BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ CHI PHÁI BỬU SƠN KỲ HƯƠNG THƯỜNG LẠC Ở TÂY NAM BỘ
Phần lớn tài liệu sưu khảo, công trình nghiên cứu về các tôn giáo bản địa ở Nam Bộ nói chung, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (BSKH) nói riêng, chỉ đề cập đến đạo BSKH do Đoàn Văn Huyên (Đoàn Minh Huyên) sáng lập. Tuy nhiên, trong lịch sử tồn tại của mình, tôn giáo này đã xuất hiện nhiều chi phái, trong đó có chi phái BSKH Thường Lạc. Tuy có nhiều sự kế thừa về tư tưởng giáo lý từ BSKH của Đoàn Minh Huyên nhưng BSKH Thường Lạc có những khác biệt so với BSKH do Đoàn Minh Huyên sáng lập. Bài viết tìm hiểu những nội dung cơ bản về chi phái BSKH Thường Lạc qua các bình diện: lịch sử ra đời, đặc điểm về tư tưởng giáo lý và nghi thức thờ cúng của chi phái.
Tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương ở miền Tây Nam Bộ
Bửu Sơn Kỳ Hương do Ông Đoàn Minh Huyên sáng lập năm 1849 ở miền Tây Nam Bộ trong một hoàn cảnh chính trị-xã hội đặc biệt giữa thế kỷ XIX, thời kỳ thiết chế phong kiến chưa bám rễ vững chắc, vùng đất hoang dã mới được khai phá, dân cư từ “tứ chiếng” đến, loạn lạc, chiến tranh biên giới tàn phá liên tục, mất mùa đói kém xảy ra, dịch bệnh chết chóc hoành hành đã làm xáo động xã hội và nhân tâm... cả một vùng biên ải Tây Nam.
Bửu Sơn Kỳ Hương được khai sáng năm 1849 bởi một người tục danh Đoàn Minh Huyên (1807 - 1856), đạo hiệu là Giác Linh, quê ở Tòng Sơn, Cái Tàu thượng, tổng An Thạnh thượng, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Sau này, khi ông đến tu tại chùa Tây An (núi Sam, Châu Đốc) được tín đồ gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An.