Đất, Người Bình Dương

Vai trò của tăng sĩ Phật giáo Thủ Dầu Một, Bình Dương cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX

  • THÍCH HUỆ THÔNG (Chùa Hội Khánh)
  • 25/07/2012
Về vị trí xã hội giới tu sĩ Phật giáo Thủ Dầu Một, Bình Dương không có gì đáng kể trong chế độ của nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ. Một làu sĩ phật giáo không muốn tham gia chính trị, chỉ thuần túy về mặt tu hành. Hai là nhà cầm quyền pháp luôn chú ý, cảnh giác đối với Phật giáo, một tôn giáo luôn có tinh thần yêu nước bảo vệ Tổ quốc.
 Tuy nhiên, về mặt tín ngưỡng tâm linh Phật giáo nơi đây rất quan trọng đối với đa số đồng bào quần chúng và hầu như phật giáo đóng vai trò chủ đạo. Có lẽ do tinh thần bị khủng hoảng về chiến tranh và do sự bất mãn của triều đình bất lực lúc bấy giờ, hơn nữa trong giai đoạn này đất nước bị lọt vào tay Pháp mà chưa có người đứng lên chủ trương tập hợp, đấu tranh nên người dân muốn tìm đến sự bình an hơn, muốn cầu Phật trời che chở hơn... nên việc tìm đến chùa, đến nhà sư để cầu bình an cho gia đình họ là nhu cầu thiết yếu lúc bấy giờ.
Chúng ta thấy rõ tăng sĩ phật giáo Bình Dương đã từng bước thay thế mọi nghi thức cúng kiến tập tục đã từng ăn sâu vào tâm linh của người dân địa phương. Ngày xưa vào khoảng thế kỷ XIX nghi thức tập tục địa phương ở đây được phân định rõ ràng. Cúng đình, cúng làng, cúng miễu đều do ban nghi lễ đình làng đảm nhiệm, hoặc đám ma phải trải qua nghi thức, được mời ba vị thầy đảm nhiệm. Thầy lễ là chuyên cúng vong, thường, cúng cáo... Thầy pháp có nhiệm vụ cúng phạt mộc, tẩy uế. Thầy tu (thầy chùa) chỉ chuyên tụng kinh cầu siêu. Sau này khoảng cuối thế kỷ XLX dần dần tăng sĩ thay thế vai trò của các thầy cúng khác. Cụ thể đám ma chỉ một vị tăng sĩ là đủ, vị tăng sĩ có thể làm hết mọi nghi thức cần làm cho một đám tang. Ở một vài địa phương, giới tăng sĩ có thể làm cả nghi thức cúng đình, cúng miễu và các nhu cầu tâm linh khác, ngay cả toán số, phong thủy, địa lý và cả bốc thuốc, giới tăng sĩ ở đây cũng rất thông thạo. Điều này đã được dân địa phương bày tỏ niềm tin của mình: Thầy tu do ở chùa có chư Phật hộ trì, tinh khiết hơn các vị thầy cúng khác ở nhà... Nhưng điểm chính ưu thế hơn của giới tăng sĩ là do tinh thần khế lý, khế cơ của tưởng Phật giáo. Biết hòa hợp, biết thích nghi trong đời sống và nhu cầu của bà con hơn là bảo thủ tư tưởng tôn giáo của mình so với Lão giáo, Nho giáo. Điều này được chứng minh hầu hết các chùa ở Bình Dương ngày nay đã để lại một số cách thức thờ phượng và liễn đối đều mang tư tưởng Tam giáo hòa hợp. Như câu đối giảng đường chùa Hội Khánh.
Chí trung thứ, niệm từ bi, tư cảm ứng, Nho, Thích, Đạo tam giáo đồng tâm.
- Hiệu khuôn sừ, cần miễn lệ, đọng cù lao, quân, sư, phụ nhất bán kiệt lực.
(Hết lòng với đạo trung thứ, nhớ mãi đến đức từ bi, nghĩ suy về cảm ứng Nho, Thích, Đạo tam giáo một lòng. Ra sức giữ gìn và từ bỏ, mãi mãi siêng năng báo đáp công nhọc nhằn quân, sư, phụ cả ba đều hết sức).
Cách thờ phượng cũng thế, hầu hết các chùa đều có thờ Ngọc Hoàng, Nam Tàu, Bắc Đẩu, ông Thiện, ông ác, Thần Già Lam (Quan Công). Ngoài ra các chùa còn lập miễu trong khuôn viên chùa để thờ các vị thánh mà dân địa phương tôn sùng. 
Có lẽ tinh thần hòa nhập trên hình thức phương tiện mà các tăng sĩ Phật giáo Bình Dương lúc bấy giờ vận dụng đã đem lại kết quả làm cho nhân dân dễ dàng đi đến và thành tâm với đạo Phật hơn. Ngoài ý nghĩa dùng phương tiện cho mặt tâm linh, giới tăng sĩ Phật giáo Bình Dương còn dùng thứ phương tiện này để dễ dàng gần gũi quần chúng nhằm tuyên truyền tư tưởng yêu nước (chống thực dân Pháp).
Song bên cạnh thuận lợi này, giới Phật giáo Thủ Dầu Một có một thời mà một số tăng sĩ đã làm mất giá trị đạo hạnh của một nhà tu. Điều này, có thể do lợi dụng quá phương tiện hành đạo của mình nên dẫn tới mất bản chất thuần túy của một tu sĩ đạo Phật.
Có lẽ một phần ảnh hưởng này và nhiều yếu tố khách quan khác đã dẫn tới những phong trào chấn hưng Phật giáo sau này.
Giai đoạn trước và sau năm 1930
Nhiều phong trào khởi nghĩa chống Pháp có liên quan tới Phật giáo, hay nói cách khác hơn là những phong trào này có bàn tay của Phật giáo.
Từ cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ (giặc Thầy chùa) 1898 của nhà cách mạng Nguyễn Thiện Thuật, các cuộc khởi nghĩa Cần Vương cho đến phong trào đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục... Hầu như Phật Giáo đóng vai trò quan trọng. Có lẽ chính tinh thần này của giới tăng sĩ phật giáo đã làm cho các Nho sĩ yêu nước gần gũi, cảm thông với Phật giáo nhiều hơn là kỳ thị như trước đây. Tinh thần yêu nước của Phật giáo đã được nhà cách mạng Phan Châu Trinh nhận xét như sau: “Nước đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo. Tôn giáo luyện cho ta đức hy sinh, coi nhẹ tính mạng, phá sản vì đạo Không có tinh thần tôn giáo, chúng ta không biết cương cường xả thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lối riêng của mình. Nay bà con thử xét, đời Trần sao cho dân tộc ta hùng dũng như vậy. Huân Nguyên thắng cả Á cả Âu nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì bại tẩu nào bị cướp sáo ở Chương Dương Độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chăng phải là nhờ đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư? Nhờ các tinh thần tôn giáo' của ta ư?” (Việt Nam Phật giáo sử luận).
Nói chung trong lúc bấy giờ nhiều phong trào các nhà sĩ phu yêu nước đều có gắn bó và có thiện cảm với Phật giáo.
Do ảnh hưởng chung của cuộc chấn hưng Phật giáo ở các nước lân cận như trung Hoa có Thiền sư Thái Hư và các nước Miến Điện, Tích Lan, Nhật Bản. Từ sự ảnh hưởng chung này là yếu tố quan trọng cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam mà khởi xướng là quý Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Chí Thiền, Thiện Chiếu, Từ Phong, Khánh Anh...
PHẬT GIÁO Ở THỦ DẦU MỘT
Từ năm 1885, Phật giáo thủ Dầu Một bắt đầu có tổ chức. Sự ra đời của các bộ kinh được in và phát hành tại chùa Hội Khánh do Hòa thượng Ấn Long Thiện Quý chủ trương đã tập hợp được nhiều cao tăng và giới tăng sĩ quy tụ về chùa Hội Khánh, lúc bấy giờ phải nói chùa Hội Khánh là trung tâm Phật giáo Thủ Dầu Một.
Đến năm 1906, từ khi Hòa thượng từ văn làm trụ trì Phật giáo Thủ Dầu Một nói chung, chùa Hội Khánh nói riêng có khởi sắc, mối liên hệ với các bậc cao tăng ngoài tỉnh có gắn bó hơn.
Từ buổi ban đầu sự nhen nhúm cho phong trào chấn hưng Phật giáo, thì thủ Dầu Một từ năm 1907, chùa Hội Khánh do Hòa thượng Từ Văn đứng ra mở lớp giáo lý Phật học và mở khóa luật, nhân đây Hòa thượng Từ Văn đã khơi dậy ý thức cho giới tăng sĩ Thủ Dầu Một một tinh thần mới trong công cuộc xây dựng tổ chức giáo hội mang tính dân tộc.
Từ năm 1911, Hòa thượng Từ Văn có nhiều uy tín trong cũng như ngoài tỉnh nên chính quyền Pháp ở Thủ Dầu Một phong ngài là Hòa thượng cả (tức là vị điều hành mọi Phật sự tại bản tỉnh). Hòa thượng Từ Văn được mời sang Pháp vào năm 1920 làm chủ lễ cầu siêu cho người Việt đi lính thuê cho Pháp bị tử trận. Trong dịp này ngài mang mô hình chùa Hội Khánh và một số tượng của chùa Hội Khánh, chùa Phước Long, chùa Đức Sơn sang triển lãm tại thành phố Marseille (Pháp). Sau chuyến đi này nhà cầm quyền Pháp tôn vinh ngài làm tăng thống Phật giáo Nam kỳ (Địa phương chí Bình Dương).
Do ảnh hướng uy tín của Hòa thượng Từ Văn đã làm cho các cao tăng Sài Gòn - Gia định và miền Tây Nam bộ chú ý tới hoạt động Phật giáo Thủ Dầu Một. Sự gắn bó của Hòa thượng Từ Văn với các cao tăng lúc bấy giờ như: Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải); Hòa thượng Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên); Hòa thượng chùa Giác Lân, chùa Long Thanh, chùa Kim Cang (Đồng Nai); Hòa thượng Như Bằng (chùa Sắc Tứ Từ Ân). (Hiện nay tên tuổi và bút tích của Hòa thượng Từ Văn còn lưu lại nhiều chùa Sài Gòn - Gia Định và miền Tây Nam bộ. Cũng như lời kể của Hòa thượng Khánh Anh “Khánh Anh văn sao” tập 1+2).
Từ những ngày đầu của phong trào chấn hưng Phật giáo, Hòa thượng Từ Phong và các vị cao tăng khác đến chùa Hội Khánh kêu gọi sự tham gia của Hòa thượng Từ Văn và nhà yêu nước Tú Cúc Phan Đình Viện tham gia vào phong trào chấn hưng Phật giáo. Tuy không trực tiếp tổ chức các hội Phật giáo nhưng phật giáo ở Thủ Dầu Một Hòa thượng từ Văn có quy tụ, tổ chức học tập giáo lý, trao đổi và nắm bắt các trào lưu, thượng phát triển văn hóa Phật giáo và dân tộc. Góp phần xây dựng Phật giáo trong giai đoạn này Thủ Dầu Một trong công cuộc chấn hưng Phật giáo. Đặc biệt là sự bắt gặp tinh thần yêu nước giữa nhà Phật học Từ Văn và nhà sĩ phu yêu nước Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào năm 1923 tại chùa Hội Khánh.
Ở Thủ Dầu Một sự quan hệ giữa Nho giáo và Phật giáo có sự gần gũi và chưa bao giờ có sự mâu thuẫn chia rẽ. Tuy nhiên vài địa phương cũng có những bất đồng về quan điểm nhưng hậu quả không đáng kể. Nhóm nho sĩ ở Thủ Dầu Một, Bình Dương họ bắt đầu quan hệ, gần gũi gắn bó với các vị cao tăng ở các tự viện nhiều nhất là vào thế kỷ XX, một thời kỳ mà văn hóa phương Tây bắt đầu chiếm vị trích đạo. Có lẽ sự bế tắc này là nguyên nhân làm cho nho sĩ ở Thủ Dầu Một có thiện cảm với Phật giáo, một tôn giáo có chiều dài lịch sự gắn liền với vận mệnh của dân tộc Việt Nam.
Sự kiện gặp gỡ giữa nho sĩ yêu nước Nguyễn Sinh Sắc với Hòa thượng Từ Văn (chùa Hội Khánh) và sự ra đời của Hội Danh dự yêu nước do Từ Văn và Nguyễn Sinh Sắc sáng lập ở Thủ Dầu Một là sự kiện quan trọng trong giới Phật giáo và nhân dân Thủ Dầu Một, tạo ý thức mới cho cuộc cách mạng đấu tranh của đồng bào tại Thủ Dầu Một lúc bấy giờ.
Khi cuộc thế chiến thứ nhất ở châu Âu còn đang tiếp diễn, thì ở Thủ Dầu Một lúc bấy giờ các tổ chức “Hội kín” bắt đầu mở màn. Mở đầu là “Thiên Địa Hội (1914), phong trào này do Nguyễn Hữu Trí và Phan Xích Long lãnh đạo, họ là những người có thiện cảm với Phật giáo do đó tổ chức hội rất được sự hưởng ứng của giới Phật giáo ở Thủ Dầu Một trong đó có Hòa thượng Như Mầu chùa Đức Long (Thiên Long) ở An Điền, Bến Cát, Hòa thượng Pháp Hỉ Chùa Thiên Ân và nhiều vị hòa thượng khác.
Sau khi tổ chức Thiên Địa Hội ra đời đã làm cho nhà chức trách Pháp lo sợ. Và từ đây Thủ Dầu Một bắt đầu xuất hiện nhiều tổ chức hội như hội kín Nguyễn An Ninh, Hội Ái Hữu, Hội Vạn Cày... và tổ chức chính trị Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo từ nước ngoài vào trong nước, cụ thể Đề - pô xe lửa Dĩ An (1929). Trong các phong trào chung này có tổ chức Hội Danh dự yêu nước được thành lập vào năm 1923 do cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Hòa thượng Từ Văn sáng lập.
Phải nói cụ Nguyễn Sinh Sắc, phần nào thưởng chuông có bắt gặp với thưởng của Phật giáo. Chính vì vậy, khi Phan Trọng Bỉnh từ Quảng Châu về nước đến gặp cụ cụ bảo: Các cháu muốn giải phóng dân tộc, các cháu phải theo đạo Phật. Cụ cũng đã gửi thư về quê khuyên bả con nên theo đạo Phật. Thư này đã lọt vào tay mật thám Vinh và chúng đã báo cáo cho Khâm sứ Trung kỳ: “Vinh ngày 8-9-1927. Nguyễn Sinh Huy báo tin cho bà con họ hàng biết là ông ta đang ở tại số 225 nhà Tiến Phúc Đường, phố Thiết Bình (ESPAGNE) khuyên bà con nên theo đạo Phật. (Quyển Cụ Phó bảng NSS xuất bản 1990). Ngoài ra cụ Sắc còn mang cả tâm hồn, thượng quan điểm “vô thường” của đạo Phật khi ông gửi thư cho người cháu Nguyễn Sinh Lý quê, ông viết: Thúc phụ Phó bảng Nguyễn Thị Nguyễn Sinh Lý thư: “nhân sinh nhược đại mộng, thế sự như phù vân, uy thế bất túc thị, xảo hiểm đồ tụ hại. Giới chỉ Giới chỉ”.
 Cụ Sắc tìm đến chùa Hội Khánh là do thời gian cư trú vùng miền Tây Nam bộ đã được biết về uy danh, tài đức của Hòa thượng Từ Văn. Hòa thượng Từ Văn từng làm pháp sư, chủ kỳ ở các Trường hạ vùng miền Tây từ năm 1913. Sự hội ngộ những tư tưởng yêu nước của các vị tại chùa Hội Khánh trở thành hạt nhân quan trọng cho sự ra đời của “Hội Danh dự yêu nước” ở Thủ Dầu Một vào năm 1923. Cụ Sắc cùng với Hòa thượng Từ Văn vận động một số vị có tư tưởng yêu nước nơi đây như. Yết ma Ấn Bửu, Thiện Quới, cụ Tú Cúc Phan Đình Viện, ông Nhẫn, Thầy ký Cội... để thành lập hội. Tổ chức hội này bước đầu đã thu hút được trên 10 hội viên chính thức và được nhiều tầng lớp nhân dân ở Thủ Dầu Một ủng hộ. Hội chủ trương dạy đồng bào sống đúng với tinh thần đạo lý của dân tộc, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, phải có ý chí bảo vệ đất nước. Hội này chủ yếu để làm hạt nhân duy trì phong trào yêu nước mà cụ Sắc đã từng tổ chức âm thầm như ở: Chợ Gạo, Vĩnh Kim, Xóm Dầu, chùa Hội Khánh, chùa Giồng Thành.
Hội ở chùa Hội Khánh hoạt động không được lâu thì người Pháp phát hiện nên bị giải tán vào năm 1926. Sau đó, Cụ Sắc về Cao Lãnh tiếp tục hoạt động yêu nước đến cuối cuộc đời (Cụ Sắc an nghỉ vào ngày 26-11-1929 tại Hòa An, Cao Lãnh an táng trên phần đất chùa Hòa Long). Phải nói chỉ có Hòa thượng Từ Văn mới có đủ uy tín để bảo vệ Cụ Sắc trong suốt thời gian hoạt động tại đây (mà chúng tôi gọi Hòa thượng Từ Văn, một nhà sư đi Tây mà yêu nước). Trong thời gian chùa Hội Khánh phương tiện của Cụ là hốt thuốc trị bệnh, dạy chữ Nho, xem địa lý. (Hiện nay Bảo tàng Bình Dương còn giữ quyển sách xem địa lý và la bàn của Cụ).
Từ chùa Hội Khánh cụ còn đến các chùa xã Tân Khánh, xã Tương Bình Hiệp để đàm đạo với lương y (thân sinh của lương y Bảy Khê) và đến nhà ông thầy giáo Lam Tương Bình Hiệp... Hình ảnh cụ Sắc đã để lại một ấn tượng đẹp cho giới Phật giáo và đồng bào ở Thủ Dầu Một trong thời gian cụ tá túc tại chùa Hội Khánh.
Có thể nói do ảnh hưởng uy tín của Hòa thượng Từ Văn đã tạo cho Phật giáo ở Thủ Dầu Một có một vai trò thuận lợi trên lĩnh vực đạo pháp cũng như xã hội làm cho các bậc cao tăng và các giới chức ở các vùng lân cận biết đến. Vào tháng 8 năm Quý Dậu (1933) một Đại Giới Đàn Chúc Thọ được tổ chức tại chùa Sắc Tứ Thiên Tôn (trước thuộc An Thạnh, Bình An nay thuộc huyện Thuận An. Đây là Đại Giới Đàn được tổ chức lớn nhất tại Thủ Dầu Một, quy tụ trên một trăm giới tử thọ giới, được sự chứng minh của các bậc thiền đức cao tăng trong và ngoài tỉnh lúc bấy giờ. Từ giới đàn này, Phật giáo Thủ Dầu Một có điều kiện hơn trong mối giao lưu học hỏi, trao đổi giữa các chư tăng bản tỉnh và chư tăng lân cận và cũng từ giới đàn này, ở Thủ Dầu Một có nhiều tăng sĩ đã được thụ giới, sau này trở thành những bậc cao tăng như ngài Minh Tịnh Thiền sư, vị cao tăng đầu tiên ở Thủ Dầu Một đi tham học Ấn Độ và Tây Tạng, sau này làm Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc ở Thủ Dầu Một.
Trong những thập niên trước 30 - 40, Phật giáo Thủ Dầu Một cũng chưa có gì nổi bật ngoài việc mở các lớp giáo lý do Hòa thượng Từ Văn tổ chức và các Phật sự khác chỉ mang tính nội bộ. Đối với quý hòa thượng lúc này, một mặt thuyết pháp dạy giáo lý tổ chức in ấn phát hành kinh. Mặt khác, Hòa thượng Ấn Bửu (sư thúc của Hòa thượng Từ Văn). Ngài thường liên lạc với cách chức hội để nhận các tập san và các tin tức thời sự khác... để truyền đạt lại chư tăng. Ở Thủ Dầu Một lúc này có Hội Ky tổ. Hội này làm điều kiện thuận lợi cho chư tăng có điều kiện tập hợp để trao đổi bàn bạc, trong đó có việc tuyên truyền tư tưởng chống Pháp. Ngoài ra Hội Ky tổ còn là điểm tựa tinh thần tương trợ, đoàn kết trong chư tăng, tự viện. Hội này được duy trì cho đến nay.
Vào năm 1935, khi phong trào chấn hưng Phật giáo được thành lập, thì ở Thủ Dầu Một có Thiền sư Minh Tịnh, ngài không tham gia vào các phong trào này. Nhưng với ý chí tư tưởng của ngài là muốn chấn hưng Phật giáo ta phải có quá trình chuyên nghiệm nghiên cứu một cách cụ thể, chính xác về giáo lý Phật đà. Qua tư tưởng này, nên vào năm 1935, ngài một thân, một mình đơn độc cuộc hành trình về đất Phật. Chuyến đi Ấn Độ và Tây Tạng của Thiền sư Minh Tịnh là sự kiện quan trọng trong giai đoạn Phật giáo thủ Dầu Một lúc bấy giờ. Đây là cuộc xuất dương lần thứ hai của Phật giới Bình Dương sau tổ Từ Văn sang Pháp.
Trong khoảng thời gian này, thủ Dầu Một có rất nhiều Phật tử tri thức trong đó có Đông y sĩ, Đông dược sĩ Võ Văn Vân, một nhanh y nổi tiếng khắp cả nước (1884- 1945) ông ủng hộ cho các phong trào học tập giáo lý và xây dựng chùa như chùa Hội Khánh, chùa Linh Sơn... Đặc biệt vào năm 1935, Hội An Nam Phật học tổ chức lễ Phật đản tại đất thần Kinh (Huế). Buổi thuyết pháp có vua Bảo Đại và các quan triều đình đến dự, buổi lễ có sử dụng một máy vi âm đây là máy vi âm đầu tiên được dùng để thuyết pháp, máy này do nhà thuốc Võ Văn Vân (Thủ Dầu Một) cho hội mượn. (Theo Việt Nam Phật giáo sử luận).
Trong giới trí thức Phật giáo ở Thủ Dầu Một lúc bấy giờ phải nói đến luật sư trần Văn Trai. Ông đã có nhiều công đức trong việc ủng hộ xây dựng chùa chiền và nhiều Phật sự khác tại Thủ Dầu Một. Ông và gia đình là Phật tử sùng kính tam bảo. Thân sinh, thân mẫu của ông là hương cả Trần Văn Nhuận và bà Nguyễn Thị Bôn, pháp danh Nhuận Đăng đã có công đứng ra đúc đại Hồng Chung cúng dường chùa An Lạc vào năm Tân Dậu (1921) (Đại Hồng Chung hiện nay vẫn còn tại chùa An Lạc)... Luật sư Trần Văn Trai là một phật tử, một luật sư có tinh thần yêu nước dù ông sống trong chế độ thực dân Pháp. Có nhiều đồng bào bị bắt được ông trực tiếp can thiệp với nhà cầm quyền Pháp để trả tự do cho đồng bào (qua lời kể của một số bô lão làng Phú Hữu). Luật sư Trai đã ủng hộ xây dựng trường học và nhiều ngôi chùa như. Chùa Phật Học, chùa Long Sơn, chùa An Lạc... và nhiều phật sự khác.
Trong khoảng thời gian này, ở TDM, Bình Dương còn có họa sĩ Lê Văn Kiệu, giáo sư Minh Kính, y sĩ Nguyễn Văn Tạo là những người trí thức hộ đạo. Sư Minh Kính người quê ở Thị Tính, Bến Cát, ông là nhà trí thức làm nghề giáo dạy học, ông bất mãn xã hội đương thời, sau xuất gia với Tố Huệ Đăng và trở thành bậc cao tăng. Ngài dịch nhiều bộ kinh có giá trị lúc bấy giờ. Sư Minh Kính có người huynh đệ là Hòa thượng Pháp âm người quê Minh Thạnh, Dầu Tiếng. Ngài Pháp Âm là vị khai sơn chùa Quan Thế Âm vào năm 1921 (sau này là nơi di tích của Bồ tát Thích Quảng Đức). Đến năm 1938, Hòa thượng Pháp Âm về quê Minh Thạnh xây dựng chùa Thiên Hưng.
Ở Thủ Dầu Một lúc bấy giờ còn rất nhiều tầng lớp nhân dân có tinh thần gắn bó và thiện cảm với Phật giáo.
Vào cuối năm 1944, Hội Truyền bá quốc ngữ Thủ Dầu Một được ra đời tại làng Phú Cường cùng với ba phong trào của hội ở toàn Nam bộ (tháng 8-1944 đến tháng 8-1945). Hội được nhà cầm quyền Pháp cấp giấy phép hoạt động nhằm muốn giữ dân không cho theo Nhật. Tổ chức Việt minh Thủ Dầu Một biết được kế mị dân của Pháp nên lãnh đạo Việt minh lúc bấy giờ lợi dụng tình thế xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán của mình nằm trong ban trị sự của hội để truyền bá quốc ngữ theo mục đích của cách mạng. Địa điểm học ban đêm được tổ chức học nhiều nơi: Trường nữ Châu Thành, trường Tân Ánh Mai, trường Trước, chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng, hội được nhiều người ủng hộ, có hàng trăm học viên đến học. Phong trào này được giới Phật giáo Thủ Dầu Một hưởng ứng, ủng hộ cho sử dụng chùa làm nơi học tập. Thiền sư Minh Tịnh, Hòa thượng Thiện Hương được hội tôn trọng mời trao giải thưởng xuất sắc cho mỗi học viên mỗi khóa, Hội do ông Huỳnh Kim Trương làm Hội trưởng.
 Ta có thể thấy rằng giới Phật giáo trong giai đoạn này ở TDM, tuy không phát triển mang tính rầm rộ trong công cuộc chấn hưng, nhưng đã hình thành một hệ thống đoàn kết trong nội bộ Phật giáo cũng như sự gắn bó với quần chúng nhân dân. Đặc biệt là tinh thần yêu nước bảo vệ tổ quốc.

THÍCH HUỆ THÔNG (Chùa Hội Khánh)


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24439093