Lịch sử Việt Nam

VAI TRÒ PHÒNG THỦ VÀ BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM CỦA DINH LONG HỒ THẾ KỈ XVIII-XIX

  • Phạm Thị Huệ
  • 04/07/2023

Với vị thế quan trọng của vùng biên viễn Tây Nam, từ thế kỷ XVIII, các chúa Nguyễn đã quan tâm đến việc hoạch định biên giới, tổ chức lãnh thổ, xây dựng hệ thống phòng thủ. Trong chiến lược quốc gia đó, Dinh Long Hồ được thành lập và bố trí với vai trò quan trọng. Dựa vào các đặc điểm về địa chính trị và địa kinh tế, Dinh được bố trí lực lượng quân sự mạnh, vũ khí hiện đại với hệ thống đồn trú chặt chẽ. Nơi đây trở thành trung tâm kết nối với các đồn trú địa phương khác để chống xâm lược, bảo vệ vùng đất phương Nam. Từ đó, Dinh Long Hồ giữ vai trò quan trọng trong phòng thủ và bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc vào thế kỉ XVIII- XIX. 

1. Sơ lược về lịch sử hình thành Dinh Long Hồ

Trong quá trình hơn 300 năm mở cõi về đất phương Nam, dinh Long Hồ được khái phá, và phát triển có phần trễ hơn vùng Đồng Nai-Gia Định. Tuy nhiên, từ rất lâu trước đó, có lẽ là từ trước khi Công Nữ Ngọc Vạn về làm Hoàng Hậu xứ Chân Lạp vào năm 1620, rất nhiều lưu dân người Việt đã tìm đến đây cùng khai khẩn hoang địa với người Khmer, do bởi đây là vùng đất có nước ngọt quanh năm, lại thêm đất đai phù sa mầu mỡ, làm chơi ăn thiệt, nên đến khi chúa Nguyễn Phúc Trú sai Trần Đại Định lập châu Định Viễn và khai sinh dinh Long Hồ thì đã có sẵn rất nhiều người Việt tại đây. Trước năm 1732, dinh Long Hồ thuộc xứ Tầm Bào của Chân Lạp. Từ năm 1732, sau khi quốc vương Chân Lạp là Nặc Tha hiến hai phủ Mésa và Longhor cho chúa Nguyễn Phúc Trú (1696-1738). Sự kiện này là một bước ngoặc lịch sử quan trọng trong tiến trình Nam tiến của dân tộc Việt Nam. Sau khi nhận hai vùng đất Méso và Longhor từ vua Chân Lạp, vì thấy đất Gia Định quá bao la nên chúa Nguyễn đã sai Trần Đại Định đứng ra thành lập châu Định Viễn, và dựng dinh Long Hồ. Đây là đơn vị hành chánh đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long. Địa giới Dinh Long Hồ gồm cả dãy đồng bằng sông Tiền và sông hậu, gồm cả tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, An Giang ngày nay. Sau năm 1749, Dinh Long Hồ được mở rộng thêm, nhập vùng đất Long Xuyên, Kiên Giang, Trấn Di (Minh Hải), Trấn Giang (Cần Thơ), cả một vùng rộng lớn từ biển Đông đến giáp Campuchia, vị trí Dinh Long Hồ là trung tâm của vùng đất phương Nam. (Người Long Hồ, tập 1, tr.18)

Tại dinh Long Hồ, chúa Nguyễn Phúc Trú cho đặt 3 chức quan: đứng đầu là quan Lưu Thủ, là một vị võ quan, dưới quyền quan Lưu Thủ là 2 vị văn quận Cai ba và Ký Lục phụ trách việc hành chánh trong phủ Định Viễn. Dưới quyền 3 vị này còn có các chức quan khác gồm Tướng Thần Lại phụ trách thuế khóa và tài chánh, Xá Sai phụ trách tố tụng và hình án. Sau khi thiết lập bộ máy hành chánh trên vùng dinh Long Hồ, các chúa Nguyễn đã đề ra nhiều sách lược nhằm khai khẩn hoang địa, ổn định trật tự và phát triển vùng đất này. Từ năm 1732 đến năm 1867, dinh Long Hồ luôn là thủ phủ của cả vùng đất nằm về phía Nam sông Tiền; và lúc nào dinh Long Hồ cũng là đại bản doanh của quân đội Nam triều, có nhiệm vụ phòng thủ và bảo vệ toàn vùng đất phía Nam của Tổ quốc. 

2. Vai trò phòng thủ và bảo vệ biên giới Tây Nam của Dinh Long Hồ thế kỉ XVIII-XIX

- Dinh Long Hồ có lực lượng quân sự hùng mạnh, binh khí hiện đại

Về lực lượng quân sự, Lê Quý Đôn có ghi chép về lực lượng quân sự ở dinh Long Hồ thời đó như sau: “dinh Long Hồ, Châu Định Viễn có đội hùng nhuệ”. (Lê Quý Đôn, 1977, tr.213). Để có được lực lượng quân sự hùng mạnh như trên, binh chế ở Dinh Long Hồ được tiến hành rất chu đáo. Cụ thể là: Về binh chế dưới thời các chúa tiên triều nhà Nguyễn, dinh Long Hồ có lệ cứ 5 đinh (dân) thì chọn lấy một lính. Binh lính gồm tinh binh hay lính cơ và lính mộ. Lúc này lực lượng quân đội của dinh Long Hồ được chia thành 2 loại: Tinh binh và tân binh. Trong thời thanh bình, quân tinh binh hay lính cơ được chia làm 3 phiên: 2 phiên được về nguyên quán làm ăn, còn một phiên tại ngũ, cứ thế mà luân phiên nhau. Trong thời có chiến tranh, toàn bộ 3 phiên đều được gọi lại tại ngũ; đồng thời quan lại địa phương sẽ tuyển mộ thêm tại chỗ những lính mộ để yểm trợ cho tinh binh. Đây chính là sự kế tục truyền thống “ngụ binh ư nông” của Đại Việt thế kỉ X- XV.

Theo Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục, hồi giữa thế kỷ thứ XVIII, lực lượng quân đội ở dinh Long Hồ có tổng cộng 5 đội với 17 đơn vị: Hùng Nhuệ, An Bộ, Cường Bộ, Minh Bộ, và Tân Thắng. Trong đó đội Hùng Nhuệ có 3 đơn vị là Tiệp nhất, Tiệp nhị và Tiệp tam với 3 thuyền. Đội An Bộ có 5 đơn vị là An nhất, An nhị, An tam, An tử, và An ngũ với 5 thuyền. Đội Cường Bộ gồm có 3 đơn vị là Cường nhất, Cường nhị, và Cường tam với 3 thuyền. Đội Minh Bộ gồm có 3 đơn vị là Minh nhất, Minh nhi, Minh tam với 3 thuyền. Đội Tân Thắng gồm 3 đơn vị là Bình nhất, Bình nhị, và Bình Tam với 3 thuyền. Mỗi trấn tinh binh có 20 thuyền, mỗi thuyền có 50 binh lính; mỗi thuyền thuộc binh chỉ có 40 lính, nhưng lính trong thuyền thuộc binh chỉ được miễn tiền gạo chứ không lãnh lương. Ghe bầu Hải Sư có 18 chiếc và đội thuyền mã hội tạm binh hơn 300 thuyền, quân số chừng 12.000 người”. Nếu so sánh với quân thành Gia Định thì quân ở Dinh Long Hồ hơn những 3.000 quân. (Người Long Hồ, tập 1, tr.35)

Đến giữa thế kỷ thứ XVIII, binh lính tinh nhuệ của dinh Long Hồ khoảng 850 người. Đó là nói về số tinh binh, còn về số binh lính tuyển mộ thêm tại chỗ, còn gọi là tạm binh hay thuộc binh thì rất nhiều, bởi vì lúc đó chính sách của Xứ Đàng Trong là chiêu mộ dân chúng đến khai khẩn các hoang địa rồi tuyển mộ binh lính và chia ruộng cho họ làm tại chỗ với chính sách “tĩnh vi nông, động vì binh", Chính vì vậy mà mỗi khi có biến, quân số của cả vùng Gia Định nói chung, của dinh Long Hồ nói riêng, sẽ ngay lập tức tăng lên đến hàng vạn người. 

Đặc biệt về thủy binh, dinh Long Hồ là một trong những dinh có phạm vi lãnh thổ rộng lớn nhất của Xứ Đàng Trong với hai nhánh sông lớn của dòng Cửu Long, đó là Tiền Giang và Hậu Giang. Ngoài ra, những dòng chảy thời cổ đại của dòng Cửu Long cũng để lại cho phương Nam rất nhiều những sông ngòi lớn khác như hai nhánh sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, sông Mỹ Thanh, sông Bồ Đề, sống Bảy Hạp, sông Ông Đốc, sông Cái Lớn và Cái Bé... Chính vì vậy mà các chúa Nguyễn tiền triều đã đặc biệt chú trọng về thủy bình cho dinh Long Hồ. Ngay tại lý sở thôn Long Hồ cũng có một xưởng Thủy Sư, tức xưởng đóng ghe được sử dụng để đóng đủ loại ghe, hải đạo, hải hiệu, chiến thuyền, ô thuyền và sai thuyền cho thủy quân. Tại các cửa biển như Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc, Trấn Di, Mỹ Thanh... đều có xây Đài Hỏa Hiệu.

Về binh khí dưới thời các chúa nhà Nguyễn, dinh Long Hồ được trang bị súng đại bác bằng đồng, súng thạch cơ, súng điểu thương loại nhỏ (mỗi khi bạn phải mở đá lửa). Tuy nhiên, đa số binh lính đều được trang bị với gươm, giáo, siêu, và mã tấu. Đây là những loại vũ khí hiện đại bậc nhất thời bấy giờ nếu so với các quốc gia cùng ý thức hệ phong kiến ở Đông Nam Á. 

Có thể nói, đến giữa thế kỷ XVIII, Dinh Long Hồ không chỉ là thủ phủ của vùng đất phía nam sông Tiền mà còn là đại bản doanh của quân đội nhà Nguyễn làm nhiệm vụ phòng thủ đất nước, giữ vị trí và vai trò trọng yếu trong sự nghiệp bảo vệ ổn định và phát triển đất nước phía Tây Nam.

- Dinh Long Hồ có vai trò kết nối với hệ thống đồn trú ở phương Nam

Để đảm bảo an ninh quốc phòng, chúa Nguyễn đã thiết lập quanh ly sở và trên địa bàn dinh Long Hồ nhiều điểm đồn trú của binh lính. Trong địa phận dinh Long Hồ được xây đắp rất nhiều vì lúc đó lãnh thổ dinh Long Hồ chạy dài từ các vùng Tân An xuống Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Tân Châu, Hùng Ngự, Chân Đốc, Đông Xuyên (Long Xuyên ngày nay), Cần Thơ, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Long Xuyên (Cà Mau ngày nay)... tại mỗi nơi đều được xây dựng nhiều thủ, bảo có lính đồn trú, lúc nào cũng sẵn sàng tiếp ứng cho dinh Long Hồ. 

Điểm đặc biệt là dưới thời các chúa Nguyễn, quan binh trú đóng ở đâu cũng đều được các ngài khuyến khích vừa phòng thủ vừa khẩn hoang; nghĩa là khi nào có biến thì làm lính, còn lúc thanh bình thì làm nông dân tăng gia canh tác. Riêng tại các vùng phụ cận thủ phủ dinh Long Hồ được các quan Lưu Thủ cho xây đắp nhiều đồn bảo nhằm bảo vệ lỵ sở, đặc biệt dưới thời quan Lưu Thủ Tống Phước Hiệp, ngài đã cho xây dựng nhiều địa điểm trú đóng quân binh tại Chợ Thủ, Vũng Liêm, Cù Lao Dao Chiêu, Hùng Thắng, Trà Ôn, Chất Tiền, Lấp Vò, Thanh Hải, Cái Lóc, Cần Chong, Láng Thé, Cù Lao Tân Dinh, Ngao Châu... Các quan Lưu Thủ về trấn giữ dinh Long Hồ đều được các chúa Nguyễn cho phép xuất công quỹ hằng năm ra để tu bổ các bảo, tuần, thủ, pháo đài tại nơi các chỗ giao thông hiểm yếu, trên bộ cũng như dưới sông hay ngoài các cửa biển. Tại các cửa biển Ba Lai, Cổ Chiên, Đại An, Ba Thắc, Tranh Đề, và Mỹ Thanh... đều có đồn đặt súng đại bác phòng thủ, canh chừng các tàu ngoại quốc ra vào cửa biển. Mỗi đồn đều có lính thủy trấn đóng, sử dụng chiến thuyền lớn được bọc đồng làm phương tiện tuần tra. (Người Long Hồ, tập 1, tr.39)

Đến khi Nguyễn Cư Trinh vào cai quản Long Hồ, ông đã khẳng định lại vị trí quan trọng về nhiều mặt của Long Hồ đối với toàn bộ vùng đất phương Nam. Vì vậy, ông đã sắp đặt các phương án phòng thủ toàn khu vực bằng cách cho lập các đồn binh ở bờ sông Tiền, bờ sông Hậu và vùng biên giới, đồng thời lập 3 đạo: Tân Châu, Đông Khẩu và Châu Đốc trực thuộc cơ quan đầu não ở dinh Long Hồ và tổ chức các trạm liên lạc thường xuyên để hợp đồng tác chiến với tướng sĩ Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên khi cần thiết. (Ban tuyên giáo tỉnh ủy Vĩnh Long, 2002, tr.41)

- Dinh Long Hồ đánh bại các cuộc xâm lược, góp phần giữ yên biên giới Tây Nam

Cuối thế kỷ thứ XVIII, quân binh thuộc dinh Long Hồ trấn giữ các đạo, các thủ, các cửa biển và cửa sổng quan trọng rất đông và rất mạnh, có thể mạnh hơn cả sự tổng hợp của quân binh 2 dinh Biên Trấn và Phiên Trấn. Khi có biến, nếu bị địch quân tấn công từ bất cứ hướng nào quan binh dinh Long Hồ đều có khả năng phòng thủ một cách vững vàng và tấn công truy kích địch vô cùng hiệu quả. Chính nhờ lực lượng quân sự mạnh mẽ của dinh Long Hồ đã bao nhiêu lần đẩy lùi sự tấn công xâm lăng của quân đội Xiêm La, nhờ vậy mà chẳng những chủ quyền lãnh thổ biên giới Tây Nam được bảo vệ toàn vẹn, mà sự an toàn của thành Gia Định cũng được vững vàng hơn. 

Bên cạnh đó, từ ngày dinh Long Hồ được thành lập và quân binh được chuẩn bị trong công tác phòng thủ bảo vệ lãnh thổ cũng như sự trị an cho dân chúng, những cuộc cướp bóc dân thương hồ rày đây mai đó để buôn bán trên khắp các vùng sông nước miền Tây không còn nữa. Đặc biệt là những lưu dân đi khai hoang lập ấp không còn bị quấy nhiễu bởi những nhóm người Cao Miên hay Ai Lao nữa. Phải thực tình mà nói, nhờ sự lưu tâm đặc biệt của các chúa Nguyễn và các quan lại sở tại trong buổi đầu mở cõi, nên nhiều đồn bảo trú đóng quân đội được thiết lập chung quanh lỵ sở cũng như trên khắp địa bàn dinh Long Hồ nhằm bảo vệ lãnh thổ và trật tự trị an cho dân chúng. Trong số này những vùng quanh lỵ sở dinh Long Hồ có 3 đồn lớn là đồn Quới Thiện, thuộc Vũng Liêm ngày nay; đồn Trà Ôn, còn gọi là đồn Uy Viễn; và đồn Đình Khao, ngày nay thuộc địa phận phường 5, thành phố Vĩnh Long. Chính nhờ vậy mà trong suốt thời gian từ năm 1732 đến năm 1771, dân chúng trong dinh Long Hồ đã trải qua một thời kỳ an bình thạnh vượng. Đến sau năm 1771, đầu quân đội Xiêm La và Chân Lạp có xâm phạm lãnh thổ, nhưng quân binh dinh Long Hồ đã kịp thời đập tan những cuộc quấy nhiễu này. (Người Long Hồ, tập 1, tr.41).

Như vậy, với những hoạt động quân sự như trên, Dinh Long Hồ là một bản doanh vững chắc cho chiến lược phòng thủ biên giới Tây Nam. Mỗi khi Cao Miên, Ai Lao hay Xiêm La quấy phá thì Dinh Long Hồ phát huy vai trò tích cực trong hệ thống phòng thủ biên giới quốc gia để chống giặc ngoại xâm. Vì vậy, các chúa Nguyễn và vương triều nhà Nguyễn sau này rất coi trọng “đại bản doanh trấn nhậm Tây Nam” này. 

Ngày nay, vấn đề phòng thủ và bảo vệ biên giới Tây Nam vẫn còn mang tính thời sự. Vì vậy, những giá trị lịch sử - văn hóa của Dinh Long Hồ sẽ là bài học điển tích cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở thế kỉ 21. Với vai trò và vị trí như trên, Dinh Long Hồ là một trong những di tích lịch sử vô cùng quý giá trong kho tàng di sản văn hóa của đất nước. Nơi đây lưu giữ những giá trị văn hóa- lịch sử, những bản sắc riêng mang hơi thở dân tộc thuở buổi đầu khai mở vùng đất phương Nam. Cần có những biện pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị di tích nói Dinh Long Hồ.

Phạm Thị Huệ


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24436359