Lịch sử Việt Nam

ROI TRƯỜNG KHUẤT PHỤC CỬU LIÊN HƯỜN

  • Hồ Tường
  • 04/07/2023

Ông Cả Đại là một bậc anh tài của môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, vừa đánh bại một người Lèo (tức người Lào) sau một thư hùng bằng quyền cước. Người Lèo buôn ngựa sau đó đã hẹn tái chiến ngay với ông Cả Đại bằng món binh khí sở trường cửu liên hườn, vì hắn cho rằng người Việt ít ai học hết thập bát ban võ nghệ. Thành thử món binh khí hắn sử dụng ít có ai địch nổi.

Thấy người Lèo ỷ lại với sở học nên ông Cả Đại hứa trước: “Anh cậy nơi ngọn roi của anh quá nhiều, nhưng anh đã lầm. Tôi hứa hạ anh ngay thế đầu tiên mà anh tấn công. Nếu anh thoát khỏi thì thắng cuộc, chớ không cần gì phải đánh chi đến bại trận”.

Người Lèo thấy cử chỉ quá tỉnh táo của ông Cả Đại cũng đâm lo, nhưng vì lỡ hứa nên cũng mang ngọn roi cửu liên hườn bước theo ra sân.

Sau khi bái tổ, hai người bước lui ra sân thủ thế. Ông Cả Đại bồng ngọn thương chống thẳng tới trước, đôi mắt luôn luôn nhìn thẳng vào đối phương như muốn thôi miên. Còn người Lèo cầm ngọn roi cửu liên hườn ở khoảng giữa giăng ra như cánh chim. Hai đầu roi giơ ra một đoạn ngắn lòng thòng đưa qua đưa lại như con rắn sắp sửa mổ vào đầu địch.

Nên biết ngọn cửu liên hườn lợi hại ở chỗ tấn công địch thủ vô phương đỡ gạt, vì khi cửu liên hườn tung ra mà bị vật gì cản lại, như ngọn trường thương chẳng hạn, nó sẽ vùng vẫy xoắn lấy ngọn roi và vung tròn ác liệt. Địch thủ vô ý đỡ ngọn roi quá cận thì không tài nào tránh khỏi đầu roi cửu liên hườn.

Ác hại nữa. Ngọn roi cửu liên hườn đôi khi bám vào cổ tay địch thủ nó sẽ xoắn lại và siết chặt để cho người sử dụng giật mạnh. Lâm vào thế này, địch thủ có nước ngã quỵ, chết tức tốc. Ngọn roi cửu liên hườn lợi hại ở thế đó!

Thêm vào bản lãnh cao cường của người sử dụng thì nó sẽ trở nên ngọn roi vô địch, cũng như trong thời Chiêu Đức thiền sư làm sư trưởng Thiếu Lâm Tự, có người bạn họ Trương khét tiếng trong giới giang hồ với đôi xích sắt.

Nhưng bao giờ cũng vậy, tuy ngọn roi cửu liên hườn ác hiểm, nhưng nó cũng có điều bất lợi ở chỗ là khi đánh thì dễ, thu về lại khó, khi gặp phải địch thủ cao cường.

Vì vậy, lúc sử dụng ngọn roi cửu liên hườn, người Lèo cũng có thể thắng hoặc thua ông Cả Đại trong chớp mắt. 

Do đó, hai người cũng biết sự lợi hại của roi cửu liên hườn nên đều hết sức dè dặt, ghìm nhau từng chút một.

Trong trận thế này, người Lèo không thể áp dụng phép Phân Thân được như khi giao đấu quyền cước, vì lối đánh của roi trường chỉ có một chỗ vững vàng như ngồi trên ngựa. Ngọn roi dài đến ba thước rưỡi, đủ sức xoay trở các ngón đòn lợi hại của địch thủ từ ngoài xa.

Biết vậy nên người Lèo không tấn công đối diện với ông Cả Đại mà thoạt đầu vung ngọn roi cửu liên hườn cho qua bên phải mãnh liệt như con rắn vừa phóng ra. Ông Cả Đại lẹ làng hạ ngọn roi đỡ ngọn cửu liên hườn. Nhưng người Lèo đã nhanh nhẹn hơn, bước xéo qua bên trái thu ngọn cửu liên hườn về, không cho bám lấy cây roi trường, đồng thời ông ta vung khoảng roi đang giữ vào mặt đối thủ.

Lối tấn công này hết sức hung hãn diễn ra chớp mắt, người ngoài cuộc chỉ nhìn thấy ngọn roi cửu liên hườn bay quyện tròn phơn phớt như làn khói tỏa. 

Tuy vậy, ông Cả Đại cũng không kém, ông nhận định ra được lối tấn công lợi hại này nên không dám sơ suất đưa ngọn roi lên đỡ. Vì đối với ngọn cửu liên hườn mà dùng lối ngăn đỡ chẳng khác chi “lửa cháy thêm dầu”. Nhứt là ngọn roi vung ngay vào mặt, ông Cả Đại vội vàng thối lui ra sau, dùng ngọn roi giật mạnh.

Lập tức một tiếng “rẻng” khô khan vang lên. Ngọn cửu liên hườn xoắn lấy ngọn roi. Giờ phút quyết định đã đến!

Bao nhiêu sức lực dồn vào cả đôi tay để giữ vững ngọn roi trường, ông Cả Đại cố gắng giữ cho ngọn cửu liên hườn không sút ra khỏi cây roi. Điều này trái hẳn với đối thủ khác của người Lèo, khi bị ngọn roi cửu liên hườn xoắn lấy binh khí thì hoảng hốt, cố vùng vẫy hoặc cố giựt lại để làm cho sút ra.

Hiểu được sự lợi hại của ngọn roi cửu liên hườn, thay vì phản công hay làm cho sút ra, thì ông Cả Đại chỉ ghìm cứng, cẩn thận chờ đợi ngón đòn thứ nhì ác liệt bội phần.

Quả vậy! Sau khi ngọn cửu liên hườn bám lấy ngọn roi thì người Lèo thu ngay về cho địch thủ lúng túng trì kéo, trong lúc đó, ông ta tung đầu roi kia giăng qua cổ địch thủ.

Lạ lùng, ông Cả Đại chìu theo sức kéo của người Lèo, vừa tọa xuống đất tránh ngọn roi, vừa lách ngọn roi trường qua phía phải. Và…ông đâm mạnh tới.

Khi ông Cả Đại lách ngọn roi qua thì ngọn cửu liên hườn đã thoát khỏi tay của người Lèo vì ngọn roi dính vào đầu ngọn roi trường và khoảng còn lại đã đã tung ra rồi.

Người Lèo bị vuột ngọn roi cửu liên hườn bởi cái giựt mạnh do ngọn roi trường gặt qua phía phải thì hoảng hốt định thối lui… Nhưng đã trễ! Ngọn roi trường của ông Cả Đại đã đâm mạnh tới, đem theo cả một đoạn cửu liên hườn vừa được người Lèo phóng ra sau quật ngược lại. Người Lèo chỉ kịp thét lên một tiếng rồi ngã vật xuống! Ông Cả Đại lẹ làng nhảy tới thâu ngọn roi cửu liên hườn đang siết cổ của người Lèo để cứu tỉnh anh ta vậy. 

Sau khi ông Cả Đại thắng người Lèo trong chớp mắt, mọi người bàng hoàng, sững sốt, không tin tưởng đó là một sự thật hiển nhiên. Cho đến khi ông Cả Đại bồng xốc người Lèo dậy đem vào nhà, họ mới sực tỉnh. Tất cả đều bàn tán xôn xao. Họ đổ xô vào nhà, xem thương tích của người Lèo. Một số khác lại vây ông Cả Đại. Không khí náo nhiệt hẳn lên.

Trong lúc đó, người Lèo được đặt lên bộ ván cho thân nhân ông Cả Trương săn sóc. Ông Cả Đại thì bị bạn bè lôi ra ngoài bàn tiệc hỏi thăm tíu tít: “Sao người Lèo có việc gì không?”. “Tôi không ngờ Cả thắng quá dễ dàng”. “Từ lâu nghe đại danh, nay hân nhạnh được thấy tận mắt đường roi siêu việt. Quả thật danh bất hư truyền!”.

Thôi thì không biết bao câu dọ hỏi, tán tụng làm ông Cả đối đáp không kịp. Ông Cả Trương (một bạn hữu ngang chức với ông Cả Đại) cũng có mặt khi đó, đã rót một chén rượu đầy, trao tận vào tay ông Cả Đại: “Tôi mừng cho cả đã giữ được lời hứa là thắng được người Lèo ngay hiệp đầu”. Chờ ông Cả Đại uống cạn, ông Cả Trương tiếp: “Cả nên trả lời cho các anh em biết vì lẽ nào dám hứa chắc thắng ở hiệp đầu, trong lúc chưa biết rõ tài năng sử dụng cửu liên hườn của đối phương như thế nào”.

Nghe Cả Trương hỏi hợp ý nên mọi người bớt xôn xao, lặng lẽ chờ đợi. “Thật ra đó cũng là nhờ anh Cả Trương nói sơ lược về tài nghệ của người Lèo. Hơn nữa, về phương diện sử dụng cửu liên hườn, tôi có luyện qua đã thuần thục nên người Lèo mới chịu thua cấp tốc như vậy”.   

Khi ông Cả Đại nói đến đây thì người Lèo đã tỉnh dậy, bước ra ôm lấy tay ông Cả Đại ra vẻ hối hận nói: “Ông quả là người có một không hai. Vì từ xưa tới nay, với ngọn cửu liên hườn và phép Phân Thân, tôi đã hạ anh hùng khắp nơi như rạ. Thế mà đến đất này, tôi lại bị chôn vùi tên tuổi. Nếu ông không chê kẻ hèn này thì kể từ nay xin cho tôi được khăn gói kề cận bên ông, để tỏ chút lòng ngưỡng mộ”.

Thấy người Lèo quá giữ lễ, ông Cả Đại nắm vai anh ta, xô anh ta ngồi xuống trên chiếc ghế cạnh bên mình: “Ngồi xuống đây. Anh sao hay vẽ vời, đặt điều làm cho tôi khó xử. Việc vừa rồi giữa chúng mình, anh em không có gì xảy ra xảy ra hết. Anh vì sinh kế tập luyện không thuần nhã nên sự thắng bại là lẽ thường, có gì đâu mà anh phải bận tâm. Anh đừng chấp nhứt đến những vấn đề đó, mà làm cho chỗ anh em mất sự thân thiết!”.

Ông Cả Trương nghe ông Cả Đại phân trần liền tiếp lời: “Đúng vậy. Cả nói rất hợp lý. Vậy thì chẳng mấy khi hội họp vui vẻ như vầy, tôi xin anh em hãy say một bữa”. Người Lèo có vẻ cảm động cho sự hào hiệp của những vị lão thành người Việt nên anh ta lặng thinh mà trong bụng ngùi ngùi một niềm cảm mến./.

Hồ Tường


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24839872