Lịch sử Việt Nam

CĂN CỨ ĐỊA BỜI LỜI - TÂY NINH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1965 – 1972)

  • Nguyễn Xuân Thắng
  • 04/07/2023

Căn cứ địa Bời Lời có vị trí chiến lược quan trọng nằm trong khu “Tam giác sắt” (Trảng Bàng - Bến Cát - Củ Chi thuộc Tây Ninh, Bình Dương và Sài Gòn), là địa bàn bám trụ kiên cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975). Do vậy, nơi đây trở thành mục tiêu của các cuộc hành quân càn quét của kẻ địch. Để giữ vững vị trí chiến lược này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân huyện Trảng Bàng cùng căn cứ Bời Lời vượt qua muôn vàn khó khăn, chiến đấu kiên cường, bảo vệ địa bàn căn cứ của Tỉnh ủy, Phân khu ủy và đánh bại các cuộc hành quân, càn quét của Đế quốc Mỹ và tay sai, góp phần giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, tạo thế và lực cùng Tây Ninh và cả nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có ba căn cứ địa lớn: căn cứ địa Trà Vông - Dương Minh Châu, căn cứ huyện Châu Thành và căn cứ địa Bời Lời (thuộc ấp Trảng Sa, xã Đôn Thuận, Thị xã Trảng Bàng). Căn cứ địa Bời Lời (Bời Lời là tên gọi dân gian để chỉ một loại cây gỗ mộc tự nhiên thành một khu rừng già, rộng gần 200 km2) nằm ở phía đông nam của tỉnh Tây Ninh (thuộc ấp Trảng Sa, xã Đôn Thuận, Thị xã Trảng Bàng, cách trung tâm thị xã Trảng Bàng khoảng 16 km, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh theo đường chim bay khoảng 40 km), phía Đông cặp sông Sài Gòn, đoạn từ Bến Củi đi Bùng Binh, Bến Dược; phía Bắc giáp căn cứ Dương Minh Châu; phía Tây và Nam giáp với các vùng dân cư thuộc huyện Gò Dầu và Trảng Bàng, Trung tâm căn cứ Bởi Lời rộng khoảng 150km2, xung quanh có hàng chục căn cứ lõm, căn cứ vệ tinh của các xã thuộc huyện Gò Dầu, huyện Trảng Bàng và huyện Dương Minh Châu . Sau hiệp định Genève (1954), Mỹ và chính quyền Sài Gòn xem căn cứ Bời Lời là một trọng điểm cần tập trung đánh phá, vì  vị trí chiến lược quan trọng của nó. Đây còn là địa bàn đứng chân, vành đai bảo vệ, tuyến giao thông liên lạc quan trọng của liên tỉnh miền Đông, của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Trung ương Cục và của Tỉnh ủy Tây Ninh. Từ đó, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã nhận định: “Bời Lời còn, Sài Gòn mất” nên tập trung mọi hỏa lực đánh phá, hủy diệt Bời Lời . 

Quá trình xây dựng và bảo vệ căn cứ địa Bời Lời (Tây Ninh) trong kháng chiến chống Mỹ (1965 – 1972) đã để lại nhiều bài học quý báu trong vấn đề xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững chắc hiện nay. 

1. Quá trình hoạt động và chức năng

Giai đoạn 1965 - 1968

Sau khi chiến lựợc “chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, ngụy quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Cùng với việc đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Mỹ đưa quân và chư hầu, cùng với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam hòng cứu vãn tình thế và giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất bằng chính lực lượng Mỹ. Ỷ vào ưu thế quân sự, Mỹ vừa mới nhảy vào miền Nam liền cho quân mở ngay cuộc hành quân “tìm diệt” đánh vào căn cứ quân giải phóng ở Vạn Tường (8/1965), sau đó tập trung đánh vào các địa bàn ở miền Nam, đặc biệt là địa bàn Đông Nam Bộ.

Tây Ninh nằm ở phía tây bắc Sài Gòn, nơi đóng căn cứ Trung ương Cục và các cơ quan lãnh đạo cách mạng miền Nam, địa bàn đứng chân và hoạt động của các sư đoàn chủ lực của quân giải phóng. Vì vậy Mỹ - ngụy coi Tây Ninh là một trong những trọng điểm tập trung đánh phá, Trảng Bàng nói chung và căn cứ Bời Lời nói riêng là trọng điểm càn quét và bình định, làm bàn đạp tiến đánh các khu căn cứ bắc Tây Ninh. Ý đồ của địch là phá thế căn cứ liên hoàn của vùng giáp ranh quận Trảng Bàng, Bến Cát, Củ Chi gắn liền với căn cứ lớn Dương Minh Châu. 

Cuối tháng 9/1965, địch đã cho hàng trăm lượt máy bay đến ném bom, pháo các nơi tập trung bắn phá vào các khu vực Bời Lời (Trảng Bàng), Dương Minh Châu, Trà Vông (Tân Biên), rừng Hòa Hội, Ninh Điền, Hảo Đước (Châu Thành), đồng thời chúng sử dụng nhiều đại đội Bảo an liên tiếp mở các cuộc hành quân… Tại Lộc Hưng, quân Mỹ và ngụy mở 2 trận càn nhỏ vào Bàu Mã và Lộc Thành (Du kích Lộc Hưng đã đánh tan 2 trận càn này). Sau đó, địch mở trận càn vào Lộc Thuận (Lộc Hưng) và Bời Lời (Đôn Thuận) trong suốt 10 ngày liên tục . Tháng 11/1965, Mỹ cho máy bay B52 thả 100 tấn bom để hủy diệt địa hình và lực lượng quân Giải phong ở Bời Lời. Tháng 12/1965, Sư đoàn 1, Sư đoàn 25 bộ binh và Lữ đoàn dù 173 của Mỹ đổ bộ lên khu “Tam giác sắt” , chuẩn bị đối đầu với quân chủ lực Giải phóng.

Về phía Quân giải phóng, trước những biến động lớn của chiến trường, được sự chỉ đạo của Thường vụ tỉnh ủy, ngày 01/8/1965, tại căn cứ Bời Lời, Ban cán sự của tỉnh đội đã tổ chức hội nghị mở rộng để quán triệt tinh thần Nghị quyết 11 Ban chấp hành Trung ương: Tích cực chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, đồng thời đánh giá tình hình tư tưởng và công tác chuẩn bị đánh Mỹ của lực lượng vũ trang tỉnh…

Tháng 12/1965, Quân ủy Trung ương điều vào chiến trường Nam Bộ các đơn vị chủ lực: Trung đoàn 52 (Sư đoàn 320), Trung đoàn 141, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312), Trung đoàn 84A pháo hỏa tiễn, Trung đoàn 101A và 4 tiểu đoàn súng cối 120mm, súng máy 12,8mm. Trung đoàn 101A đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 16 với nhiệm vụ nghi binh đóng tại Bời Lời . Trong năm 1965, Tiểu đoàn 14  của Tỉnh đội Tây Ninh từ 100 cán bộ, chiến sĩ được bổ sung thêm 700 quân, biên chế đủ các binh chủng pháo binh, đặc công, công binh, trinh sát và biệt động . Sau khi được tăng cường, tiểu đoàn tổ chức tấn công đồn Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu ngày nay), khiến địch đóng ở đây phải rút lui. Sau trận đánh, vùng căn cứ của quân Giải phóng liên thông từ Bời Lời lên Dương Minh Châu, tạo ra thế phòng thủ vững chắc cho chiến khu. Ngày 20/02/1966, Mỹ tiến hành mở cuộc càn Mastiff do Lữ đoàn 2 của Sư đoàn 1 (Sư đoàn Anh cả đỏ) đánh vào căn cứ Bời Lời, Bàu Đồn, Bà Nhã hòng phá vỡ vùng giáp ranh Trảng Bàng - Gò Dầu và bao vây căn cứ Dương Minh Châu từ phía Nam. Quân Mỹ đi đến đâu đều sa vào thế trận chiến tranh nhân dân với hầm chông, bãi trái dày đặc. Các đơn vị công binh, đặc công, trinh sát, đội bảo vệ căn cứ, chiến sĩ giao bưu của tỉnh dựa vào địa đạo Bời Lời và giao thông hào chiến đấu diệt hàng trăm tên Mỹ, giữ vững vùng căn cứ Bời Lời . Đến 27/02/1966, quân Mỹ buộc phải kết thúc cuộc càn, rút quân với thương vong nặng. 

Sang đầu năm 1967, Mỹ và quân đội Sài Gòn mở chiến dịch Cedar Falls đánh vào khu “Tam giác sắt” (Trảng Bàng - Củ Chi - Bến Cát) với lực lượng gồm: 6 lữ đoàn quân Mỹ của các Sư đoàn 1, 4, 25, Lữ đoàn không vận 173, 1 tiểu đoàn của quân đội Úc, 8 tiểu đoàn của quân đội Sài Gòn, 4 tiểu đoàn tăng, thiết giáp và hàng chục lượt máy bay B52 hỗ trợ với 30.000 quân (16.000 quân Mỹ), mục đích tìm và diệt Sư đoàn 9, Tiểu đoàn Phú Lợi (Tỉnh đội Bình Dương), Trung đoàn 272, Trung đoàn 2 và căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và mở rộng chiến dịch sang cả Phước Chỉ, đánh vào kênh Tư, rạch Dài. Lúc đầu, quân Giải phóng lúng túng nhưng sau đó đã kịp thời đánh trả quyết liệt. Các xã cánh Đông của huyện Trảng Bàng diệt được nhiều xe tăng. Ở các xã cánh Tây, địch càn vào được Phước Chỉ, đánh phá Kênh Tư, Rạch Dài .

Đầu tháng 01/1967, tại căn cứ Bời Lời, Ban Cán sự tỉnh đội tổ chức hội nghị quán triệt quyết tâm của Quân ủy - Bộ Chỉ huy Miền mở rộng đến cán bộ chính trị chủ chốt của các huyện đội, các đơn vị chủ lực tỉnh và cơ quan của tỉnh. Hội nghị một lần nữa thể hiện quyết tâm của Đảng bộ quân sự tỉnh: “Tập trung mọi nỗ lực cùng các lực lượng cấp trên đánh địch bảo vệ an toàn căn cứ đầu não kháng chiến, góp phần cùng lực lượng vũ trang toàn Miền bẻ gãy gọng kìm tìm diệt và gọng kìm bình định của địch, giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên chiến trường” .

Quán triệt tinh thần Hội nghị, tại Trảng Bàng đã bố trí các lực lượng huyện và xã đứng chân trên các vùng xung yếu thuộc vùng ven của An Tịnh, Lộc Hưng, Gia Lộc, dọc quốc lộ 1, lộ 19; đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích trong toàn huyện với phương châm nâng cao 4 phong trào (quân sự, chính trị, binh vận, sản xuất) và đẩy mạnh 3 mũi giáp công. Trên mặt trận đấu tranh quân sự và chống “bình định”, huyện Trảng Bàng giành được nhiều thắng lợi, là một trong những huyện đạt thành tích cao về tiêu diệt sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của địch. Trong năm 1967, quân dân Trảng Bàng đánh 227 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 1.729 tên, bắt 4 tên, phá hủy trên 100 xe quân sự, bắn rơi 5 máy bay, bắn hỏng 3 chiếc khác .

Phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng Trảng Bàng cũng phát triển trong mùa khô 1966 - 1967. Đấu tranh binh vận cũng được các cấp các ngành trong huyện quan tâm tổ chức. Nhìn chung, quân dân Trảng Bàng đã chiến đấu kiên cường, quyết liệt trong mùa khô 1966 - 1967, tạo được sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh du kích ngày càng lớn mạnh, góp phần đánh bại cuộc phản công mùa khô 1966 - 1967 của Mỹ - ngụy, phong trào và lực lượng đấu tranh của huyện vẫn vững vàng, căn cứ Bời Lời vẫn được bảo vệ an toàn.

Bước vào mùa xuân năm 1968, xuất phát từ nhận định so sánh lực lượng thay đổi có lợi cho ta sau hai mùa khô, ta chủ trương mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên toàn miền Nam. Mục tiêu của ta là tiến công chủ yếu vào các đô thị, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Mỹ, đánh sập ngụy quân, ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân, buộc Mỹ phải đàm phán để rút hết quân về nước. Trong thời gian diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Bời Lời không chỉ là nơi diễn ra các trận đánh ác liệt mà còn là điểm xuất phát của các sư đoàn, trung đoàn chủ lực và lực lượng biệt động thành Sài Gòn - Gia Định làm bàn đạp tiến đánh các căn cứ, mục tiêu chiến lược tại Sài Gòn. Quân dân Trảng Bàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, góp phần xứng đáng với quân dân Phân khu I  đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy, một lần nữa khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, đưa cuộc đấu tranh cách mạng của tỉnh nhà tiến lên một bước phát triển mới. 

Giai đoạn 1969 - 1972

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam đã làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, cộng với sức ép của dư luận quốc tế và nhân dân Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ở Paris. Nhưng với bản chất ngoan cố và xảo quyệt, đế quốc Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm chiếm giữ miền Nam Việt Nam. Tổng thống Mỹ Nixơn cho ra đời cái gọi là “học thuyết Nixơn”, bằng việc chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, thay đổi màu da trên xác chết… Để thực hiện âm mưu chiến lược trên, địch tập trung gần như toàn bộ lực lượng đánh phá các vùng ven đô thị, đẩy lực lượng của ta ra xa và chiếm được một số địa bàn xung yếu, gây nhiều khó khăn cho ta. Tại Trảng Bàng, sau đợt 3 tổng công kích năm 1968 của ta, địch tăng cường thêm sư đoàn 5 cùng với 1 đến 2 tiểu đoàn thiết giáp, tập trung các lực lượng đánh phá ác liệt. 

Đầu năm 1969, tiếp thu Nghị Quyết 4-1969 của Bộ Chính trị, Đảng bộ Trảng Bàng đã lãnh đạo quân dân toàn huyện đấu tranh quyết liệt với kẻ thù bằng 3 mũi giáp công, phát triển từng bước, từ ngăn chặn tiến đến đánh bại các thủ đoạn, các chiến dịch càn quét ủi phá phát hoang địa hình, đánh phá căn cứ lõm của du kích, bình định gom dân; đẩy lùi địch từng bước, bám trụ các địa bàn; đẩy mạnh và phát triển vững chắc phòng trào du kích chiến tranh khắp 3 vùng, nhất là vùng ven. Ở vùng tranh chấp, ta đánh và kềm chân địch tại chỗ, vận động thực hiện 3 bám (dân bám đất, cán bộ bám dân, du kích bám đánh địch hỗ trợ cho phong trào quần chúng). Một mặt ta đánh địch bung ra, kềm chân địch lại, mặt khác ta vận động quần chúng diệt ác, phá kềm giành quyền làm chủ vùng ven. Đẩy mạnh phong trào tự tạo trái và đánh địch bằng trái gài, xây dựng nhiều bãi trái vừa để bảo vệ ta vừa tiêu hao sinh lực địch.

Từ 12/02 đến 30/3 năm 1969, Trung ương Cục chủ trương mở tiếp tổng tiến công. Tại Phân khu I, trọng điểm tấn công tập trung ở Củ Chi, Đồng Dù. Trảng Bàng làm nhiệm vụ hỗ trợ đánh địch ở Hóc Nai, pháo kích vào chi khu Trảng Bàng. Các đội du kích tập trung vây ép, đột kích các cụm quân địch đóng ở Chà Rầy, Trảng Nhớt, Trảng Bò, Cây Cầy Vàng và Suối Lầy... gây cho địch nhiều khó khăn và tổn thất.

Thất bại trong “bình định cấp tốc”, đầu năm 1970 Mỹ - ngụy chuyển sang thực hiện “bình định đặc biệt”. Mỹ vẫn tiếp tục rút dần quân về nước, quyết tâm thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”, mở rộng chiến ra toàn Đông Dương. Tại Trảng Bàng, địch chuyển hướng sang đánh điểm, dùng “trực thăng vận” để hỗ trợ cho các cuộc càn “bình định đặc biệt”. Chiến sự thời gian này diễn ra ác liệt khắp nơi, nhưng nhờ giữ vững phong trào chiến tranh du kích, Huyện ủy và Huyện đội Trảng Bàng vẫn đứng chân vững tại các lõm căn cứ, bám sát và chỉ đạo phong trào ở các địa phương... Tình thế cách mạng trên đà phát triển toàn diện và vững chắc, rừng Bời Lời trở lại màu xanh, nhân dân lần lượt bung về ruộng vườn cũ. Các cơ quan huyện và cấp trên cùng về trú đóng để chỉ đạo phong trào. Các nẻo đường trên vùng căn cứ Bời Lời trở lại đường vận chuyển hành lang chiến lược. 

Thắng lợi liên tiếp trên khắp các chiến trường đã mở ra cục diện mới trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Tháng 3/1972, Trung ương Đảng và Trung ương Cục miền Nam đã chỉ thị cho toàn Miền mở cuộc tiến công chiến lược mang tên chiến dịch Nguyễn Huệ, mục tiêu là mở rộng vùng giải phóng trên địa bàn các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh làm nơi đóng trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, làm bàn đạp tiến đến Sài Gòn từ hướng Bắc và Tây Bắc. Tại Trảng Bàng, lực lượng huyện kết hợp với lực lượng trên, đánh địch 54 trận lớn nhỏ, diệt 595 tên, diệt gọn l đại đội, 17 trung đội, 50 tên ác ôn, giải tán 15 đội phòng vệ dân sự. Ta đã phá vỡ từng mảng tuyến phòng thủ bên trong của địch, làm thất bại một bước kế hoạch “bình định bổ túc” của chúng. Nổi bật nhất là các trận tập kích đồn An Hòa thu 100 súng, dùng mìn tự tạo đánh rã một trung đội Mỹ trong ấp chiến lược, phá hủy 7 xe tăng. Đồng bào An Tịnh, Gia Lộc kết hợp với du kích nổi dậy phá kềm giải tán 2 đội phòng vệ dân sự, thu hàng chục súng. Lực lượng huyện chặn đánh diệt gọn 1 đại đội địch ở Bàu Chèo (Gia Lộc). Trung đoàn 16 chặn đánh bọn bảo an đi càn vào Lộc Hưng diệt hàng trăm tên .

Gắn với đấu tranh vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị và binh vận cũng phát triển mạnh trong các tầng lớp nhân dân, trong công giáo và học sinh. Nhiều nơi đã tranh thủ được các binh lính ngụy, mở rộng mặt trận đấu tranh bằng nhiều hình thức phong phú, từ thấp đến cao, ngày càng quyết liệt...

Sự kiên trung, anh dũng của quân dân Trảng Bàng đã góp phần vào thắng lợi to lớn của quân dân ta ở miền Nam trong năm 1972, để cùng với chiến thắng oanh liệt của quân dân miền Bắc trong cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam ngày 27/01/1973. Từ đó, góp phần và sự nghiệp giải phóng hoàn toàn đất nước theo lời dạy của Bác Hồ: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

2. Đặc điểm và vai trò

Đặc điểm căn cứ địa Bời Lời

-  Phạm vi nhỏ nhưng án ngữ vị trí quan trọng trong hệ thống căn cứ địa của Tây Ninh và Sài Gòn – Gia Định

Trong thời kỳ chiến tranh giải phóng, trên chiến trường Nam Bộ có nhiều chiến khu rộng lớn, như chiến khu U Minh ở miền Tây, trên chiến trường Khu 7 (sau gọi là T1) có Chiến khu D, chiến khu Dương Minh Châu, chiến khu Bắc Tây Ninh… Còn căn cứ Bời Lời nằm giữa khu rừng già không lớn trên địa bàn xã Đôn Thuận (diện tích khoảng 58,58 km2) thuộc Thị xã Trảng Bàng, cách trung tâm Sài Gòn khoảng 80 km. Điều đó cho thấy, căn cứ Bời Lời nhỏ hơn chiến khu U Minh và các chiến khu khác rất nhiều. Tuy hẹp về địa lý song yếu tố con người, yếu tố về chính trị và tinh thần cách mạng của quân dân ở đây rất mạnh. Nói đến căn cứ Bời Lời, trước hết là nói đến tư tưởng “không sợ Mỹ”, “dám đánh và thắng Mỹ”. Nói đến căn cứ địa Bời Lời là nói đến tinh thần cách mạng tiến công luôn luôn “tìm Mỹ mà đánh, lùng ngụy mà diệt”. 

Chỗ hiểm yếu, nơi đắc địa của căn cứ Bời Lời là có được sự kết nối liên hoàn với những vùng giải phóng trong các huyện Trảng Bàng và Châu Thành tỉnh Tây Ninh, với quần thể căn cứ các cơ quan lãnh đạo đầu não của Trung ương Cục miền Nam ở chiến khu Bắc Tây Ninh và vùng ven lộ 20. Bời Lời có vị trí quan trọng trên đường hành lang chiến lược nối Trung ương Cục với khu Sài Gòn - Gia Định. Căn cứ Bời Lời còn có vị thế liên thông với chiến khu Trà Vông - Dương Minh Châu gồm vùng bán sơn địa giáp sông Sài Gòn bên hữu ngạn, tiếp nối lên phía Bắc giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, hoặc sang bên kia sông Sài Gòn giáp với chiến khu Bến Cát trong vùng Tam giác sắt. Với vị trí đó, căn cứ Bời Lời có được sự kết nối liên hoàn với những vùng giải phóng, với các cơ quan lãnh đạo đầu não của kháng chiến. Chính vì thế, Bời Lời là cửa ngõ vào căn cứ Dương Minh Châu - Bắc Tây Ninh, là đường dây giao bưu từ miền Tây, miền Trung Nam Bộ, từ nội thành Sài Gòn - Gia Định ra, muốn vào làm việc với Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền phải đi qua và dừng chân lại nơi đây. Mỹ - ngụy muốn tiến đánh được cơ quan đầu não, muốn tiến công vào trung tâm căn cứ Dương Minh Châu - Bắc Tây Ninh phải bằng mọi giá triệt tiêu, “bình định” cho được Bời Lời.

- Có nguồn hậu cần tại chỗ, đảm bảo được tự cung tự cấp cho các lực lượng kháng chiến trong căn cứ địa

Với địa thế rừng rậm, Bời Lời không chỉ là căn cứ địa vững chắc, mà còn là nơi có nhiều đặc sản giúp cán bộ chiến sĩ cách mạng cải thiện bữa ăn hằng ngày. Theo ông Lê Nguyên trong cuốn Hồi ký lực lượng võ trang Trảng Bàng 9 năm chống Pháp: “rừng Bời Lời có rất nhiều đặc sản, những sản vật này giúp cải thiện nhiều cho sự thiếu thốn dinh dưỡng của anh em ta… Ngoài ra, các thú hoang dã còn rất nhiều như heo rừng, nai, mễn, kỳ đà, chồn, cheo, nhím, trút…, nguồn chất đạm này góp phần không nhỏ cải thiện bữa ăn cho đời lính mỗi tháng cũng được đôi ba lần...” .

Căn cứ Bời Lời không những phát huy hiệu quả cao trong lĩnh vực đấu tranh vũ trang, mà còn là cơ sở hậu cần, là hậu phương kháng chiến vững chắc. Nằm trên vùng đất ven sông Sài Gòn và các rạch phụ lưu của con sông này, Bời Lời là vùng đất tương đối bằng phẳng với dạng địa hình thấp, phù hợp với nhiều loại cây trồng như lúa, mía, mỳ và những loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cao su, đậu phộng, tiêu, điều, hoa màu các loại và những nguồn lợi không nhỏ về lâm sản. Đặc điểm này tạo điều kiện thuận lợi cho việc Bời Lời hình thành vùng giải phóng, xây dựng chiến tranh nhân dân tại chỗ và làm hậu phương kháng chiến tại chỗ.

- Hệ thống công sự có cấu trúc tương đối hoàn chỉnh và đa dạng, địa hình thuận lợi cho hành động bám trụ chiến đấu bảo vệ căn cứ địa

Ở Bời Lời, dù diện tích không được tính là rộng, nhưng khu trung tâm Bời Lời có tới hàng trăm căn cứ lớn nhỏ của Miền xuống huyện phân khu (kể cả căn cứ hành lang và bàn đạp), vươn ra tới gần sát vùng dân cư bao quanh căn cứ. Trong căn cứ, hệ thống công sự được cấu trúc vững chắc và khá hoàn chỉnh, đa dạng... 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân Trảng Bàng đã xây dựng căn cứ Bời Lời với hệ thống công sự tương đối hoàn chỉnh và đa dạng. Bên cạnh những căn cứ, tổ chức đã tồn tại kể từ thời kháng chiến chống Pháp xâm lược, đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, căn cứ Bời Lời lần lượt có thêm căn cứ cơ quan lãnh đạo của Khu ủy và Quân khu Sài Gòn - Gia Định ở khu trung tâm. Vòng ngoài có các cơ quan quân nhu, quân y, trạm xá và một số cơ quan, đơn vị của huyện Trảng Bàng. Căn cứ Bời Lời cấu trúc tương đối hoàn chỉnh, có cả nhà làm việc, học tập, công sự, chiến hào... Các căn cứ trung tâm chủ yếu ở các khu vực Mít Nài, Mang Chà, Suối Lội, Bàu Ngông, Sóc Lào, cầu Cây Cám... Các hầm tránh bom pháo được đào đắp vững chắc công phu, có khả năng chống được pháo và xe tăng địch. Các hầm nghỉ được đào cách xa nhau để tránh bớt sát thương do phi pháo. Các căn cứ quân y, ngoài hệ thống hầm nghỉ, hầm phẫu thuật... còn có hệ thống địa đạo để ém thương binh khi địch càn phá, không kịp chuyển thương binh về tuyến sau. Các đơn vị, ngoài căn cứ cơ bản còn có nhiều căn cứ dự bị để di chuyển khi cần thiết.

Vai trò căn cứ địa Bời Lời

- Nơi đứng chân và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan và lực lượng vũ trang kháng chiến

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp,trước khi xây dựng căn cứ Trà Vông (năm 1948), Bời Lời là căn cứ của Tỉnh ủy, Chi đội 11, Trung đoàn 311 và Tỉnh đội Tây Ninh. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tinh ủy và Ban chỉ huy Tinh đội Tây Ninh tiếp tục chọn Bời Lời làm căn cứ để lãnh đạo nhân dân và chỉ huy lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam ở Tây Ninh. Mỹ - ngụy muốn “tiếp cận” cơ quan đầu não, muốn tiến công vào “trung tâm”, chúng phải triệt tiêu sức đề kháng của quân dân Tây Ninh và bình định “mật khu” Bời Lời bằng mọi giá. Chính vì thế, nơi đây thường xuyên là trọng điểm đánh phá của Mỹ - ngụy.

Vị trí chiến lược quan trọng tạo cho căn cứ Bời Lời có những yếu tố rất lý tưởng để xây dựng căn cứ đứng chân của một số cơ quan kháng chiến. Ngoài các cơ quan của Tỉnh ủy, Tỉnh đội Tây Ninh, vùng trung tâm căn cứ còn là nơi trú đóng của một số cơ quan lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định cũng như một số đơn vị của Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền. Nhờ đó, các cơ quan cấp trên kịp thời nắm bắt được tình hình cụ thể của phong trào đấu tranh ở địa phương, tạo thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động phối hợp giữa phong trào cách mạng ở Bời Lời với các địa phương khác. Bên cạnh vai trò là địa bàn đứng chân của một số cơ quan kháng chiến, Bời Lời còn là nơi diễn ra các hội nghị quan trọng của các cơ quan lãnh đạo, để từ đó đưa ra các chỉ đạo cho phong trào cách mạng.

Đầu năm 1967, tại Bời Lời, Ban cán sự Tỉnh đội Tây Ninh tổ chức hội nghị quán triệt quyết tâm của Bộ chỉ huy Miền về tư tưởng chỉ đạo tác chiến chống cuộc phản công mùa khô 1966 - 1967 của Mỹ - ngụy. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng của lực lượng vũ trang Tây Ninh trong thời điểm khẩn trương, quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thể hiện quyết tâm: “Tập trung mọi nỗ lực cùng các lực lượng cấp trên đánh địch bảo vệ an toàn căn cứ đầu não kháng chiến, góp phần cùng lực lượng vũ trang toàn Miền bẻ gãy gọng kìm tìm diệt và gọng kìm bình định của địch, giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên chiến trường” .

Trong hai ngày 25 và 26/12/1971, Ban cán sự, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Tây Ninh tổ chức “Hội nghị Tổng kết phong trào du kích chiến tranh lần thứ ba” tại Bời Lời để kiểm tra, đánh giá phong trào chiến tranh du kích trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở tình hình thực tế, Hội nghị đề ra biện pháp cụ thể nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh ba mũi trên địa bàn tỉnh. 

- Là hậu phương tại chỗ, nơi nuôi dưỡng và tập kết lực lượng, hậu cần

Nằm trong vùng “Tam giác sắt” căn cứ Bời Lời nối với Củ Chi và căn cứ Long Nguyên, tây nam Bến Cát (Bình Dương), tạo thành đầu mối quan trọng để tập kết lực lượng, hậu cần và vũ khí trước khi vào nội thành. Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bời Lời đã trở thành chiếc nôi nuôi dưỡng lực lượng cách mạng, đồng thời là địa bàn đứng chân và bàn đạp tiến công của Quân giải phóng miền Nam vào trung tâm đầu não chính quyền Sài Gòn.

Tại Bời Lời, từ năm 1963, Đoàn 83 Hậu cần Miền tổ chức một bộ phận đứng chân gồm các đội điều trị phẫu thuật, vận tải... làm nhiệm vụ trung chuyển nguồn hậu cần thiết yếu cho các căn cứ kháng chiến, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang tác chiến trên địa bàn Tây Ninh trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ngoài ra, đứng chân tại Bời Lời là Tiểu đoàn 14 bộ đội địa phương Tây Ninh vừa làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ căn cứ, vừa xây dựng, phát triển lực lượng, mở rộng vùng giải phóng, hỗ trợ cho du kích và nhân dân địa phương đánh phá giao thông, phá ấp chiến lược, tạo thuận lợi cho chủ lực Miền thực hiện các trận đánh tiêu diệt lớn lực lượng quân Mỹ và quân đội Sài Gòn.

- Nơi bày thế trận tiêu diệt địch tại chỗ và là bàn đạp cho lực lượng vũ trang tiến công địch ngoài căn cứ

Mùa khô 1965 - 1966, Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân Mastiff (tháng 02/1966), đánh vào trung tâm căn cứ Bời Lời nhằm phá thế liên hoàn vùng giáp ranh ba huyện Trảng Bàng - Gò Dầu - Dương Minh Châu. Quân và dân Bời Lời dựa vào hệ thống hầm hào, triển khai thế trận chiến tranh du kích, bám trụ trận địa chiến đấu, đẩy lùi từng đợt tiến công của địch, đánh thiệt hại nặng một đại đội quân Mỹ, buộc chúng phải chấm dứt cuộc hành quân, góp phần làm thất bại kế hoạch “tìm diệt”, “bình định” của địch, bảo vệ vững chắc hệ thống căn cứ địa.. 

Tháng 11/1966, lần đầu tiên ở Tây Ninh, Mỹ sử dụng máy bay B52 ném bom rải thảm xuống căn cứ Bời Lời, chiến khu Dương Minh Châu. Đối phó với địch, quân và dân Bời Lời phát huy thế trận liên hoàn của các căn cứ trên địa bàn, tích cực đánh giặc, diệt ác, phá kìm, đánh phá kho tàng, hậu cần của địch, buộc chúng phân tán lực lượng đối phó, góp phần cùng quân và dân miền Đông Nam Bộ làm thất bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của Mỹ - ngụy.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968), căn cứ Bời Lời là nơi tập kết các đơn vị của Sư đoàn 9, Trung đoàn 16, Trung đoàn 88 của Miền, sau đó hành quân cấp tốc đánh chiếm một số mục tiêu ở phía tây bắc thành phố Sài Gòn, góp phần làm nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân lịch sử, tạo bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. 

Sau tết Mậu Thân 1968, một bộ phận Đoàn 170 bảo vệ Bộ Chỉ huy Miền đã về đứng chân trên cửa ngõ tây bắc Sài Gòn và lấy Bời Lời làm căn cứ cơ bản. Tại đây, Trung đoàn 268 được thành lập, có nhiệm vụ chiến đấu giữ vững vùng trung tuyến Củ Chi - Tràng Bàng, làm cầu nối cho các lực lượng tiến công vào trung tâm đầu não chính quyền địch. Ngoài ra, bên cạnh các căn cứ lớn của Trung đoàn bộ 268, Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, Đoàn 83 hậu cần Miền... ta còn lập nhiều căn cứ từ rừng Bời Lời đến các cơ sở trong vùng dân cư, trực tiếp phục vụ bộ đội chiến đấu; xây dựng nhiều kho tàng cất giấu lương thực, thực phẩm, vũ khí chuẩn bị cho lâu dài. 

Mặt khác, với việc hình thành cách không xa Sài Gòn - tổng hành dinh của quân đội viễn chinh xâm lược và thủ đô của chế độ ngụy quyền, căn cứ Bời Lời tạo điều kiện thuận lợi cho quân kháng chiến nhạy cảm với mọi diễn biến ở Sài Gòn, kịp thời nắm bắt mọi thay đổi trong đời sống chính trị, kinh tế và âm mưu thủ đoạn của kẻ thù.

- Là biểu tượng kháng chiến của nhân dân Trảng Bàng - Tây Ninh trong chiến tranh giải phóng

Với vị trí chiên lược quan trọng, Mỹ - ngụy thường xuyên tăng cường lực lượng, phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại đánh phá căn cứ Bời Lời; đồng thời kết hợp thực hiện bắt lính, đôn quân, gom dân vào ấp chiến lược. Dù vậy, vượt lên tất cả, quân và dân Bời Lời vẫn kiên trì bám trụ, ra sức thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng và củng cố căn cứ địa cách mạng. 

Với tất cả hoạt động của mình, căn cứ địa Bời Lời đã giữ một vai trò quan trọng, góp phần cùng quân dân Tây Ninh và cả nước chiến thắng kẻ thù xâm lược. Có thể nói rằng căn cứ địa Bời Lời được xây dựng và đọc như một xã hội của chế độ mới thu nhỏ, một biểu tượng của cuộc kháng chiến, nơi hướng về, hy vọng và khích lệ tinh thần kháng chiến của quân và dân Tây Ninh cùng các vùng lân cận .

3. Một số bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, cần vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng trong đấu tranh cách mạng. Trong hoàn cảnh phải đối mặt với kẻ thù xâm lược với lực lượng lớn hơn mình gấp nhiều lần, được trang bị đầy đủ phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại với đầy đủ hỏa lực, máy bay, xe tăng, ..., vấn đề xây dựng căn cứ địa, xây dựng hậu phương trực tiếp tại chỗ phải luôn được đặt ra ngay từ khi chuẩn bị và trong suốt quá trình tiến hành chiến tranh giải phóng. Quá trình xây dựng căn cứ, trước hết phải xác định: đây là những khu vực có địa hình, địa thế thuận lợi cho việc phòng thủ và tổ chức tiến công, có khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ, có Đảng vững mạnh và cơ sở quần chúng rộng rãi, vững chắc, có lòng dân giác ngộ cách mạng cao độ, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ ... 

Thứ hai, căn cứ địa được xây dựng phải là căn cứ địa của lòng dân, củng cố được “thế trận lòng dân”. Quá trình xây dựng căn cứ địa luôn phải dựa vào sức mạnh cách mạng ở cả ba vùng: rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; huy động sức mạnh toàn dân, dựa vào dân, dựa vào dân, dùng sức dân để xây dựng và bảo vệ căn cứ địa, phải tăng cường củng cố “thế trận lòng dân”. Sức mạnh của căn cứ địa và hậu phương tại chỗ trước hết bắt nguồn từ lòng dân, từ sự ủng hộ nhiệt tình của mọi tầng lớp đồng bào đối với cách mạng.

Thứ ba, kết hợp xây dựng gắn với bảo vệ căn cứ địa. Đây là hai nhiệm vụ luôn gắn bó hữu cơ, liên kết biện chứng, không thể tách rời. Trong suốt quá trình chiến đấu chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975), quân và dân Trảng Bàng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành luôn ra sức củng cố, xây dựng căn cứ Bời Lời trên tất cả các mặt chính trị, quân sự đến kinh tế, văn hóa, xã hội dưới sự bao vây, càn quét, đánh phá của kẻ thù. Tuy nhiên, căn cứ sẽ không thể tồn tại và phát triển nếu không tổ chức tốt công tác bảo vệ.

Bốn là, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh để bảo vệ căn cứ và tiêu diệt địch. Trong xây dựng căn cứ địa, việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân vững mạnh là nhân tố quan trọng, đủ sức đánh bại mọi cuộc hành quân càn quét của địch; đồng thời là điểm xuất phát để các lực lượng vũ trang mở các đợt tiến công tiêu diệt kẻ thù. Tại căn cứ địa Bời Lời, từ các chi đội ban đầu còn nhỏ yếu, trải qua quá trình chiến đấu đã xây dựng thành các tiểu đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn chủ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cũng như tiến công tiêu diệt địch… Có thể nói, việc xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, trong đó lấy bộ đội chủ lực làm nòng cốt là một trong những nguyên nhân chủ yếu để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Thứ năm, xây dựng căn cứ địa phải được tiến hành một cách toàn diện cả về chính trị, quân sự và kinh tế, văn hóa, xã hội. Mỗi căn cứ địa đồng thời là trung tâm chính trị, văn hóa của địa phương, là căn cứ quân sự, hậu phương tại chỗ bảo đảm cung cấp tiềm lực chiến tranh, phát huy sức mạnh sẵn có để đánh thắng kẻ thù.

Tại căn cứ Bời Lời, trong mưa bom, bão đạn của cuộc chiến tranh giải phóng, nhưng việc tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân nâng cao lòng yêu nước và ý chí quyết chiến quyết thắng được chú trọng, đời sống tinh thần trong căn cứ được chú trọng và đảm bảo. Dù chiến trường ác liệt nhưng ở căn cứ Bời Lời vẫn diễn ra những buổi biểu diễn văn nghệ, chiếu phim, thỉnh thoảng vẫn có những em bé chào đời, vẫn có những tác phẩm văn học, nghệ thuật, kịch nói, cải lương được sáng tác… Sức sống mãnh liệt ấy không chỉ tạo nên nội lực cho chính căn cứ mà còn tạo nên thế và lực cho toàn vùng; đặc biệt là tạo niềm tin cho nhân dân với các cơ quan lãnh đạo và lực lượng vũ trang; tạo nên sức mạnh toàn thắng của cuộc kháng chiến. 

Thứ sáu, không xây dựng căn cứ tồn tại biệt lập mà phải luôn nằm trong hệ thống liên hoàn với các căn cứ khác và các địa bàn chiến lược xung quanh. 30 năm chiến tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam (1945 – 1975) đã chứng minh căn cứ địa là một mắt xích trong mạng lưới các căn cứ địa liên kết, đan xen. Trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, mỗi căn cứ có vị trí, tầm quan trọng chiến lược, có thế mạnh, hạn chế khác nhau tùy theo điều kiện tự nhiên, xã hội và “khả năng tại chỗ”, không thể “tự mình” xây dựng, bảo vệ và phát huy tác dụng riêng biệt, độc lập. Căn cứ Bời Lời cùng với Chiến khu Đ, Chiến khu Trà Vông - Dương Minh Châu, Củ Chi, Chiến khu Bến Cát ... tạo thành chuỗi căn cứ cách mạng kháng chiến liên hoàn, là nơi tập kết an toàn của lực lượng vũ trang và các ban, ngành; nơi các cơ quan kháng chiến đứng chân và chỉ đạo cách mạng. Ở chiến trường Đông Nam Bộ, trong điều kiện các căn cứ địa tồn tại tương đối độc lập về địa hình, lại bị địch liên tục phong tỏa chia cắt, vì vậy sự liên kết này càng có ý nghĩa. 

Thứ bảy, nhân tố cơ bản giành thắng lợi trong chiến đấu là xây dựng căn cứ địa phải gắn với ý chí cao, quyết tâm chiến đấu cao, khắc phục mọi khó khăn, kiên trì bám trụ. Khi đối mặt với kẻ thù có sức mạnh quân sự lớn hơn gấp nhiều lần, muốn chiến thắng, rõ ràng nhân tố con người, nhất là ý chí, quyết tâm có vai trò quyết định đối với hiệu quả chiến đấu. Điều đó được kiểm nghiệm và khẳng định trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Cùng với việc xây dựng lòng tin, ý chí, quyết tâm chiến đấu, người chiến sĩ còn phải nắm rõ âm mưu, thủ đoạn, vũ khí của địch, nắm chắc ưu điểm, khuyết điểm để hạn chế những ưu thế của kẻ thù.

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới trên tất cả các lĩnh vực. Thời cơ mới mở ra với những cơ hội, thuận lợi nhưng bên cạnh đó cũng tiềm ẩn những nguy cơ, thách thức. Các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng, chống phá chủ nghĩa xã hội bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn khác nhau. Với vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế và quốc phòng - an ninh của miền biên viễn, lại nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước, Tây Ninh là trọng điểm để các thế lực thù địch, chống phá cách mạng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”. Vì vậy, vấn đề vận dụng kinh nghiệm xây dựng hệ thống căn cứ trên chiến trường miền Đông Nam Bộ nói chung và căn cứ Bời Lời nói riêng trong chiến tranh giải phóng vào xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) luôn mang tính thời sự sâu sắc, đặc biệt vấn đề củng cố “thế trận lòng dân” làm nền tảng vững chắc là khâu then chốt, đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Chiến tranh giải phóng đã lùi xa gần 50 năm, nhưng hình ảnh của một căn cứ Bời Lời huyền thoại trở thành biểu tượng hùng hồn cho tinh thần đấu tranh bất khuất của quân và dân Tây Ninh trong chiến tranh giải phóng, góp phần tô điểm 6 chữ vàng “Tây Ninh trung dũng kiên cường”. Trước sự đánh phá khốc liệt của kẻ thù, Bời Lời vẫn vững vàng, hiên ngang, án ngữ lối vào chiến khu Dương Minh Châu, trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Tây Ninh. Dưới làn mưa bom của kẻ thù, rừng Bời Lời vẫn đâm chồi nảy lộc, quân dân Trảng Bàng vẫn tiếp tục nổ súng tấn công. Chiến khu Bời Lời đã bao lần là mồ chôn kẻ thù. Rừng Bời Lời vẫn giữ vẹn màu xanh, hoa lá vẫy chào đoàn quân chiến thắng với niềm tự hào “rừng lịch sử Bời Lời muôn đời bất diệt”.

Nguyễn Xuân Thắng


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24437271