Đất, Người Bình Dương

Chinh phục lực lượng rừng xanh

  • TRẦN THANH ĐẠM - Cán bộ hưu trí
  • 25/07/2012

I

“Giang hồ quen thói vẫy vùng

Việt Minh nổi dậy về cùng với dân”

Rừng Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Tân) rộng khoang 300 ha, thuộc địa hình gò đồi, lượn sóng nhẹ. Trước kia, đây là rừng nguyên sinh có nhiều gỗ, thú rừng, sản vật quý hiếm. Rừng trải dài một màu xanh bát ngát liên hoàn với Tân Uyên, Phú Giáo, tiếp giáp tận Nam Tây nguyên hùng vĩ.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, bọn tư bản Pháp đã ra sức khai thác, vơ vét tài nguyên thuộc địa. Người dân bị bần cùng hóa. Ngoài các thủ đoạn cướp đất lập đồn điền, chúng còn đặt hàng trăm thứ thuế vô lý. Trong khi người công nhân cao su chỉ được lãnh 15 - 20 xu/ngày, mà người nghèo không một tấc đất cắm dùi, phải nộp thuế thân 4,5 đồng/năm (tiền Đông Dương), tức là nếu họ đóng thuế phải nhịn ăn suốt một tháng. Vì thế nhiều người muốn sống công khai hợp pháp phải khai sụt tuổi hay trốn vào rừng, sống ngoài vòng pháp luật để khỏi nộp thuế cho Pháp.

Lúc ấy, ông Phan Văn Liễu (Tám Liễu), sinh năm 1916, quê làng Tân Long, nay thuộc xã Tân Vĩnh Hiệp, có vợ làng Vĩnh Lợi (Vĩnh Tân). Ông có thân hình to lớn, giỏi võ nghệ “giang hồ quen thói vẫy vùng”, được đàn em tôn làm đầu lĩnh. Còn em ruột là Phan Văn Bời (Út Bời), so với anh cũng “người tám lạng, kẻ nửa cân” được cử làm phó đầu lĩnh băng nhóm “lục lâm”.

Băng nhóm này lúc đầu có 8 thành viên, phần lớn là con em nông dân làng Vĩnh Lợi, Tân Long, Khánh Vân... Nhưng ai cũng biết miếng võ có hạng. Họ thường “đón xe làm luật, bắt Tây lấy tiền” trên dốc tỉnh lộ số 2 (ĐT741) từ ngã tư Sở Sao đến Cổng Xanh (Châu Thành) sang tận dốc Hội Nghĩa (Tân Uyên). Có lần, chỉ trong một đêm mà họ đánh cướp của hai nhà giàu ở hai nơi cách xa hơn 15 cây số. Của cải họ kiếm được phần lớn dùng nuôi lực lượng của mình và còn chia cho dân nghèo trong vùng. Họ lúc ẩn, lúc hiện “lai vô ảnh, khứ vô thanh” (đến không thấy, đi không nghe tiếng). Nay họ ở rừng Cây Bông, Sở Tiêu hay rừng Thầy Cai, mai có mặt giữa ban ngày ở rừng Cây Quéo (vườn nhà ông Chín Sầm hiện nay). Vì thế bọn quan cai trị địa phương không tài nào dẹp được họ. Các quan “phụ mẫu” còn lên dây cót cho bọn tay sai: “Gặp họ đâu bắn đó! Cứ bắt được họ sẽ có thưởng!”.

Thế là bọn tay sai đã ra tay bắt bớ tràn lan những người chúng nghi vấn. Nhiều dân phòng đi làm rẫy về chưa kịp ra điểm canh đã bị phạt vạ nặng.

Nhưng “nhất lệ sinh” thì “nhất tệ sinh”, dân phòng đã đồng lòng cho chúng nếm đòn theo lối “cá ăn kiến thì kiến ăn cá”. Một đêm nọ bọn lính huyện cùng quan “phụ mẫu” đi kiểm tra các điếm canh làng Vĩnh Lợi. Dân phòng có mặt không sót một ai. Chúng vừa ra khỏi điếm, dân phòng đã giả ngủ, ngáy khò khò như bò rống. Các “anh chị lục lâm” được dịp “trổ tài” với quan huyện. Họ đã nện thẳng cánh bọn quan lính một trận nên thân. Quan phụ mẫu và lính tru tréo than trời, trách đất thảm thiết. Chờ cho các “anh chị lục lâm” lẩn xa vào rừng, dân phòng mới nổi mõ, la làng: “Bắt cướp!”, Bắt cướp!” để quan quân rút lui đỡ bẽ mặt. Còn dân phòng nhìn nhau cười quá đã!

Nhưng khi 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh được cơ sở ta đưa đến các tay đầu lĩnh. Thấy rõ mục đích của Mặt trận là đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc ta và làm cho người nghèo không còn bị áp bức, nô lệ nữa, ông Tám Liễu và mọi người trong băng nhóm đã tự giác đem nộp hết số vàng bạc lấy được của nhà giàu, chủ sở cho cách mạng và lập ra 1 đại đội võ trang do Tám Liễu làm Đại đội trưởng. Đại đội này đã sát cánh cùng lực lượng võ trang và thanh niên tiền phong của huyện kéo đi giành chính quyền thắng lợi sớm nhất tỉnh ở các xã huyện Châu Thành và bắc Tân Uyên. Lực lượng này còn góp phần bảo vệ căn cứ Vĩnh Lợi cho đến khi kết thúc chiến tranh chống Pháp (1954).

II

“Sau ngày Mỹ chiếm Miền Nam

Rừng xanh có đảng “lục lâm” xưng hùng”

Sau khi bộ đội ta tập kết ra miền Bắc, Mỹ - Diệm ngoan cố phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, tố cộng, diệt cộng khốc liệt!

Do quá bức xúc giữa “Cách mạng hay là chết”, vào cuối năm 1956, nhiều đồng bào xã Phú Hữu (nay thuộc phường Phú Mỹ, TX.TDM) và xã Long Nguyên (Bến Cát), đã viết 10 bức thư gửi lên Bác Hồ và Ban Chấp hành Trung ương Đảng xin cho lập lực lượng võ trang để bảo vệ cách mạng và nhân dân. Vào tháng 12-1956, căn cứ nghị quyết của Bộ Chính trị (cuối 1954) và Dự thảo “Đường lối cách mạng miền Nam) của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ )8-1956), Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đề ra: Khẩn trương xây dựng lực lượng võ trang, bán võ trang để củng cố căn cứ địa.

Thế là, ý Đảng và lòng dân gặp nhau, đã biến thành sức mạnh vật chất.

Ngoài việc củng cố chiến khu Đ, Long Nguyên, Thuận An Hòa, ta đã chú ý phát triển căn cứ Vĩnh Lợi. Rừng Vĩnh Lợi (hồi tháng 1-1950), sau khi lực lượng Tám Liễu, Út Bời ngã Việt Minh, ta đã tổ chức Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ I tại ấp Trao Trảo, xây dựng xã Tân Hiệp cạnh đó trở thành xã kiểu mẫu của tỉnh. Đây còn là nơi chôn giấu nhiều vũ khí, kho tàng của bộ đội trước khi đi tập kết. Nhưng khi bộ đội ta vừa rút đi, băng nhóm “lục lâm'' do Tám Liễu, Út Bời tập hợp lại lấy tên là “Đảng lục lâm” có khắc con dấu hẳn hoi.

Theo ông Ba Lo (con trai Út Bời) kể lại, hồi đó, tuy còn nhỏ nhưng  tôi đã tò mò hỏi cha về con dấu của “Đảng” ông.

Ông Bời bảo: “Đảng lục lâm” ra công khai để cho chính quyền cai trị đương thời biết “cách mạng” vẫn còn ở đây!

Bọn tay sai Mỹ - Diệm tại địa phương lo sợ thanh thế “Đảng lục lâm” tìm cách lôi kéo và tung tin: Lực lượng Rừng xanh đã vào ở với lính địa phương quân đồn Phú Trung (Phú Chánh) rồi!

Ta chưa rõ thực hư thế nào, đã cử các ông Hai Nò, Ba Suối... là cơ sở, vốn có quen biết với Tám Liễu giả đi săn, gác chim vào rừng Vĩnh Lợi thăm dò và bắn tin:

- Các ông không nên đánh cướp tài sản của dân mà nên ủng hộ cách mạng!

Tám Liễu bảo:

- Các ông về nói giúp với bà con là chúng tôi không làm hại bà con đâu! Nhưng cán bộ kháng chiến cứ ở ngoài đó (căn cứ kháng chiến) đi, không nên vào đây với chúng tôi làm gì?

Được biết lực lượng “lục lâm” không đông lắm và không có mục đích chính trị rõ ràng, nên ta quyết tâm tranh thủã họ.

Còn bọn tay sai Mỹ - Diệm, sau khi không lôi kéo được người cầm đầu “Đảng lục lâm” đã tổ chức cài thám báo vào bộ máy tề xã và trong dân để theo dõi họ. Với dã tâm tiêu diệt những người cầm đầu “lục lâm”, chúng đã lu loa:

- Ai giết được Tám Liễu, Út Bời sẽ được thưởng.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một chủ trương: Không để cho địch lợi dụng, lôi kéo lực lượng “lục lâm” mà  tranh thủ họ để phát hiện lực lượng võ trang cách mạng và sớm ổn định căn cứ địa!

Đồng chí Nguyễn Bá Niên (Mười Niên, sau này là Thành ủy viên Thành ủy TP.HCM, kiêm Bí thư Huyện ủy Hóc Môn), Phó Ban binh vận của Tỉnh ủy được phân công về cùng với Huyện ủy Châu Thành tìm cách tranh thủ lực lượng này.

Chấp hành chỉ thị của Tỉnh ủy, Huyện ủy Châu Thành đã cử các ông Cáy, Lộ... bộ đội huyện tìm cách chui vào tổ chức “lục lâm” của Tám Liễu. Tuy hai ông đã chấp nhận sự phân công, nhưng Huyện ủy còn thấy các ông này chưa đủ “đô” để lay chuyển được Tám Liễu, Út Bời. Huyện ủy liền giao cho ông Tư, Huyện đội trưởng lực lượng võ trang huyện (sau này  là Tỉnh đội phó lực lượng võ trang Sông Bé) và ông Lê Văn Tiễu (Ba Đại, Huyện đội phó lực lượng võ trang huyện Châu Thành, quê ấp Tân Hội, xã Tân Hiệp) là cấp trên cũ và có quen biết với Tám Liễu để cùng các ông Cáy, Lộ tìm cách cài người tốt vào lực lượng “lục lâm”. Tuy chưa biết rõ ý đồ của ta, nhưng với tình cảm quen biết cũ nên sau khi bắt liên lạc, Tám Liễu đã hẹn ngày tái ngộ. Hôm các ông Tư và Ba Đại đến, Tám Liễu rối rít gọi đàn em mang rượu ngon, thịt rừng ra đãi khách quý. Khi 4 chiến sĩ ta bày tỏ muốn cùng tham gia lực lượng “lục lâm”, Tám Liễu đã tôn vinh ông Tư và Ba Đại làm “đại ca” và cử hai ông làm “cố vấn” cho Đảng mình. Trong chuyện trò hàng ngày, Ba Đại thường gợi lại chuyện ông Chình, ông Thễ làng Vĩnh Lợi, trước kia đã trốn vào rừng không nộp một xu thuế nào cho Tây, còn lưu danh đến bây giờ. Có lần Ba Đại đem chuyện Tám Liễu dũng cảm, mưu trí diệt ác ở đồn Phú Trung hồi chống Pháp làm cho bọn lính bảo an một thời gian dài, tối đến không dám ló đầu ra khỏi đồn.

Gãi đúng chỗ ngứa, Tám Liễu cứ nhấp nhổm, ngồi không yên. Tám Liễu nổi máu “anh hùng”, miệng văng tục:

- Đ.M!, thằng Một Chồi (Trưởng đồn ác ôn đồn Tân Khánh), thằng Mì (phụ tá Quận trưởng, Chủ tịch Hội đồng xã Phú Mỹ), tụi bây đừng hòng giết được tao! Tao đã có các “đại ca” giúp!

Ba Đại biết tính hay bốc đồng của Tám Liễu, đã bảo:

- Tám Liễu đừng nóng!

Tám Liễu bỗng tự đứng dậy nói:

- Chú Tư và anh Ba đã thật lòng giúp. Vậy các “đại ca” về nói với ông Ba Thuấn (Bí thư Huyện ủy Châu Thành) giùm:

- Tám Liễu này xin chịu sự lãnh đạo của huyện, sẽ đem lực lượng “lục lâm” đi diệt ác ở Châu Thành, Tân Uyên để lập công.

III

“Mượn danh là “Đảng Lục lâm”

Phá kìm, diệt ác góp phần giành dân”

Vào những ngày đầu chống bọn tay sai Mỹ - Diệm gian ác, ta dùng lực lượng võ trang nhỏ với danh nghĩa “lực lượng lục lâm”, tiến công địch ở mọi nơi để trả thù cho những người yêu nước bị chúng giết hại. Bọn địch đành câm miệng, không dám vu cáo ta vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ!

Nhiều lần ta sử dụng một số tay súng với 1 súng tôm–xông và lựu đạn dám xông vào đồn bảo an Sở Bác vật, An Hòa, Tây Bốc (Tân Hội)... quân đông cấp tiểu đoàn, có công sự che chắn. Ta còn mưu trí chặn đánh diệt 3 xe lính bảo an hộ tống tên chủ sở gian ác Nguyễn Đình Quát ở tỉnh lộ số 2 (ĐT741).

Nhưng táo bạo hơn cả là vào đêm rằm tháng 10 âm lịch (tháng 11-1957), đình Phú Hữu (xã Phú Mỹ) tồ chức lễ khánh thành, hát bội 3 ngày đêm. Tên Mì, quê Phú Hữu (phụ tá Quận trưởng Châu Thành, kiêm Chủ tịch Hội đồng xã Phú Mỹ) cũng có mặt. Hắn đã chỉ điểm giết hàng trăm cán bộ, du kích ta; trong đó bắt sống ông Vũ Duy Hạnh, nguyên Phó Bí Tỉnh ủy và bà Lưu Thị Hồng Thoại, Tỉnh ủy viên đi công tác qua làng). Trong buổi lễ này chúng đã huy động 2 tổng đoàn dân vệ, công an quận và 1 tiểu đoàn lính bảo an đến chia nhau 3 vòng canh gác nghiêm ngặt.

Ba chiến sĩ trinh sát của ta do “đại ca” Tư Bình chỉ huy. Các chiến sĩ ta mặc pi-ja-ma, đội mũ phớt, đi xe mô-bi-lét “xịn” theo kiểu dân “anh chị” giả xem hát, đánh bạc. Riêng việc tập động tác thắng xe “cái cụp” theo kiểu chúng phải mất hàng tháng.

Ta đã tranh thủ nắm tên Bê, em tên Mì từ trước. Hôm đó, các chiến sĩ ta thắng xe “cái cụp” trước cổng đình và hiên ngang tiến vào đình.

Đến khuya, ông Tư nới với tên Bê:

- Phải ăn gì rồi mới chơi bài tiếp được!

Nó bảo:

- Khuya rồi! Hàng quán đã dọn về ráo trọi, còn gì mà ăn! Bây giờ theo tao vào trong gian giữa, kiếm xôi ăn cho đỡ đói.

Ông Tư nói:

- Đi thì đi ! Nhưng lẹ lên chớ đói lắm rồi!

Ba chiến sĩ ta theo tên Bê lọt qua được 3 vòng gác đến gian giữa. Tên Bê giục thằng em nó đang canh cho tên Mì, ôm con đào hát ngủ.

- Vô trong bưng xôi lẹ ra cho các anh ăn nghe mậy!

Chúng loay hoay vào bàn thờ tìm xôi. Ông Tư nhanh như chớp nhảy ra đứng ngay dưới chân tên Mì, rút súng Brao-ning bắn mấy phát. Tên Mì chết không kịp ngáp.

Các chiến sĩ ta hô toáng lên:

- Tụi lính đánh bạc rồi bắn lộn nhau!

Mấy tên bảo an ngái ngủ văng tục:

- Đ.M ta bây! Ăn thua cho dữ rồi đánh nhau, chết là đáng tội!

Mọi người nhốn nháo như ong vỡ tổ. Ba chiến sĩ ta nhanh chóng tẩu thoát an toàn.

Bị thua đau, bọn tay sai Mỹ - Diệm đã điên cuồng tìm diệt người cầm đầu lực lượng “lục lâm”. Thâm độc hơn, tên Một Chồi, Trưởng đồn Tân Khánh đã mua chuộc được tên R, trước kia trong tổ chức “lục lâm” đã  bị đuổi ra khỏi “Đảng”. R đã gài bẫy:

- Mời Út Bời về nhà để giải quyết việc gia đình (con của chị vợ Út Bời, có chửa với R).

Út Bời không ngờ tên R có súng và có thể giết mình nên đã về nhà vào cuối năm 1958. Út Bời vừa bước vào nhà, tên R đã phục sẵn bên trong liền nổ súng rồi bỏ chạy. Con gái Út Bời kêu cứu. Vợ ông và bà com xúm lại khiêng Út Bời đi giấu để cứu chữa. Nhưng tên R đã quay lại bắn bồi, giết Út Bời và đến đồn lãnh thưởng 50.000 đồng!

Nghe tin Út Bời bị giết, Tám Liễu đang ở Phước Tân (Biên Hòa), nóng ruột đã trở về Vĩnh Lợi để củng cố lực lượng. Nhưng vì quá sốt sắng với công việc nên Tám Liễu lại bị mắc mưu địch. Tên H, trước cũng ở trong “Đảng lục lâm”, nhưng do vi phạm đã bị đuổi ra, được tên Một Chồi mua chuộc, tìm cách giết Tám Liễu.

Tám Liễu vừa đi ngang qua nhà bà nội của H. Bà nội của hắn giả lả:

- Lâu quá mà không thấy thằng Tám đến nhà! Vô đây ăn với bà miếng củ lang cho vui!

Tám Liễu vừa đặt khẩu súng mi-tuyn đã lên đạn xuống phản, hai vệ sĩ của ông bước ra sau nhà cảnh giới. Tên H đã phục sẵn trong nhà vọt ra chụp lấy súng. Tám Liễu vẫn còn tin “không lẽ nó bắn mình” đã nói:

- Súng có đạn đó nghe không mậy!

H đáp:

- Tui biết bắn chớ không đâu mà lo!

Hắn đã nhắm vào ngực Tám Liễu bóp cò rồi bỏ chạy.

Hai vệ sĩ của ông đã đuổi theo H. Bà con lối xóm kéo nhau đến khiêng xác Tám Liễu đi giấu ở Hóc Ông Tố. Nhưng bọn lính bảo an đã phục kích sẵn bên ngoài, xô cửa nhảy vào giành lại xác Tám Liễu để đưa đến đồn lãnh thưởng.

Sau khi người cầm đầu “Đảng lục lâm” bị địch hãm hại, các đảng viên của ta cài vào từ trước đã trực tiếp lãnh đạo lực lượng này và biến họ thành bộ đội huyện Châu Thành.

IV

“Bấy giờ bão lặn Rừng xanh

Chút còn ân oán, phân minh báo đền”

Vào cuối năm 1959, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 chưa về đến tỉnh Thủ Dầu Một, nhưng lực lượng võ trang và bán võ trang của tỉnh đã phát triển khá. Các huyện Tân Uyên, Bến Cát, Lái Thiêu có từ trung đội đến đại đội võ trang tập trung. Ở huyện Châu Thành, nhiều người trong tổ chức “lục lâm” đã được Đảng giáo dục trở thành những “anh chị thứ thiệt” tự giác gia nhập vào đại đội võ trang tập trung.

Ngày 26-2-1960, lực lượng võ trang huyện đã hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy bao vây đồn Phú Hữu (xã Phú Mỹ). Nhiều gia đình binh sĩ đã kéo đến đồn đấu tranh đòi chồng con, đòi phá bỏ ấp chiến lược. Bọn tề ngụy hoảng hốt trốn chạy.

Vào tháng 2-1961, lực lượng võ trang các xã trong huyện đã phục kích tại Cầu Cháy (Phú Mỹ đi Bưng Cầu), diệt tên Thành là “anh hùng Bình Dương” của chúng.

Đáng chú ý nhất là trận đội trinh sát huyện bí mật, táo bạo diệt tên Một Chồi ngay tại cổng đồn Tân khánh làm hả lòng, hả dạ bà con trong vùng. Một Chồi, tên trưởng đồn có nhiều mưu sâu, kế hiểm. Hắn đã khoét sâu mâu thuẫn nội bộ, gài bẫy cho bọn tay sai bắn chết Tám Liễu, Út Bời và bàn tay vấy máu của y đã giết hàng trăm cán bộ, đảng viên của ta.

Lúc đó, đồn nằm đối diện với rạp hát Tân Khánh. Nắm được quy luật, hễ cứ xâm xẩm tối khi tiếng trống chầu và kèn nhạc rộn rã như giục giã, bà con từ các ấp, kể cả lính đồn cũng kéo nhau đến xem hát. Ta chủ trương “giết cho được tên Một Chồi mà không làm thiệt hại cho nhân dân”.

Vào một đêm đầu năm 1959, 3 chiến sĩ trinh sát của ta là Lanh và Sa (con người anh thứ 5 của Tám Liễu), do Tư Bình chỉ huy. Ta cải trang làm lính ngụy, lận súng ngắn vào trong lưng quần đi xem hát. Một Chồi vừa ra khỏi đồn, hắn bước vào quán giải khát gần đó, chiến sĩ ta liền bám theo. Chiến sĩ ta quắc mắt nhìn chằm chằm vào hắn. Bắt gặp cặp mặt nảy lửa của chiến sĩ ta, hắn giật thót người. Hắn quay lưng chạy vào đồn, miệng la lớn:

- Coi chừng tụi nó bắn tao!

Hắn vừa chạy tới cổng đồn, liền đối mặt với Sa. Lập tức Sa rút súng đã lên đạn xỉa vào ngực nổ mấy phát. Hắn lảo đảo rồi ngã gục như con cọp dữ bị trúng đạn. Nghe súng nổ, tên lính gác run lẩy bẩy ôm súng chạy vô đồn. Sa kịp thời nổ súng vào lưng, hạ thêm tên lính gác.

Cả rạp hát xô nhau chạy ra đường. Các chiến sĩ ta chen vào biển người hỗn loạn để thoát ra ngoài an toàn.

x

x  x

Rừng Vĩnh Lợi cây cối rậm rạp trở thành căn cứ an toàn của huyện Châu Thành. Bộ đội huyện Châu Thành bám địa bàn vận động phát triển du kích đông về số lượng, mạnh về kỹ chiến thuật đánh địch. Tại hội nghị du kích chiến tranh toàn miền lần thứ 3, Đại đội trưởng Võ Thành Long đã báo cáo kinh nghiệm sử dụng súng ngựa trời và đạn pháo 105 ly lấy được của Mỹ đánh Mỹ, bảo vệ căn cứ. Mùa xuân Mậu Thân (1968), bộ dội huyện Châu Thành và du kích xã Vĩnh Tân đã mưu trí gài trái, dùng súng tự tạo bắn cháy 4 xe tăng, 3 xe ủi đất tiêu diệt nhiều lính Mỹ ở chốt Cổng Xanh, phá âm mưu bung ra, hòng đẩy lực lượng ta xa các căn cứ Phú Lợi, Lai Khê của chúng.

Suốt 2 thời kỳ kháng chiền vừa qua, Vĩnh Tân đã huy động lực lượng, lúc cao nhất có 80% dân số vào du kích, có 302 gia đình liệt sĩ, 16 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Xã Vĩnh Tân được tuyên dương là đơn vị Anh hùng lực lượng võ trang nhân dân. Đại đội trưởng trinh sát Võ Thành Long được tuyên dương là Anh hùng lực lượng võ trang nhân dân ngày 6-11-1978. “Đại ca” Tư Bình (Nguyễn Thanh Bình) sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển hóa lực lượng “lục lâm” được cử giữ chức Tỉnh đội trưởng lực lượng võ trang tỉnh bình Long, rồi tỉnh Bình Phước (cũ) thời kỳ 1968-1975 và Tỉnh đội phó Tỉnh đội Sông Bé sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. “Đại ca” Ba Tiễu (Lê Văn Tiễu) được rút về Tỉnh đội phó Tỉnh đội Bà Rịa, đã hy sinh trong kháng chiến, được công nhận là liệt sĩ. Ông Chín Đàn, “đệ tử” của Tám Liễu, sau này là đảng viên, Bí thư Chi bộ xã Khánh Bình.

Xã Vĩnh Tân còn để lại dấu ấn về truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Theo ông Nguyễn Văn Bân, 73 tuổi, em vợ Út Bời kể lại. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các con của hai ông Tám Liễu và Út Bời, tỏ ý muốn báo thù những người đã giết hại cha mình, nhưng bà con Vĩnh Tân đã bảo:

- Đem lòng nhân ra xử thế là tốt. Còn đem oán ra xử thế là không phải bậc “đại trượng phu”. Bởi lẽ, người “trượng phu” không bao giờ báo thù những kẻ đã quỳ gối đầu hàng mà còn sống!

Lực lượng “lục lâm” tuy “giang hồ quen thói vẫy vùng”.  Dù họ có mang tiếng là “lục lâm khảo khấu” nhưng cướp chỉ là phương tiện. Còn việc làm của họ có nghĩa khí, lập ra “Đảng lục lâm” để chống bọn cường quyền áp bức, tham quan, ô lại, lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo, bảo vệ dân. Vì vậy, họ được nhân dân bảo vệ, che chở.

Nhận rõ bản chất của họ là không có mục địch chính trị rõ ràng, nên Đảng bộ tỉnh Bình Dương và Huyện ủy Châu Thành đã có những chủ trương đúng đắn, kiên trì thuyết phục người cầm đầu, tranh thủ những phần tử nông nổi, hạn chế tối đa tổn thất, chuyển hóa số đông thành “anh chị thứ thiệt” là cán bộ, đảng viên, bộ đội cách mạng, góp phần làm thất bại âm mưu nham hiểm của Mỹ – ngụy. Nhiều người lập công xuất sắc sau này được công nhận là liệt sĩ, được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chuơng kháng chiến các hạng.

Từ đó, Rừng xanh đã trở về đúng với nguyên nghĩa của nó.

T.T.Đ

 

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử truyền thống xã Vĩnh Tân, Tân Định, Phú Mỹ, huyện Tân Uyên, TX.TDM.

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2003).

- Hồi ký của đồng chí Nguyễn Bá Niên (viết tay).

- Các nhân chứng lịch sử: Tư Bình (TX.TDM), Hồ Thanh Vân (Vĩnh Tân), Ba Lo (thị trấn tân Phước Khánh), Nguyễn Văn Bân (Tân Vĩnh Hiệp) kể.

TRẦN THANH ĐẠM - Cán bộ hưu trí


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24437655