Các bộ sử Việt Nam

ĐẠI NAM THỰC LỤC - TẬP CUỐI

  • CAO TỰ THANH
  • 19/09/2023

Đại Nam thực lục

Chính biên Đệ lục kỷ phụ biên

Cao Tự Thanh dịch

Quyển 1

0001. Thành Thái Phế đế (húy Chiêu tự Bửu Lân, là con thứ bảy của Cung Huệ hoàng đế, mẹ được truy tôn là Từ minh Huệ hoàng hậu Phan thị, húy Điều. Sinh giờ Bính thân ngày 20 Bính thân tháng 2 Đinh mão năm Kỷ mão Tự Đức thứ 32. Tháng 8 mùa thu năm Tự Đức thứ 36 theo Cung Huệ hoàng đế dời tới ở trong giảng đường của Thái y viện. Ngày 6 Đinh mùi tháng 9 mùa thu năm Giáp thân Kiến Phúc thứ 1 Cung Huệ hoàng đế băng, theo mẹ là Từ minh Huệ hoàng hậu về ở quê ngoại. Năm Mậu tý Đồng Khánh thứ 3 lại dời vào ở phía trong cửa Chính Đông kinh thành giữ việc thờ cúng tôn từ. Ngày 27 tháng 12 năm ấy Cảnh tông Thuần hoàng đế băng, vì hoàng tử còn nhỏ nên được tôn lập, mở hòm vàng xem bài thơ Đế hệ được chữ thứ bảy là chữ Chiêu, lấy đó làm tên, lấy tên kép hai chữ làm tên tự. Ở ngôi 19 năm, cuối đời mắc tâm bệnh, nhường ngôi cho hoàng tử thứ năm là Vĩnh San, đó là Phế đế Duy Tân. Tháng 12 năm Khải Định thứ 1 chuẩn cho gọi là Hoài Trạch công. Tháng 12 năm thứ 7 vâng lời chuẩn cho chép là Phế đế).

0002. Năm Kỷ sửu (tức 1889 Tây lịch). Mùa xuân, tháng giêng. Ngày Đinh mùi (ngày 1), Phủ Tôn nhân và đình thần văn vũ cùng quý Bảo hộ vâng ý chỉ của Nghi thiên Chương hoàng hậu và Lệ thiên Anh hoàng hậu đón về tôn lập. Ngày Giáp tuất (ngày 2) lên ngôi hoàng đế ở điện Thái Hòa, đặt niên hiệu là Thành Thái. Quần thần bưng sách vàng dâng lên, lời sách nói “Nối ngôi thống vâng mệnh trời, dự vào ngôi chính, đổi thời truân qua vận kiển, cốt ở được người. Cho nên phải hợp lòng người cả trong ngoài, mới có thể thành tông chủ của lê thứ. Kính nghĩ điện hạ là cháu của Đại hành hoàng đế, cháu đích tôn của Dực tông Anh hoàng đế. Minh mẫn đầy đủ, cởi mở sâu xa. Vốn tính hiền lành, quẻ Càn ẩn mà chứa chất (1), trong lòng nhu thuận, quẻ Di tối mà rõ ràng (2). Trước đây Đại hành hoàng đế tuổi trẻ về trời, làng mây ruổi giá. Lòng người trông ngóng, vin cung (3) ai cũng đau thương, việc nước gian nan, ngôi báu há nên để trống. Nhưng hoàng tử tuổi còn thơ ấu, khó nhận cơ đồ, may còn ông trí đã lớn khôn, đủ đương xã tắc. Nên nối ngôi thống của Đại hành hoàng đế, để an ủi hồn thiêng của tiên thánh hoàng đế. Dực tử noi Chu (4), bốn phương hẹn ngày yên tĩnh, hoàng tôn nối Hán (5), nghiệp lớn nhờ đó trung hưng. Còn mong dưới thuận lòng người, trên vâng ý chỉ, tôn lên bảo vị, gánh vác cơ đồ. Giữ cho cùng lòng, ngọc lụa y quan có chủ, yên nhờ nhiều phúc, non sông miếu xã yên bình”. Lễ đăng quang đã xong, ban ân chiếu cho trong ngoài (tất cả 18 điều).

(1) Quẻ Càn tuy ẩn mà chứa chất: nguyên văn là “Càn tuy tiềm nhi trứ đức”, lấy chữ trong Kinh Dịch, quẻ Bát Thuần Càn, phần Hào từTiểu tượng truyện, hào Sơ cửu “Tiềm long vật dụng” (Rồng đang náu mình, không nên hành động), đây ý nói vua Thành Thái tuy tính tình hiền lành nhưng có đức độ.

(2) Quẻ Di dùng tối mà rõ ràng: nguyên văn là “Di dụng hối nhi di quang”, lấy chữ trong Kinh Dịch, quẻ Địa Hỏa Minh Di, phần Đại tượng truyện “Minh nhập địa trung, minh di, quân tử dĩ lỵ chúng, dụng hối nhi minh” (Ánh sáng vào trong đất, ánh sáng bị mờ tối, quân tử lấy đó làm lợi cho mọi người, mờ tối mà sáng), đây ý nói Thành Thái đã bộc lộ tư chất đế vương ngay từ lúc chưa làm vua.

(3) Vin cung: Sử ký, Phong thiện thư chép Hoàng Đế lấy đồng ở núi Thú Sơn, đúc đỉnh dưới núi Kinh Sơn, đỉnh đúc xong có con rồng rủ râu hạ xuống đón. Hoàng Đế cưỡi lên rồng, có hơn bảy mươi bề tôi và phi tần lên theo, người và rồng cùng bay đi. Các bề tôi còn lại không được lên níu kéo râu rồng, râu rồng đứt ra rơi xuống, chiếc cung của Hoàng Đế cũng rơi xuống. Hoàng Đế đã lên trời, trăm họ ôm cung và râu rồng kêu khóc, người sau nhân đó gọi nơi ấy là Đỉnh Hồ. Văn chương xưa thường dùng các từ “Đỉnh Hồ”, “phàn hào” (vin râu rồng kêu khóc), “phàn cung” (vin cung) để chỉ việc đế vương qua đời, trăm họ đau xót, đây chỉ việc vua Đồng Khánh chết.

(4) Dực tử noi Chu: nguyên văn là “Dực tử thiệu Chu”, lấy chữ trong Kinh Thi, Đại nhã, Văn vương hữu thanh “Di quyết tôn mưu, Dĩ yến dực tử” (Lưu lại mưu kế cho cháu nội, Để con cháu được yên ổn), chỉ việc cháu nội kính cẩn nối theo tổ tiên, đây chỉ việc vua Thành Thái lên ngôi thừa kế cơ nghiệp của vua Tự Đức.

(5) Hoàng tôn nối Hán: đời Hán Vũ đế, thái tử Lưu Cứ gặp họa vu cổ, con là Sử hoàng tôn (vì mẹ họ Sử nên người ta gọi là Sử hoàng tôn) lưu lạc trong dân gian, sinh ra Lưu Bệnh Kỷ tức Lưu Tuân. Hán Chiêu đế Lưu Phất Lăng nối ngôi Vũ đế 12 năm thì chết, Xương Ấp vương Lưu Hạ nối ngôi nhưng dâm loạn nên được 27 ngày thì bị phế truất. Đại thần Hoắc Quang tìm được Lưu Tuân đưa về nối ngôi, tức Hán Tuyên đế, được coi là thời kỳ trung hưng của nhà Tây Hán. Đây chỉ việc vua Thành Thái là cháu nội dòng đích của vua Tự Đức lên nối ngôi.

0003. Lấy Tuy Lý công Miên Trinh làm Phụ chính thân thần thứ nhất kiêm nhiếp Tả Tôn chính Phủ Tôn nhân. Hoài Đức công Miên Lâm làm Phụ chính thân thần thứ hai kiêm nhiếp Hữu Tôn chính Phủ Tôn nhân, Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Trọng Hợp làm Phụ chính đại thần thứ ba, Phủ doãn hàm Thượng thư Trương Quang Đản làm Phụ chính đại thần thứ tư đều sung vào Cơ mật viện, phàm các bộ dâng tấu đối thì Phụ chính đại thần kính duyệt rồi sau đó tâu lên (kế chuẩn cho Nguyễn Trọng Hợp gia hàm Văn Minh điện đại hoc sĩ, Trương Quang Đản làm Thượng thư bộ Binh vẫn sung kiêm bộ Lại). 

 

Xem trọn bộ tại đây

CAO TỰ THANH


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24402453