Đất, Người Bình Dương

Lịch sử khai phá Bình Dương qua dân ca, thơ ca dân gian làng Tương Bình Hiệp

  • NGUYỄN THỊ KIM ÁNH
  • 25/07/2012

Do đặc điểm địa lý và lịch sử di dân khẩn hoang lập nghiệp, đất Bình Dương đã trở thành nơi hội tụ của các luồng dân ca cả nước, là đầu cầu chuyển tiếp và thu nhận dân ca miền Bắc, dân ca miền Trung. Và từ lưu vực sông Tiền sông Hậu, dân ca đã dội ngược lại, tác động đến miền Đông Nam bộ, trong đó có Bình Dương. Vì thế dân ca Bình Dương vừa mang đặc điểm chung của Nam bộ, vừa thể hiện nét đặc thù tiêu biểu cho loại hình văn nghệ dân gian chỉ có thể nảy sinh ở mảnh đất Đông Nam bộ. Trải qua thời gian và nhiều thế hệ nối tiếp, các làn điệu dân ca và thơ ca dân gian được “Bình Dương hóa” ít nhiều và trở thành một mảnh đất phong phú đa dạng và đặc sắc.

Dân ca và thơ ca dân gian Bình Dương gồm 4 thể loại như: Hát đưa em, Lý, Hò và Nói thơ - Nói vè.

Vì giới hạn trang viết, trong bài này tôi chỉ trình bày về thể loại hát đưa em và thơ ca dân gian ở làng Tương Bình Hiệp (những tư liệu chưa từng được công bố).

Qua nguồn tư liệu phong phú này, ta có thể hiểu biết ít nhiều về vùng đất, con người, cây cối, các con vật thân quen của Bình Dương thời khẩn hoang.

Từ nội dung các thể thơ dân gian của các bài hát ru, ta có thể tìm hiểu ít nhiều về lịch sử khẩn hoang Bình Dương: Ví dụ như quang cảnh hoang sơ thời khẩn hoang Đông Nam bộ:

“Chiều chiều én liệng diều bay

Cá lội dưới nước, khỉ ngồi trên cây”

Hay:

“Chiều chiều vịt lội cò bay

Ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng

Vô rừng bứt một sợi mây

Đem về thắt gióng cho nàng đi buôn

Đi buôn không lỗ thì lời

Đi ra cho thấy mặt trời mặt trăng”

Cảnh rừng núi hoang sơ của Đông Nam bộ với những con vật đặc trưng của núi rừng: khỉ, voi và cây rừng hoang dã: mây. Qua đoạn thơ ta có thể đoán được Bình Dương thời ấy có nhiều rừng và một số lưu dân người Việt đầu tiên đến đây sống ở ven rừng, cây cối còn khá hoang sơ. Những nghề thủ công và buôn bán cũng xuất hiện khá sớm (“thắt gióng”, “đi buôn”).

(Hát ru em - xã Tương Bình Hiệp - sưu tầm từ cụ ông Nguyễn văn Trơn - 86 tuổi - Tương Bình Hiệp, BD)

Dấu ấn khẩn hoang được tìm thấy trong bài thơ thể loại câu đố:

“Một mẹ mà chín mười con

Ngày ngày luống những lên non trông chồng

Trông chồng mà chẳng thấy chồng

Gặp thằng tài cán rất hung

Đè đầu cắt cổ lôi xông về nhà

Tưởng đâu mình được vinh hoa

Hay đâu nó đánh răng gia đời đời”

Đố bài thơ trên nói về nghề gì?

Giải đáp: Nghề cắt cỏ tranh lợp nhà (đợt lưu dân đầu tiên là di dân tự do, số lượng ít, lập nên những xóm ven rừng, lên núi cắt cỏ tranh lợp nhà).

(Sưu tầm từ bà Trần Thị Măng - sinh năm 1927 - xã Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một, Bình Dương)      

Khi lưu dân người Việt đến Bình Dương, rừng còn rất nhiều chim. Một loại cây hoang dã rất phổ biến ở Đông Nam bộ: Cây nhãn lồng: “Chim quyên ăn trái nhãn lồng, nửa ăn nửa bỏ ai trồng cho mày ăn” 

Do nằm ở vị trí thuận lợi giữa hai con sông lớn Sài Gòn - Gia Định, Bình Dương có hệ thống kênh rạch thuận lợi cho việc tưới tiêu. Đất đai thích hợp với việc trồng cây lương thực, các họ đậu, đặc biệt vùng Lái Thiêu thích hợp trồng cây ăn trái.

Nhiều vùng đất trồng lúa, cây ăn trái, hoa màu được hình thành. Sách Gia Định thành thông chí ghi lại: “Cù lao Tân Triều dài 10 dặm, rộng hai dặm rưỡi, người ta làm vườn tược ở đó, chỉ trồng trầu không lá rậm tốt, vị thơm ngon, có tiếng vang khắp vùng” (Trịnh Hoài Đức - Gia Định thành thông chí, bản dịch Viện sử học, NXB Giáo dục, 1998, trang 25). Ta có thể biết lưu dân người Việt ở Bình Dương đã có nhiều giàn trầu quen thuộc qua những câu hát ru em ở làng Tương Bình Hiệp:

“Trồng trầu thì phải khai mương

Làm trai hai vợ phải thương cho đồng”

Hoặc :

“Đi đâu cho đổ mồ hôi

Chiếu trải không ngồi, trầu dọn không ăn”

Từ thế kỷ XVII về sau, lưu dân người Việt đến miền Đông Nam bộ với số lượng đông, họ chọn nơi sinh sống là ven sông, rạch và chọn nghề trồng lúa là chính, vì vậy dân ca và thơ ca dân gian thể hiện rất rõ đời sống của lưu dân gắn liền với ruộng đồng và nghề trồng lúa:

“Cái cò cái vạc cái nông

Sao mày giậm lúa nhà ông hở cò

Không không tôi đứng trên bờ

Mẹ con nhà nó đổ ngờ cho tôi

Chẳng tin thì ông đi coi

Mẹ con nhà nó còn ngồi đây kia”

***

Hoặc:                                              

“...Cái ngủ mày ngủ cho lâu

Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về”

Ngoài  trồng cây ăn trái, lưu dân người Việt ở Bình Dương xưa còn trồng nhiều loại rau mà không thể thiếu giàn bầu quen thuộc, hoặc trái dưa phục vụ cho món ăn dân dã:

“Ví dầu ví dẫu ví dâu

Ăn trộm bẻ bầu, ăn cướp hái dưa”

Chứng tỏ đất Bình Dương trồng được hoa màu (bầu, bí, mướp, dưa chuột, khổ qua, đậu đũa, cà...):

“Một mình lo bảy lo ba

Lo cau trổ muộn, lo cà trổ bông”

(Có dị bản là: lo già hết duyên)

Khi đã ổn định làng xóm, lưu dân người Việt trồng nhiều loại rau ngoài lúa, phụ gia cho bữa cơm gia đình, tên các loại rau này được nhắc đến qua câu hát thể hiện tâm sự người ở lại chịu nhiều đau khổ :

“Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”

Thật vậy, ở trung tâm Thủ Dầu Một có một địa danh là “Bưng Cải” chắc khi xưa trồng cải rất nhiều.  

Những con vật quen thuộc của kênh rạch Nam bộ, của ruộng đồng thời khẩn hoang dễ bắt gặp đâu đó như cò, chim vịt, két...

“Chiều chiều bắt két nhổ lông

Két kêu quớ má đem lồng nhốt con”

***

“Lắng nghe chim vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”

***

“Má ơi con vịt chết chìm

Con thò tay bắt nó, con cá kìm nó cắn con”

Bình Dương có khá nhiều kênh rạch, sông suối, ruộng đồng... nghề mò cua bắt ốc cũng rất phổ biến:

“Má ơi đừng đánh con đau

Để con bắt ốc hái rau cho má nhờ 

Má ơi đừng đánh con hoài

Để con bắt cá nấu canh xoài cho má ăn”

Từ lâu ca dao đã biết: “Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”  Bình Dương là vùng đất có nhiều sông, đất đai màu mỡ, ruộng đồng bát ngát cho nên thơ ca cũng thấp thoáng bóng cò:

“Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”

Nghệ thuật chơi chữ nói lái của người Bình Dương: “Con cò-cò con”. Những câu hát ru em như có chút tinh nghịch, cà rỡn như bản chất người dân Bình Dương (chú cò năn nỉ xáo măng nước phải trong, nếu nước đục chú đau lòng lắm!).

 

Có khi hình bóng chú cò được ẩn dụ cho con người vô ơn bạc nghĩa:

“Uổng công xúc tép nuôi cò

Nuôi cho cò lớn, cò dò cò bay”

Những con vật nuôi gần gũi trong nhà, trong làng phản ánh đời sống của lưu dân người Việt: Con mèo, nhưng có mèo thì phải có chuột:

“Con mèo mày trèo cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

Chuột rằng đi chợ đường xa

Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”

***

“Chuột kêu rúc rích trong rương

Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay

Mẹ hay mẹ hỏi đi đâu

Nói đi hốt muối cho mèo ăn cơm”

Một vật dụng người xưa hay dùng: nồi đồng:

“Con mèo con chuột có lông

Ống tre có mắt, nồi đồng có quai”

Đời sống tinh thần của lưu dân người Việt: trong những đêm cúng đình cả làng nô nức đi xem học trò lễ, hát bội suốt mấy đêm liền, đến nỗi trẻ em cũng biết “làm đào”:

“Má ơi đừng đánh con đau

Để con hát bội làm đào cho má coi”

Dấu ấn thời Pháp thuộc :

“Ví dầu tình bậu muốn thôi

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra

Bậu ra bậu lấy quan ba

Ai cầu bậu lại quét nhà nấu cơm

Nấu cơm rồi lại nấu canh

Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm”

Thơ ca dân gian ở làng Tương Bình Hiệp vô cùng phong phú, bài viết này chỉ chọn một số tư liệu tiêu biểu chưa từng được công bố trong địa chí Sông Bé hoặc quyển: “Dân ca và thơ ca dân gian Bình Dương” của Lư Nhất Vũ và Lê Giang chủ biên. Rất mong góp phần bổ sung tư liệu vào kho tàng văn học dân gian Bình Dương.

Văn hóa dân tộc đã cắm rễ sâu vào lòng đất nước, vào máu thịt con người, nó thấm sâu hàng ngàn năm lịch sử, nó trở thành đạo lý nên có sức sống mãnh liệt. Qua kho tàng âm nhạc dân gian Bình Dương, cụ thể là hát ru, ta có thể tìm hiểu không chỉ về lịch sử khẩn hoang Bình Dương mà còn hiểu biết về đời sống vật chất, tinh thần, tình cảm, tâm hồn, mối quan hệ xã hội...của lưu dân Việt ở Bình Dương thuở xưa.

Ngoài giá trị lịch sử và văn học, thể loại hát ru còn góp phần giáo dục âm nhạc cho trẻ thơ, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ với những hình ảnh quê nhà, những con vật thân thương yêu dấu mà khi lớn lên, đi xa, chúng ta vẫn còn đọng mãi trong ký ức một dấu ấn quê hương không thể lẫn vào đâu được: “Quê hương mỗi người chỉ một...” những bài hát ru còn là những bài học đầu tiên về đạo đức, về cách đối nhân xử thế của con người... những bài học độc đáo MẸ dạy con khi con chưa biết chữ:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời”

Dân ca và thơ ca Bình Dương đã và sẽ góp phần một cách xứng đáng làm cho diện mạo dân ca Nam bộ ngày càng được trọn vẹn hơn, hoàn chỉnh hơn và cân đối hơn.

Bình Dương, ngày 18-8-2008

Thành kính cám ơn song thân đã cung cấp tư liệu cho tôi hoàn thành bài viết này.

NGUYỄN THỊ KIM ÁNH


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24437109