Lịch sử Việt Nam

Phủ man tạp lục» một tư liệu dân tộc học về Trường Sơn – Tây Nguyên

  • Phan An
  • 24/07/2012

1. Sách “Phủ man tạp lục” do Nguyễn Tử Vân viết và được khắc in vào năm Thành Thái thứ 10 (1898)[1].

Nguyễn Tử Vân, hiệu là Ôn Khê, người làng Thạch Trụ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là người thuộc dòng gia thế trong vùng, từ nhỏ đã được rèn dũa, học hành thông tuệ. Năm 1843, ông thi đỗ cử nhân ở Huế, xếp hạng cao, thứ sáu cùng bảng với Đặng Huy Trứ và nhiều người nổi tiếng khác. Ông được bổ làm Huấn đạo, và một thời gian sau đó được Trương Đăng Quế tiến cử làm Hành tẩu viện Cơ Mật, rồi được bổ làm Gián Đài. Ít năm sau, nhà vua cử ông ra làm Án sát sứ tỉnh Thái Nguyên.

Trong thời gian này, ở miền thượng du Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định một số thủ lĩnh cầm đầu các bộ tộc miền núi thường tổ chức các cuộc đánh phá vào các làng xóm người Việt ven núi. Họ dựa vào thế núi trùng điệp, hiểm yếu của vùng thượng du Quảng Ngãi để ẩn náu khi bị đánh đuổi, nên không ai dẹp được. Trong lúc triều đình Huế đang bối rối thì ông đầu đơn xin đi phủ dụ. Triều đình biết ông là người địa phương Quảng Ngãi, khá thông thạo địa hình miền núi Quảng Ngãi và văn hóa các bộ tộc người Thượng ở đó, nên năm 1863 đã điều ông về làm chức Tế tương, cầm quân lo chinh phạt các bộ tộc miền núi Quảng Ngãi và Trung bộ, hạn cho ông 6 năm phải ổn định tình hình. Để củng cố vai trò của ông, triều đình Huế phong cho ông làm chức Tiểu phủ sứ, tức chức quan lo việc Sơn phòng vùng Thượng du miền Trung. Chức Tiễu phủ sứ từ Nguyễn Tử Vân mới có.

Dựa vào lực lượng quân đội chính quy của triều đình, các tổ chức dân binh của các địa phương ven núi, và hệ thống đồn lũy được xây dựng từ trước, Nguyễn Tử Vân đã cho tiến hành khảo sát lập bản đồ vùng thượng du Quảng Ngãi. Đồng thời ông còn đích thân nghiên cứu phong tục người Thượng ở đó.

Rồi ông tổ chức công cuộc phòng thủ, ngăn chặn sự xâm lấn của các bộ tộc ít người miền núi thượng du Trung Bộ vào các làng xóm người Việt. Ông còn tổ chức các cuộc tuần thám vào một số buôn làng người Thượng, vừa giải tán các cuộc chuẩn bị đi đánh phá, vừa phủ dụ họ qui phục triều đình, chung sống hòa hợp với người Việt và các dân tộc anh em. Những cố gắng của Nguyễn Tử Vân và quân dân ở địa phương đã đạt được nhiều kết quả mỹ mãn, không chỉ ngăn chặn các cuộc xung đột giữa các tộc người miền núi với người Việt, tạo sự ổn định trật tự ở vùng đất mới, mà hơn nữa đã góp vào sự hòa hợp chung sống giữa các dân tộc ở Trường Sơn-Tây Nguyên. ….

 

2. “Phủ man tạp lục” (ghi chép về chuyện phủ dụ người Thượng) là tập sách ghi lại những hiểu biết và các hoạt động của Nguyễn Tử Vân với tư cách của một viên quan triều đình nhà Nguyễn được phái đi chiêu dụ các dân tộc ít người ở miền thượng du Trung Bộ, mà chủ yếu là vùng phía Tây Quảng Ngãi (nay thuộc một phần Trường Sơn-Tây Nguyên). “Man” là một từ của nhà nước phong kiến trước đây nhằm chỉ các dân tộc ít người ở nơi biên viễn. Chúa Nguyễn và triều Nguyễn về sau này dùng từ “man” để chỉ các dân tộc thiểu số ở miền núi, trong đó có các dân tộc ở Trường Sơn-Tây Nguyên. Các buôn làng Tây Nguyên, trong sách được gọi là “sách”. Vì “Sách người Thượng cũng như làng người Kinh” (Phủ man tạp lục).

Sách “Phủ man tạp lục” nguyên bản bằng chữ Hán. Bản sách chúng tôi có trong tây, chính văn dày 165 tờ, không kể các trang bìa, trang bìa phụ, in từ bản khắc gỗ trên giấy dó gấp đôi đóng tập như phần lớn sách cổ chữ Hán trước đây. Bản in đề “Thành Thái thập niên tuế tại mậu tuất manh đông cốc nhật – Phủ man tạp lục – Phụng hiệu đính” – Bản sách này được lưu ở thư viện Viện Hán nôm Hà Nội.

Sách “Phủ man tạp lục” gồm 3 quyển:

Quyển 1: Sơn xuyên hiểm dị (Núi non hiểm trở)

Quyển 2: Thổ nghi (Phong tục tập quán)

Quyển 3: Lịch triều chi kiến thiết duyên cách (Quá trình kiến thiết qua các triều

vua)

Tuy viết bằng chữ Hán, nhưng văn phong rất gần cách nói của tiếng Việt nên dễ đọc, nặng về miêu tả, kể truyện, ít bình luận, nhận định.

Nội dung “Phủ man tạp lục” chia thành ba quyển, nhưng tựu trung có hai vấn đề chính, là vùng đất và con người ở miền thượng du Quảng Ngãi, hai là việc phủ dụ, qui phục các dân tộc ít người ở đây về với triều đình.

 

3. Quyển 1: Sơn xuyên hiểm dị và quyển 2: Thổ nghi, trong “Phủ man tạp lục”, là những tư liệu ghi chép về vùng đất và con người ở miền thượng du Quảng Ngãi, nơi có một số dân tộc ít người cư trú. Theo những ghi chép trong phần “Sơn xuyên hiểm dị”, thì địa bàn cư trú của các tộc người ở Tây Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định… là những vùng núi non hiểm trở, nhiều núi đá dựng đứng như Thạch Bích sơn tức núi Đá Vách, là những vùng rừng nguyên sinh nhiều cây cối rậm rạp, chưa tắt mặt trời đã tối. Đây cũng là vùng có nhiều sông suối, thác nước, đường đi hiểm trở, khí hậu độc địa… khiến cho quân lính triều đình gặp nhiều khó khăn trong việc đánh dẹp, chinh phục các bộ tộc ít người.

            Về con người ở vùng thượng du Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định được ghi chép trong sách “Phủ man tạp lục”, là cộng đồng các dân tộc ít người. Nguyễn Tử Vân ghi chép khá nhiều tư liệu về văn hóa của các tộc người này như ngôn ngữ, tập tục, tín ngưỡng, ăn mặc, nhà ở, nhạc khí… Rất tiếc, vì việc ghi chép bằng chữ Hán, việc phiên âm các ngôn ngữ tộc người ở địa phương chưa có sự giải mã thỏa đáng. Vì vậy, việc xác định tộc danh của các tộc người đề cập đến trong sách cần được làm rõ. Theo những ghi chép, thành phần tộc người ở thượng du Quảng Ngãi khá đa dạng, ngôn ngữ có sự phân biệt giữa nhóm người ở nguồn (vùng) Thanh Cù về phía Nam có khác với nhóm người La Thụ, Thanh Bồng ở phía Bắc. Theo chúng tôi, những nhóm người nói đến trong sách có lẽ là dân tộc Hơ rê và dân tộc Cor và nhóm Cadong, hiện đang cư trú ở vùng Tây Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận.

            Nhìn chung, những ghi chép về vùng đất và con người các dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Ngãi trong sách Phủ man tạp lục khá tỉ mỉ, cụ thể, chứng tỏ sự am hiểu sâu sắc của tác giả về địa phương này. Điều đó cũng là mục đích của quyển sách như tác giả nhấn mạnh “Người làm tướng chỉ huy việc chinh tiễu người Thượng phải khảo sát nắm vững hình thế núi sông, để biết được tính khí của từng nhóm người…”. Đối với những người nghiên cứu dân tộc, những ghi chép trong sách Phủ man tạp lục, có giá trị như những tài liệu quí giá, hoặc tài liệu “gốc” để nghiên cứu về văn hóa tộc người ở Trường Sơn – Tây Nguyên.

 

4. Một nội dung quan trọng khác trong sách Phủ man tạp lục cũng là những tư liệu quí giá đối với các nhà dân tộc học nghiên cứu về Trường Sơn-Tây Nguyên, đó là những ghi chép về chính sách của chúa Nguyễn và vua Nguyễn đối với các dân tộc ít người ở Trường Sơn-Tây Nguyên. Đặc biệt là những ghi chép khá tường tận về những cuộc chinh phạt của quan quân triều Nguyễn, mà Nguyễn Tử Vân là một người trong số đó. Phần cuối sách còn ghi thêm lịch sử và công trạng chinh phục các dân tộc ít người của một số nhân vật nổi tiếng như Bùi Tá Hán, Nguyễn Cư Trinh, Đặng Đại Lược, Trần Phước Thành, Lê Văn Duyệt…

            Có thể thấy chính sách của các chúa Nguyễn và vua Nguyễn đối với các dân tộc ít người ở vùng thượng du Quảng Ngãi và Trường Sơn-Tây Nguyên nói chung là vừa kết hợp giữa vũ lực và chính trị nhằm thu phục các tộc người này vào sự quản lý của nhà nước phong kiến. Triều Nguyễn và trước đó là các chúa Nguyễn trên bước đường mở rộng cương giới vùng đất phía Nam gặp không ít cản ngại, tranh chấp với các tộc người bản địa, xung đột tộc người đã diễn ra. Chính sách của nhà nước phong kiến đương thời một mặt kiên quyết trấn áp các cuộc nổi dậy, hoặc xung đột vũ trang với các dân tộc ít người chống lại triều đình, tổn hại đến các dân tộc thuộc triều đình gây mất ổn định vùng biên cương hoặc nơi hiểm yếu. Mặt khác, tiến hành kết việc chinh phạt với việc tuyên truyền thu phục các tộc người thiểu số về thần phục triều đình, tạo dựng mối quan hệ hiểu biết và thân ái giữa các tộc người, giữa các tộc người với người Việt cư trú láng giềng. Như Bùi Tá Hán khi trấn thủ ở Quảng Nam doanh (bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay) đã “đối xử với người Thượng như đối với người Kinh, nên người Thượng đều được yên ổn làm ăn sinh sống, không xảy ra việc xâm biên gây rối nhau” (Phủ man tạp lục). Hoặc đối với Nguyễn Cư Trinh khi giữ chức Tuần phủ Quảng Ngãi, thì “Người Thượng hoảng sợ, lần lượt kéo đến trại quân xin quy hàng. Ông vỗ về khuyên bảo rồi cho rút quân thắng trận trở về…” (Phủ man tạp lục)

            Cũng xin lưu ý, tên sách là “Phủ man…” và tác giả Ôn Khê Nguyễn Tử Vân có ghi thêm chức vị là “Tĩnh man Tiểu phủ sứ”. Theo tôi, việc dùng từ “Phủ” và “Tĩnh” rất đáng chú ý, thể hiện quan điểm của tác giả và một phần nào chính sách của nhà Nguyễn đương thời đối với các dân tộc ít người ở Trường Sơn-Tây Nguyên. Đó là sự phụ thuộc, phủ dụ chứ không phải là “Bình man”, là đánh dẹp bằng vũ lực là chính.

 

5. Trong sách “Phủ man tạp lục”, có một tư liệu rất đáng chú ý. Đó là việc xây đắp Trường lũy. Đây là một thành lũy vào loại lớn và kiên cố ở Việt Nam trước đây, và nay chính quyền địa phương Quảng Ngãi đang làm hồ sơ xin UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Theo sách viết, thì “Năm kỷ mão (1819) niên hiệu Gia Long thứ 18, quan khâm sai Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt tâu cho xây dựng Trường lũy Quảng Ngãi, phía Nam từ ranh giới bắc huyện An Lão - Bình Định, phía Bắc từ ranh giới nam huyện Hà Đông - Quảng Nam. Dọc theo Trường lũy có hào trồng rào tre gai… mặt sau lũy xây dựng 115 đồn bảo…” Trường Lũy xây dựng nhằm ngăn chặn các cuộc tiến công của người Thượng vào các làng xóm người Việt ở ven núi. Di tích Trường Lũy ngày nay vẫn còn dấu vết ở nhiều địa phương thuộc Quảng Ngãi. Với thời gian, và quá trình hòa hợp, đoàn kết các dân tộc ở Trường Sơn-Tây Nguyên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, bên cạnh Trường Lũy hình thành các chợ đầu nguồn, tức là các tụ điểm giao thương hàng hóa, các chợ trao đổi hàng giữa người miền núi với người miền xuôi. Tài liệu về việc xây dựng, tu bổ và bố phòng của Trường lũy đã được ghi chép khá tỷ mỷ trong sách “Phủ man tạp lục”, tức sách “Trường lũy Quảng Ngãi”.

 

 

³

³   ³

 

Mặc dù có một số hạn chế trong cách nhìn của một quan chức nhà nước phong kiến, nhưng sách “Phủ man tạp lục” của Ôn Khê Nguyễn Tử Vân, là một tập sách ghi chép có nhiều tư liệu quý giá liên quan đến nghiên cứu dân tộc học ở Trường Sơn-Tây Nguyên. Những tư liệu đó giúp hiểu rõ hơn lịch sử và văn hóa của một số dân tộc ít người ở Trường Sơn-Tây Nguyên, cũng như chính sách dân tộc của chúa Nguyễn và vua Nguyễn cuối thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX.

Phan An


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24420793