Đất, Người Bình Dương

Guốc mộc và xóm làm guốc ở Phú Thọ một nghề thủ công truyền thống xưa của đất Bình Dương

  • ĐOÀN THANH TUYỀN (Bảo tàng tỉnh Bình Dương)
  • 25/07/2012

Xóm làm mộc ở Phú Văn, xã Phú Thọ (nay thuộc phường Phú Thọ), tại TX.TDM không những chỉ âm vang tiếng đục, tiếng gõ của nghề điêu khắc chạm trổ trên gỗ mà từ lâu lắm cũng đã vang lên những tiếng cưa tiếng xẻ của nghề làm guốc mộc.
 

 Theo lời kể lại của nhiều người thì nghề làm guốc mộc ở đây xuất hiện khoảng hơn 100 năm. Theo tài liệu được thống kê tại địa chí Thủ Dầu Một năm 1901 thì tại xóm làm guốc Phú Văn có trên 80 hộ gia đình sống bằng nghề làm guốc  từ cha truyền con nối. Và từ lâu con đường này được nhân dân địa phương quen gọi là đường xóm guốc. Đến năm 1999, tên đường này được công nhận và ghi vào hệ thống các tên đường của TX.TDM.

 Do nhu cầu sinh hoạt và làm đẹp của con người đã sản sinh ra nghề làm guốc. Tuy lúc đầu có liên quan đến nghề mộc cổ truyền nói chung nhưng khi hình thành nghề làm guốc thì hoàn toàn độc lập và mang nặng bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc vì đôi guốc là vật dụng rất thân thiết với người dân Việt từ thời xa xưa trước khi đôi dép, đôi giày bằng da, bằng nhựa lần lượt ra đời với nhiều kiểu dáng đẹp và lạ mắt. Đâu đó trong phim truyện Việt Nam, chúng ta vẫn còn bắt gặp một vài ông già Nam bộ còn mang guốc dong và búi tóc sau đầu với bộ trang phục bà ba đen rặc chất Nam bộ.

Về thể loại guốc gồm có: Guốc mộc, guốc sơn, về sau guốc được kết hợp với loại nghề truyền thống khác làm thành đôi guốc sơn mài có dáng vẻ màu sắc mỹ thuật trông rất hấp dẫn.

Dụng cụ để làm guốc thật đơn giản: chỉ cần một chiếc cưa tay, một thớ gỗ vụn, người thợ ngày xưa theo mẫu có sẵn xẻ thành một đôi guốc thô. Gỗ dùng làm guốc thường phải đạt yêu cầu: Xốp và nhẹ nhưng phải bền chắc không lõi. Các loại cây gỗ dùng để làm guốc là loại gỗ: Mít, dong, lùn mứt... Loại cây này dễ cưa xẻ, vừa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Để làm ra các loại guốc đa dạng về kiểu dáng và mẫu mã thì ngay từ lúc đầu các cơ sở sản xuất guốc đều chỉ làm ra đôi guốc mộc. Đây là đôi guốc được dùng nguyên chất liệu và màu sắc của gỗ, chỉ cần cưa xẻ, bào gọt thành hình đôi guốc rồi chà láng, đóng quai và đem đi tiêu thụ, sử dụng. Nhờ có nguồn nguyên liệu gỗ thật dồi dào, cộng với nhiều lao động nhàn rỗi như: Phụ nữ, trẻ em, những người lớn tuổi nên Bình Dương cũng đã sản xuất đại trà các loại guốc sơ chế và cung cấp cho các cơ sở guốc ở Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định để các nơi này hoàn tất sản phẩm cho ra đời những đôi guốc thành phẩm.

Vào những thập niên 20 đến 70 của thế kỷ XX, xóm làm guốc Phú Thọ làm ăn rất thịnh vượng. Loại guốc xuồng đáp ứng nhu cầu người bình dân gần như tiêu thụ rộng rãi trong khắp cả nước. Bên cạnh đó, những loại guốc kiểu, guốc có chất liệu tốt, trang trí màu sắc mỹ thuật, hoa văn thật bắt mắt đã chiếm lĩnh thị trường của cả khu vực Đông Nam Á và một vài nước ở châu Âu. Ở giai đọan này, hàng năm xóm làm guốc ở Phú Thọ sản xuất hàng ngàn đôi guốc thô, nuôi sống gần 1.000 người thợ và gia đình họ với mức sống khá giả và sung túc. Kỹ thuật làm guốc ngày càng được cải thiện, thay vì dùng cưa tay, các cơ sở làm guốc trang bị các dạng máy cưa đơn giản, thường là cưa lọng nên sản xuất hàng loạt và nâng cao được chất lượng sản phẩm.

Nghề làm guốc ở Phú Thọ chủ yếu cưa, lọng guốc theo dạng thô, tạo dáng guốc theo kiểu đơn giản. Công việc vẽ guốc, trang trí, đóng quai để làm thành phẩm thường được các nơi khác thực hiện như: Sài Gòn, Chợ Lớn... Một cơ sở làm guốc không nhiều nhân lực: Chỉ có một thợ chính cưa, lọng và từ 1 đến 3 thợ phụ (vẽ mẫu guốc) thường là phụ nữ, trẻ em thì làm các công đoạn đơn giản, rất thích hợp cho từng hộ gia đình.

Vào các thập niên 60, 70 ở thế kỷ trước, có một số cơ sở, nhất là vùng giáp ranh với Sài Gòn, Gia Định như: Bình Nhâm, Vĩnh Phú còn sản xuất guốc sơn và đặc biệt là guốc sơn mài để cung cấp cho thị trường guốc mỹ thuật thời trang, theo thị hiếu tiêu dùng của các đô thị thời bấy giờ. Nghề guốc Bình Dương có nhiều ưu thế và dễ phát triển nhờ các cơ sở, làng guốc ở đây luôn biết tận dụng nguyên liệu dồi dào tại chỗ lại tiếp cận được thị trường đầu mối rộng lớn là thành phố Sài Gòn. Hơn nữa lao động làm guốc không phải là lao động nặng nhọc mà chỉ đòi hỏi sự khéo léo cần mẫn trong quá trình sản xuất ra loại sản phẩm này. Người thợ chính giữ phần sáng tác, tạo ra những mẫu mới nhằm kịp thời đáp ứng được nhu cầu về thẩm mỹ và thị hiếu của người tiêu dùng, các thợ khác cứ theo đó mà cưa bào, tỉa gọt, đánh bóng, đóng quai và hoàn thành sản phẩm một cách dễ dàng, nhanh chóng. Nếu là guốc sơn, sơn mài thì chuyển qua bộ phận chuyên về sơn, sơn mài hoặc chuyển đến các cơ sở chuyên thực hiện tiếp công đoạn cuối cùng của sản phẩm.

Nghề làm guốc hoạt động chủ yếu là gia công tại nhà hoặc một nhóm hộ liên kết lại với nhau. Riêng xóm làm guốc Phú Thọ từ lâu đã cung ứng một lượng hàng đáng kể có chất lượng cao trong một thời gian dài và đã tạo được một thương hiệu có uy tín. Sản phẩm guốc Bình Dương không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, trong khu vực mà còn xuất khẩu sang một số nước châu Á, nhiều nhất là Campuchia và Lào. Trong những năm gần đây, khi chất lượng mẫu mã các loại giày dép hàng hiệu thời trang cực kỳ phong phú và bắt mắt đang tràn ngập trên thị trường. Trước những thách thức đó, đôi guốc mộc của Bình Dương tưởng chừng như bị loại bỏ ra khỏi quy luật tự nhiên của con người trong xã hội hiện đại. Thế nhưng nghề guốc Bình Dương vẫn sống, vẫn tồn tại vì vẫn còn một số bộ phận khách hàng riêng. Có được chỗ đứng trên thị trường như vậy là nhờ sự nhạy bén, óc sang tạo và sự năng động không ngừng của người thợ thủ công, sự cần mẫn và khéo léo kết hợp giữa nghề làm guốc và kỹ thuật sơn mài truyền thống của địa phương đã tạo ra một sản phẩm mới vừa mang vẻ đẹp truyền thống vừa có dáng dấp của xu thế thời trang hiện đại. Đó không chỉ mở ra cho đôi guốc Bình Dương một triển vọng mới mà cho cả đôi guốc truyền thống Việt Nam.

Nghề làm guốc cũng ít nhiều nỗi thăng trầm, không ổn định. Từ thập niên 70 cho đến nay do sự cạnh tranh gay gắt của các loại giày, dép da, nhựa. Hiện tại nhu cầu làm đẹp của giới nữ chủ yếu là ở các loại guốc có kiểu dáng đẹp và sang trọng. Hơn nữa trong thời đại công nghiệp như hiện nay hình như đôi guốc ít khi phù hợp với người phụ nữ hiện đại cho lắm, thẩm mỹ về thời trang ngày nay không còn thông dụng như thời trước nữa. Vì thế nghề làm guốc không được rầm rộ như xưa. Số hộ làm guốc ở đây còn chỉ độ khoảng trên dưới 20 hộ, quang cảnh nhộn nhịp của xóm guốc ngày xưa bây giờ có vẻ như yên ả và tĩnh lặng hơn. Trước nền công nghiệp hiện đại ngày càng phát triển, âm vang một làng nghề truyền thống đang dần bị đẩy lùi vào trong quá khứ của vùng đất một thời vang bóng đã đi vào ký ức và lịch sử vì chính nơi đây đã hình thành nên chiếc nôi truyền thống của nghề làm guốc đã từng tồn tại và phát triển hơn một thế kỷ.

Ngoài xóm làm guốc ở Phú Thọ, TX.TDM ra ở xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, Bình Dương hiện đang tồn tại một Công ty TNHH Hùng Thái (anh Thái Văn Hùng, là con trai của ông Ba Thân, một trong những cơ sở làm guốc lâu năm theo kiểu cha truyền con nối của đất Bình Nhâm), đây cũng là một địa chỉ tạo việc làm cho hơn 60 công nhân với bình quân khoảng một triệu đồng/người/ tháng. Được biết 5 người con của ông Ba Thân đều làm nghề guốc theo kiểu cha truyền con nối. Dù là nghề có lắm nỗi thăng trầm nhưng cha con của ông vẫn kiên trì với nghề nghiệp. Cho đến nay đôi guốc của cơ sở này đã có mặt nhiều trên thị trường các nước châu Á, châu Âu, cụ thể là các nước: Nhật, Malaysia, Đài Loan...

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bình Dương miền đất anh hùng, NXB trẻ, Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương 2006.

2. Làng nghề Bình Dương, Nxb trẻ TP.HCM - 2008.

3. Làng nghề guốc Bình Nhâm - congdulich com.htm

ĐOÀN THANH TUYỀN (Bảo tàng tỉnh Bình Dương)


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24466298