Lịch sử Việt Nam

BÀN VỀ “CÁI NGU THỨ TƯ” Ở TRÊN ĐỜI

  • Nguyễn Trường Kháng
  • 04/07/2023

Chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của cái ngu cuối cùng (trong số bốn cái ngu ở trên đời) tức “cầm chầu” để xem người xưa nghĩ gì khi xếp việc đánh trống chầu thường dành cho người có “uy tín” nhất trong làng thực hiện (khi hát bội cúng đình) là “cái ngu” thứ tư.

Ảnh: Đánh trống chầu trong lễ xây chầu

Có người giải thích khái niệm “cầm chầu” như sau: “Ngồi trước cái trống chầu, đánh trống để khen, chê đào, kép trong khi diễn tuồng hát bội. Một thú vui tốn tiền vì người cầm chầu phải bỏ tiền túi ra để thưởng cho đào, kép diễn hay” (giống như tiền “boa”  cho các tiếp viên ở các quán bây giờ!)

Khái niệm này hoàn toàn đúng ở phần sau (hát bội), còn phần quan trọng hơn là “cầm chầu” khi cúng thần tức phần lễ thì sao? Chúng ta cùng tìm hiểu cả hai phần!

Lễ Kỳ yên:

Lễ này được tổ chức hàng năm ở đình làng, nơi thờ vị thần Thành Hoàng bổn cảnh hoặc các vị nhân thần có công với đất nước, được vua sắc phong.

Mỗi năm đến dịp cúng đình để cầu cho quốc thới, dân an, mùa màng tươi tốt, dân làng ấm no hạnh phúc… nhà Làng đều có mời đoàn hát bội về hát tuồng cổ trước là để cúng Thần, sau để người dân xem giải trí sau một năm trời lao động vất vả. Nên có thơ rằng:

“Kính Thành Hoàng bốn cảnh/ Cầu mưa thuận gió hòa

Tan sâu bọ lam chướng/ Mâm cơm từng nhà công đức sáng trưng"

(Đỗ Viết Phương - Trống đình)

Lễ hội đến, dân chúng trong làng và các vùng lân cận đi trẫy hội thật đông nên rất vui. Sau khi thỉnh Sắc Thần về nơi thờ tự, ngày đêm đầu sẽ diễn ra lễ Xây Chầu- Đại Bội. Những ngày và đêm sau hát tuồng xưa, tích cũ.

Nhà văn Phi Vân (1917-1977) tường thuật: khi tiếng trống thùng, thùng diễn ra trên xóm đình thì dọc theo bờ ruộng đã thấy lũ lượt kẻ năm, người ba kéo nhau đi xem hát… Trước rạp, người ta dọn sạch sẽ, sắp hàng ghế đai để dành riêng cho các bậc kỳ lão và hương chức. Kế đó là ghế của tư nhân. Họ khuân từ nhà đem lại, chen nhau giành chỗ. Đó là không khí háo hức trước khi vở hát được bắt đầu.

Lễ Xây Châu - Đại Bội:

Đêm đầu tiên, (sau khi thỉnh sắc Thần về nơi thờ tự) sẽ diễn ra lễ Xây Chầu và Đại Bội. Nói đến xây chầu và hát bội mà không nhắc đến vai trò của người “cầm chầu” là một điều thiếu sót! Đó là ông Cả (tức Đại Cả, có người còn gọi là ông Tham Thần), người có chức vụ cao nhất trong ban hội tề của làng, hoặc ông Chánh Bái là người đứng đầu trong ban Quí Tế (Ban Tế Tự) mới được vinh dự cầm chầu trong suốt thời gian lễ hội (trường hợp đặc biệt lắm mới cử người (có uy tín khác) làm thay!

Tác giả Nguyễn Hữu Hiệp viết: “Xây chầu là một hoạt cảnh văn hóa vô cùng thiêng liêng, kỳ diệu, nó thể hiện ước vọng ngàn đời của con người trong cộng đồng xã hội: Đất nước thanh bình, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Nó thể hiện cao tư duy tiến bộ của một dân tộc văn minh, yêu chuộng hòa bình” . (Văn nghệ Chợ Mới – AG - Tập 2/2022)

Sau khi đọc bài văn tế kể rõ công lao của các bậc tiên hiền, hậu hiền trong việc mở cõi, lập làng, do một đại diện ban Quí Tế đọc là đến phần khai chầu. Trình tự như sau:

Tất cả hướng về võ ca (đối diện với chánh điện) đợi chờ phần lễ quan trọng nhất: Xây chầu, tức đánh trống chầu để tế Thần. Cái trống lớn được đặt lên cái giá thấp có 3 chân. Mặt đại cổ được trải phủ lên một lớp vải lụa điều mới tinh chờ “người chấp sự” (tức người đánh trống lễ). Các tiêu chí chọn người chấp sự rất khắt khe. Đặc biệt là phải được dân làng kính trọng mới được đứng ra xây chầu. Tất nhiên, ông này phải thành thạo việc đánh trống lễ theo nghi thức cổ truyền (nên thường cử ông Đại Cả hoặc Chánh Bái đảm nhiệm).

Ông Hiệp viết tiếp: “Theo sự tin tưởng cố hữu của dân làng, nếu sinh hoạt đời sống nhân dân bình thường hoặc thịnh vượng thì uy tín ông được nâng lên… Bằng trái lại, nếu năm ấy có xảy ra thiên tai, địch họa, dân tình đồ khổ thì ông sẽ hứng lấy mọi phiền trách”. Nghĩa là người ta đổ thừa do người cầm chầu thiếu đức hạnh! Chính cái hậu quả không mong muốn này (đôi khi xảy ra) nên người ta cho rằng cầm chầu là cái ngu (thứ tư) ở trên đời!

Theo NVB này thì cái ngu sau cùng không hẳn là như vậy. Thực tế thì đời sống dân làng có thịnh hay suy là bởi nhiều nguyên nhân khách quan chứ không dính líu gì đến “đức độ” của người cầm chầu. Hơn nữa, ông Cả, ông Chánh Bái là những bậc trên trước”, là những nhân vật có thế lực trong làng thì ai dám đổ thừa tại các ông ấy chớ?!

Thật ra, cái hậu quả thấy rõ nhất là sự vất vả, cực nhọc (do lao lực) của người đánh trống chầu (hầu hết là người cao tuổi, sức đã yếu, khi thao tác thì "mồ hôi chảy dọc sống lưng, ướt cả hai vai áo do hoạt động hết mình, có thể so sánh như việc đánh quyền trong nghề võ”   nhưng vì chút “hư danh” nên cố ráng sức! Có lẽ chính hình ảnh nhễ nhại đó mới chính là cái ngu thứ tư mà câu ca dao đề cập…

Hãy tiếp tục theo dõi buổi lễ sẽ cảm nhận rõ hơn nỗi vất vả của người cầm chầu!

Sau khi được giới thiệu, người chấp sự rời vị trí đến quỳ lạy trình với Thần trước chánh điện. Thi lễ xong, đến tiếp vị trí đặt “trống cái" trước sân khấu (đối diện chánh điện) làm động tác lau sơ một vòng trên mặt trống rồi tung gọn sang một bên cho một nhân viên xếp cất.

Một tay ông chấp sự bấm ấn Tý, một tay cầm dùi trống làm bút vẽ tượng trưng lên mặt trống chữ bùa “Tứ tung, ngũ hoành”. Rồi dùng ngón chân cái viết (tượng trưng) xuống mặt đất chữ “Thạnh” (nghĩa là thịnh vượng). Đứng bên trống cả, ông cụ lâm râm khấn vái, vừa dùng dùi nhịp nhè nhẹ trên mặt trống. Kế đó ông sẽ xướng lên thật lớn các câu: “… Hà an xã tắc a; Khôn trung khương thới a; Lê thứ thái bình a…”. Sau mỗi câu đánh 3 tiếng trống lớn làm khuấy động màn đêm. Sau nữa ông đánh tiếp 3 hồi trống dài (mỗi hồi 30 tiếng, tất cả 90 tiếng. Trước sau gồm 99 tiếng, vừa đánh vừa đếm cho đủ số lượng! Đầu hồi đánh thưa, sau đánh nhặt dần lên ...

Người chấp sự phải đủ sức khỏe mới tạo được tiếng trống tròn, ấm và rõ từ đầu đến cuối hồi. Trong khi cố sức làm tròn trách nhiệm trong bầu không khí ngột ngạt ở chỗ đông người mà chỉ được giải nhiệt (chiếu lệ) nhờ nhân viên đứng kề bên hầu quạt (quạt tay) nên người chấp sự phải toát cả mồ hôi mẹ lẫn mồ hôi con một lượt nhưng vẫn ráng sức (già) để làm tròn “sứ mạng cao cả” được giao mà lòng luôn cảm thấy hả hê, hãnh diện. Thực ra, đây chỉ là cái vinh dự “ảo”, còn mồ hôi đổ là “thật” vì phải đánh trống hết mình, lại quá dài khiến người chấp sự phải mệt đuối! Chính vì vậy, thế gian mới gán cho rằng việc "bao biện” này chính là cái “đệ tứ ngu” cũng không phải là quá đáng!

Chưa hết, sau ngót trăm tiếng trống vang động đêm khuya, lễ Xây chầu kết thúc để phần Đại Bội được bắt đầu với nhiều hoạt cảnh mang nhiều ý nghĩa cao sâu, thâm thúy do các nghệ sĩ trong đoàn hát biểu diễn (hoạt cảnh Phước-Lộc-Thọ… Rồi hát xoan, tức trích đoạn tuồng qua nhiều chặp).

Cái trống to dùng xây chầu lúc nãy bây giờ thành trống chầu phục vụ phần đại bội. Cầm dùi vẫn là vị chấp sự cũ với vai trò như “giám khảo” (khen hoặc chê). Khi nào thấy diễn viên diễn không tốt, ông đánh lên tiếng “Cắc” (gõ lên tang trống, tỏ ý chê).   Ngược lại, nếu hát hay, diễn tốt, ông sẽ đánh lên tiếng “Thùng” để khen tặng, và một thẻ thưởng được người của ông cầm chầu ném lên sân khấu để tặng cho diễn viên đó. Mỗi tấm thẻ có giá trị bằng số tiền thưởng nhất định. Thường ông chỉ tặng tiếng “Thùng” cho vui vẻ cả làng. Đây chính là hình thức tặng thêm tiền “trà nước” (tiền “boa”) bồi dưỡng cho diễn viên xuất sắc. Ngày (và đêm) thứ hai và ngày thứ ba (nếu có) đều có cầm chầu, khen thưởng bằng hình thức ném thẻ tặng như vậy! Đêm hát nào phần việc của người chấp sự cũng bắt đầu từ lúc mở màn cho đến khi vãn hát! Khi đánh trống khen và ném thẻ thưởng hoàn toàn do nhận xét chủ quan của người cầm chầu cho nên nhiều lúc ông ta bị khán giả phê bình: "Hát (diễn) dở ẹc mà cũng đánh trống! Còn phía đào, kép cũng lắm lúc than phiền ông: “Hát mùi mẫn như vậy mà không biết đánh trống cho phải đạo! Tức là đàng nào cũng bị mắng. Thế là tiếp tục… “Ngu”!

Tiền thưởng (đổi từ “thẻ”) sau khi vãn hát là tiền túi của cá nhân người đánh trống nên người ta cho đó là “tiền ngu”. Bởi lẽ, diễn viên cả đoàn hát đã được chi thù lao theo hợp đồng rồi mà các vị chức sắc này còn chi thêm để tỏ ra mình giàu có, hào phóng, chơi sành điệu theo kiểu “Công tử Bạc Liêu” thì quả là “ngu” thật! 

Nhân đây cũng cần nói một chút về hát “Ả đào” (tức ca trù ở miền Bắc). Loại hình nghệ thuật này cũng có người cầm chầu” nhưng không phải đánh trống to như ở phía Nam mà đánh loại trống nhỏ, đánh chỉ để giữ nhịp cho “ca nương” hát. Người đánh phải theo đúng nhịp câu hát, nếu sai sẽ bị chê trách, phê bình. Nếu đúng cũng chẳng được ai khen mà chỉ khen người hát tốt (ca sĩ). Nên “Cầm chầu " ở đây cũng là một dạng nghề được xem như chẳng “khôn” tí nào.

 

Ảnh: Ca nương và người đánh trống trong ca trù

Tóm lại, lễ hội Kỳ yên là một Mỹ tục nhằm nhớ ơn nguồn cội nên cần được duy trì. Ngày xưa tổ chức quá rườm rà khiến người chấp sự phải thao tác quá cật lực nên rất khổ nhọc. Còn phải chịu trách nhiệm tinh thần đối với người dân suốt cả năm! Lại còn tốn thêm tiền thưởng cho đào, kép hát như một “phong cách” của kẻ trên, người trước, đến nỗi, người đời cho rằng: “Trên đời có 4 cái ngu: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”.

Về sau, người ta giảm lược bớt các thủ tục không cần thiết (như vẽ bùa, bấm ấn). Không để một người đánh trống quá lâu mà phải được luân phiên! Người chấp sự ngày nay được thoải mái hơn. Từ đó lễ hội mang tính văn minh hơn mà "bản sắc văn hóa, dân tộc" vẫn đậm đà. Tiếp tục việc tổ chức lễ Kỳ yên cho đến ngày nay là góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, là nhớ ơn nguồn cội vậy!

Nguyễn Trường Kháng


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24436841