con người và xã hội của mình.

Trước hết, rõ ràng là sinh mệnh của Phật giáo lúc bấy giờ bấp bênh khi mà nước đã mất nhà đã tan. Phật giáo là một với dân tộc, mà dân tộc đã bị nô lệ cả về vật chất và tinh thần. Điều khắc nghiệt nữa là tự bản chất, văn hóa phương Tây không bao giờ chấp nhận mọi khác biệt với phương Tây, tìm mọi cách loại bỏ đối thủ, chứ không cho phép cộng tồn. Đạo Phật Việt Nam chưa bao giờ bị thách thức quyết liệt đến như thế. Vả lại, văn minh Tây phương lại đem đến những thành quả ấn tượng về mặt xã hội không thể phủ nhận và lần đầu tiên người Việt Nam được tiếp xúc với nhiều với thế giới bên ngoài. Nhà cầm quyền thuộc địa chính thức ủng hộ đạo Thiên chúa, phá dỡ nhiều chùa lớn tại Saigon, Hanoi để xây nhà thờ. Sự bức hại tôn giáo chưa từng có trong suốt 2.000 năm lịch sử Phật giáo.

Trước nguy cơ đó, Phật giáo phải nhìn lại bản thân mình và mở tầm mắt nhìn ra thế giới.

Bấy giờ nhiều bậc trí giả phương Tây lại tìm thấy ở đạo Phật tính uyên bác cũng như tính tư tưởng sâu sắc. Các nhà sư châu Á cũng đi hoàng dương và thuyết pháp ở châu Âu.

Tại Trung Hoa, Thái Hư đại sư, nghiên cứu văn minh phương Tây và viết sách, giảng về những chỗ tương đồng trong tư tưởng của Phật giáo với khoa học hiện đại. Những nhà khoa học lớn của phương Tây hiện đại như Einstein, Marx Weber, E.Durkheim... nghiên cứu sâu về tư tưởng của Phật giáo và đã nhiệt liệt tán thưởng. Những vận động phát triển Phật giáo trên quy mô toàn thế giới đã có lúc dấy lên thành phong trào. Chính điều đó đã tác động đến lực lượng Phật giáo Việt Nam. Một số vị cao tăng và các nhà trí thức cư sĩ tài cao học rộng thông thạo văn hóa Đông Tây ở cả Nam kỳ, Trung kỳ và Bắc kỳ, như không hẹn mà gặp cùng nhau dấy lên phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Bấy giờ, Phật giáo Việt Nam có nhiều hệ phái có riêng lực lượng Phật giáo đồ, đang phân rẽ vì ý thức hệ mang tính quốc tế. Y thức quốc gia, dân tộc chưa đủ sức mạnh liên kết lại làm một khối Phật giáo thống nhất. Trước tình hình đó, nhiều vị cao tăng và cư sĩ tâm huyết nước nhà tiếp thu những tư tưởng mới đã phất ngọn cờ chấn hưng Phật giáo.

Người xướng tiếng nói đầu tiên là Hòa thượng Khánh Hòa, sư Thiện Chiếu ở Nam bộ, cư sĩ Minh Tâm Lê Đình Thám cùng 2 Hòa Thượng Giác Tiên và Phước Huệ ở Trung bộ. 2 Hòa thượng Trí Hải, Thanh Hạnh và cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha ở Bắc bộ. Họ vạch ra những suy thoái trong hàng ngũ tăng già, tình trạng sa sút về kinh tạng, tình trạng lỏng lẻo trong giới luật, tình trạng hoạt động trái với giáo lý nhà Phật, tình trạng dao động của tín đồ, tình trạng xâm nhập của các tư tưởng ngoại đạo... Nhìn thấy sự thành công của tư tưởng Phật giáo vào xã hội phương Tây, các nhà chấn hưng Phật giáo đặt câu hỏi vì đâu Phật giáo nước nhà còn đắm chìm trong suy thoái. Các vị bắt tay vào việc chấn chỉnh giềng mối từ giáo lý đến nghi lễ và cho ra đời những tổ chức Phật giáo mang tính cách mạng, có ý nghĩa cải cách triệt để nhằm duy trì mãi mãi ý nghĩa siêu việt của Phật Tổ tỏa rộng đến từng tầng lớp trong xã hội. Chấn hưng Phật giáo cũng từ nhận thức đúng mực về tư tưởng khoa học kỹ thuật hiện đại, rằng mặc dù con người có thể thăng tiến về vật chất, có thể tiến tới làm chủ thế giới tự nhiên, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự cải cách trong bản thân con người, thoát khỏi cái vô thường để hướng tới chân lý ngay trong cuộc sống.

Nhìn lại phong trào Chấn hưng Phật giáo thấy nổi lên 3 trung tâm chấn hưng lớn là Nam bộ, Huế và Hà Nội.

Trung tâm Nam bộ

Nam bộ là nơi Pháp chiếm làm thuộc địa đầu tiên. Ngay từ những năm 1860, một số chùa tại Saigon bị phá để xây dựng nhà thờ đạo Thiên chúa, hoặc lỵ sở.

Mất chủ quyền quốc gia, Phật giáo mất quyền tự do hành đạo, sư sãi phải nộp thuế thân và các sư trẻ bị bắt đi lính cho chính quyền thuộc địa, các sư lớn tuổi thì bị theo dõi nghi mượn áo tu hành để hoạt động cách mạng chống chính quyền thực dân.

Bấy giờ, tăng già ở Nam bộ sống rời rạc, những vị có tâm huyết và thực học vẫn tìm mọi cách duy trì hệ thống Phật giáo, vẫn hô hào duy trì tòng lâm quy chế. Vào những ngày Lễ Phật đản mỗi năm họ xin phép chính quyền tổ chức an cư kiết hạ dưới sự theo dõi gắt gao của chính quyền thực dân. Nhưng tăng già Nam bộ cũng thường xuyên liên lạc với nhau, mở những lớp giảng dạy tăng chúng, mở giới đàn truyền giới cho ba hạng Sa di, Tỳ kheo, Bồ tát với sự chứng kiến của Tam sư, Thất chứng.

Nam bộ còn là nơi bị cấm dùng chữ Hán đầu tiên trong cả nước, theo công văn của Thống soái Nam kỳ năm 1878, vì thế kinh sách Phật giáo bằng chữ Hán ngày càng ít người đọc được. Đa số các chùa bị rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng sớm hơn đâu hết trong nước ta.

Trong tình trạng u ám như vậy, vẫn còn có các chùa giữ được nền nếp tinh thần Phật giáo thuần thành như chùa Trường Thọ với Hòa thượng Tâm Thông, chùa Giác Hải với Hòa thượng Từ Phong, chùa Giác Viên với Hòa thượng Hoằng Nghĩa, chùa Hội Khánh với Hòa thượng Từ Văn, chùa Linh Tuyền với Hòa thượng Huệ Tịnh, chùa Hội Linh với Pháp sư Hoằng Đạo, chùa Phước Lâm với Hòa thượng Mệ Nội, chùa Thiên Thai với Hòa thượng Thanh Kế... Đặc biệt là Hòa thượng Khánh Hòa, người phất ngọn cờ đầu phong trào Chấn hưng Phật giáo nước ta, là người trực tiếp lãnh đạo phong trào này tại Nam bộ.

 Cùng với Hòa thượng Khánh Hòa, còn có Hòa thượng Từ Phong cũng dốc lòng khôi phục bản đạo. Ban đầu hai vị lập ra ”Lục hòa liên hiệp” để các sư hội họp bàn về nội bộ tăng đồ, kêu gọi chỉnh lý tăng đồ, nhưng không được hưởng ứng.

Bấy giờ, chữ Quốc ngữ đã bắt đầu phổ biến, xuất hiện một số nhà sư trẻ có thực học mà nổi bật nhất là sư Thiện Chiếu, người vừa am hiểu thâm sâu giáo lý nhà Phật đồng thời có khả năng tiếp cận tư tưởng khoa học phương Tây, cũng như nếp sống đạo của ngài được mọi người kính trọng. Ngài tham khảo rộng rãi tri thức Phật học nước ngoài.

Trung tâm Huế

Phong trào chấn hưng ở Nam bộ đã ảnh hưởng đến Trung bộ. Hai nhân vật hàng đầu Phật giáo Trung bộ bấy giớ là Hòa thượng Giác Tiên và cư sĩ Lê Đình Thám. Hai vị chủ động mở một đạo tràng giảng kinh tại chùa Trúc Lâm lấy tên là ”Sơn môn học đường Trúc Lâm” và mời Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp -Di Đà làm chủ giảng. Cư sĩ Lê Đình Thám còn thành lập ”An Nam Phật học hội” và tạp chí Viên Âm để quy tụ lực lượng và quảng diễn phong trào. Những vị quan chức cao cấp của triều đình trí sĩ như Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân, những thân vương hoàng tộc như Ưng Bình Thúc Gia Thị, trí thức tân học như Lê Thanh Cảnh, Lê Đình Thám, Trương Xương, Nguyễn Khoa Toàn, phụ nữ tân học như Cao Xuân Xang, Tôn Nữ Thị Bân, Hồ thị Thể Anh... tham gia học kinh, giảng pháp theo phong cách mới, chủ trương chấn hưng Phật giáo cho phù hợp với thời đại.

Các nhà khoa bảng danh Nho hoạt động cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thượng Hiền, các trí thức tân học như Phan Khôi, Đạm Phương... hiểu Phật giáo như thành phần cốt lõi của văn hóa dân tộc, mang tính cách mạng nên nhiệt liệt tán thành và hỗ trợ phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung lúc bấy giờ.

Hàng tăng sĩ, ngoài hai vị hòa thượng trên kia, còn có những cao tăng như Hòa thượng Huệ Pháp chùa Thiên Hưng, Hòa thượng Tam Tịnh chùa Tây Thiên, Hòa thượng Viên Thành chùa Trà Am, Hòa thượng Phước Hậu chùa Trường Xuân, kể cả nhà sư trẻ như Thượng tọa Mật Thể, hưởng ứng tích cực phong trào. Việc thành lập An Nam Phật học hội là tiền thân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau này.

Trung tâm Hà Nội

Cũng giống như tình hình tại Nam bộ và Trung bộ, Phật giáo Bắc bộ với những khuôn mặt nổi bật như sư Tuệ Tạng, Trí Hải, cư sĩ Thiều Chửu, các học giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Trọng Thuật, Sở Cuồng Lê Dư làm trụ cột cho phong trào chấn hưng Phật giáo.

Miền Bắc thời bấy giờ, các chùa hầu hết đã biến tướng không còn là nơi tu hành Phật giáo lành mạnh nữa. Từ nơi thờ phụng đến nghi thức lễ bái không đâu giống đâu. Kinh sách toàn bằng chữ Nho, mà người am hiểu chữ Nho thì ít dần. Người ta đọc tụng, mà ý nghĩa kinh sách hiểu mơ hồ. Tự mình đã không thông thì việc đem ra rao giảng càng mơ hồ, xa rời chánh lý. Trong tình cảnh ấy, Phật giáo không thể không dắt nhau vào con đường mê tín dị đoan gây tiếng xấu cho nhà Phật. Phật giáo như một quá khứ còn sót lại những tập tục lạc hậu chỉ trì kéo và ngán trở sự tiến bộ.

Sư trẻ Trí Hải có khả năng hiểu được kinh sách chữ Hán, tiếp thu được cái mới, gióng lên ý tưởng lập hội Phật giáo trong vùng Lý Nhân, Hà Nam. Các sư cao tuổi tâm huyết với tiền đồ của Phật giáo, tán thành sư Trí Hải, nhưng cho là rất khó, ngại bị chính quyền thực dân khép vào tội lập đảng cách mạng chống Nhà nước Bảo hộ. Sư Trí Hải bền lòng tiến hành từng bước, thuyết phục các vị trên suốt nhiều năm mà kết quả rất ít.

Sư Trí Hải cùng các đồng môn trẻ tuổi theo cách tổ chức hội Liên xã của các sơn môn xưa nay vẫn làm, lấy tên là ”Lục Hòa tịnh lữ”, nghe có vẻ nhẹ nhàng. Lục hòa tịnh lữ gồm những nhà tu làm bạn cùng nhau tu theo 6 pháp hòa thuận theo lời Phật dạy:

1. Thân hòa đồng trụ: Sống tập thể.

2. Khẩu hòa vô tránh: Nói năng hòa thuận.

3. Ý hòa vô vi: Không làm trái ý nhau.

4. Kiến hòa đồng giải: Hiểu biết bảo ban nhau.

5. Giới hòa đồng tu: Cùng giữ giới luật tu hành.

6. Lợi hòa đồng quân: Cùng hưởng đều nhau.

Lục hòa tịnh lữ từng bước ảnh hưởng lan truyền trong giới tu trẻ, tổ chức sinh hoạt thành công tại vài nơi, khiến các sư lão thành hoan hỉ tham gia như Thượng tọa Trí Hòa chùa Tú Yên, sư cụ Thông Thiên chùa Hà Mặc, sư cụ Thanh Lạc chùa Vị Bình, sư cụ Thanh Lịch chùa Hải Trung...

Những năm 1931, 1932, các tạp chí chuyên về Phật học ra đời hầu như đồng thời, tờ Từ Bi Âm ở Saigon, tờ Viên Âm ở Huế, còn ở Hà Nội, báo chí đăng những bài viết về chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Không khí chấn hưng có cơ hội quảng bá rộng rãi, bắt đầu thu hút sự chú ý và tham gia của nhiều nhà sư và học giả khắp cả nước.

Sư Trí Hải tìm gặp những vị quan đương nhiệm có lòng với tiền đồ Phật giáo Việt Nam như cụ Lê Toại, Trần Văn Giác, cư sĩ Nguyễn Hữu Kha tức Thiều Chửu, Vũ Đình Chung. Họ đồng lòng chung tay vào việc chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc. Sau một thời gian qua lại trao đổi, họ thống nhất xin thành lập Hội Phật giáo Bắc kỳ. Buổi dự thảo Điều lệ diễn ra tại nhà Vũ Đình Chung có mặt 7 người gồm 3 sư Trí Hải, Thái Hòa, Hải Châu cùng 4 cư sĩ Lê Toại, Trần Văn Giác, Nguyễn Hữu Kha, Vũ Đình Chung. 

Nhóm kiên trì vận động gặp nhiều ý kiến trái chiều nhau, phe tán hành và phe phản đối. Đến cuối năm 1932, nhóm quyết đỉnh tiến hành đồng ký tên xin phép thành lập Hội Phật giao do Vũ Đình Chung làm Hội trưởng.

Việc xin lập hội không thuận lợi, ngay trong nội bộ tăng già. Trong khi chờ đợi và thuyết phục các sư bảo thủ, nhóm chủ trương thành lập ”Phật học tùng thư”, trước mắt tập trung phiên dịch kinh sách Phật giáo ra chữ Quốc ngữ để ấn hành quảng bá sâu rộng trong quần chúng, chờ cơ duyên đầy đủ, cơ hội thuận tiện cho việc lập hội.

 Sách dịch của Tùng thư được đông đảo Phật tử hưởng ứng. Bấy giờ tùng thư được các học giả nổi tiếng như Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Lê Dư, Dương Bá Trạc đế ý đến... Họ bày tỏ rất tán thành việc lập Hội Phật giáo và việc chấn hưng Phật giáo.

Rồi cơ hội đến, được sự hỗ trợ của các cư sĩ quan chức hiện hành, nhóm Tùng thư đã được trực tiếp quản lý chùa Quán sứ, vốn là một chùa cổ tích lịch sử của nước nhà.

Đến năm 1934, cơ hội đã chín muồi, nhóm Tùng thư tiến hành xin thành lập hội do Nguyễn Năng Quốc làm chủ tịch, quy tụ nhiều cư sĩ học giả và các vị sư đạo cao đức trọng.

Tổ chức thống nhất các tổ chức Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên

Cho đến những năm 1950, nhiều tổ chức Phật giáo đã hoạt động trên khắp 3 miền. Ở Bắc có Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt và Tăng già Bắc Việt. Ở miền Trung có Hội Việt Nam Phật giáo Trung Việt, Tăng già Trung Việt, ở miền Nam có Hội Việt Nam Phật giáo Nam Việt, Tăng già Nam Việt.

Các đoàn thể này cùng chung ý thức thống nhất Phật giáo toàn quốc. Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt chính thức gia nhập gia đình Phật giáo thế giới, khi cử đoàn tham gia hội nghị Đại hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (WFP) lần thứ nhất tại Colombo với sự tham dự của 26 đoàn của 26 nước. Phật giáo Việt Nam chấp nhận bản Điều lệ và lá cờ Phật giáo thế giới 5 màu được Đại hội quy định làm biểu tượng chung của toàn thể Phật giáo thế giới.

Người đại diện cho Phật giáo Việt Nam là Thượng tọa Tố Liên được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới. Chùa Quán sứ được bố trí làm trụ sở chính thức của WFP tại Việt Nam.

6 tổ chức Phật giáo trong cả nước ta lúc bấy giờ vâng theo lời hiệu triệu của các vị đạo lão Hòa thượng đã nhóm họp tại chùa Từ Đàm - Huế gồm 51 đại biểu ngày 6-5-1951 thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Đây là tổ chức tiền thân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau này. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết được bầu làm Chủ tịch Hội, ngài là người quyết liệt chống chế độ Ngô Đình Diệm sau này.

Pháp nạn Phật giáo

Mỹ dựng nên chế độ Ngô Đình Diệm ở nửa nước phía Nam, khơi mào cho cuộc kháng chiến lần thứ hai của dân tộc Việt Nam chống thực dân đế quốc. Chế độ Ngô Đình Diệm vấp phải sai lầm nghiêm trọng với ý đồ Công giáo hóa người Việt, trong khi Phật giáo đã hình thành được Tổ chức Phật giáo thống nhất cả nước. Như thời Lý Trần, sự đoàn kết Phật giáo đồ Việt Nam đã đem lại sức mạnh cho dân tộc Việt Nam có khả năng vượt qua mọi trở lực.

Trên thế giới và suốt lịch sử Phật giáo, chưa từng xảy ra một cuộc đấu tranh Phật giáo dẫn đến sự sụp đổ một chế độ cầm quyền như ở Việt Nam ngay trong thời hiện đại.

Cuộc đấu tranh của Phât giáo Việt Nam năm 1963 là sự kết hợp đồng bộ của các đoàn thể Phật giáo toàn miền Nam được đông đảo Phật tử, nhân sĩ trí thức, sinh viên học sinh, công chức, người lao động từ nông thôn đến thành thị ủng hộ và kết thúc bằng cuộc đảo chánh của quân đội, của Chính phủ cầm quyền.

Ngày 25-5-1963, sau những vụ đàn áp đẫm máu của chính quyền Diệm về việc cấm treo cờ Phật giáo nhân lễ Phật đản, Hòa thượng Chủ tịch Hội Thống nhất Phật giáo Thích Tịnh Khiệt triệu tập cuộc họp thành lập Ủy ban Liên phái Phật giáo. Bản Tuyên bố tỏ rõ quyết tâm đoàn kết đấu tranh không khoan nhượng với chính quyền đàn áp Phật giáo Ngô Đình Diệm.

Ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức, Trưởng ban nghi lễ Giáo hội Tăng già Việt Nam tự thiêu tại Saigon. Trái tim biến thành xá lợi của Hòa thượng đã làm chấn động lòng người và đã gây nên tiếng vang khắp thế giới.

Tiếp đến, Hòa thựợng Thích Tiêu Diêu tự thiệu tại Huế, rồi còn các vị sư khác tự thiêu ở Saigon đã gây cơn chấn động ghê gớm nhận chìm chế độ Ngô Đình Diệm.

Tuy vậy sau đảo chánh Ngô Đình Diệm, nội bộ Phật giáo họp hành thống nhất lần nữa rất long trọng và đầy khí thế, nhưng dần dần xuất hiện nhiều dấu vết rạn nứt. Sự rạn nứt ngày càng nghiêm trọng không thể hàn gắn. Phe Thượng tọa Tâm Châu, phe Thượng tọa Trí Quang hay còn gọi là phe Việt Nam Quốc Tự và phe Ấn Quang tên hai ngôi chùa ở Saigon mà hai vị sư này trụ trì.

Năm 1967, Thượng tọa Tâm Châu xé bỏ Hiến chương Phật giáo năm 1964, lập ra một Giáo hội khác với một Hiến chương khác. Hiến chương này lại được sự đồng thuận của chính quyền tay sai Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu.

Phật giáo miền Nam dần bị lôi kéo vào chính trị như một Đảng phái chính trị, thậm chí có một bộ phận Phật tử tham gia đấu tranh chính trị xa rời truyền thống Đạo pháp và Dân tộc Việt Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, việc thống nhất Phật giáo cả nước cũng gặp rất nhiều gian nan. Tuy nhiên, năm 1981, Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành công đã mở ra con đường cho Phật giáo Việt Nam đoàn kết phát triển với phương châm bất diệt của truyền thống Phật giáo Việt Nam “Đạo chỉ có thể phát triển bền vững trong lòng dân tộc”. 

Phật giáo Trong thời đại chúng ta

Văn minh nhân loại trong hơn một thế kỷ qua đã phát triển mạnh dựa vào khoa học kỹ thuật, theo hướng xây dựng hạnh phúc con người bằng hưởng thụ vật chất. Từ chiều hướng đó, cả thế giới ngày nay được hình thành theo mô thức xã hội tự do kinh tế, đánh giá bằng công nghiệp sản xuất và mức độ tiêu thụ. Con người tại các nước tiên tiến thời nay là con người phải xài nhiều, giá trị con người được tính bằng tiền bạc và mức tiêu dùng. Ở Mỹ được cho là nước đỉnh cao của văn minh, người được coi là có “good credit” là người phải tiêu xài, có “credit card”. Trong chiều hướng con người bị tiêu chuẩn hóa bằng tiền bạc, bị thương mại hóa về giá trị, bị cơ giới hóa xã hội, bị điện toán hóa đầu óc và sau cùng bị máy móc hóa ngay cả đời sống của mỗi người.

Nhìn dưới nhãn quan Phật học thì con người gọi là văn minh ngày nay là con người chạy theo hình tướng ảo, sống theo cái bên ngoài mình, nên tâm hồn luôn luôn bị động và thường bị đánh mất mình, mang hai căn bệnh trầm trong:

- Bị bất an tinh thần.

- Bệnh khủng hoảng lòng tin.

Công nghệ vũ khí càng cao thì xã hội càng bất an, càng đưa loài người tiến gần đến sự hủy diệt. Mạng lưới internet xâm nhập đến từng hộ gia đình mở rộng tầm nhìn ra thế giới nhưng để lại hậu quả bất an cũng rất lớn. Vì thế con người càng ngày càng cần một chốn nương thân an bình. Chốn ấy chỉ có thể là thế giới do tôn giáo tạo ra.

Nhưng tôn giáo không dễ gì đáp ứng được nhu cầu của con người thời đại mới, con người có trình độ cao và rất cao, nên khi đi vào thế giới do tôn giáo lập ra, dễ đưa đến mất lòng tin của con người. Vì tính giáo quyền trong các tôn giáo ngày nay chậm được đổi mới, giáo luật lỗi thời không còn phù hợp với tiến bộ khoa học hiện đại.

Einstein nói về tôn giáo của thế kỷ 21:

“Tôn giáo này phải vượt lên trên một đấng cá thể thần thánh và tránh những giáo điều cùng lý thuyết, bao gồm cả thiên nhiên và tinh thần, dựa trên cơ sở mang tính thực nghiệm về mọi sự vật, cả tự nhiên và tinh thần trong sự hợp nhất viên mãn. Đạo Phật đáp ứng được những yêu cầu đó”.

“Nếu có tôn giáo nào đương đầu được với các nhu cầu khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại các quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ những quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học. Phật giáo là chiếc cầu nối liền tôn giáo với những tư tưởng khoa học. Cây cầu Phật giáo đã kích thích con người khám phá những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính con người và trong môi trường sống chung quanh. Phật giáo vượt thời gian và mãi mãi có giá trị”.

Chùa Phật là nơi tiến hành các khóa lễ giản dị, nhưng giàu ý nghĩa biểu trưng. Chùa Phật là một trung tâm Phật học và thế học, có đầy đủ Tam Tạng kinh và các loại sách văn hóa Đông Tây và của Việt Nam. Chùa Phật là nơi giảng pháp, nơi đàm luận giáo lý, nơi hành thiền, nơi trao đổi kinh nghiệm hành thiền, cũng là nơi hoạt động văn hóa và làm từ thiện, là nơi có phong cảnh thiên nhiên, nhất là tại các đô thị. Nói tóm, chùa Phật là nơi toát lên đạo vị giải thoát và giác ngộ thông qua hoạt động của tăng tục và cảnh quang môi trường.

Đạo Phật mang một tinh thần khác biệt, một tinh thần tự lợi và lợi tha, tự độ và độ tha, trong tầm hiểu biết và sự tu tập thường nhật về Phật pháp. Chúng ta có thể độ tha bằng kiến thức vốn có và tâm linh của một hành giả. Khuyến thiện, ăn chay cũng là một hình thức độ tha....

Cái phong phú của Phật giáo là tất cả tín đồ phải được sung mãn bởi chất liệu tinh túy từ Phật giáo, toát hiện qua ánh mắt, phong cách, ngôn từ trong cuộc sống của mỗi chúng ta, chính từ đó tẩm tưới tươi mát cho xã hội, cho cuộc đời.

Một trong những khẩu hiệu đang thịnh hành trong nước là “hiện đại hóa đất nước”. Làm sao cho đất nước trở thành hiện đại, không còn lạc hậu so với thế giới chung quanh. Ðó là một việc cần thiết cho sự sống còn của dân tộc.

Ðạo Phật Việt Nam cũng vậy. Ðạo Phật cần phải được hiện đại hóa để thoát khỏi tình trạng chậm tiến, chênh lệch hiện nay so với cuộc sống hàng ngày.

Công trình hiện đại hóa đạo Phật quả là một công trình lâu dài, đầy chông gai cam khổ, nhất là khi Phật giáo Việt Nam còn bị hạn chế trên nhiều mặt, trong một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, với một trình độ dân trí còn thấp kém.

Nhưng công trình đó phải được khởi sự một cách cấp bách. Vì nhu cầu của những người Phật tử, nhu cầu của đất nước và nhu cầu của thế giới đang thúc đẩy. Hơn bao giờ hết, đạo Phật cần được hiện đại hóa. Đó không phải là một từ ngữ suông, một khái niệm hợp thời trang. Ðó là một sự cần thiết thực sự, một công trình cấp bách trong đó mỗi người Phật tử phải cố gắng đóng góp phần nhỏ bé của mình.

Ðứng trước ngã ba đường, Phật giáo Việt Nam phải chọn lựa:

- Hoặc giữ như cũ, cổ kính, kinh điển, nặng hình thức tín ngưỡng, xa lìa cuộc sống, không am hiểu những vấn đề của thời đại.

- Hoặc đổi mới, thực sự đi vào cuộc đời, cảm thông những vấn đề khoa học, xã hội, tâm lý đặt ra cho con người của thế kỷ sắp tới.

Nếu đã chọn lựa con đường sau, thì người Phật tử phải quyết tâm, đồng nhất, cùng nhau xác định, trong tinh thần phá chấp, khế cơ và sáng tạo, đâu là nền tảng, tinh hoa của đạo Phật, phải can đảm tách rời những gì không phải là đạo Phật, phá bỏ những cách biệt giữa đạo và đời, để cùng nhau tạo dựng nên một đạo Phật sống động, gắn liền với thực tại.

Việc nắm bắt sự thật duyên sinh, vô thường là một cơ hội và thách thức lớn để con người hoàn thành các mục tiêu tốt đẹp nhất của cuộc đời mà nói theo thuật ngữ Phật học là để “chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”. Chúng ta không thể thay đổi sự thật sinh diệt vô thường của cuộc đời, nhưng chúng ta quyết không không tạo điều ác, không làm rối loạn thêm cho cuộc đời bởi những hành vi thiếu cân nhắc hay vị kỷ. Mặt khác, nhận thức duyên sinh, vô thường là cơ hội để chúng ta nỗ lực làm điều tốt, làm điều lành, kiến tạo hạnh phúc, an lạc cho tự thân và cho cuộc đời. Đức Phật nhấn mạnh sự thật duyên sinh, vô thường để khuyến khích các học trò đệ tử mình sống tốt, sống thiện, tránh tranh chấp, tranh cãi, sống nhiệt tâm, tinh cần, tinh tấn để chiến thắng tham sân si, thực nghiệm an lạc Niết bàn cho tự thân và làm lợi ích cho cuộc đời.

Phật giáo khó có thể cung cấp giải pháp toàn triệt cho tất cả vấn đề phức tạp hiện nay của con người và thế giới. Rõ ràng, người ta không thể kỳ vọng tìm thấy ở Phật giáo những biện pháp cụ thể cho việc giải quyết những vấn đề nảy sinh hàng ngày của một thế giới phức tạp. Tuy nhiên, giá trị to lớn của giáo lý Đức Phật nằm ở sự kiện rằng giáo lý ấy nhấn mạnh việc nắm bắt sự thật Duyên khởi hay quy luật hiện hữu cộng sinh và đề cao cơ sở đạo đức của tất cả mọi hành vi con người, hai nền tảng căn bản mà trên đó mọi dự án văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị và xã hội có thể được thiết lập.

Chung cuộc, Phật giáo sẽ phải tự đổi mới mình trước khi nó tham gia vào xây đắp xã hội. Đây là một đòi hỏi của xã hội đối với Phật giáo Việt Nam. Các nỗ lực xâm nhập xã hội của nó sẽ trở nên viễn vông và hoài uổng khi nó không tự đổi mới. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hơn ai hết là người chịu trách nhiệm chính trong sự tự đổi mới, không ai có thể làm thay, không có một sự can thiệp bên ngoài nào làm được điều đó, dù với dụng ý tốt đến đâu.

                                                                                                                                                                                  

TS Lê Sơn


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24433831