Lịch sử Việt Nam

ĐIỀN CHỦ Ở NAM KỲ THỜI THUỘC PHÁP

  • Dương Văn Triêm
  • 04/07/2023

“Điền chủ” hay “địa chủ”? Theo “Hán Việt từ điển giản yếu” của Đào Duy Anh, về mặt chữ Hán cách viết 2 từ này có chút khác nhau:

- Địa chủ (地 主): người chủ có đất;

- Điền chủ (田 主): người chủ có đất ruộng, trong tiếng Pháp 2 từ này đều gọi chung “propriétaire foncier”.

Hai từ tuy có nghĩa tương đồng nhưng thực tế cách dùng mỗi từ lại mang một quan điểm rất khác nhau. Nhưng trong bài viết này, tác giả không tập trung làm rõ sự khác nhau đó.

Bài viết dùng từ “điền chủ”, nghĩa là nhằm giới hạn đối tượng tiếp cận nghiên cứu là những chủ ruộng lúa để phân biệt với những loại chủ khác. Và hơn nữa từ “điền chủ” cũng được dùng khá phổ biến trong các tài liệu thành văn thời thuộc Pháp. 

1. Nguồn gốc của điền chủ

Nguồn gốc hình thành và phát triển của tầng lớp điền chủ ở Nam kỳ thời thuộc Pháp có những đặc điểm sau:

Được hình thành từ tầng lớp điền chủ cũ ở những giai đoạn lịch sử trước đó. Tiếp theo là từ chính sách “đặc nhượng công sản” của chính quyền thuộc địa. Và sau cùng là hình thành từ “đất biệt chủ”; hiện tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể tầng lớp điền chủ hình thành từ dạng này nhưng đây cũng là một đặc trưng.

1.1. Tầng lớp điền chủ cũ

Dưới thời Nguyễn mặc dù việc lập làng có những trở ngại riêng, thủ tục có thể kéo dài, phức tạp. Nhưng thực tế, có một số người nghèo, phiêu tán vay nợ, đút lót quan trên để xin lập làng, người đứng đơn xin hiển nhiên trở thành điền chủ. Ranh giới giữa bần nông và điền chủ là khá mong manh.

Khi Pháp chiếm các tỉnh Nam kỳ, tầng lớp điền chủ cũ có sự xáo trộn hoặc trốn sang các vùng còn triều đình kiểm soát hay rút vào hoạt động bí mật kháng chiến.

Theo quyết định của Duperré, ký ngày 20 tháng 5 năm 1875, làng nào “làm loạn” hoặc “đồng lõa” với lực lượng kháng chiến sẽ bị xóa tên hoặc sáp nhập vào làng lân cận, đồng thời tài sản của hương chức làng sẽ bị tịch thu, hương chức bị lưu đài.

Ngoài trường hợp trên những điền chủ còn ở lại, được chính quyền bảo lưu quyền tư hữu. Đất được đưa vào địa bộ năm 1836 vẫn được thừa nhận quyền sở hữu. Nếu người đứng tên địa bộ qua đời thì được truyền cho người kế nghiệp. Các hình thức thừa tự ruộng đất khác cũng được tồn tại và công nhận: đất tương phân, đất hương hỏa…

Hai tờ tương phân viết tay ở Long Xuyên năm 1919

Do có điều kiện thuận lợi cù lao Giêng (nay thuộc huyện Chợ Mới, An Giang), trở thành một trong những nơi được người Việt khai phá sớm ở Nam kỳ. Khi người Pháp đến nơi đây đã xuất hiện nhiều dòng họ điền chủ lớn đã thành danh:

- Điền chủ Nguyễn Gia Lạc (1884 –1973), người ủng hộ Ung Văn Khiêm 100 đồng Đông Dương, xuất dương hoạt động cách mạng;

- Điền chủ Phaolo Trần Thanh Kiều (1880 – 1937), người theo công giáo.

 

Ảnh trái: điền chủ Nguyễn Gia Lạc (1884-1973) (người đứng)

Trải qua thăng trầm, biến cố mà hậu duệ còn lại không nhiều, chỉ nằm rải rác một vài nơi nhưng lớp điền chủ cũ vẫn tiếp tục phát triển ở giai đoạn thuộc Pháp. Và nay (2022) tuy không còn sở hữu diện tích ruộng đất lớn nữa và hoạt động sinh kế bằng nhiều nghề khác nhau. Nhưng những hậu duệ này minh chứng cho quá trình phát triển liên tục của các điền chủ nơi đây.

1.2. Tầng lớp điền chủ mới

Tầng lớp điền chủ mới ra đời từ chính sách “đặc nhượng công sản” của chính quyền thuộc địa. Hiện tại chưa rõ người Pháp bắt đầu tiến hành đặc nhượng từ khi nào nhưng có lẽ được tiến hành khá sớm, ngay từ những ngày đầu đến Nam kỳ.

Sau đó khi chuyển từ chính quyền quân sự sang dân sự, vẫn tiếp tục nhượng công sản và việc này dần dần đi vào nề nếp trở thành chính sách căn bản của chính quyền trong vấn đề khai thác thuộc địa.

Nghị định ngày 11 tháng 11 năm 1878 gồm 10 điều, của Thống đốc Nam kỳ J. Lafont ký ban hành , cho phép khẩn hoang ruộng đất công ngoài châu thành, được miễn phí 4 năm đầu sau đó thì phải nộp 10 đồng franc/ha. Ở mỗi hạt tham biện, quan chánh tham biện được quyền cấp phép cho khẩn. 

Điều 1: “Cho phép mọi cá nhân (particuliers) được khẩn hoang đất công ngoại châu thành trên toàn cõi” . Nghị định dùng từ “cá nhân” có nghĩa là tất cả mọi người đều có quyền xin khẩn chứ không bắt buộc phải là dân đinh như những giai đoạn trước.

Điều 8 của nghị định cho phép truyền tự, thừa kế ruộng đất khẩn hoang. Điều này là điểm khác biệt rõ so với qui định về cách thức khẩn hoang đồn điền thời Nguyễn.

Đây được xem là một trong những nghị định đầu tiên về đặc nhượng ruộng đất công của người Pháp giai đoạn chính quyền dân sự, mở ra thời kỳ mới về sự phát triển tầng lớp điền chủ.

Ở hạt tham biện Sa Đéc (hồ sơ số n0 8, phòng 4), chính quyền cấp nhượng ruộng đất cho những người thường trú tại Sa Đéc, đã có thời gian dài định cư và khai thác.

 

Tất cả đơn yêu cầu cấp nhượng ngoại trừ Lý Ngọc Sơn, đều là đất đã canh tác, phải nộp thuế ruộng đất kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1896. 

Ngoài người Việt, người Hoa còn có người Khmer cũng được cấp nhượng (được người Pháp gọi chung là người bổn xứ), trong Nghị định ngày 17 tháng 7 năm 1896, cấp cho 52 trường ở làng Đôn Hậu, tổng Ngãi Hòa Trung (Trà Vinh): Thạch Som (10 mẩu. 40 cao), Sơn Cam (22 mẩu), Kim Mui (39 mẩu. 40 cao), Kiên Khem (50 mẩu. 70 cao)…

Việc cấp nhượng không dừng lại ở vài chục mẩu mà có thể lên con số hàng ngàn mẩu. Nghị định ngày 5 tháng 8 năm 1902 của Toàn quyền (tạm quyền) Broni cấp cho Huỳnh Thiện Thông 942 mẩu. 81 sào. 60 thước ở làng Long Phú, tổng Thanh Giang (Rạch Giá), do Huỳnh Thiện Kế nhượng khẩn lại. Trong nghị định không nói rõ nguyên nhân nhượng khẩn lại là gì, nhưng có lẽ đây là trường hợp thừa kế.

Chính quyền thuộc địa sử dụng công cụ quản lý nhà nước một cách có hiệu quả phá vỡ những nguyên tắc truyền thống, thương mại hóa tất cả các hình thức sở hữu ruộng đất khác. Trong các hình thức sở hữu, đất công làng xã bị can thiệp khá mạnh gần như bị xóa bỏ hoàn toàn. Tạo điều kiện hình thành thêm tầng lớp tư chủ mới và đưa tầng lớp tư chủ cũ có quá trình tích tụ ruộng đất phát triển lên đỉnh cao thành đại điền chủ.

1.3. Đất biệt chủ

Đối với trường hợp đất biệt chủ triều đình nhà Nguyễn giải quyết có sự khác nhau theo từng thời điểm. Nhưng về cơ bản đất biệt chủ được bảo lưu, chỉ được giao cho người khác canh tác tạm thời và khi chủ cũ trở về sẽ được trả lại.

Sang thời thuộc Pháp chính quyền có cách giải quyết tương tự. Không hủy tên trong địa bộ đối với điền chủ bỏ xứ, bỏ làng, có khi chết hoặc không có con cháu thừa kế. Quan chủ tỉnh mới có quyền cho phép thuê mướn đất biệt chủ, nộp thuế cho làng. Trong hạn 30 năm, nếu biệt chủ không trở về hoặc không có người kế nghiệp thì đất ấy thuộc về nhà nước.

Làng muốn sở hữu phần đất biệt chủ, phải làm đơn xin gửi đến Tòa bố và Tòa án mới có thẩm quyền kết luận là cho hay không cho sở hữu.

Nếu điền chủ không con cháu thừa tự nhưng có di chúc cho tặng thì sẽ thực hiện theo nội dung di chúc.

Ngày 1 tháng 7 năm 1900, quan Tham biện Tân An Lagrange thông tin công khai trên Gia Định báo, điền chủ Nguyễn Mai Điều di chúc cho Hội giảng đạo tại Nam kỳ một số tài sản và khoảng hơn 78 mẩu đất ở các làng Nhơn Nhượng, Bình Quản, Thủy Đông và Hòa Điều. 

Như vậy thời Nguyễn và thời Pháp thuộc đều có điểm chung là bảo lưu quyền tư hữu của đất biệt chủ. Nhưng có điểm khác biệt, thời thuộc Pháp cách thức giải quyết ruộng đất của điền chủ lưu tán được nâng lên thành luật và có phân cấp quản lý.

2. Phân loại các điền chủ

Có nhiều cách để phân loại giữa các nhóm điền chủ khác nhau sau đây:

- Dựa vào địa bàn canh tác, phân thành điền chủ “phân canh, phụ canh”;

- Dựa vào diện tích sở hữu, phân thành “tiểu, trung và đại điền chủ”;

- Dựa vào thành phần dân cư, phân thành điền chủ “người Việt, người Pháp…”; 

- Dựa vào hình thức sở hữu, phân thành “đơn chủ, đa chủ”;

- Và dựa vào phương thức hoạt động thì có “điền hãng”.

2.1. Điền chủ phụ canh, phân canh

Trong Annuaire complet (1933 – 1934), thống kê phân điền chủ thành “riziculteurs” và “riziculteurs indigènes”. Chúng tôi tạm sử dụng từ “phụ canh” hay “điền chủ phụ canh” để dịch “riziculteurs” và dùng từ “phân canh” hay “điền chủ phân canh” để dịch “riziculteurs indigènes”. Cách dịch này là dựa vào khái niệm đã có trước đó được đề cập trong “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn” của Nguyễn Đình Đầu. Từ “phân canh” (分 耕) là ruộng sở hữu của người trong làng - người bản xứ và “phụ canh” (附 耕) là ruộng sở hữu của người ngoài làng - không phải người bổn xứ. 

 

Các tỉnh có điền chủ trồng lúa: Bạc Liêu, Bến Tre, Biên Hòa, Cần Thơ, Châu Đốc, Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Hà Tiên, Long Xuyên, Mỹ Tho, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Tân An, Trà Vinh, Vĩnh Long. Tỉnh không có điền chủ: Bà Rịa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một. 

Như vậy 3 tỉnh không có thống kê điền chủ đều nằm ở Đông Nam kỳ, nói như thế không có nghĩa là 3 tỉnh này hoàn toàn không có trồng lúa, nhưng cách thống kê này có lẽ chỉ những điền chủ có diện tích canh tác lớn từ mấy trăm mẩu trở lên.

2.2. Tiểu, trung và đại điền chủ

Tiểu điền chủ (petits propriétaires) 

Có diện tích sở hữu ruộng đất từ 0 đến 5 ha, ở các tỉnh cũ điền chủ nhỏ chiếm đa số. Trong những tỉnh này, số lượng sở hữu từ dưới 5 ha và đến 50 chiếm khoảng 80% tổng số điền chủ. Những điền chủ nhỏ này không có đủ đất để canh tác và phải lĩnh canh thêm ruộng đất. 

Sở hữu ít nông cụ và vật kéo, hoạt động còn bấp bênh. Tuy nhiên, ở một số tỉnh: Chợ Lớn, Tân An… do có vốn nên cơ bản các điền chủ nhỏ có điều kiện tốt hơn. Những điền chủ nhỏ cũng rơi vào tình cảnh như tá điền: vốn luôn là vấn đề chính của các điền chủ nhỏ, họ cần tiền để nộp thuế, làm mùa…v.v. 

Xét về góc độ tín dụng, điền chủ nhỏ có tình thế thuận lợi hơn so với tá điền, vì họ có đất để thế chấp. Họ có thể vay từ quỹ nông nghiệp ở các tỉnh của họ mức lãi 10%. Trong khi nếu vay bên ngoài lãi suất ít nhất từ 2% trên tháng hoặc 24% trên năm.

Trong giấy nợ cho vay lúa, giao trả bằng lúa, nhiều khi tính lời quá nặng, người thiếu nợ bị tàn mạt về cách ăn lời ấy. Nhưng biết làm sao bây giờ, vì việc vay lúa, giá tiền lời nhiều ít, ăn thua tại hai đàng đồng tình ưng chịu. Không có luật định về số tiền lời trong việc vay hỏi lúa thóc. Cho vay bạc mà giao trả lời bằng lúa thi do theo giá lúa ngày làm giấy mà tính ra số lời đúng luật là 8% /năm, chẳng phép ăn lời nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên vay từ quỹ tương tế nông nghiệp, những điền chủ nhỏ ít có điều kiện tiếp cận. Nên họ thường vay bên ngoài từ hương chức làng, những điền chủ lớn lân cận… với lãi suất cao, khi lãi cao không trả được nợ, sẽ dễ bị mất đất ruộng và trở thành tá điền.

Trung điền chủ (moyens propriétaires) 

Có diện tích sở hữu từ 5 – 50 ha, ruộng đất có thể tự canh tác hoặc cho lĩnh canh.

Điền chủ vừa, trong các tỉnh ở Trung và Tây Nam kỳ chiếm khoảng 25,8%, tổng số điền chủ: 14,7% điền chủ từ 5 – 10 ha và 11% từ 10 – 50 ha. Diện tích canh tác của hạng điền chủ này chiếm 42,5%, giữ vai trò quan trọng trong nền canh tác ruộng lúa ở Nam kỳ.

Đại điền chủ (grands propriétaires)

Điền chủ lớn có diện tích ruộng đất sở hữu từ 50 ha trở lên. Cách chia này là không thống nhất, tùy vào điều kiện sở hữu thực tế mà có sự khác biệt ở từng nơi. Ở Trung kỳ là từ trên 25 ha được xem là đại điền chủ; ở Bắc kỳ mức này còn thấp hơn khoảng từ trên 18 ha.

Ở Nam kỳ, đại điền chủ sở hữu từ vài trăm ha đến gần, thậm chí là trên 1000 ha, diện tích sở hữu có thể thuộc một làng hoặc nằm rải rác ở nhiều làng. Thành phần cũng khá đa dạng:

 

Nguyễn Thành Giung (1894-?) 

Nguyễn Ngọc Chơn (1879-?) 

Nguyễn Tấn Được (1884-?) 

Lê Quang Hiển (1872-1950)

- Điền chủ Henri Nguyễn Thành Giung (1894-?) (Tân Đông, Sa Đéc), dân nhập tịch Pháp (citoyen français) (1926), sở hữu 325ha 62a 56c ở các làng Tân Đông, Tân Qui Tây, Tân Phú Trung, An Tịch, Tân Khánh, Bình Thạnh (Sa Đéc);

- Điền chủ Nguyễn Ngọc Chơn (1879-?) (Mỹ Phước, Long Xuyên), thành viên Hội đồng Tổng hợp tỉnh Long Xuyên (1941) (Commission Mixte Provinciale de Long Xuyên), sở hữu 999ha 64a 72c ở Mỹ Phước;

- Điền chủ Nguyễn Tấn Được (1884-?) (Vĩnh Phước, Sa Đéc), thành viên Đại Hội đồng Kinh tế - Tài chính Đông Dương (1929-1937) (Grand Conseil des Intérêts Économiques et Financiers de l’Indochine), sở hữu 1.100ha 85a 20c ở Mỹ Long (Sa Đéc);

- Điền chủ Lê Quang Hiển (1872-1950), là cha vợ của Diệp Văn Kỳ (học trò của Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thời ở Huế), sở hữu 1.897ha 36a 42c thuộc các làng Mỹ Ngãi, Nhị Mỹ, Phong Mỹ (Sa Đéc).

Đại điền chủ là một tầng lớp rất đặc trưng, là thành phần được chú ý trong hội đồng hương chức. Rất hiếm trực tiếp canh tác, ruộng đất thường cho tá điền hoặc điền chủ nhỏ lĩnh canh từ 5 – 20 ha.

Không những cho lĩnh canh ruộng đất, mà điền chủ lớn còn cho vay nợ làm vốn canh tác. Vì đại điền chủ có nhiều điều kiện để tiếp cận nguồn tín dụng từ các tổ chức của chính quyền thuộc địa hơn các loại điền chủ khác.

Nghi vấn về số lượng ruộng đất của Trần Trinh Trạch 

Trần Trinh Trạch (1872-1942) ở Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), theo truyền khẩu ông là một trong những điền chủ giàu nhất Nam kỳ với sở hữu 110.000 ha ruộng (có tài liệu 150.000 ha).

Diện tích sở hữu rất lớn, nó lớn gấp đôi diện tích tỉnh Gò Công (55.559 ha), lớn tương đương tỉnh Chợ Lớn (124.000 ha), Vĩnh Long (114.000 ha)… Đây là con số gần như không tưởng.

Tuy về lý, theo điều 21  (phần qui định về đất Ngoại châu thành), Nghị định của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, ban hành ngày 27 tháng 12 năm 1913, cho phép khai khẩn đất ruộng tự do không hạn chế, trừ đất rừng được bảo vệ theo qui định riêng nhưng để khai hoang và canh tác được 110.000 ha (hay 150.000 ha) không phải là điều đơn giản, cần rất nhiều yếu tố: cơ bản là vốn và nhân công?

Trong khi đó “Lịch sử hình thành và phát triển Vùng đất Nam bộ”, thống kê diện tích canh tác của Trần Trinh Trạch giai đoạn năm 1925 – 1926 là 1.420ha (ở Bạc Liêu) và 1.135ha (ở Rạch Giá).

Bản đồ thống kê các điền chủ lớn ở Nam kỳ năm 1927 (Cochinchine, Sud-Annam et partie du Cambodge. Carte économique  dressée par la Direction des Affaires Economiques), không có tên Trần Trinh Trạch.

Thống kê “Économie agricole de l’Indochine” (1930 – 1931), ở Vĩnh Lợi có 2 điền chủ trên 500ha, tổng diện tích canh tác 1.942ha. Cả tỉnh Bạc Liêu có 47 điền chủ với tổng diện tích canh tác 44.338ha, trung bình mỗi điền chủ sở hữu khoảng 1.000ha.

“Annuaire complet” (1933 – 1934), điền chủ sở hữu ruộng đất lớn nhất Nam kỳ là Cty nông nghiệp miền Tây (Domaine agricole de l’Ouest) với diện tích toàn phần 13.000 ha (Cần Thơ) và 2 chi nhánh ở Long Xuyên khoảng trên 7.000 ha, tổng sở hữu 20.000 ha.

Và cũng theo tài liệu này, thống kê diện tích ruộng lúa của Trần Trinh Trạch ở mục “canh tác của người bổn xứ” chỉ ước chừng khoảng vài trăm hecta, nằm trong tổng số 283 điền chủ lớn ở Bạc Liêu.

Tóm lại, con số 110.000 ha (hay 150.000 ha), để nói về diện tích sở hữu của Trần Trinh Trạch là điều không có cơ sở. Con số này có thể do người truyền khẩu thêu dệt, không kiểm chứng mà thành.

2.3. Điền chủ người Việt và người Pháp

Cơ cấu dân số Nam kỳ thời thuộc Pháp gồm có người Việt, Khmer, Hoa, người Pháp... Trong đó người Việt và Khmer chiếm đa số. 

 

Biểu đồ cơ cấu dân số Nam kỳ (1909)

Trong thành phần xin khẩn nhượng đất thì người Việt (kể cả người Việt nhập tịch Pháp) và người Pháp chiếm đa số. Nhưng thông thường dân bổn xứ không xin được nhiều và nhanh như dân Tây. Trường hợp Tổng đốc Đỗ Hữu Phương được Toàn quyền Đông Dương cho khẩn 2.223 ha ruộng.

Tuy được ưu tiên nhưng điền chủ là người Pháp có số lượng không nhiều ở Nam kỳ. Theo “La Colonisation français en Cochinchine (1914)”, có 35 điền chủ, diện tích sở hữu trên 1.000 ha và 76 điền chủ, diện tích sở hữu dưới 1.000 ha; tổng cộng 111 điền chủ.

Diện tích đất xin khẩn của người Pháp cũng ít hơn so với người Việt. Thống kê của “La Cochinchine agricole 3-1927” đất xin khẩn trên 50 mẩu, trích tại các tòa bố ở các tỉnh ngày 31 tháng 12 năm 1926:

 

Các tỉnh không có diện tích xin khẩn Bến Tre, Biên Hòa, Gò Công, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Vĩnh Long. 

Tổng diện tích xin khẩn là 565.577 ha trong đó người Âu 124.001 ha, người Việt 441.576 ha. Nếu tính diện tích đất công mà chính quyền giao cho các làng thì số đất mà người Việt xin khẩn còn nhiều hơn. 

Giai đoạn năm 1932 – 1934, diện tích canh tác ruộng lúa của người Âu trên 20 tỉnh ở Nam kỳ (trừ thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn) là 228.155 ha, tập trung nhiều ở 2 tỉnh: Rạch Giá (42.000 ha) và Long Xuyên (30.240 ha). Của người Việt 2.054.327 ha, tập trung nhiều ở Rạch Giá (308.000 ha) và Bạc Liêu (214.600 ha). Diện tích canh tác của điền chủ người Việt cao hơn điền chủ người Pháp.

Theo “Annuaire administratif de l’Indochine 1932” dân số toàn Nam kỳ 4.480.600 người; trong đó người Việt 3.800.675 người, người Tây 15.355 người. Số người Tây tập trung nhiều nhất ở châu thành Sài Gòn: 10.144 người và Chợ Lớn: 837 người, tổng là 10.981. Các tỉnh còn lại, có tỉnh vài chục, có tỉnh vài trăm người Tây nhưng không vượt quá số 1.000 người, tổng 21 tỉnh là 4.374 người, trung bình khoảng 208 người/tỉnh.

Số người Việt gấp khoảng 247 lần người Tây, tuy tổng số ruộng canh tác của người Việt cao hơn, nhưng nếu tính trung bình diện tích theo đầu người thì người Việt thấp hơn người Tây.

- Người Việt: 2.054.327 ha/3.800.675 = 0.5ha/người;

- Người Tây: 228.155 ha/15.355 = 15ha/người.

Nông nghiệp trồng lúa có mặt khá sớm ở Nam kỳ, người Việt là chủ thể. Khi người Pháp đến, do không có kinh nghiệm trồng lúa nước như người Việt nên thời gian đầu ít có người quan tâm đến ruộng lúa đặc biệt là trong việc đầu tư tư bản. Người Pháp cũng giống như người Khmer, người Hoa… chỉ tập trung phát triển những lĩnh vực mà họ có thế mạnh. 

2.4. “Đồng sở hữu”

Đồng sở hữu là trường hợp hai hay nhiều điền chủ cùng đứng tên trong địa bộ. Trường hợp này có thể là lúc đầu do hai người cùng khẩn ruộng, sau khi có bài vĩnh viễn thì được đứng tên chung. Hoặc là cùng đứng tên trong đơn xin mua đất, sau khi mua thành sẽ cùng đứng tên… Nhưng “cùng đứng tên” không phải là yêu cầu bắt buộc mà chủ yếu do sự thỏa thuận giữa các chủ sở hữu với nhau:

- Ngô Thị Hiệp và Hồ Thị Ngọc, cùng đứng tên diện tích toàn phần 240 ha ở làng Tân An (Châu Đốc);

- Lebon và Manicame, cùng đứng tên diện tích toàn phần 1.567 ha 31.10, ở làng Nhơn Ninh (Tân An).

Đồng sở hữu cũng là một hình thức của sở hữu đa chủ, được Tiến sĩ Trần Thị Thu Lương đề cập trong “Bước đầu tìm hiểu tình hình sở hữu ruộng đất ở nông thôn Nam bộ thời thuộc Pháp qua địa bạ” qua nghiên cứu địa bạ của xã Khánh Hậu: “Chúng ta thấy cách thức sở hữu ruộng đất tư ở Nam bộ thời Pháp thuộc vẫn bảo lưu tính đa dạng của mình từ đầu thế kỷ XIX,…”

Và cho rằng “đa chủ” là một hiện tượng tập trung ruộng đất: “Xu hướng tập trung này có thể chính là nguyên nhân khiến cho các chủ sở hữu đa chủ không xé lẻ sở hữu đa chủ thành sở hữu đơn chủ. Các loại sở hữu này thường là ruộng đất thừa kế. Về nguyên tắc họ có thể phân nhỏ ra thành sở hữu riêng của từng người nhưng vì, thứ nhất các mảnh ruộng đất này vốn thường có diện tích nhỏ, để nguyên như vậy các chủ sở hữu sẽ chống đỡ tốt hơn với nguy cơ thôn tính ruộng đất của các địa chủ lớn,…”. Như vậy, để giải thích cho hiện tượng đa chủ, Tiến sĩ Trần Thị Thu Lương cho rằng đây là xu hướng để tránh nạn thôn tính ruộng đất.

Cách giải thích này quá khiêng cưỡng và không lôgic,… Vì “đa chủ” chỉ là cách thức thể hiện tên chủ sở hữu trên giấy tờ hoàn toàn không có ý nghĩa về mặt sức mạnh cơ học hay sức mạnh pháp lý nào so với “đơn chủ”. Thông thường ruộng đất bị tước đoạt là những ruộng đất thiếu hoặc không có giấy tờ hợp lệ. 

Ở làng An Trạch (Bạc Liệu) có 17 người Hoa, cùng khai khẩn đất trong khoảng thời gian 7-14 năm. Nhưng Fourestier, tham biện tòa điện báo, xin khẩn phần đất này, vào ngày 5 tháng 12 năm 1888. Diện tích xin khẩn của ông Fourestier: thực canh 44 ha, trong số đó có 14 ha. 30 a là phần của nhóm người Hoa đã khẩn.

Những người này, tuy chưa đăng ký quyền sở hữu nhưng khoảng 15 năm trước thời điểm mà ông Fourestier có đơn xin cấp nhượng, nó đã có tên trong sổ bộ của làng An Trạch. Vị trí đất này cũng là nơi sinh sống của những người Hoa gốc Triều Châu, sống bằng nghề đánh bắt cá và những hoạt động kinh tế khác.

Theo lệ, đất xin khẩn nhượng đã có chủ thì chính quyền không được phép cấp mà phải hủy quyết định cấp nhượng. Ngày 28 tháng 7 năm 1889, yêu cầu xin nhượng của Fourestier bị hủy. 

Trường hợp trên đây cho thấy, việc cấp khẩn ruộng đất của chính quyền thuộc địa tuy vẫn có những hạn chế riêng nhưng về cơ bản nó vẫn hoạt động theo những nguyên tắc nhất định.

Mặt khác, giá trị đất ruộng ở Nam kỳ không cao, sinh lợi từ đất chưa lớn và vẫn còn khả năng khai hoang mở rộng nên hiếm có chuyện chỉ vì vài công hay vài mẩu mà các điền chủ phải “một mất một còn” với nhau. Nếu có chăng chỉ vài sự kiện đơn lẻ, chứ nó chưa phải là một hiện tượng để trở thành bản chất của xã hội. 

2.5. Hãng (công ty) nông nghiệp

Điền chủ là chủ hãng, công ty có thể là những người hoạt động sản xuất ở nơi khác, ngành khác, thành lập công ty nông nghiệp ở một hoặc nhiều nơi để trồng trọt, sản xuất nông nghiệp. 

Theo Sơn Nam đất của điền chủ là chủ hãng gọi là “điền hãng”: “Ở Nam kỳ danh từ đồn điền không được xài tới vì gợi ý nghĩ không tốt, trùng với đồn điền thời đàng cựu mà Pháp chánh thức giải tán. Gọi là điền, kèm theo tên người chủ…hoặc tên tục… Nếu là chủ công ty thì gọi là điền hãng…

Các điền hãng thường có qui mô lớn, liên tỉnh:

- Cty nông nghiệp miền Tây (Domaine agricole de l’Ouest) thuộc sở hữu của J.V. Guillemet. Ở Cần Thơ, với diện tích toàn phần 13.000 ha, diện tích thực canh 10.000 ha, có 2 đốc công Paul Emery, Antonin Emery. Ở Thạnh Phú (Long Xuyên) diện tích toàn phần 5.615 ha. 58.37, diện tích thực canh 5.615 ha. 58.37, đốc công Vileton. Ở Thạnh Quới (Long Xuyên) diện tích toàn phần 1.720 ha, diện tích thực canh 1.600 ha, đốc công Phạm Quang Xây.

- Cty Thị Đôi có 1.000 ha ở Thới Lai (Cần Thơ), 1.500 ha ở Thốt Nốt (Long Xuyên) và 2.700 ha 53.24 ở Ngọc Chúc (Rạch Giá), đốc công Contamin.

Theo điều 5, Nghị định ngày 30 tháng 12 năm 1925, định về thuế sanh ý trong xứ Nam kỳ, người làm ruộng được miễn hoàn toàn thuế sanh ý. Tuy nhiên lập công ty làm ruộng thì không có qui định rõ là có phải chịu thuế hay không. Nhưng có lẽ vẫn phải chịu thuế sanh ý theo qui định ở điều 3 của nghị định này trong lĩnh vực hoạt động công ty.

3. Sự biến động về số lượng điền chủ

Diện tích ruộng lúa tăng qua các năm nhưng điều này có chứng tỏ rằng, số lượng điền chủ có thay đổi và tăng qua các năm không? Đây là vấn đề khó làm rõ được. Do tư liệu còn hạn chế và nằm rải rác ở các nguồn khác nhau nên việc tập hợp, so sánh đối chiếu có những trở ngại nhất định. 

“Monographie de la  Province de Mỹ Tho” (1902), thống kê tổng số điền chủ ở là 23.641, theo diện tích phân thành 13 nhóm:

 

Trong “Économie agricole de l’Indochine” (1932) của Yves Henry, thống kê ở Mỹ Tho 31.173 điền chủ cũng theo diện tích nhưng chia thành 7 nhóm:

 

Đối chiếu qua 2 bảng, ít nhiều cho chúng ta thấy có sự biến động về số lượng điền chủ. Tổng số lượng điền chủ ở Mỹ Tho có tăng lên, nhóm từ 0 – 1 và 1 – 5 ha, tăng gần như gấp đôi và nhóm 5 – 10 có giảm xuống. Nhóm 10 – 50, có sự giảm nhẹ từ 4.420 điền chủ, giảm còn 2.189 điền chủ. Nhóm 100 – 500, có tăng từ 32 điền chủ tăng lên 96 điền chủ và nhóm trên 500, từ 10 tăng lên 14 điền chủ. 

Những ruộng đất được điều tra của Yves Henry , ngoài đất trực tiếp trồng lúa thì đất trồng ngô, đậu, thuốc lá… các loại đất có đăng ký làm ruộng lúa mặc dù có trồng hay chưa trồng; đất trồng dừa ở tổng Hòa Quới (Mỹ Tho), Minh Lý (Bến Tre) và các khu đặc nhượng đều được xếp vào đất trồng lúa để điều tra. 

Các loại đất khác, trong đó có đất vườn, đất trồng cây ăn trái xung quanh nhà ở và công thổ không được xếp vào danh sách điều tra.

Như vậy, “Économie agricole de l’Indochine” thống kê tổng hợp bao gồm chủ ruộng và chủ rẫy… Cách thống kê này có lẽ không thống nhất với “Monographie de la  Province de Mỹ Tho”. Vì vậy khi đem 2 bảng số liệu có cách thống kê khác nhau so sánh có thể thiếu chính xác. 

Ở đây chúng ta chỉ mới so sánh 2 bảng số liệu ở hai giai đoạn khác nhau, nhưng nếu so sánh cùng giai đoạn sẽ càng thấy rõ hơn sự khập khiễng.

Kết quả điều tra của “Économie agricole de l’Indochine” về ruộng đất ở Nam kỳ chủ yếu các tỉnh trồng lúa tập trung vào 14 tỉnh với 1.009 làng của Trung và Tây Nam kỳ (toàn Nam kỳ có 20 tỉnh và 1.792 làng). Các tỉnh được điều tra gồm: Rạch Giá, Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, Mỹ Tho, Tân An, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Chợ Lớn, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre và Gò Công.

Qua kết quả điều tra có khoảng 255.064 điền chủ, diện tích ruộng đất sở hữu từ 1 đến trên 500 ha, cụ thể:

 

Cùng khoảng thời gian nhưng trong “Annuaire Statistique de l’Indochine 1930 - 1931” thống kê 255.200 điền chủ:

 

Nhưng có lẽ do cộng sai mà trong tài liệu gốc ghi tổng 255.000, thiếu 200 điền chủ. Do kết quả cộng sai nên thống kê số canh tác trực tiếp 165.000 và lĩnh canh 90.000 điền chủ trong tài liệu, số liệu không dùng được. Trong “Lịch sử hình thành và phát triển Vùng đất Nam bộ” do PGS. Trần Đức Cường chủ biên ở trang 481, có tham khảo tài liệu này, số liệu cũng ghi sai theo. 

Thống kê của “Économie agricole de l’Indochine” và “Annuaire Statistique de l’Indochine” tuy cùng giai đoạn năm 1930 – 1931, nhưng tổng số điền chủ chênh lệch 255.200 - 255.064 = 136 điền chủ. Trong đó số đại điền chủ trên 500ha, chênh lệch 44. 

Sang năm 1936, điền chủ có trên 500ha là 261. Trong đó Bạc Liêu (58 điền chủ), Bà Rịa (2), Bến Tre (4), Biên Hòa (2), Cần Thơ (14), Châu Đốc (2), Chợ Lớn (1), Gia Định (1), Gò Công (9), Long Xuyên (20), Mỹ Tho (5), Rạch Giá (71), Sa Đéc (10), Sóc Trăng (31), Tân An (4), Thủ Dầu Một (1), Trà Vinh (15), Vĩnh Long (11).

Qua thống kê cho thấy các tỉnh không có điền chủ trên 500ha: Vũng Tàu, Hà Tiên và Tây Ninh. Các tỉnh có số lượng điền chủ trên 500ha chủ yếu tập trung ở Tây Nam kỳ, nhiều nhất là Rạch Giá, Bạc Liêu.

Nếu so sánh với số liệu trước đó (năm 1930 – 1931) trường hợp của 2 tỉnh Bạc Liêu (47 điền chủ) và Rạch Giá (50 điền chủ), lần lượt mỗi tỉnh tăng 11 và 21 điền chủ. 

Theo Sơn Nam trong “Tìm hiểu đất Hậu Giang”, Nghị định ngày 25 tháng 6 năm 1930, dừng việc cấp khẩn ruộng đất. Ruộng đất toàn Nam kỳ xem như đều có chủ, ngoại trừ vài nơi ở Rừng Sác (Cần Giờ), vùng sâu ở Đồng Tháp Mười và khu “tứ giác” (vùng Đồng Tràm, Châu Đốc).

Nếu nói như vậy thì chỉ trong mấy năm mà số lượng đại điền chủ của 2 tỉnh Rạch Giá và Bạc Liêu tăng lên rất nhanh, làm chúng ta phải đặt nghi vấn về độ tin cậy của số liệu.

Nhưng nhận xét của Sơn Nam độ tin cậy cũng không cao, vì ngay sau đó năm 1931 – 1933, Thống đốc Nam kỳ J. Krautheimer liên tiếp ký nhiều quyết định cấp nhượng ruộng đất:

- Bán thuận mải (concession par marché de gré à gré) cho Đinh Tường Lân, ngày 29 tháng 1 năm 1931, một khu đất trong châu thành Bà Rịa 0ha.07.35, công văn số n0, giá 50$00;

- Nhượng khỏi trả tiền, vĩnh viễn cho Nguyễn Đắc Tài (người thừa kế), một lô đất số 79, tờ số 5 bản đồ làng Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), diện tích 0ha.04.21 theo công văn số n0 2888, ngày 31 tháng 3 năm 1931;

- Lô đất 20ha.68.48 ở làng Thạnh Phong (Bến Tre), ngày 15 tháng 5 năm 1931, bán thuận mải cho Lưu Công Bình, công văn số n0 4389;

- Ngày 29 tháng 6 năm 1931, bán thuận mải cho Trần Văn Tư, khu vực đất công ở Phong Thạnh (Bạc Liêu) diện tích 88ha.80, số công văn n0 5901;

- Ngày 4 tháng 3 năm 1933, bán thuận mải cho Trần Trinh Trạch 3 lô đất, diện tích 79ha 83.95 ở làng Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), công văn số n0 1885 (5eB);

- Công văn số n0 9977 (5eB), ngày 7 tháng 10 năm 1933, nhượng khỏi trả tiền, vĩnh viễn cho Bùi Thế Xương 4ha.55.40 lô đất công ở làng An Xuyên (Bạc Liêu).

Trên đây chỉ vài trường hợp điển hình thực tế còn nhiều hơn; điều này chứng tỏ từ sau Nghị định năm 1930 việc cấp nhượng ruộng đất vẫn tiếp tục diễn ra.

Giai đoạn năm 1941 – 1942, số điền chủ người Âu và người bổn xứ được cấp đất tạm thời và vĩnh viễn là 151.669 điền chủ với diện tích thực canh 1.550.000 ha:

 

Nếu so sánh lại với giai đoạn 1930 – 1931, số lượng giai đoạn này giảm hơn 100.000 điền chủ. Số lượng giảm gần một nữa, sự giảm mạnh này rất khó lý giải.

Việc không thống nhất thông tin giữa các nguồn sử liệu, cũng như việc không nhất quán trong chỉ đạo điều hành của chính quyền thuộc địa là trở ngại lớn cho việc nghiên cứu cụ thể quá trình biến động về số lượng của điền chủ ở Nam kỳ.

***

Trong thời gian đầu khi mới chiếm Nam kỳ, do còn bận đánh dẹp, bình định, người Pháp vẫn duy trì cách quản lý ruộng đất và duy trì tầng lớp điền chủ cũ chịu hợp tác với Pháp.

Sau khi bình đình xong, toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập Sở địa chính và Địa hình đặt dưới quyền trực tiếp của Tổng thư ký Tòa thống đốc. Sở địa chính ra đời, đánh dấu bước tiến sâu của người Pháp trong vấn đề quản lý và nắm ruộng đất ở Nam kỳ.

Người Pháp cho tiến hành đo đạc, lập địa bộ…những ruộng đất vô chủ từng bước sẽ biến thành ruộng đất công. Trên cơ sở đó tiến hành cấp nhượng khẩn hoang với số lượng lớn và không giới hạn về thời gian.

Để hỗ trợ cho quá trình khẩn hoang phát triển mạnh, người Pháp cho phép:

- Tất cả mọi người đều có quyền xin khẩn, không nhất thiết phải là dân đinh;

- Tư nhân được quyền tham gia vào hoạt động kinh tế của nhà nước như đầu thầu thi công công trình thủy lợi;

- Điền chủ tự do mộ nhân công, kể cả nhân công ngoài Đông Dương. Ngoài tá điền là lực lượng cơ bản, giai đoạn này hình thành tầng lớp “công nhân nông nghiệp”.

Sau khi phát triển sở hữu ruộng đất lớn, vẫn duy trì lối “phát canh thu tô”, cách thức tuy cũ nhưng mang lại hiệu quả và giúp cho giới điền chủ đứng vững trong một thời gian dài.

Tất cả những điều này đã góp phần cho giới điền chủ Nam kỳ phát triển tới đỉnh cao. Nhưng do tính đa dạng của thành phần dân cư, điều này đã tạo nên sự đa dạng về thành phần điền chủ. Mỗi thành phần điền chủ lại có vai trò, vị trí và ý thức xã hội khác nhau.

Dương Văn Triêm


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24436684