Đất, Người Bình Dương

Bình Dương và Nam Bộ hướng về đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

  • Trần Thanh Đạm
  • 25/07/2012

Vào dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, độc lại bài thơ “Nhớ Bắc” của nhà thơ chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ càng thấm thía tình cảm Bắc – Nam và tha thiết nhớ về cội nguồn của dân tộc.

Bởi đất nước ta là một dải thống nhất trải dài từ  Hữu Nghị Quan đến tận mũi Cà Mau. Người Việt Nam ta là con Hồng, cháu Lạc “cây một gốc, con một nhà”. Truyền thống đoàn kết đó, đã được thơ ca dân gian khái quát: “Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Nhưng tình cảm Bắc – Nam ngày càng gắn bó sâu đậm hơn một khi bờ cõi, giang sơn ta bị quân thù xâm lấn. Đó là, khi giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2, gây hấn ở Nam Bộ. Bác Hồ đã khẳng định trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới rằng “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”, “Nam Bộ luôn luôn ở trong trái tim của tôi”. “Máu chảy ruột mềm”, những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, hàng vạn nam nữ thanh niên miền Bắc, miền Trung hảng hái lên đường Nam tiến cùng sát cánh với nhân dân Nam Bộ chống  giặc ngoại xâm. Sau khi nước ta giành độc lập, ngân khố quốc gia trống rỗng do giặc Pháp vơ vét sạch, nhân dân Thủ Dầu Một cùng cả Nam Bộ đã hưởng ứng “Tuần Lễ Vàng”, gửi ra Chính phủ Trung ương hàng trăm ký vàng để chuẩn bị kháng chiến, kiến quốc. Trong kháng chiến gian khổ, “đi trước về sau” nhưng nhân dân Miền Nam luôn tin tưởng vào người cầm lái vĩ đại Hồ Chí Minh với thủ đô chung ngàn năm văn hiến: “Lòng ta chung một cụ Hồ/ Lòng ta chung một thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”(Ta đi tới – Tố Hữu)

Suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống giặc Pháp và xâm lược Mỹ, cả hai miền Nam- Bắc đã hợp đồng chặt chẽ: “Miền Nam gọi, Miền Bắc trả lời”  và ngược lại đã tạo thành một sức mạnh thiêng liêng “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Đề cho chiến dịch biên giới năm (1950) giành thắng lợi, Miền Đông Nam Bộ mở chiến dịch Bến Cát kìm chân địch. Chiến thắng Cầu Định, Bến Tranh (Bến Cát) 1954, Thủ Dầu Một đã góp phần chia lửa cùng chiến dịch. Điện Biên Phủ thắng lợi “lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu”. Khi giặc Mỹ và tay sai trả thù những người yêu nước, đầu độc tù chính trị ở nhà tù Phú Lợi (Thị xã Thủ Dầu Một), lập tức cả miền Bắc xuống đường biểu dương lực lượng đòi Mỹ ngụy phải chấm dứt giết người dã man, đòi cứu chữa những người bị đầu độc còn sống sót, đòi giải tán ngay mọi nhà tù địa ngục trần gian. Giữa lúc quân Mỹ ào ạt đổ vào miền Nam hòng cứu quân ngụy sắp chết chìm, tiến hành chiến tranh cục bộ, đánh phá ác liệt miền Bắc, cả miền Bắc sôi nổi thi đua: “Một ngày làm việc bằng 2 vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến để đánh thắng giặc Mỹ”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”. Nhiểu tỉnh quyết tâm thực hiện: “Lương không thiếu một cân, quân không thiếu một  người”. Quân dân miền Nam đã đánh phủ đầu quân Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam), Ba Gia, Vạn Tường (Quảng Ngãi), Đèo Nhung - Dương Liễu (Bình Định), Play me  (Gia Lai), Đất Cuốc, Bàu Bàng, Dầu Tiếng  (Bình Dương) ngay sau khi chúng bén mảng tới. Bác Hồ dã gửi thư khen trong tết Bính Ngọ (1966): “Mừng miền Nam rực rỡ chiến công/ Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Play me, Đà Nẵng…” Khi giặc Mỹ dùng B52, hủy diệt nhiều nơi ở Hà Nội (1972), ở Miền Đông Nam Bộ mở chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng huyện Lộc Ninh và làm chủ nhiều đoạn đường quốc lộ 13, mở rộng vùng giải phóng từ chiến khu Đ (Bình Dương) đến Dương Minh Châu (Tây Ninh). Với khí thế đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào” theo tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào xuân năm 1975 cả nước đã hành quân “thần tốc” và “thần tốc” hơn nữa làm thành 5 mũi chủ yếu tiến công vào giải phóng Sài Gòn, thu non sông về một mối.

Hơn lúc nào hết vào những ngày lễ trọng đại của dân tộc này, là người Bình Dương – Nam Bộ dành nhiều thời gian đọc và suy ngẫm khổ đầu bài thơ “Nhớ Bác” của thi tướng quân Huỳnh Văn Nghệ để càng hiểu sâu sắc về tình cảm của người phương Nam với Thủ Đô và Thủ Đô với người phương Nam, nhà thơ chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ (1914 – 1977)quê Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, nay thộc tỉnh Bình Dương(*). Bài thơ ra đời trong bối cảnh nhân dân ta vui mừng với nước nhà độc lập chưa đầy một tháng, ngày 23 tháng 9 năm 1945, bọn thực dân Pháp với dã tâm trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2. Chúng đã lầm tưởng có sự giúp sức của quân đội Anh, Nhật có thể nuốt chửng nước ta trong vòng 18 ngày. Nhưng chúng đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt trong âm mưu đánh nhanh thắng nhanh và lập ra chính phủ “Nam Kỳ Quốc”, hòng tách Nam Bộ ra khỏi ViệtNam. Tác giả bài thơ “Nhớ Bắc” là nhà hoạt động chính trị, quân sự, là trưởng đoàn đại biểu quân sự khu Miền Đông tại hội đàm với tướng Fehler, tư lệnh khu Đông của Pháp, bàn việc thi hành hiệp định sơ bộ 06.03.1946. Fehler là một tên thực dân cáo già, hắn không đi thẳng vào nội dung hội đàm mà cố tình ly gián tình cảm Bắc-Nam ngay trong phái đoàn của ta. Hắn nói:

-                      Trong phái đoàn của ông đa số là người Bắc có đúng không? Cả quân khu trưởng Nguyễn Bình cũng là người miền Bắc.

Trưởng đoàn Huỳnh Văn Nghệ đã khéo léo nói:

-                      Nước Việt Nam của chúng tôi có 3 miền: Bắc-Trung-Nam. Phái đoàn của chúng tôi cũng có đủ 3 miền, luật sư Lê Đình Chi quê ở miền Bắc, giáo sư Phạm Thiều quê miền Trung, chánh văn phòng Võ Bá Nhạc quê miền Nam.

Vẫn giọng lưỡi láo cá đó, hắn trắng trợn bảo:

-                      Chính ông, tôi nghĩ cũng là người miền Bắc, có đúng không?

Trưởng đoàn Huỳnh Văn Nghệ nở nụ cười mỉm, vặn lại:

-                      Thưa ngài, căn cứ vào đâu ngài dám quả quyết tôi là người miền Bắc?

Hắn tỏ ra đắc ý, tưởng rằng trưởng đoàn của ta đã mắc mưu của chúng. Hắn cười ngặt nghẽo, miệng lầu bầu lặp lại:

-                      Ô là là, ông là người miền Bắc có đúng không?

Trưởng đoàn Huỳnh Văn Nghệ nở nụ cười xã giao và trả lời rành rọt  bằng tiếng Pháp:

Certeinement je suis Tonkinois, mais depuis troiscent tans? (đúng tôi là người miền Bắc nhưng trước đây 300 năm).

Fehler cúi gầm mặt xuống bàn có vẻ xấu hổ, nói lí nhí sang chuyện khác.

Huỳnh Văn Nghệ là nhà thơ chiến sĩ vốn nhạy cảm, giàu lòng tự tôn dân tộc và có tầm nhìn lớn và viết bài thơ thần  “Nhớ Bắc” vào thời điểm đó.

Tuy bài thơ ra đời sau hơn 200 năm kể từ khi lưu dân người việt xuống phía Nam lập nghiệp. Những bài thơ đã khái quát được cả một quá trình hình thành và phát triển của người đi mở đất và còn mang tính thời sự đến hôm nay. Cả bài thơ là một bản tình ca Bắc - Nam ruột thịt bất diệt. Nhân dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, ta đọc khổ đầu có sức hấp dẫn kỳ diệu. Hai câu đầu “Có ai và Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng” từ “về” trong câu “Có ai về Bắc ta đi với”và từ “lại”trong câu “thăm lại non sông giống Lạc Hồng” đã chỉ rõ người đi mở cõi phương Nam trước đây là xuất xứ từ miền Bắc. Còn cụm từ “ta đi với” là tấm lòng nhớ nhung tha thiết quê hương, giống nòi (Lạc Hồng)của những người con xa xứ.

Hai câu cuối “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Từ “độ” là ngôn ngữ địa phương và khẳng định, đây là tiếng nói của người đi mở cõi phương Nam. Cũng có sách in từ “thửa” thay cho từ “độ” nhưng “thửa” là tiếng phổ thông, không khẳng định được tiếng nói của người đi mở cõi. Tác giả mô tả “mang gươm đi mở cõi”vừa oai vệ, nhưng lại là đi khai hoang nên rất dễ thương. Vì họ mang gươm đi lập nghiệp để mưu sinh chứ không phải đe dọa ai. Việc mang gươm đi mở cõi là để tự vệ, đuổi hùm beo thú dữ và có trách nhiệm bảo vệ quê hương miền Bắc. Và phải chăng ngày ấy, ông cha ta đã sớm biết kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng. Người đi mở cõi hồi đó có thể chịu nhiều gian khổ hy sinh, có khi mất cả tính mạng trong chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, hùm beo thú dữ, bệnh tật và cả mọi thế lực thù địch khác để cho đất nước trù phú như ngày hôm nay. Chính trong cảnh vật lộn sinh tử đó, những người xa xứ càng nhớ da diết về cội nguồn hơn lúc nào hết “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Nhưng cũng có sách in và có những người nói “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” có lẽ để vận dụng từ “ngàn năm”cho phù hợp với thời gian không gian nào đó, chứ theo di bút của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ là “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Vì “ngàn năm” tuy là khoảng thời gian dài nhưng vẫn còn có giới hạn và không rỏ xuất xứ của nỗi nhớ và chưa biểu lộ tình cảm của người xa xứ ở phương Nam. Còn “Trời Nam” là chỉ rõ một không gian bao la và một địa chỉ rõ ràng của người đi mở cõi ở phương Nam mãi mãi nhớ về Thăng Long Hà Nội .

Đọc bài thơ “Nhớ Bác” của nhà thơ chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ vào dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội ta càng thấy lòng thủy chung son sắt của người đi mở cõi nói chung và người Bình Dương-Nam Bộ hồi đó mà vẫn như mới hôm nay. Cho nên vào những ngày cả nước rạo rực đón kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, trong lòng người Bình Dương Nam Bộ chúng tôi cứ vang vọng không dứt lời thơ.

“Có ai về Bắc ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”./.

 

------------------------------

Năm 2010, nhà thơ chiến sỹ

Huỳnh Văn Nghệ được truy tặng

“Anh hùng lực lượng võ trang nhân dân”

 

(*) Năm 2010 nhà thơ chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ được tuy tặng danh hiệu “anh hùng lực lượng võ trang nhân dân”.

 

Trần Thanh Đạm


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24466465