Đất, Người Bình Dương

Tìm hiểu nghệ thuật vẽ tranh trên kiếng và nghề tranh kiếng ở Bình Dương

  • VŨ TIẾN SƠN
  • 25/07/2012

Tranh kiếng là một loại hình nghệ thuật dân gian được dân Nam bộ nói chung và người dân Bình Dương nói riêng rất là ưa chuộng. Trước đây hầu như nhà nào cũng treo một vài bức tranh kiếng nơi bàn thờ, gian nhà chính phòng khách và ngay cả nơi cửa buồng nhà ở (Kiểu nhà ba gian, hai chái theo lối kiến trúc cổ xưa ở Nambộ). Việc treo tranh kiếng ở trong nhà đã được cư dân Nam bộ cũng như người dân xứ Thủ - Bình Dương xem như đó là một nét đẹp văn hóa riêng rất độc đáo không thua kém gì  những loại hình tranh tượng khác.

Từ nghề vẽ tranh trên giấy, lụa, gỗ, các nghệ nhân nghề vẽ đã sáng tạo ra cách vẽ tranh trên kiếng. Dù kỹ thuật vẽ tranh kiếng có khó hơn, đòi hỏi người vẽ phải khéo léo và óc thẩm mỹ cao, nhất là lâu bền dễ bảo quản hơn, khi cần chỉ chùi tranh sẽ mới đẹp như vừa vẽ xong. Về kỹ thuật vẽ, tranh kiếng khác với các loại tranh vẽ thông thường là phải vẽ từ phía sau mặt kiếng vì khi vẽ xong hoàn thành tấm kiếng phải lật lại, phía không có nét vẽ mới chính là mặt chính của tranh. Vì thế khi vẽ các chi tiết đáng lẽ  phải vẽ sau cùng, ở tranh kiếng phải vẽ trước tiên. Chính với đặc điểm này đã tạo nên nét độc đáo của tranh kiếng, nó đòi hỏi sự khéo léo và tài năng của người nghệ nhân vẽ tranh trên kiếng. Khi nghề tranh kiếng hình thành lại gặp ngay sự thuận lợi nhờ sự sử dụng kiếng (thủy tinh) trở nên phổ biến, dễ tìm, dễ mua, các loại sơn màu sơn tốt kể cả sơn nước ngoài cũng không hiếm, vì thế “cùng với nghề mộc, nghề vẽ tranh kiếng cũng phát triển khá nhanh mãi đến trước năm 1945” (Sơn Nam).

Khi nói về nghề vẽ tranh kiếng truyền thống ở vùng đất Lái Thiêu – Thủ Dầu Một, nhà nghiên cứu văn hóa Sơn Nam đã cho biết: “Lái Thiêu, từ năm 1910 trở về sau, nghệ nhân người Việt đã phỏng theo kỹ thuật vẽ kiếng, lần hồi sáng tạo ra kiểu tranh thờ, định hình và phù hợp với cảnh quan của người Nam bộ, đặc biệt là người đi khẩn hoang ở đồng bằng. Hai câu liễn vẽ với màu tươi tắn, mỗi chữ Hán mang một trái đào, hoặc đóa hoa. Loại kèm theo hình con dơi ngậm trái tụi, chậu bông, con hạc… theo mô - típ của mỹ thuật Huế. Loại tranh đắt tiền thì dùng nước sơn đỏ làm nền, câu liễn gắn ốc xà cừ. Kiếng nhập cảng ở Sài Gòn giá không cao, màu vẹc ni xanh (Vernicobalt) khiến cho tranh thờ Lái Thiêu trở nên trang nghiêm, rực rỡ (…), ta gặp vài tấm tranh kiếng thờ xưa, nếu chùi kiếng, xem như mới, qua 70 năm” (Sơn Nam – 1991: Địạ chí Sông Bé, trong phần truyền thống Văn hóa, trang 345).

Nhà văn Sơn Nam còn cho biết thêm sự cải tiến tranh thời cổ theo phong cách Nam bộ trong tranh kiếng Lái Thiêu, Nghệ nhân ở lái Thiêu lại cải tiến tranh thờ tổ tiên, trước kia thờ chữ “Phước”, Chữ “Lộc”, hoặc tranh nhập từ huơng cảng với non cao, cây tùng và dòng suối. Tranh vẽ trên kiếng ra đời vui tươi hơn, có dòng sông chảy ra biển, cây phượng trổ hoa, ngôi nhà ngói. Vẫn là “cây cội nước nguồn” ở vùng văn minh sông nước phổ biến đến tận mũi cà mau…”. Ông cũng nói đến một cảnh sinh hoạt của nhóm thợ vẽ tranh kiếng tại Lái Thiêu:“Dọc theo bờ rạch Lái Thiêu, có dãy nhà chuyên vẽ kiếng, thợ chính vẽ mô hình, phụ nữ và trẻ con thì tô nước sơn sau đó thợ chính dặm lại lần chót cho hoàn chỉnh”. (Sđd trang 345).

Nghề vẽ tranh trên kiếng ở những năm đầu của thế kỷ 20, Nam bộ có 3 nơi sản xuất nhiều nhất và rất là nổi tiếng đó là : Lái Thiêu ( Thủ Dầu Một - Bình Dương), Chợ Lớn (Sài Gòn) và Chợ Mới (An Giang). Ba trung tâm này tạo thành 3 phong cách và đặc điểm riêng biệt. Mặt hàng nổi tiếng nhất của Lái Thiêu là tranh thờ tổ tiên và tranh cửa buồng Lái Thiêu đa dạng, có loại vẽ nhiều màu sắc nhưng cũng có loại chỉ vẽ màu xanh hoặc đỏ, các loại hoa văn thường cẩn ốc xà cừ. Đường nét của tranh vừa tỉ mỹ vừa cách điệu.

 

 Người thợ Lái Thiêu thường mạnh dạng dùng gam màu ngũ sắc Huế gồm các màu như: Trắng, hường, đỏ, đen, xanh dương, xanh  màu lông Két…Tùy từng loại sản phẩm mà người ta có thể  dùng mực Tàu, sơn Tây hoặc bột màu pha a dao…

Tranh kiếng ở đây rất được chú ý đến nội dung và hình thức chữ viết nên nhiều bộ tranh Lái thiêu đẹp và có ý nghĩa, tranh kiếng được treo trong nhà tạo nên nét đẹp mỹ thuật làm tôn lên vẻ đẹp sang trọng của ngôi nhà lúc bấy giờ. So với tranh kiếng của Chợ Mới (An Giang) và tranh kiếng Chợ Lớn (Sài Gòn), tranh kiếng Lái Thiêu đẹp hơn, tinh tế hơn. Đặc biệt người thợ Lái Thiêu chú ý nhiều đến thể loại tranh thờ tổ tiên, phù hợp với truyền thống thờ phụng và thị hiếu của người Việt Nam. Còn người thợ tranh kiếng Chợ Lớn thì họ thường chú trọng đến tranh Thánh Thần, tranh bài vị, cùng các hoành phi, liễn đối, tranh dùng để chúc mừng, xưng tụng thường phù hợp với tâm lý  của người Hoa.

Riêng tranh kiếng Chợ Mới (An Giang) ra đời muộn hơn, sản phẩm không được đẹp như tranh kiếng của Lái Thiêu, Chợ Lớn, nhưng nó lại có nhiều mẫu mã phong phú, đa dạng, giá thành lại rẻ hơn. Hiện nay, sản phẩm tranh kiếng Chợ Mới vẫn còn bán trên thị trường Miền Tây Nam Bộ, tuy không nhiều như xưa nhưng nó vẫn còn tồn tại.

Tranh kiếng có rất nhiều thể loại và khá phong phú như: tranh thờ Phật, Trời, Tổ Tiên ông bà, Cửu Huyền Thất Tổ…Riêng những tranh dùng để treo ở cửa buồng (Trang trí theo đặc điểm kiến trúc nhà ở Nam bộ), tranh phong cảnh, nhân vật, vật linh…Loại tranh thờ phật Trời, Tổ tiên thường treo ở bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà, thường thể hiện các đề tài như: Bức tranh hoành phi, liễn đối, chung quanh trang trí viền bằng cây trúc, cây tùng minh họa, tranh viết chữ “Phước Lộc Thọ” trên nền đỏ, xung quanh vẽ khung hình dây lá hoặc hồi văn đôi khi có thêm con bướm hay con dơi ngậm trụ chỉ. Tất cả các chữ trên tranh đều được viết bằng chữ Hán. Ngoài ra loại tranh này còn vẽ một bụi mai già bên cạnh có cây trúc, bụi mai, bụi lan, cúc…tượng trưng cho vẻ đẹp cao khiết, thanh tao. Đề tài khác hắp dẫn hơn đối với những người bình dân như tranh vẽ phong cảnh, vẽ núi non, bầu trời…Tranh cao cấp thì có một tấm liễn vẽ một cành cây có 7 bông, xung quanh có lá, có nụ, phía trên có ghi chữ Hán, loại tranh này rất đắc tiền nên chỉ có những gia đình khá giả, giàu có mới có khả năng mua sắm loại tranh này về để trang trí.

Loại tranh thờ Phật Trời Thánh thần: có khổ nhỏ, dùng để thờ Phật, Thánh, Thần, Thổ Địa…gồm có 2 loại: Tranh vẽ các vị Phật Adi Đà, Quan Âm Bồ Tát, đức ông Quan Thánh Đế Quân, Mẹ Sanh - Mẹ Độ…các bài vị (loại này chỉ có chữ, xung quanh trang trí hoa văn) thường treo trong các chùa, đình miếu…

Loại tranh thờ ông bà tổ tiên: thường được treo ở bàn thờ tổ tiên, thờ phật…loại tranh này thường được thể hiện các đề tài như: các bức hoành phi, câu đối có chữ “Trần Phủ Đường” (ghi họ tên gia chủ), “Thiện tối lạc” (ca tụng tổ tiên), xung quanh trang trí dây lá, hồi văn hoặc trang trí viền cây trúc cây tùng minh họa. Tranh viết chữ “Phước” “Lộc” “Thọ” trên nền đỏ, xung quanh trang trí dây lá hoặc hồi văn, thỉnh thoảng có thêm con bướm hoặc con dơi ngậm trụ chỉ. Tất cả các chữ vẽ trên tranh đều được viết bằng chữ Hán.

Loại tranh treo cửa buồng: Đây là loại tranh sáng tác để trang trí theo kiến trúc đặc biệt của ngôi nhà ở Nambộ. Trong gian nhà ngoài (phòng khách), bàn thờ được đặt chính diện với cửa chính, phía trước bàn thờ đặt một cái tủ lớn, một bộ bàn ghế tiếp khách, hai bên bàn thờ có hai lối đi vào trong (buồng) gọi là cửa buồng, thường treo tấm rèm hay tấm màn cửa, có hoa văn đẹp để che cửa, phía trên cửa treo tranh trang trí. Tranh kiếng cửa buồng thường có kích thước cỡ 0,9m X 0,6m. Tranh cửa buồng vẽ theo đề tài “Loan phượng hòa minh” (tượng trưng cho sự giàu có sang trọng).

Loại tranh tứ bình, phong cảnh, nhân vật và vật linh: Một tranh tứ bình gồm 4 tấm treo trên vách để trang trí. Ngoài cảnh trời mây, sông núi thường vẽ các đề tài phổ biến như “Mai Lan Liên (Sen) cúc” tượng trưng cho 4 mùa trong năm, “Bát Tiên quá hải” (Tám Tiên vượt biển), “Tứ hùng”(vẽ 4 con mãnh thú: Cọp, Báo, Sư tử…Ngoài ra cũng có tranh đề tài 4 bó hoa (loại hoa phương Tây) hoặc những đàn hạc lội ven sông…(loại tranh này mô phỏng như tranh ở phương tây) xuất hiện muộn hơn, thích hợp cho các nhà ở nơi thành thị, .

Tranh kiếng thường được sản xuất theo kiểu gia đình, các gia đình thường tập trung thành xóm nghề. Sản phẩm thường làm theo đơn đặt hàng hoặc tự bán cho lái buôn. Trong một xưởng vẽ tranh thường có năm bảy thợ, trong đó thường có một người giỏi tay nghề chỉ huy và am tường về kỹ thuật và phân công cho thợ chuyên môn, thợ phụ để hoàn chỉnh một bức tranh.

Tranh kiếng Lái Thiêu không chỉ được tiêu thụ rộng rãi ở khắp miền Nam, mà còn mở rộng ra các vùng lân cận như miền Trung và nước bạn Campuchia.

Trong khoảng thời gian khá dài tranh kiếng nói chung, đặc biệt là tranh kiếng Lái Thiêu của Bình Dương trước đây đã được phổ biến rộng rãi ở không chỉ trong các gia đình khá giả, quý tộc mà đến cả số cư dân nghèo ở nông thôn. Đây là nghề thủ công truyền thống đã giữ một vai trò khá quan trọng trong việc giải quyết đời sống kinh tế dân sinh của một bộ phận làm nghề và liên quan đến nghề vẽ tranh trên kiếng, vừa đáp ứng được nhu cầu văn hóa về thẩm mỹ trang trí nhà cửa cũng như nơi bàn thờ cúng tổ tiên của cư dân địa phương và các vùng lân cận. Tiếc thay hiện nay nghề thủ công truyền thống nói trên không còn phù hợp với thời đại  nữa. Nghệ thuật vẽ tranh trên kiếng chỉ còn lưu lại dấu vết trong các Đình Chùa, nhà cổ, hoặc ở một số xe bánh mì, xe hủ tiếu cổ của người Hoa. Rất nhiều người thật là núi tiếc và thậm chí họ còn mong ước sự phục hồi của nghề vẽ tranh kiếng cũng như vẻ đẹp của một bức tranh kiếng được trang trí làm tô điểm thêm cho ngôi nhà.Việt.

 Có thể nói nhu cầu về văn hóa là rất cần thiết, nhưng cách thể hiện và đáp ứng ấy thường thay đổi theo thực tiễn của cuộc sống và thị hiếu thẩm mỹ của xã hội, thực tế với từng thời điểm của cuộc sống xã hội mà phù hợp. tranh kiếng cũng không nằm ngoại lệ những trường hợp như thế. Nay nghề thủ công truyền thống này không còn tồn tại nữa mà nó đã đi dần vào trong sự mai một lãng quên. Lý do thì có nhiều đấy nhưng nguyên nhân chủ yếu có lẽ là do chiến tranh, nhất là sau 1945 phần lớn là do nhà cửa ở vùng nông thôn đều bị hủy hoại. Mặt khác, thị hiếu về tranh thờ, tranh trang trí của nhân dân có nhiều thay đổi, trong khi các loại tranh vẽ, ảnh chụp truyền thần, chân dung phong cảnh ngày càng tiến bộ hơn, mang lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn. Tranh kiếng có vẻ như bị lạc hậu với thời đại nên không được người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng. thiết nghĩ để phục hồi lại nghề thủ công truyền thống này, nên chăng cần có sự cải tiến và đổi mới gì đó thì chắc sẽ có cơ hội để đi vào đời sống văn hóa cũng như thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng mà thôi./.

 

 

 

                                                                                                                                V.T.S

                                                                                                          (Sở NN & PTNT tỉnh Bình Dương)

 

                                                                                                                     Số ĐT: 0983614039.

                                                                                                               Số tài khoản: 711A27085701.

VŨ TIẾN SƠN


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24466525