Lịch sử Việt Nam

KHU DI TÍCH ĐỀN CHÓT MẠT (HUYỆN TÂN BIÊN, TỈNH TÂY NINH)

  • Nguyễn Tuấn Anh
  • 04/07/2023

Di tích thuộc văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo tại tỉnh Tây Ninh rất đa dạng, bao gồm dấu vết cư trú (huyện Bến Cầu, thị xã Trảng Bàng), tượng thần Vishnu (huyện Châu Thành, huyện Tân Biên), bệ thờ bằng sa thạch, đồ gốm, gạch …Và đặc biệt hơn hết chính là 2 khu đền cổ thuộc niên đại thế kỷ VIII là đền Chót Mạt (ấp Xóm Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên) và đền Bình Thạnh (ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, thị xã Trảng Bàng). Cùng với đền Vĩnh Hưng (ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) hai khu đền cổ Chót Mạt nói trên là những kiến trúc đền cổ hiếm hoi thuộc văn hóa Óc Eo còn sót lại gần như nguyên vẹn tại Nam Bộ. 

1. Quá trình khai quật và bảo tồn di tích đền Chót Mạt

Một trong số những phát hiện lớn tại Tây Ninh chính là kiến trúc đền Bình Thạnh (phát hiện năm 1886) và đền Chót Mạt (phát hiện năm 1909). Chót Mạt là tên của một con suối và 1 khu rừng nhỏ cách đền 2 – 3km về phía Tây.

Hình 1. Mặt phía Đông đền Shiva.

Hình 2. Đền Vishnu đã bị đổ hoàn toàn.

Theo báo cáo số 09 năm 1909 của Henri Parmentier (Trưởng ban Khảo cổ của trường Pháp ở Viễn Đông) trong Khảo sát kiến trúc tỉnh Tây Ninh (Nam Kỳ) , vùng đất Tân Biên, Tây Ninh đầu thế kỷ XX vẫn là một vùng rừng rậm với các đầm lầy ngập nước quanh năm . Dân cư vùng này đã trình báo lên chính quyền về cụm đền cổ gồm 2 đền theo hướng Đông. Đền phụ hướng Bắc đã bị sụp đổ hoàn toàn, trong phế tích đền phụ người ta tìm thấy 1 tượng thần Vishnu. Đền chính trung tâm còn khá nguyên vẹn . Ngoài ra, Parmentier còn mô tả khu đền được bao bọc bởi 1 khe nước khá hẹp, có thể là một con kênh theo hướng Đông Nam . Gần 30 năm sau (1938), một người Pháp là Henry Mauger đã đến và tiền hành tu sửa, gia cố ngôi đền chính bằng cách xử lý các vết nứt dọc thân đền. 


Hình 3. Bản vẽ mặt phía Tây và sơ đồ khu đền Chót Mạt của H. Parmentier năm 1909.

Trong suốt thời gian chiến tranh, quá trình bảo tồn khu đền bị bỏ ngỏ cho đến tháng 11/1988, Trung tâm nghiên cứu khảo cổ - Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với Bảo tàng tỉnh Tây Ninh tổ chức khảo cổ thám sát khu đền và trùng tu đến tháng 12/1999. Sau đó việc đào thám sát tiếp tục được tiến hành nhằm khảo tả về cấu tạo địa chất dưới chân đền. Năm 1993, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để trùng tu, phục chế 2 đền cổ Chót Mạt và Bình Thạnh trở lại hiện trạng ban đầu của đền cổ xưa; đồng thời ra Quyết định số 937/QĐBT ngày 23/7/1993 công nhận đây là di tích lịch sử - văn hóa.

Đến tháng 9/2013, Sở Văn Hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh hoàn thành công trình tu bổ, tôn tạo lần 2 di tích đền cổ Chót Mạt và Bình Thạnh với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng . Tháng 7/2016, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Tây Ninh ban hành quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, theo đó khu di tích đền Chót Mạt thuộc quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh . Đến tháng 11/2019, UBND tỉnh tiếp tục ban hành quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn, đền Chót Mạt trở thành di tích cấp quốc gia và do UBND huyện Tân Biên trực tiếp quản lý . Ngày nay, khu di tích đền Chót Mạt trở thành một địa chỉ thu hút sự quan tâm của du khách khi đến Tây Ninh.

Kể từ khi xuất hiện trong những ghi chép của người Pháp cho đến nay đã hơn 1 thế kỷ, khu đền Chót Mạt đặc biệt được quan tâm tôn tạo, tu sửa, phục dựng và bảo tồn liên tục sau khi đất nước thống nhất. Việc này có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị của di tích, đặc biệt là những di tích khảo cổ. Mặc dù vậy, những giá trị về lịch sử và văn hóa của khu đền Chót Mạt vẫn chưa được nhìn nhận rộng rãi, nhiều nhầm lẫn sai lạc cho rằng đây là đền cổ thuộc văn hóa Chăm-pa, di tích chưa thật sự được biết đến rộng rãi. Chính vì vậy, cần có những nhìn nhận chuẩn xác về giá trị lịch sử và văn hóa của khu đền cổ có niên đại 1300 năm tuổi này.

2. Giá trị lịch sử và văn hóa của khu đền Chót Mạt

Nhìn lại quá trình lịch sử của khu di tích đền Chót Mạt và những nỗ lực bảo tồn di sản của chính quyền địa phương trong suốt nhiều năm qua. Có thể nhận thấy giá trị to lớn của các di tích khảo cổ hiện đang còn tồn tại mang lại cho các thế hệ tiếp nối về việc nhận thức đúng đắn những di sản vật chất và tinh thần của những nền văn hóa cổ. Việc xác định niên đại khu đền Chót Mạt vào thế kỷ VIII là minh chứng vững chắc cho sự tiếp nối nền văn hóa Óc Eo trong giai đoạn hậu kỳ. Có thể nhận thấy được giá trị lịch sử lớn lao của di tích đền Chót Mạt khi xuyên suốt hàng thế kỷ vẫn tồn tại, việc xác định niên đại của di tích còn góp phần khẳng định quan trọng phạm vi ảnh hưởng của văn hóa Óc Eo, nói rộng ra là những giá trị mà vương quốc cổ Phù Nam để lại dù đã suy tàn 1 thế kỷ trước đó. 

Khu đền Chót Mạt hiện nay có thể nhận thấy 2 bộ phận là đền chính thờ thần Shiva đã được phục hồi (hình 1) và nền đền phụ thờ thần Vishnu đổ nát (hình 2). Đền Shiva với phần chân đền rộng, dày, đỉnh đền nhỏ dần khi lên cao, không có chóp, được cấu trúc thành 3 tầng chính theo hình bình vuông với chiều cao gần 10m. Trên bình diện vuông mỗi cạnh dài 6,6m, lòng đền là một hình chữ nhật rộng 3,03m, dài 3,53m; xung quanh chân đền là một bệ đền cao 0,35m với 2 tầng đồng dạng chồng lên nhau, sân đền được lát gạch tương tự với loại gạch xây đền .

Đền Vishnu bị sụp hoàn toàn, hiện trạng chỉ là một nền đền với các nền tường gạch đã đổ, tuy nhiên vẫn có thể nhận diện rõ cửa đền hướng về phía Đông như đền Shiva, đây là hướng mặt trời mọc, trong ngôi đền đã đổ các nhà khảo cổ tìm thấy tượng thần Vishnu. Ngoài việc phát hiện ra tượng thần Vishnu, khu vực đền Chót Mạt hiện trưng bày 6 bệ Yoni bằng đá (hình 6), không có Liga. Cách chân gò đền về phía Đông 32m có bàu nước hình chữ nhật (dài 85m Đông Tây, rộng 57m Bắc Nam), có bờ đất bao bọc phía ngoài. Nếu tính cả bờ đắp thì bàu có dạng 3 hình chữ nhật lồng nhau, ở giữa có dấu vết của một đường tròn. Bàu này được nối liền với gò đền bằng con đường đất dài 32m, rộng 7m. Cách gò đền về phía Nam 30m cũng có một gò đền nhỏ, tạo thành một bình diện kiến trúc đền hoàn chỉnh . Như vậy có thể nhận định rằng: Quần thể Chót Mạt bao gồm 1 đền Shiva, 1 đền Vishnu, 1 bàu nước (chúng tôi đoán định là Ao Thần), 1 con kênh đào và 1 gò đền nhỏ. Tổng thể đền thờ thần Shiva và Vishnu tại Chót Mạt cùng với những cụm di tích khác thuộc trung tâm tôn giáo Bình Tả đã phản ánh rõ nét những ảnh hưởng mạnh mẽ của tinh thần Hindu đến khu vực thuộc phạm vi ảnh hưởng của văn hóa hậu Óc Eo tại vùng cao từ thế kỷ VII-VIII.

 

Hình 4. Mặt phía Tây của đền chính.

Hình 5. Mặt phía Nam của đền chính.

Về cấu trúc hiện tại của khu đền Chót Mạt, ngày nay chỉ có ngôi đền Shiva đã được phục dựng dựa trên những ghi chép của Henri Parmentier và các nghiên cứu của các nhà khoa học, ngôi đền chính này với 4 mặt hướng về 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc:

- Mặt chính diện phía Đông (hình 1), là lối vào duy nhất của đền với một cửa cùng họa tiết lá, hoa mềm mại trên mi cửa chạm khắc rất công phu; ở mặt chính diện phía Đông này có thể dễ dàng nhận thấy những đồ án hoa văn trang trí lặp lại với hình dạng hoa, lá, dây, chấm tròn, hình khối. Hai trụ cổng hình trụ được cách điệu bằng những dây buộc tròn tạo cảm giác vững chãi; bên trên 2 trụ là điêu khắc hình mặt người trên nền hoa, lá; trên cùng là tượng chạm nổi một người (hoặc thần) đang trong tư thế ngồi. Đây là mặt chính hướng về phía mặt trời mọc, dẫn vào cửa đền chính là các bậc thang bằng đá được đặt trên 1 nền gạch, dẫn lên nền gạch là 1 tam cấp được lát bằng loại gạch như loại gạch xây đền.

- Mặt phía Tây được phục dựng trên một tường đền bị hỏng nặng (hình 4). Với 2 trụ cửa “giả” kín hoàn toàn, cùng hoa văn hoa, lá; 2 mặt người chạm nổi như ở mặt phía Đông và hình ảnh chạm nổi 2 người ở phía trái và phải trong tư thế đứng:

+ Hình người chạm nổi bên trái: Trong tư thế đứng khỏe khoắn, tay phải đặt lên trên ngực trái, mặt hướng về phía trước, tay cầm vũ khí (đinh ba?), quấn xà rông hoặc sampot bó sát mông, cởi trần, có dây buộc ngang bụng.

+ Hình người chạm nổi bên phải: Trong tư thể đứng khỏe khoắn, phần lưng hướng về phía trước, chỉ thấy nửa khuôn mặt với chi tiết đeo hoa tai lớn, tóc dài đến giữa lưng, tay cầm vũ khí, trang phục giống phù điêu bên trái.

- Mặt phía Nam (hình 5) và phía Bắc với họa tiết được phục dựng như mặt phía Tây với cửa giả; đồ án hoa, lá; mặt người; một người ngồi trên cùng; phù điêu 2 người ở phía trái và phải như mô tả ở mặt phía Tây .

Bên trong đền hiện tại không thấy có tượng thần hay bệ thờ Linga – Yoni, theo đoán định của chúng tôi rất có thể bệ thờ hoặc tượng thần đã bị đánh mất, các đền cùng niên đại còn hiện diện như Bình Thạnh, Vĩnh Hưng vẫn còn bệ thờ Linga – Yoni bên trong đền. Linga là một biểu tượng thờ cúng phổ biến của thần Shiva. Linga cũng là một trong 12 biểu tượng của thần Shiva, như vậy ngôi đền chính hiện tại rất có khả năng là ngôi đền Shiva còn ngôi đền phụ đã đổ là đền Vishnu. Về loại hình đền thần Hindu giáo, đền Shiva Chót Mạt thuộc loại đền có cấu trúc gạch, đá trong tư thế thần đang ngồi (hình 7). Những dạng đền này xuất hiện khá phổ biến trong các kiến trúc Óc Eo và Champa, tiêu biểu cho tinh thần Hindu, đồng thời gợi ra những khả năng tiếp nhận, ảnh hưởng qua lại trong nghệ thuật xây dựng và tạo tác đền thờ.

Từ những giá trị nghệ thuật kiến trúc đạt đến trình độ cao trong quá trình tạo tác và xây dựng đền, kỹ thuật xây mài chập với những viên gạch đất sét nung sẵn sử dụng chất kết dính là nhớt thực vật, đền được điêu khắc ngay sau khi xây  những điều này cho thấy rõ trình độ xây dựng đền và điêu khắc đạt đến đỉnh cao của nghệ nhân, thợ thủ công xây dựng trong mười thế kỷ đầu Công nguyên. Qua đó phần nào hình dung được đời sống văn hóa của cư dân thời kỳ hậu Óc Eo tại vùng đất Tây Ninh. 

Bên cạnh hoạt động nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt cá trên sông,…) người dân vùng này còn đạt đến trình độ cao trong tạo tác phù điêu, hoa văn và kỹ thuật xây dựng đền. Dựa trên những phù điêu hình người được tạo tác trên đền Chót Mạt, phần nào hình dung rõ hơn về trang phục, kiểu tóc, vũ khí, trang sức của cộng đồng dân cư đương thời, những phù điêu trang trí này mang đậm dấu ấn văn hóa Óc Eo và khác biệt hoàn toàn so với các đồ án trang trí trên các đền Chăm cùng thời kỳ. Đời sống vật chất phong phú được khắc họa rõ nét thông qua những họa tiết trang trí, hoạt động trồng trọt đóng vai trò quan trọng với nhiều loại hoa màu chứng tỏ việc tận dụng các nguồn lợi từ thiên nhiên nơi vùng cao. Hòa mình vào bối cảnh chung đời sống cư dân của trung tâm tôn giáo Bình Tả, đời sống dân cư khu vực Tân Biên với các hoạt động nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp đạt được những bước tiến rõ nét trong những thế kỷ đầu Công nguyên.

Cùng với những kiến trúc cổ thuộc văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo tại Nam Bộ, khu đền Chót Mạt còn mang vóc dáng với những đường nét cơ bản của biểu mẫu Ấn Độ và của các kiến trúc cùng thời đại trong các văn hóa khảo cổ khác ở Đông Nam Á . Với tính thống nhất và đa dạng trong kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và bố cục, có thể khẳng định sự giao lưu học hỏi và sáng tạo rất đặc biệt của những nghệ nhân trong giai đoạn lịch sử này.

 

Hình 6. Những bệ thờ Yoni bằng sa thạch.


Hình 7. Dạng đền như tư thế thần đang ngồi

Với đời sống vật chất phong phú, cũng như những cư dân Óc Eo khác, đời sống tinh thần của dân cư nơi đây phản ánh sự phát triển nhất định của văn hóa và xã hội đương thời, những giá trị tinh thần của khu đền cổ cũng mang một tầng ý nghĩa quan trọng trong đời sống hàng ngày, bổ túc thêm những chứng cứ rõ nét cho sự ảnh hưởng rộng lớn của Hindu giáo đối với khu vực đồng bằng Nam Bộ.

Khu đền Chót Mạt mang chức năng của một cụm đền thờ thần trong truyền thống Hindu giáo, pho tượng thần Vishnu và các bệ đá Yoni (Linga-Yoni tượng trưng cho thần Shiva) còn sót lại giúp khẳng định đời sống tâm linh của cư dân hậu Óc Eo và những ảnh hưởng rõ rệt của văn minh Ấn Độ, người nghệ nhân nơi đây bằng quan sát và đôi tay khéo léo của mình đã mô tả chân thật những phù điêu hình người hoặc thần linh, hộ pháp (dvarapala) một cách độc đáo . Sự kết hợp độc đáo qua tượng thần Shiva và Yoni được tìm thấy tại Chót Mạt cho thấy quan niệm sống rất công bằng (thần Vishnu bảo hộ, thần Shiva hủy diệt) và mong muốn được thần linh che chở.

Khu đền được xây dựng trên một gò đất cao ráo, có một khe nước bao quanh (ngày nay không còn). Đền đóng vai trò là một Linga, nền đền tượng trưng cho Yoni, khe nước chảy xung quanh kết hợp tạo nên đầy đủ yếu tố phồn thực vốn rất dễ bắt gặp trong tín ngưỡng chung cư dân nông nghiệp trồng lúa nước với mong muốn đủ đầy, sinh sôi nảy nở. Bên cạnh những chạm khắc về hình người hoặc thần linh, những họa tiết hoa, lá uyển chuyển với bố cục cân xứng cho thấy lối sống gần gũi với thiên nhiên, chủ đề thiên nhiên và con người cùng thần linh được kết hợp một cách hoàn hảo trong toàn bộ những họa tiết trang trí trên đền Chót Mạt. 

Khu đền Chót Mạt cũng như những đền Hindu khác tại Nam Bộ không nằm ngoài khả năng là nơi quy tụ đông đảo cư dân đến để thực hiện chức năng tôn giáo, ngoài việc mang ý nghĩa là những công trình dâng cho các vị thần chủ của Hindu giáo, khu đền còn là nơi thực hiện những nghi lễ tôn giáo, đời sống nơi thiên nhiên hoang dã vùng cao với nhiều thử thách, niềm tin vào thần linh là “liều thuốc tinh thần” xoa dịu những hiểm nguy từ thiên nhiên, góp phần ổn định, kết nối và quy tụ cư dân lại với nhau. 

Như vậy có thể nhận định khu đền Chót Mạt là nơi tổng hòa các yếu tố lịch sử và văn hóa độc đáo còn sót lại của một nền văn hóa từng phát triển rực rỡ tại Nam Bộ, cùng với những di tích khác tại Nam Bộ trong những thế kỷ đầu Công nguyên, nơi đây là di tích khảo cổ tiêu biểu thể hiện rõ tổng hòa đời sống vật chất và tinh thần của cư dân thuộc chi lưu sông Vàm Cỏ Đông. Những giá trị lịch sử và văn hóa của khu đền Chót Mạt cần được nhìn nhận và lan tỏa rộng rãi để góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản.

3. KẾT LUẬN

Khu đền Chót Mạt là di tích mang giá trị lịch sử và văn hóa quan trọng, đây là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của cư dân Đông Nam Bộ với sức sáng tạo tài hoa, điêu luyện trong kỹ thuật thiết kế, xây dựng đền thờ. Thông qua niên đại và quá trình khám phá, bảo tồn có thể nhận thức giá trị lịch sử của khu đền. Về mặt tinh thần, khu đền chiếm một phần quan trọng trong nhận thức về đời sống tôn giáo của cộng đồng dân cư vùng Đông Nam Bộ cách đây hơn 10 thế kỷ. Nơi đây là minh chứng sinh động cho đời sống tinh thần phong phú của cư dân vùng cao trước những ảnh hưởng mạnh mẽ của Hindu giáo bên cạnh Phật giáo đến khu vực này, bổ sung cho những chứng cứ về sự lan tỏa mạnh mẽ của trung tâm tôn giáo Bình Tả, đồng thời gợi mở phạm vi ảnh hưởng sâu rộng của tinh thần Hindu đối với dân cư quần tụ tại thượng lưu sông Vàm Cỏ Đông. Mặc khác, sự dung hòa các yếu tố văn hóa bản địa, những ảnh hưởng của các nền văn hóa bên ngoài thể hiện sự giao lưu văn hóa, sự cộng sinh giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. 

Hệ thống đền cổ thuộc văn hóa Óc Eo tại Nam Bộ còn tồn tại với số lượng ít, hoặc chỉ còn dưới dạng nền. Việc tôn tạo, phục hồi khu di tích đền Chót Mạt mang những ý nghĩa vô cùng to lớn. Góp phần khẳng định giá trị lịch sử và văn hóa của di tích, giáo dục ý thức trân trọng, tinh thần gìn giữ những di sản hiếm hoi còn sót lại trước sự tàn phá của thiên nhiên và con người. ./.

Nguyễn Tuấn Anh


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24436580