Đất, Người Bình Dương

Một cái nhìn về Thủ Dầu Một 100 năm trước

“Thủ Dầu Một xưa qua địa chí 1910 và bưu ảnh” là ấn phẩm do Hội Khoa học lịch sử Bình Dương xuất bản đầu tháng 8-2007. Ngay trong phần giới thiệu, những người thực hiện cũng đã nêu rõ là “cung cấp cho người xem một cái nhìn đầy đủ và sinh động hơn về lịch sử Thủ Dầu Một, những ngày đầu thực dân Pháp thiết lập sự cai trị ở Việt Nam”.

Vâng, những ai muốn tìm tòi, khám phá về vùng đất Thủ Dầu Một xưa, có lẽ khi đọc bản dịch nguyên bản tập Địa chí Thủ Dầu Một 1910 và xem hết bộ sưu tập 100 bức ảnh xưa về vùng đất và con người Thủ Dầu Một đều có thể định hình cho riêng mình một cái nhìn về Thủ Dầu Một của 100 năm trước.
Cùng với 6 tập san khoa học lịch sử xuất bản định kỳ, bản dịch và tái bản cuốn Lưu Hương Diễn Nghĩa Bảo quyển, tập sách “Thủ Dầu Một xưa qua địa chí 1910 và bưu ảnh” là ấn phẩm thứ 8 do Hội Khoa học lịch sử Bình Dương xuất bản. Ngoài nỗ lực của những người thực hiện, sự đóng góp nhiệt tình của tất cả hội viên, Hội Khoa học lịch sử Bình Dương chân thành cảm ơn sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể về tinh thần, kinh phí đối với các hoạt động của hội nói chung và việc xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu khoa học nói riêng.
Ngay trong bản Địa chí Thủ Dầu Một 1910, đã cho người đọc hiểu rõ về diện mạo kinh tế - xã hội Thủ Dầu Một hơn 100 năm trước. Từ nguồn gốc tên gọi Thủ Dầu Một, ranh giới, tỉnh lỵ, đặc điểm hành chính… đều được giới thiệu, chú giải rõ ràng, dễ nắm bắt. Hệ thống giao thông, kinh tế công nông nghiệp, thương mại được khái quát cụ thể đặc điểm của từng ngành. Những mặt khác của xã hội như giáo dục, y tế… đều được thể hiện chi tiết.
 Một góc nhìn lý thú dễ nhận ra thông qua ấn phẩm đó là ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, diện mạo kinh tế - xã hội Thủ Dầu Một khá sáng sủa, đặc biệt là công nghiệp - thương mại - và nông nghiệp. 100 năm trước, Thủ Dầu Một đã có tới 40 lò gốm, Lái Thiêu là trung tâm phát triển. Bên cạnh ngành mía đường cũng có một số nhà máy, tuy nhiên công nghệ chế biến chỉ ở mức thô sơ… Một điều thú vị trong kinh tế nông nghiệp, ngay từ năm 1909, Thủ Dầu Một đã có tới 200.000 ha cao su, đó được coi là thế mạnh mà hiện tại tiềm năng cây cao su vẫn tiếp tục được khai thác. Giao thông cũng khá thuận lợi, đường bộ, đường thủy và đường hỗn hợp (đường bộ kết hợp đường thủy) đã góp phần quan trọng thúc đẩy giao thương phát triển.
Phần hai của ấn phẩm là bộ sưu tập 100 bức ảnh về đất và người Thủ Dầu Một xưa. Đây là bộ sưu tập công phu, giàu tâm huyết của Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Bình Dương. Thông qua bộ sưu tập này, người xem đã có một cái nhìn rõ nét về con người, trang phục, nhà cửa, làng nghề, bến chợ… của Thủ Dầu Một xưa. Rất nhiều bức ảnh về các công trình kiến trúc tiêu biểu mà đến hôm nay vẫn hiện hữu. Tất cả đã cho thấy, 100 năm trước Thủ Dầu Một đã là một vùng đất khá phát triển, văn minh. 
Tìm đọc - xem ấn phẩm để hiểu phần nào về Thủ Dầu Một xưa, có lẽ là mong muốn của nhiều người.
 
LÊ CẢNH HƯỞNG (Giới thiệu)
 
Một cái nhìn về Thủ Dầu Một 100 năm trước // Lê Cảnh Hưởng giới thiệu //http://www.baobinhduong.org.vn/detail.aspx?Item=28099 (Báo Điện tử Bình Dương)

Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24401562