Lịch sử Việt Nam

Đường 14 cũ và cây cầu Srépok lịch sử

  • Võ Nguyên Phong - Phạm Thị Thúy
  • 04/07/2023

Tóm tắt: Ở Daklak, khi nói đến Srépok, chúng ta đang nói về một dòng sông mẹ ở Tây Nguyên, nơi sinh sống ngàn đời của các tộc người Ê Đê, Mnông… bên đôi bờ. Nơi đây, chính quyền thuộc địa đã sớm mở tuyến đường 14 nối từ Ban Mê Thuột về Nam Kỳ, tuyến đường là huyết mạch qua khu vực. Và ở ngay giai đoạn đầu mở tuyến đường này, công cuộc chinh phục thiên nhiên của con người đã sớm hoàn thành, trong đó việc xây dựng cây cầu vượt sông Srépok hùng vĩ rất gian khó vào những năm 1933-1934, và đã bỏ mạng nhiều người, có cả những người cộng sản kiên trung, chúng ta gọi là cầu Srépok cũ để phân biệt với cây cầu Srépok xây dựng sau ở hạ lưu và vẫn còn tồn tại ngày nay. Cây cầu Srépok cũ là một minh chứng hùng hồn của quá trình chinh phục thiên nhiên của con người, và để sau đó chính quyền thuộc địa đã thay đổi cục bộ đoạn đường 14 qua khu vực, đã bỏ lại một đoạn đường 14 cũ qua ngọn thác Gia Long, nơi đó có cây cầu Srépok cũ đã ngày càng xuống cấp và đến nay gần như mất hoàn toàn. Chuyên khảo tập trung nghiên cứu lại một cây cầu vượt sông Srépok, đưa lại lịch sử một cây cầu treo đẹp vào hàng bậc nhất ở Việt Nam và thậm chí cả Đông Dương.

Trong quá trình cai trị và khai thác thuộc địa Nam Kỳ cũng như vùng bảo hộ Trung Kỳ và Bắc Kỳ, người Pháp hướng đến Tây Nguyên khá muộn. Cho đến năm 1904 tỉnh Darlac được thành lập khi chia tách từ tỉnh Strung-treng, với tỉnh lỵ đặt tại Ban Mê Thuột. Cùng với việc thiết lập bộ máy cai trị ở Tây Nguyên, người Pháp cho xây dựng hệ thống công trình giao thông, những huyết mạch chính nhằm kết nối Tây Nguyên với Nam Kỳ và vùng ven biển Trung Kỳ. Trong đó kể đến các tuyến đường thuộc địa 19 (QL19), đường thuộc địa 12 (Đà Lạt – Phan Thiết, nay là một phần QL28 và một phần QL20), đường thuộc địa 11 (Đà Lạt – Phan Rang, nay là QL27), đường 157 (Ban Mê Thuột – Ninh Hòa, nay là QL26),… Trong đó tuyến đường thuộc địa 14 (route coloniale 14) được nghiên cứu, đầu tư xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 từ những năm 1920. Đoạn phía bắc Ban Mê Thuột được hoàn thành toàn bộ, kết nối Ban Mê Thuột với Đắk Pếk (Đắk Glei), đi ngang qua Gia Lai và Kom Tum. Đoạn phía nam chỉ được đầu tư một đoạn, kết nối với đường thuộc địa 13 tại Lộc Ninh, đi qua Bù Đốp và qua ngả Cao Miên tại Srektoum với chiều dài khoảng 50 km. Như vậy từ Ban Mê Thuột về Nam Kỳ chưa được khai thông và nó nằm trong kế hoạch xây dựng kết nối tuyến đường thuộc địa 14 ở phía nam Ban Mê Thuột về Nam Kỳ.

Đến năm 1934, người Pháp hoàn thành việc xây dựng đường thuộc địa 14 phía nam Ban Mê Thuột. Phía nam tuyến tiếp tục đoạn đã có và xuất phát tại Srektoum (Cao Miên), phía bắc xuất phát từ Ban Mê Thuột đi theo tuyến đường 191 (Ban Mê Thuột – Bản Tur), cả hai gặp nhau tại Ngã Ba Biên Giới (nay là Ngã Ba Đồn 8 thuộc Đăk Song, Đắc Nông). Tuyến đường thuộc địa 14 lúc này phần lớn khác tuyến QL14 hiện hữu, nó chỉ trùng nhau ở đoạn từ Đăk Mil về Ngã Ba Biên Giới, phần còn lại nó khác hoàn toàn. Đoạn từ Đắk Mil về Ban Mê Thuột tuyến đi về hướng đông nam tuyến QL14 ngày nay; đoạn từ Ngã Ba Biên Giới về Lộc Ninh tuyến đi phía tây bắc tuyến QL14 ngày nay, chủ yếu nằm trên địa phận Cao Miên. Đến năm 1938 nhằm rút ngắn hành trình và tối ưu hơn về mặt kỹ thuật, người Pháp đầu tư mở mới hoàn toàn đoạn từ ngã ba phường Khánh Xuân (Ban Mê Thuột) đi theo tuyến QL14 ngày nay về Đắk Mil, lúc này người Pháp cho xây dựng cây cầu Sêrêpôk, nay là cầu Sêrêpôk hay cầu 14 vẫn còn trên sông Sêrêpôk hay còn gọi là sông Ea Krong. Cây cầu này do một người Lào là hoàng thân Souphanouvong tham gia xây dựng từ năm 1939 đến năm 1941 hoàn thành. Tuy nhiên cũng ở khu vực thượng nguồn sông Sêrêpôk còn có một cây cầu cũng rất nổi tiếng, cầu Srépok (pont de Srépok) nằm trên tuyến đường thuộc địa 14 cũ có từ 1934, và nó trở nên ít sử dụng khi đoạn đường thuộc địa 14 mới được khai thông từ 1941  và cho đến nay cây cầu hoàn toàn mất dấu vết. Chúng ta chỉ biết đến cây cầu hiện hữu nằm trên QL14 ngày nay mà không hề biết rằng, đã từng có một cây cầu nằm trên dòng Sêrêpôk hùng vĩ trước đó. 

Qua khảo sát, cây cầu Srépok cũ nằm ngay hạ lưu ngọn thác mà nhà nghiên cứu Tây Nguyên nổi tiếng là Henry Maitre (1912) gọi là thác thứ tư (quatrième cataracte), đó chính là thác Gia Long ngày nay . Cây cầu Srépok cũ được xây dựng trong năm 1933-1934 với chiều dài 80 m, có hình thức cầu treo và là cây cầu treo lớn nhất Đông Dương được xây dựng lúc đó. Công trình có hai mố trụ bê tông cốt thép ở hai đầu, kết nối nhau bằng hệ thống cáp treo với hai dầm ngang bằng thép tạo thành bản mặt cầu, mặt cầu gia cố bằng những thanh gỗ ngang rất chắc chắn. Công trình sử dụng phần lớn là tù nhân chính trị ở nhà tù Ban Mê Thuột: “Ngoài một số công nhân An Nam làm công ăn lương, việc xây dựng các cột tháp, các khối neo và lắp ráp cây cầu hoàn toàn do các tù nhân biệt phái từ nhà tù Ban Mê Thuột thực hiện” . Trong quá trình xây dựng khá nhiều tù nhân đã bỏ mạng tại công trình này như một mô tả đương thời khác cho biết: “Ngày 22/8/1933, một tù nhân làm công việc xây dựng cầu Srépok trong khi bơi qua sông để luồn dây cáp sang bờ bên kia thì bị dòng nước cuốn trôi, thi thể của anh ta sau đó không được tìm thấy. Người bất hạnh tên là Lu-van-Ot. Ngày 20/9/1933, sau một vụ chìm thuyền cũng có một người chết tên là Pham-Lè, người mang số tù 1425” . Như vậy tại công trình này, cầu Srépok cũ, những người yêu nước tại nhà tù Ban Mê Thuột – những người cộng sản đầu tiên, chính là những hạt nhân chính để làm nên một trong những cây cầu hiện đại nhất Đông Dương lúc đó, và tính mạng họ đánh đổi để hoàn thành việc xây cầu. 

Ngày nay tại hạ lưu thác Gia Long, chúng ta vẫn còn thấy ở đó một mố cầu bằng bê tông cốt thép với biển hiệu còn mới: “Mố cầu treo xây dựng năm 1930”. Đó chính là mố của cây cầu Srépok cũ nổi tiếng năm xưa, nó nằm trên tuyến đường thuộc địa 14 cũ vẫn còn hiện hữu, đi từ Ban Mê Thuột về Nam Kỳ qua ngả thác Gia Long. Ngay trong bản thân cây cầu Srépok cũ đã chứa đựng rất nhiều lịch sử về một vùng đất cao nguyên, được những người tù yêu nước xây dựng từ rất sớm tại một ngọn thác hùng vĩ giữa đại ngàn. Sức mạnh của dòng Srépok vẫn ngày đêm vọng về ầm ì, chứa đựng nhiều truyền thuyết vĩnh hằng của người Ê Đê, người Mnông…, những tộc người đã ngàn đời sống bên đôi bờ sông hùng vĩ. Với xu thế phát triển du lịch ở địa phương, việc hồi cố thông tin một cây cầu lịch sử nằm bên ngọn thác Gia Long, sẽ góp phần vào những câu chuyện lịch sử làm nên vùng đất giữa đại ngàn này, một “hinterland” của Henry Maitre, đa sắc màu văn hóa và chứa đựng nhiều lịch sử. 

Qua chuyên khảo này, kính đề nghị các cơ quan hữu quan ở Daklak, Đắc Nông có những khảo sát chi tiết hơn, về một cây cầu treo rất nổi tiếng trong lịch sử, để đưa ra và bảo tồn dấu vết về một chứng tích lịch sử. Nơi đây in dấu những con người trong bước đầu chinh phục dòng Srépok hùng vĩ, trong đó có các tù nhân chính trị - những người cộng sản kiên trung từ nhà tù Ban Mê Thuột, đã góp phần xây dựng một cây cầu nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và cả Đông Dương. Một dấu ấn lịch sử tại Tây Nguyên, vẫn còn hiện hữu ở miền đất huyền thoại với những nét văn hóa cao nguyên đầy sắc màu cùng các sắc tộc người làm nên một nền tảng xã hội đa văn hóa.

Xây dựng cầu Srépok cũ tại thác Gia Long năm 1934

(Nguồn: L'Illustration ngày 14/4/1934)

Võ Nguyên Phong - Phạm Thị Thúy


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24435812